Các hoạt động

[40 NĂM XUNG KÍCH BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - KÌ CUỐI]: VĨ THANH


13-10-2020

Hướng tới Lễ kỉ niệm 40 năm đội TNXK Trường ĐHSP Hà Nội tham gia giữ gìn biên giới phía Bắc, CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (HPT) xin trân trọng gửi đến quý thầy cô cùng độc giả loạt bài viết về sự kiện lịch sử này.

KÌ 5: VĨ THANH

Mặt trận sẽ chẳng còn là một nỗi hình dung
Ngày mai ta đi về phương 
súng nổ.
Mai ta đi
Đất nước thêm một người 
lính trẻ
Đồng đội thêm một mũi AK trên điểm chốt
Rừng biên cương thêm một giọng cười
 (1)

Người ta thường nói: thời gian sẽ xoá mờ tất cả. Những ngày tháng 3 đỏ lửa năm nào đã lùi xa chúng ta gần nửa thể kỷ, và bụi thời gian đã phủ mờ lên biết bao sự kiện. Nhưng rõ ràng, thời gian chẳng thể nào làm phai nhạt dù chỉ là một vụn nhỏ kí ức và xúc cảm trong trái tim, trong tâm trí của những con người ấy - các Cựu thành viên Thanh niên xung kích khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Họ chính là những cán bộ trẻ, những sinh viên tuổi 19, đôi mươi tình nguyện khoác ba lô lên đường ra mặt trận vào những tháng ngày nóng bỏng nhất của chiến tranh Biên giới hồi tháng 3/1979, mà lịch sử đã gọi họ bằng cái tên thân thương: “Những người góp lửa”.

Vào một buổi trời xuân se lạnh hoà cùng những cơn mưa, chúng tôi tìm đến với các thầy cô, những người cha, người chú, và cũng là những bậc Tiền bối của Khoa Văn. Chưa một lần gặp nhau, lại chỉ có cơ hội trao đổi qua điện thoại, vậy mà chỉ bằng một lời giới thiệu ngắn ngủi: “…con đến từ Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội” là các bác vui lắm, vì đều là “người nhà với nhau” cả mà! Một tiếng đồng hồ không bao giờ là đủ. Gác máy rồi mà có những lúc chợt nhớ ra chuyện gì, nhiều bác còn gọi lại, kể thêm, vì cái gì cũng đáng nhớ, cái gì cũng đẹp, không muốn để sót bất cứ điều gì.

“Mọi thứ bắt đầu từ ngày 17/2…”, thầy Nguyễn Viết Hưng, Đoàn phó đội Xung kích Khoa Ngữ văn, đại diện trường ĐHSPHN ngày ấy bồi hồi nhớ lại.

Kỷ niệm cứ thế hiện lên, chảy trôi theo dòng kí ức: từ buổi mít tinh trước ngày lên đường do thầy Phạm Đăng Dư, Bí thư đoàn trường dẫn đầu, đến những bức tâm thư rực lửa của 33 Cán bộ, sinh viên, đi bằng tàu hoả lên Thái Nguyên, rồi theo đường 1B hướng về phía biên giới Lạng Sơn. Điều dễ dàng nhận thấy qua giọng nói của thầy, là sự nhiệt huyết, sự phấn chấn được cống hiến sức mình vào cuộc chiến đấu của dân tộc: “đều là dân thường nhưng chúng tôi sẵn sàng thay thế vị trí bộ đội bất cứ lúc nào, lái xe, rồi cầm súng cũng được, à còn biểu diễn văn nghệ nữa!”, thầy Hưng hào hứng.

Trong chuyến đi tới các đơn vị, các bản làng mặt trận biên giới hồi ấy, đội TNXK khoa Ngữ Văn, trường ĐHSP HN đã biểu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội và đồng bào biên giới 42 buổi. Thầy Thiện với chiếc cooc - đi - ông, đệm đàn, đệm sáo cho các “cứ tạm gọi là ca sĩ đi”, thầy Hưng dí dỏm, là cô Dung, cô Kim Anh, thầy Quang Thái… cất lên những tiếng ca được nhiều cán bộ chiến sĩ nhớ đến tận ngày hôm nay.

Nhiều kỉ niệm đẹp lắm, nhưng đã là chiến tranh thì phải có hi sinh: “…nhớ nhất là các hố chôn tập thể của bộ đội, rồi các vũng máu. Mà không phải vũng máu đâu phải gọi là ao máu, chỗ thì nó thâm đen, chỗ thì nó đỏ hồng rải rác ở khắp nơi. Mà đi đâu thì phải có công cụ dò mìn, thằng Tàu nó rải mìn ở khắp nơi…”. Khó khăn cũng có, “khổ nhất là lên đấy mới biết là xác chết chưa kịp thu dọn chiến trường nó mùi nó thối quá, cứ ăn đến đâu nôn hết đến đấy. Trong 1 tuần đầu thì ai ăn cũng nôn nhưng đến tuần thứ 2 thì không còn nôn nữa.”

Nhưng trên hết, tinh thần đoàn kết, tình người vẫn là thứ vượt lên trên tất cả. Bởi, có những bà mẹ Việt Nam tuổi đã cao nhưng sẵn sàng chở bè đưa bộ đội vượt sông Kỳ Cùng đuổi giặc; có những gói xôi nóng hổi của đồng bào các dân tộc trong vùng chiến sự tiếp tế xẻ chia cho bộ đội; có những hành động nhường cơm sẻ áo của chính ủy, của chỉ huy những trung đoàn với chiến sĩ, đội TNXK… Các cán bộ, sinh viên lên đó được yêu thương, chăm sóc như người nhà, như máu thịt: “Tướng Đàm Quang Trung ra lệnh tạo điều kiện cho sinh viên lên đó. Thậm chí bộ đội thì không có cái ăn nhưng sinh viên có cái ăn, dân thì cho ngủ ở nhà sàn và cưu mang”. Chẳng có sức mạnh nào có thể đập vỡ được khối đại đoàn kết này.

Chúng ta, những Sinh viên của ngày hôm nay, chúng ta may mắn hơn những bậc cha anh ngày trước, vì chúng ta được sinh ra trong thời bình, cái hoà bình mà biết bao thế hệ người đã phải đổ máu và nước mắt mới giành lại được. Để thay cho lời kết, chúng tôi xin được trích lời từ nhật ký của cô giáo Quỳnh Liên, Cựu Cán bộ Phòng công tác Chính trị, trường ĐHSPHN: “…Cháu thấy mình đã sống một cách nhỏ bé tầm thường và vô trách nhiệm trong khi những người đầu đã bạc vẫn cầm súng chiến đấu và những người chưa kịp bước vào đời đã chiến đấu và hy sinh… Chuyến đi này đã cho cháu nhận thức rõ ràng hơn và sâu sắc hơn ý nghĩa cuộc sống để biết trân trọng hơn, quý giá hơn từng giây phút trôi qua… Sống vị kỷ là có tội với những người đã ngã xuống, là biến máu thành nước lã, là xúc phạm đến sự hy sinh xương máu của bao người…”

(1) Trích bài thơ Ngày mai ta đi của nhà thơ Trần Hoà Bình

Thực hiện: Hoàng Mai (HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)

Ảnh: Facebook cô Quỳnh Liên

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020