Các hoạt động

[40 NĂM XUNG KÍCH BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - KÌ 3]: NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI TNXK SAU 14 NGÀY TRÊN TUYẾN LỬA NĂM 1979


13-10-2020

Hướng tới Lễ kỉ niệm 40 năm đội TNXK Trường ĐHSP Hà Nội tham gia giữ gìn biên giới phía Bắc, CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (HPT) xin trân trọng gửi đến quý thầy cô cùng độc giả loạt bài viết về sự kiện lịch sử này.

KÌ 3: NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI TNXK SAU 14 NGÀY TRÊN TUYẾN LỬA NĂM 1979

Hành trình “đi về phương súng nổ” của đội TNXK Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói chung, đội TNXK Khoa Ngữ văn nói riêng kết thúc sau 14 ngày hoạt động tiếp lửa cho tiền tuyến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tốp văn nghệ của đội TNXK được ưu tiên đi ô tô, còn khoảng 20 người khác đi tàu từ Đồng Mỏ. Thầy Nguyễn Viết Hưng, nguyên là Giáo vụ Khoa, còn nhớ rõ ngày đó mấy anh em trở về trên con tàu Lạng Sơn về đến ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội) trong những toa chở hàng và đôi tay giữ chặt lấy những chiếc balo đựng đầy kỉ niệm. Công việc của họ chưa kết thúc. Một cách ngẫu nhiên, họ trở thành cầu nối giữa hậu phương và tiền tuyến. Họ mang về không chỉ khói súng của chiến trường mà còn cả những bức thư của người lính. Hai balo chất đầy thư được cho vào từng chiếc phong bì và dán tem cẩn thận, chính tay họ làm những công việc đó rồi mới mang đi gửi.

Đội TNXK biểu diễn văn nghệ phục vụ dân quân tỉnh Lạng Sơn (tháng 3 - 1979)

Ở chốn hiểm nguy và gian khổ 40 năm về trước, bất kì người lính nào cũng sẵn sàng tâm lý bước đi giữa lằn ranh sống - chết. Từng ngày, họ vẫn viết nhật kí và tất cả được cô Quỳnh Liên - lúc bấy giờ công tác ở phòng Công tác chính trị của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một trong những thành viên của đội TNXK - cất giữ rất cẩn thận. Sau khi trở về, chính cô cũng viết lại cuốn nhật kí của mình thưở nào. Đây có lẽ là ghi chép đầy đủ nhất về đội TNXK giữa khoảng thời gian đó bởi những ghi chép khác mà trước kia được ghi trên giấy bản đen giờ cũng đã mất mát nhiều. 

Sau những ngày tháng gắn bó, phục vụ Sư đoàn 337 trong những ngày đỏ lửa tháng 3/1979 của Đội TNXK Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tuổi trẻ của Trường ta và tuổi trẻ của Sư đoàn đã tổ chức kết nghĩa. Bắt đầu từ tháng 12/1979, hằng năm, cứ vào dịp kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Trường ĐHSP lại cử một đoàn đại biểu cán bộ và sinh viên lên Lạng Sơn thăm hỏi, chúc mừng và biểu diễn phục vụ sư đoàn.

Mùa hè năm 1980, thầy Phạm Đăng Dư cùng một đội công tác của trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lên Đoàn Khánh Khê. 35 con người chia làm ba tiểu đội, hai tiểu đội trực tiếp về hai trung đoàn để thâm nhập thực tế và làm mọi việc có thể để giúp đỡ các chiến sĩ như khâu vá, sửa chữa lán trại, trồng rau, hoạt động văn thể...còn một tiểu đội do cô Quỳnh Liên phụ trách có nhiệm vụ chuẩn bị một chương trình biểu diễn để đi phục vụ các đơn vị. Chỉ vỏn vẹn 9 ngày nhưng đó cũng là những hồi ức đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi thành viên.

Năm 1984, Đoàn đại biểu của trường do thầy Cương hiệu phó dẫn đầu lên thăm và chúc mừng sư đoàn nhân Ngày thành lập Quân đội.

Năm 2012, nhà bia chiến thắng của sư đoàn đã được xây dựng. Công trình nhằm ghi dấu chiến công oanh liệt của Sư đoàn và tri ân các liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc tháng 3- 1979 . Nhà bia nằm trong khu vực Cầu Khánh Khê, nơi chứng kiến những thân thương của kỉ niệm và cả những oanh liệt của chiến công mà các chiến sĩ năm nào để lại. Ngày 28/07/2012, sau khi viếng liệt sĩ tại Nhà bia tưởng niệm Sư đoàn 337 và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, sư đoàn tổ chức cuộc Gặp mặt, giao lưu “Đồng đội tôi vẫn ở Lạng Sơn”. Những cảm xúc mà chuyến đi năm nào để lại có lẽ vẫn đi về trong hồi ức của những thành viên đội TNXK để rồi khi nghe những vần thơ của nhà báo, họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Tuấn, cựu chiến binh Sư đoàn 337, ai nấy đều nghẹn ngào:

ĐỒNG ĐỘI TÔI VẪN Ở LẠNG SƠN

Đồng đội tôi ở lại Lạng Sơn

Với khoảng trời trong veo suốt bốn mùa hoa trái

Tôi đến Nà Pàn một chiều hạ cuối

Nghĩa trang xanh trên đất đỏ bồi hồi

Đồng đội tôi nằm yên nghỉ giữa đỉnh đồi

Trong nén nhang thơm trong dòng người thương nhớ

Hoa ai kết mà yêu thương đến thế

Chiều Khánh Khê gió thoảng hương hồi

Nắng Đồng Đăng và mây trắng đến vô cùng

Sông Kỳ Cùng vẫn rì rầm sóng vỗ

Như mặt bia của Chi Lăng núi dựng

Những người lính Sư đoàn

Đã lựa chọn cho mình dáng đứng

Để ngàn năm sau thao thiết lòng người

Tháng năm này sóng gió ở Biển Đông

Đất nước mình chưa một ngày yên tĩnh

Nhưng khoảng trời nơi đồng đội tôi ở lại

Vẫn xanh một sắc màu thăm thẳm quê hương

(Nguyễn Tuấn)

Lễ gặp mặt Sư đoàn 337 "Đồng đội tôi vẫn ở Lạng Sơn" (28/7/2012)

Ngày 25/7/2014, tại TP Vinh, sư đoàn 337 tổ chức gặp mặt lớn - kỷ niệm 35 năm ngày sư đoàn đi chiến đấu bảo vệ biên giới 2/1979, 36 năm thành lập Sư đoàn (28/7/1978 - 28/7/2014). Màu thời gian bạc đi trên mái tóc của mỗi người, nhưng sẽ chẳng ai nguôi quên hình ảnh của những người bạn mình thưở ấy, những giọng hát đã giúp họ bước qua ngày tháng ác liệt của chiến trường.

Và sẽ còn có nhiều hơn thế nữa những cuộc hội ngộ, để những ngày tháng anh dũng kia mãi sống cùng thời gian, để cho thế hệ mai sau biết rằng đã có một thời “tiếng hát át cả tiếng bom” như vậy. 

Lễ gặp mặt kỉ niệm 35 năm bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2014)

Thực hiện: Phương Uyên (HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)

Ảnh: Facebook cô Quỳnh Liên

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020