Các hoạt động

[40 NĂM XUNG KÍCH BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - KÌ 2]: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI TNXK BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - 1979


13-10-2020

Hướng tới Lễ kỉ niệm 40 năm đội TNXK Trường ĐHSP Hà Nội tham gia giữ gìn biên giới phía Bắc, CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (HPT) xin trân trọng gửi đến quý thầy cô cùng độc giả loạt bài viết về sự kiện lịch sử này.

KÌ 2: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI TNXK BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - 1979

Vào ngày 17-2-1979, với một lực lượng hùng hậu (điều động 32 sư đoàn bộ binh, pháo binh, với khoảng 60 vạn quân, 400 xe tăng , 1500 khẩu pháo,...), Trung Quốc chính thức mở cuộc tấn công xâm lấn biên giới phía Bắc nước ta.

Trước hành động xâm lấn ấy, quân và dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới đã đứng lên cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ chủ quyền , sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Tinh thần kháng chiến, yêu nước bao trùm lên khắp cả nước. Ban Chấp hành Trung uơng Đảng kêu gọi toàn dân, toàn quân lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc. Nghe theo tiếng gọi của non sông đất nước, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên, sinh viên tình nguyện gác lại chuyện đèn sách, tiến ra tiền tuyến tham gia cuộc kháng chiến cứu nước. Trong không khí đó, tháng 3-1979, PGS.TS Đỗ Bình Trị - Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn – Trường ĐHSP Hà Nội quyết định thành lập Đội Thanh niên Xung kích (TNXK) Khoa Ngữ văn (bao gồm một số giảng viên, sinh viên đang công tác, học tập tại Khoa), cùng với Đội TNXK Trường Đại học Sư phạm Hà Nội do thầy giáo Phạm Đăng Dư – Bí thư Đoàn trường dẫn đầu “đi về phía súng nổ” làm nhiệm vụ: phục vụ biểu diễn văn nghệ, động viên, hỗ trợ các chiến sĩ bộ đội, chuyển đến quân dân biên giới tình cảm của hậu phương. Sau khi thành lập, ngày 16-3-1979 Đội TNXK gồm 33 người khi ấy do khó khăn về phương tiện đi lại phải chia ra thành hai đoàn, một đoàn đi ô tô, một đoàn đi tàu hỏa tập kết ở Thái Nguyên rồi theo đường 1B hướng về phía biên giới Lạng Sơn.

Đội TNXK chuẩn bị xuất quân tại phòng tuyến sông Cầu, tháng 5 năm 1979 (Facebook thầy Nguyễn Bá Cường)

Ngay trên đường đi, tại Bắc Thái (nay là Thái Nguyên), đội văn nghệ đã biểu diễn phục vụ một số đơn vị thuộc Trung đoàn 197 bộ đội chủ lực địa phương vừa tham gia chiến đấu ở biên giới... Vừa đi, vừa nghỉ, vừa biểu diễn phục vụ; hành quân theo kiểu “tăng bo”, hoặc nhờ xe bộ đội, nên hơn 3 ngày ròng rã toàn đội mới có mặt tại chiến tuyến Lạng Sơn và được Sư đoàn 337 (F337) tiếp nhận. Chuyến hành trình của Đội TNXK diễn ra trong 14 ngày. Trong 14 ngày ấy Đội TNXK tới các đơn vị, các bản làng mặt trận biên giới, đã biểu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội và đồng bào biên giới 42 buổi, trung bình mỗi ngày 2-3 buổi, có ngày tới 5 buổi. Sân khấu thường là một bãi cỏ rộng, một thửa ruộng khô hay một sườn đồi; phương tiện chỉ có một chiếc loa pin. Địa điểm biểu diễn cách xa nhau, có khi phải đi bộ, rồi trèo đèo, lội suối nhưng các thành viên đều không quản ngại vượt qua gian khó. Nhiều giọng hát được các cán bộ chiến sĩ nhớ mãi, như các tiết mục của Kim Dung, Quang Thái, Cái Văn Thái, thầy Đinh Văn Thiện, Kim Anh… Nhiều bài thơ viết ngay thực địa đọc cho bộ đội vẫn giữ mãi nét đẹp hào hùng và những tình cảm nồng ấm mãi về sau… Và chuyến đi ấy thực sự mở đầu mối giao hảo tốt đẹp, lâu bền cho tới tận bây giờ giữa ĐHSP HN với Sư đoàn 337, với quân dân tuyến biên giới Lạng Sơn… 

Nói về hành trình của Đội TNXK , PGS.TS Phùng Ngọc Kiếm – nguyên bí thư Liên chi đoàn khoa Ngữ Văn , giảng viên bộ môn Lí luận văn học đồng thời cũng là thành viên trong chuyến đi chia sẻ: “ Hồi ấy, trước khi đi, các thành viên của đội cũng xác định sẵn sàng hỗ trợ bộ đội, nhân dân biên giới bất kể công việc gì. Biết chuyến đi có nhiều khó khăn, gian khổ và nguy hiểm nhưng chúng tôi đều vô cùng phấn chấn. Lúc ấy các thầy giáo, các nam sinh viên đều đã sẵn sàng cầm súng tham gia chiến đấu cùng với bộ đội, thế nên, những ai đi “chia lửa” đều hăng hái viết đơn tình nguyện để được lên đường. Và hành trang lên đường của đoàn rất giản dị là giấy bút, những chiếc đàn, hộp thuốc đánh răng, lưỡi dao cạo, bút mực, giấy viết thư, kim chỉ, xà phòng… nhưng đều mang nặng tình cảm hậu phương dành cho người đánh giặc tuyến đầu”

Có thể nói, những việc làm, hành động cụ thể của những cán bộ, đội viên Đội TNXK của Trường ĐHSP HN nói chung và đội TNXK Khoa Ngữ văn nói riêng nơi tuyến lửa biên giới cũng chính là tình cảm của tuổi trẻ cả nước, của đồng bào miền xuôi dành cho miền núi, đồng bằng dành cho miền biên viễn. Đó là nghĩa tình của hậu phương gửi về tiền tuyến, chia lửa với tiền tuyến để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Thực hiện: Văn Sỹ (HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020