Các hoạt động

[40 NĂM XUNG KÍCH BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - KÌ 1]: KHUNG CẢNH ĐẤT NƯỚC NĂM 1979


13-10-2020

Hướng tới Lễ kỉ niệm 40 năm đội TNXK Trường ĐHSP Hà Nội tham gia giữ gìn biên giới phía Bắc, CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (HPT) xin trân trọng gửi đến quý thầy cô cùng độc giả loạt bài viết về sự kiện lịch sử này.

KÌ 1: KHUNG CẢNH ĐẤT NƯỚC NĂM 1979

“Có đêm nào chật chội như đêm nay

Ngỡ sao trời cũng trẩy quân lên mạn Bắc

Ngày mai chúng ta đi

Nằm gối ba lô cứ nghe bè bạn hát...

Mặt trận sẽ chẳng còn là một nỗi hình dung

Và những yêu thương lại rập rờn phương súng nổ...”

Những ngày này, bao vần thơ tràn đầy khí thế hào sảng ấy của Trần Hòa Bình tưởng đã lùi xa vào dĩ vãng bỗng lại dội vào cõi thẳm sâu trong lòng lớp người hậu sinh. Vậy là đã 40 năm kể từ cái giây phút lịch sử súng nổ vang trời với những bước chân hừng hực tiến quân trên mặt trận biên giới Việt – Trung (17/2/1979 – 17/2/2019).

Khung cảnh đất nước Việt Nam bốn thập kỷ về trước, đối với nhiều người, chẳng thể dễ dàng nguôi quên. Tháng 2/1979, chỉ gần 4 năm sau chiến tranh chống Mỹ, khi dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc trường kỳ kháng chiến thì tiếng đạn bom lại vang dội trên bầu trời biên giới, lửa lại cháy trên khắp dải biên cương; kêu gọi toàn dân lao vào một thách thức mới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ nền độc lập, tự do. Cụ thể, từ 3 giờ 30 ngày 17/2/1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược với diễn ngôn xem đây là “cuộc phản công để tự vệ”, “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã xâm chiếm Campuchia và lật đổ đồng minh của Trung Quốc, chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Chúng sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ Việt Nam, sau đó đưa 32 sư đoàn (tương đương 600.000 quân) cùng hàng ngàn xe tăng, xe cơ giới ồ ạt tràn qua biên giới, mở cuộc tấn công với quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, kéo dài suốt một dải từ Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn đến Quảng Ninh. Cũng ngay tại thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố: “Quân và dân Việt Nam không có cách nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”. Lời kêu gọi ấy đã thổi bùng trong toàn quân và dân ngọn lửa yêu nước cháy rực, thôi thúc tất cả anh dũng đứng lên bảo vệ dáng hình thiêng liêng của núi sông. Máu đã đổ, hàng chục ngàn người đã ngã xuống nơi nẻo xa biên cương trong những ngày tháng hai và kéo dài nhiều năm sau đó, như lời tâm sự chân thành của người chiến sĩ Lê Mã Lương: “Những trận pháo kích dã man từ phía Bắc đã kéo sập hang vùi lấp nhiều đồng đội của tôi trong đó. Đến giờ các đồng chí ấy vẫn còn nằm đâu đó ở trên các sườn núi cao, vách đá tai mèo…”. Nhưng chắc chắn sau chót, cuộc chiến trường kỳ mười năm đã thêm một lần nữa khẳng định một cách chắc chắn ý chí Việt Nam, tinh thần Việt Nam – những người con cha Rồng mẹ Tiên không một sức mạnh nào bẻ gãy nổi.

Và đặc biệt nhất, không thể không tự hào về vai trò chủ chốt của hàng vạn thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố. Ngay sau khi kẻ thù mở cuộc tiến công, Chủ tịch nước và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã kêu gọi thế hệ trẻ sẵn sàng gác bút nghiên, gia nhập lực lượng vũ trang và lên đường bảo vệ Tổ quốc ở mặt trận phía Bắc. Khí thế chống giặc ngoại xâm dâng cao trong đoàn viên thanh niên tại nhiều địa phương, nhiều trường đại học, biểu thị ý chí tuổi trẻ Thủ đô và khắp cả nước. Hàng nghìn lá đơn của sinh viên - trong đó có nhiều lá đơn được viết bằng máu - liên tục được gửi đi với mong muốn được lên đường ra mặt trận. Cùng hòa trong không khí sục sôi “đi về phương súng nổ”, đầu tháng 3/1979, Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã thành lập “Đội Thanh niên Xung kích” – tập hợp một số cán bộ trẻ và sinh viên (33 người, trong đó gần 20 đồng chí là nữ) - lên đường tới Lạng Sơn, một trong những mặt trận nóng bỏng nhất thời điểm ấy. Sau đó được tiếp nhận vào Sư đoàn 337 (F337, hay còn gọi là Đoàn Khánh Khê), trở thành chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần cho những người đầu chiến tuyến. Họ đã góp sức xua tan “bầu trời mây xám” và nhận về mình những món quà trong tâm hồn: “Đi đến đâu chúng tôi đều nhận thấy những người chiến sĩ nơi mặt trận này thật giống nhau: trẻ, rất trẻ, hồn nhiên lạc quan, yêu ca hát và tình cảm rất chân thành. Khi được lên đây phục vụ chúng tôi nghĩ rằng mình phải làm sao thật tươi mát để làm dịu bớt cuộc sống nóng bỏng của chiến trường. Nhưng chính tâm hồn đẹp đẽ, trẻ trung của các anh đã làm tươi mát tâm hồn chúng tôi rất nhiều…” (trích Nhật kí của bà Quỳnh Liên - một trong những thành viên trong đội Thanh niên Xung kích năm ấy).

Khoa Ngữ Văn - trường Đại học Sư phạm Hà Nội hẳn nhiên không thể đứng ngoài không khí của một thời đại gian nguy nhưng cũng rất đỗi hào hùng đó. Thời điểm này, Giáo sư Đỗ Bình Trị đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm khoa, cùng với đó Bí thư Đảng ủy khoa là Giáo sư Thành Thế Thái Bình. Từ lúc thành lập đến năm 1979, Khoa cũng đã có bề dày lịch sử ngót 30 năm, do đó cũng phần nào giữ một vị thế vững chắc và chứng tỏ được vai trò “đầu tàu” cả nước trong công cuộc đào tạo (với hệ đào tạo chính quy, từ xa, hệ cao học,…); bồi dưỡng giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ Văn trong nhà trường phổ thông và Đại học dưới sự dẫn dắt những nhà giáo tài năng như: Đỗ Hữu Châu, Đỗ Bình Trị, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa,.. Không những thế, Khoa còn coi trọng nghiên cứu khoa học vốn có truyền thống từ trước, bao gồm khoa học cơ bản và khoa học sư phạm; tổ chức nhiều Hội nghị khoa học mang tầm cỡ quốc gia, để lại những dấu mốc quan trọng trên con đường học thuật của nước ta như Hội nghị “Đảng ta, chế độ ta và nền văn học Việt Nam”. Đồng thời, viết sách; hợp tác quốc tế hay tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội cũng không ngừng được quan tâm và thúc đẩy. Và may mắn thay, cũng trong thời kỳ tự khẳng định mình này, khoa Ngữ Văn được chọn là bến đỗ đầy kỳ vọng của những thế hệ sinh viên tài năng, vừa nổi trội trong học vấn, vừa tham gia tích cực vào công cuộc chiến đấu nơi biên giới xa xôi với những tên tuổi như: Phùng Ngọc Kiếm, Nguyễn Viết Hưng, Đinh Văn Thiện,… Những con người này chính là đại diện cho sức trẻ, trí tuệ và tương lai sáng ngời của khoa Ngữ Văn nói riêng, của thanh niên Thủ đô nghìn năm văn hiến nói chung. Tất cả chung đúc lại tạo nên truyền thống đẹp đẽ, là cú hích mạnh mẽ để đến tận bây giờ, sau khoảng thời gian 40 năm đằng đẵng, khoa Ngữ Văn vẫn không ngừng vững bước và phát triển, hoàn thiện.

Thực hiện: Ái Nghĩa (HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020