Các hoạt động

"NHỮNG CHÂN TRỜI THI CA" - VĨ THANH: CẢM XÚC VÀ LẮNG ĐỌNG


13-10-2020

Hãy cùng lắng nghe những dư âm đáng nhớ của "Những chân trời thi ca" qua lời chia sẻ của PGS. TS Đỗ Hải Phong - Trưởng Khoa Ngữ văn, nhà thơ Trần Quang Quý - Phó Chủ tịch Hội nhà văn thành phố Hà Nội, nhà thơ Trịnh Công Lộc, nhà thơ Michael Augustine (đến từ nước Đức) và các bạn sinh viên tham dự chương trình trong video phỏng vấn sau. Hi vọng rằng qua chương trình "Những chân trời thi ca", bằng sự tinh tế trong cảm nhận cuộc sống, mỗi người chúng ta lại có thể tự tìm tòi và khai phá những vẻ đẹp tiềm ẩn - "Những chân trời thi ca" - ngay trong chính bản thân mình.

"...Khi ta còn trẻ, thơ là người mẹ 

Ta lớn lên rồi, thơ là bạn, là người yêu

Chăm sóc tuổi già, thơ là con gái

Chết đi rồi, kỉ niệm hóa thơ lưu..."

 

Nghĩ về thơ, Raxun Gamzatov đã cất những vần điệu gói ghém thật đẹp, thật duyên những giá trị lớn lao của thi ca nghệ thuật đối với nhân loại. Đồng điệu với tiếng lòng của thi sĩ đến từ xứ sở Dageshtan, cũng như biết bao người yêu thơ trên toàn thế giới, Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức chương trình "Những chân trời thi ca" nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu cùng các nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện lớn nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV - Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tổ chức tại Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh vào tháng 2/2019. Với sợi chỉ đỏ xuyên suốt chương trình là thơ ca và văn hóa, "Những chân trời thi ca" đã dựng nên một không gian đậm chất thơ để tất cả những người tham dự cùng đắm mình trong bầu khí quyển trong lành của văn chương nghệ thuật. Chương trình diễn ra vào lúc 14h30 ngày 16/2/2019 tại hội trường 11/10, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Những cây bút xuất sắc đại diện cho 15 quốc gia trên khắp năm châu lục, cùng các nhà thơ, nhà nghiên cứu nổi tiếng của Việt Nam và đại diện Ban Giám hiệu, các giảng viên Khoa Ngữ văn, Khoa Nghệ thuật - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tụ họp về nơi đây để cùng làm nên "Những chân trời thi ca" đạt đẳng cấp quốc tế. Những âm vang đặc biệt của chương trình ngày hôm ấy, như có sức cuốn hút kì lạ, cứ thế giăng mắc trong trái tim những người yêu mến thơ ca.

 

Đến với "Những chân trời thi ca", người tham dự không chỉ đến với thế giới huyền diệu đến tinh vi được dựng nên bởi các nhà thơ Việt Nam và quốc tế; mà còn khám phá những bản sắc văn hóa đầy ắp "chất Việt Nam" qua các loại hình nghệ thuật phong phú. 

 

Chương trình chào đón khán giả bằng một màn trình diễn quyện hòa đắm say giữa lời hát và bài múa - tiết mục “Lời ru Âu Lạc”. Tiết mục được trình bày bởi giọng hát hào sảng khí khái đến từ tốp ca nam nữ Khoa Ngữ văn và Khoa Nghệ thuật, với điểm nhấn là phần dàn dựng bài múa công phu, giàu giá trị biểu tượng trong từng động tác biên đạo của đội múa gồm các sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư của Khoa Ngữ văn. Một nỗ lực đáng trân trọng của tập thể sinh viên Khoa Ngữ văn - những người trẻ của thế hệ mới đã hướng vọng về tổ tiên và thể hiện niềm tự hào dân tộc trên sân khấu quốc tế. "Lời ru Âu Lạc" như lời nhắc nhở thiêng liêng với mỗi người Việt Nam, rằng: "Chúng ta là Con Rồng Cháu Tiên" - và đây cũng chính là lời giới thiệu đầy tự hào mà con Lạc cháu Hồng gửi đến bạn bè năm châu về nguồn cội cao quý của dân tộc mình. 

Sau đó là tiết mục "Cô đôi thượng ngàn" được trình bày bằng giọng hát truyền cảm của giảng viên - ca sĩ Thu Hà. Tiết mục kết hợp phần vũ đạo thấm đẫm màu sắc dân gian đến từ tập thể sinh viên Khoa Ngữ văn. Hát - múa "Cô đôi thượng ngàn" phản ánh một "món ăn tinh thần" của người Việt đã được hình thành từ thời thượng cổ và lưu truyền đến ngày nay - hát chầu văn. Dấu ấn nghệ thuật dân gian ngày xưa ấy gắn liền một tín ngưỡng truyền thống rất Việt Nam - tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. 

 

Phần văn nghệ chào mừng kết lại trong lời ngợi ca những miếng trầu têm cánh phượng, đan cài cùng vần điệu thấm đẫm nghĩa tình của điệu Quan họ lời cổ "Bạn đến chơi nhà". Tiết mục được trình bày bởi các giảng viên Khoa Nghệ thuật và sinh viên Khoa Ngữ văn. Trầu têm cánh phượng là minh chứng đẹp cho tình cảm vợ chồng bền chặt -  tình cảm phu thê bách niên giai lão. Cơi trầu "đầy ắp tình và tứ" ấy lại còn tượng trưng cho sự khéo léo của người phụ nữ đất Việt - những cô Tấm bước ra từ trái thị thơm ngày nào - để lòng người cứ thế đợi chờ, vấn vương:

 

"Có phải em vừa mới hiện ra

Từ trong xa thẳm ngày hôm qua

Y như cô Tấm ngày xưa đó

Tiếc nuối làm chi trái thị già"

[Nguyễn Nhật Ánh]

 

Những tiết mục văn nghệ vừa phảng phất hơi thở hiện đại vừa ghi đậm dấu ấn truyền thống dân tộc, tựa như nụ cười mến khách và lời chào thân thiện gửi tới các vị khách mời - đặc biệt dành đến những người bạn quốc tế. Một bầu không khí văn hóa đậm đà "chất Việt Nam" dường như đã lan tỏa khắp hội trường buổi chiều hôm ấy nhờ phần chào mừng đặc sắc này.

 

Điểm nhấn của chương trình là phần ngâm thơ - thưởng thơ đến từ các thi sĩ quốc tế. Cùng với việc trình bày các thi phẩm nghệ thuật, chương trình đã giới thiệu sơ lược tiểu sử nhà thơ để người nghe hình thành cái nhìn tổng quát về các tác giả: về sự nghiệp, về văn phong, về ý hướng dụng từ. Đại diện cho nước chủ nhà, nhà thơ Trần Quang Quý đã tuyển dịch và hỗ trợ trình bày bằng tiếng Việt những tác phẩm thơ ẩn chứa nhiều giá trị sâu sắc. Theo sự dẫn dắt của nhà thơ Trần Quang Quý, khán giả - trong khoảnh khắc - chắp đôi cánh của trí tưởng tượng và thả hồn mình rong ruổi khắp thế giới nghệ thuật thi ca. Các tác phẩm "Thơ là đời, nhưng cuộc đời không phải là thơ" của Lkhagvaa (Mông Cổ), "Tình trạng khó tả" của Mookie Katigbak - Lacuesta (Philippines), "Cây: Bức tranh tinh thần" của Tulasi Diwasa (Nepal), "Về hạnh phúc", "Sẵn sàng cho ngày mới" của Bernt Berg (Thụy Điển) hay "Châu Phi là tôi" của Ayo - Ayoola Amale (Nigeria) cho thấy những diện mạo khác nhau trong cách cảm, cách nghĩ và cách tái dựng thế giới của từng dân tộc. Nhưng, dẫu cho xuất thân từ Hi Mã Lạp Sơn nóc nhà thế giới ngàn năm mây phủ hay xứ thảo nguyên Mông Cổ bằng phẳng rộng thênh thang, từ vùng xavan châu Phi chảy tràn ánh nắng hay miền quần đảo Thái Bình Dương mặn mòi làn gió biển khơi,... tất cả đều có chung một điểm giao cắt. Điểm giao cắt ấy nằm ở việc họ sử dụng chung một thứ ngôn ngữ huyền diệu - "ngôn ngữ của sự rung động và tình yêu thương"

 

Hòa chung phần đọc thơ quốc tế là những bài thơ do các tác giả từng là cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sáng tác, đã dẫn người nghe từ miền núi cao nên thơ đến tận vùng biển xa ngút ngàn. Dường như tất cả đều lắng lại trong từng câu từng chữ, từng ý tứ lời thơ, để rồi cùng hòa nhịp và ngân lên những rung cảm của trái tim đồng vọng với những lời tâm tình trong thơ ca của các tác giả.

 

Một "Hà Giang đấy" tràn ngập vẻ đẹp nên thơ nên họa ở nơi biên cương địa đầu Tổ quốc qua ngòi bút cùng chất giọng truyền cảm của nhà thơ Võ Sa Hà. Những vẫn thơ ánh lên niềm tự hào của người làm thơ về cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ "Áng mây chiều ngủ quên vai núi Cấm/ Làm vầng trăng mất chỗ phải lang thang", về sản vật địa phương làm xao động lòng người "Hà Giang đấy rượu ngô vàng như nắng/ Hương mật ong ướp ngọt búp tay mời";... Và còn là con người: con người Hà Giang đậm đà tình nghĩa "Cô gái Mông vẫn cùng chàng xuống chợ/ Chiều say sưa ngả nghiêng cả Cổng trời", thấm đượm nét duyên thầm vào cả một vùng biên giới bao la "Hà Giang đấy trăng thơm hương sơn nữ". Một Hà Giang kiên trung miền biên thùy, với sự vất vả lam lũ của cuộc đời non núi, bỗng hiện lên dịu dàng và ru hồn thơ biết nhường nào: "Thành phố ngủ mơ rừng biên ải/ Nở nụ cười lặng lẽ giữa vàng trăng!"

 

Một "Mộ gió" lắng đọng trong sự kính ngưỡng, hướng về những người giữ biển ngã xuống vì quê hương. Bài thơ viết bởi nhà thơ Trịnh Công Lộc bằng niềm cảm hứng xúc động nghẹn ngào khi hướng ánh mắt về vùng trời biển xa xa. Biết bao "những chiến binh giữ biển, đảo" đã dâng trọn tuổi thanh xuân, chìm nổi giữa sóng nước vô tình mà kiên trung với từng tấc đất của tiên tổ để lại. Các anh ra đi nhưng chẳng thể quay trở về, để rồi người thân lập nên những ngôi mộ gió tưởng nhớ anh linh: "Mộ gió đây / đất thành xương cốt / Cứ gọi lên là rõ hình hài". Đại dương bao la là nơi gửi lại di thể những anh hùng thầm lặng, vậy nên trong con sóng, cái gió của biển khơi kia phải chăng là một phần da thịt của người đã nằm xuống: "Chạm vào gió như chạm vào da thịt / Chạm vào / nhói buốt / Hoàng Sa". Cứ như thế, giọng thơ Trịnh Công Lộc vang vang trong không khí thinh lặng của cả khán phòng, tựa hồ bản ai điếu dâng kính các anh linh. Hồn người lắng lại trong sự biết ơn, tưởng nhớ công đức ông cha tiên tổ; để rồi, những vần thơ cuối bài đưa đến cho chúng ta nhận thức về hào khí của một dân tộc sẵn sàng hi sinh cho sông núi nước Nam: "Là mộ gió / gió thổi hoài, thổi mãi / Thổi bùng lên / những ngọn sóng / ngang trời"

Khép lại chương trình "Những chân trời thi ca" là tiết mục múa "Việt Nam trong tôi là" của các bạn sinh viên khoa Ngữ văn. Tiết mục nhẹ nhàng, truyền cảm  đã mang lại cho khán giả một góc nhìn thật đẹp về Việt Nam - đất nước, con người. Một Việt Nam xinh xinh nằm nghiêng nghiêng trong nắng gió biển Đông. Một Việt Nam hùng vĩ với các danh lam thắng cảnh trở thành huyền thoại. Một Việt Nam đậm đà bản sắc hiện lên qua những lời ru. Một Việt Nam dẫu trải qua biết bao "bão táp mưa sa" vẫn kiên cường bất khuất "đứng thẳng hàng". Để rồi, người Việt Nam hôm nay có thể tự hào nói với bạn bè năm châu: "Máu đỏ da vàng, tôi là người Việt Nam !".

 

Buổi giao lưu nghệ thuật "Những chân trời thi ca" kết thúc trọn vẹn vào lúc 16h20 cùng ngày. Hai tiếng của chương trình đã để lại trong lòng người những dư ba sâu lắng. Vượt lên trên ý nghĩa của một buổi giao lưu trình bày thơ ca, đây còn là cây cầu nghệ thuật kết nối người yêu văn trên khắp thế giới - các nhà thơ với các bạn sinh viên Sư phạm, kết nối đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trong không khí vui tươi và đầm ấm của những ngày xuân, "Những chân trời thi ca" đã thực sự mang lại khán giả nhiều cảm xúc sâu lắng và tươi mới, để chúng ta có dịp tri nhận những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại cũng như tinh hoa văn hóa quốc tế. 

Hãy cùng lắng nghe những dư âm đáng nhớ của "Những chân trời thi ca", đến từ PGS. TS Đỗ Hải Phong - Trưởng Khoa Ngữ văn, nhà thơ Trịnh Công Lộc, nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Michael Augustine (quốc tịch Đức) và các bạn sinh viên tham dự chương trình. Hi vọng rằng qua chương trình, bằng sự tinh tế trong cảm nhận cuộc sống, mỗi người chúng ta lại có thể tự tìm tòi và khai phá những vẻ đẹp tiềm ẩn - "Những chân trời thi ca" - ngay trong chính bản thân mình.

Bài viết: Tuấn Hùng, Thảo Nhung

Phỏng vấn: Trần Hương, Hoàng Mai

Kĩ thuật: Minh Quang, Ngọc Thắng

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020