Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV - Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tổ chức tại Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh vào tháng 2/2019, Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức chương trình "Những chân trời thi ca" nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu cùng các nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV - Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tổ chức tại Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh vào tháng 2/2019, Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức chương trình "Những chân trời thi ca" nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu cùng các nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Với sợi chỉ đỏ xuyên suốt chương trình là thơ ca và văn hóa, "Những chân trời thi ca" đã dựng nên một không gian đậm chất thơ để tất cả những người tham dự cùng đắm mình trong bầu khí quyển trong lành của văn chương nghệ thuật.
Chương trình bắt đầu vào lúc 14h30 ngày 16/2/2019 tại hội trường 11/10, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Đến tham dự chương trình, Ban Tổ chức vinh dự được đón tiếp những khách mời đặc biệt. Về phía Hội Nhà văn là sự hiện diện của nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Quang Quý - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội. Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là sự hiện diện của GS. TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng nhà trường, PGS. TS Đỗ Hải Phong - Trưởng Khoa Ngữ văn, TS Đinh Văn Tuyến - Trưởng Khoa Nghệ thuật,... Điểm đặc biệt của chương trình lần này chính là sự có mặt của 17 nhà thơ quốc tế. Những cây bút xuất sắc đại diện cho 15 quốc gia trên khắp năm châu lục, cùng các nhà thơ, nhà nghiê cứu nổi tiếng của Việt Nam đã tụ họp về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để cùng làm nên "Những chân trời thi ca" đạt đẳng cấp quốc tế và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người tham dự chương trình.
Mở đầu chương trình là tiết mục hát - múa “Lời ru Âu Lạc” được trình bày bởi giọng hát hào sảng khí khái đến từ tốp ca nam nữ Khoa Ngữ văn và Khoa Nghệ thuật, với điểm nhấn là phần dàn dựng bài múa công phu, giàu giá trị biểu tượng trong từng động tác biên đạo của đội múa gồm các sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ 4 của Khoa Ngữ văn, gợi liên tưởng đến huyền thoại con Rồng cháu Tiên, như lời giải thích đầy tự hào về nguồn cội cao quý của người Việt. Sau đó là tiết mục "Cô đôi thượng ngàn" được trình bày bằng giọng hát đầy cảm xúc của giảng viên ca sĩ Thu Hà, kết hợp phần vũ đạo thấm đẫm màu sắc dân gian đến từ tập thể sinh viên Khoa Ngữ văn; phản ánh một "món ăn tinh thần" từ ngàn đời - hát chầu văn - gắn liền một tín ngưỡng truyền thống rất Việt Nam - tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Phần văn nghệ chào mừng kết lại trong miếng trầu têm cánh phượng đầy ắp sự khéo léo và những vần điệu thấm đẫm nghĩa tình của điệu Quan họ lời cổ "Bạn đến chơi nhà" - được trình bày bởi các giảng viên Khoa Nghệ thuật và sinh viên Khoa Ngữ văn. Những tiết mục văn nghệ vừa phảng phất hơi thở hiện đại vừa ghi đậm dấu ấn truyền thống dân tộc, tựa như nụ cười mến khách và lời chào thân thiện gửi tới các vị khách mời - đặc biệt dành đến những người bạn quốc tế. Một bầu không khí văn hóa đậm đà "chất Việt Nam" dường như đã lan tỏa khắp hội trường buổi chiều hôm ấy nhờ phần chào mừng đặc sắc này.
Thay mặt Ban Giám Hiệu nhà trường, GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu chào mừng sự hiện diện của các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước tại chương trình do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đăng cai tổ chức. Người lãnh đạo nhà trường chia sẻ đến bạn bè quốc tế: "Chúng tôi đang hội nhập và muốn tiếp thu những cái hay cái đẹp của văn hoá thế giới trong đó có văn học, nghệ thuật và chúng tôi cũng muốn thế giới biết về những nét đẹp văn hoá của chúng tôi, và đây là cơ hội quý giá"; đồng thời Giáo sư cũng bày tỏ nguyện vọng thông qua lần gặp gỡ này, "chúng ta sẽ nắm chặt tay nhau hơn, kết nối bền vững hơn để yêu thương lan tỏa và giá trị của tâm hồn được nhân lên bội phần cho một thế giới tốt đẹp hơn".
Đại diện cho các nhà thơ Việt Nam, đặc biệt là hơn 1000 cây bút thuộc Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã gửi lời cảm ơn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nơi đào tạo bao thế hệ nhà giáo, nhà thơ tài danh cho đất nước Việt Nam - đã tạo điều kiện tổ chức buổi gặp gỡ văn chương đầm ấm vào chiều 16/2. Nhà thơ bày tỏ niềm hạnh phúc được hiện diện tại mái trường Sư phạm, được kết nối với mọi người bằng ngôn ngữ văn chương - " thứ ngôn ngữ của tình yêu và hòa bình " - thứ ngôn ngữ không có biên giới.
Điểm nhấn của chương trình là phần đọc thơ đến từ các nhà thơ quốc tế. Cùng với việc trình bày các thi phẩm nghệ thuật, chương trình đã giới thiệu sơ lược tiểu sử nhà thơ để người nghe hình thành cái nhìn tổng quát về các tác giả. Đại diện cho Hội nhà văn, nhà thơ Trần Quang Quý đã tuyển dịch và hỗ trợ trình bày bằng tiếng Việt những tác phẩm thơ giàu ý nghĩa: "Thơ là đời, nhưng cuộc đời không phải là thơ" của Lkhagvaa (Mông Cổ), "Tình trạng khó tả" của Mookie Katigbak - Lacuesta (Philippines), "Sự mù quáng" của Biplap Majee, "Cây: Bức tranh tinh thần" của Tulasi Diwasa,.... Hòa chung phần đọc thơ quốc tế là những bài thơ do các tác giả từng là cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sáng tác, đã dẫn người nghe từ miền núi cao nên thơ đến tận vùng biển xa ngút ngàn: một "Hà Giang đấy" tràn ngập lòng tự hào về cảnh vật và con người nơi biên cương địa đầu Tổ quốc qua ngòi bút cùng chất giọng truyền cảm của nhà thơ Võ Sa Hà, một "Mộ gió" lắng đọng trong niềm thành kính hướng về những người giữ biển ngã xuống vì quê hương do nhà thơ Trịnh Công Lộc viết nên. Kết thúc phần đọc thơ, khán giả tiếp tục được thưởng thức những tác phẩm giàu tính nhân văn đến từ các nhà thơ Thụy Điển, Thái Lan như "Về hạnh phúc", "Sẵn sàng cho ngày mới", " Con ơi con có hạnh phúc không?". Dường như tất cả đều lắng lại trong từng câu từng chữ, từng ý tứ lời thơ, để rồi cùng hòa nhịp và ngân lên những rung cảm của trái tim đồng vọng với những lời tâm tình trong thơ ca của các tác giả.
Khép lại chương trình "Những chân trời thi ca" là tiết mục múa "Việt Nam trong tôi là" của các bạn sinh viên khoa Ngữ văn. Tiết mục nhẹ nhàng, truyền cảm đã mang lại cho khán giả một góc nhìn thật đẹp về Việt Nam - đất nước, con người. Một Việt Nam xinh xinh nằm nghiêng nghiêng trong nắng gió biển Đông. Một Việt Nam hùng vĩ với các danh lam thắng cảnh trở thành huyền thoại. Một Việt Nam đậm đà bản sắc hiện lên qua những lời ru. Một Việt Nam dẫu trải qua biết bao "bão táp mưa sa" vẫn kiên cường bất khuất "đứng thẳng hàng". Để rồi, người Việt Nam hôm nay có thể tự hào nói với bạn bè năm châu: "Máu đỏ da vàng, tôi là người Việt Nam !".
Buổi giao lưu nghệ thuật "Những chân trời thi ca" kết thúc trọn vẹn vào lúc 16h20 cùng ngày. Hai tiếng của chương trình đã để lại trong lòng người những dư ba sâu lắng. Vượt lên trên ý nghĩa của một buổi giao lưu trình bày thơ ca, đây còn là cây cầu nghệ thuật kết nối người yêu văn trên khắp thế giới - các nhà thơ với các bạn sinh viên Sư phạm, kết nối đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trong không khí vui tươi và đầm ấm của những ngày xuân, "Những chân trời thi ca" đã thực sự mang lại khán giả nhiều cảm xúc sâu lắng và tươi mới, để chúng ta có dịp tri nhận những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại cũng như tinh hoa văn hóa quốc tế. Từ đó, bằng sự tinh tế trong cảm nhận cuộc sống, mỗi người chúng ta lại có thể tự tìm tòi và khai phá những vẻ đẹp tiềm ẩn - "Những chân trời thi ca" - ngay trong chính bản thân mình.
Bài viết: Lê Đỗ Tuấn Hùng, Nguyễn Thị Thảo Nhung
Ảnh: Hà Minh Quang, Dương Ngọc Thắng