Các hoạt động

KHOA NGỮ VĂN - TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI: 67 NĂM VIẾT TIẾP NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ


13-10-2020

67 năm là một chặng đường dài với rất nhiều những đổi thay của lịch sử. Được sự đồng ý của Ban Chủ nhiệm Khoa, chúng tôi đã thực hiện loạt bài phỏng vấn những thế hệ nhà giáo cũng như những sinh viên từng một thời công tác, học tập trên giảng đường Khoa Ngữ văn. Trong giờ phút kỉ niệm thiêng liêng này, chúng ta hãy cùng lắng nghe những lời chia sẻ chân thành và đầy ý nghĩa ấy.

Năm 1951, vào thời điểm cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta chống lại thực dân Pháp xâm lược đang bước vào chặng đường khốc liệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói chung cùng Khoa Ngữ văn nói riêng chính thức được thành lập theo chủ trương của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.  Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển,  Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã và đang khẳng định vị thế hàng đầu cả nước trong công cuộc đào tạo giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông và đại học. Không chỉ là nguồn đào tạo giáo viên có chất lượng cho nền giáo dục, Khoa Ngữ văn còn đóng góp cho nền khoa học - văn hóa - nghệ thuật nước nhà lớp lớp nhà văn, nhà thơ nổi danh cùng những thế hệ nhà nghiên cứu có tầm vóc và uy tín trên toàn quốc. Trong không khí tưng bừng hướng tới ngày kỉ niệm 67 năm thành lập Trường, cũng là kỉ niệm 67 năm thành lập Khoa, Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, đội ngủ giảng viên cùng các thế hệ sinh viên đang công tác, học tập tại mái nhà Ngữ văn vẫn ngày đêm nỗ lực để xứng đáng với khẩu hiệu “Lưu truyền thống - Viết tương lai”.

67 năm là một chặng đường dài với rất nhiều những đổi thay của lịch sử. Được sự đồng ý của Ban Chủ nhiệm Khoa, chúng tôi đã thực hiện loạt bài phỏng vấn những thế hệ nhà giáo cũng như những sinh viên từng một thời công tác, học tập trên giảng đường Khoa Ngữ văn. Trong giờ phút kỉ niệm thiêng liêng này, chúng ta hãy cùng lắng nghe những lời chia sẻ chân thành và đầy ý nghĩa ấy.

1. PGS. TS Đặng Anh Đào - Nguyên Giảng viên Khoa Ngữ văn, chuyên ngành Văn học nước ngoài

Là một trong những người gắn bó cùng Khoa Ngữ Văn từ những năm gian khó cho đến khi đất nước hòa bình và đi vào đổi mới, PGS.TS Đặng Anh Đào là một trong những nhân chứng chứng kiến sự đổi thay, chuyển mình rõ rệt của Khoa Ngữ văn từ thời chiến sang thời bình. Với chuyên ngành Văn học nước ngoài, đặc biệt với phông kiến thức uyên thâm về nền văn học Pháp, cô đã giảng dạy và dìu dắt cho biết bao thế hệ sinh viên trong Khoa. Những người học trò năm xưa của cô giờ đây đã trở thành những người con ưu tú của nền văn học, nền nghệ thuật nước nhà. Trong công việc cũng như trong nếp sống thường ngày, cô luôn là người mẫu mực mà giản dị, nghiêm khắc mà ân cần, xứng đáng là tấm gương ngời sáng để những thế hệ sinh viên Văn khoa mai sau học hỏi và noi theo.

Những chia sẻ của cô sẽ giúp cho chúng ta có những cái nhìn chân thực về quá trình học tập và giảng dạy của khoa trong những năm đấu tranh cùng đất nước và trong những năm bước vào chặng đường mới của hòa bình.

2. GS. TS. NGƯT Lã Nhâm Thìn - Giảng viên cao cấp Văn học Trung đại Việt Nam, nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn

Trong những tháng năm gian khó của đất nước nói chung, của môi trường giáo dục nói riêng, Khoa Ngữ văn vẫn từng bước xây dựng và phát triển nhờ sự cống hiến hết mình, bền bỉ của biết bao thế hệ thầy cô tận tâm cho sự nghiệp trồng người bền bỉ, sáng ngời cả tâm lẫn trí. GS. TS. NGƯT Lã Nhâm Thìn là một tấm gương điển hình như thế. Là giảng viên thuộc chuyên ngành Văn học trung đại Việt Nam, nguyên là Trưởng Khoa Ngữ văn với hơn 40 năm đứng lớp, thầy đã truyền dạy cho biết bao thế hệ sinh viên những tri thức văn chương cùng những bài học làm người quý giá. Không chỉ nghiêm khắc, thông tuệ và từng trải, thầy còn là người giàu lòng nhiệt huyết và thương yêu học trò hết mực. Văn học trung đại cùng những thông điệp của tiền nhân, vì lẽ đó mà trở nên gần gũi, để sinh viên hôm nay thêm trân trọng những di sản kết tinh của cha ông. Không thể phủ nhận, thầy chính là mẫu mực của sự phấn đấu hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học chân chính.  Huân chương lao động, danh hiệu Nhà giáo ưu tú, bằng khen của Thủ tướng chính phủ và vô vàn những giải thưởng cao quý khác chính là sự ghi nhận cho những đóng góp lớn lao đó.

Sau đây, xin kính mời các thầy cô cùng các bạn đến với những chia sẻ của GS. TS. NGƯT Lã Nhâm Thìn để  phần nào qua những lời tâm sự chân thành ấy, thêm kính trọng và thấu hiểu hơn những trăn trở, nhiệt huyết và hy vọng của một nhà giáo ưu tú vào thế hệ mới nơi mái nhà Ngữ văn thân yêu này.

3. Anh Vương Thuận Thiên Thành - Cựu sinh viên Khoa Ngữ văn (khóa 63), giám đốc trung tâm Thời Piano Center

Là một trong những thế hệ sinh viên hiện đại bước ra từ mái nhà Ngữ Văn thân yêu, anh Vương Thuận Thiên Thành - cựu sinh viên Khoa Ngữ văn (khóa 63) đồng thời hiện đang giữ cương vị giám đốc Trung tâm Dạy đàn Thời Piano Center - đã chứng kiến từng bước chuyển mình của khoa Ngữ văn trong thời đại hội nhập và phát triển. Chàng trai ấy đã lựa chọn mái trường Sư phạm để viết tiếp nên những trang văn, những trang đời. Từ ngôi nhà Ngữ văn với kiến thức, bản lĩnh và lòng yêu thương, anh đã tự tin để phát triển bản thân và thể hiện năng khiếu của mình. Và thế hệ cựu sinh viên như thế hệ của anh Thành sẽ luôn là những người đóng góp được một phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp cao quý của thầy cô ngày hôm nay.

Những chia sẻ của anh chàng cựu sinh viên này sẽ cho chúng ta thấy được thấy được sự trưởng thành của lớp sinh viên trong thời đại đổi mới ngày nay cũng như những suy nghĩ và kỉ niệm về môi trường học tập- nghiên cứu của khoa Ngữ văn.

Biết bao thăng trầm, biết bao gian khó đã đi qua, mái nhà Ngữ Văn vẫn luôn đứng vững và tiếp tục phát triển. Những dòng chảy lịch sử ấy chính là minh chứng cho một sức sống mãnh liệt luôn sôi sục nơi đây. Bước vào một thời kỳ mới, giảng viên và sinh viên của khoa Văn sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử đẹp mà các thế hệ trước đã để lại. Nơi đây vẫn luôn là mái nhà thân thương cho những người con đã, đang và sẽ đi trên con đường học tập, trau dồi tri thức để dựng xây cho quê hương ngày một tươi mới hơn, thực hiện ước mơ “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” của dân tộc.

Thực hiện: Trung tâm Tin tức Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020