Sáng ngày 9/12/2015 khoa Ngữ Văn sẽ dự kiến tổ chức buổi giao lưu gặp gỡ giữa sinh viên và nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh là tên và cũng là bút danh của một nhà văn Việt Nam chuyên viết cho tuổi mới lớn. Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Từ 1973 Nguyễn Nhật Ánh chuyển vào sống tại Sài Gòn, theo học ngành sư phạm. Ông đã từng đi Thanh niên xung phong, dạy học, làm công tác Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Từ 1986 đến nay ông là phóng viên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng, lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải Phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.
Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998 ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất.
Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Tác phẩm mới nhất của ông vừa được NXB Trẻ ấn hành vào năm 2008 có tên Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tác phẩm này được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.
Với hơn 100 tác phẩm, trong đó có một số tác phẩm được giải thưởng, được dịch sang tiếng nước ngoài, Nguyễn Nhật Ánh trở thành một hiện tượng độc đáo.
5 tác phẩm nổi bật của Nguyễn Nhật Ánh
Trước vòng chung kết - Tác phẩm đầu tiên định vị "thương hiệu" văn Nguyễn Nhật Ánh
Năm 1984, cái tên Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện lần đầu trên văn đàn khi đứng chung cùng tác giả Lê Thị Kim trong tập thơ Thành phố tháng tư. Nhưng 1 năm sau, tác phẩm truyện dài đầu tiên của ông mang tên Trước vòng chung kết ra mắt đã ấn định ngay một phong cách văn chương riêng của Nguyễn Nhật Ánh.
Cuốn sách là câu chuyện về niềm đam mê trái bóng được lồng ghép với những chi tiết về tình bạn, tuổi học trò nhẹ nhàng và đáng yêu. Chủ đề bóng đá tiếp tục được khai thác ở tác phẩm truyện ngắn Cú phạt đền ra mắt cùng năm 1985.
Từ tác phẩm này, Nguyễn Nhật Ánh trở thành một "thương hiệu" văn chương cho tuổi mới lớn mà thành công kéo dài suốt gần 3 thập niên.
Cô gái đến từ hôm qua - Tác phẩm truyền cảm hứng âm nhạc nổi tiếng nhất
Cô gái đến từ hôm qua được viết năm 1989 và được đánh giá là một trong những tác phẩm lãng mạn, xúc động nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Một câu chuyện nhẹ nhàng, trong trẻo dành cho tất cả mọi người, nhất là những ai vừa rời xa khung trời hoa phượng.
Tinh thần của cuốn sách đã được nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh truyền tải rất thành công trong ca khúc cùng tên mà anh viết. Tiết tấu chậm rãi, ca từ đẹp và lãng mạn của bài hát đã ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
Kính vạn hoa - Tác phẩm dài nhất
Bộ truyện dài này có 54 tập, kể về những câu chuyện vui buồn, nghịch ngợm của tuổi học trò xoay quanh 3 nhân vật chính là Quý ròm, nhỏ Hạnh và Tiểu Long. Mỗi tập là một câu chuyện khác nhau và đều chứa đựng những bài học cuộc sống sâu sắc, ý nghĩa.
Được ra mắt cuối thập niên 1990 nhưng bộ truyện đã tái bán lại rất nhiều lần. Năm 2012, NXB Kim Đồng tái bản với ấn phẩm 9 tập khổ lớn và 54 tập khổ nhỏ.
Kính vạn hoa cũng đã được chuyển thể thành 3 phần phim truyền hình chiếu trên kênh HTV9 của Đài Truyền hình TP HCM.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Tác phẩm chuyển thể thành công nhất
Dù có cả những bình luận khen và chê với tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Victor Vũ ra mắt đầu tháng 10 năm nay nhưng có thể khẳng định Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là tác phẩm được chuyển thể thành công nhất cho tới nay của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng, phiên bản điện ảnh dù có những chi tiết khác biệt với tác phẩm văn học gốc nhưng vẫn khiến khán giả đặc biệt những ai từng đọc qua sách phải xúc động với câu chuyện về các nhân vật Thiều, Tường, Mận, Nhi.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không phải tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh được các đạo diễn chuyển thể nhưng là tác phẩm đầu tiên lên màn ảnh rộng.
Bảy bước tới mùa hè - Best seller mới của Nguyễn Nhật Ánh năm 2015
Số liệu thống kê của các đơn vị phát hành và nhà xuất bản trong năm 2015 luôn có cuốn truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong danh sách những tác phẩm bản chạy nhất.
Bảy bước tới mùa hè tiếp tục là tác phẩm viết về tuổi học trò hồn nhiên với những câu chuyện vui tươi và những rung động đầu đời ngây thơ, trong sáng.
Cuốn sách được đánh giá là người lớn đọc cũng sẽ cảm thấy như được sống lại thời tuổi trẻ và hoàn toàn có thể yên tâm khi con em mình đọc bởi Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn luôn hướng tới một tinh thần văn chương trong sáng, tốt đẹp.
Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh được NXB Trẻ ấn hành mang tên Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, xuất bản tháng 6 năm 2012.
Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng văn học đặc biệt bởi nhiều thế hệ độc giả đều yêu thích tác phẩm của ông - trẻ em tìm thấy tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, chân thật của chính mình; còn người lớn thì nhận được những “tấm vé” về lại tuổi thơ. Với giọng điệu dí dỏm, với tài năng quan sát tinh tế, mỗi truyện Nguyễn Nhật Ánh đều làm lạ hóa cái thế giới hằng ngày quen thuộc. Đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, ai cũng thấy mình trong đó. Phải chăng đó là điểm thành công lớn của anh - nó tạo thành một “thương hiệu” đầy uy tín. Cái tên Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của Bàn có năm chỗ ngồi, Thằng quỷ nhỏ, Chú bé rắc rối, Kính vạn hoa,Chuyện xứ Langbiang, Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Lá nằm trong lá… trở nên quen thuộc với mọi người. Hơn cả thế, cái tên ấy, nhà văn mang tên ấy, còn trở thành bạn của trẻ em ở mọi miền đất nước. Để hiểu rõ hơn những về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng như các tác phẩm của ông xin mời các bạn đọc mến đến tham gia buổi giao lưu với nhà văn vào hồi 8 giờ sáng ngày 9/12/2015 tại Hội trường B1 khoa Ngữ văn!
Nguồn: Thu Trang- Quốc Dũng
Ảnh: Lê Hưng