Vào lúc 8 giờ sáng ngày 30/09/2015, tại Hội trường B1 Đại học sư phạm Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu giữa nhà thơ Trần Đăng Khoa với đông đảo sinh viên, cán bộ giảng viên Khoa Ngữ văn.
Tham dự buổi giao lưu có PGS. TS Đỗ Hải Phong, Trưởng khoa Ngữ văn, TS. Trần Hạnh Mai, Phó Trưởng khoa, TS. Trần Văn Toàn, Phó Trưởng khoa cùng các thầy cô và đông đảo sinh viên của khoa. Dưới sự dẫn dắt chương trình của nhà phê bình TS. Chu Văn Sơn, buổi giao lưu đã diễn ra rất thân tình, ấm cúng.
Buổi giao lưu gặp gỡ được bắt đầu bằng màn văn nghệ chào mừng của sinh viên khoa Ngữ Văn với tiết mục rất đặc sắc “Hạt gạo làng ta”.
Tiết mục được nhà thơ Trần Đăng Khoa vô cùng yêu thích và ca ngợi “Hạt gạo làng ta” (Ảnh: Lê Hưng)
Sau khi kết thúc chương trình văn nghệ chào mừng MC Hữu Trọng và Lan Hương đã giới thiệu về văn nghiệp của Trần Đăng Khoa: Trần Đăng Khoa (sinh ngày 24 tháng 4 năm 1958), quê làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là một nhà thơ, nhà báo, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nguyên là Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật, Giám đốc Hệ Phát thanh có hình VOVTV của Đài tiếng nói Việt Nam. Hiện nay, ông giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà văn, nhà thơ đã chia sẻ về con đường đến với thơ ca khi còn nhỏ, cũng như những vui buồn trong đời làm thơ, viết văn của mình.
MC Hữu Trọng và MC Lan Hương (Ảnh: Lê Hưng)
Từ nhỏ, ông đã được nhiều người cho là thần đồng thơ ca. Lên 8 tuổi, ông đã có thơ được đăng báo. Năm 1968, khi mới 10 tuổi, tập thơ đầu tiên của ông: Từ góc sân nhà em (tập thơ tiếp theo là Góc sân và khoảng trời) được nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản. Có lẽ tác phẩm nhiều người biết đến nhất của ông là bài thơ "Hạt gạo làng ta", sáng tác năm 1968, được thi sĩ Xuân Diệu hiệu đính, sau được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc (1971).
Ông kể về câu truyện khi mới hơn 10 tuổi đã đề nghị đổi câu thơ “Đường ta đi rộng thênh thang tám thước” thành “Đường ta rộng thênh thang ta bước” trong bài thơ Ta đi tới của nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ là Tố Hữu.
Cuộc giao lưu vui vẻ của TS. Chu Văn Sơn và Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Ảnh: Lê Hưng)
Trong buổi gặp gỡ và giao lưu, nhà thơ Trần Đăng Khoa có kể rất nhiều câu chuyện vui như: một “chị” học sinh lớp 9 vì hâm mộ “em” Trần Đăng Khoa đã viết thư dặn dò em phải biết giữ gìn sức khẻo và học tập năm điều Bác dạy thế nào… khiến cả hội trường rộn vang tiếng cười.
Sinh viên khoa Ngữ văn hào hứng trước những chia sẻ của nhà thơ
(Ảnh: Lê Hưng)
Bên cạnh đó, nhà thơ còn chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác của mình từ khi còn nhỏ, theo nhà thơ: Sách là nguồn tri thức vô tận, kết tinh những tinh hoa của loài người và nhà thơ cũng học sáng tác thơ từ những điều ở trong sách theo lối “bắt chước”. Từ những bài thơ theo lối tự do đến những bài thơ bốn chữ, năm chữ, lục bát,… ông đều “bắt chước” để sáng tác như câu thơ:
“Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”
Hay:
“Mái gianh ơi hỡi mái gianh
Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”
Qua những dẫn chứng mà nhà thơ chia sẻ, các bạn học sinh dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của các nhà thơ trong sáng tác của ông. Tuy nhiên, sự “bắt chước” đó rất sáng tạo, tất cả những hình ảnh trong thơ Trần Đăng Khoa đều được miêu tả dưới “nhãn quan trẻ thơ” nên nó thật hồn nhiên, trong sáng, ngộ nghĩnh,… Với mỗi học sinh, những sáng tác như: Hạt gạo làng ta, Khi mẹ vắng nhà, Trăng sáng sân nhà em, Cây dừa, Mưa,… đã không còn xa lạ, nhiều bạn có thể thuộc làu làu những vần thơ đó và như một món ăn tinh thần không thể thiếu, những sáng tác đó cứ âm ỉ và nuôi dưỡng tâm hồn yêu thơ, yêu văn học cho biết bao thế hệ học trò!
Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với các sinh viên khoa Ngữ văn
(Ảnh: Lê Hưng)
Cuối buổi giao lưu, có nhiều câu hỏi của các bạn học sinh được đặt ra để hỏi nhà thơ, tất cả các câu hỏi đều xoay quanh vấn đề làm thơ hay và như nhà thơ chia sẻ “Mọi bí quyết đều ở trong sách”. Nhà thơ còn giới thiệu đến các bạn học sinh tập truyện – ký “Đảo chìm” được ông sáng tác năm 2009 viết về Trường Sa. Trong lời tựa đề của tập truyện này nhà thơ có chia sẻ: “Hòn đảo vẫn réo gầm dưới sóng. Nó đang quẫy đạp, đang dãy dụa, muốn xé toang caí bầu nước âm u vây bọc kia để ra đời…Nhưng theo cách tính toán của các nhà khoa học, thì phải hơn một trăm năm nữa nói mới nhô lên kia. Còn bây giờ, nó mới đang còn là một cái bào thai, hay nói cách khác nó là một mô hình tốt đẹp. Nhưng tốt đẹp như thế nào thì chịu, không thể hình dung được, vì tất cả còn đang chìm lặn trong sóng gió hỗn mang. Bao nhiêu thế hệ thay nhau bảo vệ cái mô hình tốt đẹp ấy. Nhưng đó là chuyện của trương lai. Còn hiện tại, chưa có gì cả. Một bầu trời mây nước âm u, hoang dã. Vậy mà bao nhiêu kẻ đã nhòm ngó, rình rập, tranh chấp. Máu đã đổ ở Trường Sa rồi đấy”. Lời tựa đề đã nhắc nhở và giáo dục con người Việt Nam, đặc biệt là học sinh phải biết yêu quê hương nhất là những nơi xa xôi, còn “chìm” ở dưới đáy kia nhưng đó vẫn là Tổ quốc của các bạn!
Nhà văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gửi tặng Thư viện khoa Ngữ Văn 2 cuốn sách: Tuyển tập thơ Trần Đăng Khoa (Từ năm 1966 đến 2015) và Hầu chuyện thượng đế. Nhà thơ cũng đã “ưu ái” tặng cuốn sách Hầu chuyện thượng đế của mình cho TS. Chu Văn Sơn người đã cùng ông giao lưu và trò chuyện trong chương trình hôm nay.
Cuối buổi giao lưu PGS. TS Đỗ Hải Phong thay mặt cho Ban chủ nhiệm khoa, các thầy cô và sinh viên khoa Ngữ Văn nói lời cảm ơn, tri ân và trao tặng bó hoa tươi thắm đến nhà văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Bài và ảnh: Thu Trang - Quốc Dũng