Từ đầu đến cuối, Lỗ Tấn vẫn nuôi hy vọng về những “con đường” và chính cái hy vọng đó đã làm nên sức sống, sự gắn kết của những án văn chương không chỉ tồn tại một thời mà là mãi mãi.
I: Mở đầu
1. 1. Lỗ Tấn_con người và sự nghiệp
Người ta thường nói: cây đắng sinh trái ngọt. Có lẽ phải trải qua những đắng cay con người mới biết trân trọng và biết tạo ra những vị ngọt cho cuộc đời. Nếu “tài mệnh tương đối” là một qui luật thì thật dễ dàng để lí giải sự ưu ái của đời giành cho những thiên tài. Thiên tài, phải chăng như Tản Đà từng nói là những “trích tiên” bị trời đày ải dưới nhân gian để rồi đem tài năng của mình cứu vớt nhân gian. Vậy Lỗ Tấn có được xem là một trong số những “trích tiên” đó không?
Ngày 25 tháng 9 năm 1881, cậu bé Chu Thụ Nhân (tên thật của Lỗ Tấn) chào đời tại Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang trong một gia đình quan lại sa sút. Cậu có một tuổi thơ sống trong sung túc, ấm no, song cái thời hoàng kim ấy chẳng được bao lâu khi gia đình họ Chu liên tiếp gặp những tai họa. Ông nội của Lỗ Tấn là Chu Giới Phù đã từng làm trong viện hàn lâm, sau liên quan tới một vụ án trường thi mà bị bắt rồi bị giết. Cha của Lỗ là Chu Bá Nghi cũng đỗ tú tài song không ra làm quan, vì phẫn uất trước xã hội, ông chìm trong rượi chè và lâm bệnh nặng rồi không lâu cũng qua đời. Cuộc sống của gia đình họ Chu đã túng quẫn nay càng túng quẫn hơn.
Thủa nhỏ Lỗ Tấn học ở quê, năm 18 tuổi thì lên Bắc Kinh học Thủy Sinh Đường (nơi đào tạo nghề hàng hải), sau đó lại thi vào Khoáng Học Đường rồi sang Nhật học ngành Y với mong muốn chữa bệnh cho người nghèo như cha ông ngày trước. Nhưng khi trở về Trung Quốc, ông bàng hoàng nhận ra, căn bệnh mà người dân đất nước ông đang mắc phải không phải là căn bệnh thể xác mà chính là căn bệnh tinh thần, sự u mê trầm trọng của người dân Trung Quốc bị bủa vây bởi những tư tưởng lạc hâu, lỗi thời và từ đây ông đã chọn nghề viết văn. Không phải dùng dao để phẫu thuật và chữa lành các vết thương trên cơ thể mà dùng ngòi bút để bóc tách những khối u nhọt trong mỗi người Trung Quốc lúc bấy giờ.
2. 2. Tóm tắt nội dung của Gào thét, Bàng hoàng
“Gào thét” và “Bàng hoàng” là hai tập truyện ngắn được sáng tác trong thời kì đầu_thời kì người chiến sĩ dân chủ cách mạng của Lỗ Tấn. Đó là những tác phẩm phản ánh cả một quá trình lịch sử từ năm 1911 đến cao trào cách mạng 1925-1926. Gào thét gồm 14 câu chuyện viết từ năm 1918 đến 1922 đây là “tiếng thét trợ uy do lòng đồng cảm với những người nhiệt tình”. Bàng hoàng gồm 11 truyện viết lúc mặt trận văn hóa mới xảy ra mâu thuẫn, dường như nhiệt tình cách mạng trong mỗi con người bị nguội đi và Lỗ Tấn thấy mình như bị tách ra khỏi cuộc sống, phải lủi thủi một mình. Bàng hoàng đã miêu tả hết những dự cảm bi quan, những dao động đó của Lỗ Tấn. Tuy nhiên chúng ta vẫn thấy được ngọn lửa hi vọng le lói trong Lỗ. Ông cho rằng: “trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.
II: Nội dung
1. 1. Nhân vật trong tác phẩm văn học
Nhân vật là một yếu tố quan trọng trong một tác phẩm văn học. Bởi văn học là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng và chịu sự chi phối cũng như tác động trở lại cơ sở hạ tầng hay nói cách khác chính là đời sống xã hội. Những câu chuyện văn chương đều lấy mạch nguồn từ đời sống, lấy con người thực mà nhào nặn lên nhân vật trong tác phẩm để thay nhà văn nói ra những mong muốn của mình. Nhà văn Lỗ Tấn cũng vậy, với ông nhân vật chính là phương tiện, đối tượng chính cho “cuộc giải phẫu lớn” của ông. Bước vào thế giới truyện của Lỗ, ta bắt gặp nhiều gương mặt khác nhau, những nét tính cách khác nhau: có người nhu nhược, đần độn như AQ, có người khờ khạo, điên rồ như Khổng Ất Kỉ, người thì bị khuất phục, bị chế nhạo, khinh bỉ như thím Tường Lâm…người tốt có, kẻ xấu xa có, người quân tử có và kẻ tiểu nhân cũng nham nhảm…nhưng có điều những người này đều là những con bệnh. Họ đều mắc một loại bệnh giống nhau, họ bị tiêm nhiễm bởi chẳng còn chút sức đề kháng nào trong xã hội tù túng, đầy rẫy những bất công kia. Và nhiệm vụ của Lỗ là chỉ cho họ biết mặt ngang mũi dọc của cái con vi_rút đang gặm nhấm họ ấy mà để họ loại bỏ nó.
2. 2. Nhân vật người nông dân
Với một giọng điệu lạnh lùng, hóm hỉnh, thâm trầm, mộc mạc, giản dị…đơn giản từ cái tên nhân vật cho đến cách dùng từ chẳng chút điển cố, điển tích gì ấy vậy mà hiểu được những lời của Lỗ thực là khó. Mất cả một tuần ngồi nghiền ngẫm Gào thét và Bàng hoàng, có lẽ trước tiên chúng ta cũng nên đi lí giải sao lại có cái tựa đề lạ thế? Ai Gào thét cơ chứ? Gào thét cái gì vậy? Bàng hoàng gì cơ chứ? Là Lỗ Tấn hay là những nhân vật của ông? Phải chăng có như Chí Phèo của ta gào thét quằn quại trong vũng máu mà hỏi đời: “Ai cho ta lương thiện?”. Khám phá thế giới nhân vật của Lỗ Tấn cũng là cách đi tìm nguồn cơn tạo nên bi kịch cho những con người khốn khổ ấy.
Người nông nhân trong những câu chuyện của Lỗ đa phần đều là những cố nông. Họ là một AQ “cù bơ cù bất”, một Nhuận Thổ bị cái đông con và đói nghèo biến thành đần độn, tham lam và xấu xa, một thím Tường Lâm bị khinh bỉ bởi lấy hai đời chồng, một cô nàng “Tây Thi đậu phụ” bỗng chốc biến thành một con mụ “compa” xấu xí, tham lam,lừa lọc…Lỗ dường như am hiểu tường tận những khổ đau mà người nông dân phải chịu. Trong những bất hạnh đến với những con người bé nhỏ ấy, ngòi bút tài tình của văn sĩ họ Lỗ ấy đã chỉ cho chúng ta cả những ưu, nhược của những người nông dân ấy.
Đối với một người sớm được tiếp xúc với cuộc sống lầm than, nghèo khổ của những người nông dân đầu tắt mặt tối, Lỗ luôn có thái độ trân trọng họ. Qua những câu chuyện giản đơn, đôi khi chỉ diễn ra ở một không gian nhất định như quán rượu Hàm Hanh (Khổng Ất Kỉ, Ngày mai,…) nhưng từng biểu hiện của nhân vật luôn được tái hiện một cách tinh tế. Ta bắt gặp hình ảnh một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn Nhuận Thổ trong con mắt đầy thán phục của tác giả. Một ông Sáu Mốt hiền lành, hiếu khách, một người chất phác, chăm chỉ như thím Tường Lâm, một chị Tư Thiền yêu con hết mực, một AQ điên cuồng luôn bị người ta lôi ra làm trò đùa ấy vậy mà vẫn lạc quan trong chiến thắng…Với Lỗ họ là những con người nhỏ bé, hiền lành và nếu cuộc sống không giày xéo họ thì có thể họ không trở thành những con bệnh như bây giờ. Nhưng cuộc sống khắc nghiệt đã làm cho họ mất hết sức đề kháng, và cũng có lẽ bởi cuộc sống cứ quẩn quanh trong cái không gian làng quê chật hẹp làm cho người ta mụ mị đi. Họ trở nên thiển cận, nhỏ nhem, tham lam và xấu xa. Thật xót xa cho AQ khi cả dân làng Mùi chẳng ai mảy may để tâm đến anh ta, họ kéo nhau đi xem AQ bị bắn như là xem hội. Họ còn tiếc vì xử bắn không hay bằng chém. Họ cho rằng AQ sai vì bị Cụ Cử đánh, mà Cụ Cử “thì có bao giờ sai”…cái đúng, cái sai họ nhận diện thật lạ lùng. Rồi cái làng Lỗ Trấn ấy chẳng ai mảy may đến chuyện chị Tư Thiền mất con, Cũng mũi đỏ và Năm da chàm vẫn say sưa, vẫn hát hò. Người ta lo sợ bị cắt mất cái đuôi sam, bị phạt bởi tóc quá ngắn, không được bó chân…(Sóng gió) và người ta thở phào nhẹ nhõm khi cách mạng thất thế…Nhược điểm lớn nhất của người nông dân đó chính là thiếu tinh thần giác ngộ. Những con người đã bị vùi quá lâu trong tầng tro tàn phong kiến. Họ cho rằng ăn bánh bao tẩm máu chiến sĩ cách mạng sẽ khỏi bệnh lao (Thuốc). Cái cơ thể gầy gò, suy nhược của thằng Hoa Thuyên cũng chính là cái cơ thể ốm yếu của Trung Quốc bấy giờ, và liều thuốc ở đây được kê ra không phải để chữa trị căn bệnh thể xác mà chính là căn bệnh tinh thần của người Trung Hoa.
3. 3. Nhân vật người trí thức
Một nạn nhân khác của cái thời đen tối ấy chính là những người trí thức mà trong đó có phần của tác giả. Hơn ai hết ông hiểu được bi kịch cuả những trí thức, cả những trí thức cũ và những trí thức mới họ đều không thoát khỏi vòng vây của sự nghèo nàn vật chất. Một lão Khổng Ất Kỉ, nếu như trước đây thì hẳn là rất được kính trọng bởi có chữ nghĩa, ấy vậy mà giờ ngay cả thằng oắt con hầu bàn cũng khinh bỉ lão. Những “chi, hồ, giả, dã” của lão chẳng còn ích gì trong thời buổi này và người ta mặc kệ lão lê lết, cười nhạo lão. Khổng Ất Kỉ chính là nạn nhân tiêu biểu nhất cho những trí thức phong kiến ngày đó.
Còn với những trí thức mới, tuy có khá khẩm hơn nhưng cũng chẳng tránh khỏi căn bệnh quái ác kia. Họ ban đầu là những con người chịu ảnh hưởng của những luồng tư tưởng mới ở phương Tây. Họ hăng say lao vào cải cách xã hội làm cho xã hội sống sôi động hẳn lên. Nhân vật Hạ Du đã làm xôn xao cả xã hội với những phản kháng mãnh liệt, nhân vật trong Truyện cái đầu tóc cũng cho thấy một cái nhìn mới mẻ, táo bạo của những con người cấp tiến. Anh chàng điên trong Nhật kí người điên gặp ai cũng chất vấn “ăn thịt người có nên không” và cái mơ ước phá tan xã hội “người ăn thịt người” luôn thường trực trong đầu óc anh ta…Ở cả những trí thức mới và những trí thức cũ, họ đều có khả năng nhận ra sự bất bình thường của xã hội, họ đều muốn cứu vớt cái xã hội ấy, nhưng con đường mà họ chọn lại là cách vẽ ra một “Gia đình hạnh phúc” ở một tỉnh A nào đó. Họ trốn tránh, chùn bước trước cái cùng quẫn về vật chất. Phương Huyền Xước lúc trước hào hứng ủng hộ thanh niên nhưng sau lại chịu thỏa hiệp và làm ngơ trước cảnh những thanh niên bị đàn áp. Lã Vĩ Phủ lại chấp nhận trở về với cái mà anh ta ghét cay ghét đắng là dạy sách Mạnh Tử như kiểu các ông đồ trước đây…Trong những người trí thức sức mạnh của sự phản kháng mới chỉ le lói đâu đó, tự phát như cô Ái mà thôi. Giống như người bị cảm thương hàn đã đỡ đi mưa lại tái lại. Rút cục họ vẫn chẳng thoát khỏi những bi kịch được bày sẵn cho mình.
4. 4. Nhân vật người phụ nữ
Cùng với những người nông dân, những người trí thức, người phụ nữ cũng là những đối tượng chính trong truyện của Lỗ. Trong 25 thiên truyện của Gào thét và Bàng hoàng không có chuyện nào không có sự xuất hiện của người phụ nữ, khi thì họ chính là nhân vật chính của câu chuyện, khi thì họ là những nhân vật phụ tham gia vào những tình huống trong truyện nhưng mỗi sự xuất hiện lại là một vẻ khác nhau. Người ta chia nhân vật người phụ nữ trong truyện của Lỗ Tấn làm ba kiểu người. Đó là những người chịu khuất phục trước số phận như thím Tường Lâm hay chị Tư Thiền, những người có ý thức phản kháng nhưng chỉ là tự phát như cô Ái, và những con người có tư tưởng tiến bộ như Tử Quân. Phải chăng sự phân chia này muốn nói đến cái khao khát giải thoát người phụ nữ của Lỗ Tấn. Những nhân vật phụ nữ của ông từ những phụ nữ nông thôn bị giam hãm trong những thứ “quyền” đến những cô gái thành thị dũng cảm nói ra: “con người của em là của em, không ai có quyền can thiệp vào đời em cả” như Tử Quân cũng cùng chung số phận như những nhân vật khác. Ở một lúc nào đó đã có một “luồng ánh sáng” chợt lóe lên với họ song nó chẳng đủ quang năng để họ nhận ra con đường và cũng chẳng đủ nhiệt năng để hong khô những ẩm mốc bao quanh họ. Lỗ Tấn đã cho chúng ta chứng kiến tường tận cái cột phong kiến mục ruỗng trong cảnh ngộ của thím Tường Lâm. Thần quyền, cường quyền, phụ quyền, lễ giáo, gia phong làm cho thím đơ dại đến nỗi trở thành con người gỗ. Người ta cho rằng thím dơ bẩn vì lấy hai đời chồng, không ai nghe thím kể lể, không ai cảm thông cho đứa con tội nghiệp của thím và cuối cùng thím chết trong đói và rét giữa cái không khí vui tươi của ngày cầu phúc. Rồi đến cô Ái, dù cô có cất cao giọng mà chửi bố chồng là “thằng chó già”, chồng là “thằng chó đểu” thì rốt cục cô vẫn chẳng lấy được sự công bằng cho những uất ức, tủi nhục của mình, bởi cụ Thất, cái con người béo lùn ấy chính là trở ngại lớn nhất của cô. Người ta phán cô sao cô đành chịu. Và cả Tử Quân nữa cuộc sống hạnh phúc mà nàng mơ ước cùng Quyên Sinh chỉ diễn ra trong một thời gian rồi nàng đành phải quay trở lại với con mắt ghẻ lạnh của người đời và sự hà khắc của ông bố. Đó là bi kịch của người phụ nữ không có quyền về kinh tế. Tất cả những bi kịch tinh thần đều xuất phát từ những bi kịch vật chất.
III: Kết luận
Những nhân vật trong truyện của Lỗ đều là những con người bất hạnh, họ chịu sự giày vò của miếng cơm, manh áo, họ bị xã hội cướp đi những điều vốn dĩ một con người bình thường phải có và rồi chỉ biết giãy rụa trong vũng bùn lầy của những bi kịch. Họ chính là những nguyên mẫu ngoài đời mà Lỗ đã kì công cóp nhặt tạo nên họ. Nhà văn đã chỉ ra những con vi_rút quái ác gặm nhấm cuộc sống của họ biến họ thành những quái thai của đời. Họ ở đây không chỉ là những người nhà văn gặp, chứng kiến mà nhà văn cũng đã trải nghiệm. Bi kịch của những nhân vật cũng chính là bi kịch mà nhà văn của chúng ta mắc phải. Ông tuy là vị bác sĩ tài ba tìm ra căn nguyên nhưng chính ông cũng không tránh khỏi bị lây nhiễm.
Nhân vật của Lỗ chẳng mấy ai đầy đủ hình dạng, đôi khi ông chỉ gọi là “anh mặt lưỡi cày”, “anh trán rộng”…họ chỉ hiện lên với nét phác họa đơn sơ nhưng đó đều là những điểm nhấn nhằm diễn tả tình cách của họ. Chủ yếu họ hiện ra qua những hành động, lời nói và đôi khi là sự biểu thị nét mặt (AQ lườm). Những câu chuyện khá cô đúc, chẳng mấy dài dòng, tình tiết lại hết sức đơn giản. Nhưng cái lôi cuốn của Lỗ chính là sự tinh tế ở cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề. Một cái nhìn hóm hỉnh, một điệu cười châm biếm nhẹ nhàng cho sự lạc hậu, cổ hủ cũng ẩn chức tâm ý sâu sa. Chẳng phải tốn nhiều công sức ông cũng tìm ra căn bệnh của đa số người dân nhiễm phải. Nhưng phải tốn rất nhiều thời gian để khiến cho họ nhận thức. Giống như người thầy thuốc tận tụy ông kiên trì bên cạnh con bệnh của mình, lúc nhẹ nhàng khuyên can, lúc dữ dằn ép buộc để họ nhận thức được chính mình và tự giải thoát chính mình.
Bằng tài năng và tinh thần yêu nước của một trí thức sớm nhận ra bi kịch của dân tộc mình, Lỗ Tấn đã cố gắng, kiên trì đấu tranh cho lý tưởng giải phóng. Ông là một trong những nhà văn hiện thực tiêu biểu của Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Những biến động của thời đại đã hun đúc ý chí giải phóng, cải cách của những con người cấp tiến như Lỗ. Bằng ngòi bút sắc sảo, nhạy bén của mình ông đã vạch trần những “liệt căn tính quốc dân” chứa đựng trong quần chúng, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về chính mình và tìm con đường giải phóng cho dân tộc Trung Hoa. Từ đầu đến cuối, Lỗ Tấn vẫn nuôi hy vọng về những “con đường” và chính cái hy vọng đó đã làm nên sức sống, sự gắn kết của những án văn chương không chỉ tồn tại một thời mà là mãi mãi.
IV: Tư liệu tham khảo
1. Giáo trình văn học Châu Á 1,PGS.TS Trần Lê Bảo, NXBDHSP
2. Tuyển tập truyện ngắn Lỗ Tấn, NXB Văn học
3. Giáo trình lí luận văn học, Lê Lưu Oanh, NXBDHSP
4. Phong cách nghệ thuật của Lỗ Tấn, Mai Trọng Vi (luận văn Thạc Sĩ)