Các hoạt động

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Gương mặt cựu sinh viên Văn Khoa - Trường ĐHSP Hà Nội


13-10-2020
Tác giả: K14: Theo Báo Văn nghệ

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, cùng một lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến)

Trong nghiệp làm thơ, có người viết mãi mà vẫn không có phong cách, có người mò mẫm mãi mới tìm được phong cách, nhưng cũng có người vừa mới cầm bút đã phần nào thể hiện phong cách của mình. Nguyễn Khoa Điềm đến với thơ hơi muộn nhưng đã sớm định hình một giọng điệu riêng.

Qua các tập thơ Đất ngoại ô (1972), Mặt đường khát vọng (Trường ca, 1974), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986), Thơ Nguyễn Khoa Điềm (1990), Cõi lặng (2007), ta bắt gặp những suy tư của anh đối với nhân dân, đất nước; những chiêm nghiệm của anh về đời sống xã hội, nhân tình thế thái... Những chiêm nghiệm và suy tư đó được thể hiện bằng một giọng thơ trầm tĩnh, bình dị, sâu lắng và khá hiện đại.

Nguyễn Khoa Điềm xuất thân trong một gia đình trí thức cách mạng. Anh là cháu nữ sĩ Đạm Phương, con trai nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn). Nguyễn Khoa Điềm cất tiếng khóc chào đời ở thôn Ưu Điềm (Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) vào ngày 15 tháng 4 năm 1943Cái tên Ưu Điềm không ngờ lại ứng với bản tính của anh: Anh là một người hay ưu tư, suy nghĩ, điềm đạm và trầm lặng. Lên mười một tuổi, anh đã mồ côi bố. Thời thơ ấu anh lại sống trong ''khu phố buồn đau''. Hàng ngày chứng kiến cái cảnh: Những người dân nghèo ''như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến...'', với những đôi chân đất đội áo nối vai le te chợ Hôm, chợ Mai / đầu tắt mặt tối. Hình ảnh người mẹ ngồi bán hàng ''nước mắt thương chống lạnh như hạt mưa đọng qua cửa thùng gương” cứ ám ảnh anh. Năm mười hai tuổi, anh lại phải sống xa mẹ (khi anh được một người bà con đưa ra miền Bắc). Có phải vì thế mà anh hay suy tư về cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ? Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, cùng một lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), Nguyễn Khoa Điềm được trở về quê hương, hoạt động ở chiến trường Thừa Thiên - Huế. Trong một trận càn, anh bị địch bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ suốt mấy tháng trời. Mãi đến chiến dịch Mậu Thân (1968), anh mới được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Chính thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm bắt đầu làm thơ. Trong buổi giao lưu với công chúng yêu thơ ở Huế, anh nói một cách thành thật là anh hoàn toàn không có năng khiếu về thơ. Anh làm được thơ là nhờ học hỏi, tìm tòi khổ luyện. Đặc biệt là được sống trong không khí cách mạng sôi sục của đồng bào miền Nam và tinh thần chiến đấu chống Mỹ của nhân dân cả nước. Đào tạo ở miền Bắc, lại sớm tiếp xúc một cách có chọn lọc văn học đô thị miền Nam, thông qua các bạn văn: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao... điều đó góp phần hình thành phong cách của anh ngay trong những sáng tác đầu tay. Anh đánh vật với bài thơ Đất ngoại ô suốt một năm trời (từ tháng 4-1968 đến tháng 4-1969). Giọng thơ của Nguyễn Khoa Điềm ở Đất ngoại ô khá mới mẻ. Các câu thơ được kéo dài một cách tự do phóng khoáng, không quá câu nệ vào vần điệu. Lời thơ tự nhiên, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Những câu thơ, những đoạn thơ trong Đất ngoại ô chứa đầy suy tư. Từ quá khứ, anh đối chiếu với hiện tại: Vườn thơ xưa không có gã áo trắng đi về / Ngơ ngẩn đọc thơ buồn trong tiếng guốc cạo râu / Chỉ còn người phu xe cũ / Nghiêng cốc rượu chiều nhòe những mái tôn... Nhà thơ nhìn thấy trong cái nắng tháng năm "run rẩy những oan hồn". Và tự hỏi: "Ôi mùa phượng hay lòng tôi cháy đỏ?". Ngọn lửa căm thù của đồng bào miền Nam đã biến thành giông bão: Sức trăm năm rung chuyển xuống lòng đường / Cả ngoại ô làm chiến lũy sông Hương... Trước đây, anh từng lấy bút danh Mặc Hữu, Hướng Dương ký dưới những bài báo, nhưng lần này anh dùng tên thật của mình khi quyết định gửi Đất ngoại ô ra Hà Nội. Bài thơ được đăng trang trọng trên báo Văn nghệ. Bạn đọc yêu thơ bắt đầu biết đến cái tên Nguyễn Khoa Điềm từ đó. Đất ngoại ô chiếm một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp thi ca của anh. Nó mở cho anh một hướng đi riêng, một cách nói năng, một giọng điệu riêng trong dòng thơ chống Mỹ. Bây giờ đọc lại tập thơ Đất ngoại ô của anh (do NXB Giải phóng ấn hành 1972), ta gặp không ít những câu thơ, những đoạn thơ hay. Chẳng hạn như ba đoạn thơ sau đây: Những đồng tiền ngoại ô / đốm mồ hôi, dầu mỡ mùi nước mắm, cá khô / Cái nhàu trong tay em nhỏ / Cái tròn vo trong cạp quần cụ già Những đồng tiền trở trăn trăm kiểu / Ngượng ngùng mới đến được đây / Những đồng tiền ngoại ô / Rít chằng khó đếm... (Những đồng tiền ngoại ô); Lớp học nào Người đã đến ngồi đây / Những mùa thu âm thầm lá đổ / như vùi sâu cả bầu trời xứ sở / Xuống lòng sông nức nở khúc Nam ai (Nơi Bác từng qua); Đất nước. Tình yêu. Mơ ước. Mai sau / Tên mấy đứa đêm nay không sưởi lửa / Tên dãy phố ta mơ về gõ cửa Sâu chập chùng giữa than củi lung linh... (Bếp lửa rừng). Cái hay ở những câu thơ, đoạn thơ trên chính là những suy tư của tác giả về cuộc sống lam lũ của người dân lao động (Những đồng tiền ngoại ô); về tình cảnh đau thương của đất nước (Nơi Bác từng qua); về tình bạn bè, đồng đội (Bếp lửa rừng). Bài Con gà đất, cây kèn và khẩu súng là một bài thơ có sự liên tưởng hết sức độc đáo. Người lính Giải phóng quân đã đi từ: Con gà đất / Cây kèn / Và Khẩu súng / Để nhận lấy tình yêu của thuở ban đầu. Nhưng thành công nhất trong Đất ngoại ô chính là bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Hình ảnh "Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ" và ''Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi / Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng" là những hình ảnh hết sức bình dị mà vô cùng sâu sắc. Nhà thơ chia sẻ với nỗi vất vả của những người mẹ miền núi A Lưới và tình thương, ước mơ của mẹ dành cho Cu Tai. Cả bài thơ toát lên tinh thần yêu nước của những người dân lao động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Báo Văn nghệ giới thiệu bài thơ này ở ngay trang nhất - một trường hợp hy hữu đối với những cây bút trẻ từ trước đến nay. Khúc hát ru đã được Trần Hoàn phổ nhạc, trở thành bài hát nổi tiếng một thời. Tất nhiên, không phải bài thơ nào của anh viết trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này cũng thành công. Một số bài thơ trong Đất ngoại ô, theo tôi là còn quá dàn trải, thiếu sự cô đọng cần thiết. Bước sang trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm vẫn tiếp tục mạch suy tư về nhân dân, đất nước bằng lối thể hiện tự nhiên, bình dị, phóng khoáng, hiện đại vốn có của mình. Không ai nói về đất nước dễ hiểu như anh: Đất là nơi anh đến trường / Nước là nơi em tắm. Anh giải thích đất nước đến tận cội nguồn: Đất là nơi chim về / Nước là nơi Rồng ở. Sự hình thành Đất Nước cũng được anh trình bày bằng những sự vật, hiện tượng hết sức gần gũi, thân thiết: Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn / Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc / Tóc mẹ thì bới sau đầu / Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay, muối mặn / Cái kèo, cái cột thành tên / Hạt gạo phải một nắng hay sương xay, giã, giần, sàng Đất Nước có từ ngày đó... Chính nhân dân: sống và chiến đấu / Giản dị và bình tâm / Không ai nhớ mặt, đặt tên / Nhưng họ đã làm ra Đất Nước... Bản trường ca này anh viết trong những tháng ngày địch bắn phá vùng chiến khu Trị Thiên vô cùng ác liệt. Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân kể rằng bản thảo đầu tiên của trường ca này bị bom thả bay tung hết. Nguyễn Khoa Điềm tiếc đứt ruột. Anh phải ngồi viết lại từng chương một, hoàn thành vào năm 1971 và mãi đến 1974 mới ra mắt bạn đọc. Thanh niên trí thức yêu nước ở các đô thị miền Nam lúc bấy giờ rất tâm đắc với bản trường ca này vì họ tìm được ở đó những tâm tư sâu kín của mình.

Sau ngày nước nhà thống nhất, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lần lượt được giao nhiều trọng trách: Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; Tổng Thư ký BCH Hội Nhà văn khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương... nên ít có thời gian làm thơ. Tuy vậy, vào năm 1986, anh vẫn cho ra đời tập Ngôi nhà có ngọn lửa ấm. Chỉ một thời gian ngắn sau khi nghỉ hưu, anh đã hoàn thành tập thơ Cõi lặng (NXB Văn học - 2007) gây xôn xao dư luận. Trong Ngôi nhà có ngọn lửa ấm và Cõi lặng, Nguyễn Khoa Điềm nghiêng về chiêm nghiệm đời sống xã hội, nhân tình thế thái. Bên cạnh những cái hay, cái đẹp anh còn nhận thấy những cái chưa hay, chưa đẹp trong cuộc sống hiện tại. Anh nói với đứa con trai - khi cháu mới cất tiếng khóc chào đời: Cái thế kỷ của cha còn lắm điều xấu hổ (Ngôi nhà có ngọn lửa ấm - 1984). Đi trên cánh đồng buổi chiều thấy sự vất vả của người nông dân, anh nghiệm ra rằng: Khi mồ côi trở nên quá rẻ Kẻ ranh ma trở nên quá giàu (Cánh đồng buổi chiều). Nghe tin hai nhà khoa học bị tai nạn xe máy,anh đề cập đến sự hung bạo: Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn, trong lớp học / Hung bạo giữ bàn nhậu, cửa sau công sở, hung bạo đường phố / Hung bạo văn chương, tố giác nặc danh / Lạng lách thời thượng và sành điệu. Đến tuổi 63, anh thú nhận: Bánh xe đạp không tròn nữa / Chỉ một hòn đá vô tình cũng đủ ngã lăn chiêng và Các cô gái đều lẫn vào mây trắng / Như là thần tiên, như cánh diều vàng… Ngắm những quả bầu, quả bí anh liên tưởng đến giọt mồ hôi của mẹ và hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi / Mình vẫn còn một thứ quả non xanh? (Mẹ và quả)... Để có được những giây phút bình thản, thoải mái, thanh tịnh, nhà thơ tìm cách hòa mình và thiên nhiên: Nhưng chiều nay có còn bò gặm cỏ / Bên dòng sông như chưa biết chiều tan / Tôi với nó lặng tim bè bạn / Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang (Chiều Hương Giang). Anh thèm cái ung dung của nó: chậm rãi / không nghe tiếng người, tiếng xe cộ lại qua / Bụi bặm một ngày kiếm sống / Nó nghe vị ngọt của từng cọng cỏ (Cỏ ngọt). Anh ngạc nhiên trước sức chịu đựng và sự lạc quan của Cây vú sữa trước sân nhàĐêm qua mưa bão đen vườn cũ / Sáng dậy trên cao lá nói cười. Anh khâm phục dòng sông Hương “Không có nỗi đau đớn nào sông không rửa sạch...”. Anh phát hiện đức tính thầm lặng của một loại hoa nở giữa đêm Một đời mơ mộng chẳng nguôi quên / Những khi ta ngủ thì hoa thức / Hoa nhắn giùm ta bí ẩn em (Trong đêm). Làm bạn và học hỏi thiên nhiên, anh đúc rút thành những châm ngôn: Đôi khi đá dạy ta mềm mỏng / Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành / Nỗi buồn đánh thức hi vọng / VàGiữa thế giới không nhiều may mắn / Ta học cách vừa lòng với mình / Chia sẻ sự bình tâm của cỏ (Hy vọng): Đặc biệt là cỏ - cỏ đã tiếp cho anh sức sống và niềm tin: Cỏ yên tĩnh, cỏ xanh đến cuối đời / Trước và sau ngày làm việc / Cỏ làm lời nhắc nhở / Xanh (Cỏ trước Ba Đình)... Những chiêm nghiệm này không chỉ cần thiết cho bản thân tác giả mà còn là những bài học hết sức quý giá cho tất cả mọi người.

Hình thành được một phong cách thơ riêng và được mọi người thừa nhận không phải là chuyện dễ dàng. Người làm thơ thì nhiều nhưng chỉ một ít trong số họ trở thành tác giả, có chỗ đứng vững vàng trên văn đàn. Ngoài tài năng, người cầm bút còn phải có tấm lòng. Nói như Nguyễn Du ''Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”! Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho rằng nếu thiếu đi tấm lòng nhân hậucao thượng thì không thể có thơ hay được. Sự sống chín đầy trong tâm hồn người làm thơ là cơ sở của sự thăng hoa, sáng tạo. Thơ phải góp phần làm đẹp tâm hồn. Sau hơn bốn mươi năm vừa đảm nhiệm những chức vụ quan trọng vừa cầm bút, anh đã đóng góp cho nền thơ ca nước nhà một số thành tựu đáng kể. Những tác phẩm: Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng và Ngôi thà có ngọn lửa ấm của anh đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và chương Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của anh đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn giảng dạy trong nhà trường. Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ xuất hiện trong những năm chiến tranh chống Mỹ./.

 

(Theo Báo Văn nghệ)
Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020