Các hoạt động

Nguyên lý Yasashi - nguyên lý cơ bản trong quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản qua tiểu thuyết "Xứ tuyết" của Yasunari Kawabata (nhìn từ phương diện vẻ đẹp ngoại hình nhân vật nữ)


13-10-2020
Tác giả: Nguyễn Thanh Nguyệt - lớp CLC K62

Trong bộ ba tác phẩm giúp Kawabata dành giải Nobel văn học (Ngàn cánh hạc, Cố đô, Xứ tuyết), tiểu thuyết Xứ tuyết thể hiện quan niệm thẩm mỹ trong truyền thống của người Nhật Bản. Đó là bài thơ về cảnh sắc thiên nhiên, là bài ca về tình yêu, cũng là nơi tìm lại vẻ đẹp Nhật Bản.

I.                  I.  ĐẶT VẤN ĐỀ

1.    Yasunari Kawabata và tiểu thuyết xứ tuyết

Nhật Bản có một nền văn chương vô cùng độc đáo, lôi cuốn người đọc bởi những dấu ấn truyền thống, bởi sự gần gũi đời thường. Các tác phẩm văn học Nhật Bản chan chứa tình cảm và ngập tràn cái đẹp bởi văn hóa Nhật Bản rất duy mĩ, duy tình.

Những tác phẩm của Yasunari Kawabata đã giữ một vị trí đặc biệt trong văn học cận-hiện đại Nhật Bản nói riêng và cho cả nền văn học Nhật Bản nói chung. Trong bộ ba tác phẩm giúp Kawabata dành giải Nobel văn học (Ngàn cánh hạc, Cố đô, Xứ tuyết), tiểu thuyết Xứ tuyết thể hiện quan niệm thẩm mỹ trong truyền thống của người Nhật Bản. Đó là bài thơ về cảnh sắc thiên nhiên, là bài ca về tình yêu, cũng là nơi tìm lại vẻ đẹp Nhật Bản.

2.    Quan niệm thẩm mỹ trong văn học Nhật Bản

        Nhật Bản từ thời xa xưa đã là một dân tộc duy mĩ. Ngay trong Cổ sự kí, với huyền tích về nữ thần Mặt trời Amaterasu, mong muốn hướng tới và khẳng định cái đẹp của con người Nhật Bản đã được thể hiện khá rõ nét.

          Tính duy mỹ của văn học Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thần đạo và Thiền tông. Trong từng thời đại, mỗi quan niệm thẩm mỹ lại được hình thành và phát triển. Xét đến cùng, văn học Nhật Bản bao gồm các nguyên lý thẩm mỹ sau: Wabi (vẻ đẹp giản dị đời thường), Sabi (vẻ đẹp mang dấu ấn thời gian), Aware (vẻ đẹp u buồn) và Yugen (vẻ đẹp u huyền). Đây là những quan niệm thẩm mỹ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tôn giáo Nhật Bản. Bên cạnh đó, hệ thống quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản còn đề cập đến Yasashi – vẻ đẹp tính nữ - đồng thời là quan niệm thẩm mỹ mà người viết đi sâu tìm hiểu thông qua tiểu thuyết Xứ tuyết.

II.                II. SƠ LƯỢC VỀ NGUYÊN LÝ YASASHI TRONG QUAN NIỆM THẨM MỸ NHẬT BẢN

        Trong dòng chảy văn học Nhật Bản và trong các sáng tác của Yasunari Kawabata, Yasashi là một quan niệm mỹ học dùng để chỉ cái đẹp mềm mại, nữ tính. Nhiều nghiên cứu cho rằng Yasashi còn thể hiện trong vẻ đẹp thiên nhiên. Tuy nhiên, trong bài viết này, người chỉ tìm hiểu nguyên lý này với biểu hiện là vẻ đẹp ngoại diện và vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.

1.    Tính nữ - một biểu tượng của cái đẹp

        Nhìn từ góc độ cảm quan mỹ học, nữ tính là một trong những biểu tượng của cái đẹp. Trong quan niệm mỹ học của Căng-tơ, cái đẹp được chia thành 2 loại: cái đẹp tự do và cái đẹp phụ thuộc. Nếu theo quan niệm này, nữ tính được xếp vào loại thứ nhất. Bởi lẽ, nó gắn với con người mà cụ thể là nữ giới, nó mang tính tự do và không hề phụ thuộc vào bất kì lợi ích thực tiễn nào.  Nữ tính thường gắn với phái đẹp và bản thân cái đẹp cũng hiện lên sâu sắc từ vẻ đẹp của nữ giới. Nữ tính được biểu hiện qua hai phương diện: vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp tâm hồn của con người.

        Trước hết, đó là vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp có thể cảm thấu một cách trực tiếp bằng thị giác. Tính nữ cũng đồng thời thể hiện ở vẻ đẹp bên trong tâm hồn con người. Đó là cái đẹp của sự dịu dàng, đa cảm, đức tính hiền hậu, cao thượng… . Đó là vẻ đẹp mềm mại ôn nhu đã hình thành từ mẫu gốc cổ xưa – “đất”. Nữ tính nhìn từ góc độ xã hội là một điểm yếu của phái nữ nhưng từ góc độ mỹ học thì đó lại là vẻ đẹp thuần túy, tự nhiên.

2.    Tính nữ nhìn từ góc độ quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản

        Tính nữ cũng cần được xem xét từ góc độ quan niệm thẩm mĩ của người Nhật. Quan niệm về tính nữ Nhật Bản có một quá trình hình thành và phát triển lâu bền, chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Ở đây, chúng tôi đi vào tìm hiểu quan niệm về tính nữ của người Nhật dưới ảnh hưởng của tôn giáo và văn hóa truyền thống Nhật Bản.

        Trước hết, tôn giáo bản địa của Nhật bản là Thần đạo, hay còn gọi là Shinto. Thần đạo được gọi là tôn giáo gốc của người Nhật, lấy tự nhiên làm gốc, đề cao quan niệm “vạn vật hữu linh”. Do ảnh hưởng của hệ tư tưởng phương Đông nên Nhật Bản cũng chịu những tác động không nhỏ từ Phật giáo, Nho giáo. Hê quy chiếu Nho giáo với những quan niệm khắc nghiệt khiến nữ giới cùng với sự bộc lộ tính nữ bị hạn chế. Nhưng khi đến với Nhật Bản, Nho giáo chỉ bộc lộ những tiêu chuẩn đạo đức mà người Nhật vốn đề cao như: trung, hiếu, tiết, nghĩa. Vì vậy, phụ nữ Nhật Bản có thể tự do bộc lộ bản thể, có một sự độc lập về tư tưởng và có vị thế xã hội. Dưới cảm quan  Phật giáo, tính nữ Nhật Bản lại mang vẻ đẹp của sự thanh sạch, thuần khiết, hư ảo, hướng tới thiện mĩ. Sự hòa quyện tôn giáo đã ảnh hưởng tới những quan niệm về tính nữ một cách tích cực, làm hài hòa thêm vẻ đẹp nữ tính trong quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản.

        Huyền sử kể về nguồn gốc sản sinh ra con người của người Nhật cũng phần nào thể hiện màu sắc của nữ tính trong quan niệm thẩm mỹ của họ. Trong huyền sử có kể về việc nữ thần Mặt trời Amaterasu đánh bại thần Susanoo. Theo sự so sánh của PGS. TS Trần Lê Bảo trong “Thần thoại mặt trời của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản”, nữ thần mặt trời của Việt Nam và Trung Quốc đều bị khuất phục bởi nam thần thì huyền sử này đã cho thấy quan niệm độc đáo của người Nhật. Đó chính là sự đề cao, tôn vinh tính nữ trong tâm thức của người Nhật Bản.

        Văn hóa truyền thống Nhật Bản cũng mang những đặc điểm thể hiện quan niệm thẩm mỹ về tính nữ. Vẻ đẹp nữ tính đã thẫm đẫm vào dòng văn chương Nhật Bản, tạo thành dòng chảy của văn học nữ lưu bắt nguồn từ thời Heian. Dòng văn học mang đậm màu sắc nữ tính từ thời đại Heian dường như đã được Kawabata hồi sinh lại và thậm chí còn được nâng cao hơn trên phương diện mỹ học.

        Truyền thống văn hóa Nhật Bản còn thể hiện sự tôn thờ của người Nhật về cái đẹp.Trong đó, Geisha là một biểu tượng của cái đẹp nữ tính trong văn hóa Nhật Bản. Ban đầu, Geisha được biết đến với hình ảnh của nam geisha và mãi tới thế kỉ XVIII, nữ geisha mới xuất hiện. Nhưng vẻ đẹp đặc biệt của tính nữ dường như đã khiễn cho hình tượng nữ geisha trở nên lấn át và trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp văn hóa, ẩn chứa cái đẹp Nhật Bản.

        Ngoài những yếu tố về tôn giáo và văn hóa truyền thống, quan niệm về tính nữ của Nhật Bản còn mang sắc thái chung trong mỹ quan về nữ tính: vẻ đẹp nữ tính là một vẻ đẹp buồn. Điều này có sự giao thoa với nguyên lý Aware. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập tới vẻ đẹp u buồn đó dưới góc độ một biểu hiện của tính nữ. Nhật Bản không chịu ảnh hưởng quan niệm “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo nhưng sự ngắt quãng của văn chương nữ lưu trong lịch sử văn học Nhật Bản đã cho thấy sự thất thế của nữ giới trong một giai đoạn lịch sử. Đó là giai đoạn mà xã hội đề cao hình tượng võ sĩ đạo – biểu tượng của sức mạnh nam quyền Nhật Bản. Một nguyên nhân nữa có lẽ là do bản năng nhạy cảm của nữ giới, sự nhạy cảm bẩm sinh này thường khiến cho họ thường mang vẻ buồn bã. Chính vì thế, nữ tính thường đi liền với vẻ đẹp buồn.

3.    Yasashi –  một trong những nguyên lý thẩm mỹ được Kawabata đề cao

        Kawabata đặc biệt tôn thờ văn học nữ lưu thời Heian, cũng là những tác phẩm ảnh hưởng sâu sắc đến các sáng tác của ông. Kawabata từng bày tỏ một cách trực tiếp sự ngưỡng mộ với Murasaki – tác giả Chuyện Genji: “Ở Nhật, sau gần một thế kỉ du nhập văn chương Tây phương, không có gì đạt tới đỉnh cao của kiểu văn chương Nhật Bản mà Murasaki thời Heian bay Basho thời Edo đã biểu hiện và văn chương dường như đã đi xuống” (Nhật Bản trong chiếc gương soi – Nhật Chiêu). Ông dường như đã đáp lại lời tiếc nuối ấy của chính mình bằng sự tiếp nối dòng văn học đỉnh cao ấy. Trải qua 10 thế kỉ kể từ thời đại Heian, một Nhật bản với vẻ đẹp mềm mại, trữ tình, duyên dáng – một Nhật Bản với vẻ đẹp nữ tính mới hiện lên nguyên vẹn trong sáng tác của Y.Kawabata.

        Điều này được minh chứng rõ rệt trong các sáng tác của ông. Kawabata thực sự là một nhà văn “tôn vinh nữ tính muôn đời”.  Trong Xứ tuyết, tác phẩm mà chúng tôi lựa chọn để khảo sát và nghiên cứu, cái đẹp nữ tính thể hiện rõ nhất ở hai nhân vật nữ, cũng là những nhân vật trung tâm của tác phẩm – Yoko và Komako.

III.             NGUYÊN LÝ YASASHI QUA VẺ ĐẸP NGOẠI HÌNH NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT “XỨ TUYẾT”

        Nguyên lý Yasashi đã được Kawabata thể hiện thành công qua tiểu thuyết Xứ tuyết qua những khía cạnh đa chiều – xoay quanh hai nhân vật nữ chính của tác phẩm – Yoko và Komako. Yasashi đã nằm sâu trong lớp ngôn từ mượt mà êm dịu của văn phong Kawabata và hiện lên trong tác phẩm thông qua vẻ đẹp toát lên từ hình tượng người phụ nữ. Trong phạm vi bài viết, người viết chỉ làm rõ nguyên lý Yasashi thông qua vẻ đẹp ngoại hình nhân vật.Vẻ đẹp ngoại hình đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong việc biểu trưng cho tính nữ trong sáng tác của Y.Kawabata. Bởi lẽ, khi dùng ngòi bút miêu tả ngoại hình nhân vật, ông dường như chỉ miêu tả các nhân vật nữ. Vẻ đẹp của họ được khắc họa kĩ lưỡng ngay khi khi vẻ bề ngoài của họ hiện ra trong tác phẩm.

1.   Nguyên lý Yasashi qua những tiểu tiết đặc tả ngoại hình

        Vẻ đẹp ngoại hình của các nhân vật không được Kawabata miêu tả một cách đầy đủ mà vẻ đẹp ấy chỉ hiện lên qua những đường nét tiêu biểu. Những đặc điểm ngoại hình ấy đôi khi chỉ là những tiểu tiết. Tuy nhiên, Shimamura hay chính Kawabata đã phát hiện và miêu tả những tiểu tiết ấy bằng nghệ thuật miêu tả bậc thầy, nâng những đặc điểm ngoại hình ấy lên thành biểu trưng cho vẻ đẹp của từng nhân vật.

        Với Yoko, vẻ đẹp ngoại hình của cô tuy không được miêu tả một cách đầy đủ và cũng không quá nhiều nhặn trong tác phẩm nhưng mỗi khi Yoko xuất hiện trước mắt Shimamura, vẻ đẹp đó lại hằn hiện rõ hơn. Vẻ đẹp ngoại hình của Yoko được Shimamura miêu tả đầu tiên là ở đôi mắt, vào giây phút anh bắt gặp hình ảnh phản chiếu của cô qua tấm kính trong toa tàu: “[…] Trong những lấp lóa, hình ảnh khuôn mặt không đủ đậm để che khuất được ánh sáng kia, nhưng cũng không nhạt đến nỗi phải biến mất hẳn. Shimamura nhìn dõi theo ánh sáng từ từ dịch chuyển trên khuôn mặt thấp thoáng rất xa. Và khi nó rơi vào đúng đồng tử của người đàn bà trẻ, khi ánh mắt và ánh lửa trùng khít nhau, thì đó là một vẻ đẹp huyền diệu lạ kì, con mắt rực sáng như lên đênh trên đại dương đêm tối và trên những cơn sóng xô nhanh của các núi non”. Vẻ bừng sáng trong đôi mắt của Yoko được miêu tả với ánh sáng lóe lên trong tấm kính trên toa tàu đã cho thấy một vẻ đẹp phi thực hiện lên trong ngoại hình của người phụ nữ này. Và vẻ đẹp phi thực ấy nhiều lần ám ảnh tâm trí Shimamura, khiến cho anh cảm thấy việc ngắm nhìn vẻ đẹp ấy đối với anh như một giấc mộng. “Ngay cả khi ra khỏi ngôi nhà đó, Shimamura vẫn còn bị ám ảnh bởi ánh mắt liếc xéo kia, nó như để lại một vết bỏng giữa trán anh”.

        Shimamura không khai thác những đặc điểm khác về ngoại hình mà tiếp tục miêu tả những đặc điểm đã từng gây ấn tượng mạnh với anh:“[…] Anh chỉ cần nhìn cái cách thức nàng mặc chiếc quần bakama miền núi,….: nhưng mẫu hình trang nhã ở đai thắt lưng của nàng chỉ lộ ra một nửa ở phía trên chiếc quần rộng xẻ ống như rọi sáng những đường kẻ nâu và kẻ đen xấu xí ở vải quần, đồng thời làm cho hai ống tay dài ở áo kimono bằng len của nàng có vẻ quyến rũ hơn”. Bộ trang phục và cách  ăn mặc Yoko không có gì nổi bật, thậm chí có phần giản đơn và xấu xí nhưng dưới con mắt của Shimamura, điều đó lại tôn lên vẻ quyến rũ của nàng. Nhưng những vẻ đẹp ngoại hình nhỏ bé ấy lại được miêu tả đầy tính thẩm mỹ và phi thực. Điều đó đã tạo nên những đặc trưng nổi bật về ngoại hình của Yoko trong tác phẩm Xứ tuyết khi đặt dáng vẻ cổ xưa, huyền bí của Yoko bên cạnh vẻ đẹp tràn trề, đầy đặn của Komako.

        Nhân vật nữ còn lại trong tác phẩm là Komako. Xét về dung lượng, dường như những đặc điểm về ngoại hình của Komako được miêu tả ở nhiều đường nét hơn so với Yoko. Ngoại hình của Komako phảng phất vẻ đẹp ngoại hình của một geisha, nhưng những gì toát lên từ những đặc điểm ấy lại khiến ngoại hình của Komako mang một thần thái khác hẳn. Khác với đôi mắt ngời sáng và sâu thẳm một cách ám ảnh của Yoko,  đôi mắt của Komako lại mang vẻ huyền bí và có một chút gì đó phi nữ tính“Hàng mi của cô không cong, cũng không hướng lên phía trên, cắt ngang mí mắt thành một đường thẳng đến nỗi trông có vẻ kì dị, thậm chí buồn cười, nếu nó không được bao bọc một cách tế nhị bởi hàng long mày rậm, cong và mượt như tơ lụa”.  Có thể thấy khi miêu tả đôi mắt Komako, Shimamura chỉ chú trọng đến những yếu tố bên ngoài như mí mắt, hàng lông mày. Trong khi với Yoko, anh lài nhìn sâu vào vẻ đẹp ngời sáng từ đôi đồng tử. Sự khác nhau về ngoại hình cũng là những dấu hiệu để nhận biết sự khác nhau về tâm hồn, tính cách trong từng nhân vật. Từ đó, vẻ đẹp nữ tính trong mỗi người lại hiện lên với một vẻ đẹp khác nhau, hoàn thiện quan niệm về tính nữ của Yasunari Kawabata.

        Ấn tượng nổi bật nhất  về Komako có lẽ là làn da và đôi gò má của cô: “Với màu da tự nhiên khỏe khoắn của cô gái miền núi xiết bao trong trắng với gương mặt mịn màng bóng bẩy của một geisha thị thành, làn da cô khiến ta nhớ tới cái nhẵn của một củ hành tươi bóc vỏ hoặc hơn thế nữa, một củ huệ, nhưng với một chút ửng hồng tỏa xuống tận hõm ngực ”.  Màu sắc của làn da dường như đối lập với màu sắc ấm áp ở đôi gò má của cô: “Má cô hơi hồng hồng, ở phía dưới đôi mắt, nơi cô vừa áp tay Shimamura vào, màu hồng vẫn lộ rõ bất chấp lớp phấn trắng thoa khắp mặt cô”. Làn da và gò má của Komako đều được đặc tả bằng ấn tượng về màu sắc. Màu trắng và vẻ sạch sẽ của làn da cô khiến Shimamura nghĩ tới màu của xứ tuyết, nghĩ đến cái lạnh ở đây. Tương phản với nó là sự ấm áp rực lên từ gò má Komako mà Shimamura nhiều lần nhìn ngắm. Sự đối lập mạnh mẽ này phần nào khắc họa được vẻ đẹp tràn đầy, một vẻ đẹp của vùng núi tuyết hiện lên qua ngoại hình của người phụ nữ này. “Cái màu trắng ở tít sâu trong gương, đó là màu tuyết, ở giữa đó rực lên màu đỏ của đôi má người đàn bà trẻ. Vẻ đẹp của sự tương phản ấy cực kỳ trong sạch, nó vô cùng dữ dội vì nó sắc nhọn và sống động”.

        Một đặc điểm không thể thiếu trong ngoại hình của Komako chính là mái tóc. Shimamura dường như đã ngắm nhìn mái tóc ấy và miêu tả nó thật ấn tượng: “[…] Thực ra thì tóc cô không dày lắm, có lẽ nó đẹp là bởi sức sống của nó, bởi tóc cô cừng gần như tóc đàn ông nên cô có thể chải cao lên một cách hoàn hảo, cách điệu hóa theo mốt cổ xưa, bóng như sơn, khiến trông như cô đội một tác phẩm điêu khắc chắc nịch bằng đá đen”. Mỗi lúc ngắm nhìn mái tóc ấy của Komako, anh dường như lại phát hiện ra một vẻ đẹp trong cô. Mái tóc như một biểu trưng cho sức sống trong người đàn bả trẻ. Đôi khi, vẻ đẹp ngoại hình ấy lại gợi nên chút gì đó huyền bí, mờ ảo dưới con mắt của Shimamura: “Màu đen của mái tóc người đàn bà trẻ hình như không sâu như trước, mà lại ẩn hiện những sắc thái của màu tím”. Các đặc điểm ngoại hình của Komako được chú trọng miêu tả rất nhiều bằng màu sắc và tạo sự tương phản giữa chúng. Mỗi một đặc điểm ngoại hình lại là một vẻ đẹp của Komako nhưng có thể nói, nó đều gợi nên một vẻ đẹp tràn trề, đầy sức sống và rực rỡ của người phụ nữ này.

        Vẻ đẹp ngoại hình đầy sức sống ấy còn được miêu tả ở sống mũi và đôi môi của Komako. Đôi môi là một biểu trưng cho vẻ đẹp nữ tính trong các nhân vật nữ của Kawabata và giờ đây nó xuất hiện ở Komako. “Đôi môi của cô giống như một bông hoa lúc chụm lúc nở, nồng nàn, sống động và khát khao”. Và không chỉ miêu tả đôi môi ấy bằng sự nâng niu như vậy, Shimamura còn quan sát và miêu tả đôi môi của người phụ nữ này một cách chi tiết: “Ngay cả khi cô không nói gì, đôi môi cô cũng rất linh hoạt và hình như tự nó luôn chuyển động. Nếu bị nứt nẻ hoặc nhăn nheo, hoặc chỉ nhợt nhạt thôi, đôi môi có thể trông sẽ hơi khó chịu, nhưng đằng này, môi cô lại mịn màng đỏ mọng đầy sức sống”. Từng cử chỉ, động tác, từng biểu hiện của đôi môi ấy được Shimamura ghi lại trong ấn tượng về sự căng mọng, tràn đầy giống như sức sống trong chính chủ nhân của nó. Tiếp đó, sống mũi của cô cũng toát lên cái vẻ thanh sạch, tinh khiết cùng với những vẻ đẹp vô hình mà Shimamura đã cảm nhận được: “Mũi cô thanh tú và cao, vẻ côi cút trên gương mặt khiến anh cảm động và gợi một chút buồn…”. Tất cả những đặc điểm ngoại diện này đã góp phần tạo nên vẻ đẹo nữ tính đầy trong sáng, rực rỡ ẩn chứa sức sống trong con người Komako.

2.      Nguyên lý Yasashi qua những cảm nhận chủ quan về ngoại hình

        Vẻ đẹp ngoại hình của Yoko và Komako được miêu tả một cách hết sức đặc biệt. Đó la sự khác họa bằng cảm giác, cảm nhận chủ quan của người miêu tả, mà cụ thể là nhân vật Shimamura.

        Với Yoko, những ấn tượng ngoại hình chỉ hiện lên thông qua điểm nhìn và cảm nhận của Shimamura. Đôi mắt “đăm đăm của nàng với hai hàng mi sững lặng” được cảm nhận trong cái giây phút Shimamura “giơ thẳng một ngón tay, anh vạch nhanh một đường trên cửa sổ mờ hơi nước thì bỗng thấy ở đó xuất hiện một con mắt phụ nữ…”. Những đặc điểm ngoại hình của Yoko được miêu tả sau đó đều được miêu tả gắn với những cảm nhận khách quan của Shimamura: “gương mặt đó có vẻ phi thực và nếu vậy thì cũng phải trong suốt”“một khuôn mặt đầy nữ tính và tuổi trẻ”; “gương mặt xinh đẹp cảm động ấy”. Và bức chân dung của Yoko được gợi lên từ vẻ đẹp ngoại hình cũng chỉ có hai nét phác thảo chính: đôi mắt, trang phục và một vài nét về gương mặt, còn lại tất cả đều là cảm nhận của Shimamura trước vẻ đẹp ngoại hình của nàng. Nhưng những cảm nhận ấy là làm đầy thêm vẻ đẹp đó, hoàn thiện bức chân dung của người phụ nữ này với những cảm nhận tinh tế trong cách miêu tả của Shimamura.

        Đối với Komako, ngoại hình của nàng tưởng như được miêu tả cặn kẽ đầy đủ để trở thành một bức chân dung hoàn thiện nhưng khi đọc những lời miêu tả đó, ta nhận ra cách tả mà Kawabata sử dụng vẫn là cách chấm phá quen thuộc của ông. Rất khó để nhận ra nhiều chi tiết thực trong ngoại hình của Komako trong tác phẩm mà chủ yếu là cảm nhận và những liên tưởng của ông trước những vẻ đẹp thực rất mờ nhạt đó. Chính vì thế, khi đọc những đoạn miêu tả ngoại hình Komako, ta cũng khó có thể nhận ra đâu là vẻ đẹp thực tả, đâu là vẻ đẹp đem lại nhờ sự tưởng tượng trong miêu tả của Kawabata. Có khi nào những vẻ đẹp ngoại hình xuất phát từ hiện thực mà có thể mang những sắc thái như: “vẻ côi cút”; “gợi chút buồn” hay “cảm động”. Nhưng cũng chính vì thế, bức chân dung của Komako mang vẻ đẹp lung linh với một ngoại diện được đặc tả bằng nghệ thuật miêu tả bậc thầy. Đường nét thực của vẻ đẹp ấy được mỹ hóa bằng những cảm nhận, bằng con mắt ngắm nhìn tinh tế của Shimamura hay chính Kawabata. Đó cũng là tác dụng thẩm mỹ của nghệ thuật miêu tả ngoại hình bằng cảm giác, góp phần tạo nên cái hồn nữ tính trong vẻ đẹp ngoại hình của những nhân vật nữ trong tiểu thuyết “Xứ tuyết”.

IV.            KẾT LUẬN

        Trong tiểu thuyết Xứ tuyết nói riêng và các tác phẩm của Yasunari Kawabata nói chung, Yasashi còn được thể hiện ở nhiều phương diện đặc sắc như vẻ đẹp tâm hồn nhân vật, hình tượng thiên nhiên, hình tượng nhân vật nam…Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, người viết tập trung làm rõ những vấn đề lý thuyết liên quan tới nguyên lý Yasashi và bước đầu phân tích biểu hiện của nguyên lý này trong tiểu thuyết Xứ tuyết từ khía cạnh vẻ đẹp ngoại hình nhân vật nữ. Có thể thấy, chỉ từ một khía cạnh nhỏ, sự quan tậm và đề cao mà Kawabata dành cho vẻ đẹp tính nữ đã hiện lên rõ nét. Từ đó, người viết muốn hoàn thiện hơn sự hiện hệ thống những quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản ở tiểu thuyết gia Kawabata, đồng thời, đi đến sự khẳng định hệ thống các quan niệm thẩm mỹ đó không thể vắng bóng Yasashi – vẻ đẹp tính nữ.

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020