Các hoạt động

Tọa đàm về nghiên cứu khoa học với GS Phùng Văn Tửu


13-10-2020
ác giả: CLB SVNCKH

Sáng ngày 15/01/2014, CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học khoa Ngữ văn đã có buổi tọa đàm với GS. Phùng Văn Tửu về việc nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Là một nhà khoa học uy tín, một trong những tên tuổi hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học, GS Phùng Văn Tửu đã chia sẻ những suy nghĩ và kinh nghiệm quý báu trong nghiên cứu khoa học với các thành viên của CLB.

Tới dự buổi tọa đàm có PGS.TS Đỗ Hải Phong- Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, TS Trần Văn Toàn- Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn, các giảng viên trong khoa cùng đông đảo thành viên của CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học và các sinh viên có quan tâm.

Gặp không ít khó khăn trong những bước đầu tiên trên con đường khoa học, các sinh viên đã mạnh dạn nêu lên những băn khoăn của mình, từ những vấn đề lớn như nghiên cứu khoa học là gì, làm thế nào để lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp,… đến các thao tác cụ thể trong nghiên cứu như tổng hợp tài liệu, nêu lý do chọn đề tài, lập đề cương… Để giải đáp các thắc mắc trên, cũng như đưa ra những suy nghĩ có tính chất gợi ý, mở đường, GS Phùng Văn Tửu đã đi từ khái quát đến cụ thể, với 3 nội dung chính:

1. Nghiên cứu khoa học là gì?

2. Những tố chất của người nghiên cứu khoa học

3. Việc lựa chọn và triển khai đề tài

Bằng các nội dung rõ ràng được minh chứng bằng ví dụ cụ thể, sinh động, GS mang đến chosinh viên những hiểu biết quan trọng về công việc nghiên cứu khoa học và tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết trong các bạn muốn theo đuổi con đường này. Từ xưa đến nay có rất nhiều quan niệm, nhiều nội dung, nhiều cách thức thực hiện nghiên cứu khoa học khác nhau, nhưng cốt lõi của việc nghiên cứu, GS khẳng định,  là phải tìm ra được CÁI MỚI. GS nhắc lại lời của Cố Giáo sư Nguyễn Hải Hà: Nghiên cứu khoa học cũng như là giơ tay xin phát biểu ý kiến. “Ý kiến” mà ai cũng biết rồi thì đâu còn là ý kiến nữa. Do đó, người nghiên cứu phải luôn xác định được tinh thần, thái độ nghiêm túc trong công việc. Ngay cả sinh viên cũng cần nhận thức rằng mình là một nhà-nghiên-cứu, tránh quan niệm “tập dượt” khi nghiên cứu khoa học trong nhà trường.

Vậy để đạt được điều đó, người nghiên cứu cần phải có những tố chất gì? GS nêu lên ba yêu cầu: BẢN LĨNH - KHIÊM TỐN (vừa có bản lĩnh, dám nói, dám bảo vệ ý kiến của mình, vừa khiêm tốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác); SAY MÊ - TỈNH TÁO (hết mình với khoa học, nhưng không có nghĩa là mê muội); luôn thấy được Ý NGHĨA THIẾT THỰC của nghiên cứu (nghiên cứu chỉ để nghiên cứu, không có mục đích rõ ràng, thiết thực thì chưa phải là nghiên cứu chân chính).

Từ đó, GS đi vào một khâu cụ thể, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu khoa học là lựa chọn và triển khai đề tài. Ở phần này, GS đã chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích, thú vị trong nhiều năm nghiên cứu của bản thân. Một đề tài tốt cần đảm bảo các yêu cầu: mới, thiết thực, thể hiện sự say mê, hợp với quy mô. Tìm đề tài cũng là một vấn đề nan giải, nhất là với sinh viên, mà theo GS, có thể giải quyết được thông qua việc nghe giảng với tinh thần đối thoại, đọc sách có ngẫm nghĩ, phản bác các lối mòn, gỡ nút rối (giải quyết một vấn đề đang gây tranh cãi theo quan điểm cá nhân), hay dựa vào linh cảm (cảm nhận của cá nhân về tính vấn đề của một hiện tượng), thực tiễn giáo dục,… Ngoài ra, GS còn chia sẻ việc tránh một số cách đặt tên đề tài không phù hợp, cách triển khai đề tài sao cho hiệu quả.

Buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí thân mật, cởi mở. Qua đó, các sinh viên đã tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm quý giá cho bản thân, thêm hiểu và thêm vững tin vào con đường khoa học tuy còn rất dài và rất nhiều chông gai ở trước mặt, nhưng cũng đầy hấp dẫn và say mê.

Đào Lê Tiến Sỹ (ghi chép)

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020