A) ĐẶT VẤN ĐỀ
Chúng ta đang sống ở thế kỉ XXI “ thế kỉ của vốn trí tuệ”, sự bùng nổ thông tin, con người để thích nghi và tồn tại thì cần phải học rất nhiều thứ. Vậy làm sao để chúng ta có thể làm chủ được vốn kiến thức của bản thân và chiếm lĩnh tri thức nhân loại một cách tốt nhất. Điều ấy đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực không ngừng trong việc rèn luyện và phát triển tư duy. Giáo sư Nguyễn Đình Chú cho rằng “nâng cao phẩm chất tư duy- nguồn gốc của mọi vấn đề”.
Giáo dục nước ta hiện nay đã và đang không ngừng đổi mới về phương pháp, về tư duy trong dạy và học để thích nghi với thế giới đang rất nhiều biến động.. Văn học cũng nằm trong xu thế đổi mới ấy. Các nhà nghiên cứu, những người yêu văn chương luôn đặt ra câu hỏi phải làm thế nào để trả môn văn trở về với vị trí xứng đáng của nó khi mà có một thực tế đáng buồn rằng: người ta quay lưng lại với văn chương nhà trường? Phải chăng là do tư duy, do phương pháp trong việc tiếp cận, dạy và học văn vẫn theo những lối mòn xưa cũ không bứt phá lên được. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp tiếp cận văn bản.
Trong bài tiểu luận này, chúng tôi xin trình bày một số phương pháp tư duy về hình tượng nghệ thuật trong việc tiếp cận tác phẩm văn học. Tại sao lại là tư duy về hình tượng nghệ thuật mà không phải là khía cạnh nào khác? Như chúng ta đã biết, trong một tác phẩm văn học, hình tượng nghệ thuật có một vị trí đặc biệt quan trọng đồng thời nó là “mã khóa” cơ bản để chúng ta khám phá tác phẩm. Dựa trên cơ sở những hiểu biết lí luận về hình tượng nghệ thuật, chúng tôi tìm hiểu và đề xuất một số phương pháp tư duy để chiếm lĩnh hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Mỗi người trong quá trình tiếp nhận văn học sẽ có những suy nghĩ, cảm nhận khác nhau. Do đó, những phương pháp này chỉ mang tính chất góp phần định hướng, nhằm nâng cao năng lực tư duy về hình tượng nghệ thuật, để từ đó khai thác được chiều sâu, bề rộng, những tầng vỉa sâu xa của tác phẩm văn học.
B) GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I.Hình tượng nghệ thuật và tư duy về hình tượng nghệ thuật
1.Hình tượng nghệ thuật
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”: hình tượng nghệ thuật là sản phẩm của phương thức chiếm lĩnh, thể hiện và tái tạo hiện thực theo quy luật. Đó là chất liệu cụ thể mà chúng ta có thể ngắm nghía, thưởng ngoạn, tưởng tượng; qua đó thấy được tư tưởng, tình cảm của tác giả.
Hình tượng nghệ thuật có thể là một đồ vật, một phong cảnh thiên nhiên hay một sự kiện xã hội được cảm nhận. Nhưng nói đến hình tượng nghệ thuật, người ta thường nghĩ tới hình tượng con người với những chi tiết biểu hiện cảm tính phong phú. Đến với thế giới văn học, ta được gặp gỡ rất nhiều hình tượng: hình tượng người nông dân, hình tượng người phụ nữ, hình tượng người anh hùng….Có khi đó là hình tượng nghệ thuật cụ thể như hình tượng nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, hình tượng Thúy Kiều trong kiệt tác “Truyện Kiều” bất hủ…
Hình tượng nghệ thuật chính là yếu tố kết tinh giá trị tư tưởng, tình cảm của tác giả, là nhân vật trung tâm của tác phẩm văn học với những đặc điểm cơ bản:
Trước hết, hình tượng nghệ thuật là một khách thể tinh thần đặc thù bởi nó tồn tại độc lập với ý thức chủ quan của nhà văn, độc lập với ý muốn của người đọc; nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người. Hình tượng nghệ thuật gợi ra một thực thể toàn vẹn, sống động như thật, có diện mạo riêng, cá biệt, đặc thù, không giống nhau. Nó còn là một loại kí hiệu đặc biệt để nhà văn thể hiện quan điểm, gửi gắm tư tưởng của mình vào đời sống. Hơn thế, hình tượng nghệ thuật là một quan hệ xã hội thẩm mĩ với tính tạo hình và biểu hiện, tính nghệ thuật.
Xuất hiện như một yếu tố trung tâm của tác phẩm văn học, hình tượng nghệ thuật với tư cách là phương thức tồn tại của nghệ thuật sẽ xác định đặc trưng trọn vẹn của nghệ thuật. Chính là qua những hình tượng nghệ thuật sống động, các mặt đối tượng và nôi dung chính của tác phẩm văn học sẽ được bộc lộ một cách trọn vẹn trong sự kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Bởi lẽ, hình tượng nghệ thuật chính là phương tiện thể hiện tập trung ý đồ tác giả, các giá trị nhân học và thẩm mĩ của nghệ thuật. Thiếu hình tượng, nghệ thuật không thể tồn tại được.
Thấy được tầm quan trọng của hình tượng nghệ thuật, chúng ta càng thấy vai trò to lớn của tư duy hình tượng nghệ thuật trong tiếp nhận văn học.
2.Tư duy về hình tượng nghệ thuật
Tư duy là dạng hoạt động trí tuệ của con người hướng tới sự sáng tạo và tiếp nhận một vấn đề nào đó. Đó chính là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật, hiện tượng. Chúng ta có tư duy nghệ thuật và tư duy lí luận. Tư duy có vai trò vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trong văn học, để nghiên cứu và giảng dạy thì việc tư duy để tìm ra ý nghĩa, giá trị tác phẩm văn học, giúp cho học sinh có sự nhìn nhận sâu sắc bên cạnh sự cảm nhận để phát hiện ra những “lí lẽ trái tim” là vô cùng quan trọng.
Sự thành công của một tác phẩm văn học được làm nên bởi nhiều yếu tố, nhưng hình tượng văn học chính là kết tinh nghệ thuật, là “chìa khóa” giúp ta hiểu tác phẩm tốt nhất. Nó vừa có giá trị thể hiện những nét cá biệt, không lặp lại; lại vừa có khả năng khái quát, làm bộc lộ bản chất của một loại người hay một quá trình đời sống theo quan niệm của người nghệ sĩ. Vì lẽ đó, trong quá trình tư duy về một tác phẩm văn học, việc tư duy về hình tượng nghệ thuật đóng vai trò quan trong hơn cả. Đó là một kiểu tư duy nghệ thuật, sự nhận thức đi sâu vào khám phá những lớp nghĩa, những tầng vỉa sâu sa bên trong các hình tượng nghệ thuật, phát huy tính sáng tạo cuả người tiếp nhận. Qua đó, chúng ta có cách nhìn mới, có ý thức sáng tạo khi tiếp nhận một hình tượng nghệ thuật.
II) Một số phương pháp tư duy về hình tượng nghệ thuật
Văn học có chất liệu là ngôn từ. Vì vậy, trong quá trình tiếp nhận văn bản, muốn hiểu hình tượng nghệ thuật, đòi hỏi phải có sự giải mã, chiếm lĩnh ngôn ngữ nghệ thuật. Vậy làm thế nào để có thể chiếm lĩnh thành công ngôn ngữ nghệ thuật ấy? Mặt khác, ngôn ngữ và tư duy lại có quan hệ mật thiết với nhau nên vấn đề đưa ra một số phương pháp để tư duy về hình tượng nghệ thuật là vô cùng cần thiết.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, yêu cầu đòi hỏi phát động “công cuộc đổi mới” dạy học văn trong nhà trường được đặt ra. Không thể phủ nhận công lao của các nhà phương pháp trong việc đổi mới chương trình, đổi mới giáo trình, sách giáo khoa, sách tham khảo….đồng thời thực thi các giáo án dạy học mới, đặc biệt là áp dụng cách tư duy mới. Ý thức được như vậy, nhưng thực tế, chúng ta vẫn chưa có được những phương pháp tư duy thật mới mẻ trong dạy học văn. Ngày nay, trong cơn lốc của khoa học công nghệ, của sự bùng nổ thông tin của thời đại truyền thông, chương trình và phương pháp dạy học ngữ văn trong nhà trường trung học của chúng ta lại bộc lộ nhiều điểm ấu trĩ, bất cập, chưa bắt kịp tư duy giáo dục, tư duy dạy học và hoàn cảnh tâm lí của thời đại. Bởi lẽ, “lối mòn tư duy” đã ăn sâu vào cách tiếp nhận và giảng dạy cho nên giảng văn vẫn mang tính truyền thống, một chiều, chưa phát huy được tính tích cực tư duy sáng tạo của học sinh.
Dưới đây chúng tôi xin đề xuất một vài phương pháp tư duy về hình tượng nghệ thuật mà chúng tôi cho là có hiệu quả
1) Phương pháp tư duy hệ thống
Thực tế cho thấy, trước một văn bản văn học có thể diễn ra nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, đối lập nhau. Nhưng sở dĩ các ý kiến ấy vẫn “đứng vững” được trước hết là nhờ nó đã “cắm rễ” vào một logic khoa học nhất định.
Phương pháp tư duy hệ thống là một con đường giúp bạn xây dưng căn cứ khoa học để “tự do sáng tạo” trong tiếp nhận văn chương của bạn được đảm bảo không rơi vào tình trạng mông lung, siêu hình hoặc là bình tán, gán ghép. Đó là phương pháp tư duy mà Giáo sư- Tiến sĩ khoa học Phan Đình Diệu gọi nó là “nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy” hiện nay. Nói đến đổi mới tư duy về hình tượng nghệ thuật, chúng ta không thể không nhắc đến công trình nghiên cứu “Phương pháp tư duy hệ thống trong dạy học văn” của TS. Nguyễn Ái Học. Thành quả của công trình nghiên cứu này được chúng tôi vận dụng trong nghiên cứu tư duy về hình tượng nghệ thuật dưới đây .Tất nhiên, trong quá trình tiếp nhận văn học, chúng ta không chỉ áp dụng một phương pháp đối với một hình tượng văn học mà phải linh hoạt, uyển chuyển, kết hợp đồng bộ nhiều phương pháp, biện pháp thích ứng với từng trường hợp cụ thể. Phương pháp này không chỉ được áp dụng với hình tượng nghệ thuật mà nó còn có thể áp dụng để tư duy nhiều vấn đề khác trong đối tượng văn học. Hơn nữa, hiệu quả của phương pháp còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực chủ quan của giáo viên và học sinh, cách vận dụng phương pháp tư duy vào tác phẩm cụ thể.
Sở dĩ chúng ta nên sử dụng phương pháp này để tư duy hình tượng nghệ thuật là do một tác phẩm văn học không thể tồn tại riêng lẻ một mình mà nó nằm trong rất nhiều hệ thống khác nhau. Muốn hiểu đầy đủ tác phẩm, chúng ta phải đặt nó trong các hệ thống ấy để cảm nhận. Mặt khác, sự vận dụng liên ngành, liên môn trong công việc nghiên cứu và nhất là dạy học văn trong nhà trường của chúng ta lâu nay có thể nói là thiếu và yếu. Chưa nói đến sự vận dụng văn hóa và các khoa học nhân văn rộng lớn, chỉ nói đến việc vận dụng lí luận văn học vào công việc tiếp nhận tác phẩm cũng đang ở tình trạng trên. Trong khi đó, thành tựu lí luận, nghiên cứu, phê bình của thời đại là kết tinh tài năng, trí tuệ và công sức của xác nhà nghiên cứu. Một khi kết quả đó được thừa nhận thì việc áp dụng nó vào việc tiếp nhận văn học là quá cần thiết. Ý thức được như vậy nhưng thực tế, nó vẫn chưa được vận dụng một cách có hiệu quả. Hơn nữa, phương pháp tư duy này có rất nhiều ưu thế.
Trước hết, tư duy hệ thống là tư duy khoa học. Chúng ta tư duy hệ thống cũng tức là chúng ta rèn luyện cách tư duy khoa học. Phương pháp tư duy hệ thống chính là cách tiếp cận bản thể luận, chống lại việc xa rời bản chất, đặc trưng của văn học. Nó giúp người tiếp nhận phát huy được cách phân tích khoa học mà chủ nghĩa cấu trúc mang lại và cũng giúp khắc phục hạn chế mà chủ nghĩa cấu trúc mắc phải. Phương pháp tư duy hệ thống cũng mở ra sự tự do- một cách khoa học trong tiếp nhận khoa học, tạo nên tính “đa nguyên” trong tiếp nhận và đánh giá văn học.
Tóm lại, Phương pháp tư duy hệ thống là phương pháp tư duy khoa học, phương pháp tư tưởng rộng cho phép ôm vào nó nhiều phương pháp để phát huy, vận dụng tối đa sức sáng tạo của người tiếp nhận.
a. Định nghĩa
Khái niệm hệ thống có trong tất cả mọi lĩnh vực khoa học và đời sống. Hệ thống ở đây vừa thuộc về đối tượng nghiên cứu, tức là cấu trúc hệ thống tác phẩm văn học vừa là phương pháp để chiếm lĩnh đối tượng, tức là phương pháp tiếp cận hệ thống đối với tác phẩm văn học.
Có thể nói hệ thống là một chỉnh thể thống nhất bao gồm những thành tố khác nhau kết hợp và tương tác với nhau đẻ tạo nên những thuộc tính mới mà các thành tố riêng lẻ không có được. Như vậy phương pháp hệ thống là cách thức xem xét đối tượng nghiên cứu như một hệ toàn vẹn, có cấu trúc xác định và vận động phát triển nhờ sự tương tác theo quy luật riêng giữa các bộ phận cấu thành. Chính nhờ sự tương tác này đã phát sinh ra chất lượng mới- chất lượng của toàn thể lớn hơn tổng các bộ phận của nó.Hệ thống của một tác phẩm văn học không phải là cấu trúc tĩnh tại, đóng kín mà đó là một cấu trúc động, cấu trúc mở.Nó bao gồm hệ thống do tác phẩm tạo ra và hệ thống do quan hệ tương tác giữa văn bản (và từng bộ phận trong văn bản) với người đọc (bao gồm các yếu tố: văn hóa, ngôn ngữ, vốn hiểu biết…) Phương pháp tư duy hệ thống trong tiếp nhận văn học chính là sự suy nghĩ của người đọc, xác lập một cách hiểu về tác phẩm theo logic tương tác hệ thống giữa cấu trúc của văn bản và điểm nhìn khoa học và cảm thụ khoa học của chủ thể tiếp nhận, nhằm phát hiện ra giá trị mới của tác phẩm. Khi chúng ta tư duy hệ thống về hình tượng nghệ thuật tức là chúng ta đặt hình tượng nghệ thuật vào các hệ thống của nó để xem xét, cảm nhận; là nhìn nhận hình tượng nghệ thuật từ nhiều điểm nhìn nghệ thuật khác nhau để khám phá hình tượng nghệ thuật một cách toàn vẹn, đầy đủ và có những khám phá mới về nó.
b. Các phương pháp cụ thể
Cách tiếp cận hệ thống là đa dạng, phong phú. Bởi vậy không thể khuôn vào cố định một vài cách xây dụng hệ thống và cho đó là đủ, Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nêu lên những định hướng xây dựng hệ thống cơ bản như sau:
Người tiếp nhận có thể tư duy về hình tượng nghệ thuật từ hệ thống các nhân vật trong tác phẩm hay tư duy nó từ hệ thống các yếu tố ngoài văn bản (văn hóa, xã hội…). Chúng ta có thể đồng nhất và đối lập, so sánh nó với hệ thống các hình tượng nghệ thuật tương đồng hoặc đối lập để tìm ra dụng ý nghệ thuật của tác giả, những giá trị tư tưởng, tình cảm mà tác giả gửi gắm qua đứa con tinh hần của mình. Chẳng hạn, khi tìm hiểu hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong kiệt tác bất hủ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta phải đặt nhân vật trong tương quan với hệ thống các nhân vật trong tác phẩm, tức là dặt hình tượng trong mối quan hệ với gia đình (Vương ông, Thúy Vân,…), với người yêu (Kim Trọng), với Thúc Sinh, Từ Hải và cả với các thế lực đối nghịch (Bạc Bà, Bạc Hạnh, Tú Bà, Sở Khanh…). Từ đó ta thấy được cái đẹp cũng như giá trị nhân văn của nhân vật này. Chúng ta cũng cần đặt Thúy Kiều trong hệ thống văn hóa Việt Nam,cách tư duy của người Việt để thấy được tinh thần dân tộc đậm đà mà đại thi hào dân tộc gửi gắm ở nhân vật khi nhà thơ sáng tạo lại một tiểu thuyết Trung Hoa….
Tư duy về hình tượng nghệ thuật theo phương pháp hệ thống, chúng ta cũng có thể đặt nhân vật trong hệ thống loại thể, loại hình của tác phẩm. Khi tìm hiểu về hình tượng cái tôi trong “Ngôn hoài” của Không Lộ thiền sư, chúng ta nên đặt nó vào hệ thống thơ Thiền. Khám phá cái hay cái đẹp của các hình tượng nghệ thuật trong các bài thơ Hán học, chúng ta không thể không đặt nó trong hệ thống thi pháp thơ Đường. Một phương pháp tư duy về hình tượng nghệ thuật đạt hiệu quả là ta tiếp nhận nó trong hệ thống phong cách nghệ thuật “cha đẻ” của nó. Chúng ta không thể cảm nhận hết cái hay cái đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù) khi không tìm hiểu nhân vật này theo phong cách nghệ thuật của tác giả Nguyễn Tuân. Cũng như ta không thể tìm hiểu đầy đủ hình tượng Liên (Hai đứa trẻ) nếu tách rời nhân vật này khỏi hệ thống phong cách nghệ thuật Thạch Lam.
Trên đây chỉ là một vài phương pháp tư duy hệ thống về hình tượng nghệ thuật. Trong quá trình tiếp nhận văn học, tùy vào đặc điểm của hình tượng nghệ thuật cũng như các yếu tố chủ quan của người tiếp nhận sẽ nảy sinh nhiều phương pháp khác nhau.
c. Áp dụng phương pháp tư duy hệ thống vào tư duy nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao
Chí Phèo là truyện ngắn đặc sắc của Nam Cao, kiệt tác văn xuôi Việt Nam hiện đại. Hình tượng nghệ thuật Chí Phèo chính là kết tinh tư tưởng nghệ thuật của tác giả, là chìa khóa giúp chúng ta thấy được cái hay, cái đẹp của tác phẩm này. Cách tiếp cận khá đa dạng. Có hướng phân tích theo lí thuyết điển hình với luận điểm: Chí Phèo là một nhân vật điển hình, có hướng bám vào sơ đồ văn bản, các chặng đường đời Chí Phèo, có hướng phân tich cấu trúc đối thoại… và, điểm gặp gỡ chung phổ biến của các hướng trên là đi đến kết luận về bi kịch bị tha hóa của nhân vật Chí Phèo. Dưới đây chúng tôi xin đưa ra một vài gợi ý định hướng tư duy về hình tượng nhân vật Chí Phèo từ phương pháp hệ thống.
Có thể nói: nỗi cô độc của Chí Phèo- sức mạnh tác động của Thị Nở- câu hỏi về quyền làm người- nhận thức cảm thụ cuả người đọc….Đó là cấu trúc hệ thống cốt lõi của tác phẩm này. Chính tương tác hệ thống này đã tạo nên giá trị thẩm mĩ tổng hợp của tác phẩm.
Diễn biến tác phẩm Chí Phèo xoay quanh cuộc đời nhân vật Chí Phèo với những diễn biến tâm trạng, hành động và bi kịch bị tha hóa của người nông dân Chí Phèo. Vì vậy, hiểu được đầy đủ nhân vật Chí Phèo chính là chúng ta đã nắm được về cơ bản nội dung tác phẩm.
Nhân vật Chí Phèo được tác giả Nam Cao đặt trong nhiêu hệ thống khác nhau, khám phá những hệ thống này chính là chúng ta đang tư duy về nhân vật theo phương pháp hệ thống.
Trước hết, đặt trong hệ thống văn bản, cuộc đời Chí Phèo là một “hành trinh cô độc”, nhưng thực ra, cuộc đời nhân vật này có các mối liên hệ với hệ thống các nhân vật trong tác phẩm. Chúng tôi xin phân tích hai mối quan hệ tiêu biểu, ảnh hưởng lớn đến diễn biến tâm lí của hình tượng. Đó là quan hệ của Chí Phèo với Bá Kiến, Thị Nở.
Trong quan hệ Chí Phèo- Bá Kiến, Bá Kiến chính là một đối cực của Chí Phèo, là nhân tố đẩy bi kịch nhân vật đến đỉnh điểm. Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù, tạo ra bi kịch tha hóa của nhân vật, hắn đại diện cho xã hội phong kiến đã biến anh canh điền hiền lành Chí Phèo thành con quỷ của làng Vũ Đại; bị tha hóa từ ngoại hình đến tâm lí. Qua xây dựng mối quan hệ này, tác giả thể hiện niềm cảm thông, xót xa trước bi kich của người nông dân trong xã hội cũ. Tác giả cũng lên tiếng tố cáo các thế lực phong kiến tàn bạo, xấu xa.
Trong quan hệ với Thị Nở, có thể nói sự xuất hiện của Thị Nở tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong đời Chí. Thị là thứ ánh sáng cao cả chợt vụt sáng giữa cuộc đời tăm tối của Chí Phèo, cho Chí biết thế nào là tình người, thế nào là hạnh phúc, làm Chí thèm lương thiện. Nhưng cũng chính Thị Nở là nhân tố kích thích sự cánh cửa cuộc đời khép lại hoàn toàn khi Chí Phèo đang cố gắng bám trụ ở ngưỡng cửa của nó (chú ý phân tích chi tiết bát cháo hành của Thị Nở).
Theo hệ thống ngoài văn bản, chúng ta có thể tư duy về nhân vật Chí Phèo trong hệ thống các nhân vật của Nam Cao (lão Hạc, lang Rận, mụ Lợi…), những người nông dân nghèo trong văn học Việt nam (chị Dậu (Tắt đèn- Ngô Tất Tố), anh Pha ( Bước đường cùng- nguyễn Công hoan)….)
Xây dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao còn chịu ảnh hưởng của chế độ chính trị- xã hội bấy giờ (xã hội thuc dan với tội ác của nó, các hủ tục, định kiến xã hội….), ảnh hưởng của văn hóa (lòng thương người, bảo vệ bênh vực con người, ghét cái ác, cái xấu...), ảnh hưởng của nhu cầu, văn hóa của cuộc sống hiện đại…
Tiếp cận nhân vật Chí phèo từ những hệ thống như trên, chúng ta có thể khám phá nhân vật từ nhiều chiều hơn. Vì thế, nhân vật hiện lên toàn vẹn hơn. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần áp dụng nó với nhiều phương pháp khác nữa để cảm nhận nhân vật được đầy đủ nhất.
2)Phương pháp tư duy triết học về hình tượng nghệ thuật
Theo quan điểm tư tưởng văn nghệ Macxit : Văn học là một hình thái ý xã hội thẩm mĩ thuộc kiến trúc thượng tầng,văn học phản ánh đời sống và bắt nguồn từ đời sống. Văn học có mối quan hệ mật thiết với những hình thái ý thức thức xã hôi khác trong đó có triết học. Triết học được coi là “khoa học chung nhất của các ngành khoa học”. Triết học không những cung cấp cho văn học những chủ đề tư tưởng, những trào lưu mà còn là “con mắt” của văn học để các nhà văn quan sát thế giới. Ngược lại, văn học lại giúp những tư tưởng triết học ngấm sâu vào trong lòng người đọc. Từ mối quan hệ mật thiết ấy chúng ta có cơ sở để đề ra phương pháp tư duy triết học trong việc khai thác hình tượng nghệ thuật nói riêng và tác phẩm văn học nói chung, “triết học giúp văn học đạt được chiều sâu tư tưởng nhận thức rộng lớn”.
Tư duy triết học hiểu một cách khái quát thì đó chính là “năng lực nhận thức về những vấn đề phức tạp nhất, sâu kín nhất, thậm chí bí hiểm trong sự sống con người, được phản ánh bằng vô thức, trực giác trong văn chương”. Nghĩa là, không chỉ dừng lại ở hiện tượng bề ngoài, bề nổi trong việc tìm hiểu một hình tượng nghệ thuật, mà điều quan trọng nhất là phải “cầy xới” được những tầng vỉa sâu xa, những mối quan hệ chằng chịt trừu tượng bên trong đó. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu thì việc áp dụng tư duy triết học trong các ngành khoa học xã hội nói chung và ngành văn học nói riêng vẫn còn thiếu và yếu.
Vậy làm thế nào để áp dụng tư duy triết học vào chiếm lĩnh hình tượng nghệ thuật và ý nghĩa tác phẩm? Đây là điều không hề đơn giản, nó đòi hỏi chúng ta không chỉ có thế giới quan rộng mà còn phải học và hiểu nhiều về triết học thì mới có thể áp dụng được.
Chúng ta biết rằng “các tư tưởng triết học thường hiện ra trong thế giới hình tượng nghệ thuật và những tác phẩm lớn thường chứa đựng những khái quát sâu sắc về lịch sử, lẽ sống, con người” do đó mà tư duy triết học về hình tượng nghệ thuật cho phép chúng ta có thể mở rộng ý nghĩa hình tượng nghệ thuật, đồng thời tìm thấy được những ý nghĩa bản chất, sâu xa nhất… chúng ta có thể lấy tư tưởng triết học để soi chiếu vào hình tượng nghệ thuật trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu, đồng thời rút ra những triết lí từ hình tượng ấy. Chẳng hạn như khi tìm hiểu về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Có biết bao nhiêu vấn đề triết lí nhân sinh và vấn đề con người được đặt ra xung quanh hình tượng nhân vật Thúy Kiều…hay như khi tìm hiểu về hình tượng người trí thức trong các sáng tác của Nam Cao người ta có thể khai thác làm rõ một khía cạnh về hình tượng đó bằng mối quan hệ giữa hoàn cảnh sống và ý thức của con người, giữa nội dung và hình thức.... đồng thời đọc các tác phẩm của Nam Cao, ta thấy rằng tầm triết lí mà Nam Cao gửi gắm qua các hình tượng nghệ thuật của mình cũng hết sức sâu sắc. Chẳng hạn như thông qua nhân vật Hộ,chúng ta có thể thấy ẩn chứa trong hình tượng ấy là những triết lí về bài học tình thương,về mối quan hệ giữa sống và viết: muốn trở thành người nghệ sĩ chân chính thì trước tiên phải trở thành một con người chân chính…
Một ví dụ khác, nhà thơ Nguyễn Duy đã từng phát biểu “cốt lõi của văn chương là triết” và quả thực nhà thơ này đã mang vào trong thơ rất nhiều yếu tố triết học. Như vậy để có thể tìm hiểu về thơ cũng như những hình tượng nghệ thuật trong thơ của ông chúng ta không thể bỏ qua việc tư duy triết học trong khi tiếp cận thơ của ông… đó chính là “cảm hứng và tư duy phản tỉnh”. Tư duy “ phản tỉnh” trong thơ Nguyễn Duy đã đặt cho người đọc phải suy tư, nhận thức lại sự vật, sự việc... Ánh trăng là bài thơ tiêu biểu. Khi lấy “tư duy phản tỉnh” là chìa khóa, chúng ta dễ dàng mở các cánh cửa để tiếp cận với tác phẩm.
Tóm lại, tư duy triết học trong việc tìm hiểu, chiếm lĩnh hình tượng nghệ thuật cũng như giá trị tác phẩm văn học không phải là điều đơn giản. Nhưng thiết nghĩ, nếu chúng ta nhận thức một cách sâu sắc về tầm quan trọng cũng như ưu điểm của nó đồng thời cùng với những cảm nhận tinh tế của bản thân chúng ta sẽ sáng suốt tìm ra những điều sâu rộng mới mẻ, lí thú của tác phẩm văn học.
3)Phương pháp tư duy như Einstein
Albert Einstein, một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Ông có được thành công như vậy, không phải do tài năng thiên bẩm mà đó là do ông đã có một lối tư duy hết sức mới lạ, độc đáo.. Scott Thorpe là người đã dày công nghiên cứu về phương pháp tư duy của Einstein trong cuốn “Tư duy như Einstein” đã cho chúng ta thấy một phương pháp khá mới lạ, ông đặc biệt nhấn mạnh đến “khả năng tưởng tưởng của con người, tìm kiếm những điều tưởng như phi lí để giải phóng năng lượng tiềm ẩn trong mỗi con người”. Nguyên tắc duy nhất theo phương pháp tư duy của Einstein theo ông là: phá vỡ những nguyên tắc.
Liệu việc tìm hiểu áp dụng một phương pháp tư duy của nhà vật lí học vào việc tìm hiểu hình tượng nghệ thuật trong văn học có phải là sự áp dụng khập khiễng? Theo chúng tôi thì không phải. Bởi lẽ hình tượng nghệ thuật không phải là bất biến, nó phụ thuộc rất nhiều vào người tiếp nhận chẳng hạn như hình tượng Hamlet trong vở kịch cùng tên của Sếch Pia, người phương Tây nói rằng: có một một nghìn người đọc Hamlet thì có một nghìn hình tượng Hamlet. Như vậy, có thể thấy, người đọc với những suy nghĩ, tình cảm, đặc biệt tư duy, trình độ khác nhau thì sẽ có cách tiếp nhận khác nhau, đồng thời theo “mĩ học tiếp nhận” thì “văn bản là một kết cấu mời gọi”. Có thể nói, tiếp nhận một tác phẩm văn học người ta có thể thỏa sức tưởng tượng, thỏa sức suy nghĩ. Phương pháp tư duy như Einstein cho phép chúng ta làm điều ấy.. đó là phá vỡ mọi nguyên tắc, mọi áp đặt trước đó để tìm ra những ý tưởng mới mẻ của hình tượng nghệ thuật “tránh lối mòn tư duy” Einstein đã từng nói rằng “trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức”. Tuy nhiên phương pháp “tư duy như Eistein chỉ mang tính chất gợi mở để chúng ta có thể tư duy về hình tượng nghệ thuật một cách độc lập và giúp cho trí tưởng tượng bay cao, bay xa hơn.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Có thể nói, để có thể chiếm lĩnh hình tượng nghệ thuật còn có rất nhiều cách khác nhau và cũng bằng nhiều con đường khác. Trên đây chúng tôi chỉ tìm hiểu và đề xuất một số phương pháp tư duy, chưa có điều kiện đi sâu. Nhưng thiết nghĩ, những phương pháp đó cùng với sự cảm nhận tinh tế, sẽ giúp chúng ta có cách tiếp cận, tư duy về hình tượng nghệ thuật một cách thấu đáo, đồng thời tăng thêm sức tưởng tưởng, đào sâu trong quá trình tiếp nhận văn học. Những phương pháp này chúng ta cũng có thể áp dụng vào việc tìm hiểu nghiên cứu, giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học văn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Nguyễn Ái Học, Phương pháp tư duy hệ thống trong dạy học văn, nxb giáo dục .
2) Scott Thorpe, Tư duy như Einstein, Nxb lao động xã hội
3) Phan Cự Đệ, Văn học việt nam 1900-1945, nxb giáo dục
4) Phương Lựu, Lí luận văn học, nxb đại học sư phạm