Nghiên cứu khoa học

TÌM HIỂU NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM ĐỐI VỚI VĂN HOÁ HÁN QUA TƯ LIỆU HÁN NÔM VÀ SỬ LIỆU TRUNG QUỐC


15-10-2020
Tác giả: Đàm Chí Tư

Như nhiều học giả đã công nhận, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có nền văn hóa rất gần nhau. Sự gần nhau về văn hóa đó là kết quả của sự giao lưu văn hóa đó lâu dài qua nhiều thế kỷ giữa hai nước. Mối giao lưu văn hóa này mang tính hai chiều, tuy không loại trừ trường hợp một chiều trong một khoảng thời gian nhất định. Bởi vậy, chúng ta phải nhìn thấy tính hai chiều của nó khi nghiên cứu mối giao lưu văn hóa giữa hai nước Trung - Việt. Đáng tiếc là, lâu nay trong giới nghiên cứu khoa học tồn tại một tình trạng thiếu khoa học là cường điệu một chiều sự ảnh hưởng của nền văn hóa Hán đối với nền văn hóa Việt Nam (Hán sang Việt), còn chiều khác là sự ảnh hưởng (cống hiến) của văn hóa Việt Nam đối với văn hóa Hán (Việt sang Hán) thì rất ít được đề cập đến. Bài viết này xin đưa ra quan điểm của chúng tôi về những cống hiến của người Việt và văn hóa Việt Nam vào văn hóa Hán dựa trên tư liệu Hán Nôm và sử liệu Trung Quốc.

Trước hết, chúng tôi khẳng định rằng, song song với chiều văn hóa Hán truyền sang, góp phần hình thành và phát triển văn hóa Việt Nam, còn tồn tại chiều văn hóa Việt Nam truyền sang văn hóa Hán, góp phần làm phong phú thêm nội dung của văn hóa Hán. Điều đó được thể hiện trong những khía cạnh sau đây:

I. Một số loại sản vật Việt Nam hoặc từ Việt Nam truyền sang Trung Quốc, làm phong phú thêm kho tàng tài nguyên sản vật và đời sống của nhân dân Trung Quốc

Theo sử sách Trung Quốc, những loại sản vật đó gồm các cây nhãn, vải, giầu cau, dừa, khoai lang, thuốc lá, bông, ý dĩ (bo bo), hoàng tiết (黃 屑) và phong hương (楓 香) v.v...

Cây nhãn, vải: vốn xuất xứ vùng Giao Chỉ, Cửu Chân, sau đó được truyền sang miền Nam Trung Quốc. Vua Ngụy Văn Trung Quốc từng xuống chiếu rằng: “Những hoa quả lạ ở miền Nam có cây nhãn, vải... xuất xứ ở Giao Chỉ, Cửu Chân(1)”.

Cây trầu cau: cuốn Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm chép: cây trầu cau “có nguồn gốc ở Lâm ấp (miền Trung Việt Nam ngày nay)”. Có học giả Trung Quốc nhận định rằng, thời gian cây trầu cau truyền sang Trung Quốc không muộn hơn đời Tấn(2).

Cây dừa: vốn xuất xứ ở vùng Mêlanixia (thuộc châu Đại Dương) và được truyền sang vùng Đông Nam Á trước công nguyên. Trước đời Hán, cây dừa được truyền từ Việt Nam sang Trung Quốc(3). Cuốn Tề dân yếu thuật, quyển 10 dẫn các sách Quảng chí, Giao Châu ký, Dị vật chí rằng: “Cây dừa xuất xứ từ Giao Chỉ, nhà nào nhà nấy đều trồng cây đó”.

Cây khoai lang: vốn xuất xứ ở châu Mỹ, được truyền sang vùng Đông Nam Á vào thế kỷ XVI. Khoảng niên hiệu Vạn Lịch (1573 - 1620) đời Minh, ông Trần ích, người Quảng Đông đem giống cây khoai lang từ Việt Nam tới và ông Trần Chấn Long, người Phúc Kiến đem giống khoai lang từ Phi-líp-pin về, sau đó cây khoai lang được trồng rộng rãi ở vùng Quảng Đông, Phúc Kiến(4).

Cây thuốc lá: vốn xuất xứ ở châu Mỹ. Năm 1492, nhà hàng hải Cô-lôm-bô phát hiện cây thuốc lá, từ đó cây thuốc lá được truyền đi khắp nơi trên thế giới. Lúc đầu cây thuốc lá được truyền qua con đường Phi-lip-pin sang Trung Quốc vào khoảng niên hiệu Vạn Lịch đời Minh. Đến niên hiệu Thiên Khởi (1621 - 1627) đời Minh, cây thuốc lá lại được truyền từ Việt Nam sang vùng Quảng Đông Trung Quốc. Cuốn Cao Yếu huyện chí ở Quảng Đông chép rằng: “Thuốc lá xuất xứ từ Giao Chỉ, nay nơi nào cũng có(5)”.

Cây bông: theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, cây bông ở Trung Quốc được nhập từ nước ngoài qua ba con đường. Một trong ba con đường đó là từ Việt Nam qua đường biển truyền sang đảo Hải Nam, Phúc Kiến và Quảng Tây v.v... Thứ vải được dệt bằng loại bông đó được gọi là Việt Bố (vải Việt)(6).

Cây ý dĩ (bo bo): là loại cây họ thảo sống lâu năm, quả ý dĩ có thể ăn hoặc làm thuốc, lá và thân cây ý dĩ có thể dùng làm nguyên liệu giấy. Ngày nay các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông và Quảng Tây đều trồng cây ý dĩ. Theo sử sách ghi chép, ngày xưa, loại ý dĩ Việt Nam có hạt to nhất. Vào đời Đông Hán, Mã Viện vào cai trị vùng Giao Chỉ, khi trở về, lần đầu tiên ông đem giống ý dĩ về Lạc Dương, kinh đô nhà Hán. Sau khi chết, ông mang “oan ý dĩ”(7). Hiện nay trong tiếng Hán còn có thành ngữ “ý dĩ minh châu” nói về chuyện đó.

Cây hoàng tiết (黃 屑), cây phong hương (楓 香): cuốn Nam phương thảo vật trạng của Từ Trung, người đời Tấn chép: “cây hoàng tiết Nhật Nam (nay là miền Trung Việt Nam) tốt nhất, thỉnh thoảng đem vào cống [cho Trung Quốc]”; “cây phong hương, quả to như trứng vịt... chỉ quận Cửu Chân mới có(8)”.

Còn có thể điểm ra nhiều ví dụ khác, song trong khuôn khổ của một bài viết không cho phép liệt kê hết mọi sản vật được truyền từ Việt Nam sang Trung Quốc được.

II. Một số người Việt Nam sang Trung Quốc góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước và giúp sức xây dựng, phát triển nền văn hóa Hán

Từ thời Tần Thủy Hoàng đã có người Việt Nam sang Trung Quốc. Sử sách chép rằng, vào đời Tần Thủy Hoàng, có Lý Ông Trọng, người Từ Liêm, Giao Chỉ, cao 3 trượng 2 thước, sang nước Tần làm quan đến chức Tự lệ hiệu úy. Ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Cam Túc Trung Quốc), uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi chết. Thủy Hoàng cho rằng ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng để ở cửa Tư Mã Hàm Dương. Bụng tượng chứa được mấy chục người, lắp máy bên trong, nên tượng có thể chuyển động được. Hung Nô tưởng đó là Hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm(9). ở đời Đông Hán, có người Giao Châu là Lý Tiến, Lý Cầm và Trương Trọng sang học rồi làm quan ở Trung Quốc. Sử sách Trung Quốc chép rằng: “Nhân tài Giao Châu được cùng tuyển dụng với người Trung Châu có thể là bắt đầu từ Lý Tiến(10).

Đời Đường, có ba người Việt Nam là hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục, Liêu Hữu Phương đều đậu Tiến sĩ và làm quan ở Trung Quốc. Nhất là Khương Công Phụ, ông đã làm quan đến chức Tể tướng. Chẳng những thế, ông còn giỏi làm văn. Hai bài Bạch vân chiếu xuân hải phú và Đối trực ngôn cực gián sách của ông đều đã được thu chép vào bộ sách Toàn Đường văn. Ông Trương Tú Dân, một học giả Trung Quốc chuyên về lịch sử quan hệ Trung Việt đã tôn xưng ba ông Khương Công Phụ, Khương Công Phục và Liêu Hữu Phương là An Nam tam hiền đời Đường(11)”. Đời Đường, còn nhiều văn nhân Việt Nam (chủ yếu là Nho sĩ và tăng lữ) sang Trung Quốc, đã trao đổi nghệ thuật văn chương, tư tưởng với các văn nhân Trung Quốc. Sự kiện đó được phản ánh qua một số bài thơ của một số nhà thơ đời Đường trong tập thơ Toàn Đường thi, như các bài Sơn trung tặng Nhật Nam tăng, Tống Nam khách của nhà thơ Trương Tịch, bài Cung Phụng Định pháp sư quy An Nam của nhà thơ Dương Cự Nguyên, bài Tống An Nam Duy Giám pháp sư của nhà thơ Giả Đảo v.v...

Những người Việt Nam trên đây sang Trung Quốc, hoặc cố gắng làm việc trong phạm vi chức quyền của mình, hoặc trao đổi nghệ thuật văn chương, qua đó đã góp phần vào sự phát triển của văn hóa Hán.

Kể từ thời Nam Bắc triều đến đầu đời Tùy, nhạc và múa của Lâm ấp (nay là Trung bộ Việt Nam) đã được chọn làm cống phẩm cho Trung Quốc(12). Trong nhạc cung đình đời Thanh còn có nhạc An Nam(13).

Ở đời Lý - Trần, Lê Đức Toàn là một Bác sĩ Việt Nam nổi tiếng đã sang Trung Quốc chữa bệnh cho Hoàng hậu nhà Tống, rồi ông ở lại miền Nam Trung Quốc cho đến chết. Ông quê ở Nghĩa Lư, tự hiệu là Tuệ Tĩnh Thiền Sư. Sau khi ông chết, vua nhà Tống tổ chức lễ tang ông và cho khắc bia đá ghi lại sự tích của ông. Về sau, có sứ giả Việt Nam sang Trung Quốc đem bia đá đó về nước. Đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1853), Việt Nam bị dịch đậu mùa nghiêm trọng, tấm bia đá đó đã hiển linh để giúp dân. Do đó, dân lập đền thờ ông(14). Đời Minh, Nguyễn An, một kiến trúc sư tài ba Việt Nam theo lệnh triều đình nhà Minh trực tiếp phụ trách công trình thiết kế và xây dựng thành phố Bắc Kinh, trong đó chủ yếu là Tử Cấm Thành và Hoàng Thành. Nguyễn An đã hoàn thành sơ bộ công trình đồ sộ đó trong 4 năm. Ngày nay, khi đến tham quan Cố Cung của thành phố Bắc Kinh, người ta biết ơn kiến trúc sư tài ba Việt Nam Nguyễn An(15). Lê Trừng, tự Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông, con trưởng của Hồ Quý Ly, bị tướng nhà Minh Trương Phụ bắt giải sang Trung Quốc. Triều Minh thấy Trừng thông minh tính trời, văn võ kiêm toàn, bèn thả và trọng dụng ông. Trừng chuyên phụ trách quản lý chế tạo hỏa khí, nên được người ta ví là thần Hỏa khí. Người đời Minh phàm thờ hỏa khí, đều thờ luôn ông Trừng. Lê Trừng đã làm quan đến chức Công bộ thượng thư, góp phần to lớn vào nền quốc phòng triều Minh(16).

III. Trong quá trình tiếp thu văn hóa Hán, văn hóa Việt Nam đã có những sáng tạo mới, góp phần phát triển và làm phong phú thêm nội dung của văn hóa Hán

Trong khi tiếp thu văn hóa ngoại lai, mọi dân tộc đều không rập khuôn máy móc, mà căn cứ theo tình hình cụ thể của mỗi dân tộc để tiếp thu có chọn lọc và cải tạo, đồng thời phát huy văn hóa ngoại lai để nâng văn hóa bản địa lên tầm cao mới. Nhưng vì bối cảnh và điều kiện lịch sử khác nhau, nên mức độ cải tạo và phát huy văn hóa ngoại lai của mỗi dân tộc cũng khác nhau. Về phần Việt Nam, xét tổng quan trên bình diện lịch sử, Việt Nam không xây dựng một nền văn hóa khác hẳn văn hóa Hán. Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam không có sáng tạo gì trong quá trình tiếp thu văn hóa Hán. Trong một số lĩnh vực, dân tộc Việt Nam đã có sáng tạo mới. Xin đơn cử một số trường hợp sau đây:

Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du đã mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân - một nhà văn cuối đời Minh đầu đời Thanh (Trung Quốc). Nhưng Nguyễn Du đã sử dụng một cách tài tình ngôn ngữ Việt Nam (tiếng Việt) và thể thơ Việt Nam (lục bát) để sáng tác lại Truyện Kiều. Kết quả là Truyện Kiều của Nguyễn Du không những được coi là tác phẩm văn học nổi tiếng nhất ở Việt Nam, mà còn có tiếng trên thế giới, từng được dịch và giới thiệu bằng tiếng Trung, Pháp, Anh, Nga, Đức, Nhật, Tiệp Khắc và Hung-ga-ri. Nguyễn Du cũng vì đó mà trở thành danh nhân văn hóa. Còn bản Kim Vân Kiều truyện Trung Quốc thì hầu như không có tiếng tăm gì, chỉ những học giả chuyên về văn học thời kỳ đó mới biết thôi. Trên một chừng mực nào đó, sở dĩ sau này bản Kim Vân Kiều truyện Trung Quốc được nhiều người biết đến là nhờ tiếng tăm của bản Truyện Kiều Việt Nam, tức họ biết Truyện Kiều của Nguyễn Du trước, biết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân sau.

Phú là một trong bốn thể loại văn cổ đại Trung Quốc. Trong quá trình tiếp thu phú Trung Quốc, phú Việt Nam đã có sáng tạo và phát triển mới. Chẳng hạn, phú Trung Quốc thì thường hay sử dụng những lời văn mỹ miều để ca ngợi công đức của bọn thống trị hoặc tác giả khoe tài. Còn phú Việt Nam thì có khi dùng để bàn luận sự việc hoặc thuyết minh đạo lý, thậm chí để luận chiến, giống như thể văn nghị luận, như bài Cần Chính lầu phú, Quan Chu nhạc phú của Nguyễn Pháp v.v... Đôi khi phú Việt Nam còn được dùng để thuyết trình đặc tính và hướng dẫn cách sử dụng dược phẩm, giống như thể văn thuyết minh ngày nay, như bài Trực giải chỉ nam dược tính phú, Nam dược Quốc ngữ phú của Nguyễn Bá Tĩnh v.v...

Chơi chữ bằng chữ Hán là bộ phận quan trọng trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, cũng được nhân dân Việt Nam ưa thích. Người Việt Nam đã tiếp thu văn hóa chơi chữ Hán rồi kết hợp với văn hóa bản địa để tạo ra nhiều tác phẩm chơi chữ mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Thực tế, cách chơi chữ bằng chữ Hán của Việt Nam đã góp phần làm phong phú thêm nội dung của văn hóa chơi chữ Trung Quốc, thí dụ:

Vua Duy Tân chơi chữ với cha cố Tây:

Cha cố: Rút ruột ông vua, tam phân thiên hạ.

Vua Duy Tân: Chặt đầu thằng Tây, tứ hải giai huynh.

Cha cố Tây đã chơi chữ bằng chữ vương (王) trong tiếng Hán, bởi chữ vương rút đi sổ giữa (〡), còn lại chữ tam (三), ngụ ý Việt Nam bị chia cắt làm ba Kỳ. Vua Duy Tân đã chọi lại ông cha cố bằng cách chơi chữ Tây (西, hồi ấy Việt Nam gọi người Pháp là Tây) trong tiếng Hán, bởi chữ Tây (西) cắt đi phần đầu còn lại chữ tứ (四).

Xem thêm câu đố sau đây:

Đầu cha lấy làm chân con,
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.

Đáp án của câu đố trên là hai chữ Hán “光 景” (Quang Cảnh). Vì phần đầu của chữ “光” là “小”, đúng là phần chân của chữ “景”, Quang chỉ vua Quang Trung, Cảnh chỉ năm Cảnh Thịnh, triều Quang Trung chỉ tồn tại 14 năm.

Xin xem thêm bài Chiết tự trong Nhật ký trong tù của Bác Hồ như sau:

折 字
囚 人 出 去 或 為 國
患 過 頭 時 始 見 忠
人 有 懮 愁 優 點 大
籠 開 竹 閂 出 真 龍

Phiên âm:

Chiết tự

Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc,
Hoạn quá đầu thời thủy kiến trung.
Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại,
Lũng khai trúc soàn xuất chân long.

Ở đây, với trình độ Hán học uyên thâm, Bác Hồ đã bày tỏ ý chí cách mạng của mình bằng hình thức chơi chữ Hán.

Tập Kiều là một hình thức chơi chữ trên cơ sở kết hợp văn hóa chơi chữ Hán với văn hóa bản địa Việt Nam, vừa là kết quả của mối giao lưu văn hóa giữa hai nước Trung - Việt, lại vừa thể hiện tinh thần sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Thí dụ:

Một hôm, học trò của cụ Phan Bội Châu bị bắt bởi sờ vào ngực của cô hàng hoa. Để cứu trò mình, cụ Phan Bội Châu chơi chữ bằng hình thức tập Kiều:

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.
Những là âu yếm vành ngoài,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm.

Còn bao nhiêu tác phẩm chơi chữ nữa mà tác giả của chúng chính là người Việt Nam. Đó là sự phát triển mới của văn hóa Hán ở khu vực ngoài Trung Quốc. Những tác phẩm đó đã góp phần làm phong phú thêm nội dung của văn hóa chơi chữ Hán.

IV. Văn hóa Việt Nam đã bảo tồn được một số thành phần văn hóa mà ở Trung Quốc đã bị mất mát đi hoặc khó tìm được

Việc một số thành phần của văn hóa bị mất đi bởi nhiều nguyên nhân trên dòng sông lịch sử dài hơn mấy nghìn năm là hiện tượng khó tránh khỏi. Những thành phần văn hóa đó bao gồm cả văn hóa vật chất và tinh thần. Những thành phần đó có khi chúng ta có thể tìm lại được hoặc khám phá được ở khu vực ngoài Trung Quốc. Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ chặt chẽ về lịch sử và văn hóa, nên Việt Nam đã bảo tồn những thành phần văn hóa Hán mà ở Trung Quốc đã bị mất đi hoặc khó tìm. Thí dụ:

Nhạc cổ Trung Quốc đời Tống bị biến mất, từng tìm lại được ở Việt Nam như Hoàng Đế Viêm, một thứ nhạc trượng cổ đã thất truyền ở Trung Quốc(17).

Hiện nay, Việt Nam lưu giữ được một kho tàng di sản Hán Nôm đồ sộ và vô giá, tập trung nhất và phong phú nhất tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với khoảng 26.000 quyển sách, khoảng 36.000 đơn vị thác bản văn khắc, 20.000 tấm ván gỗ khắc in sách Hán Nôm. Đó là một cống hiến vô cùng to lớn của nền văn hóa Việt Nam nói chung và ngành Hán Nôm học Việt Nam nói riêng đối với nền văn hóa Hán. Kho tàng Hán Nôm đó tiềm ẩn biết bao ẩn số về văn hóa Hán và văn hóa Việt Nam (không phải là đối tượng nghiên cứu của bài này) đang chờ đợi các nhà Hán học đi tìm tòi, khám phá mà những người đi trước đã đạt được thành quả đáng mừng. Xin nêu thí dụ:

Hệ thống chữ Nôm và âm Hán Việt đã giữ được nhiều dữ liệu về ngữ âm tiếng Hán thời trung cổ mà ở Trung Quốc khó tìm được. Năm 1948, ông Vương Lực, nhà Ngôn ngữ học nổi tiếng Trung Quốc khảo sát chữ Nôm và hệ thống âm Hán Việt một năm ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, ông viết bài Hán Việt ngữ nghiên cứu nổi tiếng, giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng về lịch sử ngữ âm tiếng Hán. Cho đến ngày nay, chữ Nôm và âm Hán Việt là tài liệu quan trọng được các học giả Trung Quốc quan tâm nghiên cứu về ngữ âm tiếng Hán thời trung đại.

Đôn Hoàng học là một nền học vấn hết sức sâu rộng và có lịch sử lâu dài ở Trung Quốc, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa ngã ngũ. Một trong những vấn đề đó là thể loại văn học. Vương Tiểu Thuẫn, Giáo sư Khoa Trung văn trường Đại học Thanh Hoa Trung Quốc đã giải quyết được một số vấn đề hết sức quan trọng về thể loại văn học Trung Quốc nói chung và văn học Đôn Hoàng nói riêng qua một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu về di sản Hán Nôm Việt Nam. Những thành quả nghiên cứu liên quan đến di sản Hán Nôm của ông được công bố trong hai quyển sách là Từ Đôn Hoàng học đến văn học chữ Hán nước ngoài và Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu. Ông đánh giá rất cao cống hiến của di sản Hán Nôm Việt Nam đối với văn hóa Hán. Ông cho rằng: “Văn hiến Hán Nôm được lưu giữ ở Việt Nam hiện nay đã cung cấp nhiều tư liệu mới cho nền học thuật Trung Quốc trong thế kỷ mới. Sự tác động tích cực của nó đối với nền học thuật Trung Quốc sẽ không chỉ giới hạn trong những ngành khoa học truyền thống như văn, sử, triết, v.v... mà nó còn tác động cụ thể đến nghiên cứu Đôn Hoàng. Cho nên, nó vừa là tấm gương phản chiếu nền văn hóa kinh điển Trung Quốc, vừa là tấm gương soi bóng nền văn hiến Đôn Hoàng(18).

Với sự không ngừng phát triển của ngành Hán Nôm học Việt Nam và mối quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu di sản Hán Nôm, chắc chắn còn nhiều cống hiến cụ thể của văn hóa Việt Nam đối với văn hóa Hán.

Thay lời kết

Không nghi ngờ gì nữa, giao lưu văn hóa giữa hai nước Trung - Việt trong lịch sử tồn tại hai chiều, không chỉ tồn tại ảnh hưởng và cống hiến của văn hóa Hán đối với văn hóa Việt Nam, mà còn ngược lại, tồn tại ảnh hưởng và cống hiến của văn hóa Việt Nam đối với văn hóa Hán. Điều đó đã được chứng tỏ qua di sản Hán Nôm Việt Nam và sử liệu Trung Quốc. Vấn đề này cần được tiếp tục đi sâu nghiên cứu không những đối với học giả Việt Nam mà còn đối với học giả Trung Quốc nữa. Di sản Hán Nôm Việt Nam với nội dung phong phú, hình thức đa dạng cần được tiếp tục khai thác để làm rõ hơn vấn đề này. Thiết nghĩ, trong quá trình khai thác di sản Hán Nôm, học giả Trung Quốc và Việt Nam tiến hành hợp tác là yếu tố cần được quan tâm.

Đ.C.T

CHÚ THÍCH

(1) Lý Phiên biên soạn: Lịch sử phát triển của thực vật trồng trọt Trung Quốc, (中 國 栽 培 植 物 發 展) KHXH,1984, tr.220

(2) Lâm Minh Hoa: Trầu cau và mối giao lưu văn hóa Trung Việt (檳 桹 與 中 越 文 化 交 流), tạp chí Đông Nam Á học san của Sở Châu Á - Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, 1989, số thử san.

(3) Lý Phiên: Sđd., tr.223.

(4) Mẫn Tông Điện: Trung Quốc nông lịch sử hệ niên yếu lục (中 國 農 曆 史 系 年 要 錄)Nxb. Nông nghiệp 1989, tr.178

(5), (6)Vương Giới Nam: Trung Quốc dữ Đông Nam Á văn hóa giao lưu chí (中 國 與 東 南 亞 文 化 交 流 志), Nxb. Nhân dân Thượng Hải, 1998, tr.137, 132.

(7) Hậu Hán thư, quyển 24 (後 漢 書, 卷 24, 馬 援 傳) chép: “Xưa, Mã Viện ở Giao Chỉ, thường ăn hạt ý dĩ dể làm nhẹ nhàng mình mẩy và thắng chướng khí. Quả ý dĩ miền Nam rất to, Viện muốn lấy làm giống. Khi quân trở về nước, chở một xe ý dĩ về. Người bấy giờ cho đó là đồ quý lạ của miền Nam, những người quyền quý đều nhòm ngó. Bấy giờ Viện đang được triều đình nuông chiều, nên không việc gì. Sau khi Viện chết, có người dâng sớ vu khống ông, cho những gì ngày xưa Viện chở về đều là châu báu vật lạ, nên Viện bị can tội, không được táng vào mộ, vợ ông cũng bị liên lụy. Sử gọi chuyện đó là ‘oan ý dĩ’. Về sau được minh oan”.

“初, 援 在 交 趾, 常 餌 薏 苡, 用 能 輕 身 省 欲 以 勝 瘴 氣. 南 方 薏 苡 寔 大, 援 欲 以 為 種, 軍 還, 載 之 一 車. 時 人 以 為 南 土 珍 怪, 權 貴 皆 望 之 援 時 方 有 寵, 固 莫, 以 文 及 卒 後 有 上 書 之 者 以 為 前 所 載 還, 能 明 珠 文 犀 因 而 坐 罪, 死 不 歸 墓 妻 子 亦 株 連, 史 稱 薏 苡 之 謗, 後 詔 雪”

(8) Thạch Thanh Hán, Tập Từ Trung Nam phương thảo vật trạng (輯 徐 衷 南 方 草 物 狀). Nxb. Nông Nghiệp, Bắc Kinh, 1990, tr.23.

(9) Theo Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển I và Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.

(10) Gia Khánh trùng tu nhất thống chí (嘉 慶 重 修 一 統 志), quyển 553, Việt Nam, Nhân vật.

(11) Trương Tú Dân: Đường đại An Nam văn học sử tư liệu tập dật (唐 代 安 南 文 學 史 資 料 輯 佚), Tạp chí Nghiên cứu Đông Dương, số 1 - 1983.

(12) âm nhạc trên đường tơ lụa cổ đại (古 代 絲 綢 之 路 的 音 樂). Vương Diệu Hoa dịch. Nxb. Âm nhạc Nhân Dân, 1988, tr.60.

(13) Âm Pháp Lỗ: Mối giao lưu văn hóa âm nhạc giữa Trung Quốc và các nước phương Đông trong lịch sử (曆 史 上 中 國 和 東 方 各 國 音 樂 文 化 的 交 流), trong Đông phương văn hóa tri thức giảng tọa (東 方 文 化 知 識 講 座), Nxb. Hoàng Sơn, 1988, tr.89.

(14) Phan Thúc Trực tập, Quốc sử di biên, tập II, Quốc triều Đại Nam ký, điều năm Thiệu Trị thứ sáu (國 史 遺 編, 下 集, 國 朝 大 南 記 - 紹 治 六 年 條). Sở Nghiên cứu Tân Á Đại học Trung văn Hồng Kông, tháng 10/1965, tr.380.

(15), (16) Trương Tú Dân: Trung Việt quan hệ sử luận văn tập (中 越 關 系 史 論 文 集). Nxb. Văn Sử Triết, Đài Loan, 1991, tr.121, 57.

(17) Thẩm Quát: Mộng khê bút đàm, nhạc luật (夢 溪 筆 談 - 樂 律).

(18) Vương Côn Ngô: Từ Đôn Hoàng học đến văn học chữ Hán nước ngoài (從 敦 煌 學 到 域 外 漢 文 學). Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, năm 2003, tr.154.

http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0401.htm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020