Nghiên cứu khoa học

MỘT VÀI Ý KIẾN VỀ CUỐN 300 BÀI THƠ VIỆT CHỮ HÁN


15-10-2020
Tác giả: Thế Anh

Cuốn 300 bài thơ Việt chữ Hán (Hán tự Việt thi tam bách thủ) (1) do nhà thơ Ngô Văn Phú biên soạn, tuyển thơ và dịch vừa mới phát hành vào quý II năm 2003 là một ấn phẩm đẹp. Đây là cuốn thứ tư sau Thơ Đường ở Việt Nam (1966), Thiên gia thi toàn tập (1998) và Đường thi tam bách thủ (2000) của cùng một soạn giả. Phải nói nhà thơ Ngô Văn Phú là người say mê dịch thuật thơ Đường, có nhiều tâm huyết với di sản của tiền nhân và đã có những đóng góp nhất định trên lĩnh vực này. Nhà thơ đã nói rõ mục đích biên soạn cuốn sách “Tôi cũng muốn học người xưa (tức là các soạn giả cuốn Đường thi tam bách thủ của Trung Quốc - TA), ứng dụng cho thơ Việt, cũng mong giúp bạn đọc yêu thích hoặc muốn nghiên cứu thơ chữ Hán có một văn bản thuận tiện, có cái nhìn đầu tiên về thơ chữ Hán Việt Nam” (trích Lời nói đầu tr.6).

Mỗi bài thơ tuyển chọn trong cuốn sách được giới thiệu tóm tắt tiểu sử tác giả, nguyên văn bài thơ chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ và chú thích giúp cho người đọc có thêm tư liệu tham khảo và bước đầu tìm hiểu thơ chữ Hán Việt Nam. Đó là những ưu điểm của cuốn sách, tuy nhiên cuốn sách còn nhiều sai sót làm hạn chế tác dụng tích cực của nó vì độ tin cậy về mặt văn bản chưa cao. Sau đây chúng tôi sẽ lần lượt nêu lên những điểm cụ thể:

1. Về lỗi chính tả: đành rằng đây là một vấn đề phổ biến hiện nay trên sách báo của ta mà những nhà làm sách không mấy quan tâm, nhưng đối với loại sách thơ chữ Hán thì lại rất quan trọng vì viết sai sẽ làm mất hứng thú và gây không ít phiền toái cho người sử dụng, vì không phải ai cũng biết chữ Hán và tìm được tài liệu để đối chiếu. ở đây chúng tôi không thống kê hết được mà chỉ nêu lên một số dẫn chứng, trong đó có loại sai về dấu: biên/biền, điểm/điềm, từ/tử, bán/bàn, tuyệt/tuyết, tả/tá, ngô/ngộ, tịnh/tỉnh, ly/lý...; nhầm lẫn giữa s-x: sách/xách, sao/xao, sà/xà...; nhầm lẫn giữa tr-ch: triêu/chiêu, trụ/chụ, trí/chí; các loại khác; vãn/văn, quang/quanh, liêm/liên, đăng/đáng, thôn/thôi, tác/tấc, hàm/hầm, tầm/tâm...

2. Viết và phiên âm chữ Hán có nhiều sau sót. Chẳng hạn:

Chữ nhậm (任) trong bài Thị đệ tử tr.11 phiên âm (p.â) thành nhân, Pháp (法) trong bài Vãn Pháp Loa tôn giả tr.45 p.â thành tháp, Chiêm (占) trong bài Chinh Chiêm Thành ... tr.47 viết thành cổ (古), thùy (垂) trong bài Hỷ tình tr.55: Ngạn liễu thùy kim tiết viết thành trọng (重), thâu (輸) trong bài Bạch Đằng giang tr.59: Hồ Việt doanh thâu nhất ỷ lan p.â thành nhân, tùng tuế lão (松 歲 老) trong bài Động Đình hồ tr.76: Hạc tích bất lai tùng tuế lão p.â thành tùng sở tại. Đầu đề bài thơ Thần Đầu cảng khẩu hiểu bạc tr.77, viết chữ Hán là: Hiểu bạc (曉 泊) không p.â chữ “hiểu” và dịch là “Đỗ thuyền bến Thần Đầu ban sớm”, như vậy là sai. Thực ra là “vãn bạc (晚 泊), đầu đề là “Buổi chiều thuyền ghé bến Thần Đầu”. [Đi khơi buổi sáng thì buổi chiều muộn phải quay về bến đậu. Vô số nhà chài đậu neo (Vô hạn ngư gia)]. Trong bài Kiệt Đặc sơn chữ Cẩm cung (錦 宮) tr.80: Cẩm Cung di miếu bách thành âm viết thành Cẩm khách (錦 客), chữ hậu (後), trong câu cuối bài thơ Nhạc Dương lâu (bài 1) tr.82 viết thành hựu (又), chữ ương (央) trong bài Thu dạ tức sự tr.91: Phá ốc khan tinh dạ vị ương viết thành giáp (夾), chữ hoa (花) trong bài Đề Dương Công Thủy hoa đình (câu thứ 7 từ dưới lên) tr.107 viết thành diệp (葉), chữ thuần (蓴) trong Đề quần ngư triều lý đồ tr.118 viết thành tôn (尊). Bài Thuật hoài của Đặng Dung tr.124-125 câu thứ 7: Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, viết chữ Hán sai chữ báo (報) thành chữ phục (復), bài Hóa thành thần chung tr.127 chữ nguyệt bạch (月白) viết thành minh bạch (明白), chữ đáo (到) trong bài Sơn trung tr.129 viết thành khắc (刻), chữ tiết (節) trong bài Giang trung phùng lập xuân nhật tr.135 viết thành giới (界). Đầu đề bài thơ Chu Công phụ Thành Vương đồ tr.148 chữ Thành Vương viết thành Chính Vương (政 王), câu thứ 7. Trong bài thơ Mạn hứng tr.196 chữ lạc đạo (樂 道) viết thành cừ đạo (渠 道), trong bài Đông từ tr.207 viết là xuân hiểu (春 曉) nhưng lại p.â là thanh hiểu. Chữ nhàn tình (閑 情) trong câu Lãn tán nhàn tình đạm tự tăng tr.223 p.â là nhàn dinh. Chữ cửu tam (九 三) trong bài Tự thuật tr.247 viết thành cửu niên (九 年): Điểm kiểm hành niên duyệt cửu tam, chữ cầu (求) trong câu vị cảm cầu tri âm tr.253 viết ra vĩnh (永). Viết một đằng p.â một nẻo: đắc dụng (得 用), p.â là hữu dụng (tr.254), huề (攜) p.â là hề (tr.256), ngũ cửu (五 九) p.â là cửu ngũ (tr.261), Tiền đường (錢 塘) viết thành (前 塘) tr.272, tự (似) p.â là dĩ (tr.328), dung (容) p.â là đang, hựu (又) p.â là lưu (tr.355), khinh (輕) p.â là kinh (tr.355), sạ (乍) p.â là tạc (tr.368), cộng (共) p.â là đồng (tr.448), do (猶) p.â vô (tr.461), thiên (天) p.â là niên (tr.461). Có nhiều trường hợp viết sai: viết sai cả họ và tên của những nhân vật nổi tiếng như Phan Huy Chú (tr.378), Phan Bội Châu (tr.466), Phan Chu Trinh (tr.471), Phan Văn ái (tr.464) - chữ Phan (潘) viết nhầm ra phiên (番), chữ Phức (馥) trong Lý Văn Phức (tr.411) viết là (幅), chữ Công (公) trong Nguyễn Công Trứ (tr.384) viết là (功), chữ San (珊) trong Trần Bích San (tr.386) viết là (刊), chữ Tự (序) trong Vũ Công Tự (tr.495) viết là (字). Chữ hệ (系), trong câu thơ: hà thời nhân hệ cường hồ cảnh (tr.485) viết nhầm ra phồn (繁), chữ hành (衡) trong câu: hành mao hà xứ khởi lâu các (tr.444) viết ra hoành (橫), chữ Tiền Đường (錢 塘) trong bài Đoạn trường tân thanh tổng vịnh (tr.272) viết là (前 塘); tác phẩm Chinh phụ ngâm nổi tiếng của Đặng Trần Côn được phổ biến rộng rãi có nhiều người biết, nhưng chỉ riêng một đoạn trích cũng có nhiều chỗ sai. Ví dụ: Câu bất vong thiếp tâm ưu (tr.236) p.â thành bất vong thiếp quân ưu, chữ khiên (牽) trong câu bộ nhất bộ hề khiên quân nhu (tr.236) p.â thành... phan quân nhu, chữ tu (須) trong câu tu du trung hề đối diện p.â thành ta, chữ nhất (一) trong câu lộ bàng nhất vọng hề bái ương ương (tr.237) p.â thành bất (câu này viết sót chữ hề), chữ sơn (山) trong câu vọng sơn qui hề thiếp tư lang (tr.237) p.â thành vân, chữ xứ (處) trong câu thiếp qui xứ hề tạc dạ phòng (tr.237) p.â thành khứ. Có nhiều câu thơ 7 chữ p.â thành 8 chữ (tr.82, 194, 263, 383...).

Trên đây là bảng liệt kê chưa đầy đủ những sai sót mà chúng tôi đã phát hiện được.

3. Trong Lời nói đầu người biên soạn có nói là các bài thơ xếp theo biên niên tức là theo trình tự thời gian, nhưng thực tế thì lại khá lộn xộn. Những tác gia sinh trước thì lại xếp sau và ngược lại, có khi cách nhau đến hàng thế kỷ.

Ngày sinh và ngày mất của nhiều tác giả thường để trống. Nếu người soạn chịu khó tra cứu thì cũng dễ dàng bổ sung nhất là những nhân vật nổi tiếng như Cao Bá Quát (Kỷ Tỵ 1809 - Giáp Dần 1854), Bùi Dương Lịch (Mậu Dần 1758 - Đinh Hợi 1827), Đặng Thái Thân (1874-1910), v.v... Một sai sót không đáng có là ghi thời gian mất khi tác giả chưa sinh, chẳng hạn: Huỳnh Thúc Kháng (1876-1847), Ngô Đức Kế (1878-1829).

4. Việc tuyển chọn thơ cũng như tác giả tiêu biểu cho tuyển tập Tam bách thủ đã được soạn giả cân nhắc kỹ, nhưng đây là một vấn đề phức tạp khó tránh khỏi những nhận định chủ quan. Ở đây chúng tôi chưa có điều kiện trao đổi về vấn đề này. Các nhà thơ Việt Nam làm thơ chữ Hán chủ yếu là dựa vào các thể thơ của Trung Quốc, nhưng có một số đã dùng thể thơ truyền thống Việt Nam như lục bát, song thất lục bát, hát nói trong ca trù để sáng tác bằng chữ Hán. Đó là nét sáng tạo độc đáo, theo chúng tôi, cũng có thể đưa vào tuyển tập, chẳng hạn bài Thu dạ lữ hoài ngâm nổi tiếng của Tiến sĩ Đinh Nhật Thận viết theo thể song thất lục bát mở đầu bằng mấy câu:

Thu dạ tĩnh thiên quang ẩn ước
Cao sơ liêm đàm chước kim lôi
Thiên thời nhân sự tương thôi
Phù sinh nhược mộng kỉ hồi vi hoan.

Nhà chí sĩ Phan Bội Châu cũng có bài thơ Tư hữu ngâm theo thể thơ song thất lục bát.

Nguyễn Khuyến có bài Bùi viên cựu trạch ca và Bùi viên đối ẩm trích cú ca theo thể hát nói rất hay. Nhiều người còn dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra chữ Hán theo nguyên thể lục bát.

5. Về phần dịch thơ chúng tôi chưa có dịp đọc kỹ, nhưng riêng việc soạn giả dịch 300 bài thơ cho tuyển tập trong khi đã có nhiều bản dịch thành công của những người đi trước cũng là một điều đáng khích lệ. Việc thẩm bình các bài thơ dịch xin nhường lại cho những nhà nghiên cứu và các bạn yêu thích.

Ngoài ra cuốn sách còn có phần phụ lục: Ấu học ngũ ngôn thi (Trạng nguyên thi) . Tuy đây không phải là nội dung chính của cuốn sách, nhưng soạn giả đã cung cấp cho bạn đọc một văn bản tốt gồm 270 câu (số câu gấp đôi những bản khác mà chúng tôi đã có dịp đối chiếu) kèm theo lời dịch gọn gàng, sáng sủa, có nhiều chất thơ. Nhân đây tôi xin cung cấp thêm một số ít tư liệu về nguồn gốc của ấu học ngũ ngôn thi. Do thiếu tư liệu nên từ trước đến nay nhiều người vẫn ngộ nhận tác giả cuốn sách là của nhà nho Việt Nam, cách đây mấy năm chúng tôi cũng đinh ninh như vậy. Mới đây nhà xuất bản Thuận Hóa vừa cho in cuốn Tam tự kinh, Bách gia tính, Thần đồng thi, Thiên tự văn do Thanh Thủy dịch(2). Nội dung Thần đồng thi hoàn toàn trùng hợp với Ấu học ngũ ngôn thi (Trạng nguyên thi) được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam và người dịch cho biết tác giả cuốn sách là Uông Chu đời Bắc Tống. Trong bài Về nguồn gốc và tác giả cuốn ấu học ngũ ngôn thi (Tạp chí Hán Nôm số 1 (42) - 2000) ông Trần Ngọc Thuận cũng khẳng định như vậy. Tuy nhiên chúng ta còn cần phải có thêm tư liệu để xác định đâu là những câu thơ được các nhà Nho Việt Nam sáng tác và bổ sung thêm, nếu có.

Tóm lại, cuốn 300 bài thơ Việt chữ Hán tuy có những sai sót như chúng tôi đã nêu, nhưng vẫn là một cẩm nang cần thiết, hy vọng soạn giả sẽ khắc phục để có dịp tái bản sẽ được hoàn bị và phục vụ độc giả tốt hơn.

T.A

CHÚ THÍCH

(1) Nxb. Hội Nhà văn, 2003.

(2) Nxb. Thuận Hóa, 2002. Bản dịch không ghi xuất xứ cuốn sách nêu trên, nhưng theo chỗ chúng tôi biết thì đó là bản do Thượng Hải thư điếm xuất bản năm 1993.

http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0401.htm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020