Nghiên cứu khoa học

QUANG CHÂU HƯƠNG ƯỚC ĐIỀU MỤC (光 州 鄉 約 條 目) BẢN HƯƠNG ƯỚC CỔ NHẤT CỦA TRIỀU TIÊN


15-10-2020
Tác giả: Phạm Thị Thùy Vinh

Bán đảo Triều Tiên nay gồm hai quốc gia: Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, đã từng sử dụng chữ Hán trong lịch sử như chữ quốc ngữ. Đặc điểm này cũng bắt gặp ở các nước Đông á như Nhật Bản, Việt Nam. Những tài liệu ghi chép bằng chữ Hán còn lại khá nhiều ở các nước này.

Trong các thư tịch cổ của Triều Tiên trước kia, Hàn Quốc ngày nay còn rất nhiều loại hình văn bản chữ Hán khác nhau. Đó là các văn bản hành chính, các trước tác về văn học, các tác phẩm về sử học, các tài liệu chép tay về sắc phong, chúc thư, các văn bản liên quan đến sinh hoạt làng xã như hương ước, gia phả, tài liệu về ruộng đất... Bên cạnh đó còn khá nhiều các minh văn trên bia đá, chuông đồng. Những bài minh văn này đã được sưu tập và xuất bản.

Các văn bản hương ước của Triều Tiên đã được tập hợp và xuất bản trong sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư朝 鮮 時 代 社 會 史 研 究 史 料 叢 書 quyển 1, do hai tác giả Kim Nhân Kiệt 金 仁 杰 và Hàn Tướng Quyền 韓 相 權 biên soạn, nơi phát hành là Bảo Cảnh Văn Hóa xã 保 景 文 化 社, được in ấn và phát hành vào tháng 10 năm 1986 tại Seoul, Hàn Quốc. Trong tập sách này các tác giả đã giới thiệu 34 văn bản hương ước bao gồm 33 bản hương ước của Triều Tiên và một văn bản giải thích về bản hương ước đầu tiên của Trung Quốc cuối thời Bắc Tống là Lam Điền Lã thị hương ước 藍 田 呂 氏 鄉 約 và bản hương ước của Chu Tử một nhà tư tưởng thời Nam Tống biên soạn, chỉnh sửa lại Lam Điền Lã thị hương ước 藍 田 呂 氏 鄉 約 đó là bản Chu Tử tăng quyên Lã thị hương ước ngạn giải 朱 子 增 捐 呂 氏 鄉 約諺 解 dùng cả tiếng Hán theo nguyên bản của Chu Tử và giải thích bằng tiếng Hàn bên cạnh. Văn bản hương ước của Chu Tử được du nhập vào Triều Tiên ở giai đoạn đầu thời kỳ Chuson(1), đến năm 1517 đã được tác giả Kim An Kuk xuất bản và sau đó đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong xã hội Triều Tiên. Vì thế cũng có thể coi đây là văn bản hương ước của Triều Tiên. Ngoài ra trong sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư quyển 3 cũng do hai tác giả Kim Nhân Kiệt và Hàn Tướng Quyền biên soạn còn đưa ra nhiều loại tư liệu liên quan đến sinh hoạt làng xã như: Tộc khế 族 契, Tang khế 喪 契, Hương ẩm Hương xạ khế 鄉 飲 鄉 射 契, Giáp khế 甲 契,Nho khế 儒 契, Môn sinh khế 門 生 契... Cũng cần nói thêm là các văn bản hương ước của Triều Tiên sau này đều chịu ảnh hưởng từLam Điền Lã thị hương ước 藍 田 呂 氏 鄉 約 của Trung Quốc thông qua bản Chu Tử tăng quyên Lã thị hương ước ngạn giải 朱 子 增 捐 呂 氏 鄉 約諺 解và từ đó đã hình thành hương ước trong xã hội Triều Tiên.

Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã tìm thấy văn bản hương ước của Triều Tiên trong các trước tác của một số học giả khi họ viết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, triết học, lịch sử như: Tú Nghiêm chí, quyển 1; Lật Cốc toàn thư, Bắc Nhai tiên sinh văn tập, tập 3;Hương lễ hợp biên, quyển 2; Tùy lục quyển 9; Mật Châu trưng tín lục, quyển 2…Trong quá khứ có thể những văn bản hương ước của Triều Tiên đã từng được lưu giữ trong các làng xã để xây dựng, chấn chỉnh kỷ cương, phong tục của hương thôn. Nếu so sánh với văn bản hương ước của Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy có sự khác biệt khá rõ cả về nguồn gốc, xuất xứ, nội dung.

Trong 33 văn bản hương ước của Triều Tiên được sưu tập trongTriều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư, văn bảnQuang Châu hương ước điều mục là văn bản có niên đại sớm nhất. Văn bản này được viết vào năm Cảnh Thái 2 (1455) đời Vua Minh Cảnh Đế của Trung Quốc. Đây là điều khác biệt rất rõ giữa các văn bản chữ Hán của Triều Tiên và Việt Nam, thể hiện ở cách ghi niên đại văn bản. Tất cả các văn bản chữ Hán của Triều Tiên đều dùng niên đại của Trung Quốc để ghi. Mặc dù ở Triều Tiên lúc đó đã có vua và chính quyền của chính người Triều Tiên. Còn ở Việt Nam sau khi giành được độc lập tự chủ từ thế kỷ X cho đến cuối triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XX, tất cả văn bản chữ Hán dù là bản in hay chép tay hoặc cho khắc trên bia đá, chuông đồng đều dùng niên đại các triều vua Việt Nam.

Các văn bản hương ước còn lại của Triều Tiên được viết vào những giai đoạn sau:

- 5 văn bản được viết ở thế kỷ XVI (các năm: 1517, 1556, 1560, 1578 và một bản được xác định vào cuối thế kỷ XVI).

- 3 văn bản thế kỷ XVII (năm 1602, 1648 và một văn bản được xác định là cuối thế kỷ XVII).

- 6 văn bản thế kỷ XVIII (các năm: 1706, 1730, 1747, 1765, 1771, 1797).

- 8 văn bản thế kỷ XIX (các năm: 1801, 1871, 1888 (2), 1890, 1893, 1894 (2).

- 11 văn bản viết ở thế kỷ XX (các năm: 1904 (4), 1905 (2), 1924, 1925, 1932, 1937.

Khác với văn bản hương ước của Việt Nam vốn do một tập thể quan viên, chức sắc làng xã cùng họp bàn và soạn thảo, các văn bản hương ước của Triều Tiên lại do những bậc trí thức lớn trong làng viết ra. Trước khi soạn thảo, họ cũng có tham khảo ý kiến của các bậc hương lão và dựa trên tinh thần chính của Lam Điền Lã thị hương ước để từ đó đặt ra những điều lệ cho dân tuân thủ.

Một điều cần đề cập ở đây là khái niệm về “hương ước” của Triều Tiên rộng hơn rất nhiều so với khái niệm “hương ước” của Việt Nam. Đơn vị “hương” trong lịch sử ở Triều Tiên là một địa danh hành chính có thể lớn hơn một huyện ngày nay, có lúc còn có thể sánh ngang với một tỉnh. Theo Từ Hải : Hương [鄉] là một khái niệm rộng của đơn vị hành chính, hương có thể có từ một vạn hai ngàn năm trăm (125.000) gia đình, phạm vi nhỏ nhất của hương cũng gồm 10 lý [里] tức 10 xóm nhỏ. Còn ở Việt Nam, khái niệm “hương” dùng để chỉ một làng hoặc một xã (xã có thể gồm nhiều làng hoặc một làng). Vì thế hương ước của Việt Nam là những điều lệ, quy ước chỉ của một xã hoặc một làng. ở Triều Tiên, hương ước có thể là quy định cho cả một vùng rộng đến 25 diện [面], mỗi diện tương đương với một hoặc hai ba xã.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bản hương ước Quang Châu hương ước điều mục 光 州 鄉 約 條 目 của Triều Tiên.

Phiên âm:

Quang Châu hương ước điều mục

Cảnh Thái nhị niên Tân Mùi tức ngã Văn Tông nguyên niên, Tiên sinh dữ bản ấp Huyện giám An Triết Thạch tiến sớ thiên bệ thăng huyện vi Châu mục, nhân (kiếp?) lập Hỷ Khánh đường nhi sao tuyển cảnh nội sĩ tử văn chương, đức hạnh, môn phiệt hiển trứ giả, cửu thập viên, thư chí Biệt tịch dĩ chính hương cương hựu hành hương ước.

Kỳ nhất viết:

Phụ mẫu bất thuận giả, phụ mẫu bất hiếu chi tội, bang hữu thường hình, cố cô cử kỳ thứ.

Huynh đệ tương huých giả, huynh khúc, đệ trực quân tội, huynh trực đệ khúc chỉ tội đệ, khúc trực tương bán huynh khinh đệ trọng.

Gia đạo bột loạn giả, nam nữ vô biệt, đích thê đảo trị dĩ thiếp vi thê, dĩ [tuân?] vi đích, thương bất phủ tuân, tuân cập lăng thương, phu phụ tương ẩu mạ giả giảm đẳng.

Sự thiệp quan phủ giả, hữu quan hương phong ủy tác uy thế nhương quan hành tư giả.

Hương trưởng lăng miệt giả, dĩ thượng đẳng phạt, luận chi chấp cương, lẫm quan y luật khoa tội.

Kỳ nhị viết:

Thân thích bất mục giả,

Chính thê sơ bạc giả, thiếp hữu tội giả giảm đẳng.

Tề bối tương ẩu mạ giả,

Bất hiềm liêm sỉ ô hủy sĩ phong giả,

Trì cường lăng nhược đa hành cuồng bội giả,

Công tư tụ hội thị phi chính pháp giả,

Hoạn nạn lực cập tọa thị bất cứu giả,

Thụ quan sai nhậm bằng công tác tư giả,

Bất hữu chấp cương bất tòng hương lệnh giả,

Đa tiếp nhân hộ bất phục quan dịch giả,

Bất cẩn phú tô đồ miễn dao dịch giả,

Chấp cương phát văn cảnh nội tề hội hương xã đường thi dĩ trung đẳng chi tội.

Kỳ tam viết:

Kỳ hội bất tham giả,

Tề tọa thất nghi, tòa trung huyên [?] giả, tự tòa thượng hoặc diện tích thi dĩ hạ đẳng chi tội

Hương lại chi thuộc uỷ quan hại dân giả,

Phụng lệnh hành lý tác tệ dân gian giả,

Cống vật phiến nhu lạm trưng giá vật giả,

Đa thụ công trái mưu khuynh bất nạp giả,

Tín nhậm lăng miệt sĩ tộc giả, chấp cương diệc lẫm quan y luật khoa tội.

( Tú Nghiêm chí quyển 1)

Dịch nghĩa:

Các điều mục hương ước Quang Châu

Năm Tân Mùi Cảnh Thái thứ 2 tức năm Văn Tông thứ nhất triều ta, Tiên sinh cùng với Huyện giám An Triết Thạch là người bản ấp dâng sớ lên quan huyện là Châu mục. Nhân dịp lập Hỷ Khánh Đường mà tuyển chọn được 90 sĩ tử trong vùng có văn chương, đức hạnh, con nhà gia thế, đặt ghi vào sổ riêng để chủ trì những giềng mối trong hương và làm ra hương ước.

Điều thứ nhất:

- Kẻ không thuận theo cha mẹ, tội bất hiếu với cha mẹ, quốc gia đã có hình phạt chết, với đàn bà, con gái chưa có chồng cho giảm xuống một bực.

- Anh em mà gây mâu thuẫn đánh nhau, nếu anh sai em đúng đều có tội; anh đúng em sai chỉ phạt tội em; cả anh em đều đúng sai một nửa thì anh tội nhẹ, em tội nặng.

- Kẻ làm loạn trái với gia đạo, gồm không phân biệt nam nữ, vợ cả, thê thiếp bị đảo trật tự, lấy thiếp làm vợ, lấy thứ (?) làm đích dẫn đến không bảo ban được gia đình, khiến cho vợ chồng cùng đánh chửi nhau đều bị giảm đi một bậc.

- Kẻ can thiệp vào việc quan phủ,

- Kẻ có quan hệ đến phong tục của hương, cậy thế tác oai, nhiễu nhương, dùng việc quan để làm việc tư,

- Kẻ lăng miệt Hương trưởng, tất cả các loại trên đều bị phạt ở mức cao nhất, luận ở cầm nắm kỷ cương, bẩm quan cứ chiếu theo pháp luật mà buộc tội.

Điều thứ hai:

- Kẻ không hòa mục với thân thích,

- Kẻ sơ bạc với vợ chính (Kẻ có tội với vợ giảm đi một bực)

- Kẻ tụ tập đánh chửi nhau,

- Kẻ bất hiềm liêm sỉ (không có liêm sỉ) hủy hoại, bôi xấu phong thái kẻ sĩ,

- Kẻ cậy mạnh để lăng nhục kẻ yếu, làm nhiều điều ngông cuồng trái với lẽ phải,

- Kẻ tụ hội về việc công, việc tư, gây điều thị phi về pháp luật và chính trị,

- Kẻ có sức lực nhưng thấy hoạn nạn chỉ ngồi nhìn mà không cứu,

- Kẻ đã nhận việc quan nhưng dựa vào việc công để làm việc tư,

- Kẻ không tuân theo Hương lệnh, không nắm được kỷ cương,

- Kẻ nhiều lần tiếp người [người lạ] tại nhà, không theo làm việc quan dịch,

- Kẻ bất cẩn với việc thu thuế, có ý đồ để được trừ công dịch,

Người nắm giữ kỷ cương phát ra bằng văn bản trong toàn vùng, họp với hương, xã, đường lấy khung hình phạt loại trung để thi hành [với các loại tội vừa nêu trên].

Điều thứ ba:

- Kẻ đến kỳ họp không tham gia,

- Kẻ ngồi không đúng với nghi lễ, trong chỗ ngồi gây huyên náo ầm ĩ,

- Từ chỗ ngồi bên trên hoặc bề mặt mà xin thay đổi thì phạt vào loại hạ đẳng [phạt vào tội thấp nhất].

- Kẻ thuộc vào hàng Hương lại nhưng lại ỷ vào thế quan để hại dân,

- Kẻ vâng lệnh làm việc trong làng xóm nhưng gây ra nhiều điều tồi tệ trong dân,

- Kẻ dùng cống vật [vật nộp thuế] để buôn bán cần dùng, lạm trưng giá của vật,

- Kẻ nhận rất nhiều trái phiếu của Nhà nước nhưng âm mưu chiếm đoạt không nạp,

- Kẻ có tín nhiệm mà lại lăng miệt gia tộc kẻ sĩ,

[tất cả các loại người trên], người cầm giữ kỷ cương cũng bẩm lên quan, cứ y theo luật mà buộc tội.

(Trích từ sách Tú Nghiêm chí, quyển 1)

Sau đây chúng tôi có một số nhận xét xung quanh văn bản hương ước này của Triều Tiên.

1. Nội dung chính mà bản hương ước đề cập là các hành vi ứng xử của con người với con người, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng, từ gia đình đến làng xóm, từ trách nhiệm với cha mẹ, anh em đến nghĩa vụ đối với hương đảng, quốc gia. Những quy định hành xử trong cộng đồng theo quan điểm của Nho giáo. Vị trí và hình ảnh của người đàn ông - chủ nhân của hương ước được thể hiện và giữ vai trò chính yếu trong cộng đồng. Tinh thần trọng xỉ - tôn trọng người cao tuổi được thể hiện rất rõ qua hương ước. Việc xét xử tội nặng nhẹ trong gia đình không căn cứ theo mức độ phạm tội mà căn cứ theo ai là người nhiều tuổi hơn thì phần thắng thuộc về người ấy. Điều này cho phép củng cố và thiết lập trật tự xã hội theo lớp lang nhất định, ở đó kẻ dưới phải phục tùng người trên, không cần phải tranh luận dài dòng. Trong xã hội Hàn Quốc hiện nay, thái độ tôn trọng người cao tuổi hơn vẫn đang được duy trì, đó cũng là nét đẹp truyền thống của người Hàn Quốc nói riêng, Triều Tiên nói chung.

2. Theo quan niệm của người Triều Tiên được thể hiện qua bản hương ước này thì điều quan trọng nhất trong cuộc đời con người là phải có hiếu với cha mẹ, phải biết ơn các đấng sinh thành. Nếu ai bất hiếu với cha mẹ thì phép nước xử vào tội chết. Đây cũng là tôn ty trật tự lớn nhất trong đời sống làng xã. Khi một công dân biết đối xử với cha mẹ theo tinh thần đạo hiếu của Nho gia thì họ sẽ biết cách cư xử với cộng đồng. Tiếp đến là cách cư xử của anh em trong gia đình, sau bố mẹ là đến vị trí của người anh. Nếu hai anh em đánh nhau mà cùng sai thì chỉ xử anh tội nhẹ còn em thì xử nặng. Trong mọi trường hợp bất luận phân xử đúng sai thế nào thì phần thắng cũng luôn thuộc về người anh, người có tuổi cao hơn. Biện pháp răn đe này khiến cho những người làm em luôn bị thiệt thòi khi phán xử nhưng lại đảm bảo quyền lợi vĩnh viễn cho những ai may mắn được sinh ra trước làm anh. Bối cảnh trong gia đình với chuyện gây gổ đánh chửi nhau như đã nêu trong hương ước chỉ thấy đề cập đến anh em trai mà không thấy chị em gái. Có thể là người phụ nữ Triều Tiên bị đặt ở một vị thế rất thấp trong xã hội nên họ không có những hành vi phản kháng quyết liệt như đàn ông chăng? Hoặc giả những người phụ nữ không được tính đến trong cách hành xử ?

Tuy nhiên, để bù đắp lại cho sự xuất hiện ít của người phụ nữ thì bản hương ước này cũng nhấn mạnh rất nhiều đến vị thế của người vợ cả. Không được sơ bạc với người vợ cả là một điều được đề cập đến trong văn bản Quang Châu hương ước và nhiều bản hương ước khác của Triều Tiên. Trong thực tế người vợ cả là người đã chịu nhiều vất vả, cùng chung lưng góp sức với người chồng và gia đình nhà chồng để gây dựng cuộc sống nên họ được tôn trọng và hương ước đã bảo vệ quyền lợi cho họ. Tội sơ bạc với vợ cả bao gồm cả người chồng và những người vợ sau. Điều này cũng nói lên xã hội Triều Tiên thời kỳ Trung đại, người đàn ông được phép lấy nhiều vợ, chỉ cần họ luôn coi trọng bà vợ cả là được. Tương tự như quy định không được sơ bạc với vợ cả là không được đảo lộn thứ tự giữa vợ cả và các loại thê thiếp tiếp theo, khiến cho gia đạo bị hỗn loạn, đảo lộn. Dù người đàn ông có thể yêu quý những người thê thiếp sau nhưng vị trí và quyền lợi của người vợ cả luôn luôn được đảm bảo bằng những ràng buộc quy định của cả cộng đồng và họ buộc phải tuân thủ. Đảm bảo vị thế cho vợ cả cũng như đảm bảo lớp lang cho người anh có thể là tiền đề để thiết lập và duy trì trật tự xã hội theo đẳng cấp của người Triều Tiên chăng ?

3. Vấn đề gia đình và việc xử lý những mối quan hệ mang tính đạo lý như: mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quan hệ anh em, quan hệ vợ chồng là điều được đặt lên đầu tiên trong văn bản hương ước. Có ổn định được gia đình với những mối quan hệ như thế thì người dân mới có những quan hệ tốt đẹp với xóm giềng, thân hữu. Tác giả văn bản muốn xây dựng tư cách cho người dân trong vùng từ việc phải cư xử phải đạo với chính gia đình của mình trước rồi tiếp đến mới là đối xử với làng xóm, có trách nhiệm với quốc gia. ý thức và trách nhiệm với xã hội được xếp sau ý thức về gia đình, đây là điểm khác biệt với truyền thống ứng xử của người Việt Nam. Trong các văn bản hương ước của Việt Nam không có những quy định cho việc phải đối xử với cha mẹ, anh em, vợ chồng như thế nào mà chỉ có những quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của họ với làng xã.

Cùng với việc nhấn mạnh tư cách người đàn ông trong gia đình, những người đứng đầu trong hương thôn cũng được chú ý. Họ là người đã có ảnh hưởng đến phong tục của địa phương thông qua cách cai trị dân vì thế họ không được nhiễu nhương, cậy việc công để làm việc tư. Những người không có phận sự và nhiệm vụ mà can thiệp vào việc ở phủ quan và kẻ dám lăng miệt coi thường bậc Hương trưởng đều bị khép tội và bị xét xử ở bậc cao nhất. Ngoài ra những người đang được ngồi đúng vị trí giữa chốn đình trung nhưng lại tự tiện xin đổi chỗ dù cho muốn xuống chỗ thấp hơn cũng không được phép. Điều này lại một lần nữa nhằm để bảo vệ thứ bậc trong xã hội.

4. Những vấn đề còn lại là để xây dựng cách đối xử có văn hóa, có trách nhiệm với những người xung quanh và với làng xóm. Người trong hương phải có liêm sỉ, có nghĩa vụ phải cứu giúp người hoạn nạn, không được coi thường kẻ yếu hơn mình, có trách nhiệm với tô thuế của Nhà nước. Điều này cũng có nghĩa là không được đi trái với những quy định pháp lý của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân...

Nhân dịp được sang nghiên cứu tại Hàn Quốc, lần đầu tiên có điều kiện tiếp xúc và khảo cứu các văn bản hương ước chữ Hán của Triều Tiên, chúng tôi cho rằng có rất nhiều điểm lý thú về sự tương đồng và dị biệt giữa văn bản hương ước chữ Hán của Việt Nam và Hàn Quốc. Bài viết này chỉ là sự mở đầu cho quá trình nghiên cứu của chúng tôi. Trong tương lai chúng tôi sẽ giới thiệu thêm nhiều văn bản hương ước khác của Triều Tiên qua các thời kỳ khác nhau để các học giả Việt Nam quan tâm có cảm nhận đầy đủ hơn về thể loại văn bản này trong tiến trình phát triển của xã hội Triều Tiên trước kia và Hàn Quốc ngày nay.

P.T.T.V

CHÚ THÍCH:

(1) Dẫn lại theo sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư quyển 1, Bảo Cảnh Văn hóa xã xuất bản, Seoul, 1986, tr.2./.

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020