Nghiên cứu khoa học

ĐI TÌM DỊ BẢN CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH "SỰ TÍCH ĐỀN CỜN"


15-10-2020
Tác giả: MAI XUÂN HẢI

Trong sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, ở mục truyện “Đền ơn trả oán” có truyện Sự tích đền Cờn (1). Theo sách này, nội dung truyện có thể tóm tắt như sau: Ngày xưa, ở một nước láng giềng có một ông vua tên là Đế Bính. Vua lên ngôi giữa lúc giặc vào cướp nước. Vua tôi bị thua phải chạy ra biển, rồi gặp bão, thuyền đắm, mọi người đều bị chết đuối. Hoàng hậu và hai người con gái bíu được vào một mảnh ván trôi dạt vào một hòn đảo ở vùng cửa biển Cờn, xứ Nghệ An. Sau đó họ được sư ông trụ trì ở ngôi chùa cổ trên đảo rủ lòng từ bi cứu vớt mang về chùa chăm sóc. Khi sức khỏe hồi phục, sư ông thấy hậu xinh đẹp, đem lòng yêu. Tính hơn ba mươi năm tu luyện cũng không kìm giữ được lòng ham muốn, một đêm sư lẻn đến chỗ hậu đòi được tư thông. Nhưng nàng một mực cự tuyệt, cho dù sư ông đã cầm dao dọa giết nàng, nếu nàng không chịu. Một mặt nàng giảng giải luân thường đạo lý, một mặt doạ sẽ đập đầu vào cột chùa tự tử, nếu sư ông chạm tới người nàng. Sau đó, sư ông tỉnh ngộ hối hận, tự đâm dao vào cổ tự vẫn. Thấy vậy, nàng phục xuống bên cái thây than khóc: “Ta nhờ có sư ông mà được sống, nay sư ông lại vì ta mà phải chết, vậy ta còn mặt mũi nào sống ở trên đời nữa”. Rồi nàng nhảy xuống biển tự tử. Thấy mẹ chết hai cô con gái cũng nhảy xuống biển tự chết theo. Mấy ngày sau, dân chài ở cửa Cờn vớt được xác đem chôn cất. Về sau để kỷ niệm những người đàn bà tiết liệt ấy, dân làng đã tạc tượng lập đền thờ ba mẹ con gọi là đền Cờn. Trong đền còn có cả tượng nhà sư, để nhắc đến kẻ vừa là ân nhân vừa là nạn nhân của họ.

Phần chú thích cuối truyện, tác giả Nguyễn Đổng Chi cho chúng ta biết là “theo lời kể của người Nghệ An, thần tích xã Lý Trại, và Lê Hữu Trác - Thượng kinh ký sự”.

Từ lâu truyện này, đối với chúng ta cũng khá quen thuộc. Ngoài kho tàng truyện cổ tích Việt Nam ra, trong một vài ấn phẩm tiếng Việt khác cũng đã nhắc tới như trong Lịch triều hiến chương loại chí(2), Đại Nam nhất thống chí(3), Việt điện u linh(4), Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam(5)... Vua Lê Thánh Tông ngày xưa nam chinh, khi nghỉ lại ở cửa biển Càn đã làm bài thơ Càn hải môn lữ thi(6) trong đó có nhắc tới ngôi đền Thánh nữ thờ ba mẹ con bà hoàng hậu trên:

Phong đào cửu tỉnh Anh Tông mộng,
Hương hỏa do khâm Thánh Nữ từ.

Nghĩa là:

Sóng cuồng tỉnh mộng Anh Tông,
Ngôi đền Thánh Nữ vẫn nồng khói hương.
(Ngô Linh Ngọc dịch)

Đây là một truyện cổ tích khá cảm động. Về phần ba mẹ con, họ đều là những đàn bà quý tộc, là hoàng hậu, công chúa, được giáo dục đầy đủ, thấm nhuần đạo đức của người phụ nữ theo giáo lý Khổng Mạnh. Vì vậy, trong hoàn cảnh tuyệt vọng dù cầu Phật cũng khó mà thoát được ấy, để giữ gìn phẩm giá và đức hạnh, nàng đã một mực cự tuyệt nhà sư, cho dù người đó có là ân nhân của mình. Khi nhà sư tự tử, nàng cũng hết sức hối hận, tự trách và tự xét mình một cách nghiêm khắc. Trong con mắt mọi người, nàng xử sự như vậy, thực tỏ ra là con người thánh thiện, xứng đáng được Thượng đế phong là thần, được mọi người thờ phụng. Sách Việt điện u linh (A.751, tờ 77a, b), cũng đã trộm bàn về nàng rằng: “Đương khi vua thì đã chết, núi sông đắm chìm, thân như cánh bèo trôi dạt, phải nương nhờ vào nơi tịnh cảnh của nhà sư. Cứu sống mình đó là ơn của nhà sư. Đòi thư thông với mình đó là tội của nhà sư. Nhờ người mà được sống, nên không nỡ để người chịu chết riêng một mình. Cái chí ấy của phu nhân cũng đáng thương lắm thay! Cái chí u phẫn ấy đã làm gió mưa phải kêu, ba đào phải khóc. Tấm lòng trinh liệt ấy cảm thông cả đá vàng, quán thông khắp vũ trụ. Một mái chèo lúc cực nguy nan, mà được nêu gương chiêm ngưỡng. Linh thiêng tỏ rõ, cầu cúng độ trì, cửa biển đền thiêng, anh thanh rực rỡ...”. Về phần nhà sư, theo truyện trên, ông là người đã quyết chí tu hành hơn ba mươi năm, ở ngoài đảo hoang xa cách cõi tục. Như thế cũng đáng khâm phục lắm. Thế mà vừa mới đứng trước người đàn bà xinh đẹp đã không cầm lòng đặng. Không làm chủ được mình, dẫn tới hành động dọa giết, cưỡng bức, thì thật đáng chê trách. (Và qua đó cũng thấy luật âm dương của Tạo hóa thật khó cưỡng nổi thay!). Tuy vậy, nhà sư sau đó đã hối hận, và tự nghiêm khắc xét xử mình. Vậy là “Phật tính” trong nhà sư có lúc bị vật dục che lấp, nhưng sau đó đã biết làm sáng trong trở lại. Cả hai tuy một đời một đạo khác nhau, thế mà người đời thì biết xử sự đúng đạo, còn người đạo, có lúc lại mắc tội lỗi rất đời. Nhưng chỗ giống nhau ở họ là đều biết “phản tỉnh”, biết tự xét mình nghiêm khắc, biết quý trọng danh dự, phẩm giá hơn cả tính mệnh của mình. Đó là điều làm xúc động chúng ta.

Nhưng trong truyện côt tích trên, bà hoàng hậu “một điều là một vận vào”, rằng “vì mình mà nhà sư phải chết”, rồi tự xét xử mình bằng cái chết, thì có là “cực đoan” lắm không? Trong hoàn cảnh ấy, đâu phải hoàn toàn là lỗi ở nàng. Nếu nhà sư chưa tẩy hết “tam độc” trong mình, thì giả sử không gặp nàng, mà gặp người con gái khác, chắc cũng dễ hành động bạo liệt như vậy lắm. Nàng tìm đến cái chết, phải chăng chỉ là vì “nghĩa nhỏ” ân oán cá nhân, được đẩy tới thái quá trong lúc xúc động bột phát dẫn đến ? Có thể lấy lời Khổng Tử trong sách Trung dung là “hiền giả quá chi, bất tiếu giả bất cập dã” (người hiền thì thái quá, còn kẻ bất tiếu lại bất cập), hoặc “trí giả quá chi, ngu giả bất cập dã” (người trí thì thái quá, còn kẻ ngu lại bất cập) để giải thích hành động của nàng được chăng? Phải chăng đó là thông bệnh của người tốt ? luôn luôn nghiêm khắc với chính mình ? Về phía nhà sư, đành rằng ở đời mọi sự đều có thể xẩy ra, nhưng với một nhà sư, mà trong truyện trên nói rằng đã “sớm tối niệm Phật, dốc chí tu hành suốt ba mươi năm ở ngoài đảo hoang”, sao lại dễ dàng phạm tội đến như vậy ? Cứ như trong truyện, thì trên đời này, liệu còn có cái gì trọn vẹn thánh thiện để ta hướng tới được không, khi mà có bậc cao nhân đã chuyên nhất “kiếm củi suốt ba mươi năm” rồi chỉ dễ dàng “thiêu trong có một phút” như hình ảnh nhà sư trong truyện này.

Thành thực đọc xong truyện cổ tích này, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ như trên, và có ý định để tìm và khảo sát những dị bản của truyện này, ngõ hầu mong tìm được những tình tiết nào khác hơn về ba mẹ con bà hoàng hậu và nhà sư như trong truyện trên không.

Đúng như một câu nói trong Kinh Thánh “Hãy gõ cửa đi rồi cửa sẽ mở; hãy tìm đi rồi người sẽ gặp”. Chắc chắn là còn nữa, là chưa hết, nhưng cho đến nay, chúng tôi đã đi tìm và khảo sát chừng ba chục văn bản Hán Nôm khác nhau ở trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một văn bản là thần tích thôn Vo Trung, xã Nông Vụ, huyện Gia lâm không có trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm viết về “Sự tích đền Cờn” này(7). Đó là những dị bản hiểu theo cả hai nghĩa: vừa với nghĩa là thuật ngữ văn bản học, vừa với nghĩa là những dị bản ấy có rất nhiều điểm khác nhau về tình tiết của câu chuyện nữa.

Chúng tôi tạm chia những dị bản này thành 3 nhóm.

Nhóm 1: là những sách “dư địa chí” toàn quốc và địa phương, mà khi nói về cửa bể Càn ở Nghệ An đều nhắc tới câu chuyện này.

Đó là chừng 10 dị bản mà các tác giả Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam (8) đã mách bảo giúp, như: Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt dư địa chí, Đồng Khánh địa dư chí, An Nam hình thắng đồ, Các tỉnh địa dư chí, Nghệ An Hà Tĩnh sơn thủy lục v.v... Mà về cốt truyện “Cửa bể Càn” thường sơ lược, đơn giản, chỉ nhắc tới ngôi đền thờ ba, hoặc bốn mẹ con bà hoàng hậu nhà Tống nhảy xuống biển tự tử, xác trôi đến cửa biển Cờn, nhan sắc tươi như lúc sống, được dân địa phương chôn cất, thờ phụng, trở thành ngôi đền linh thiêng. Hoặc chép thêm về chuyện nhà sư đòi tư thông, bị hậu cự tuyệt, rồi xấu hổ nhảy xuống biển tự tử, giống như truyện Sự tích đền Cờn trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi.

Nhóm 2: Là những sách Hán Nôm thuộc loại truyền kỳ: Đó là các bản Việt điện u linh (A.751), Lĩnh Nam chích quá i (A.207, A.750),Thiên Nam vân lục (A.1442), Tứ vị Vương Bà sự tích văn... (AB.394). Khi tìm hiểu những dị bản thuộc loại này, chúng tôi cũng thấy hình ảnh nhà sư được miêu tả giống như một số dị bản thuộc nhóm 1 ở trên. Duy bản Tứ vị Vương Bà sự tích văn, là một văn bản Nôm miêu tả sự tích của “Tứ vị Vương Bà” bằng thể thơ Nôm song thất lục bát, ca ngợi bốn bà tự tử là vì nguyên nhân nước mất nhà tan, thề không cùng chung sống với giặc Nguyên xâm lược, chứ không phải chuyện ân oán riêng với nhà sư:

“Khiết thân duy hải trung thiên,
Đã thề rằng chẳng cùng Nguyên đội trời”.

Sau đó bốn bà được Phật độ:

“Độ bốn vị đều nên thần phúc
Hóa chân thân bốn khúc trầm hương...”

Có điều là, bản này không nhắc gì tới nhà sư cả.

Đến đây công việc đi tìm trong số dị bản câu chuyện Sự tích đền Cờnđể hy vọng tìm được dị bản nào, có tình tiết nào miêu tả nhà sư khác hơn không, đặng minh oan cho nhà sư chăng, có thể coi như không kết quả, chúng tôi bèn hướng vào khảo sát trong kho tàng thần tích Việt Nam. Và cho rằng đây mới là hướng chính cần tìm hiểu. Hiện chúng tôi đã khảo sát 14 dị bản và xếp số dị bản loại thần tích này vào một nhóm, và gọi là “nhóm 3”. Đó là:

Bản 1: Thần tích xã Yên Mô Càn tổng Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, AE a4/41 (tờ 1a-3a).

Bản 2: Thần tích xã Bình Hòa, tổng Thổ Mật, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, AE a4/40 (tờ 2a-2b).

Bản 3: Thần tích xã Thổ Mật, tổng Thổ Mật, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, AE a4/39 (tờ 1a-2a).

Bản 4: Thần tích xã Phú Khê, tổng Phú Khê, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An, AE a12/21 (tờ 1a-7a).

Bản 5: Thần tích khu Hạ thôn Hàm Thủy, xã Cống Thủy, tổng yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, AE a4/30 (tờ 1a-3a).

Bản 6: Thần tích xã Phương Nại, tổng Thổ Mật, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, AE a4/40 (tờ 1a-3a).

Bản 7: Thần tích thôn Yên Lãng, xã Hảo Hợp, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, AE b1/3 (tờ 4a-6a).

Bản 8: Thần tích áng Lương Phúc, thôn Giáp Nhất, tổng Bồng Hải, huyên Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, AE. a4/22 (tờ 1a-11b).

Bản 9: Thần tích trại Ninh Mật, huyện Kim Sơn, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, AE a4/20 (tờ 1a-3b).

Bản 10: Thần tích xã Trì Đồng, tổng Thanh Quyết, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, AE a4/12 (tờ 1a-2a).

Bản 11: Thần tích xã Trung Kiên, tổng La Vân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, AE b1/4 (tờ 1a-4b).

Bản 12: Thần tích xã Cơ Xá, huyện Hoàng Long(9), AE a2/16 (tờ 8b-15b).

Bản 13: Ngọc phả lục (Giáo Dục xã phụng sự), VHv.1231 (tờ 1a-2b).

Bản 14: Thần tích thôn Vo Trung xã Nông Vụ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bản này hiện đang lưu giữ ở địa phương, không có trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Con số này chưa phải đã là chấm hết, đã là cuối cùng. Vì ở bản 5 (AE a4/30) và bản 9 (AE a4/20) đều cho biết rằng “cả nước có tới 1964 ngôi miếu” thờ bốn vị Thánh nương này. Có lẽ nếu đúng như vậy thì đây là những vị thần được thờ phụng nhiều nhất ở Việt Nam. Vậy thì con số 14 dị bản thần tích mà chúng tôi khảo sát trên đây là có thấm tháp gì. Nhưng vì mới chừng ấy hiểu trong số những dị bản thần tích này, chúng tôi đã tìm thấy những điều mong muốn, nên chúng tôi tạm dừng lại. Bây giờ, sau khi đã khảo sát số dị bản trong ba nhóm văn bản Hán Nôm trên, nhất là những văn bản trong “Nhóm 3”, chúng tôi xin trình bầy những điều khác biệt ở trong đó như sau:

1- Không có văn bản nào nói chi tiết rằng nhà sư đã tu hành “suốt ba mươi năm”, cũng không có chi tiết là “nhà sư cầm dao dọa giết” và “đâm cổ tự tử” (mà là nhẩy xuống biển tự tử) như là trong truyện Nguyễn Đổng Chi.

2- Một số bản nói là “ba vị” (một mẹ hai con gái). Nhưng phần nhiều nói là “bốn vị” gồm ba mẹ con và một nàng hầu của hai người con gái. Đầu đề của những điều thần tích này thường là: Tứ vị thánh mẫu tôn thần, Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị Thượng đẳng thần(hoặc... Tứ vị công thần... Tứ vị thánh mẫu tôn thần,... Tứ vị Thánh nương phả lục), Càn hải Triệu phu nhân phả, Càn hải thần truyệnv.v...

3- Một số bản nói là hoàng hậu nhà Tống này tên là Hương Liên, họ Dương, người Trung Quốc, phường Phúc Quang, Mân Châu. Hai người con gái tên là Nguyệt Thai và Nguyệt Độ (bản 4). Một số bản thì nói: hoàng hậu là người xã Hương Cát, cửa Đại Càn thuộc Hoan Châu nước Việt ta, bố là Triệu Công Bình và mẹ là Dương Thị Phấn. Hai người con gái tên là Hồng Liên công chúa và Hồng Hạnh công chúa. Nàng thị nữ cũng là người Việt (bản 12, bản 14).

4- Về tên nhà sư, có bản cho biết ông tên là Đạo Chân (bản 6), hoặc Chân Đạo (bản 7).

5- Về địa danh, nhiều bản chép khác nhau, xuất nhập trong các tên như: Càn Hải môn Hương Cần, Hương Cát, Ngải Hương, Cát Hương, Cồn Hương, Nhãn Sơn, Nhai Sơn, Na Sơn v.v...

6- Về tình tiết câu chuyện, ngoài những bản chép chuyện nhà sư có hành động xấu “lòng thiền chẳng phải là đá, lửa dục bốc cao” (thiền tâm phỉ thạch, dục hỏa thích hồng), hoặc “máy thiền dễ động, bể ái dần sinh” (thiền cơ dị động, ái hải tiệm sinh), rồi đi tới chuyện đòi tư thông, như các bản 6, 7, 8, 9, 13... ra, một vài bản khác lại có tình tiết khác hẳn. Như: bản 11 thì chép rằng: sau khi hậu bị sóng gió lật thuyền, dạt vào núi Nhãn Sơn ở biển Nam (Nam Hải), lên bờ, gặp sư ông ra tiếp; Nhưng hậu trong lòng canh cánh, không muốn lưu lại, và than rằng; “Sở dĩ người chưa chết, vượt nghìn vạn dặm muôn trùng tới đây là muốn bảo tồn họ Triệu (nhà Tống), chứ đâu phải là chuyện của riêng bản thân mình ! Nay ở nơi tha hương đất khách, việc khôi phục [xã tắc] thật khó khăn, chỉ còn cách gửi thân trong con sóng, chứ sống nào có ích gì!” Đoạn dắt tay hai người con gái nhẩy xuống biển tự tử. Còn nhà sư thấy vậy, cũng buồn rầu than rằng: “Nàng không phải là hạng phàm trần, không biết từ đâu tới mà lại thoắt bỏ đi như vậy, thì chẳng phải là tại ta gây ra sao? Than ôi, ta chẳng thể cứu vớt được người, mà lại dẫn tới chuyện chết người, thì e rằng ta cũng sẽ rơi vào vòng nghiệp chướng mất. Nói xong, cũng nhẩy xuống biển tự tử”. Như vậy, ở dị bản này, bản án đã được lật ngược lại: ba mẹ con bà hoàng hậu tự tử trước, sư ông tự tử sau. Ba mẹ con tự tử vì “nghĩa cả”, nước mất nhà tan, thân gái có sống cũng vô ích. Sư ông tự tử vì ý nghĩa quá ư thánh thiện, cho rằng mình không có “duyên” cứu sống được người, tức là đã gián tiếp gây ra cái chết cho họ. Phần sau dị bản này còn nói: “Từ đó, âm hồn họ linh dị, nhập vào khúc gỗ trầm hương, trôi dạt tới các cửa biển linh khí nghi ngút như cái tán, dân đánh cá thấy lạ, vớt lên thờ, từ đó trở đi đánh được rất nhiều cá...”

Bản 12, bản 14, quanh tình tiết này lại được chép khác rằng: Khi biết ba mẹ con và nàng thị nữ gặp nạn, thì “nhà sư thương tình, vội sai chú tiểu sửa soạn cơm chay thết đãi, rồi cho sống ở trong chùa vài tháng”. Khi biết tin họ đã vì nước quên thân, nhẩy xuống biển tự tử, thì nhà sư nghe tin cả kinh, vội sai người đến cứu. Nhưng đến nơi thì không thấy đâu nữa. Nhà sư than thở mãi không thôi, liền lập một đàn tràng trai giới bên bờ biển, làm lễ chiêu hồn cho họ. Sau đó, nhà sư lại dựng một ngôi miếu nhỏ bên cạnh chùa hương khói phụng thờ”. Về phần hoàng hậu, những dị bản cho chúng ta biết nàng tự tử vì “nghĩa cả” vì nước mất nhà tan. Đó là: sau khi được tin nước đã mất, chồng (Đế Bính) đã chết, nàng than thở với hai người con gái: “Sống vì việc nước, sống đó vẻ vang. Chết vì nạn nước, chết đó như như sống. Vả lại sống mà không báo thù được cho nước, thì thà chết mà được tiếng thơm, chứ nuối tiếc tuổi thanh xuân mà làm gì!” Rõ ràng nhân vật trong hai văn bản này, kể cả hạng tại gia hay xuất gia, họ đều là những người khả ái, đáng kính, tại gia thì có tinh thần trách nhiệm cao trước cộng đồng, xuất gia thì từ bi cứu khổ độ tử độ sinh. Họ có nhân cách, phẩm giá cao đẹp, xứng đáng được thờ phụng.

Viết đến nay, nẩy ra một vấn đề, bốn vị nữ thần này là “âm thần, thuỷ thần” được thờ ở các cửa biển, các vùng ven biển là đương nhiên và dễ hiểu. Nhưng ở các vùng sâu trong nội địa như xã Cơ Xá, xã Nông Vụ huyện Gia Lâm cũng thờ là cớ sao? Đó là lý do thế này, cũng ý nghĩa lắm, như thần tích xã Cơ Xá (AE a2/16) cho biết: Bấy giờ vào thời Hồng Đức, có một người lính tên là Lê Viết Thọ ở trang An Thuận, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, xứ Sơn Nam Thượng theo vua Thánh Tông nam chinh. Khi nhà vua đóng quân ở cửa biển Đại Càn làm lễ cầu ở đền Quốc Mẫu linh từ (tức đền thờ bà hoàng hậu cùng hai nàng công chúa và nàng thị nữ trên), Thọ cũng ngầm khấn rằng: “Vạn lạy thần linh phù hộ, sau khi đánh tan giặc thân được vẹn toàn, thì xin được rước thần hiệu về bản xã, lập miếu phụng thờ”. Một lần, ông Thọ bị vây hãm trong trận, tỳ tướng giặc là Thuần cắp ngang giáo, phi ngựa tới định bắt sống ông Thọ. Ông Thọ hô to: “Hải khẩu linh thần không thể cứu ta sao? Nỡ để Thọ tôi bị hãm chết ở đây thế này!”. Nói vừa dứt lời, quay lại thấy ngọn giáo của Thuần đã gần kề, Thọ biết khó thoát. Ai ngờ huyền diệu tối linh, đảo cầu tất ứng, bỗng thấy một nữ tướng mình cưỡi ngựa hồng, tay cầm màu vàng, hét vang một tiếng: “Ngựa ta đã tới, Phạm Thuần hãy dừng lại!”. Rồi thấy Thuần ngã ngựa mà chết. Ông Thọ quay lại chém đầu mang nộp dưới cờ, lại quay lại chém được 6 viên tùy tướng nữa. Khi thắng trận luận công, ông Thọ được phong chức Lang trung, ban thưởng rất hậu. Ông Thọ dâng biểu tâu hết mọi chuyện, xin vua được rước thần hiệu bốn vị Vương Bà về bản xã lập miếu phụng thờ. Nhà vua bằng lòng, còn ban cho 600 quan tiền kẽm để giúp vào việc trông nom thờ cúng, để thần hiệu là “Quốc mẫu Hoàng bà Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương”.

Thế là đã rõ. Có thể xã Nông Vụ hoặc nhiều nơi khác trong nội địa thờ Tứ vị Thánh nương này cũng có lý do tương tự.

Hoặc như thần phả xã Phú Khê, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An (AE a12/21) lại cho biết một lý do khác nữa là: “Bấy giờ vào cuối thời nhà Tống, có người Tầu họ Hoàng tên Thiện, gia thế làm nghề địa lý, tránh loạn sang nước Nam, ngụ cư ở xã Cần Hương, Hoan Châu. Thiện sinh ra Khánh, Khánh sinh ra Trung, Trung sinh ra Cần là 4 đời. Cần thích phong thủy, thường đi xem cảnh khắp nơi. Một hôm đến xã Hoài Vân, huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, đạo Hải Dương thấy phong cảnh đẹp, nói với dân xã lập đền thờ phụng bốn vị Thánh nương thì rất tốt. Dân xã nghe theo, bèn rước Thần hiệu về thờ”.

Nói tóm lại, ở bài này, chúng tôi đã khảo sát chừng ba chục dị bản về truyện cổ tích “Sự tích đền Cờn”. Qua đó, thấy có nhiều điểm khác nhau, từ địa danh, nhân danh, quốc tịch, cho tới tình tiết câu chuyện. Từ trước tới nay, chúng ta đã quen với câu tình tiết như trong truyện “Sự tích đền Cờn” trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.

Nay chúng tôi xin cung cấp thêm những dị bản với những tình tiết khác. Đương nhiên, mỗi loại dị bản, một loại tình tiết đều có những cái hay riêng, có ý nghĩa giáo dục riêng của nó. Có điều là nội dung như dị bản 12, 13, 14 thuộc Nhóm 3 chưa được công bố bao giờ, sau đây chúng tôi xin dịch nguyên văn dị bản 14 là Thần phả xã Nông Vụ, huyện Gia Lâm để bạn đọc tham khảo(10).

Ghi chép về ngọc phả của bốn vị Thánh nương ở cửa biển Càn thuộc biển Nam nước ta.

(Thuộc chi Khảm, bộ thứ hai, Thượng đẳng thần, thủy thần, âm thần(11). Đây là bản chính của Bộ Lễ quốc triều).

Xưa, nước Việt ta, nhà Hùng Vương sáng nghiệp, nối truyền được 18 đời vua thì bị mất về An Dương Vương. An Dương Vương làm vua được 50 năm thì bị Triệu Đà lấy mất nước. Nhà Triệu năm đời làm vua, sau đó nước Việt ta bị nội thuộc nhà Hán. Trải các đời Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương gồm hơn 300 năm. Đến nhà Tiền Lý, Hậu Lý, lại bị lệ thuộc nhà Tùy, Đường. Nam Bắc phân tranh, Ngô Vương dựng nước. Đến đây, nước Nam trải các nhà Đinh, Lê, Lý, Trần... ấy là do Ngô Vương là bậc vua sáng xuất hiện ở đời, nên nước nhà liên tiếp được hưng thịnh vậy.

Bấy giờ vào thời nhà Trần, sớm ứng với vận hội Đông A, quyền hành kế nối... Vào thời vua Trần Thái Tông trị vì, ứng với năm thứ 5 đời vua Lý Tông nhà Nam Tống ở Trung Quốc, vua Nguyên Thế Tổ là Hốt Tất Liệt đem quân đánh Tống. Năm ấy, vua Lý Tông mất. Vua Độ Tông lên ngôi, đổi niên hiệu là Hàm Thuần. Truyền đến đời vua Cung Tông, Đoan Tông, đến đời Tường Hưng của vua Đế Bính là gồm 99 năm, Nguyên và Tống đánh nhau, chưa phân thắng bại.

Đến đời vua Thế Tổ Hốt Tất Liệt cầu viện lân quốc giúp đỡ, đem 36 vạn quân đến đánh Tống. Nhà Tống rất nguy.

Trước đó, ở nước Việt ta, vua Thái Tông hoàng đế mở tiệc chiêu đãi các quan ở cung điện. Hôm ấy là ngày 25 tháng 10, bỗng thấy trên trời có một ngôi sao to, như hình dải lụa, từ trên trời sa xuống, rồi có đến hơn trăm ngôi sao nhỏ cũng rớt xuống theo. Nhà vua lấy làm lạ, nói với các quan rằng: “Đó là điềm nhà Tống sắp mất đấy”.

Đến tháng 11, hai quân Nguyên Tống đánh nhau, quân Tống thua to, vua Tống là Đế Bình cùng thừa tướng Lục Tú Phu đều bị hãm trong trận. Bấy giờ hoàng hậu ...

Xét: Hoàng hậu vốn là người xã Hương Cát, cửa biển Đại Càn thuộc Hoan Châu nước ta. Bà là con gái ông Triệu Công Bình, lấy người trong xã là Dương Thị Phấn làm vợ. Ông bà là người thường hay giúp đỡ mọi người, thật xứng đáng là một nhà tích thiện, ắt có thừa phúc. Mấy năm gần đây, bà thường mơ thấy mình nuốt mặt trăng vào bụng, rồi từ đó có mang. Đến kỳ mãn nguyệt là ngày 1 tháng 3 mùa xuân năm Nhâm Thân, lúc vợ chồng đang ngồi quăng lưới đánh cá ở cửa biển Càn thì bà Dương thị lâm bồn, sinh hạ được một người con gái ở ngay trong thuyền, nên nhân đó mà đặt tên là Càn Nương (nàng Càn).

Đến khi trưởng thành, mày như lá liễu, má tựa hoa đào, thật là một trang mĩ nữ nghiêng nước nghiêng thành. Khi ấy mối bướm mai ong đầy nhà rộn rã, nhưng nàng vẫn cung thiềm khóa kín, nhụy ngọc còn phong, túc khế lương duyên, giai kỳ chưa định, bài thờ Đào yêu(12) vẫn chưa được cất tiếng ngân lên vậy.

Khi ấy, vua Đoan Tông thường hay xa giá đi chu du ở phương Nam, đến cửa biển Đại Càn, thuộc Hoan Châu nước ta, thấy nàng có nhan sắc thì đem lòng yêu mến, đem về cung để gả cho Đế Bính kết duyên Châu Trần. Khi vua Đoan Tông mất, Đế Bính lên nối ngôi bèn lập nàng làm hoàng hậu.

Khi mới về, hậu mơ thấy một cụ già ban cho một cành hoa, nở ra hai bông, một bông như đoá hồng liên, một bông như đóa hồng hạnh, nàng vui mừng nhận lấy. Khi tỉnh dậy, hậu thưa chuyện ấy với Đế Bính. Đế Bính cười mà rằng: “Hoa nở hai bông đó là điềm sinh đôi hai con gái đấy”. Từ đó hậu có mang, vào ngày rằm tháng 8 mùa thu năm Canh Dần, sinh hạ được một bọc, nở ra hai người con gái. Cả hai đều xinh đẹp như bông hoa nở, nhan sắc như mặt trời hồng, được cha mẹ vô cùng yêu dấu, nhân cảm điềm lành trong mộng mà đặt tên là Hồng Liên công chúa và Hồng Hạnh công chúa.

Đến năm hai nàng 13 tuổi, cha mẹ lại ban cho hai công chúa một nàng thị nữ...

Xét: Nàng thị nữ cũng vốn là người châu ấy. Cha là Vương Công Trứ, mẹ là Hoàng Thị Hinh, sinh nàng vào ngày rằm tháng 8 năm Kỷ Sửu. Đến khi trưởng thành mặt mũi xinh tươi, nhan sắc diễm lệ. Nhưng nàng không chịu lấy chồng, được thiên vương tiến vào triều, hoàng hậu yêu mến, nạp vào cung làm thị nữ, cho ở cùng với hai công chúa.

Lại nói chuyện bấy giờ hoàng hậu, hai công chúa và thị nữ cùng xuống một chiếc thuyền con, trốn về phương Nam, men theo bờ biển đến nước ta. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên, sóng gió cuồn cuộn, chiếc thuyền con bị đắm. Nhưng quả thật, người nào làm việc thiện thì trời tất sẽ báo đáp cho. Bấy giờ hoàng hậu, hai công chúa, cùng nàng thị nữ được một chiếc thuyền cưỡi trên sóng gió đưa đi, một lát sau thuyền dạt vào tới bờ biển. Bốn người xa trông, thấy một ngôi chùa cổ ẩn trong lùm cây xanh tốt, bèn nắm tay nhau dắt tới cửa chùa, rồi bước đến trước mặt nhà sư, chân tình kể hết đầu đuôi uẩn khúc. Nhà sư thương tình, vội sai chú tiểu sửa soạn cơm chay thết đãi, lưu ở chùa vài tháng.

Được ít lâu sau, hậu nghe tin Đế Bính cùng thừa tướng Lục Tú Phu đều nhảy xuống biển tự tử, các quan văn võ và các quân sĩ chết theo cũng đến vài trăm người, hậu cả kinh, nói với hai công chúa và thị nữ rằng: “Sống vì việc nước, sống đó vẻ vang. Chết vì nạn nước, chết đó như sống. Vả lại, sống không báo thù được cho nước, thì thà chết mà được tiếng thơm, chứ nuối tiếc tuổi thanh xuân mà làm gì!” Hai công chúa và nàng thị nữ cũng khóc nói: “Hơn 10 năm làm cung nhân của đại đế nơi cung vàng điện ngọc, kiếp phù sinh như thế cũng đã đủ vinh hoa rồi. Nay thà chết mà được bên nhau, còn hơn sống mà phải xa nhau vậy”. Nói xong, bốn người cúi lạy nhà sư, đoạn đi ra cửa biển, rồi nhảy cả xuống biển tự tử (hôm ấy là ngày 24 tháng 12).

Nhà sư nghe tin cả kinh, vội sai người đi cứu, nhưng đến nơi thì không thấy đâu nữa. Nhà sư than thở mãi không thôi, liền lập một đàn tràng trai giới bên bờ biển, làm lễ chiêu hồn cho họ. Sau đó, nhà sư dựng lại ngôi miếu nhỏ bên cạnh chùa, hương khói phụng thờ.

Lại nói chuyện hoàng hậu, hai công chúa và nàng thị nữ nhảy xuống biển tự tử được ba ngày, sóng gió lại đưa xác về nơi cửa biển Đại Càn. Bấy giờ nhân dân xã Hương Cát đột nhiên bị bệnh dịch hoành hành, chó cắn suốt đêm, không ai ngủ được.

Đêm ấy, mọi người làm lễ cầu đảo trời đất. Đến nửa đêm thì các bậc phụ lão đều mơ thấy một người mình mặc áo đỏ, tay cầm cây cờ đỏ, từ phương Tây đi tới tự xưng là Thiên sứ, tuyên triệu nhân dân đến mà bảo rằng: “Nay có ba mẹ con hoàng hậu nhà Tống và một người thị nữ, họ đều là những bậc tận trung chết vì chính nghĩa, được Thượng đế ban sắc phong cho làm thuỷ thần, cai quản cửa biển Đại Càn, được hưởng lộc ở địa phương ta. Mọi người hãy mau mau ra cửa biển, làm lễ mai táng, nếu không Hoàng thiên trừng phạt, bệnh dịch lan tràn. Mọi người sẽ không tránh khỏi tai hoạ đâu!”. Mọi người giật mình tỉnh dậy, hôm sau xúm cả lại kể cho nhau nghe chuyện giống nhau y hệt về giấc mộng đêm qua, rồi sai người ra bờ biển do thám xem sao. Quả nhiên thấy có bốn xác người chết nổi trên mặt biển, mặt mũi hồng hào như sống. Những người do thám trở về kể hết mọi sự, mọi người bèn làm lễ rồi ra cửa biển vớt các xác chết lên, và ngay hôm đó, chôn cất ở bên bờ biển (thuộc địa phận xã Hương Cát).

Xong xuôi, nhân dân lại dựng một ngôi miếu nhỏ ngay trên lăng mộ, viết bài vị là “Tứ vị Vương bà” (bốn vị Vương bà), rồi tuế thời thờ phụng. Phàm ai có bệnh, đến đây cầu cúng thì khỏi ngay. Thuyền buôn qua lại cầu cúng đều linh nghiệm. Họ dâng nhiều vàng bạc, phẩm vật để lễ tạ.

Trải đến đời vua Trần Anh Tông Hoàng Đế, nhà vua thân chinh cử binh đi đánh Chiêm Thành. Hôm ấy nắng xuân trong sáng, khí trời mát mẻ, buồm gấm căng phồng gió dương liễu, thuyền rồng lướt trên sóng đào hoa, tiến thẳng đến cửa biển Đại Càn, Hoan Châu. Bỗng nhiên mặt biển nổi sóng gió cuồn cuộn, quân sĩ không sao tiến lên được. Nhà vua phải neo thuyền ở đây, rồi đến nửa đêm mộng thấy người phụ nữ mặc áo tinh hồng, đeo xuyến lưu li, theo sau là ba thiếu nữ, mình mặc giáp vàng, tay cầm mâu vàng, bước tới mặt nhà vua chắp tay thưa rằng “Thiếp là hoàng hậu nhà Tống, ba mẹ con và một nàng thị nữ đều bị sóng gió bức hại, Thượng đế thương tình vô tội, phong làm thủy thần cửa biển này. Nay biết tin điện hạ nam chinh, bọn thiếp xin được đi theo điện hạ đánh giặc. Sau này đất nước thanh bình, cúi xin được ban sắc chỉ để biểu dương sự linh nghiệm”. Vừa dứt lời thì nhà vua tỉnh dậy. Hôm sau nhà vua cho triệu nhân dân vùng này đến hỏi. Mọi người kể lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, nhà vua thân hành đến đền cầu cúng, rồi cất quân thẳng tiến. Đầu thuyền nổi chiêng trống, nghìn dặm vang xa như chớp giật sấm ran; Dọc đường cắm tinh kỳ, hai bờ phấp phới tựa long xà vùng vẫy. Quân vua tới nơi, khác nào từ trên trời rơi xuống, thế mạnh tựa sóng lật gió rung; uy thanh như cành khô lá trút. Đánh lớn một trận, quân Chiêm thua to, bị ta phá thành chém chúa. quân ta thắng trận về tới cửa biển Càn. Nhà vua truyền cho quân sĩ và nhân dân xây dựng toà miếu vũ nguy nga, đắp cao lăng mộ, mở tiệc khánh hạ, ban sắc phong là “Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương”, lại ban cho nhân dân ba trăm quan tiền kẽm để dùng vào việc gìn giữ bảo vệ ngôi đền. Từ đó quốc đảo dân cầu, vô cùng linh ứng.

Đến cuối đời Trần, họ Hồ tranh quyền, người Minh gây loạn. Kính nghĩ đức Thái Tổ Cao Hoàng đế quốc triều ta chỉ với 3000 quân hổ lữ, trừ được họ Hồ, dẹp tan giặc Minh, lên ngôi hoàng đế ở Lam Sơn, đặt niên hiệu là Thuận Thiên.

Trải đến đời vua Thánh Tông Thuần Hoàng đế, giặc Chiêm không phục, nhà vua tự thân là tướng thân chinh, binh uy chấn động, tiến thẳng đến cửa biển Đại Càn Hoan Châu. Nhà vua truyền cho quân sĩ mổ trâu bò kính cẩn tế lễ, rồi tự mình khấn rằng: “Thần có linh thiêng, giáng lâm hưởng lễ, phù hộ phá giặc, bảo vệ dân đen. Phá tan giặc xong, cùng nước nhà hưởng phúc mãi mãi”.

Lễ xong, nhà vua cất quân thẳng tiến, đánh nhau với quân Chiêm một trận lớn. Quân Chiêm đại bại. Quân ta chém đầu chúa giặc, tịch thu khí giới vô số đưa về kinh. Sau đó, nhà vua kéo quân khải hoàn về đến cửa biển Đại Càn, Hoan Châu làm lễ bái tạ, ban sắc phong là: “Quốc mẫu Hoàng Bà, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương”. Lại ban cho nhân dân 300 quan tiền kẽm, để nhân dân trùng tu miếu điện phụng thờ. Xuân thu nhị kỳ, nhà vua còn sai quan tới tế lễ theo đúng lễ tam sinh, và ngự đề một đôi câu đối rằng:

Phong đào hoán tỉnh Anh Tông mộng,
Hương hỏa trường lưu Quốc Mẫu từ.

Nghĩa là:

Sóng gió lay tỉnh giấc mộng Anh Tông,
Khói hương nghi ngút ngôi đền Quốc Mẫu.

Đền thờ chính tại cửa biển Đại Càn, Hoan Châu, thuộc địa phận Tam Hương.

1. Phong “Quốc Mẫu Hoàng Bà, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, Thượng Đẳng Thần”.

2. Hàng năm, tháng giêng và tháng 7, xuân thu nhị kỳ tổ chức quốc tế, làm lễ theo lễ Tam sinh.

3. Chữ húy: Tra kỹ trong tích, đều phải tránh âm đọc. Khi làm lễ, không được mặc mầu đỏ.

4. Hàng năm, ngày sinh nhật Hoàng Bà là ngày 1 tháng 3, lễ trên tiến cỗ chay, oản quả, hát chầu văn ba ngày. Dưới dùng trâu, bò, lợn.

5. Hàng năm, ngày bốn vị Thánh nương cùng hóa là ngày 24 tháng 12, lễ trên dùng 4 cỗ chay, oản quả v.v...

Ngày lành tháng 8 năm Đinh Mão, niên hiệu Hoàng triều Bảo Đại thứ 2 (1927). Bản thôn phụng sao theo đúng chính bản của triều trước.

M.X.H

CHÚ THÍCH

(1) Xem: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi, tập 4, tr.259-264, Nxb. Văn nghệ Tp. HCM, tái bản 1992.

(2) Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, Tập 1, tr.70, Nxb. KHXH, H. 1992.

(3) Đại Nam nhất thống chí, Sài Gòn, 1965, tr.81, 82.

(4) Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh, Nxb. Văn học 1972, tr.117.

(5) Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1991, tr.121-123.

(6) Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, Nxb. KHXH, H. 1994, tr.151.

(7) Ngoài ra, còn một văn bản “Nam Hải tứ vị Thánh nương phả lục” hiện lưu giữ ở Paris nước Pháp. Xem: Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Tập 2, tr.324, chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát.

(8) Xem: Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Sđd, tr.121-123.

(9) Bìa sách đề là “Huyện Hoàn Long” là sai. Thực ra là xã Cơ Xá, huyện Gia Lâm. Thời Lý là ấp An Xá. Vua Lý Thái Tổ đổi đất An Xá làm nơi xây dựng cung điện, bèn cho dân An Xá rời đến đất Cơ Xá. Năm Duy Tân 5, dân thấy chữ “cơ” đồng âm với cơ hàn (đói rét), bèn xin vua đổi là Phúc Xá. An Xá là quê của Lý Thường Kiệt. (Xem bài “Phát hiện mới về Lý Thường Kiệt”, báo Đại đoàn kết số 42 ngày 25 tháng 8 năm 1995).

(10) Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn chị Nguyễn Thị Phượng, chủ biên công trình Bảng tra thần tích theo địa danh của Viện Hán Nôm đã cung cấp ký hiệu một số thần tích có liên quan.

(11) Âm thần: tức nữ thần.

(12) Đào yêu: tên một bài thơ trong Kinh Thi, nói về chuyện cô gái đã lớn tuổi muốn đi lấy chồng mơ ước được sống hòa thuận cùng chồng và gia đình nhà chồng.

http://hannom.org.vn/web/tchn/data/9601.htm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020