Nghiên cứu khoa học

NHÂN CHÚ THÍCH Ở MỘT BÀI THƠ CỔ


15-10-2020
Tác giả: Hoàng Văn Lâu

NGHIÊN CỨU HÁN NÔM SỐ 1 NĂM 1985
 

Trong tập thơ Hoàng hoa đồ phả của Ngô Thì Nhậm, bài Khế Chương Đức mang một nét tâm sự đáng được chú ý . Bài thơ ấy như sau:

Thuỳ dương âm hạ đáo An Dương,
Độ ổn Chương Hà vị yếm trường.
Nghiệp quận đế khâu đài điện tận,
Nguỵ công tướng nghiệp vĩnh lưu hương.
Thuý vân vị vấn Chương Đài quán,
Tử khí nhưng y Trú Cẩm đường.
Quý ngã hậu hiền cần ngưỡng chỉ,
Thanh phong huề mãn nhập giang biên.(1)

Rong ruổi trên sứ trình một vạn hai ngàn dặm, nhà thơ có dịp “thung dung đề thơ Kim Lăng, Xích Bích”(2), một phần những bài thơ đó dành cho một thời đã qua và lớp người đã khuất. Tâm hồn dễ rung động của nhà thơ, thương cho tấm lòng “cô trung” của Gia Cát Lượng “không đủ sức tranh với trời xanh”(3), đồng cảm với chàng trai Giả Nghị, “giầu hiệp khí” mà phải “khổ đau day dứt vì chức nhiệm của mình”(4), giành cho Khuất Nguyên những lời xót thương vào loại xúc động nhất:

Vãng nhật kỷ hồi bi thệ thuỷ,
Ly tao chung cổ điếu tà dương(5)

Qua ngôi nhà cũ của Phùng Kinh, nhà thơ ngợi ca “sự nghiệp ngàn thu” của ông này(6). Đến Yún Thành, nhà thơ nhớ tới Nhạc Phi và tưởng như “kiếm khí” của người xưa vẫn còn phảng phất đâu đây(7)…

Nhưng phải nhận rằng, trong cả tập thơ, chưa có nhân vật nào được nhà thơ dành cho lòng ngưỡng mộ chân thành, sự ngợi ca nhiệt tình như vị Nguỵ công ở bài thơ trên. Dưới con mắt nhà thơ, toàn bộ khu di chỉ đế vương ở Nghiệp quận đều hết sạch cả, chỉ còn lại, mãi mãi, “tướng nghiệp” và “danh thơm” của Nguỵ công thôi!

Nhà thơ coi Nguỵ công như một mẫu mực lý tưởng, và tự mình cảm thấy hổ thẹn nhận là kẻ “hậu hiền” chưa noi theo được người xưa. Cũng chính vị Nguỵ công này, đã truyền sức mạnh và niềm tin cho nhà thơ. Ta hình dung thấy nhà thơ, sau khi thăm Nguỵ công ra về, bước xăm xăm, “hứng đầy gió mát” trở vào chốn sông nước Giang Nam…

Vị “Nguỵ công” đó là ai vậy?

Lời chú thích dưới bài thơ ghi rõ: “Nguỵ công tức Tào Tháo. Nhà Hán phong Tào Tháo ở đất Nguỵ quận, tước Nguỵ công”(8).

Từ chỗ cho Nguỵ công là Tào Tháo, thế tất phải biến “Trú Cẩm đường” thành… “Đồng Tước đài” cho … “nhất quán”(9).

Tào Tháo tự là Mạnh Đức, tiểu tự là A Man, hồi nhỏ được cử Hiếu liêm, khởi binh đánh Đổng Trác, dẹp “giặc” Khăn vàng, tiêu diệt nhiều thế lực cát cứ, có nhiều vũ công, có tài văn học. Không phải không có những tao nhân mặc khách hâm mộ phong thái anh hùng “hoành sáo phú thi” của Tháo. ở ta, đã có một thời, một hai vị chúa Trịnh và quần thần của Chúa cũng nhiệt thành đề cao Tháo. Nhưng trong lịch sử, Tào Tháo đã trở thành điển hình của loại gian hùng đầy dã tâm, và thủ đoạn, trở thành hóa thân của một lối sống ích kỷ và tàn bạo: “Thà phụ người chứ không để người phụ lại”.

Khen, chê là chyuyện “thanh khí tương cầu”. Xưa nay, đối với nhân vật Tào Tháo, dẫu có ai ca ngợi, xuất phát từ bất cứ động cơ gì, cũng chưa bao giờ dám đưa Tháo lên mức “khuôn mẫu lý tưởng” để mà suốt đời “ngưỡng vọng” “tiếng thơm muôn thuở” ấy ! Đáng chú ý là bài thơ này Ngô Thì Nhậm lại làm sau khi Quang Trung, đáng cứu tinh, vị minh chủ của mình vừa mất mới được mấy tháng, khi Nguyễn Quang Toản 15 tuổi lên ngôi vua chưa được mấy tuần ! Cứ theo như chú thích của bài thơ, thì họ Ngô say sưa hâm mộ sự nghiệp và tiếng thơm vĩnh viễn của Tháo, mà sự nghiệp của Tháo, thì lời chú thích đã nói thẳng ra: “Chưa xưng Đế nhưng thực tế đã tiếm vị của Hoàng Đế rồi”(10). Nếu vậy, ý đồ chính trị thực chất tư tưởng của Ngô biểu hiện qua bài thơ sẽ là gì?

Trong lịch sử, Ngô Thì Nhậm không phải là không có “vấn đề”. Vụ án năm Canh Tí, Nhậm bị làng nho đường thời kết án là “sát tứ phụ nhi Thị lang” (giết bốn cha để làm Thị Lan)(11), việc ông nhiệt thành ca ngợi Trịnh Sâm(12), việc ông nhắc khéo quân Lê Trịnh giữ Tam Điệp chống Tây Sơn(13) sau lại đi theo Tây Sơn… và sử nhà Nguyễn coi ông là một kẻ cơ hội, một đứa con bất hiếu, một bề tôi bất trung… Bấy giờ, thêm một bài thơ trên với lời chú thích rành rành như đã trích, thì người đọc có quyền nghi ngờ phẩm chất con người này, và hoài nghi luôn cả những lời đánh giá rất cao, rất nhiệt tình cảu Lời giới thiệu: “Tầm vóc cao về tư tưởng, phẩm chất và thiên tài toàn diện của Ngô Thì Nhậm xứng đáng là một trong những ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam”(14).

Đúng là Ngô Thì Nhậm có nhắc tới Tào Tháo trong nhiều trường hợp, nhưng không phải nhắc để mà khen. Chẳng hạn: “Tào Tháo vì nhà Hán đánh Đổng Trác, Tháo cũng tự cho mình là hết lòng trung với Hán. Tâm sự ấy có thể nói dối đời sau. Nhưng sau kinh Xuân Thu lại có sách Cương mục, thì cái tội của Tháo mới rõ rệt”(15). Ngô Thì Nhậm coi Tháo là “đứa giặc nước” như Vương Măng, Hoàn Ôn(16). Ông đánh giá Tào Tháo một cách tập trung nhất qua bài thơ Quá Hứa Đô cũng ngay trong tập Hoàng hoa đồ phả. Trong bài thơ này, Ngô Thì Nhậm gọi Tháo là “tên gian hùng xảo trá như loài cáo, miệng nói phù Hán nhưng lòng dạ nham hiểm chỉ muốn ăn hiếp nhà Hán”. Ông cực lực thóa mạ cái trò vui “một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều” của Tháo là trò “thô bỉ và ngu xuẩn” rồi kết luận: “Dẫu thành quách lâu năm đã bao phen thay đổi, nhưng (Tháo) vẫn còn để lại vết nhơ không bao giờ xóa hết trong sử xanh”(17).

Chả lẽ, đối với cùng một nhân vật lịch sử Tào Tháo, trong cùng một chuyến đi sứ, mà lúc thì Ngô Thì Nhậm ngợi ca là “lưu thơm muôn thuở”, khi lại thoá mạ là “để thối ngàn thu”?

Thực ra, trong Bắc sử, chẳng phải chỉ một mình Tào Tháo được phong là Nguỵ công, và nếu ông Nhậm tốn kính Tào Tháo thì ông sẽ dùng cái tôn hiệu cao nhất của Tháo là Nguỵ Vũ Đế(18) chứ đâu phải cái tước “công” thấp hèn đối với Tháo ấy!

Vậy Nguỵ công của bài thơ trên là ai?

Tập Xuân Thu quản kiến, có một đoạn ghi rằng: “Sau khi Nguỵ công mất, binh quyền dần dần trao cho nho thần”(19). Lời chú thích ghi: “Nguỵ công là tước của Trương Tuấn”(20).

Trong Bắc sử có hai nhân vật mang tên là tự Trương Tuấn và đều là danh tướng đời Tống. Một Trương Tuấn 俊 tên là Bá Anh, người Thành Kỷ (Cam Túc). Viên tướng này đánh nhau với người Kim, lập được nhiều kỳ công, cùng với Hàn Thế Trung, Lưu Kỳ, Nhạc Phi đều là danh tướng đương thời, làm quan đến Thái Phó, được phong là Thanh Hà quận vương. Nhưng Trương Tuấn là kẻ hùa theo Tần Cối, chủ trương giảng hoà với người Kim, gây nên cái chết của Nhạc Phi(21). Ngô Thì Nhậm, trong một bài thơ đã dẫn(22) nhiệt liệt ca ngợi “kiếm khí” của Nhạc Phi, gọi Tần Cối là gian thần, hẳn không thể coi Trương Tuấn này là bậc “tiền hiền” “mãi mãi lưu thơm được” !

Còn một Trương Tuấn (浚) tên tự là Đức Viễn, người Miên Trúc (Tứ Xuyên), thời cao Tông làm tới Tuyên phủ sứ các lộ Xuyên, Thiểm, Kinh, Tây, Tri Khu mật viện, khi chết được tặng thái sư, được ban thuỵ hiệu là Trung Hiếu. Nhưng Trương Tuấn này là một viên bại tướng, từng bị biếm chức, bãi binh “Thất bại ở Phú Bình, chủ quan để quân đội bị tiêu diệt”(23). Con người như vậy cũng không thể là khuôn mẫu lý tưởng của Ngô Thì Nhậm được.

Tập Thơ văn Ngô Thì Nhậm(24), dưới bài thơ trên có chú rằng: “Nguỵ công là Triệu Phổ, làm quan Thái sư nhà Tống, người vùng đất Kế”. Triệu Phổ tên tự là Tắc Bình, ban đầu thờ Tống Thái Tổ, đến đời Tống Thái Tông, được phong làm Thái sư. Ông này từng có câu nói khá “nổi tiếng”: “Thần có một bộ Luận ngữ dùng một nửa bộ để giúp Thái Tổ định thiên hạ, dùng một nửa bộ để giúp bệ hạ đến thái bình”. Xem ra nhà trí thức lớn Ngô Thì Nhậm của chúng ta không chỉ “mê” có một bộ Luận ngữ! Nhưng quan trọng hơn, là Triệu Phổ khi chết mới được tặng Thượng thư lệnh và phong là Hàn Vương (chứ không phải là Nguỵ công!)(25).

Trong bài Hà Bắc đạo trung, sau khi câu thơ cuối:

“Biết bao làng nổi tiếng còn đề trên bia đá,

Đầy mắt cảnh thê lương, khiến cảm nghĩ đến người hiền xưa”(26), có một đoạn nguyên chú (của chính Ngô Thì Nhậm): “Trên đường đi qua làng cũ của các danh nhân: Hàn Nguỵ công, Đỗ Kiều, Phùng Đường, Quách Cự, Mẫn Tử Khiên, Trương Hoàn hầu”(27)…

Như vậy, chính tác giả đã cho chúng ta biết, có một ông Nguỵ công họ Hàn, thuộc lớp “danh nhân”.

Bài Khế Chương Đức trên đây, có nhắc tới công trình “Trú Cẩm đường” và được nhà thơ ca tụng hết mức: “Vượng khí của Thiên tử vẫn dựa vào Trú Cẩm đường”. Chú thích (dưới bài thơ) nói rõ: “Trú Cẩm đường là biệt thự của Hàn Kỳ làm Tể tướng đời Tống. Có phải Hàn Kỳ, tác giả của cái công trình Trú Cẩm đường nổi tiếng, là Hàn Nguỵ công trong nguyên chú, cũng là bậc tiên hiền lý tưởng mà tác giả khao khát muốn vươn tới trong bài thơ trên không?. Theo Tống sử(28) Hàn Kỳ, tên tự là Trĩ Khuê, người đất An Dương, (Tương Châu) đỗ Tiến sĩ khi còn rất trẻ, nổi tiếng từ rất sớm. Thấy triều đình có nhiều nịnh thần. Kỳ liên tiếp dâng sớ lên vua Tống, kết quả là: bốn tên quyền thần là Tể tướng Vương Tuỳ, Trần Nghiêu Tá, Tham tri chính sự Hàn ức, Thạch Trung Lập bị giáng chức cùng trong một ngày. Trước sau, ta ông đã dâng 70 tờ sớ, “nói rõ việc được mất, chấn chỉnh lại kỷ cương, (khuyên vua) gần gủi người trung trực, xa lánh kẻ gian tà”. Thời Tống Nhân Tông, Tây Hạ “làm phản”, Kỳ được cử làm Thiểm Tây Kinh lược chiêu thảo sứ, cùng với Phạm Trọng Yêm đem quân đi đánh, nắm binh quyền rất lâu, có uy vọng trên đời và là chỗ dựa của triệu đình. Khi làm Tể Tướng, Kỳ lập Anh Tông còn nhỏ tuổi lên ngôi vua; giữa Thái hậu và Anh Tông có hiềm khích, nhiều “trọng thần” bó tay bất lực, chỉ có Hàn Kỳ khuyên giải, giảng hoà được hai bên, khiến cho triều đình nhà Tống lại “sóng yên, biển lặng”. Sau vụ này, ông ta được bái làm Hữu bộc xạ và được phong là Nguỵ quốc công. Hàn Kỳ là viên đại thần “văn võ toàn tài”, có công lớn đối với nhà Tống, “Tướng tam triều, lập nhị Đế” (Làm tướng suốt ba triều, lậ hai vị Hoàng đế). Âu Dương Tu ca ngợi Kỳ: “Quyết định kế sách lớn, hoàn thành sự nghiệp to, làm việc quan bình tĩnh vững chắc, đặt thiên hạ vào thế vững như bàn thạch, là bậc “xã tắc chị thần”. Khi làm Tể tướng, Kỳ trở về quê hương, cho xây nhà Trú Cầm đường. Ngôi biệt thự này ở góc đông nam huyện thành An Dương, nằm trên sứ trình của Ngô Thì Nhậm. Trú Cẩm đường nổi tiếng vì nó gắn với một danh nhân, một vị Hàn Nguỵ công lỗi lạc, nó được Âu Dương Tu làm bài ký, Sái Tương viết chữ khắc bia và nhiều lớp tao nhân mặc khách đề vịnh ngợi ca. Sau khi lui về trí sĩ, Hàn Kỳ vẫn còn người con là Trung Ngạn kế tục ông giữ chức Tể tướng trong triều đình. Cũng vì lẽ đó, bài thơ mới có câu: “Thuý vân vị vấn Chương Đài quán, Tử khí nhưng y Trú Cẩm đường”; ý nói Hàn Kỳ tuy không làm quan trọng triều đình nữa, nhưng ngôi vua nhà Tống vẫn dựa vào nhà ông.

Như vậy, Nguỵ công trong bài thơ Khế Chương Đức, không phải là Tào Tháo, không phải là Trương Tuấn, cũng không phải là Triệu Phổ, mà là Hàn Kỳ, một nhân vật lịch sử khá nổi tiếng đời Tống. Nhưng Ngô Thì Nhậm nhiệt thành ca ngợi Hàn Kỳ thì có ý nghĩa gì?

Chúng ta biết, sự nghiệp cứu nước và dựng nước oanh liệt do các lãnh tụ Tây Sơn lãnh đạo, trong đó có phần đóng góp bằng cả tài năng và tâm huyết của Ngô Thì Nhậm, sau cái chết đột ngột của Quang Trung, đứng trước những nguy cơ rất nghiêm trọng: Cảnh Thịnh nối ngôi còn ít tuổi bọn ngoại thích bất tài nắm mọi quyền hành, Nguyễn ánh thừa cơ phản công mạnh…Nhiều trí thức Bắc Hà trước đã theo Quang Trung, bây giờ tỏ ra hoang mang, muốn lui ẩn, hoặc tìm một con đường khác. Trong hoàn cảnh lịch sử sóng gió ấy, mang hoài bão làm một Hàn Kỳ, trừ bọn gian thần bên trong, dẹp yên giặc lớn bên ngoài, giúp vua trẻ tuổi đặt đất nước vào thế vững vàng như Thái Sơn, bàn thạch… thực đã thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao của Ngô Thì Nhậm đối với bản chất năng động và lạc quan, không dừng lại ở suy tư ước vọng, ông nhìn về phía trước, xăm xăm trở về với một quyết tâm thực hiện hoài bão của mình. Phải chi hồi ấy Ngô Thì Nhậm có được điều kiện để cống hiến trọn vẹn tài năng cho đất nước? Đáng tiếc lịch sử không cho ta được thấy thành công của ông sau khi Quang Trung mất. Nhưng bài thơ trên, bài Khế Chương Đức như là một chứng tích ghi nhận tâm hồn trong sáng, hoài bão giúp dân, ý thức trách nhiệm và bản chất năng động, lạc quan của người trí thức chân chính này trong hoàn cảnh đau buồn khó khăn nhất. Sau khi xem xét lại chú thích của bài thơ, chúng ta có thể yên tâm với những lời đánh giá rất xác đáng, của một khối óc và tâm hồn rất “tri kỷ” với Ngô Thì Nhậm ở Lời giới thiệu.

CHÚ THÍCH

(1) Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978. Tập I, tr. 505

(2) Hoàng Hoa đồ phả, Tiểu dẫn, Sách đã dẫn, Tập I, tr. 283.

(3) Xem Gia Cát Vũ hầu miếu, Sách đã dẫn, Tập I, tr. 409. Nguyên văn “Đỉnh phân vô lực tranh thương hiệu”.

(4) Xem Quá Trường Sa ức Giả Nghị, Sách đã dẫn, tập I, tr. 414. Nguyên văn: “Tất cánh thiếu niên đa hiệp khí, Toại giao nhất chức khổ quan tình”.

(5) Xem Điếu Tam lữ Đại phu, Sách đã dẫn, tập I, tr. 427. Dịch nghĩa là: Bài thơ Tích vãng nhật bao phen xót thương dòng nước chảy. Khúc hát Ly tao muon đời truy điệu ánh chiều tà.

(6) Xem Quá Tống Trạng nguyên Phùng Kinh cố trạch, Sách đã dẫn, tập I, tr. 459

(7) Xem Quá Yển Thành ức Nhạc Vũ mục, Sách đã dẫn, tập I, tr.478

(8) Tuyển tập thơ văn Ngô Thi Nhậm, Sách đã dẫn, tập I, tr. 506, chú thích (4)

(9) Như trên, chú thích (5), nguyên văn lời chú thích như sau:

“... ý thơ của hai câu 5 và 6: “Thúy vân” và “tử khí” thường dùng làm biểu tượng chỉ Thiên tử. “Chương Đài quán” là cung nhà vua, “Trú Cẩm đường” là nhà riêng của Tướng quốc. Muón nói Tào Tháo chưa xưng đế, nhưng thực tế đã tiếm vị của Hoàng đế rồi (trú Cẩm đường để chỉ Đồng Tước đài ở Nghiệp quận là đất phong của Tào Tháo)”.

(10) Xem chú thích (9)

(11) Xem phần Tiểu sử ngô Thì Nhậm, Sách đã dẫn, tập I, tr. 43, 44

(12) Xem bài Cung vãn Tiên thánh vương, Sách đã dẫn, tập I, tr. 99

(13) Xem bài Cảm hứng, Sách đã dẫn, tập I, tr. 103, có câu:

Thu nhập Ngũ Hồ tri ngã cộng
Tâm quan Tam Điệp hữu thùy tri.

(14) Ngô Thì Nhậm, một người trí thức chân chính, Sách đã dẫn, tập I, tr. 12.

(15) Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Sách đã dẫn, tập II, tr. 249.

(16) Như trên, tr.256.

(17) Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Sách đã dẫn, tập I, tr. 483. Nguyên văn bài thơ là:

Để ý khan lai mị tự hồ
Gian hùng tâm tích tại đương đồ.
Thâm cơ hiệp Hán xưng phù Hán,
Biệt cục doanh đô xướng tỷ đô.
Thất thạch mã lai phản hồ nhĩ,
Nhị Đồng Tước lạc bỉ tại ngu.
Cải quan thành quách niên lai cửu
Hoàn hữu thanh biên bất tận ô.

(18) Tào Phi lên ngôi Hoành đế truy phong cho Tào Tháo là Ngụy Vũ Đế.

(19) (20) Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Sách đã dẫn, tập II, tr. 257, và chú thích (2) cùng trang.

(21) Súc ấn Bách nạp bản Nhị thập tứ sử, Tống sử, quyển 369 (Dưới đây gọi tắt là Tống sử)

(22) Xem chú thích (7)

(23) Tống sử kỷ sự bản mạt , tập 3; Tống sử, q. 361

(24) Thơ văn Ngô Thì Nhậm, Bản đánh máy, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tập 4, ký hiệu D. 955, tr. 156.

(25) Từ nguyên, tr. 1427.

(26) Hà Bắc đạo trung, sách đã dẫn, tập I, tr. 528. Nguyên văn:

Kỷ đa danh lý đề kiên thạch,
Cực mục thê lương khái cổ hiền.

(27) Sách đã dẫn, tập I, tr. 528, chú thích (6)

(28) Tống sử, Quyển 312.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020