Nghiên cứu khoa học

KHẢO SÁT VĂN BẢN TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC


15-10-2020
Tác giả: TS. NGUYỄN THỊ THANH CHUNG

Tuệ Trung Thượng Sĩ (慧 中 上 士, 1230 - 1291), tên là Trần Tung (陳 嵩), tước hiệu Hưng Ninh Vương (興 寧 王) là Thiền sư nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người hướng Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị Tổ sư sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trước tác của Trần Tung chủ yếu được tập hợp trong cuốn Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục. Trong bài Tựa viết về việc trùng san năm Chính Hòa, Tì kheo Tuệ Nguyên viết: “Những ghi chép này là do Đại đức Tiêu Dao nói với Tuệ Trung Thượng sĩ, Thượng sĩ nói với Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều ngự Giác hoàng. Điều ngự Giác hoàng nói với Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa đại sư. Pháp Loa đại sư nói với Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả. Huyền Quang Tôn giả nói cho tông phái Trúc Lâm và Thiền tông khắp Thiên hạ. Xưa nay việc truyền thụ vẫn như vậy. Quyển sách này là phương thuốc hay đối với các chứng bệnh, nhanh chóng đốn ngộ thành Phật, thẳng suốt nguồn tâm, vượt qua bể giác, giết chết vọng thức, phá sạch danh tướng. Là nguồn cội của đạo Không. Vượt Tam thừa, vượt Phật thừa, là yếu chỉ thượng thượng” (1). Khi giảng giải Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Thích Thanh Từ đã nhận định: “Quyển Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục là một tác phẩm trác tuyệt, triết lý uyên thâm, văn chương thanh thoát”(2) Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục đã được nghiên cứu từ nhiều góc độ và cấp độ như vấn đề tư tưởng Phật giáo, giá trị văn học, tác phẩm cụ thể, toàn bộ phần thơ… Tuy nhiên, vấn đề văn bản học của Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục chưa được đề cập đến một cách thấu đáo. Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng khảo sát những văn bản hiện còn và đưa ra những nhận định về bố cục văn bản, quá trình lưu truyền của văn bản, văn bản cơ sở của tác phẩm này.

1.     Tình hình văn bản

Hiện tại, tác phẩm Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục còn 2 văn bản là Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục (竹 林 慧 忠 上 士 語 籙)kí hiệu A.1932 tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm (TVVNCHN) và Tam tổ thực lục (三 祖 寔 籙)kí hiệu A.2048 tại TVVNCHN. Sau đây là phần giới thiệu về từng cuốn sách.

1.1.         Văn bản Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục

Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, kí hiệu A.1932, giấy dó, bốn trang đầu bị rách góc mép phải dưới, bìa màu nâu cũ. Khổ sách 16cm x 28cm, khung chữ 14cm x 21 cm. Rốn sách có phần trên ghi上 士 語 籙 còn phần dưới là số trang. Sách gồm 44 trang, mỗi trang 8 cột, mỗi cột 15 chữ (có khi là 14 chữ, có khi là 16 chữ), nếu viết đài là 16 chữ (có khi là 17, 18 chữ). Sách này gồm các phần sau:

a) Lời Tựa của Tì kheo Tuệ Nguyên về việc Trùng san Thượng sĩ Ngữ lục vào thời Lê niên hiệu Chính Hòa năm thứ 4 (1683)

          Phần mở đầu của bài tựa ghi: Trúc Lâm hội  thượng An Tử sơn Long Động tự Đồng tử Tì kheo Tuệ Nguyên Trùng san Trúc Lâm tổ sư Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục , phần hương cẩn tự (竹 林 會 上 安 子 龍 峒 寺 童 子 比 丘 慧 源 重 刊 竹 林 祖 師 慧 忠 上 士 語  籙  焚 香 謹 序 - Trên hội Trúc Lâm, núi yên Tử, chùa Long Động, đồng tử Tì kheo Tuệ Nguyên khắc bản lại ngữ lục của Trúc Lâm tổ sư Tuệ Trung Thượng sĩ, thắp hương và kính cẩn viết tựa). Trong lời đề tựa, Tì kheo Tuệ Nguyên có viết: Tôi khắc bản để lại, truyền lâu ức kiếp gương xưa sáng mãi, tiếp nối sáng không cùng, khiến chúng sinh khắp thế giới đại thiên, cùng rõ thấu pháp môn bất nhị, truyền bá trong nước được muôn đời, đồng chứng Phật quả nhất thừa. Phần cuối bài tựa cho biết thời gian khắc in lại : Lê Triều Chính Hòa tứ niên tuế thứ Quý Hợi  đông tiết cốc nhật trùng san (黎 朝 正 和 四 年 歲 次 癸 亥 冬 節 穀 日 重 刊 - Triều Lê, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 năm Quý Hợi, tiết đông, ngày tốt khắc bản in lại - 1683)

b) Lược dẫn Thiền phái đồ (略 引 禪 派 圖) do Tì kheo Tuệ Nguyên viết .

c) Trần Triều Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục do Trần Nhân Tông khảo đính và Pháp Loa biên soạn. Chính văn ghi:  Trúc Lâm Đại đầu đà đệ nhất tổ Tịnh tuệ Điều ngự Giác hoàng khảo đính, Trúc Lâm Hương đàn Tự pháp đệ tử Tiểu đầu đà Pháp Loa phổ huệ biên (竹 林 大 頭 陀 第 一 祖 淨 慧 調 御 覺 皇 考 訂, 竹 林 香 壇 嗣 法 弟 子 小 頭 陀 法 螺 普 慧 編 - Trúc Lâm Đại đầu đà đệ nhất Tổ tịnh tuệ Điều ngự giác hoàng khảo đính, Trúc Lâm Hương đàn tự pháp đệ tử Tiểu đầu đà Pháp Loa phổ huệ biên soạn thành sách). Nội dung gồm các phần sau:

Đối cơ (對機)(3)

Tụng cổ  (頌 古)(4)

Thơ  gồm các bài : 1. Phật tâm ca (佛 心 歌 ). 2. Phóng cuồng ngâm (放 狂 吟 ). 3. Sinh tử nhàn nhi dĩ (生 死 閑 而 已 ). 4. Phàm thánh bất dị (凡 聖 不 異 ). 5. Mê ngộ bất dị (迷 悟 不 異 ). 6. Trừu thần ngâm (抽 脣 吟 ). 7. Trữ từ tự cảnh văn (抒 辭 自 警 文 ). 8. An định thời tiết (安 定 時 節 ). 9. Dưỡng chân (養 真 ). 10. Nhập trần (入 塵 ). 11. Vạn sự quy như (萬 事 歸 如 ). 12. Thế thái hư huyễn (世 態 虛 幻 ). 13. Họa huyện lệnh (和 縣 令 ). 14. (thiếu nhan đề) Tịnh bang cảnh vật (淨 邦 境 物 ). 15. Họa Hưng Trí thượng vị hầu (和 興 智 上 位 侯 ). 16. Tụng Thánh Tông đạo học (頌 聖 宗 道 學 ). 17. Thủ nê ngưu (守 泥 牛 ). 18. Giang hồ tự thích (江 湖 自 適 ). 19. Vật bất năng dung (物 不 能 容 ). 20. Phỏng Tăng Điền đại sư (訪 僧 田 大 師 ). 21. Vấn Phúc Đường đại sư tật (問 福 堂 大 師 疾 ). 22. Thượng Phúc Đường Tiêu Dao Thiền sư (上 福 堂 逍 遙 禪 師 ). 23. Phúc Đường cảnh vật (福 堂 境 物). 24. Tặng Thuần Nhất pháp sư (贈 純 一 法 師). 25. Hí Trí Viễn Thiền sư khan kinh tả nghĩa (戲 智 遠 禪 師 看 經 寫 義). 26. Điệu Tiên sư (悼 先 師 ). 27. Khuyến thế tiến đạo (勸 世 進 道 ). 28. Thị chúng (示 眾 ). 29. Thị chúng (示 眾). 30. Thị học (示 學 ). 31. Ngẫu tác (偶作 ). 32. Giản để tùng (澗 底 松 ). 33. Xuất trần (出 塵 ). 34. Chí đạo vô nan (至 道 無 難 ). 35. Tâm vương (心 王 ). 36. Phóng ngưu (放 牛 ). 37. Đề tinh xá (題 精 舍 ). 38. Ngẫu tác (偶 作 ). 39. Tứ sơn khả hại (四 山 可 害 ). 40. Trụ trượng tử (柱  杖 子). 41. Chiếu thân (照 身 ). 42. Tự đề (自題 ). 43. Đốn tỉnh (頓 惺 ). 44. Tự tại (自 在 ). 45. Thoái cư (退 居 ). 46. Thị đồ (示 徒 ). 47. Thị tu Tây phương bối (示 修 西 方 輩 ). 48. Thoát thế (脫世 ). 49.Giang hồ tự thích (江 湖 自 適).

Thượng sĩ hành trạng (上 士 行 狀 - Hành trạng của Thượng sĩ)

Chư nhân Tán tụng (諸人贊訟 – Mọi người ca tụng)

Thượng sĩ (hậu bạt) (上 士 (後 跋))

Câu Trần triều Thượng sĩ ngữ lục chung (陳 朝 慧 忠 上 士 語 錄 終 – Thượng sĩ ngữ lục triều Trần kết thúc) có chữ Trần kiêng húy, gồm bộ xuyên bên trên, bộ phụ bên phải, chữ đông bên trái. Việc kiêng húy này cũng phù hợp với đặc điểm chung của văn bản thời Lê. “Văn bản thời Lê Trung hưng không bắt buộc kiêng húy. (…) Do tính chất tự nguyện không bắt buộc, các văn bản thời Lê Trung Hưng thể hiện những cách lựa chọn khác nhau trong việc kiêng húy. Sự lựa chọn đó trong nhiều trường hợp là do thói quen, người này chịu ảnh hưởng của người khác”(5). “Chữ Trần nguyên là một chữ húy quan trọng thời Lê sơ, được ban bố từ thời Lê Thái Tổ. Theo danh nghĩa chính thức. Trần là tên húy của Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, bà vợ cả của Lê Lợi, đi theo chồng trong cuộc hành quân của Nghĩa quan Lam Sơn vào Nghệ An tháng Chạp năm Ất Tị (tháng 1 năm 1425). Gương hi sinh cao cả của bà có nhiều người biết, nhất là việc bà tự nguyện hi sinh để làm vật tế thần Phổ Hộ mang màu sắc huyền thoại càng làm cho sự tích của bà được truyền tụng lâu dài. Do đó, mặc dù triều Lê Trung Hưng không quy định về việc viết húy nhưng vẫn có một bộ phận nhân dân chọn  cách viết kiêng húy chữ Trần để thể hiện lòng kính mộ công lao đức nghiệp thiên triều”(6).

 Cuối văn bản ghi: Bản lưu tại An Tử Sơn động Long Động tự dĩ hiểu hậu lai ấn học thức kì xứ (板 留 在 安 子 山 龍 峒 寺 以 曉 後 來 印 學 識 其 處 - Ván khắc lưu tại chùa Long Động  trên Yên Tử để đời sau có thể in để học và biết được chỗ này).

1.2.         Văn bản Tam tổ thực lục

Tam tổ thực lục, kí hiệu A.2048 có 47 trang đầu (trong tổng số 64 trang) là Thượng sĩ ngữ lục. Mỗi trang 8 cột, mỗi cột 14 chữ, viết đài là 15 chữ. Sách gồm các phần sau:

 a) Lời tiểu dẫn về việc Trùng san Thượng sĩ ngữ lục (Trùng san Thượng sĩ ngữ lục tiểu dẫn) vào thời Nguyễn niên hiệu Thành Thái năm thứ 15 do Bồ tát Tì kheo Thanh Hanh viết. Toàn bộ phần Tiểu dẫn như sau:

我 越 於 陳 朝, 屢 有 王 公士庶 神 留 內 典. 道 悟 禪 機, 而 得 見 於 方 冊. 其 來 尚 矣. 蓋 觀, 上 祖 逍 遙 及 至 玄 光 尊 者, 出 處 躬 行, 為 他 作 則. 考 斯 二 錄 而 概 知 一 二 焉. 上 年 丁 酉 季 秋, 住 持 法 雨 妙 湛 覺 靈, 重 刊 竹 林 三 祖 錄 流 通竣工. 今 癸 卯, 繼 住 持 法 雨 比 丘 清 渠 得 上 士 語 錄 古 版 於 清 磷 長 老 以 為 遺 寶, 願 續 刊 之.  夾 在 竹 林 錄上 , 合 成 一 帙 . 蓋 因 睹 此 ,  則 知 禪 譜 承 繩.  世 次 有 自  乃  徵  予 言.  略 記,  是 引.  時皇 朝 成 泰 十 五 年 歲 次 癸 卯 十 月 吉 日. 後 學 菩 薩 比 丘 清 亨 檢 校 敬 引 (Ngã Việt ư Trần triều, lũ hữu Vương công sĩ thứ. Thần lưu nội điển, đạo ngộ Thiền cơ nhi đắc kiến ư phương sách. Kì lai thượng hĩ. Cái quan Thượng tổ Tiêu Dao cập chí Huyền Quang tôn giả xuất xử cung hành vi tha tác tắc. Khảo tư nhị lục nhi khái tri kì nhất nhị yên. Thượng niên Đinh Đậu quý thu Trụ trì Pháp Vũ diệu trạm giác linh. Trùng san Trúc Lâm Tam Tổ lục lưu thông thuyên công. Kim Quý Mão kế trụ trì Pháp Vũ tì kheo Thanh Cừ đắc Thượng sĩ ngữ lục cổ bản ư Thanh Lân Trưởng lão. Dĩ vi di bảo nguyện tục san chi, giáp tại Trúc Lâm lục thượng, hợp thành nhất trật. Cái nhân đổ thử tắc tri thiền phả thừa thằng. Thế thứ hữu tự, nãi trưng dư ngôn, lược kí thị dẫn. Thời Hoàng Triều Thành Thái thập ngũ niên tuế thứ Quý Mão thập nguyệt cát nhật. Hậu học Bồ tát Tì kheo Thanh Hanh kiểm hiệu kính dẫn - Nước Việt ta vào thời Trần thường có vương công sĩ thứ lưu dấu ấn trong điển tịch. Về tư tưởng họ giác ngộ tinh thần Thiền tông mà có thể thấy được trong cách sách vở. Những việc đó đến nay vẫn rất đáng ngưỡng mộ. Xem xét chung, từ Thượng tổ Tiêu Dao đến Huyền Quang Tôn giả thì việc xuất xử cung hành đều vì người khác mà tạo phép tắc. Đọc hết phần ghi chép về hai con người này có thể lĩnh hội được một hai điều. Ngày trước, vào mùa thu năm Đinh Dậu, Trụ tì chùa Pháp Vũ đã thấu hiểu giá trị của những điển tịch như vậy. Ngài tiến hành trùng san Trúc Lâm tam tổ và công việc được hoàn tất. Năm nay, năm Quý Mão, người kế tục trụ trì Pháp Vũ là Tì kheo Thanh Cừ may mắn được một cuốn Thượng sĩ ngữ lục bản cổ tại nhà Trưởng lão Thanh Lân. Tì kheo nhận thấy đây là sách quý nên có ý nguyện khắc in nó. Rồi gộp vào trước cuốn Trúc Lâm lục thành một quyển. Vì thế mà xem quyển sách này cũng là biết được về sợi dây của Thiền phả. Thế thứ các đời có nguồn gốc của nó đã chứng rõ lời của tôi. Tôi lược ghi để làm lời dẫn vậy. Thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái thứ 15 năm Quý Mão, tháng mười, ngày tốt (1903). Kẻ hậu học là Bồ tát Tì kheo Thanh Hanh kiểm hiệu và kính cẩn dẫn lời.

Như vậy, Lời dẫn cho biết năm Quý Mão (1902) quyển Trần triều Thượng sĩ ngữ lục được khắc in rồi đính kèm trước Trúc Lâm lục. Quyển để khắc in lại này là một văn bản cổ mà Tì kheo Thanh Cừ có được từ Trưởng lão Thanh Lân. Tác giả Thanh Hanh không nói gì cụ thể về bản cổ này. Tuy nhiên, sau phần lời tựa của Tì kheo Tuệ Nguyên trong cuốn sách này có ghi năm khắc in: Cảnh Hưng nhị thập tứ niên tuế thứ Quý Mùi đông tiết cốc nhật trùng san. (景 興 二 十 四 年 歲 次 癸 未 冬 節 穀 日 重 刊 - Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 năm Quý Mùi, tiết đông, ngày tốt khắc bản in lại). Có lẽ, cổ bản nói đến trong lời dẫn chính là bản được khắc in thời Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763). Bản khắc in năm 1902 và bản khắc in năm 1683 không có sự khác biệt lớn, chỉ khác biệt ở cấp độ một vài văn tự. Cuốn in năm 1902 khắc lại cuốn in năm 1768, nên có thể nhận định cuốn khắc in năm 1768 không khác nhiều so với cuốn khắc in năm 1683.

b) Lời tựa của Tì kheo Tuệ Nguyên và ghi năm trùng san vào thời Cảnh Hưng (1763). Phần lời dẫn này có nội dung cơ bản trùng khớp với Lời dẫn của bản trùng san năm Chính Hòa 1683, chỉ thêm khảo dị(7) 1 trường hợp, hiệu chính(8) 1 trường hợp.

c) Lược dẫn Thiền phái đồ của Tì kheo Tuệ Nguyên, giống như bản A.1932.

d) Trần triều Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục. Phần này cũng được ghi do Trần Nhân Tông khảo đính và Pháp Loa biên soạn. Nội dung cơ bản như bản khắc in năm 1683 và có một số trường hợp khảo dị và hiệu chính. Cụ thể gồm các phần: 

Đối cơ (對機), hiệu chính 1 trường hợp

Tụng cổ  (訟古), khảo dị 3 trường hợp, hiệu chính 2 trường hợp

Thơ gồm 49 bài như bản khắc in năm 1683. Tuy nhiên, văn bản này không bị khuyết nhan đề bài Tịnh bang cảnh vật. Phần khảo dị gồm: Phật tâm ca (1 trường hợp), Phóng cuồng ca (1 trường hợp), Sinh tử nhàn nhi dĩ (1 trường hợp), Tụng Thánh Tông đạo học (1 trường hợp), Vấn Phúc Đường Đại sư tật (1 trường hợp), Thướng Phúc Đường Tiêu Dao Đại sư (1 trường hợp). Phần hiệu chính gồm: Vật bất năng dung (2 trường hợp), Xuất trần (1 trường hợp), Thị tu Tây Phương bối (1 trường hợp).

Thượng sĩ hành trạng (上 士 行 狀- Hành trạng của Thượng sĩ), hiệu chính 1 trường hợp.

Chư nhân Tán tụng (諸 人 贊 訟 – Mọi người tán tụng), khảo dị 2 trường hợp, hiệu chính 1 trường hợp.

Thượng sĩ (hậu bạt) (後 跋), khảo dị 1 trường hợp, hiệu chính 3 trường hợp.

Cuối sách ghi : Cựu bản lưu tại Đông Triều huyện, An Lâm xã, Đoan Nghiêm tự (舊 板 留 在 東 潮 縣 安 林 社 端 嚴 寺 - Ván khắc cũ lưu tại chùa Đoan Nghiêm, xã An Lâm, huyện Đông Triều)

2.      Một vài nhận định về văn bản tác phẩm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục

2.1.         Quá trình truyền bản của Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục

Từ việc khảo sát hai văn bản hiện còn, chúng tôi nhận định về quá trình truyền bản của Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục như sau:

Bản gốc Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục do Trần Nhân Tông khảo đính và Pháp Loa biên soạn hiện đang bị thất lạc.

Năm 1683 (thời Lê, niên hiệu Chính Hòa, năm thứ 4), văn bản Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục được trùng san. Việc trùng san này do Tì kheo Tuệ Nguyên thực hiện. Tì kheo Tuệ Nguyên có bổ sung thêm Lời Tựa và Lược dẫn Thiền phái đồ. Văn bản hiện mang kí hiệu A. 1932 tại TVVNCHN, được chụp lại với kí hiệu VHc2584, VHc2585.

Năm 1763 (Thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng, năm thứ 24) văn bản Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục được trùng san. Văn bản này đã mất. Việc xác định năm 1763 trùng san dựa vào phần khắc in thời gian sau lời tựa Tì kheo Tuệ Nguyên trong bản Tam Tổ thực lục khắc in năm 1902.

Năm 1902 (Thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái, năm thứ 15) văn bản Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục được trùng san. Việc trùng san này do Tì kheo Thanh Hanh thực hiện. Nguyên do bởi Tì kheo Thanh Cừ may mắn tìm được một cuốn Thượng sĩ ngữ lục bản cổ tại nhà trưởng lão Thanh Lâm và nhận thấy đây là cuốn sách quý nên có ý nguyện được khắc vắn in. Vì vậy, Tì Kheo Thanh Hanh đã khắc in lại cuốn Thượng sĩ ngữ lục mà Tì kheo Thanh Cừ tìm thấy và gộp nó vào trước Trúc Lâm lục thành một quyển.

2.2.         Bố cục văn bản: bao gồm trước tác của Trần Tung và những trước tác có liên quan

Trước tác của Tuệ Trung Thượng sĩ gồm:

Đối cơ

Tụng cổ

49 bài thơ

Những trước tác có liên quan (phụ thuộc vào năm khắc in)

Tiểu dẫn về việc trùng san Thượng sĩ ngữ lục năm 1683 do Tì kheo Tuệ Nguyên viết.

Lược dẫn Thiền phái đồ do Tì kheo Tuệ Nguyên viết.

Tiểu dẫn về việc trùng san Thượng sĩ ngữ lục  năm 1902 do Tì kheo Thanh Hanh viết.

Thượng sĩ hành trạng (Hành trạng của Thượng sĩ), do Trần Nhân Tông viết.

Chư nhân Tán tụng (Chư nhân ca tụng), do 8 người viết gồm: Tự Pháp đệ tử Trúc Lâm Đại đầu đà, Trúc Lâm thị hạ tự pháp đệ tử Pháp Loa, Trúc Lâm thị hạ đệ tử Bão Phác, Môn đệ tử Tông Kính, Môn đệ tử Thiên Nhiên cư sĩ Vương Như Pháp, Trúc Lâm thị giả đệ tử Pháp Cổ, Trúc Lâm thị giả Tuệ Nghiêm, Trúc Lâm thị giả tiểu đệ tử Pháp Đăng.

Thượng sĩ (hậu bạt) (Bài bạt của Thượng sĩ ngữ lục), do Trần Khắc Chung viết.

2.3.         Kết luận về văn bản cơ sở của Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục

Văn bản đầu tiên của Thượng sĩ ngữ lục hiện đang thất lạc. Cuốn sách này được trùng san ít nhất ba lần. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi mới chỉ tìm được hai cuốn sách  còn lưu trữ tại TVVNCHN. Theo nhận định của chúng tôi, văn bản được khắc in năm 1902 hoàn thiện hơn vì những lý do sau:

Về mặt hình thức văn bản, bản khắc in năm 1683 có bố cục chữ không đều. Nét chữ của các trang chưa thống nhất, ví dụ trang 41 nét chữ mảnh hơn toàn văn bản, trang 43 kiểu chữ nghiêng, xô lệch. Văn bản này cũng có hiện tượng viết chèn chữ để bổ sung chữ thiếu hoặc sửa chữ sai, ví dụ các trang 10, 12, 17, 32, 37, 42. Văn bản này cũng dùng chữ viết tắt, chữ giản thể. Chữ trong văn bản 1902 thể hiện tính ưu việt so với bản 1683. Số chữ trong 1 cột luôn là 14 chữ, nếu viết đài là 15 chữ. Văn bản này không có hiện tượng viết chèn chữ để bổ sung chữ thiếu hoặc sửa chữ sai, cũng không viết tắt và không dùng giản thể.

Mặt khác, bản khắc in năm 1902 có nội dung phong phú hơn. Về cơ bản, bản khắc in năm 1902 và bản khắc in năm 1683 tương đối giống nhau, chỉ khác nhau ở một vài chữ, không ảnh hưởng đến tổng thể văn bản. Tuy nhiên, bản khắc in năm Thành Thái có thêm lời tiểu dẫn của tì kheo Thanh Hanh. Lời tiểu dẫn này cho người đọc hiểu hơn về lịch sử văn bản.

Bản khắc in năm 1902 có cả phần khảo dị và phần hiệu chính, cụ thể là 13 trường hợp khảo dị và 13 trường hợp hiệu chính. Phần khảo dị và hiệu chính này giúp cho người đọc có cái nhìn thấu đáo, chính xác hơn khi tiếp cận văn bản. Ở đây, chúng tôi xin dẫn chứng một trường hợp khảo dị và một trường hợp hiệu chính của bản khắc in năm 1902. Trong bản khắc in năm 1683, tại phần Tụng Cổ, trang 13a cột 2 là: 若 也 不 因 迷 萩 岸, 胡 為 得 到 武 陵 溪 (Nhược dã bất nhân mê thu ngạn, hồ vi đắc đáo Vũ Lăng khê -Nếu không có chuyện lầm đường ở bờ cỏ thì làm sao đến được suối Vũ Lăng ). Tại bản khắc in năm 1902, câu này ở trang 15a dòng 2, dưới chữ thu có ghi 2 chữ: 恐 荻 (khủng địch - e là chữ địch). Nguồn suối Vũ Lăng là tích được nhắc đến trong Đào hoa nguyên kí của Đào Uyên Minh. Suối ở Vũ Lăng có hoa đào, có rừng đào và dẫn đến một thế giới “người già con trẻ đều vui vẻ, thư thái, mãn nguyện” (黃  髮 垂 髫 並 怡 然 自 樂 - hoàng phát thùy thiều tịnh di nhiên tự lạc). Nguyên tác Đào hoa nguyên kí không nhắc gì đến bờ lau hay bờ cỏ mà chỉ tả cảnh cảnh rừng hoa đào “hai bên rộng vài trăm bước, trong không có loài cây nào khác, cỏ thơm tươi tốt, hoa rơi rực rỡ” (夾  岸  數  百  步 , 中  無  雜  樹 , 芳  草  鮮  美 , 落  英 賓  紛 - giáp ngạn sổ bách bộ, trung vô tạp thụ, phương thảo tiên mĩ, lạc anh tân phân). Trong câu này, Vũ Lăng khê là thế giới lý tưởng mà con người đặt chân đến khi vượt qua được bến mê. Bởi vậy, từ được hiệu chính trong bản 1902 sẽ khiến người đọc đi tìm câu trả lời: thu ngạn (bờ cỏ) hay địch ngạn (bờ lau) là từ chính xác để đối lập với hình tượng suối Vũ Lăng?. Tóm lại, phần khảo dị sẽ cho chúng ta xác định được một văn bản hiện đang thất lạc, phần hiệu chính sẽ giúp người đọc hiểu văn bản một cách thấu đáo hơn.

 Như vậy, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục là một tác phẩm có giá trị về tư tưởng Phật giáo, lịch sử, văn học… Bố cục nội dung của văn bản gồm trước tác của Trần Tung (Đối cơ, Tụng cổ, thơ) và những trước tác có liên quan khác (Lời tựa, lời dẫn, Lược dẫn Thiền phái đồ, Thượng sĩ hành trạng, Chư nhân tán tụng, bạt). Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục do Trần Nhân Tông khảo đính và Pháp Loa biên soạn đã bị thất lạc. Tác phẩm trùng san ít nhất ba lần vào các năm 1683, 1768, 1902 và hiện còn 2 đầu sách được lưu trữ lại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Khảo sát 2 văn bản hiện còn cho thấy bản khắc in thời Nguyễn niên hiệu Thành Thái năm thứ 15 là văn bản cơ sở của tác phẩm này.                                                                                                   

                                                                            N.T.T.C

Chú thích:

1.      Nguyên văn chữ Hán: 此 錄, 逍 遙 大 德 說 與 慧 中 上 士,  上 士 說 與 竹 林 第 一 祖 調 御  覺 皇, 調 御 覺 皇 說 與 竹 林 第 二 祖 法 螺 大 師,  法 螺 大 師 說 與 玄 光 尊 者, 玄 光 尊 者 說 與 竹 林 宗 派, 天 下 禪 宗.  古 往 今 來 相 傳 授 受. 這 此 錄 的 巧 對 證 之 良 樂, 太 速 成 佛 之 頓 悟, 直 徹 心 源, 騰 超 覺 海, 殺 死 識, 破 名 相, 空 空 之 心 宗,  超 三 乘 , 越 佛 乘, 上 上 之 旨 (Thử lục Tiêu Dao đại đức thuyết dữ Tuệ Trung thượng sĩ. Thượng sĩ thuyết dữ Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều ngự Giác hoàng. Điều ngự Giác hoàng thuyết dữ Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa đại sư. Pháp Loa đại sư thuyết dữ Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả. Huyền Quang Tôn giả thuyết dữ Trúc Lâm  tông phái. Cổ vãng kim lai tương truyền thụ thụ. Giá thử lục đích xảo đối chứng chi lương lạc, thái tốc thành Phật chi đốn ngộ. Trực triệt tâm nguyên, đằng siêu giác hải, sát tử thức, phá danh tướng, không không chi tông, siêu Tam thừa, việt Phật thừa, thượng thượng chi chỉ).  

2.      Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Thích Thanh Từ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, TPHCM, 1996, trang 6.

3.      Đối cơ: Thuật ngữ nhà Phật, Phật Đà đối với căn cội của chúng sinh có cách thức thực thi giúp đỡ phù hợp. Thuật ngữ này cũng là chỉ những người tài giỏi trong Thiền gia trả lời câu hỏi của người học. (Theo Phật học đại từ điển, Đinh Phúc Bảo biên, Thượng Hải thư điếm, Thượng Hải, 1991, tr.2528)

4.      Tụng cổ: Thuật ngữ nhà Phật chỉ việc làm sáng rõ nghĩa việc cổ. Nêu lên việc cổ thì gọi là Ngữ vận. (Theo Từ điển Phật học, tập 2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr. 1710)

5.      Nghiên cứu chữ Húy trên các văn bản Hán Nôm, Ngô Đức Thọ, LATSNV, Trung tâm KHXH và NVQG, Hà Nội, 1995, tr.170.

6.      Nghiên cứu chữ Húy trên các văn bản Hán Nôm, Ngô Đức Thọ, LATSNV, Trung tâm KHXH và NVQG, Hà Nội, 1995, tr.174.

7.       Các trường hợp khảo dị trong văn bản này được viết chữ nhỏ bên cạnh:  舊 cựu … - Chữ này trong bản cũ là…

8.       Các trường hợp hiệu chính được viết chữ nhỏ bên cạnh:  恐 khủng… - Chữ này e là chữ…

Tư liệu tham khảo chính:

1.      竹 林 慧 忠 上 士 語 籙kí hiệu A.1932 tại TVVNCHN.

2.      三 祖 寔 籙kí hiệu A.2048 tại TVVNCHN.

3.      Nguyễn Duy Hinh, Trần Tung Thượng sĩ Nhân sĩ Thi sĩ, Nxb KHXH, H, 1997.

4.      Phật học đại từ điển, Đinh Phúc Bảo biên, Thượng Hải thư điếm, Thượng Hải, 1991.

5.      Thích Thanh Từ, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục giảng giải, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, TPHCM, 1996.

6.      Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ Húy trên các văn bản Hán Nôm, Trung tâm KHXH và NVQG, Hà Nội, 1995.

7.      Thơ văn Lý Trần, tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989.

8.      Tổng tập Văn học Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998.

9.      Tuệ Trung Thượng sĩ với Thiền tông Việt Nam, Viện KHXH TPHCM, Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, Tp Hồ Chí Minh, 1993.

10.    Từ điển Phật học, tập 2, Kim Cương Tử chủ biên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1994

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020