Nghiên cứu khoa học

Bàn về văn bản LỮ HÀNH NGÂM TẬP kí hiệu AB.447


15-10-2020
Tác giả: Phùng Diệu Linh

Tóm tắt: Sách Việt Nam hán văn yên hành văn hiến tập thành 越 南 漢 文 燕 行 文 献 集 成(1) giới thiệu Lữ hành ngâm tập旅行吟集 kí hiệu AB.447 là một sáng tác của Phùng Khắc Khoan. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát chúng tôi nhận thấy văn bản này không phải là một thi tập độc lập mà có chép thơ của Phùng Khắc Khoan lẫn với sáng tác của tác giả khác. Bài viết phân tách các phần nội dung chép trong AB.447 để người đọc rõ hơn về văn bản này, cụ thể văn bản chia làm 2 phần riêng biệt, nửa đầu là sáng tác của Phùng Khắc Khoan, nửa sau chủ yếu là sáng tác của Nguyễn Tông Quai có chép lẫn thơ Nguyễn Trung Ngạn. Từ khóa: Lữ hành ngâm tập, Mai Lĩnh sứ hoa thi tập, Sứ Hoa tùng vịnh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Tông Quai.

Văn bản Lữ hành ngâm tập旅行吟集kí hiệu AB.447 hiện lưu trữ tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách Việt Nam hán văn yên hành văn hiến tập thành 越 南 漢 文 燕 行 文 献 集 成  (viết tắt là Yên hành) giới thiệu văn bản này là một thi tập độc lập của Phùng Khắc Khoan. Tuy nhiên, khảo sát văn bản này chúng tôi nhận thấy tình hình văn bản khá phức tạp.

1. Lữ hành ngâm tập có phải là một tập thơ của Phùng Khắc Khoan không?

Lữ hành ngâm tập旅行吟集hiện đang lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm với kí hiệu AB.447. Sách gồm một bản viết tay, 36 trang, khổ 31x21 cm. Văn bản chép thiếu nhiều chữ, chữ thiếu thường để trống giấy. Thư mục đề yếu khi mô tả văn bản này có ghi “không rõ tác giả”: “Lữ hành ngâm tập旅行吟集 80 bài thơ (không rõ tác giả) vịnh phong cảnh, danh thắng, cổ tích trên đường đi sứ Trung Quốc: Xuân muộn ở Tiêu Tương; Nhàn vịnh cảnh hồ Động Đình; Hứng du lầu Hoàng Hạc; Đề miếu Tam Nghĩa, Đề đá Vọng Phu; Đề miếu Bành Tổ”...

Nhóm tác giả cuốn Yên hành燕 行thì cho rằng đây là một tập thơ độc lập của Phùng Khắc Khoan (bên cạnh các thi tập đã được biết tới như Ngôn chí thi tập言志詩集, Mai Lĩnh sứ hoa thi tập 梅嶺使華詩集, Huấn đồng thi 訓童詩, Đa thức tập 多識集):

Căn cứ vào bên trong có bài thơ tiêu đề Dữ Thắng doãn Triệu hầu tương kiến與勝尹趙侯相見 - Cùng huyện lệnh Thắng Triệu hầu gặp mặt. Triệu huyện lệnh tên là Bang Thanh, Tiến sĩ khoa Ất Mùi. Dưới có vĩ chú: Triệu xem thơ nói: An Nam quốc sứ Phùng Kính Tề, học vấn thâm viễn, chữ nghĩa thần diệu v.v. Có thể biết tác giả họ Phùng, từng gặp huyện lệnh huyện Thắng là Triệu Bang Thanh. Căn cứ vào thời gian Triệu Bang Thanh làm huyện lệnh Thắng huyện từ năm Vạn Lịch thứ 21 đến năm Vạn Lịch thứ 26 (1593-1598), tức Việt Nam, thời Hậu Lê, Lê Thế Tông Quang Hưng năm thứ 16 đến 21, giữa khoảng này người (An Nam) đi sứ sang Trung Quốc lại họ Phùng chỉ có Phùng Khắc Khoan, hiệu Kính Trai. Căn cứ vào đây thấy rằng chữ  “Tề齊”  trong “Phùng Kính Tề馮敬齊” ở chú thích của bài thơ vốn là chữ “Trai 齋” bị chép nhầm, vì vậy tác giả của sách này là Phùng Khắc Khoan” (2)

Đối chiếu Lữ hành ngâm tập 旅行吟集 với Mai Lĩnh sứ hoa thi tập 梅領使花詩集(3) (các kí hiệu Vhv.188, A.2809 và A.241 ) của Phùng Khắc Khoan chúng tôi nhận thấy: 37 bài thơ thuộc nửa sau của văn bản này (từ tờ 18b đến tời 28b) trùng với các bài trong Mai Lĩnh sứ hoa thi tập梅領使花詩集của Phùng Khắc Khoan. Bài thơ Dữ Thắng doãn Triệu hầu tương kiến 與勝尹趙侯相見 mà nhóm soạn giả Yên hành đề cập ở trên thực chất nằm trong Mai Lĩnh sứ hoa thi tập梅領使花詩集của Phùng Khắc Khoan. Trên đường đi sứ, Phùng Khắc Khoan có gặp huyện lệnh huyện Thắng tên là Triệu Bang Thanh. Ngoài bài thơ trên, trong Mai Lĩnh sứ hoa thi tập梅領使花詩集còn ghi lại bài Đề Triệu hầu họa tượng đồ 題趙侯像畫圖. Triệu Bang Thanh đánh giá cao tài năng của Phùng Khắc Khoan, gọi ông “chính là tài năng bậc nhất” (đích đệ nhất tài phẩm的第一才品). Phần sau của Lữ hành ngâm tập旅行吟集gồm 37 bài, toàn bộ chép thơ Mai lĩnh sứ hoa thi tập của Phùng Khắc Khoan(4). Vậy phần đầu tập thơ có phải là sáng tác của Phùng Khắc Khoan không? 

Cấu trúc bản AB.447 không nhất quán giữa phần đầu và phần sau khiến chúng tôi nghi ngờ rằng Lữ hành ngâm tập 旅行吟集 không chỉ là của mình Phùng Khắc Khoan.

Thứ nhất, về hình thức, phần đầu từ bài đầu tiên Tiêu Tương xuân vãn 潚湘春晚tới bài Đề tương sơn tự 題相山寺 (gồm 21 bài) trong đó 8 đơn vị thơ Nôm (mỗi đơn vị gồm 1 bài thơ Luật Nôm và 1 đoạn thơ lục bát dài ngắn khác nhau) và 13 đơn vị thơ Hán- Nôm (Một đơn vị gồm 1 bài thơ Luật Hán và 1 đoạn thơ Lục bát Nôm). Phần sau của Lữ hành ngâm tập từ Vịnh Họa sơn 詠畫山tới Đáo hội đồng xá kiến Trình phó sứ 到會同舍見程赴使(gồm 37 bài) hoàn toàn chép thơ chữ Hán, quy cách khác hẳn với phần trước. Sự thiếu nhất quán này khiến chúng tôi nghi ngờ rằng phải chăng AB.447 là sự lắp ghép của 2 tập thơ khác nhau?

Thứ hai, có sự khác nhau về nội dung và phong cách tác giả giữa hai phần của văn bản. Tuy phần nhiều đều là thơ vịnh cảnh nhưng những bài ở nửa đầu chủ yếu là giọng điệu trữ tình, phong cách hào mại, ngôn từ diễm lệ, uyển chuyển tinh tế, đậm chất điển nhã hào hoa, trong khi nửa sau lại mang giọng điệu tự sự, phong cách giản dị mộc mạc, lời lẽ thuần hậu, trung tín. Chúng tôi cho rằng hai phong cách này khó có thể là của cùng một tác giả.

Thứ ba, đường đi sứ của Phùng Khắc Khoan được ông ghi lại rất cụ thể trong Mai Lĩnh sứ hoa thi tập梅領使華詩集Khảo sát văn bản Mai Lĩnh sứ hoa thi tập 梅領使華詩集, căn cứ vào tên các địa danh thể hiện trong các bài thơ vịnh cảnh, vịnh người chúng tôi nhận thấy:

Đường đi từ Trấn Nam Quan tới Bắc Kinh sứ đoàn của Phùng Khắc Khoan đi qua các tỉnh sau: Quảng Tâyà Quảng ĐôngàGiang TâyàAn HuyàGiang TôàSơn Đôngà Hà Bắcà Bắc Kinh.

Đường về từ Bắc Kinh tới trấn Nam Quan: Bắc Kinhà Thiên Tânà Hà Bắcà Sơn ĐôngàGiang Tôà Chiết Giangà Giang Tâyà Quảng ĐôngàQuảng Tâyà An Nam(5).

Những bài đầu trong Lữ hành ngâm tập旅行吟集xuất hiện các địa danh nằm ở vùng Hồ Bắc, Hồ Nam Trung Hoa (Tỉnh Hồ Nam gồm: Tiêu Tương, Động Đình hồ, huyện Đào Nguyên. Tỉnh Hồ Bắc gồm: Lầu Hoàng Hạc, Giang Châu, Thái Thạch, Ô Giang, Thanh Khê, Dương Châu. Tỉnh An Huy gồm: Vọng phu thạch, Độc Tú sơn. Tỉnh Quý Châu có: Tương Sơn tự). Sứ đoàn của Phùng Khắc Khoan không đi qua Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu do đó những bài thơ vịnh cảnh này ít có khả năng là do Phùng Khắc Khoan sáng tác. Sứ đoàn của Phùng Khắc Khoan có đi qua tỉnh An Huy, liệu Đề Vọng phu thạch 題望夫石và Đề Độc Tú sơn 題讀山có thể là của Phùng Khắc Khoan được không, chúng tôi sẽ trình bày ở phần 2.

2. Tác giả 21 bài thơ đầu trong Lữ hành ngâm tập là ai?

21 bài thơ đầu trong Lữ hành ngâm tập旅行吟集bao gồm:

8 bài thơ Thất ngôn bát cú chữ Nôm: Tiêu tương xuân vãn 潇湘春晚, Chu thứ kiển hoài 舟次遣懷, Đề tam nghĩa miếu 題三義廟, Tuyết thiên nhàn vọng 雪天閒望, Quá quan tự thuật 過關自述, Chu trình đông dạ 舟程冬夜, Điếu lưu tam liệt 吊劉三烈, Đề Độc Tú sơn 題獨秀山.

 13 bài Thơ Thất ngôn bát cú chữ Hán: Động Đình nhàn vịnh洞渟閒詠, Hoàng Hạc lâu du hứng簧鶴楼悠興, Giang Châu lữ thứ江洲旅次, Thái Thạch ức thanh liên采石億青蓮, Ô giang hoài cổ乌江懷古, Thanh Khê phiếm khả 青溪泛舸, Dương Châu tức cảnh 杨州即景, Đào nguyên lữ thứ 桃元旅次, Khách trình thu dạ 客程秋夜, Đề Vọng phu thạch 題望夫石, Khách trình xuân đán 客程春旦, Vọng giang hiểu phát 望江曉發, Đề Tương Sơn Tự 題相山字.

Thơ Nôm lục bát: chép sau các bài thơ luật, không có tiêu đề riêng, nội dung liên quan tới phần thơ Luật, chủ yếu là bình tán thêm phần nội dung của bài Luật. Đề tương sơn tự題相山字không có thơ Lục bát chép kèm.

2.1 Phần thơ chữ Hán

Khảo sát thơ đi sứ trong Yên hành tập 2 chúng tôi phát hiện những bài thơ trên còn được chép trong mục thơ đi sứ của  tác giả khác là Nguyễn Tông Quai(6). Ông đi sứ sang nhà Thanh 2 lần và để lại số lượng sáng tác tương đối đồ sộ. Ngoài thơ Nôm giáo huấn (Ngũ luân tự 五论字) và thơ vịnh sử (Vịnh sử thi quyển 詠史詩卷), thì hai tác phẩm đi sứ một viết bằng chữ Nôm: Sứ trình tân truyện 使程新傳và một viết bằng chữ Hán: Sứ hoa tùng vịnh 使華叢詠 hiện còn, đều rất sáng giá(7).

 Trong số 17 văn bản còn lại của Sứ hoa tùng vịnh使華叢詠  thì bản có kí hiệu A.211 (bản chụp lại kí hiệu VHc2658) hiện đang lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm đầy đủ hơn cả, chúng tôi chọn đây làm bản nền để đối chiếu, so sánh với AB.447 (8).

A.211 trang 1a có bài tựa của viên quan nhà Minh là Kim Lăng Trương Hán Chiếu: “Quý Hợi, mùa hạ, (tôi) qua thư phòng người bạn là Cao tử Uẩn Sơn, được gặp sứ thần An Nam là Nguyễn Thư Hiên mũ cao áo rộng, nho nhã phong lưu, nghe nói chuyện không cần phiên dịch...Tôi qua thuyền sứ quân cùng đàm đạo thơ ca, sứ quân nhân đó đưa ra một tập sách là Sứ Hoa tùng vịnh 使華叢詠 nhờ tôi viết tựa.”(9) Ngoài ra, trong phần giới thiệu tiền tập sách viết: Sứ Hoa tùng vịnh 使華叢詠 tiền tập: Niên hiệu Cảnh Hưng, năm Nhâm Tuất, cống bộ phó sứ Nguyễn Thư Hiên sáng tác từ lúc lên đường cho tới Giang Nam tổng 108 bài(10). Như vậy Sứ Hoa tùng vịnh 使華叢詠 là của Nguyễn Thư Hiên (Tức Nguyễn Tông Quai).

13 bài thơ chữ Hán trong phần đầu của Lữ hành ngâm tập旅行吟集 đồng thời cũng được chép trong Sứ Hoa tùng vịnh 使華叢詠 bản A.211 / VHc2658 (11) của Nguyễn Tông Quai. Cụ thể: Động Đình nhàn vịnh洞渟閒詠, Hoàng Hạc lâu du hứng簧鶴楼悠興, Giang Châu lữ thứ江洲旅次, Thái Thạch ức thanh liên采石億青蓮, Ô giang hoài cổ乌江懷古, Thanh Khê phiếm khả 青溪泛舸, Dương Châu tức cảnh 杨州即景, Đào nguyên lữ thứ 桃元旅次, Khách trình thu dạ 客程秋夜, Đề Vọng phu thạch 題望夫石,Vọng Giang hiểu phát 望江曉發 Đề Tương Sơn Tự 題相山字.

 01 bài thơ không có trong Sứ Hoa tùng vịnh使華叢詠 A.211 / VHc2658: Khách trình xuân đán客程春旦.

Trong số 13 bài trên thì Thái Thạch ức Thanh Liên 采石億青蓮 trong Lữ hành ngâm tập旅行吟集AB.447 chép 10 câu, trong đó 2 câu đầu có nội dung trùng với nội dung 2 câu đầu bài Ô giang hoài cổ 乌江懷古, 8 câu sau mới là nội dung của Thái Thạch ức Thanh Liên 采石億青蓮 trong Sứ Hoa tùng vịnh使華叢詠.

Đến đây tưởng chừng đã có thể khẳng định được 13 bài thơ chữ Hán này là thơ của Nguyễn Tông Quai bị chép nhầm sang nhưng chúng tôi lại phát hiện ra 2 trong số 13 bài (gồm Giang Châu lữ thứ 江洲旅次và Thái Thạch ức Thanh Liên 采石億青蓮) còn được chép trong thi tập của một tác giả nổi tiếng khác, đó chính là Giới Hiên thi tập 介軒詩集 của Nguyễn Trung Ngạn (11)Đối chiếu Sứ Hoa tùng vịnh使華叢詠 và Giới Hiên thi tập介軒詩集ngoài 2 bài trên còn phát hiện ra nhiều bài khác chép lẫn nhau, chúng tôi sẽ trở lại minh định vấn đề này trong một dịp khác.

Như vậy đối với 13 đơn vị thơ này chùng tôi tạm đưa ra kết luận như sau:

10 bài gồm Động Đình nhàn vịnh洞渟閒詠, Hoàng Hạc lâu du hứng簧鶴楼悠興, Ô giang hoài cổ乌江懷古, Thanh Khê phiếm khả 青溪泛舸, Dương Châu tức cảnh 杨州即景, Đào nguyên lữ thứ 桃元旅次, Khách trình thu dạ 客程秋夜, Đề Vọng phu thạch 題望夫石,Vọng Giang hiểu phát 望江曉發 Đề Tương Sơn Tự 題相山字 là thơ của Nguyễn Tông Quai trong Sứ Hoa tùng vịnh使華叢詠.

2 bài Giang Châu lữ thứ江洲旅次, Thái Thạch ức thanh liên采石億青蓮chưa minh định được là của Nguyễn Trung Ngạn hay Nguyễn Tông Quai,  chúng tôi tạm xếp vào vào dạng tồn nghi.

Bài Khách trình xuân đán 客程春旦 không thấy xuất hiện trong Sứ Hoa tùng vịnh 使華叢詠 A.211 và hiện chúng tôi cũng chưa xác định được tác giả.

2.2. Phần thơ chữ Nôm

Thơ Nôm trong Lữ hành ngâm tập 旅行吟集 gồm 2 loại: thơ Luật và thơ Lục bát. Thơ Luật gồm 8 bài, thơ Lục bát như đã nói ở trên không chép riêng mà chép sau 20 bài thơ Luật (gồm cả Hán và Nôm) riêng bài Đề Tương sơn tự題相山字  không có thơ Lục bát chép kèm.

Nguyễn Tông Quai vốn được xem là người mở đầu cho dòng thơ đi sứ viết bằng chữ Nôm, ông có tập thơ Nôm Sứ Trình tân truyện使程新傳hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách chỉ còn 1 bản chép tay duy nhất có tiêu đề là Sứ trình tân truyện 使程新傳, kí hiệu AB.155 (bản chụp Nc264),  gồm 1 quyển, trang đầu có tiêu đề: Sứ trình tân truyện使程新傳, không tựa, không ghi tên tác giả. Ở trang 17 chép: Cảnh Hưng năm thứ 3 (1743), công bộ phó sứ Nguyễn Thư Hiên viết ở Yên Kinh hội đồng quán. Sứ trình tân truyện hết(12).

Khảo sát nội dung các tác phẩm trong văn bản Sứ trình tân truyện 使程新傳 và thơ Nôm trong Lữ hành ngâm tập 旅行吟集 chúng tôi nhận thấy phần thơ chữ Nôm này toàn bộ đều thuộc Sứ trình tân truyện使程新傳 AB.155 (Nc264) của Nguyễn Tông Quai. Sứ trình tân truyện  gồm 670 câu thơ Nôm lục bát, thuật lại hành trình đi sứ lần thứ nhất của Nguyễn Tông Quai (1742-1745). Tác phẩm ghi lại tâm tư, tình cảm của tác giả trước những danh lam thắng cảnh từ Thăng Long tới Yên Kinh. Giữa mạch lục bát, xen vào 8 bài thơ Nôm Đường luật, cụ thể là: Tiêu tương xuân vãn 潇湘春晚, Chu thứ kiển hoài 舟次遣懷, Đề tam nghĩa miếu 題三義廟, Tuyết thiên nhàn vọng雪天閒望, Quá quan tự thuật 過關自述, Chu trình đông dạ 舟程冬夜, Điếu lưu tam liệt 吊劉三烈, Đề Độc Tú sơn 題獨秀山. Một số bài đã được nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân giới thiệu (Bùi Duy Tân, 2007)

Bát ngát giang sơn thuở ác tà,

Trên không phơi phới tuyết rây hoa.

Đầu non phấn điểm in màu bạc.

Mặt nước mai trang phẳng dợn là.

Cảnh vật phau phau trăng lẩn bóng,

Lâu đài lôm lốp ngọc giồi da.

Kìa ai dạm được chiều thanh ấy,

Dắng dõi Dương xuân Bạch tuyết ca

(Tuyết thiên nhàn vọng)

Văn bản trong Lữ hành ngâm tập 旅行吟集 có một vài dị văn so với Sứ trình tân truyện使程新傳 AB.155 (Nc264) , chúng tôi sẽ hiệu khám chi tiết ở một dịp khác.

3.Tạm kết

Như vậy, có thể thấy Lữ hành ngâm tập 旅行吟集 kí hiệu AB.447 không phải một tập thơ độc lập của Phùng Khắc Khoan mà bao gồm cả 3 tập thơ: 37 bài thuộc Mai Lĩnh sứ hoa thi tập 梅領使華詩集 của Phùng Khắc Khoan, 10 bài thơ chữ Hán thuộc Sứ Hoa tùng vịnh使華叢詠 của Nguyễn Tông Quai, 8 bài thơ Luật Nôm và thơ Nôm lục bát thuộc Sứ trình tân truyện  使程新傳của Nguyễn Tông Quai, 2 bài chưa xác định được là của Nguyễn Tông Quai hay Nguyễn Trung Ngạn, 1 bài chưa xác định được tác giả. Với tình hình văn bản như vậy chúng tôi cho rằng độ khả tín của văn bản này không cao, tên gọi thư tịch Lữ hành ngâm tập 旅行吟集 nhiều khả năng cũng là do người sao chép tự đặt, muốn sử dụng văn bản này trong nghiên cứu nhất thiết cần chỉnh lý cẩn trọng.

Chú thích

(1) Việt Nam Hán văn yên hành văn hiến tập thành (越 南 漢 文 燕 行 文 献 集 成.), Nxb Phúc Đán, Thượng Hải, xuất bản tháng 6-2010 (gọi tắt là Yên hành).

(2) Người viết tạm dịch. Nguyên văn: “旅行吟集” 不分卷,漢喃研究院藏鈔本,一册, 編號AB.447。 本書無作者署名,據其中“與勝尹趙侯相見趙尹名邦清乙未科進士” 詩題, 及其尾注“趙見詩曰: [安南國使馮敬齊, 學問深遠, 字神妙] 云云, 可知作者性馮,曾与滕縣縣令趙邦清相識。按趙氏令滕縣在明萬曆二十一年至二十六年(一五九三-一五九八),時當越南后黎世宗光興十六年,其間出使中國且性馮者,爲馮克寬,號敬齋。據此上引詩注中的[馮敬齊]之[齊], 當為[齋]字之訛,本書作者即馮克寬。Xem Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành, quyển 1, trang 153.

(3) Tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 13 bản có chép thơ Mai Lĩnh sứ hoa thi tập梅領使華詩集với nhiều tên gọi khác nhau, A.555: Phùng Khoan thi tập 馮寬詩集, A.2128: Phùng sứ thần thi tập 馮使臣詩集, A.431: Phùng Thái phó thi 馮太傅詩, VHb.264: Phùng Xá xã Phùng Công ngôn chí thi馮 舍 社 馮 公 言 志 詩, A.597: Nghị Trai thi tập毅 齋 詩 集; VHv.2155: Sứ Hoa bút thủ trạch thi 使 華 筆 手 澤 詩,  VHv.2156: Sứ Hoa bút thủ trạch thi 使 華 筆 手 澤 詩; A.2011: Sứ Hoa bút thủ trạch thi使 華 筆 手 澤 詩A.241: Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập梅 嶺 使 華 詩 集, A.2557: Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập梅 嶺 使 華 詩 集; VHv. 188 Bạch Vân am Trình quốc công thi tập        có chép Mai lĩnh thượng thư Phùng Khắc Khoan thủ trạch梅 嶺尚書馮克寬手澤; A.2805 Chu Nguyên tạp vịnh thảo  雜詠 chép  Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập 梅 嶺 使 華 詩 集. Bộ Yên hành in 2 bản Vhv.188 và A.2805 đều là những văn bản Mai lĩnh sứ hoa thi tập 梅 嶺 使 華 詩 集 được chép chung trong thi tập của tác giả khác. Trong bài viêt này chúng tôi lựa chọn A.241: Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập 梅 嶺 使 華 詩 集 làm cơ sở để so sánh đối chiếu với Lữ hành ngâm tập 旅行吟集 vì đây bản chép tương đối cẩn thận, lớp lang nhất quán, ít nhầm lẫn.

(4) Các bài thơ thuộc Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập梅領使華詩集 chép trong Lữ hành ngâm tập旅行吟集: Vịnh họa sơn詠畫山, Thời đáo Ngô Đồng thành yết khâm sai Ngô Đồng chỉnh lí quân vụ 時到梧桐城謁欽差梧桐整理軍務 (Bài không có tiêu đề chỉ có chú thích), Thương Ngô đối cảnh 蒼梧對景, Đề ngọc kì bi phiến 題玉旗錍扇, Thượng yêt thiên triều khâm sai tổng đốc lưỡng Quảng quân vụ上謁天朝欽差總篤兩廣君務 (Bài  không có tiêu đề riêng chỉ có chú thích), Triệu Khánh phủ Đổng Trần nhị quý thỉnh bút ngẫu thành肇慶府董陳二貴請筆偶成, Đồng bạn tống quan bạch chỉ huy thượng kinh 同伴送官白指揮上京, Đề cử tử phiến 題擧子扇, Đề phi lai tự 題飛来寺, Đáo Tào Khê tại Thiều Châu phủ Cộng Đức huyện Tượng Lí dịch到漕溪在韶州府共德縣象裡驛Quá quan âm sơn 過觀音山, Quá Trương thừa tướng từ đường tại Thiều Châu phủ, Khúc Giang,過張承相祠堂在韶洲府曲江縣, Đáp Nam Hùng quân phủ quý thỉnh bút 答南雄軍府貴請筆Sấu lĩnh Mai lĩnh 瘦嶺梅嶺, Đáo An Nam ngẫu thành 到安南偶成, Bành Trạch hồ 彭澤湖, Quá đại cô sơn tiểu cô sơn 過大孤山小孤山, Vọng giang hiểu phát 望江曉發, Khách huề tửu khất thi 客擕酒乞詩, Quá Trương lão tẩu hỉ tác 過張老叟喜作, Quá Thái Thạch ki 過采石磯, Đăng Dương tướng công từ đường 登楊相公祠堂, Đáo Nam Kinh thành 到南京城, Thọ Thẩm đô đốc sơ khánh 壽沈都督初慶, Đáo Bành Thành 到彭城, Hoàng Hà đông ngạn dịch 黄河東岸驛, Bành tổ miếu 彭祖廟, Dữ Thắng doãn Triệu hầu tương kiến 與滕尹趙候相見, Đề Triệu hầu họa tượng đồ 題趙候畫像途Hý đề bạch chỉ huy phiến 戱題白指揮扇, Thời đáo quảng Tây, nhân các trì nhất phiến khất thi 時到广西人各持一扇乞詩Đề huyền thiên quan 題玄天觀, Đề Tân Đồng đế quân miếu 題槟桐帝君, Đề chiêu liệt miếu 題昭烈廟, Đề Hán cao miếu 題漢高廟, Quá tế liễu doanh 過細柳营, Đáo hội đồng xá kiến Trình phó sứ 到會同舍見程副使.

(5) Các địa danh này được ghi lại chi tiết trong Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập 梅領使華詩集. Đường đi từ Trấn Nam Quan tới Bắc Kinh người đọc phải lần theo tên địa danh, tên những di tích, sông núi trong thơ vịnh cảnh. Đường về từ Yên Kinh tới trấn Nam Quan lại được tác giả liệt kê cụ thể.

(6), (7) Nguyễn Tông Quai 阮宗乖 (có sách gọi là Nguyễn Tông Khuê 阮宗奎), hiệu là Thư Hiên, người huyện Hưng Hà, Thái Bình. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Dần (1721) thời Lê Dụ Tông, được bổ dụng vào hoạt động bang giao. Năm 1742 (Nhâm Tuất), ông làm Phó sứ cùng Chánh sứ Nguyễn Kiều sang sứ Thanh, chuyến đi này kéo dài đến 3 năm. Năm 1747 (Đinh Mão) ông lại được cử làm Chánh sứ sang Thanh. Theo Bùi Duy Tân, Nguyễn Tông Quai (1693-1767) đường đi sứ - Đường thơ (Người khai sáng dòng ca Nôm sứ trình) (Tạp chí Hán Nôm, số 2(81), 2007, Tr.3-10.

(8) Sứ Hoa tùng vịnh 使華叢詠 hiện còn lưu trữ 17 bản chép tay ở thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm (bao gồm các sách mang kí hiệu A.1552, A.2993, A.211, A.2123, A.2001, A.551, VHv.1896, VHv.1404, VHv.1404/2, VHv.1998, VHv.2481, VHv.2076, VHv.2350, VHv.2476, VHv.1613, VHv.2251sách Sứ trình使 程 kí hiệu A.1548, sách Sử văn trích cẩm史文 摘 錦  kí hiệu VHv.2148sách Chu Nguyên tạp vịnh thảo    kí hiệu A.2805), và 1 bản chép tay chép lẫn trong Đối sách chuẩn thằng對策准繩  kí hiệu R.1720 (lưu trữ tại thư viện Quốc gia). Yên hành tập 2 tuyển in 3 văn bản Sứ hoa tùng vịnh使華叢詠bao gồm: A.1548 sách Sứ trình使 程 (Yên hành  quyển 2 trang 39); A.1552 sách Sứ Hoa tùng vịnh 使華叢詠, (Yên hành quyển 2 trang 131); Vhv.1170  sách Sứ Hoa thi tập 使華詩集 (Yên hành quyển 2 trang 289).

(9) Người viết tạm dịch. Nguyên văn:癸亥夏,過友人高子蕴山齋中,得晤安南使君阮子舒軒  儒雅風流聆其言論無煩譯語也...余偶過使君舟相與談詩,使君因出一册,為使華叢詠集,囑余為序. Xem Sứ Hoa thi tập A.211(VHc2658). Tờ 1a, trang 1.

(10) Nguyên văn: 景興壬戌年歲貢部赴使阮舒軒先生著自登程至江南一百八首. Xem Sứ Hoa thi tập A.211 (VHc2658). Tờ 5a, trang 9.

(11) Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) tự Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Yên Thi nay là xã Thổ Hoàng, huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên. Năm 1304, ông  đỗ Hoàng Giáp khi mới 16 tuổi, cùng khoa với Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Bảng nhãn Bùi Mộ và Thám hoa Trương Phóng. Năm 1312 ra làm quan, được cử đi sứ Yên Kinh năm 26 tuổi (Hưng Long năm thứ 22 tức 1314). Trung Ngạn làm quan trải các chức Thị ngự sử, Nội mật viện phó sứ, An phủ sứ Nghệ An kiêm Quốc sử viện giám tu, Đại doãn kinh sư, Nhập nội hành khiển, Thương thư hữu bật kiêm tri Khu mật viện sự, Thị kinh diên đại học sĩ, tước bá. Đại Việt sử kí toàn thư chép: “…hai lần sung chức Hựu sảnh. Đến thời Dụ tông, có vào chính phủ, giữ trọn tiếng tốt, không phụ là bậc nho giả, thọ hơn 80 tuổi. Có Giới Hiên tập lưu hành ở đời” (Đại Việt Sử kí toàn thư - Bản kỉ toàn thư, quyển 6, kỉ nhà Trần, tờ 44b). Giới Hiên tập hiện còn 1 bản duy nhất mang kí hiệu A.601 lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, đây cũng là bản được chụp trong bộ Yên hành.

(12) Nguyên văn: 景興三年歲貢部赴使阮舒軒書于燕京會同舘使程新傳终. Xem Sứ trình tân truyện AB.155/ (Nc264).

Tài liệu tham khảo

1. 越 南 漢 文 燕 行 文 献 集 成,  复旦大学出版社, 上海, 2010.

2. Mai Lĩnh sứ hoa thi tập 梅嶺使華詩集, kí hiệu A.241, Viện nghiên cứu Hán Nôm.

3. Sứ hoa tùng vịnh使華 叢 詠, kí hiệu A.211, Viện nghiên cứu Hán Nôm.

4. Sứ trình tân truyện 使 程 新 傳, kí hiệu AB.155/ (Nc264), Viện nghiên cứu Hán Nôm.

5. Đại Việt sử kí toàn thư, Bản kỉ toàn thư, Nxb KHXH, H, 1998 tập IV.

6. Bùi Duy Tân, Nguyễn Tông Quai (1693-1767) đường đi sứ - Đường thơ (Người khai sáng dòng ca Nôm sứ trình), Tạp chí Hán Nôm, số 2(81), 2007, tr.3-10.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020