Nghiên cứu khoa học

TÂN PHẢ HỆ VĂN BẢN VÀ ỨNG DỤNG TRONG NGHIÊN CỨU VĂN BẢN HỌC


15-10-2020
Tác giả: Phùng Diệu Linh

Tóm tắt: Tình trạng thiếu thống nhất giữa giữa các văn bản hiện tồn của thư tịch cổ cùng với sự khuyết thiếu thông tin sao chép lưu trên văn bản như bản nguồn, bản đích, người sao chép, địa điểm sao chép…gây cản trở lớn đến quá trình xây dựng sơ đồ truyền bản. Câu hỏi đặt ra là: Nếu chỉ dựa trên thông tin sẵn có của các văn bản hiện tồn, liệu có thể xây dựng được một sơ đồ phả hệ biểu thị mối quan hệ giữa các dị bản của thư tịch không? Cơ sở lí luận ngành Phê bình văn bản học (textual criticism) cụ thể là trường phái Tân phả hệ văn bản (New- Stemmatics) cùng với sự hỗ trợ của các phần mềm phân tích phát sinh loài trong Phân nhánh học miêu tả (claditics) giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Bài viết của chúng tôi mang tính chất giới thiệu một khả năng ứng dụng mới cho nghiên cứu văn bản học nói chung và văn bản học Hán Nôm nói riêng.

1.    Mở đầu

Xây dựng sơ đồ truyền bản thông qua quy nạp hệ thống văn bản của một thư tịch cổ là việc làm không thể thiếu trong công tác hiệu khám văn bản. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với người nghiên cứu là: trong nhiều trường hợp, khi văn bản hiện tồn không còn lưu lại thông tin sao chép như: bản nguồn (bản dùng để chép), bản đích (bản được chép), người sao chép, địa điểm, thời gian sao chép, thì việc xây dựng sơ đồ truyền bản trở nên vô cùng khó khăn.

Nhà văn hiến học Trung Quốc Đổng Hồng Lợi đề xuất: “Với những văn bản nguồn gốc không rõ ràng, không còn cách nào khác là xếp riêng thành trường hợp đơn lẻ đồng thời thuyết minh thêm”[1]. Đối với nhiều văn bản, các bản hiện tồn đều không chú thích về bản nguồn hay bản đích, nếu theo cách giải quyết của Đổng Hồng Lợi thì tất cả các bản đều được xếp vào “trường hợp đơn lẻ”, khi đó nhiệm vụ quy nạp hệ thống văn bản làm cơ sở cho việc chọn bản nền và bản đối hiệu trở nên bế tắc.

Câu hỏi đặt ra là: Có thể xây dựng một phả hệ văn bản khi chỉ căn cứ vào những văn bản hiện tồn của thư tịch không? Chúng tôi đi tìm đáp án những câu hỏi này với sự hỗ trợ của cơ sở lí luận  ngành phê bình văn bản phương Tây mà cụ thể là trường phái Tân phả hệ văn bản[2].

2. Nội dung

2.1. Khái lược lịch sử phát triển Tân phả hệ văn bản (New- Stemmatic) trong Phê bình văn bản học (textual criticism).

Có một thực tế là giới nghiên cứu thư tịch học phương Tây phải đối diện với hàng vạn bản sao Kinh thánh mà hầu hết trong số đó là các bản chép tay do những người chuyên chép kinh để lại. Những văn bản này hầu như không ghi tên người sao chép, thời gian cũng như địa điểm sao chép. Trước tình hình đó, việc quy nạp hệ thống văn bản đã được các nhà thư tịch học lưu ý từ lâu, cùng với nó là sự xuất hiện và phát triển của trường phái stemma/stemmatics trong ngành phê bình văn bản (textual criticism).

Stemma vốn xuất phát từ tiếng Latin với nghĩa là cành cây, nhánh cây. Sinh học dùng stemma để chỉ một sơ đồ biểu thị mối quan hệ tiến hóa trước sau của loài hay giữa các cá thể trong một gia đình. Stemma được dịch ra tiếng Việt là “cây gia đình” “cây phả hệ” chuyên dùng để nghiên cứu mối quan hệ giữa các loài hay sự phát sinh chủng loại trong sinh vật học. Trong ngành Phê bình văn bản học, “stemma như là một công cụ để phục nguyên văn bản, không thể thiếu một phả hệ hay một stemma của các văn bản hiện tồn, phả hệ đó hiển thị mối quan hệ lẫn nhau giữa các văn bản và cũng được sử dụng để tìm ra dấu vết của bản gốc”[3]Stemmatics, stemmology hay stemmatology là một cách tiếp cận trong Phê bình văn bản học, chỉ những nỗ lực nhằm tái hiện lại lịch sử sao chép của một văn bản (đặc biệt là bản chép tay) dựa trên mối quan hệ giữa các văn bản hiện tồn. Karl Lachmann (1793-1851) nhà thư tịch học người Đức được xem là ông tổ của cách tiếp cận này vì thế phương pháp stemmatics còn được gọi là phương pháp Lachmann. Mặc dù vậy Lachmann không phát biểu và cũng không xây dựng hệ thống lí thuyết về stemmatics, ông chỉ nhóm một số văn bản thành các nhóm dựa trên sự tương đồng về lỗi sai giữa chúng, bằng cách này, các nhóm “gia đình” văn bản được hình thành và mối quan hệ của chúng trở nên rõ ràng hơn. Phương pháp tiếp cận văn bản này của ông được lí luận hóa trong công trình Phê bình văn bản (textual criticsm) của Paul Mass (1880-1964) xuất bản năm 1927. Thực chất chính Paul Mass mới là người định hình và phát triển phương pháp Lachmann. Hạt nhân của phương pháp Lachmann được Paul Mass phát triển là:

Những tương đồng về lỗi sai biểu thị tương đồng về nguồn gốc, nếu văn bản J xuất hiện toàn bộ các lỗi sai của văn bản F và có ít nhất một lỗi sai của J không xuất hiện tại F thì J có nguồn gốc trực tiếp từ F [4]  sơ đồ phả hệ văn bản được xây dựng thô sơ theo lập luận này. Paul Mass đã cố gắng khôi phục lại một văn bản “gần nhất với bản gốc”[5]  thông qua các “lỗi chung”. Phương pháp Lachmannn chi phối ngành Phê bình văn bản học phương Tây gần như suốt thế kỉ 19, đây là  cách sơ khai nhất để xác định sơ đồ phả hệ văn bản. Trong cách tiếp cận truyền thống này, cây phả hệ được xây dựng từ dưới lên trên, sử dụng “lỗi sai chung” giữa 2 bản để để xác định bản nào là bản nguồn nhánh trên trực tiếp của bản còn lại, như vậy những “lỗi sai” này mặc nhiên được công nhận là đã xảy ra từ trước tại các bản nguồn giả định chứ không phải trong quá trình sao chép bản hiện tồn[6] . Đây là hạn chế của phương pháp truyền thống. Nó không có cơ chế xem xét những “lỗi sai” riêng xảy ra ngay trong quá trình chép các văn bản hiện tồn đang được nghiên cứu.

Henri Quentin (1872-1935)[7] xem xét “dị văn” thay vì các “lỗi sai” là một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông. Theo quan sát của Quentin, vấn đề chi phối hầu hết các nhà nghiên cứu văn bản  trong suốt thế kỉ trước (thế kỉ 19) đó là: có thể phục hồi được bản gốc hay không và phương pháp  tái thiết một phiên bản mới gần với bản gốc nhất. Quentin chỉ ra rằng mục đích bất khả thi này (việc khôi phục bản gốc) là một khiếm khuyết trong phương pháp luận của phương pháp Lachmann. Điểm nhìn này của Henre Quentin khiến cho đóng góp của ông trở thành vô cùng có giá trị cho sự phát triển của phả hệ học văn bản.

Gần như cùng thời với Henri Quentin, Joseph Bédier (1864-1938) trong ‘Best Text’ Editing chỉ ra rằng, hầu hết các sơ đồ phả hệ áp dụng phương pháp Lachmannn đều chia làm 2 nhánh từ gốc (105/110 phả hệ ông quan sát), đây là một điểm bất hợp lí và thiếu cơ sở[8]. Ông đề nghị thay vì nỗ lực khôi phục lại bản gốc thì nhà nghiên cứu nên tìm những chứng cứ tốt nhất cho văn bản và sử dụng nó, văn bản tốt nhất là văn bản có số lượng tối thiểu những điểm phải hiệu chỉnh (đây chính là khởi đầu cho trường phái nghiên cứu Bản nền hay văn bản cơ sở- copy text editing).

Trong khi lý thuyết về bản nền  của Besdier trở nên phổ biến ở Pháp và Tây Ban Nha thì người Đức và người Itali vẫn tiếp tục phân tích và suy nghĩ về phương pháp Lachmannn với những  hướng rẽ của phương pháp này.

Gây được tiếng vang và ảnh hưởng sâu rộng nhất gần suốt thế kỉ 20 là Greg (1875-1959) và Dearing (1920-2005). Hai ông đã đưa ra cách tiếp cận tốt hơn đối với văn bản. Greg và Dearing tiếp tục chỉ ra những điểm bất hợp lý của phương pháp Lachmannn, đó là rất khó để xác định “lỗi sai chung” một cách khoa học (khoa học tức là có thể kiểm chứng được đồng thời có thể lặp lại được). Cách mà các nhà khoa học theo trường phái Lachmannn xác định lỗi sai đều dựa trên biện luận chủ quan của người chỉnh lý và nằm ngoài tầm kiểm soát của khoa học. Họ đã chứng minh được rằng, stemma có thể xây dựng bằng 2 bước. Bước 1, những nhà phả hệ học văn bản mới này phát triển một “cấu trúc sâu” (deep-structure) của phả hệ, được gọi là các chuỗi. Bước 2, họ xây dựng cây phả hệ từ các chuỗi đã định hình[9].  Lợi ích của phương pháp mới là: việc biện luận về nguồn gốc của dị bản đã không còn quan trọng nữa, điều đó hạn chế tính chủ quan của nhà nghiên cứu. Tuy vậy ngay cả Greg và Dearing vẫn gặp phải những khó khăn khi xử lí dị văn phức tạp. Trong quá trình xây đựng phả hệ họ chỉ có thể dùng một mô hình dị văn. Mô hình này được gọi là dị văn loại 2, đó là những dị văn chia văn bản hiện tồn thành 2 nhóm và chỉ loại dị văn này mới đủ điều kiện để xây dựng sơ đồ phả hệ. Giả sử có 6 văn bản là A, B, C, D, E, F, những dị văn loại 2 chia 6 bản trên thành 2 nhóm (số lượng văn bản ở mỗi nhóm không hạn định nhưng tối thiểu phải là 2), ví dụ ở vị trí 1, các bản A, B, C, D là chữ m các bản E, F là chữ n, thì ta có chuỗi ABCD: EF. Hạn chế của phương pháp này rất rõ ràng, đó là, có rất nhiều vị trí thuộc văn bản, dị văn không phải chỉ là 2 mà còn là 3, 4, 5 thậm chí mỗi 1 văn bản chép 1 chữ khác nhau thì Greg và Dearing không giải quyết được.

Năm 1973, thành công vang dội của lý thuyết phân loại số trong ngành sinh học[10] đã ảnh hưởng không nhỏ tới Phê bình văn bản học[11]. Các nhà Phê bình văn bản đã ứng dụng thành công cách tiếp cận của ngành sinh học, sử dụng các phần mềm xậy dựng cây phát sinh chủng loại[12] để tái hiện lịch sử sao chép văn bản tạo nên bước đột phá trong nghiên cứu Phả hệ văn bản gọi là New- stemmatics (Tân phả hệ văn bản). Đây được xem là giai đoạn “bùng nổ” những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu Phả hệ văn bản với những đóng góp tiêu biểu của Ben Salemans, Robinson và O’Hare .

Năm 1987 Ben Salamen công bố nghiên cứu về phương pháp mà ông gọi là Phê bình văn bản phân nhánh (cladistic textual criticism). Theo ông, có một sự tương đồng lớn giữa công việc của nhà nghiên cứu sinh vật học và các nhà nghiên cứu văn bản. Trong khi nhà sinh vật học theo trường phái Phân loại học phân tích nhánh (cladistic) căn cứ vào đặc điểm của các loài để phân loại và xếp chúng trên cây tiến hóa thì các nhà phê bình văn bản cũng nỗ lực tìm ra sơ đồ phả hệ của các văn bản cổ. Vì sự tương đồng này, người nghiên cứu văn bản hoàn toàn có thể tận dụng thành tựu nghiên cứu của ngành sinh vật học mà gần gũi hơn cả là  Phân loại học Phân tích nhánh (cladistics) trong việc tái hiện lịch sử sao chép của văn bản. Theo Saleman: dị bản văn bản có thể được xem như một đơn vị phân loại (taxa) và dị văn đó phải bộc lộ được các mối quan hệ gần gũi giữa các văn bản[13].

Cùng giai đoạn này, vào năm 1992  một nhóm nhiên cứu khác là Robinson và O’Hara công bố công trình ứng dụng phần mềm PAUP và thành tựu ngành Phân loại học phân tích nhánh trong phân loại tiến hóa sinh học để xây dựng sơ đồ phả hệ 44 văn bản tác phẩm Svipdagsmal. Kết quả công trình này được trình bày trong Báo cáo về lời thách thức nghiên cứu phê bình văn bản năm 1991[14]. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì thành tựu này là câu trả lời cho  lời thách thức của nhà thơ, nhà nghiên cứu Housman rằng: thống kê và toán học không có chỗ trong nghiên cứu văn bản.

Housman khẳng định: Một nhà phê bình văn bản thực hiện công việc của anh ta không giống như Newton khảo sát về chuyển động của các hành tinh, anh ta giống như con chó đang săn bọ chét. Nếu con chó săn bọ chét trên các nguyên tắc toán học hoặc, dựa vào các thống kê về diện tích và dân số thì nó không bao giờ bắt được con nào ngoại trừ nhờ vào ngẫu nhiên[15].

Robinson, O’Hara và 9 nhà nghiên cứu chia làm 3 nhóm nhỏ cùng khảo sát văn bản Svipdagsmal (bao gồm 2 phần “Grougaldr" và "Fjolsvinnsmal”) dài 1500 từ, có 47 dị bản. Tác phẩm này được viết ở Iceland, Đan Mạch và Thụy Điển. Ban đầu Robinson dùng cách truyền thống của nghiên cứu văn bản học để phân tích 44 văn bản Svipdagsmal (ông cho rằng 3 bản còn lại không có giá trị nhưng không nói rõ lí do) và ông đã xây dựng nên 1 cây phả hệ theo phương pháp biện luận truyền thống. Nhóm thứ hai sử dụng phần mềm thống kê, nhóm này mặc dù ra được các số liệu nhanh chóng nhưng không biểu thị được mối quan hệ giữa các văn bản. Nhóm thứ 3, O’Hara sử dụng phần mềm PAUP theo phương pháp phân tích parsimony[16], chỉ trong 5 phút cây phả hệ văn bản Svipdagsmal đã hoàn thành, kết quả trùng khớp với kết quả kiểm tra của nhóm 1 đưa ra sau đó vài tháng. Báo cáo này nhanh chóng được xuất bản liên tục trên internet (57 lần xuất bản) và trở thành hiện tượng đột phá trong nghiên cứu phả hệ văn bản. Lợi ích lớn nhất của việc sử dụng phần mềm PAUP trong phân tích và xây dựng phả hệ văn bản là tiết kiệm tối đa thời gian, chính xác tối ưu kết quả trong xử lí số lượng văn bản lớn đồng thời xây dựng được một sơ đồ phả hệ khách quan, khoa học, biểu thị tốt nhất mối liên hệ giữa các văn bản hiện tồn. Tiếp nối thành công này Robinson và các cộng sự đã công bố nhiều thành quả nghiên cứu ứng dụng thành tựu ngành phân loại học phân tích nhánh cùng với sự hỗ trợ của phần mềm xây dựng cây phát sinh chủng loại PAUP[17],[18].

Năm 2000, Ben Salemans tiếp tục hướng nghiên cứu của mình và kế thừa các thành công của nhóm Robinson, O’Hara trong luận án tiến sĩ có tên Xây dựng phả hệ bằng máy tính trong Phân loại học Phân tích nhánh, phương pháp Tân Lachmann, trường hợp 14 văn bản Lanseloet van Denemerken,  ông đã hoàn thiện cơ sở lí luận ngành Tân phả hệ văn bản (ông gọi là Neo- Lachmannnian tức Tân Lachmann) dựa trên sự kết hợp thành tựu Phê bình văn bản học và Phân loại học phân tích nhánh.

Salemans đề ra 5 bước[19] để xây dựng một stemma cho văn bản. Lấy 14 văn bản tác phẩm kịch Hà Lan Lanseloet van Denemerken như là trường hợp nghiên cứu, ông sử dụng phương pháp Maximum Parmisony  với sự hỗ trợ của phần mềm PAUP  để dựng phả hệ 14 văn bản này. Với 6 nguyên tắc lựa chọn dị văn, Salamens tạm thời khu trú được những rắc rối của người nghiên cứu phả hệ văn bản khi đối diện với các trường hợp dị văn phức tạp (là dị văn được tạo ra khi người sao chép sử dụng nhiều hơn 1 bản nguồn, dị văn xuất hiện trong bản của anh ta có thể được tổng hợp từ dị văn của các bản nguồn cũng có thể là được tạo mới một cách vô tình hay cố ý trong quá trình sao chép).  Những người như Robinson, Salemans thực sự đã tạo nên một bước ngoặt mới trong nghiên lịch sử sao chép văn bản mà ta gọi là Tân phả hệ văn bản (New Stemmatics).

Tân phả hệ văn bản đã mã hóa các dị văn giữa các văn bản theo nguyên tắc nhị phân: đối với dị văn xuất hiện trong văn bản được ghi là (1), không xuất hiện được ghi là (0) và bảng tổng hợp dị văn được coi như là một chuỗi đặc điểm của văn bản. Trên cơ sở dữ liệu này, các văn bản sẽ được phần mềm phân tích dữ liệu PAUP hệ thống hóa theo phương pháp Maximum Parmisimony(MP) (O’Hara, Ben Salemans) hoặc tổng hợp các phương pháp maximum parsimony, distance matrix hay likelihood methods[20] trong MacClade hoặc PHYLIP (Lee AR)[21], qua đó  các văn bản sẽ được hiển thị trên cây phả hệ thể hiện mối quan hệ giữa chúng một cách nhanh chóng, khoa học và rõ ràng.

Cùng với tiến bộ trong công nghệ gen và sự phát triển của các phương pháp nghiên cứu, các phần mềm phân tích phát sinh loài, từ năm 2000 tới nay  những nhà nghiên cứu văn bản theo trường phái Tân phả hệ vẫn tiếp tục đi tìm lời giải đáp tối ưu cho phả hệ văn bản. Họ đặc biệt quan tâm tới cách  xử lí  những dị văn phức tạp mà Salamen mới chỉ ra biện pháp khu trú mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Dị văn phức tạp thực chất cũng tương tự như quá trình chuyển gen ngang (horizontal gene) trong công nghệ gen. Thay vì chuyển gen dọc tức di truyền từ bố mẹ sang con thì gen hoặc nguyên liệu di truyền được chuyển từ cá thể này sang cá thể khác nhờ quá trình tương tự sự gây nhiễm, quá trình này được gọi là công nghệ DNA tái tổ hợp. Phương pháp mới trong phân tích  phát sinh loài giúp hình thành mạng lưới phát sinh loài (phylogenetic networks) thay vì cây phát sinh loài (phylogenetic trees) đã được giới Tân phả hệ văn bản ứng dụng thành công[22]. Cùng thời gian này nhiều công trình có chức năng kiểm tra kết quả nghiên cứu của Tân phả hệ văn bản cũng đã ra đời. Nhà nghiên cúu thiết lập quá trình truyền bản giả bằng cách đưa ra một văn bản cho nhiều người sao chép, hoặc một người chép nhiều lần khác nhau, hoặc bản sao lại được dùng làm bản nguồn để sao lần hai…sau đó nhập dữ liệu dị bản, dị văn và dùng các phương pháp khác nhau xây dựng cây/ mạng lưới phả hệ văn bản. Kết quả này được so sánh với sơ đồ sao chép thực tế để kiểm nghiệm xem kết quả nào giống với thực tế nhất. Cách làm này đã chỉ rõ được ưu nhược điểm của từng phương pháp, nó giúp cho giới nghiên cứu văn bản có thêm dữ liệu khi quyết định sử dụng phương pháp nào trong nghiên cứu[23].

Có thể nói, Tân phả hệ văn bản là thành tựu của quá trình phát triển không ngừng nghỉ trong ngành Phê bình văn bản học phương Tây. Từ phương pháp biện luận thuần logic của Lachmannn, Paul, Henri Quentin, Bédier đến giai đoạn bắt đầu sử dụng thuật toán trong tính toán (Greg, Dearing) và cuối cùng Tân phả hệ văn bản sử dụng thành tựu nghiên cứu của phương pháp Phân loại học phân tích nhánh (Cladistic) với sự hỗ trợ của các phần mềm xây dựng phả hệ (Lee, Robinson, Saleman, Windram, Spencer…) là những bước tiến vượt bậc với những đổi thay căn bản trong nghiên cứu Phả hệ văn bản. Cho tới thời điểm hiện tại, khi các dự án nghiên cứu văn bản được thực hiện rầm rộ bởi nhiều nhóm học giả uy tín thì Tân phả hệ văn bản với những ứng dụng thành tựu từ Phân loại học phân tích nhánh, công nghệ gen vẫn là xu hướng nghiên cứu chiếm ưu thế và gặt hái nhiều thành công[24].

2.2 Ứng dụng trong nghiên cứu văn bản học .

Tân phả hệ văn bản ứng dụng các phần mềm trong nghiên cứu phát sinh loài để sơ đồ hóa lịch sử sao chép của văn bản. Cây biểu thị sơ đồ phả hệ có thể được vẽ bởi rất nhiều phần mềm hỗ trợ [25].

Christopher Howe đã hệ thống hóa cách thức thực hiện trong bài giảng  Phả hệ văn bản chép tay Trung đại[26].

 

 

Dị văn của các văn bản được mã hóa theo nguyên tắc nhị phân: các dị văn có xuất hiện ở bản nào thì vị trí đó nhập dữ liệu là “1”, không xuất hiện là “0”.

Sau khi xử lý, phần mềm sẽ cho ta 1 bảng tỉ lệ dị văn sai khác và số lượng sai khác giữa các văn bản và một sơ đồ phả hệ biểu thị mối quan hệ giữa các văn bản hiện tồn. Sơ đồ phả hệ này được xây dựng trên kết quả phân tích dị văn, nó biểu thị mối quan hệ gần gũi giữa các văn bản chứ không biểu thị quan hệ truyền bản. Các văn bản cùng nhóm là những bản có chung nguồn gốc nhưng không đồng nghĩa với việc chúng được sao chép trực tiếp từ nhau. Từ các nhóm có thể lựa chọn văn bản đại diện cho cả nhóm để tham gia vào công tác hiệu khám. Đó phải là văn bản ít biến đổi nhất tức là có tỉ lệ dị văn sai khác so với các bản khác thấp nhất. Văn bản càng gần gốc của cây càng biểu thị sự ít thay đổi, tức là “gần với bản gốc nhất”.  

Một số ví dụ về sơ đồ phả hệ:

 

Hình 1: Sơ đồ phả hệ 80 dị bản tác phẩn Wife of Bath’s Tale  xây dựng bằng phần mềm SplitsTree[27]:

 

         

Hình 2: Sơ đồ phả hệ 20 bản chép tay Parzival của Volfram von Eschenbach[28]

 

Hình 3: Sơ đồ phả hệ  14 văn bản Lanseloet van Denemerken  xây dựng bằng phần mềm PAUP[29]:

Thành quả thu được sau khi xây dựng phả hệ văn bản giúp chúng ta:

Chia các văn bản hiện tồn thành nhóm, biểu thị trên sơ đồ phả hệ.

Hiều thêm về lịch sử của các bản chép, các bản cùng nguồn gốc có thể được sao chép cùng hoặc gần địa điểm với nhau.

Có một cái nhìn khách quan và chân thực hơn về bản gốc. Bản càng gần gốc cây phả hệ càng ít biến đổi và nó càng gần với văn bản gốc.

Từ sơ đồ đã thiết lập, nhà nghiên cứu thư tịch học có thể lựa chọn được chính xác, khoa học bản nền, bản đối hiệu, bản tham khảo để phục vụ cho công tác hiệu khám thư tịch.

Như đã khái lược ở trên, các nhà thư tịch học phương Tây đã áp dụng thành công thành tựu của Tân phả hệ văn bản vào nghiên cứu văn bản học. Dựa trên cách thức mà các nhà thư tịch học phương Tây áp dụng nghiên cứu các văn bản cổ,  chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng lý thuyết và các phương pháp này vào nghiên cứu văn bản học Hán Nôm.

3.Kết luận

Phương pháp phả hệ học mà cụ thể là Tân phả hệ văn bản đưa tới một công cụ hữu ích cho việc nghiên cứu lịch sử sao chép của văn bản, nó cho phép ứng dụng nghiên cứu đối với các văn bản khổng lồ như  Canterbury Tales hay Mahabharata  và hứa hẹn nhiều thành tựu khoa học cho nghiên cứu văn bản học Hán Nôm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Christopher J. Howe, Heather F. Windram (2011), “Phylomemetics- Evolutionary Analysis beyond the Gene”, PLoS Biology, Volume 9 (5).

2.    Christopher Howe, Phylogenetics of Medieval Manuscripts, Dept of Biochemistry and Corpus Christi College University of Cambridge.

3.    Diana Lipscomb, Basics of Cladistic Analysis, Weintraub Program in Systematics and Department of Biological Sciences George Washington University, 1998.

4.    Mathrew Spencer, Elizabeth A Davidson,  Adrian C. Barbrook, Christopher Howe (2004), Phylogenetics of artificial manuscripts, Journal of Theoretical Biology 227, page 503-511.

5.    Michael Witzel (2014), “Textual criticism in Indology and in European philology during the 19th and 20th centuries”, Electronic Journal of Vedic Studies , Vol.21(3), page 9- 91.

6.    Đổng Hồng Lợi (2013), Cổ điển văn hiến học cơ sở, Bắc Kinh đại học xuất bản xã.

7.    Paul Mass (1927), Textual Criticism by Paul Mass, translated from the Germany by Barbara Flower 1928, Oxford- at the Clarendon press.

8.    Ph. V. Baet, C.Macé and P.Robinson (2004), “Testing Ph. V. Baet, C.Macé, P.Robinson (2004), “Testing methods on an artificially createt textual tradition”, The Evolution of Texts: Confronting stemmatological and Genetical Methods, Proceedings of the International Workshop held in Louvain-la-Neuve on September 1-2. Page 255 - 281.

9.    Peter M. W. Robinson and O’Hara (1991), “Report on the textual criticism challenge 1991”, Bryn Mawr Classical Review 3.4.

10. Peter M. W. Robinson and O’Hara, R. J. (1996), Cladistic analysis of an Old Norse manuscript tradition. In S. Hockey, & N. Ide (Eds.), Research in humanities computing 4, Oxford: Oxford University Press, Page 115–137.

11.Robin C. Cover and Peter M. W. Robinson (1995), “Encoding Textual Criticism”, Computers and Humanities, Vol 29, No 2, The Text Encoding Initiative: Background andSource, page 123-136.

12. Salemans, B. J. P.(2000), Building stemmas with the Computer in a Claditics  Neo- Lachmannnian, Way the case of Fourteen Text Version of  Lanseloet van DenemerkenNijmegen University Press, PhD Thesis.

13. Swofford, D. L. 2002. PAUP*. Phylogenetic Analysis Using Parsimony (*and Other Methods). Version 4. Sinauer Associates, Sunderland, Massachusetts.

14. William P. Shepard (1930), Recent Theories of Textual Criticism, Modern Philology, Vol. 28, No. 2, page. 129-141.

15. Trên trang http://encyclopedia.thefreedictionary.com/Phylogenetic+tree (truy cập ngày 1.5.2015).

16. Trên trang http://www.tei-c.org/About/Archive_new/ETE/Preview/robinson.xml (truy cập ngày 28.4.2015).

17. Trên trang http://www.textualscholarship.org/gencrit/index.html (truy cập ngày 28.4.2015).

 

 


[1] Đổng Hồng Lợi (2013), Cổ điển văn hiến học cơ sở, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, trang 126.

[2] Phê bình văn bản dịch từ cụm “textual criticism”. Cụm này không hoàn toàn tương ứng với “văn bản học” mà chúng ta dùng trong tiếng Việt. Thực tế nó gần với “hiệu khám học” hơn. Trong Tô Kiệt, (2009), Tây Phương hiệu khám học luận trứ, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã,  cũng dịch textual criticism thành  “hiệu khám học”.

[3] Salemans, B. J. P, (2000),  Building stemmas with the Computer in a Claditics  Neo- Lachmannnian, Way the case of Fourteen Text Version of  Lanseloet van Denemerken, Nijmegen University Press, PhD thesis, page 10.

[4] Paul Mass (1927), Textual Criticism, Oxford at the Clarendon press, page 4.

[5] Paul Mass (1927), Textual Criticism, Oxford at the Clarendon press, page 1.

[6] Ph. V. Baet, C.Macé and P.Robinson (2004), Testing methods on an artificially createt textual tradition, The Evolution of Texts: Confronting stemmatological and Genetical Methods, Proceedings of the International Workshop held in Louvain-la-Neuve on September 1-2, page  264.

[7] William P. Shepard (1930), Recent Theories of Textual Criticism, Modern Philology, Vol. 28(2),  page 129-141.

[8] Dẫn theo Christopher J.Howe, Heathes F.Windram (2011), Phylomenetics-Evolutionary Analysis beyond the Gene, PloS Biol 9(5), page 1-5.

[9] W.W.Greg (1927), The calculus of variants, an essay on textual criticism, Ofxford at the Claendon Press page 62.

[10] Sokal and Sneath (1973), Principles of Numerical Taxonomy, W.H. Freeman and company. Phân loại số (Numerical Taxonomy) là một hệ thống phân loại trong sinh học nhằm xử lí các nhóm sinh vật dựa trên sự tương đồng về đặc điểm của chúng. Công bố này tính tới năm 1987 đã được trích dẫn ở hơn 2015 bài báo, tạo nên một “cơn sốt” về ứng dụng công nghệ thông tin, máy tính trong trong nghiên cứu khoa học.

[11] Christopher J.Howe, Heathes F.Windram (2011), Phylomenetics-Evolutionary Analysis beyond the Gene, PloS Biol 9(5), page 1-5.

[12] Cây phát sinh chủng loại (Phylogenetic tree) hay còn gọi là: Cây phả hệ; Cây tiến hóa, là sơ đồ hình cây được dùng để mô hình hóa lịch sử tiến hóa thực tế của một nhóm các trình tự hay các sinh vật. (Xem http://encyclopedia.thefreedictionary.com/Phylogenetic+tree  truy cập ngày 1.5.2015).

[13] Ben Salemans (2000), Building stemmas with the Computer in a Claditics  Neo- Lachmannnian, Way the case of Fourteen Text Version of  Lanseloet van Denemerken, Nijmegen University Press, PhD thesis,  Appendix E..page 601.

[14] Robinson, P. M. W., & O’Hara, R. J (1991), Report on the textual criticism challenge 1991, Humanist Discussion Group, Vol. 5, No. 0262.

[15] A.E. Housman (1921), The Application of Thought to Textual Criticism , Proceedings of the Classical Association, Vol XVIII. The meeting of the Classical Society in Cambridge England , August.

[16] Theo M.Witzet 2014, Textual criticism in Indology and in European philology during the 19th and 10th century, Electronic Journey of Vedic Studies (EJVS),Vol.21, 2014 Issue 3, page 9- 91. Parmisimony  là một trong ba phương pháp trong nghiên cứu phân tích phát sinh loài (phylogenetic analysis) bao gồm: Distance Methods, Maximum Parmisimony,  Maximum Likelihood. Nguyên tắc cốt lõi của phương pháp Parmisimony trong Phê bình văn bản phân nhánh học miêu tả là: cây phả hệ tốt nhất là cây có số lượng dị văn biến đổi thấp nhất. Trang 70.

[17] Robin C.Cover and Peter M. W.Robinson (1995), Encoding Textual Criticism, Computers and Humanities, Vol 29, No 2, The Text Encoding Initiative: Background and Source, page 123- 136.

[18] Robinson, P. M. W. and O’Hara, R. J, (1996), Cladistic analysis of an Old Norse manuscript tradition. Research in humanities computing 4, Oxford University Press, page 115- 137.

[19] Salemans, B. J. P, (2000),  Building stemmas with the Computer in a Claditics  Neo- Lachmannnian, Way the case of Fourteen Text Version of  Lanseloet van Denemerken, Nijmegen University Press, PhD thesis, page 63.

[20] A.E. Housman (1921), The Application of Thought to Textual Criticism , Proceedings of the Classical Association, Vol XVIII. The meeting of the Classical Society in Cambridge England , August..

[21] Christopher J.Howe, Heathes F.Windram (2011), Phylomenetics-Evolutionary Analysis beyond the Gene, PloS Biol 9(5) page 1- 5.

[22] Windram HF,Howe GJ, Spencer M (2005), The identification of exemplar change in the Wife of Bath’s Prologue using the maxium chi-square method,  Literay and Linguistic Computing 20, page 189- 204.

[23] Ph. V. Baet, C.Macé, P.Robinson (2004), Testing methods on an artificially createt textual tradition, The Evolution of Texts: Confronting stemmatological and Genetical Methods, Proceedings of the International Workshop held in Louvain-la-Neuve on September 1-2.

[24] Xem http://www.tei-c.org/About/Archive_new/ETE/Preview/robinson.xmlhttp://www.textualscholarship.org/gencrit/index.html

[25] Xem http://evolution.genetics.washington.edu/phylip/software.html

[26] Christopher Howe, Phylogenetics of Medieval Manuscripts, Dept of Biochemistry and Corpus Christi College University of Cambridge.

[27] Christopher Howe, Phylogenetics of Medieval Manuscripts, Dept of Biochemistry and Corpus Christi College University of Cambridge

[28] Mathrew Spencer, Elizabeth A Davidson,  Adrian C. Barbrook, Christopher Howe (2004), Phylogenetics of artificial manuscripts, Journal of Theoretical Biology 227, page 503-511.

[29] Salemans, B. J. P.(2000), Building stemmas with the Computer in a Claditics  Neo- Lachmannnian, Way the case of Fourteen Text Version of  Lanseloet van DenemerkenNijmegen University Press, PhD Thesis, PAGE 175.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020