Nghiên cứu khoa học

DẠY NAM QUỐC SƠN HÀ QUA NGUYÊN TÀC VÀ BẢN DỊCH THƠ (THỂ LUẬT), CÓ THỂ VÀ KHÔNG THỂ


15-10-2020
Tác giả: Phan Hữu Nghệ (Nguyên Giảng viên Bộ môn Hán Nôm)

Không biết trên thế giới này, từ xưa đến nay có nơi nào giống như Việt Nam, giữa phòng tuyến đôi bên, quân xâm lược và quân chống xâm lược gươm giáo đã tuốt trần chuẩn bị xông trận, thế rồi bài “Nam quốc sơn hà” vang lên đã dập tắt ngọn lửa chiến tranh, quân thù rút lui về nước. Vì thế bài thơ còn có tên “Thoái lỗ thi” (thơ lui giặc).

Lời Biên tập: Nhà giáo Phan Hữu Nghệ, nguyên giảng viên Bộ môn Hán Nôm - Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội; sau hơn 40 năm giảng dạy tại Khoa, đã nghỉ hưu từ 1995. Trong suốt quá trình nghiên cứu và giảng dạy, ông luôn tâm huyết đào sâu vào chữ nghĩa của văn bản tác phẩm văn chương cổ, với mong muốn tìm ra một con đường thâm nhập chuẩn xác nhất vào di sản tinh thần của người xưa. Công trình Phân tich văn bản một số tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu, NXB Đại học Sư phạm, 2005 có thể coi là một đúc kết có hệ thống, thể hiện những suy ngẫm sâu sắc của ông theo hướng đi này.

Thầy “chân chậm mắt mờ” từ đầu những năm 1990, đến khi nghỉ hưu thì “mù hẳn” như lời Thầy nói. Nhưng trí óc và trái tim nhiệt huyết của Thầy vẫn minh mẫn, rực sáng. Trang cuối của bản thảo bài viết Thầy giao cho tôi đọc lại có một lời “tái bút” cảm động, xin chép lại nguyên văn: “Có người nói với tôi rằng: Người ta hàm vị cao hơn cậu 6, 7 bậc mà người ta cũng không làm, tại sao cậu chuốc lấy gánh nặng ấy. Các cụ xưa đã nói ‘quốc gia hưng vong thất phu hữu trách’. Tôi nghĩ văn học Trung đại tỏ mờ, người giáo viên cũng có trách nhiệm. Việc làm của tôi khác nào đánh trống qua cửa nhà sấm. Nhưng sấm không rền phải khua trống để các bậc thức giả còn đang mê mệt trong giấc mộng êm ái phải thức tỉnh nhận ra có điều gì chưa ổn đây ? Tôi mù đã 13 năm nay, viết bài này chỉ dựa vào trí nhớ, cũng có người thân giúp đỡ nhưng không thể tránh được sai sót trong khi dẫn chứng những lời phát biểu và lời văn, mong độc giả lượng thứ”.

Nhân kỉ niệm 65 năm ngày thành lập Khoa Ngữ văn (1951 - 2016), chúng tôi xin giới thiệu bài viết này của Thầy. Chúng tôi chỉ dám chỉnh sửa sơ bộ lỗi kĩ thuật, còn xin cố gắng giữ nguyên ý và cách diễn đạt của Thầy. Xin cảm ơn cô Tường Vy - phu nhân của Thầy, đã “kiên nhẫn” chép đi chép lại nhiều lần “bản thảo bằng lời” mà Thầy trực tiếp đọc trong nhiều ngày.  

Học trò Hà Minh giới thiệu

*

Dạy thơ văn nước ngoài tất nhiên phải chuyển thành bản ngữ rồi, nhưng Nam quốc sơn hà viết bằng Hán ngữ phiên âm Hán Việt nên dạy theo cách nào thì hợp lý hơn ?

1.     Khảo sát dạy Nam quốc sơn hà qua bản dịch thơ (thể luật)

1.1. Bản dịch thơ

Dạy theo cách này thì người học dễ nhận biết, dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ. Nhưng Nam quốc sơn hà viết bằng Hán ngữ phiên âm Hán Việt, được coi là của Lý Thường Kiệt, nên các bản dịch thơ (thể luật) dù sát nghĩa nguyên tác đến đâu cũng chỉ là “bản giả” mà thôi. Để tránh tranh luận về các dị bản, tôi giới hạn trong bản phiên âm Hán Việt trong Đại Việt sử ký toàn thư và bản dịch thơ của Trần Trọng Kim.

Phiên âm:       Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

                        Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

                        Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

(Đại Việt sử ký toàn thư)

Dịch thơ:        Sông núi nước Nam vua Nam ở,

 Rành rành phân định tại sách trời.

 Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,

 Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

(Trần Trọng Kim dịch)

“Hàng giả” chỉ giống “hàng thật” ở hình thức bề ngoài, còn phần chất bên trong thì không thể giống được. Người đóng thế trong điện ảnh chỉ giống người được đóng thế ở âm giọng, điệu bộ chứ không thể giống tư tưởng, tính cách của người được đóng thế. Sở dĩ bản dịch thơ không giống như nguyên tác là bởi tác giả - chủ thể sáng tạo được tự do sáng tác, tự do thể hiện bằng thứ ngôn ngữ thuần thục của mình, còn dịch giả lại thụ động (bắt chước) nguyên tác bằng thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của nguyên tác. Nghĩa từ vựng của hai ngôn ngữ khác nhau không bao giờ đồng nhất với nhau mà chỉ có thể tương đồng mà thôi. Nói tương đồng có nghĩa là những khía cạnh ý nghĩa của những từ tương đồng ấy khác biệt, chênh lệch, không trùng khít nhau. Vì thế chỉ có thể dịch thành văn xuôi hoặc dịch thành thơ tự do thì còn có thể được, còn dịch thơ (thể luật) thì không thể, bởi lẽ thơ luật ngoài việc tuân thủ luật bằng trắc còn bị câu thúc bởi số chữ trong mỗi câu và số câu trong mỗi bài. Chọn được một từ tương đồng đã khó, nếu chọn được 7 từ tương đồng trong mỗi câu và 28 từ trong mỗi bài (thơ thất ngôn tứ tuyệt) là điều không thể. Cho nên có hiện tượng dịch giả không hiểu hết nghĩa của nguyên tác nên đành chỉ chuyển ngữ thuần túy mà bỏ qua nghĩa chính của nguyên tác. Ví dụ, câu đầu nếu dịch đủ nghĩa của nguyên tác là “Sông núi nước Nam vua Nam độc lập gánh vác”, so với số từ của nguyên tác đã dôi ra 3 từ, còn nếu dồn ép cho đủ từ như nguyên tác “Sông núi nước Nam vua Nam ở” sẽ thiếu đi phần nghĩa “nước Nam độc lập”.

        1.2. Nghĩa và ngữ trong văn bản nghệ thuật

Trong văn bản thông thường, ý nghĩa của văn bản bằng nghĩa đen của từ ngữ, thì ngữ và nghĩa là đồng nhất với nhau. Còn trong văn bản nghệ thuật (như thơ đường luật) thì nghĩa và ngữ có độ khúc xạ nhất định. Ngữ đi vào thơ đã được cách điệu, biến tấu để trở thành chi tiết của một chỉnh thể hình tượng nghệ thuật để thể hiện ý thơ. Ví dụ: Sông núi nước Nam, vua Nam độc lập gánh vác không dùng nghĩa đen mà dùng nghĩa biểu tượng “gánh vác” mà nó đi với từ “vua Nam độc lập” để chỉ sự quản lí, trông coi của một người chủ đất nước. Như vậy có thể thấy, dịch thơ thể luật chỉ có thể giống xác vỏ ngôn ngữ của nguyên tác chứ không thể giống cái hồn, cái ruột (nghĩa) của nguyên tác.

Trên đây là nói về hình thức thể thơ luật đã không cho phép chuyển thành thơ được, còn về nghệ thuật thơ tứ tuyệt lại càng không thể dịch thành thơ. Thơ 4 câu có thể phân thành ba cấp độ:

-   Cấp độ thứ nhất: là 4 câu (5 chữ hoặc 7 chữ) chỉ cần có 2 vần ở từ cuối. Câu thứ hai và cuối câu thứ tư là đủ, còn ý thơ tùy ở nhà thơ đặt ở câu nào cũng được.

-  Cấp độ thứ hai: gọi là thơ tứ tuyệt (tứ tuyệt, có người giải thích là dứt kết, có người lại giải thích là tuyệt vời tuyệt mĩ), ở cấp độ này thì bố cục là khởi, thừa, chuyển, hợp. Câu khởi và câu thừa thể hiện trọn vẹn một ý thơ,  nói về thực tiễn mà thơ muốn nêu ra. Câu chuyển và câu hợp cũng thể hiện trọn vẹn một ý thơ, dựa trên cơ sở của hai câu trên để nhà thơ phát biểu ý kiến của mình.

-  Cấp độ thứ ba: là thơ mà nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao, “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời). Loại thơ này có cách thể hiện riêng, “gợi tả, gợi ý”, nhà thơ chỉ gợi mà không miêu tả, người đọc từ “gợi” ấy mà hình dung, tưởng tượng ra những điều mà nhà thơ muốn miêu tả. Loại thơ này yêu cầu người đọc phải có trải nghiệm, có thực tiễn văn hoá phong phú (như tác giả) thì mới hiểu được ý của tác giả. Có thể nói ở thể loại thơ này, tác giả và độc giả là đồng chủ thể sáng tạo. Quan hệ giữa tác giả và độc giả giống như ngòi dẫn và thuốc nổ trong một quả pháo, pháo nổ to hay nhỏ là nhờ ruột pháo và thuốc nổ nhiều hay ít (tất nhiên phải nhờ ngòi dẫn rồi).

Tôi nói kĩ về thể thơ tứ tuyệt này vì nhiều người ngộ nhận thơ văn không có chuyên môn hẹp, nếu là thơ văn Hán ngữ thì chỉ cần biết Hán ngữ là hiểu được thơ văn đó. Nhưng thơ mà đạt đến “ý tại ngôn ngoại” thì dù có biết được ngôn ngữ của tác phẩm thơ cũng chưa chắc hiểu được ý thơ. Trong giảng dạy thơ văn, có thầy giáo sắc xảo, nhạy bén khi phân tích thơ mới (thơ tự do) nhưng lại rất mù mờ khi tiếp cận với thơ cổ, thơ tứ tuyệt nghệ thuật đỉnh cao, như tác phẩm Ngục trung nhật  của Hồ Chí Minh được đưa vào giảng dạy trong chương trình thơ văn hiện đại chẳng hạn; ví dụ bài Vọng nguyệt, từ nguyệt không nên hiểu theo nghĩa đen là mặt trăng (thiên thể trên bầu trời), từ này là nhân vật hư cấu của thơ để biểu tượng “tự do”, cho nên câu thứ tư mới có nghĩa “Trăng từ khe cửa nhìn nhà thơ”; từ “vọng” trong nhan đề cũng không nên hiểu nghĩa đen là “ngắm” mà nên hiểu theo nghĩa thơ là ‘trông đợi”, giống như từ “vọng phu” (trông đợi chồng).

Với câu “Sông núi nước Nam vua Nam độc lập gánh vác”, từ gánh vác ở đây không còn giữ nghĩa gánh vác một vật gì nữa mà nó mang nghĩa “quản lí, chăm lo”. Như vậy, hình tượng ông vua quản lí, chăm lo đất nước của mình đã thể hiện tinh thần của chủ nhân ông đất nước. Người đọc cũng qua hình tượng này mà liên hệ với thực tiễn đã trải qua thì sẽ hiểu được ý ở ngoài lời của thơ. Thơ tứ tuyệt nghệ thuật đỉnh cao như thế, “ý tại ngôn ngoại” là như thế, “ngôn hữu hạn ý vô cùng” là như thế. Nghệ thuật đạt tới đỉnh cao không pha tạp lẫn lộn bất cứ một dị vật nào khác mà thống nhất hài hòa, thuần khiết như tự nhiên. Nghệ thuật như thế sao có thể dịch được.

        1.3. Về nội dung thể hiện trong bản dịch thơ

Đi sâu vào nội dung bản dịch thơ, khi khai triển nghĩa dịch thơ cần thận trọng, chu đáo, hợp lí và có logic. Từ những nghĩa từ trong bản dịch thơ sẽ nhận ra ngay bản dịch thơ chưa có mấy tư tưởng cao sâu cần phải học. Để tránh sự nhận định chủ quan định kiến của mình, tôi đã lấy ý trong bài giảng bài thơ dịch này của một vị giáo sư để thấy được sự đánh giá khách quan và công bằng về bài thơ dịch này. Nói đến vị giáo sư là để nói sự thẩm định thơ văn đã ở đẳng cấp cao trong giáo giới nên sự đánh giá và phân tích sẽ công bằng, chu đáo và toàn vẹn hơn. Sau này, có bạn hiểu được nguyên tác thấy sự đánh giá trên chưa thỏa mãn thì đấy là sự hạn chế của bài thơ dịch chứ không phải hạn chế về năng lực thẩm định của giáo sư, vì giáo sư cũng chỉ dựa trên cái đã có, cái tồn tại trong bản dịch, như vậy mới là tôn trọng sự thật khách quan của bản dịch.

Nút thắt của bài thơ này là ở câu thứ hai: “Rành rành định phận tại sách trời”, nghĩa câu như thế nên người giảng đã nâng lên thành ý “thần quyền”. Nếu câu thứ hai đã nói quyền của trời đã ở trong sách trời. Vậy quyền ấy đã chi phối “vua Nam ở” ở câu 1. Xuống câu thứ 3: “Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm”, người giảng cho rằng “nghịch” ở đây là nghịch với “thiên lí” (đạo trời). Như vậy, ở câu thứ 3 cũng nói bọn giặc làm trái đạo trời. Vì vậy, xuống câu thứ tư “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Cả 4 câu đều nói về thần quyền, như vậy thì sẽ có ý nghĩa gì với người học hôm nay (xem Những bài giảng văn ở đại học, Lê Trí Viễn).

Trên đây là ý tưởng trong bài thơ dịch mà người có năng lực thẩm định thơ văn đã nhận ra. Còn quảng đại dân chúng đối với vấn đề này sẽ ra sao? Cũng không thể nào khác thế được, nên trong nghị trường quốc hội, các đại biểu cũng chỉ trao đổi bản dịch thơ nào tốt hơn mà thôi. Rồi cũng đến lúc sẽ có người đổ tội cho tình thế bất khả kháng mà không nhận ra lỗi của mình.

        2. Khảo sát dạy “Nam quốc sơn hà” qua nguyên tác

2.1. Trong ngôn ngữ có ba bộ phận chính cấu thành: ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp. Về ngữ pháp thì chỉ cần dịch văn xuôi thì có thể hiểu được. Về ngữ âm vẫn đọc như các cụ cách đây nghìn năm không có thay đổi, từ đồng âm có thể dựa vào văn cảnh mà biết được, sau nữa là phải học. Từ thuần Việt cũng phải học mới biết được, ví dụ: “ăn trên ngồi trốc”, “ăn mày đòi xôi gấc”…

Về ngữ nghĩa, theo sự thống kê của các nhà ngôn ngữ học, trong kho từ vựng của tiếng Việt có từ 65% đến 70% là từ Hán Việt. Vậy muốn đọc được bài “Nam quốc sơn hà” cần học thêm độ 1% (mà cũng chưa đến) để làm phong phú tiếng Việt thì tại sao không học. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta toàn là dùng từ Hán Việt, ví dụ tên nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, chúng ta có dịch ra đâu mà ai cũng hiểu được. Rồi sau thống nhất đất nước, tên nước cũng bằng từ Hán Việt “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”... Cả hệ thống danh hàm trong quân đội đều dùng từ Hán Việt, danh từ khoa học cũng dùng từ Hán Việt. Cho nên dù là người tự tôn dân tộc cao đến mấy cũng không điên rồ chỉ dùng 20% từ thuần Việt để giao tiếp hoặc tìm cách “dịch” 70% từ Hán Việt sang từ thuần Việt. Từ Hán Việt, từ thuần Việt thường song hành dùng với nhau, từ Hán Việt thường dùng trong ngôn ngữ trang trọng, từ thuần Việt dùng trong lúc thông thường. Ví dụ người ta thường nói “chủ tịch và phu nhân”, lại nói “bác nông dân và vợ”. Trong y khoa, để tránh lời nói thô tục, người ta thường gọi những bộ phận sinh dục của đàn ông, đàn bà bằng từ Hán Việt. Vậy từ Hán Việt chỉ làm phong phú và tinh tế cho tiếng Việt mà thôi. Cả từ Hán Việt và từ thuần Việt đều dùng nhiều thì “biết”, nhưng muốn “hiểu” thì phải học. Ví dụ như từ “đế” (Nam quốc sơn hà Nam đế cư) thì ai cũng biết là chỉ ông vua. Ví dụ hoàng đế Quang Trung - vua Quang Trung, nhưng để hiểu về ông vua như thế nào và quản lí đất nước ra sao thì lại phải học mới hiểu được. Từ thuần Việt cũng thế, các con đều biết mẹ của mình nhưng hiểu được nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra hay như lời ca từ trong bài ca Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến thì phải học mới hiểu được. Có người con được mẹ tần tảo nuôi dưỡng từ bé đến khi công thành danh toại mà vẫn chưa hiểu được lòng mẹ. Từ biết đến hiểu là khoảng cách nhận thức rất rộng, cả một đời con cũng chưa chắc thu hẹp được khoảng trống này. Muốn hiểu được “Nam quốc sơn hà” cần phải học cái đã biết, còn chỉ muốn biết qua bản dịch thơ mà không chịu học thì chẳng bao giờ hiểu được. Từ biết đến hiểu là quá trình nhận thức và suy nghĩ từ hiện tượng đến bản chất của sự vật. Quan hệ giữa ngữ và nghĩa là quan hệ giữa xác và hồn. Nếu chỉ có ngữ thì chỉ nghe như một tập hợp âm thanh, hay nhìn như một tập hợp kí hiệu mà không hiểu gì cả vì ngữ chưa có nghĩa. Về nghĩa của ngữ cũng có chiều nông sâu khác nhau, người ta phải học và suy nghĩ mới hiểu nghĩa đầu là “tên” gọi của sự vật, rồi quá trình suy nghĩ học tập mới nhận ra nghĩa văn hóa gắn liền với tên của sự vật ấy. Cho nên học Hán ngữ chính là học Hán văn - cái ruột, cái hồn của Hán ngữ. Hán văn tức là văn hóa Hán, nói đến đây có người nhạy cảm với chính trị thời cuộc, học văn hóa Hán sợ nhiễm tinh thần lệ thuộc. Văn hóa là tài sản của nhân loại, bản thân nó không có tính lệ thuộc hay độc lập mà chính con người có tư tưởng lệ thuộc hoặc độc lập sử dụng nó theo cách nào mà thôi. Trong lịch sử bảo vệ đất nước chống xâm lăng, ông cha ta vì hiểu rõ văn hóa Hán nên Lý Thường Kiệt mới đánh thắng được quân Tống, Trần Hưng Đạo mới đánh thắng được quân Nguyên, Lê Lợi - Nguyễn Trãi đánh thắng quân Minh, hoàng đế Quang Trung mới đánh thắng được quân Thanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu được văn hóa Pháp mới đánh thắng được quân Pháp. Một tướng Mỹ nói: “Mỹ thua trận ở Việt Nam vì Mỹ không hiểu được văn hóa Việt Nam”. Dân tộc Mông Cổ hiểu văn hóa Hán mới đánh thắng được Trung Quốc, lập nên nhà Nguyên cai trị gần trăm năm; Dân tộc Mãn vì hiểu được văn hóa Hán mới đánh thắng được Trung Quốc lập nên nhà Thanh cai trị gần 300 năm.

Nói như vậy để thấy rằng văn hóa Hán, văn hóa Pháp... là tài sản kiến thức của nhân loại. Bất cứ một dân tộc nào mà hiểu được nhiều văn hóa của các dân tộc khác thì sẽ chỉ làm cho tri thức dân tộc ấy phong phú thêm mà thôi.

2.2. Phân tích Nam quốc sơn hà qua nguyên tác

Văn chương tự cổ vô bằng cứ, để tránh sự tranh luận bất tận về cảm thụ văn chương cho nên tôi sẽ phân tích hai câu đầu của bài thơ bằng khoa học ngôn ngữ và tập quán văn hóa của thời cổ. “Nam quốc sơn hà” là cụm danh từ làm chủ ngữ, “Nam đế cư” có kết cấu chủ vị làm vị ngữ. Trước tiên, giải thích từ “đế” theo chế độ phân phong - phân đất, phong tước. Từ đời Tần Thủy Hoàng khi bình định được Trung Quốc tự xưng “đế” và đem đất dưới quyền quản lí của mình phân ra từng khu vực chia cho các hoàng tộc hoặc công thần khai quốc và phong cho họ “tước Vương”. Từ đó đến các đời tiếp theo đều tuân theo chế độ phân phong này. Như vậy từ “đế” là “tước” của một ông vua quản lí một nước độc lập, còn tước Vương là ông vua quản lí một nước phụ thuộc, chư hầu.

Từ “cư” có ba nghĩa: ở, ngồi, gánh vác. “Nam đế cư” tức là vua nước Nam độc lập gánh vác. Chọn nghĩa từ cho thơ thì phải căn cứ vào nghệ thuật của bài thơ ấy. Đế là quyền lực, ngôi vị đỉnh cao, có quyền lực nhưng hành động gánh vác lại là của người phục vụ, điều đó đã làm rõ ra “hoàng đế” tự nguyện, tự giác mang tài lực của mình phục vụ đất nước. Như vậy ý thơ phong phú hơn rất nhiều lời gánh vác của thơ, ý là trong tư duy của người đọc, mà lời thơ chỉ là điểm gợi. Cho nên ý tại ngôn ngoại và ngôn hữu hạn, ý vô cùng là như thế. Từ “Nam đế cư” - “vua Nam độc lập gánh vác” thể hiện tư tưởng bình dân, tư tưởng dân chủ như Mạnh Tử đã viết: “Dân vi quý xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Nhưng trong câu thơ dịch lại bỏ qua khía cạnh tích cực của vua một nước độc lập và hành động gánh vác chỉ dịch là “vua Nam ở”. Từ “ở” chỉ sự tồn tại, còn nguyên nhân tồn tại lại không rõ. Cho nên khiến người đọc nghĩ đến một sức mạnh siêu nhiên là ‘ông trời” đã an bài, sắp đặt, hiện tượng “tự nhiên như nhiên” (tự nhiên như vậy) sẽ không tồn tại trong đời sống của con người cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói với đoàn quân tiên phong ở Đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Vì thế, câu thơ dịch thứ hai mới là “Rành rành định phận tại sách trời”. Câu thơ dịch như vậy đã trái ngược với quy luật sống là đấu tranh sinh tồn. Trong cuộc đời thực không có việc gì tự nhiên, mọi việc ở trên đời đều do con người làm ra và bảo vệ, duy trì nó. Câu thơ “Sông núi nước Nam vua Nam độc lập gánh vác” nhưng người thụ hưởng thật sự thành quả của vua Nam gánh vác lại là dân chúng, vì thế người dân nào mà chẳng đồng tâm hiệp lực, đồng cam cộng khổ, chung sức chung lòng với đức vua của mình để bảo vệ ngôi nhà chung Việt Nam, bảo vệ giang sơn Việt Nam bền vững lâu dài. Chỉ một hành động gánh vác đã động đến tâm can của mọi người dân và mạnh hơn bất cứ lời kêu gọi thống thiết nào với dân chúng. Ý này là thuận chiều từ trên xuống dưới, nhà vua quan tâm đến dân chúng nhưng ngược lại dân chúng cũng bảo vệ nhà vua. Vua Nam độc lập gánh vác cũng có nghiã là vua Nam đại diện chính đáng cho người dân. Giống như vua Lê Đại Hành đội mũ long cổn, mặc áo long bào bàn việc nước với các quan đại thần trong triều và vua Lê Đại Hành cày ruộng trong ngày tịch điền cũng chỉ là một. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách nước ngoài tại Phủ Chủ tịch và Chủ tịch Hồ Chí Minh đang guồng nước chống hạn trên sông Bắc Nùng, về bản lĩnh trí tuệ, tấm lòng là thống nhất, nếu có khác nhau là khác về cách ứng xử trong những môi trường khác nhau, giống như “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Về lí luận cũng như thực tiễn đã chứng minh các vị lãnh đạo đất nước ở ngôi vị chí tôn mà hành động “gánh vác”, cày ruộng, đạp guồng nước chống hạn giống hệt người lao động thực thụ, là các vị đã thể hiện tấm lòng chân thành phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, xứng đáng với danh hiệu đại diện chính đáng cho nhân dân, phù hợp với tiêu chí của người lãnh đạo đất nước thời hiện đại. Qua hình tượng nghệ thuật, câu thơ này muốn thể hiện ý nghĩa: sông núi nước Nam đã có chủ, ông chủ đó thực sự là người đại diện chính đáng.

Xuống câu thơ thứ hai: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, câu thơ này người dịch đã không nắm được ngôn ngữ Hán cổ nên dịch sai nghĩa. Câu này có chủ ngữ ẩn (sông núi nước Nam), vị ngữ gồm có: trạng ngữ là “tiệt nhiên” (rành rành) từ này theo cách tu từ của Hán cổ chỉ làm rõ nghĩa cho các danh từ chỉ những khái niệm cụ thể (như “tinh phận” (khu vực sao) hoặc “thiên thư” (từ tượng hình để chỉ bầu trời), từ “rành rành” không thể đi với những từ chỉ khái niệm trừu tượng như số phận và sách trời. Động từ trung tâm của vị ngữ là “định”, “xác định”, tiếp theo hai bổ ngữ, một trực tiếp là “phận” (tinh phận - khu vực sao) và bổ ngữ gián tiếp là một kết cấu giới từ “tại thiên thư” (trong bầu trời). Vậy nên câu thơ “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” phải dịch theo cú pháp Hán cổ là: (Sông núi nước Nam - chủ ngữ ẩn) rành rành xác định (bằng) khu vực sao trong bầu trời[1]. Câu này lại phải hiểu về thiên văn cổ đại. Người cổ xưa đã quan sát thiên văn thấy rằng vị trí của từng khu vực sao tương ứng với từng miền, từng khu vực đất đai. Thời kì văn minh lúa nước người ta không những xem sao để biết từng khu vực đất đai mà còn trông sao để canh tác và biết khí hậu của từng thời kì. Vì thế hoàng đế Quang Trung khi xuất quân ra Bắc lần hai để đánh quân Thanh xâm lược đã động viên khích lệ binh sĩ bằng câu: “Đất nào sao ấy” (trong bài hịch xuất quân đánh quân Thanh).

Câu thơ nói về sao trời nhưng lại làm rõ đường ranh giới của khu vực đất đai (thiên văn cổ đại đã chiêm nghiệm ra những khu vực sao trời đều ứng với từng vùng đất đai dưới mặt đất). Câu thơ đã thể hiện một ý nói về ranh giới biên cương của nước Việt Nam. Như vậy, chỉ bằng hai câu thơ gồm có 14 chữ/ 11 từ đã làm rõ ra khái niệm một nước độc lập. Câu 1 nói sông núi nước Nam đã có chủ thực sự đại diện chính đáng cho nhân dân Việt. Câu thứ hai nói sông núi nước Nam đã được xác định biên giới bằng khu vực sao trời. Trên cơ sở thực tiễn của hai câu thơ đầu để xuống câu thơ thứ 3 mới vào ý chính của bài thơ là phản bác ý đồ xâm lược của nhà Tống. “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm” - Cớ sao giặc ngược (đạo lí) đến xâm phạm. Câu thơ chất vấn nhưng lại mang ý nghĩa thẩm vấn của quan tòa, phản bác những cớ mà chúng có thể nêu ra để xâm phạm như: nước vô chủ, nước có chủ nhưng lại là nước phụ thuộc...

Để rõ ý thơ cần phải xuyên qua tầng chữ nghĩa xuống tầng văn hóa nằm sâu dưới mặt chữ nghĩa. Đã là văn hóa chính danh “danh chính tắc ngôn thuận, ngôn thuận tắc sự thành” (danh nghĩa chính đáng thì lời nói thuận, lời nói thuận thì việc lớn thành công). Lời nói thuận là ý thức đến sức mạnh của quần chúng vì những ý tưởng đó nhà tư tưởng nghĩ ra nhưng thực hiện ý tưởng ấy thành công hay thất bại lại là quần chúng quyết định. Vì thế những nhà tư tưởng phải nêu ra danh nghĩa chính đáng để thuyết phục quần chúng làm theo ý tưởng của mình hoặc thực hiện theo ý tưởng của mình, cho nên những nhà tư tưởng thường nói: Nhân dân làm nên lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; ý dân là ý trời, dân như nước; nước có thể chở thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền… Trong lịch sử nước ta, thái hậu Dương Vân Nga khoác áo long bào cho Lê Hoàn cũng là cách làm chính danh cho vua Lê Hoàn. Như vậy, quân thần nhà Tiền Lê đã có vua chính đáng nên có thể tập hợp lực lượng để chống lại quân Tống. Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh, cũng là cách chính danh, chuyển quyền từ nhà Lý sang nhà Trần. Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai để đánh quân Thanh đã lên ngôi hoàng đế cũng là cách chính danh bởi vì lần này vua Lê Chiêu Thống chạy sang cầu cứu nhà Thanh cho nên không còn là chủ chính đáng, vì vậy Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế để cho quân sĩ được yên thuận mà chống giặc. Vì vậy, bài thơ Nam quốc sơn hà đã được đọc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt để cho quân Tống nghe được, khi đó quân Tống sẽ hiểu ra việc làm của mình là xâm phạm đến nước khác, là việc làm phi nghĩa, phi đạo đức, cho nên binh lính nhà Tống sẽ không chịu nghe mệnh lệnh của các tướng lĩnh mà đánh nhau với quân nhà Lý Việt Nam. Đó là điều mà tướng lĩnh nhà Tống sợ nhất, biết là đánh nhau với quân Việt sẽ thất bại cho nên mới rút quân về.

Trong cuộc đấu trí và lí, kẻ xâm phạm bị dồn đến lí cùng trí kiệt, trước ba quân đã bị vạch mặt chỉ tên là quân giặc xâm phạm thì tinh thần, ý chí của chúng đã rã rời. Câu thơ giàu tính thực tiễn nên từ thực tiễn của đời sống mà hiểu rõ, hiểu sâu ý thơ hơn; và cũng từ ý thơ đó mà hiểu bản chất của thực tiễn ngoài đời.

Theo bố cục của thơ tứ tuyệt thì câu “chuyển” (câu thứ 3) mới rõ ra ý thơ. Câu “khởi” và câu “thừa” (câu 1 và 2) chỉ là cơ sở thực tiễn để xuống câu chuyển. Câu chuyển lại là câu hỏi “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm”, thực chất mang ý nghĩa thẩm vấn. Vì thế, hình thức câu thơ đã làm rõ ra thế thượng phong của quân dân ta với thế hạ thảo (cỏ ở dưới) của quân địch. Nhưng tại sao chỉ có câu chất vấn mà không có câu trả lời? Bởi lẽ trước khi chất vấn ta đã có đầy đủ sự thật lịch sử như “sông núi nước Nam đã có chủ mà người chủ lại là ông “đế” (vua một nước độc lập, vua đế này là đại diện chính đáng của quần chúng (phục vụ gánh vác)”, thứ nữa sông núi nước Nam lại có ranh giới rõ rệt bằng khu vực sao trời. Khi sự thật lịch sử đã đầy đủ như thế thì quân địch tìm được cớ gì để đáp lại lời chất vấn của quân ta, nên đành câm lặng chịu sự phán xét là giặc xâm phạm. Vì thế, tinh thần và ý chí của binh lính giặc sẽ rã dời, không còn lòng dạ nào để chiến đấu nên sự thất bại của chúng là hiển nhiên. Tuy vậy, để làm tiêu tan mọi ý đồ tham vọng xâm phạm nước người, nhà thơ đã cảnh cáo rất mạnh mẽ, cũng đầy nhân văn ở câu 4 “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Các người sẽ thấy chuốc bại vong không thôi). Câu thơ này tác giả đã miêu tả khách thể chủ động hành động. Nhưng câu thơ dịch lại chuyển thành thể khách thể bị động “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”, như vậy câu nguyên tác muốn diễn tả sự thất bại là do chúng tự chuốc lấy (chúng gieo gió thì ắt phải gặt bão) còn câu dịch lại thể hiện chúng bị quân ta đánh tơi bời đẩy đến thất bại.

Trong câu nguyên tác, từ “nhữ đẳng” là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số nhiều, dịch sang tiếng Việt có thể là: các ngài, các ông, các ngươi, chúng bay. Nhưng theo cách đối thoại thuyết phục ngoại giao thì nên dịch theo nghĩa trung tính là các ngươi, không nên dịch theo nghĩa miệt thị là “chúng bay”, còn từ “thủ bại vong” (chuốc lấy bại vong) là thể hiện tính nhân văn của ta, biết kẻ thù sẽ thất bại vẫn cảnh cáo chúng chớ mua lấy thất bại. Tính nhân văn này đã thể hiện trong chiến tranh, là đặc thù của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử chống quân xâm lược bảo vệ đất nước, như Nguyễn Trãi đã giải thích rất rõ ràng tính nhân văn này trong bài “Bình Ngô đại cáo” (Nhân nghĩa chi cử yếu tại an dân, điếu phạt chi sư mạc tiên khử bạo - Chiến tranh nhân nghĩa cốt ở an dân, quân lính thương dân đánh giặc trước tiên trừ khử bọn tàn bạo). Như vậy, vì muốn yên dân nên phải tham chiến trừ khử bọn tàn bạo. Nhưng khi được tín hiệu chúng muốn hữu hảo (Bỉ ký úy tử tham sinh nhi tu hiếu hữu thành - Chúng đã tham sống sợ chết mà tỏ lòng thành hòa hiếu) thì quân ta ngừng chiến và cấp cho tham tướng Phương Chính, nội quan Mã Kỳ hơn 500 chiếc thuyền để chúng vượt biển về nước: cấp cho tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh hơn 2000 con ngựa để chúng đi đường bộ về nước. Đến thời đại Hồ Chí Minh, ta cũng thể hiện rõ văn hóa nhân văn này. Năm 1968, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nếu Mỹ ngừng ném bom miền Bắc thì ta có thể giải thảm đỏ đón họ”. Trong tác phẩm “Cửa mở” của Việt Phương có viết: “Bác không vui khi con viết trận đánh chết nhiều người là trận đánh đẹp, con xóa chữ đẹp đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con”. Trong lời chúc tết năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu: “Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào” cũng chính là sự thể hiện văn hóa nhân văn trong chiến đấu của dân tộc.

Việt Nam là như thế. Có đâu như câu thơ dịch, chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Đánh tơi bời tức là đánh hủy diệt. Đặc biệt, chúng ta cần biết đến hoàn cảnh xuất xứ của bài thơ, bài thơ không phải đọc trong phòng trà giữa những người tâm huyết với nhau, cũng không phải đọc trong cuộc hội thảo thơ văn để người đọc và người nghe đánh giá, bình phẩm lời hay ý đẹp, rồi cùng nhau vui vẻ tiệc tùng. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” được đọc trên phòng tuyến sông Như Nguyệt chống quân Tống, không phải một người đọc mà cả đoàn quân dọc phòng tuyến đồng thanh cao giọng như sấm rền chớp giật khiến cho quân địch ở bên kia phòng tuyến phải hoảng sợ, tưởng như thần linh lên tiếng trừng phạt. Hiệu quả của lời thơ này sẽ có hai trường hợp, một là quân địch lặng lẽ rút quân, quân ta thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng ghìm nén cảm xúc hưng phấn, lặng lẽ theo dõi động tĩnh thực hư của địch. Hai là khi đọc xong bài thơ là vang lên tiếng gào thét, rên la, đầu rơi máu chảy, hai bên xung trận chém giết lẫn nhau. Nhưng hiệu quả của bài thơ xảy ra ở trường hợp 1, quân địch rút lui mà ta không tốn viên đạn, mũi tên, hiệu quả của bài thơ có sức mạnh chiến đấu là như vậy.

Không biết trên thế giới này, từ xưa đến nay có nơi nào giống như Việt Nam, giữa phòng tuyến đôi bên, quân xâm lược và quân chống xâm lược gươm giáo đã tuốt trần chuẩn bị xông trận, thế rồi bài “Nam quốc sơn hà” vang lên đã dập tắt ngọn lửa chiến tranh, quân thù rút lui về nước. Vì thế bài thơ còn có tên “Thoái lỗ thi” (thơ lui giặc).

“Bình Ngô đại cáo” được đời sau xưng tụng là “Thiên cổ hùng văn”. “Nam quốc sơn hà” cũng xứng đáng là “vạn cổ tráng thi”. Cả về nghĩa văn chương và nghĩa thực tiễn, Nam quốc sơn hà và Bình Ngô đại cáo đều là những viên ngọc sáng trên văn đàn Việt Nam, chớ nên trộn nó với sỏi đá như bản dịch thơ, khiến cho ở nghị trưởng Quốc hội khóa 13, các đại biểu Quốc hội cũng [vì không sát chuyên môn, cũng vô tình] không phân biệt thật giả mà chỉ thảo luận chọn bài thơ dịch nào sát với nguyên tác thì dùng. Dù dịch sát với nguyên tác đến đâu cũng chỉ là bài thơ “nhái” của dịch giả chứ không phải nguyên tác của tác giả. Đáng tiếc hơn là việc xuất cảng bản dịch thơ ra thế giới lại cho [bản dịch] là thơ của Lý Thường Kiệt, khiến cho cố vấn văn hóa của Tổng thống Obama khi chuẩn bị cho ông Tổng thống nước Mỹ khi đọc câu thơ dịch “Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận tại sách trời” [đã nghiễm nhiên] nói tác giả là Lý Thường Kiệt. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Trước tiên là thuộc về dịch giả nhưng dịch giả đã quá cố thì trách nhiệm lại thuộc về những người có chuyên môn văn học cao như các giáo sư, tiến sĩ văn chương.

Từ bài thơ Nam quốc sơn hà kì diệu ngược lên tìm đến “hạt nhân” tư tưởng siêu việt của tác giả mới thấy được năng lực của Lý Thường Kiệt đã hoàn thành xuất sắc cùng một lúc hai nhiệm vụ cao cả: một là bảo vệ triều đại và nhân dân, hai là đáp ứng nhu cầu của thời đại và lịch sử. Vì thế ông được tôn vinh là một trong bốn vị tướng xuất sắc nhất các thời đại của lịch sử Việt Nam. Từ bộ não siêu việt ấy đã làm ra tác phẩm thơ kì diệu để cổ vũ và là phương châm giữ nươc chống giặc cho muôn đời con cháu đất Việt.

Đến đây khẳng định, chỉ có thể dạy Nam quốc sơn hà theo nguyên tác. Bài thơ Nam quốc sơn hà là dòng văn thơ bác học và là nghệ thuật đỉnh cao của thơ tứ tuyệt. Bài thơ chỉ có 4 câu 28 chữ (22 từ) nhưng đã dồn nén rất nhiều kiến thức: từ pháp, cú pháp, ngữ pháp Hán cổ, tu từ Hán cổ, văn hóa cổ đại (4 câu là 4 tầng văn hóa khác nhau). Nếu chỉ biết chữ nghĩa mà không biết tầng văn hóa của nó thì sao hiểu ý sâu của bài thơ. Cho nên dạy theo nguyên tác lại đòi hỏi ở người thầy những kiến thức này. Không chỉ các thầy dạy phổ thông cơ sở mà trước tiên tôi muốn nói đến các thầy dạy ở khoa văn các trường đại học cần phải trang bị những kiến thức này thì mới có điều kiện giúp cho các thầy dạy ở phổ thông cơ sở có thể dạy theo nguyên tác được. Đến đây có thể khẳng định chắc chắn: dạy Nam quốc sơn hà qua nguyên tác không những có thể mà cần thiết phải làm. Bởi lẽ dạy qua nguyên tác là khôi phục diện mạo đích thực của tác phẩm mà lời dịch đã làm méo mó, sai lệch.

3. Có thể’ dạy văn học Hán Việt theo nguyên tác

Tuy vậy vẫn còn có người hoài nghi và cho rằng hiện tượng Nam quốc sơn hà là bài thơ ngắn, từ ngữ ít thì có thể dạy theo nguyên tác được, còn những tác phẩm dài thì liệu có thể theo nguyên tác được không. Vấn đề này tôi không chứng minh bằng lí luận mà chứng minh bằng thực tiễn. Tôi đã viết một quyển sách với nhan đề “Phân tích văn bản một số tác phẩm văn thơ Hán Nôm tiêu biểu”, NXB ĐHSP 2005. Trong đó có những bài ngắn nhất như “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải, chỉ có 4 câu 5 chữ (ngũ ngôn tuyệt cú), có thầy giáo dạy theo bản dịch cho rằng 2 câu đầu (Đoạt sóc Chương Dương độ, Cầm hồ Hàm Tử Quan - Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương, Bắt giắc Hồ ở cửa Hàm Tử) là liệt kê các trận đánh trong lịch sử, mà không rõ những địa danh này (Chương Dương và Hàm Tử) khi vào thơ đã trở thành những chi tiết của hình tượng nghệ thuật thơ. Chi tiết ở câu đầu muốn thể hiện trận đánh đầu tiên (trong thơ). Như vậy thơ muốn nói thế và lực của chúng ta mới đầu còn yếu nên phải rút lui chiến thuật, để nống sự chủ quan của giặc và nén sự căm giận của quân ta, để đến bến Chương Dương, biểu tượng cửa ngõ của thủ đô, bấy giờ ta mới chủ động đánh trận, quyết tâm để chống lại sự chủ quan khinh địch của giặc, cho nên thắng lợi rõ ràng. Trong quyển sách của tôi còn phân tích cả bài Bình Ngô đại cáo, tôi đã phát hiện bản dịch Bình ngô đại cáo có 10 điểm dịch không đúng nghĩa với nguyên tác. Ý thơ văn cổ không nổi trên mặt chữ nghĩa mà chìm sâu trong kết cấu nghệ thuật, dưới mặt chữ nghĩa, cho nên người đọc cần phải suy nghĩ tìm ra hình tượng thơ văn thì mới hiểu được ý thơ và ý văn. Lại thêm lời dịch sai lệch với nguyên tác sẽ làm méo mó hình tượng thơ văn, cho nên đọc lời dịch mà muốn hiểu được ý thơ văn thì thực khó khăn. Ví như đoạn văn Bình Ngô đại cáo miêu tả quân giặc ở các thành bị vây hãm mà buông vũ khí để ra hàng thì quân ta lại cung cấp phương tiện để chúng về nước: “Tham tướng Phương Chính, Nội quan Mã Kì, tiên cấp hạm ngũ bách dư tao, kí độ hải nhi do hồn phi phách tán; Tổng binh Vương Thông, Tham chính Mã Anh hựu cấp mã sổ thiên dư sất, dĩ hoàn quốc nhi cổ lật tâm kinh” (Cấp cho tham tướng Phương Chính, nội quan Mã Kì hơn 500 chiếc thuyền, vượt qua biển về nước mà còn hồn bay phách lạc; Cấp cho Tổng binh Vương thông, tham chính Mã Anh vài nghìn con ngựa, đã về đến nước mà còn tim đập chân run). Thế mà Nguyễn Trãi lại cho kế sách ấy là cực kì sâu sắc từ xưa đến nay chưa hề nghe thấy. Tại sao vậy? Bởi lẽ quân lính chứng kiến những trận đánh khủng khiếp mà được sống sót trở về đến đất nước vẫn còn sợ hãi đến mức hồn bay phách lạc tim đập chân run thì chúng đã sợ chiến tranh đến mức khủng khiếp rồi. Không những thế chúng còn truyền đạt sự sợ hãi về chiến tranh cho nhiều đời con cháu. Vì thế mầm mống chiến tranh đã bị dập tắt đến nhiều đời sau. Đấy mới là mưu kế cực kì “thâm viễn” mà Nguyễn Trãi muốn nói, đấy cũng là “ý tại ngôn ngoại”, cũng là thiên cổ hùng văn của Bình Ngô đại cáo. Cho nên dạy theo nguyên tác chính là khôi phục giá trị đích thực của văn chương. Hàng hóa người ta chuộng hàng thật ghét hàng rởm nhưng văn chương người ta thích đọc văn dịch ngại đọc nguyên tác, mặc dù ai cũng biết đọc nguyên tác mới giúp người ta hiểu được giá trị đích thực của văn chương.

Thơ văn cổ có vẻ đẹp của văn chương bác học, của nhũng bậc hiền tài nguyên khí quốc gia. Những sáng tác này đều có mục đích rõ ràng: “văn dĩ tải đạo, thi nhi ngôn chí” (văn để truyền tải đạo làm người, thơ để nói chí của mình - theo tiêu chí của Nho gia). Những sáng tác này thường phản ánh thực tiễn một giai đoạn của lịch sử, như “Thiên đô chiếu” của Lý Công Uẩn phản ánh thời kì đầu xây dựng triều đại nhà Lý, “Nam quốc sơn hà” phản ánh giai đoạn đầu chống quân xâm lược nhà Tống, “Dụ chư tì tướng hịch văn” của Trần Quốc Tuấn phản ánh giai đoạn đầu chống quân Nguyên, “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải phản ánh thời kì kết thúc chống quân xâm lược nhà Nguyên, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi phản ánh thời kì chống quân xâm lược nhà Minh… Qua những tác phẩm này, người đọc đời sau thấy được trí tuệ của ông cha trong cách giải quyết các vấn đề lịch sử từng thời kì của dân tộc. Những tác phẩm này hàm chứa trí tuệ, kinh nghiệm, truyền thống sức mạnh Việt Nam; theo quá trình, những điều đó dần dần hình thành nên bản sắc Việt Nam. Bao giờ cũng gắn liền với môi trường sống tức là gắn liền với môi trường sống của rừng núi, sông biển, khí hậu, thời tiết cho nên trong bài Bình Ngô đại cáo phần cuối Nguyễn Trãi đã viết “Vu dĩ khai vạn thế thái bình chi cơ, vu dĩ tuyết thiên cổ vô cùng chí xỉ. Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tướng âm hiệu nhi chí nhiên dã” (Do đó mở ra nền thái bình cho muôn đời, do đó rửa được mối nhục không cùng của nghìn đời Bắc thuộc, đó là nhờ sự linh thiêng của trời đất tổ tông ngầm giúp đỡ nên mới đạt được thành công như vậy). Từ những câu văn này người đọc ngày nay mới hiểu hết tấm lòng cao cả khát khao ước muốn của nguyễn Trãi. Ông tham gia chống quân Minh xâm lược là để diệt bọn tàn ác, mở ra nền thái bình cho muôn đời con cháu; đồng thời cũng hiểu được nỗi đau của Nguyễn Trãi khi nhận ra nỗi tủi nhục của tổ tiên nghìn năm Bắc thuộc. Khi ông nói nhờ sự linh thiêng của trời đất tổ tông là mượn khái niệm tâm linh của dân dã nhưng người đọc lại phải hiểu khái niệm hiện thực của những từ ngữ này. Quân ta chống quân xâm lược nhà Minh bằng cả môi trường sống và cả kiến thức của ông cha đưa vào trận đánh để chống lại sự tàn ác ỷ mạnh của đội quân nhà Minh. Cho nên chiến thắng quân Minh là điều tất nhiên có thể hiểu được. Sức mạnh Việt Nam là như thế.

Trên đây tôi muốn chứng minh hiện tượng một bài thơ ngắn như Nam quốc sơn hà có thể dạy theo nguyên tác được, đồng thời có thể chứng minh cả hệ thống thơ văn Hán ngữ cũng có thể dạy theo nguyên tác. Việc đó chính là để khôi phục ý nghĩa đích thực của văn chương. Nhưng sao đến nay ta vẫn dạy theo bản dịch? Theo cách lí giải của Mạnh Tử về “không thể” và “không muốn”. Mạnh Tử nói giúp cụ già chặt một cây trúc để làm gậy chống mà nói rằng tôi không thể thì đấy là nói không đúng mà chính là không muốn. Còn bảo anh dời dãy núi phía Bắc ra biển Đông mà nói không thể thì đó mới là nói đúng. Ở nước ta hiện nay có rất nhiều người học và nói thông thạo đủ loại thứ tiếng Tây, Tàu, Anh, Mỹ mà lại nói không học được tiếng nói của ông cha thì đó là “không muốn” chứ không phải là “không thể”. Vậy tại sao người Việt Nam không muốn học tiếng nói của ông cha, câu trả lời này xin dành cho Ủy ban Quốc hội, lãnh đạo Bộ Giáo dục, nhà quản lí giáo dục, các thầy giáo dạy ngữ văn Việt Nam có chuyên môn cao sẽ trả lời.

(Bút tích nhà giáo Phan Hữu Nghệ)
 

Hà Nội ngày 5 tháng 7 năm 2016

(Mồng 2 tháng 6 năm Bính Ngọ)

 

 


[1] Xem thêm: “Phân tich văn bản một số tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu” NXB Đại học Sư phạm 2005 (tr 144-145)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020