Nghiên cứu khoa học

MẤY SUY NGHĨ VỀ VIỆC GIẢNG DẠY HÁN NÔM


15-10-2020
Tác giả: Phan Đăng

Từ trước đến nay, việc giảng dạy Hán Nôm đã được nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu Hán Nôm quan tâm trên nhiều lĩnh vực: phương pháp giảng dạy, nội dung bài giảng cũng như cách biên soạn giáo trình. Dù vậy, trong các giáo trình đã và đang lưu hành, nội dung và chủ đề bài giảng cũng như phương pháp truyền đạt vẫn thể hiện mỗi người có một cách riêng nên vẫn chưa có một giáo trình Hán Nôm nào được xã hội cho là mẫu mực.

 

Từ trước đến nay, việc giảng dạy Hán Nôm đã được nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu Hán Nôm quan tâm trên nhiều lĩnh vực: phương pháp giảng dạy, nội dung bài giảng cũng như cách biên soạn giáo trình. Dù vậy, trong các giáo trình đã và đang lưu hành, nội dung và chủ đề bài giảng cũng như phương pháp truyền đạt vẫn thể hiện mỗi người có một cách riêng nên vẫn chưa có một giáo trình Hán Nôm nào được xã hội cho là mẫu mực. Điều ấy cũng là việc tất nhiên, bởi vì Hán Nôm suy cho cùng cũng như một ngoại ngữ, mà là một ngoại ngữ đặc biệt, khó có thể có một phương pháp ổn định và nhất quán như một số bộ môn khác, mỗi người tham gia giảng dạy hoặc biên soạn giáo trình đều cố gắng đạt được hiệu quả cao bằng vốn hiểu biết và kinh nghiệm bản thân bên cạnh sự nhiệt tình và tâm huyết của mình. Cũng từ kinh nghiệm bản thân, từ khi còn đi học và sau này có tham gia giảng dạy bộ môn này, chúng tôi xin đóng góp mấy ý kiến vào việc giảng dạy Hán Nôm, một bộ môn khó học, ít hấp dẫn với thế hệ trẻ nhưng hiện đang được xã hội rất quan tâm.

1. Phải nói rằng giáo trình Hán Nôm, nhất là Hán, từ vỡ lòng cho đến trình độ cao đã được biên soạn và lưu hành từ trước đến nay là khá nhiều, mỗi tác giả biên soạn một cách, nhưng nhìn chung có thể thấy rõ có hai cách cơ bản. Một là đi từ dễ tới khó, từ 214 bộ, cách viết chữ, từ các chữ vừa giản đơn vừa thông dụng, dần dần đến các chữ khó và những câu có cấu trúc ngữ pháp phức tạp; hai là tiếp cận ngay với các văn bản chữ Hán, thường là các tác phẩm văn học, trích đoạn các tác phẩm sử học, triết học hay các bài văn chính luận... trên cơ sở các đoạn văn này, cho tìm hiểu từ, cấu trúc câu và ý nghĩa của chúng. Cả hai cách đều có những ưu điểm và sẽ phát huy tác dụng tốt nếu như áp dụng đúng đối với từng đối tượng của người học. Theo đó, cách một thích hợp vời người tự học và mới học, cách hai tiện cho người đã có kiến thức khá cơ bản về ngôn ngữ học, ít nhiều về Hán học và có người hướng dẫn. Với bậc đại học, người học đã có kiến thức cơ sở để có thể tiếp thu chữ Hán, có người hướng dẫn, nhưng cũng là người mới học, nên chăng kết hợp cả hai cách lại thành một cách chung. Đó là khởi sự từ 214 bộ, cách viết chữ rồi tiếp cận ngay với văn bản chữ Hán, chọn dạy những tác phẩm văn học hay và phổ biến, những trích đoạn từ các tác phẩm sử học, triết học có giá trị cao về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Qua các các văn bản này, người dạy hướng dẫn cho người học từ cấu trúc chữ, câu, ngữ pháp và cả ý nghĩa văn chương lẫn nội dung tư tưởng trong đó, cùng lúc gây hứng thú cho người học ở nhiều khía cạnh.

2. Với phương pháp giáo dục hiện đại, việc học thuộc lòng dĩ nhiên là lạc hậu, nhưng với ngoại ngữ nói chung và Hán Nôm nói riêng thì việc học thuộc lòng một văn bản là tác phẩm văn học, sử học hay triết học không phải là thừa, ngược lại rất có lợi. Học thuộc văn bản Hán Nôm đang khảo sát vừa giúp người học có thêm kiến thức về nguyên bản tác phẩm, vừa tăng vốn từ ngữ, tạo cho người học có sự liên tưởng từ chữ viết đến âm đọc, đã thuộc âm đọc thì sẽ dễ nhớ chữ  viết và ngược lại, cấu trúc câu của văn bản cũng sẽ giúp người học dễ làm quen với cấu trúc ngữ pháp của chữ Hán, một loại ngữ pháp rất khó học. Vì vậy chúng tôi nghĩ, khi giảng dạy Hán Nôm, việc đầu tiên là yêu cầu người học phải thuộc lòng văn bản đang dùng để dạy và khảo sát, vì như thế thì kiến thức của người học sẽ tăng lên rất nhanh.     

3. Sáu cách cấu tạo chữ Hán có ý nghĩa rất đặc biệt, từ xưa người ta đã cho rằng chữ Hán vừa thâm thuý, vừa cao sang lại vừa ý nhị có lẽ một phần là do vậy, thế nên chữ Hán có sức hấp dẫn đối với người học một khi họ đã nhận diện ra nó. Chính vì vậy, khi giảng dạy chữ Hán, chúng ta cần phát huy thế mạnh này của chữ Hán để tạo sự  tò mò, gây kích thích và niềm say mê nơi người học. Với một chữ, trên cơ sở cấu tạo của bản thân chữ ấy, người dạy nên chiết tự và giải thích rõ như nó thuộc phép cấu tạo nào, gồm những bộ nào và mỗi bộ mang ý nghĩa về thanh, hình, ý gì để tạo ra nghĩa mới gì... Nếu được như thế, người học sẽ dễ tiếp thu, tạo ấn tượng để dễ nhớ cả mặt chữ viết lẫn nghĩa của nó và cũng rất bổ ích trong quá trình tự học của họ.

4. Ngữ pháp Hán cổ có lẽ là một trong các loại ngữ pháp khó học của các ngôn ngữ. Câu chữ Hán thường ngắn, rất gọn về từ ngữ, người xưa có thói quen chú trọng nghĩa tiềm ẩn trong câu là chính, mặt khác bản thân một chữ Hán có nhiều nghĩa khác nhau mà sự chuyển đổi từ loại lại không có sự khác nhau về mặt chữ. Điều này khiến người sau rất khó khăn khi học, đọc và dịch nghĩa. Hiện nay, hầu như trong tất cả các giáo trình dạy chữ Hán, các tác giả đều rất chú trọng phần ngữ pháp, họ đã cố gắng tìm cách trình bày sao cho giản dị, dễ hiểu và khoa học nhất, nhưng rồi đến nay nó vẫn là một trở ngại lớn đối với người học. Theo chúng tôi, có thể sẽ không khoa học lắm khi nói rằng một cách học ngữ pháp chữ Hán có hiệu quả là bằng thói quen thông qua việc học thuộc lòng các văn bản chữ Hán, nhưng đó là một thực tế khó phủ nhận. Cứ xem người xưa thì rõ, họ học chữ Hán trong lúc khoa ngôn ngữ học chưa hình thành, hoặc đã manh nha mà chưa phổ biến. Họ đọc “thiên kinh vạn quyển”, rồi từ đó hình thành nên cách dùng chữ, xếp câu theo nhiều mô hình, nhiều dạng thức có sẵn mà họ đã học thuộc được. Ngay cả một giáo trình tiếng Anh rất thịnh hành trên thế giới vào những thập niên cuối thế kỷ XX (English for today) cũng được trình bày theo phương pháp như thế. Tức là bên cạnh học chữ nghĩa thông qua các bài khoá, người học được học luôn ngữ pháp thông qua các câu cụ thể trong bài khoá.

Chính vì vậy, trong việc giảng dạy chữ Hán, chúng tôi nghĩ nên tách riêng phần ngữ pháp và chỉ giảng dạy phần này khi người học đã có một vốn liếng tương đối về từ và ngữ chữ Hán, nghĩa là khi người học đã làm quen với nhiều dạng thức cấu trúc câu thông qua việc học thuộc lòng các tác phẩm chữ Hán trước đó. Phần ngữ pháp lúc này như một sự hệ thống hoá, qui tắc hoá những gì người học đã thấy, đã biết và chắc chắn sẽ giúp người học nắm bắt được hệ thống ngữ pháp chữ Hán một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

5. Tương tự, việc học chữ Nôm cũng vậy. Sau phần giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển qua các thời kỳ lịch sử, ý nghĩa và vai trò của chữ Nôm trong văn hoá dân tộc; cách cấu tạo và các dạng cấu tạo của chữ Nôm, khi đi vào phần văn bản, cũng nên để người học học thuộc một số tác phẩm Nôm (bằng chữ Nôm) có giá trị như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Lục Vân Tiên, tuyển chọn thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến... Qua đó, người học vừa có điều kiện củng cố kiến thức về tác phẩm và tác giả văn học vừa là biện pháp để học chữ  Nôm, rèn luyện kỷ năng viết và đọc chữ Nôm. Chúng tôi nghĩ, chỉ riêng việc đọc trôi chảy và thuộc mặt chữ Nôm của một số tác phẩm văn học Nôm tiêu biểu như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm...thì người học cũng đã có một vốn liếng chữ Nôm khá phong phú để có thể đọc các văn bản Nôm khác được.

6. Hiện nay phương tiện học Hán Nôm trên vi tính đã rất phổ biến, sách hướng dẫn và các chương trình chữ Hán Nôm được cài đặt rất phong phú. Do vậy, các trường nên tổ chức biên soạn giáo trình Hán Nôm, hướng dẫn cách học và phát hành bằng loại đĩa CD để người học có điều kiện tự rèn luyện.

Trên đây là một số suy nghĩ về cách dạy và học Hán Nôm xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân. Những điều vừa trình bày, nhìn từ một góc độ nhất định chắc không khỏi tuỳ tiện, ít khoa học nhưng thực tế vẫn có hiệu quả đáng kể. Điều mà chúng tôi quan tâm lại nằm ngoài khả năng của người dạy và học chữ Hán Nôm, đó chính là việc xã hội nhìn nhận, đãi ngộ và đối xử với người học - sinh viên tốt nghiệp ngành Hán Nôm - và người làm công tác Hán Nôm như thế nào. Giải quyết tốt vấn đề này tức đã tháo gỡ những vướng mắc cơ bản để góp phần quan trọng vào việc đào tạo Hán Nôm ngày càng có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công tác nghiên cứu Hán Nôm đang đặt ra ngày càng nhiều trên phạm vi ngày càng rộng. Hy vọng những suy nghĩ của một cá nhân thu hoạch được qua công việc cụ thể của mình trên đây sẽ góp một phần nhỏ vào việc đào tạo và phát triển ngành Hán Nôm. Nhưng để đạt được điều mong muốn đó, không chỉ là những suy nghĩ và nỗ lực của mỗi một chúng ta, những người dạy và học Hán Nôm, mà phải của toàn xã hội.

                                                                                         Huế, Tháng 12 - 2004

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020