Nghiên cứu khoa học

TRIỂN VỌNG NGÀNH HÁN NÔM TRONG THẾ KỈ XXI VÀ PHẦN ĐÓNG GÓP KHÔNG THỂ THIẾU CỦA NHÀ TRƯỜNG


15-10-2020
Tác giả: PGS Trần Nghĩa

Cũng như nhiều ngành nghề khác, trong thời đại ngày nay, muốn có người làm được, làm thạo, làm giỏi công tác Hán Nôm, nhất thiết phải kinh qua đào tạo. Việc đào tạo này, theo thiển nghĩ, cần được tiến hành một cách bài bản, công phu...

TRIỂN VỌNG NGÀNH HÁN NÔM TRONG THẾ KỈ XXI

VÀ PHẦN ĐÓNG GÓP KHÔNG THỂ THIẾU CỦA NHÀ TRƯỜNG

Trần Nghĩa

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

I. Những hiểu biết của chúng ta về di sản Hán Nôm cho đến ngày nay

Còn nhớ khoảng mươi, mười lăm năm trước, khi cao trào “đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ” dấy lên trong cả nước, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chúng tôi cũng muốn nhân dịp này tìm cho cơ quan mình một cái tên mới hơn. Có người đề xuất nên gọi là “Viện Cổ văn hiến học”, cũng có người chủ trương nên đổi thành “Viện Cổ văn tự học” … “Cổ văn hiến học” tức nghiêng về phía nội dung, “Cổ văn tự học” tức nặng về mặt tải thể, trong khi nhiều người lại muốn nghiên cứu cả hai mặt vừa nêu và còn hơn thế đối với kho di sản Hán Nôm. Bàn đi tính lại, cuối cùng chúng tôi vẫn giữ nguyên cái tên “Viện Nghiên cứu Hán Nôm” như cách gọi lúc khai sinh ra nó vào năm 1979, hay tiền thân của nó – “Ban Hán Nôm” thành lập vào năm 1970. Hai chữ “Hán Nôm” ở đây rõ ràng là mang nghĩa rộng, còn để ngỏ cho các tìm tòi, phát hiện tiếp theo, đặc biệt là về tính chất và tiềm năng của kho sách do tiền nhân để lại.

Hãy nói trước hết về tính chất. Như mọi người đều biết, di sản Hán Nôm Việt Nam đại diện cho nền văn hóa thành văn của dân tộc trong quá khứ, bao gồm Hiến chương, Thơ văn, Truyện ký, Phương kỹ theo cách phân loại của Lê Quý Đôn; hay Hiến chương, Kinh sử, Thơ văn, Truyện ký theo cách phân loại của Phan Huy Chú; hoặc Kinh, Sử, Tử, Tập theo cách phân loại truyền thống của các nước phương Đông thuộc khối “đồng văn”. Với cách nhìn ngày nay, cũng có Trung Hoa để nói di sản Hán Nôm của ta chứa đựng những tác phẩm thuộc nhiều ngành khoa học hiện đại mà trước hết là khoa học xã hội.

Để có một ý niệm nào đó về mặt định tính của kho sách cũng như tỉ lệ giữa các loại khoa học, học thuật hàm chứa trong di sản Hán Nôm, chúng ta có thể xem hai bảng phân loại sau đây, một bảng do chúng tôi thực hiện vào năm 1993, một bảng do Giáo sư Vương Tiểu Thuẫn người Trung Quốc thực hiện vào năm 2001.

 

 

BẢNG PHÂN LOẠI KHO THƯ TỊCH HÁN NÔM

THEO CHUYÊN NGÀNH KHOA HỌC HIỆN ĐẠI

(Do Trần Nghĩa biên soạn,

xem Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu T.3, Tr. 267-284.)

Ngành

Số lượng

sách

Chiếm

tỉ lệ

Chủng loại sách và số lượng sách thuộc từng loại

I. Chính trị, Xã hội

99

1,62 %

Quan chức 46; Bang giao 53.

II. Địa lý

277

4,50 %

Bản đồ 67 (gồm cả sơ đồ, bức vẽ …); Địa lý toàn quốc 97 (gồm cả địa lý khu vực, thế giới …); Địa lý địa phương 113.

III. Kinh tế

90

1,46 %

Nông nghiệp 76 (gồm cả địa bạ, ruộng đất); Thủ công nghiệp 14.

IV. Lịch sử

967

15,74 %

Sử học 165; Sử liệu 519 (gồm thần tích, tiểu sử, lịch pháp …); Gia phả 283 (gồm cả niên phả, ngọc phả …).

V. Ngữ văn

2551

41,54 %

Thơ văn hợp biên 796; Văn 811 (gồm văn xuôi, văn biền ngẫu, …); Thơ 834 (có ca); Kịch nghệ 36 (gồm tuồng, chèo , …); Văn học các dân tộc ít người 19; Công cụ tra cứu 55 (gồm thư mục, từ thư, …).

VI. Pháp chế

315

5,13 %

Luật lệ nhà nước 111; Tục lệ địa phương 204 (gồm hương ước, khoán lệ …).

VII. Quân sự

23

0,37 %

Binh thư và vũ khí 23.

VIII. Tôn giáo, Tư tưởng, Triết học

849

13,83 %

Nho giáo 147; Phật giáo 165; Đạo giáo 163 (gồm cả giáng bút, sấm vĩ …); Thiên chúa giáo 11; Phong thủy 70; Tín ngưỡng dân gian 292 (gồm cầu cúng, bói toán, nhương sao, giải hạn …).

IX. Văn hóa, Giáo dục

572

9,32 %

Sách giáo khoa 378; Thi cử 194.

X. Y dược

399

6,49%

Dược liệu 106; Y trị 293.

 

BẢNG PHÂN LOẠI KHO THƯ TỊCH HÁN NÔM

THEO KIỂU TRUYỀN THỐNG

(Do Vương Tiểu Thuẫn biên soạn,

xem Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu, Tr. XII-XIII)

Bộ

Số lượng sách

Chiếm tỉ lệ

Chủng loại sách và số lượng sách

thuộc từng loại

I. Kinh

147

2,9 %

Dịch 32; Thư 7; lễ 11; Xuân thu 11; Ngũ kinh tổng nghĩa 13; Tứ thư 27; Tiểu học 25.

II. Sử

1667

33,2 %

Chính sử 14; Biên niên 16; Tạp sử 100; Bắc sử 11; Yên hành ký 8; Chính thư 578 (gồm thống chế, nghi chế, chức quan, khoa cử, bang kê, bang giao, quân chính khảo công, hình pháp, chiếu lệnh tấu nghị, công độc, hương ước, điền đinh bạ, giao từ); Truyện ký 519 (gồm tổng truyện, biệt truyện, thần tích, phả điệp, nhật ký); Địa lý 272 (gồm tổng chí, phương chí, địa đồ, phong thổ, danh thắng, ngoại quốc); Mục lục 16; Sử sao 11; Kim thạch 30; Tạp thuyết 77; Văn hiến các dân tộc thiểu số 15.

III. Tử

1529

30,4 %

Nho học 68; Tạp học 26; Loại thư 19; Mông học 50; Gia huấn 23; Binh gia 20; Y gia 332 (gồm tổng luận, nội khoa, ngũ quan ngoại khoa, phụ khoa, đậu chẩn, kinh mạch châm cứu, dược thảo phương tế, tạp lục); Lịch toán 43 (gồm thiên văn lịch pháp, sách toán); Số thuật 188 (gồm kham dư, tinh mệnh, Dịch quái, tướng pháp tạp chiêm, thiêm sấm); Nghệ thuật 26 (gồm thư họa, âm nhạc, nhật dụng); Phật giáo 314 (gồm kinh, luật, chú sớ, luận thuật); Cơ đốc giáo 27; Đạo giáo và tục tín 393 (gồm Đạo giáo, văn giáng bút, thần sắc …)

IV. Tập

1684

33,5 %

Tổng tập 212; Biệt tập 455; Phẩm bình thơ văn 10; Thơ văn đi sứ phương Bắc 80; Văn thù ứng 63; Văn thể ứng dụng 119; Văn cử nghiệp 314; Phú 54; Thơ lục bát 34; Ca dao 35 (gồm ca khúc và ca dao tục ngữ); Hát ả đào 29; Hí khúc 33; Tiểu thuyết 140 (gồm truyện thơ, tiểu thuyết chương hồi, truyền kỳ, bút ký); Kim Vân Kiều 18 (gồm truyện Kiều chữ Hán, truyện Kiều chữ Nôm, thơ phú vịnh Kiều … ); Tạp sao 80. 

Cả hai bảng trên, dù là phân loại theo cách nào chăng nữa, kết quả cũng đều cho thấy sự đa dạng và tính chất tổng hợp, đa ngành của kho thư tịch Hán Nôm.

Về tiềm năng, di sản Hán Nôm khả dĩ cung cấp cho ta nhiều thông tin, tư liệu quan trọng để nghiên cứu quốc học.   Quốc học ở đây với hàm nghĩa văn hóa học thuật bản quốc, tức của nước mình, dân tộc mình, phân biệt với văn hóa học thuật từ bên ngoài tới – chỉ có thể được xác lập qua việc nghiên cứu di sản Hán Nôm, để từ đó, nói như người xưa, làm rõ những cái gọi là Nghĩa lý chi học, Từ chương chi học, Kinh thế chi học của ta. “Nghĩa lý chi học” tức nghiên cứu về nghĩa lý, tương đương với môn Triết học ngày nay. “Khảo chứng chi học” tức nghiên cứu về khảo chứng, tương đương với môn Sử học ngày nay. “Từ chương chi học” tức nghiên cứu về từ chương, rất gần với môn Văn học ngày nay. Và “Kinh thế chi học” tức nghiên cứu về kinh bang tế thế, rất gần với môn Chính trị kinh tế học ngày nay.

Mặt khác, Việt Nam cũng như nhiều nước phương Đông: Triều Tiên, Nhật Bản … từng có quan hệ văn hóa lâu đời với Trung Quốc. Vì vậy di sản Hán Nôm, với tư cách là một sản phẩm của giao lưu văn hóa, còn có thể góp phần vào việc nghiên cứu các vấn đề học thuật chung của khu vực, như tình hình tiếp nhận văn hóa, quan hệ ảnh hưởng, quan hệ song phương, nét tương đồng và nét khu biệt trong văn hóa giữa các nước …

II. Triển vọng của ngành Hán Nôm trong thế kỉ XXI

Thế kỷ XXI là thế kỷ mà sự liên kết và hội nhập sẽ trở thành xu thế phát triển tất yếu, mạnh mẽ, chi phối gần như mọi hoạt động trên hành tinh. Đây còn là thời kỳ khoa học kĩ thuật, trong đó ngành thông tin tiến nhanh ngoài sức tưởng tượng. Trong điều kiện mở ra nhiều cơ hội mới như vậy, ngành Hán Nôm có thể làm gì ngoài những việc đã và đang làm?

Tôi nghĩ trước hết, ta có thể nhân thời cơ này để sưu tầm sách vở, tài liệu Hán Nôm vì nguyên nhân này khác đang tản lạc ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ý, Nhật, Hà Lan, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ … Nhất là ở Nhật hiện đang lưu giữ tủ sách Hán Nôm của E. Gaspardone, ở Mỹ hiện đang lưu giữ tủ sách Hán Nôm của M. Durand đều bao gồm nhiều thư tịch Hán Nôm thuộc loại quý hiếm mà hiện nay ta chưa với tới. Nếu được số sách trên, cộng với số sách đang tàng trữ tại thư viện công cũng như tư trong cả nước, ta sẽ có trong tay một khối lượng thư tịch Hán Nôm lớn nhất, đầy đủ nhất để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm.

Hai là có thể nghĩ tới việc biên soạn một bộ thư mục Hán Nôm đầy đủ nhất, gồm nhiều cách tra cứu nhất và dịch ra nhiều thứ tiếng đưa lên mạng để thu hút bạn đọc đến với kho sách Hán Nôm Việt Nam. Trước đây Viên nghiên cứu Hán Nôm đã hợp tác với Học viện Viễn Đông Pháp biên soạn bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu gồm 3 tập, xuất bản năm 1993, hợp tác với Trường Đại học Dương Châu, Trung Quốc và Viện Hàn lâm khoa học Đài Loan biên soạn bộ sách Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu gồm 2 tập, xuất bản năm 2002; hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học Đài Loan biên soạn bộ sách Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu – Bổ di gồm 2 tập, xuất bản vào cuối năm 2004. Trên cơ sở các bộ thư mục đã xuất bản vừa nêu, có thể tiến thêm bước nữa để đạt tới cái mà chúng ta đang nhe nhắm, theo tôi, không phải là việc quá khó.

Ba là, cũng như trên đã nói, kho sách Hán Nôm vốn dĩ mang tính tổng hợp, đa ngành, “Văn – Sử - Triết bất phân”. Ta có thể nắm lấy đặc điểm, hay đúng hơn, “lợi thế” này để đi vào các đề tài nghiên cứu tổng hợp, liên ngành, thích ứng với thực trạng nội dung văn bản. Thực hiện được điều đó, có nghĩa là góp phần làm cho ngành Hán Nôm có bộ mặt tách bạch hơn, khỏi lồng chập với các ngành chuyên môn khác như Ngôn ngữ, Văn học, Sử, Khảo cổ, Triết học …

Bốn là, cũng như trên đã nói, kho sách Hán Nôm là kết quả của một quá trình giao lưu văn hóa lâu dài giữa ta và các nước chung quanh. Người làm công tác Hán Nôm có thể dựa vào kho “quốc thư” của mình để tìm hiểu mối quan hệ qua lại giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa các nước đồng văn, đặc biệt là văn hóa Trung Quốc. Di sản Hán Nôm chỉ có thể được nghiên cứu sâu hơn, nếu nắm được văn hóa toàn vùng. Ngược lại, văn hóa toàn vùng sẽ được hiểu biết đầy đủ hơn, nếu có sự góp mặt của di sản Hán Nôm.

III. Phần đóng góp không thể thiếu của nhà trường cho ngành Hán Nôm trong thời gian tới

Cũng như nhiều ngành nghề khác, trong thời đại ngày nay, muốn có người làm được, làm thạo, làm giỏi công tác Hán Nôm, nhất thiết phải kinh qua đào tạo. Việc đào tạo này, theo thiển nghĩ, cần được tiến hành một cách bài bản, công phu.

Theo ý kiến bàn trong Quốc hội vừa qua, một số tri thức Hán Nôm có thể đưa vào giảng dạy trong nhà trường ngay từ cấp học phổ thông, không ngoài mục đích giúp các em hiểu đúng, hiểu sâu tiếng Việt, trước hết là về những từ có nguồn gốc Hán hiện chiếm một tỉ lệ khá lớn trong ngôn ngữ dân tộc. Có hiểu đúng, hiểu sâu từ Hán Việt thì sự diễn đạt mới rành mạch, chuẩn xác, góp phần làm cho tiếng Việt mỗi ngày một thêm trong sáng. Chẳng những vậy, việc học một số chữ Hán, chữ Nôm còn giúp các em gần gũi hơn với thế hệ cha ông, bớt lạ lẫm khi đặt chân đến các di tích lịch sử - văn hóa, làm cho mạch nguồn dân tộc được tiếp tục gìn giữ, phát triển. Thực ra đây chẳng phải cái gì mới. Thời Pháp thuộc, ở cấp trung học đã có sự phân ban A, B; trong khi ban B học tiếng Anh thì ban A học chữ Hán. Đâu có vì bỏ thi chữ Hán mà Hán văn hoàn toàn bị xua đuổi. Thậm chí chữ Hán hồi đó còn được gọi là “chữ ta” để phân biệt với “chữ Tây”. Tại Nhật Bản theo chỗ tôi được biết, về tính chất tuy không hoàn toàn giống ta, nhưng mỗi người dân ở đất nước mặt trời mọc này bắt buộc phải đọc thông viết thạo một số lượng chữ Hán do Bộ Giáo dục quy định; chưa nắm được mảng chữ Hán này, có nghĩa là chưa xóa được nạn mù chữ.

Ở nước ta, việc nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm ở cấp Đại học đã được nhen nhóm lại từ vài thập kỉ trước; không ít sinh viên Hán Nôm do các trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm đào tạo ra, hiện nay đang giữ nhiều trọng trách trong nhiều ngành. Thành tựu của nhà trường ở đây là rất lớn. Để tiếp tục tạo nguồn cho công tác Hán Nôm bước sang thế kỉ XXI, một thế kỉ đầy cơ hội và thách thức trên kia đã nói, việc nghiên cứu và gảng dạyHán Nôm trong các trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm, theo tôi nghĩ, cũng nên có những điều chỉnh cần thiết để thích ứng được với tình hình mới.

Một là, do thư tích Hán Nôm của ta dung chữ Hán, chữ Nôm làm tải thể, nên việc giảng dạy Hán Nôm trước hết phải đi vào chữ nghĩa là cố nhiên rồi. Nhưng đồng thời, cũng cần quan tâm đúng mức đến mặt thứ hai không kém phần quan trọng của kho di sản, tức là nội dung văn hiến cổ của nó. Tôi không nói mặt này trước đây chưa được chú ý. Có đấy. Giảng văn bản, cũng chính là giảng về văn hiến cổ. Điều tôi muốn lưu ý là nên chăng, dành cho phần này một thời lượng giảng thích đáng hơn và giảng một cách có lớp lang hơn. “Văn hiến cổ” ở đây được quan niệm như là hệ thống học thuật thời xưa bao gồm Kinh, Sử, Tử, Tập, cùng cách phân loại và mối quan hệ giữa các bộ phận với chỉnh thể.   

Hai là, do thư tịch Hán Nôm thường mang tính tổng hợp, đa ngành; nên chương trình giảng dạy không thể chỉ đóng khung trong phạm vi Ngữ văn như hiện nay, mà phải vươn tới một số ngành khoa học liên quan khác như Sử học, Dân tộc học, nghiên cứu Tôn giáo, nghiên cứu Văn hóa dân gian … trong một chừng mực nhất định. Nếu được trang bị thêm một số kiến thức về diện như thế, sinh viên Hán Nôm khi ra trường sẽ đỡ lung túng hơn trong công tác.

Ba là, nói đến Hán Nôm cũng tức là nói đến Quốc học và Đông phương học, hai lĩnh vực mà hiện nay công việc nghiên cứu của ta còn đang mờ nhạt, nếu không muốn nói là quá yếu. Để từng bước khắc phục tình trạng này, chúng ta có thể nghĩ tới những luận văn Cao học, những luận án Tiến sĩ làm về đề tài Quốc học hay Đông phương học rồi đây cần được khuyến khích thực hiện và bảo vệ tại các cơ sở đào tạo sau Đại học như Viên nghiên cứu chẳng hạn thuộc các trường.

Và bốn là, để tạo điều kiện khả thi cho các điều chỉnh trong chương trình giảng dạy, đào tạo nói trên, chúng ta tha thiết kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nâng Bộ môn Hán Nôm hiện nay ở các trường lên thành Khoa Hán Nôm, thời gian đào tạo Hán Nôm của nhà trường không còn là 4 năm, mà được kéo dài thêm một năm nữa, tức 5 năm mỗi khóa học.

Sự tiến hóa của bản thân ngành Hán Nôm cộng với vị trí, vai trò cực kì quan trọng của công tác nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm trong nhà trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm thời gian tới buộc chúng ta phải dấn thêm bước nữa!

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020