Nghiên cứu khoa học

VÀI NÉT VỀ VĂN BẢN VÀ GIÁ TRỊ CỦA THƯƠNG SƠN THI THOẠI


15-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Thanh Tùng

Bài viết giới thiệu văn bản và giá trị của Thương Sơn thi thoại (Nguyễn Phúc Miên Thẩm)

Thi thoại là một thể tài lí luận phê bình thơ ca khá đặc sắc trong các nền văn học dân tộc có sử dụng chữ Hán hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử văn học cũng như tư tưởng thi học của các dân tộc này. Nhưng ở Việt Nam, số lượng các thi thoại còn lại rất ít. Thương Sơn thi thoại nằm trong số ít đó. Riêng trong văn học Việt Nam Trung đại, Thương Sơn thi thoại nghiễm nhiên trở thành cuốn thi thoại duy nhất (theo đúng nghĩa của nó) hiện còn. Thế nhưng, cho đến nay, cuốn thi thoại này vẫn chưa được nhiều người biết tới đầy đủ cũng như chưa được quan tâm khai thác một cách triệt để. Bởi vậy, chúng tôi muốn giới thiệu đôi chút trước khi công bố toàn văn bản dịch tác phẩm này.

1. Văn bản Thương Sơn thi thoại

          Thương Sơn thi thoại hiện chỉ có duy nhất một văn bản, được chép chung với một tài liệu khác mang tên Thế thuyết tân ngữ bổ, thành một tập sách kí hiệu VHv.105 của Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách gồm 56 tờ (111 trang) chép tay trên giấy dó còn mới đã in sẵn cột, khổ giấy 28x17 cm; chữ viết lối hành thư, đá thảo khá đẹp, nhìn chung không quá khó đọc. Mỗi tờ được chia làm 9 cột đều nhau, mỗi cột chép khoảng 25 - 26 chữ Hán. Sách ghi rõ nơi tàng bản “Thư viện Long Cương” (Long Cương tàng bản). Điều đó cho thấy đây chính là một trong những sách mà Cao Xuân Dục (1842 - 1923), Cao Xuân Tiếu (1865 - 1939) đã thuê người chép để lưu giữ trong thư viện của gia đình mình. Bìa sách chép “Thế thuyết phụ Thương Sơn thi thoại”. Phần Thế thuyết tân ngữ bổ từ tờ 1 đến tờ 36 (72 trang). Theo Lưu Ngọc Quân dẫn Tứ khố toàn thư tổng mục, đây là bản sao sách Thế thuyết tân ngữ bổ do Hà Lương Tuấn, người đời Minh soạn và bổ sung, Vương Thế Trinh san định[1]Thương Sơn thi thoại bắt đầu từ tờ 37a cho đến hết tờ 56a (39 trang). Miên Thẩm thường đọc các sách thời Minh Thanh, rất có thể có đọc Thế thuyết tân ngữ bổ, sự lắp ghép Thế thuyết tân ngữ bổ và Thương Sơn thi thoại có lẽ bắt nguồn từ cơ duyên đó chăng?

Xét phần văn bản Thương Sơn thi thoại, cột 1 tờ 37a chỉ ghi “Thương Sơn thi thoại” với cỡ chữ bình thường không khác phần chính văn, cột 2 ghi “Bạch Hào Tử trước” (Bạch Hào Tử trước tác) với cùng cỡ chữ. Bắt đầu từ cột thứ 3 là chính văn của tác phẩm, kéo dài cho đến hết tờ 56a. Chính văn của sách được quy ước chia thành các điều bằng cách “ngắt cột”, có nội dung tương đối độc lập thường thấy trong các cuốn thi thoại Trung Hoa. Theo cách quy ước đó thì Thương Sơn thi thoại bao gồm 55 điều, ngắn thì một dòng, dài thì 1 -  2 trang (chữ Hán).

Theo như xuất xứ nơi tàng bản thì sách này có lẽ được chép vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nhờ công của vị Quốc sử quán tổng tài triều Nguyễn Cao Xuân Dục (hoặc Cao Xuân Tiếu). Xét cách tị huý trong văn bản, ta thấy có hiện tượng sau:

Trước hết, sách kiêng các chữ trọng huý triều Nguyễn, kéo dài cho đến đời Thành Thái, như “ánh” (映), “tông” (宗), “thì” (時), “thực” (實), “chiêu” (昭)... Chữ “ánh” (映) được viết “ánh” () (trong tên thi nhân Ngao Ánh đời Minh) [44b2]. Chữ “tông” (宗) có kiêng huý trong cách viết tên, nhất loạt đổi ra “tôn” (尊), ví dụ: [Nguyễn] Duệ Tôn, Hiển Tôn, Thế Tôn [tờ 39b], Trần Duệ Tôn [tờ 49b], Lê Thánh Tôn [tờ 51a]... Có trường hợp chữ “Tông” (宗) bị lược đi, như tên thi nhân Hứa Tông Lỗ (1490 - 1559) đời Minh được viết là Hứa Lỗ, khuyết “Tông” [45a6]. Các chữ “thì” (時) nhất loạt đổi ra “thần” (thìn) (辰). Chữ “thực” (實) được viết là “thật” (寔) [37b9, 39b3,...], hoặc viết bớt nét giữa trong chữ “thực” () [38b2, 38b8,...] Chữ “chiêu” (昭) được viết bớt nét  giữa bộ nhật (tên Vi Chiêu [42a3 ]; Chiêu Quân [44a3]). Tuy nhiên, các chữ húy khác [nhất là không phải trọng húy] không được kiêng húy, như: “hỗ” (祜) [54a7] “chủng” (種) [] “lan” (蘭) [tờ 49b5], “hoa” (華) [38a9, 48b9, 49a1, 49a3, 51a3], “hương” (香) [38a9, 39a1,...],v.v... Riêng chữ “miên” (綿) có khi được viết kiêng húy bằng cách bớt nét [37b4] nhưng đa số là không kiêng húy [47b6; 48a3,...]. Đặc biệt các chữ “miên” ở phần cước chú không kiêng húy [44a3, 44a7]. Các cước chú khác cũng không thấy có chữ húy. Điều này cho thấy cước chú được thêm vào sau này. Hiện tượng kiêng húy chữ “đồng âm” không thấy xuất hiện, như trường hợp chữ  “ánh” (映) [tờ 49b2], “miên” (眠) [44a2, 53b1], miên” (靦), “miên” (緬) [53b], “chiêu” (招) [37a5; 37a9; 43a7,...], chữ “lân” (鄰) [41b1], lân (憐) [41b6], lân (麟) [39a7, ] “hoa” (花) [44a2, 53a2,...] “chân” (真) [39b2, 46b2], v.v... Hiện tượng kiêng húy thiên bàng cũng không thấy xuất hiện, trừ chữ “chiếu” (照). Chữ “chiếu” (照) có thiên bàng là chữ “chiêu” cũng được viết kiêng húy tương tự như chữ “chiêu” [49a4, 40b7].

Qua phân tích hiện tượng kiêng húy, chúng tôi nhận thấy, tình hình chữ húy trong văn bản phản ánh đậm nét định lệ kiêng húy đời Thành Thái (1889 - 1907). Như vậy, nhiều khả năng sách được chép dưới triều Thành Thái, hoặc muộn hơn một chút.

Đáng chú ý là trong tập có một số cước chú. Khi trích dẫn một bài thơ, có khi nguyên chú chép “khuyết”, hoặc “khuyết ba câu”, “khuyết hai câu”,... Điều đó cho thấy, tập sách chúng ta có trong tay chép lại từ một bản khác, và bản đó cũng không được đầy đủ, hoàn chỉnh. Như vậy, có thể phỏng đoán Thương Sơn thi thoại mới đang ở dạng bản thảo chưa hoàn thiện và cũng chưa được khắc in, công bố như hầu hết các tác phẩm khác của tác giả.

          Theo ghi chép ở đầu văn bản thì tác giả của Thương Sơn thi thoại chính là Tùng Thiện vương Nguyễn Miên Thẩm (1819 - 1870). Tuy nhiên, do yêu cầu của công tác văn bản học, thiết nghĩ, điều này cần được xác minh cho rõ ràng hơn.

Theo tư liệu chúng tôi nắm được, hầu như không có cuốn sách chữ Hán nào ghi chép việc này, ngay cả những sách tập hợp trước tác của ông do con cháu làm như Thương Sơn ngoại tập2, Thương Sơn thi tập[2],v.v...  Các sách tiếng Việt thì đề cập đến thông tin này tương đối muộn. Cho đến giữa thế kỉ XX, có lẽ chưa có sách tiếng Việt nào đề cập đến tác phẩm này cũng như tác giả của nó. Chẳng hạn, cuối những năm 30 của thế kỉ XX, khi hoàn thành bộ Chương Dân thi thoại, Phan Khôi còn khẳng định: “Xứ ta đây, người ta biết làm thơ chữ Hán từ hồi nhà Lý, nhà Trần. Song le từ đó đến giờ chưa hề có ai làm một bộ thi thoại nào bằng chữ Hán hết. Ấy là theo như tôi biết. Hoặc giả có bộ nào mà tôi chưa thấy chăng. Nhưng nếu có thì cũng chỉ một hay hai bộ là cùng. Mà có lẽ không có bộ nào hết; vì nếu có thì tôi tuy chưa thấy chớ cũng không nghe, có lẽ nào không nghe trơn? Trước đây tôi có viết Nam âm thi thoại mà đăng trong Nam Phong, trong Đông Pháp thời báo, trong Phụ nữ tân văn. Nhưng lâu nay tôi không có thể viết tiếp mà đăng nữa. Sự thực, trong nước ta phải kể bộ thi thoại này ra đời lần thứ nhất, mà mới chỉ có một mình nó mà thôi. Tôi để tên nó là Nam âm thi thoại mà không để Chương Dân thi thoại là vì chỉ có một mình nó, không sợ lộn với của ai hết” (XLII)[3].

          Theo Nguyễn Văn Hoàn, những năm 60 của thế kỉ XX, Viện Văn học Việt Nam đã tổ chức biên dịch một số tác phẩm của Miên Thẩm, trong đó Thương Sơn thi thoại được trích dịch một phần (do các nhà Hán học lão thành như: Hoàng Tạo, Phạm Đề, Nguyễn Văn Huyến,... thực hiện). Người đầu tiên sử dụng các tư liệu đó vào nghiên cứu con người và sự nghiệp Miên Thẩm là Trần Thanh Mại[4]. Tài liệu tiếng Việt đầu tiên (được xuất bản) đề cập đến Thương Sơn thi thoại có lẽ là bộ Thư mục Hán Nôm (9 tập) do Ban Hán Nôm - Viện KHXH Việt Nam biên soạn vào những năm 1969 - 1973[5]. Sở dĩ đến lúc bấy giờ người ta mới biết đến Thương Sơn thi thoại là vì từ trước đó Thương Sơn thi thoại vẫn nằm im trên giá sách trong Thư viện Long Cương tại Nghệ An. Những năm 50 của thế kỉ XX, khi cụ Cao Xuân Huy quyết định hiến tặng một phần số sách trong Thư viện Long Cương cho Nhà nước[6]. Năm 1978, tác phẩm được nhắc qua trong Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX của Nguyễn Lộc (1978)[7], sau đó đi vào Từ điển văn học (1984)[8] v.v... Tác phẩm dường như có được dịch (dịch giả Nguyễn Đức Vân), nhưng chưa được công bố đầy đủ, rộng rãi. Chúng tôi cũng chưa được tiếp cận với dịch bản này.

          Trở lại vấn đề tác giả Thương Sơn thi thoại, liệu có thể tin được những thông tin ghi chép trong văn bản về tác giả của nó? Theo chúng tôi, hoàn toàn có thể tin cậy được bởi những lí do sau đây:

          - Trong sách có ghi chép khá nhiều những thông tin cá nhân mà phải chính người trong cuộc như Miên Thẩm mới có thể viết ra được. Đó là những đoạn “tự thuật” khá chi tiết, sinh động. Chẳng hạn, “Cơ ngơi riêng của ta nằm ở bờ nam sông Hương, mặt tây hướng ra cửa sông, lại từ phía Tây rẽ sang Đông, ngảnh về Nam là chỗ ở của em gái An Thường, quay sang đông là chỗ ở của em trai Hải Ninh. Mấy nơi đều có thuỷ đình, làm chỗ uống trà, [mấy câu thơ trên] là ghi chép sự thực” [tờ 37b]; hoặc: “Đêm trăng, ta đến dinh thự của ông Phan Lương Khê [tức Phan Thanh Giản - NTT], sai tiểu đồng vào trước báo tin. Ông đang cùng phu nhân ăn uống. Tiểu đồng trở ra, [ta] bảo nó không được làm kinh động đến ông và phu nhân, rồi đứng ngoài cửa chờ. Khi ăn xong bèn vào. Trước án vừa có bút mực, đùa viết rằng: [... ]. Ông ôm bụng cười lớn, lập tức sai pha trà để an ủi”. [tờ 3]; v.v... Những sự kiện, chi tiết đó xảy ra ở những mốc thời gian cụ thể như năm: năm Ất Tỵ (1845), Thiệu Trị thứ sáu (1846), năm Giáp Dần (1854).v.v... Một số chi tiết, nội dung có thể kiểm chứng được qua các sách khác của Miên Thẩm, đặc biệt là các bài thơ, từ của ông trong Thương Sơn thi thoại cũng có thể tìm thấy trong Thương Sơn thi tập, Cổ duệ từ, Thương Sơn ngoại tập,...

          - Sách có niên đại tương đối gần với thời gian sống của tác giả Miên Thẩm, nên khả năng ngụy tạo được giảm thiểu.

- Sách có xuất xứ từ Thư viện Long Cương, một nơi tàng bản đáng tin cậy, dưới sự chỉ đạo, xem xét của vị Quốc sử quán tổng tài triều Nguyễn là Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu. Các ông không thể nào lại để lọt vào kho sách quý giá của mình một “nguỵ thư”, nhất là một tác phẩm mà thời điểm sáng tác không cách thời ông quá xa, và ghi là do một người quan trọng và nổi tiếng như Miên Thẩm viết.

- Từ trước đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào khi nhắc đến tác phẩm này, tỏ ra nghi ngờ xuất xứ của nó. Nếu độc giả nào có tư liệu chứng minh được sự nghi ngờ đó xin được phủ chính cho.

          Như vậy, chúng ta có thể tạm yên tâm về độ tin cậy của Thương Sơn thi thoại trước khi đi vào thẩm định giá trị của tác phẩm này.

          Vậy Miên Thẩm đã viết Thương Sơn thi thoại từ bao giờ và hoàn thành tác phẩm vào lúc nào? Các mốc thời gian trong văn bản dừng lại ở năm 1854. Các chi tiết khác cũng không phản ánh chút ba động nào của tình hình đất nước đương thời: 1858, Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, Pháp chiếm ba tỉnh Nam Kì, Phan Thanh Giản tự sát (1867)... Vậy, Thương Sơn thi thoại được hoàn thành từ khoảng 1854 đến 1870.

Và vì sao tác phẩm lại không được khắc in, công bố như hầu hết các tác phẩm khác của Miên Thẩm? Theo thông lệ triều Nguyễn, các sách của các Hoàng thân muốn in ra phải được sự đồng ý của vua. Các sách khác của Miên Thẩm phần lớn có phần “ngự chế” của Tự Đức như ngầm ý Tự Đức cho phép? Vậy phải chăng sách này không được Tự Đức cho phép công bố? Có thể trong sách có những chi tiết nhạy cảm, ví dụ như viết về Phan Thanh Giản. Phan Thanh Giản lúc bấy giờ bị triều Nguyễn quy cho tội để mất ba tỉnh Nam Kì, tên của ông bị đục khỏi bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (Huế). Phải chăng đây là một trong những nguyên do khiến tác phẩm vắng bóng trên văn đàn, chỉ lưu truyền dưới hình thức chép tay trong thư viện tư gia.

          2. Giá trị của Thương Sơn thi thoại

a. Giá trị sử liệu

          Thương Sơn thi thoại không phải là một cuốn sử, tác phẩm ít nhiều phản ánh một số chi tiết lịch sử đáng chú ý. Qua cuốn sách này, người đọc có thể biết một số hoạt động thường niên trong cung đình nhà Nguyễn. Chẳng hạn:

          - “Lễ chế triều ta, các ngày lễ hưởng tự, có khi ở trong miếu điện nào đó, vâng đi theo bề trên hành lễ, ngoài ra đều phân cho các hoàng thân đi hành lễ. Thời điểm hành lễ là vào đầu khắc 8 canh 5; lệ mở cửa thành cũng theo như thế. Mà đa phần các vị hoàng thân đều có cơ ngơi riêng ở ngoài thành, đến ngày lễ thì ắt vào trong thành, rồi đều đến tụ tập ở chùa Giác Hoàng để triều cận, thường sai tăng chúng trong chùa làm cơm chay. Ta từng cùng ăn chay với Vi Dã, [làm thơ] đùa rằng... ” [tờ 40a].

          -  “Tháng 6 mùa hạ năm Ất Tỵ (1845), ta cùng mấy anh em đi hộ giá vua đi chơi núi Thuý Vân. Khôn Chương đậu thuyền trên đầm Mĩ Á cưỡi trăng, tụ tập mấy anh em làm thơ” [tờ 43a].

          - “Năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), thuyền sứ đến từ Việt Đông, dâng mười chậu loại hoa mẫu đơn. Đến đêm rằm tháng Giêng, các hoàng tứ tấu xin vua ngự giá ra vườn Cơ Hạ, xem đèn thưởng tết. Vua sai triệu chú Kiến An, chú Diên Khánh, chú Từ Sơn, anh Thọ Xuân, anh Ninh Thuận, anh Phú Bình, cùng thần là Miên Thẩm, em Tuy Lý, Tương An, Quảng Ninh, cùng đại thần Viện cơ mật Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, bề tôi ở Đông các là Nguyễn Cửu Trường, Vũ Phạm Khải đến hầu yến... ” [tờ 47b]

          - “Sứ bộ của triều ta đi Yên Kinh, gồm một chánh sứ, một Giáp [phó sứ] và một Ất [phó sứ], cần những người hoặc phải lấy ở “lục bộ” hoặc các quán viện [của triều đình]. Tuy lệ là ở việc đình cử (triều đình tiến cử), coi trọng ở sự đối đáp giỏi giang, mà cũng không tránh khỏi có lúc lấy người dự bị...” [tờ 50b].v.v...

           Những chi tiết trên giúp cho những người nghiên cứu chế độ, văn hoá triều Nguyễn cũng như nghiên cứu về tiểu sử một số nhân vật lịch sử của triều đại này. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng giá trị này không nhiều.

b. Giá trị văn học sử

          Trước hết, tác phẩm là một khối tư liệu về sáng tác thơ từ của các tác giả, chủ yếu là các tác giả Việt Nam trung đại, trong đó tập trung nhất là sáng tác của chính Miên Thẩm và những người đồng thời với ông. Từ khối tư liệu đó, ta có thể nhặt ra được không ít những tác phẩm có giá trị văn chương (nhất là những bài thơ, bài từ khá đặc sắc). Sáng tác của một số tác giả có tiếng trước đó cũng được nhắc đến, bình phẩm và tôn vinh, như thơ của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Thái Thuận, Lê Ngạn Tuấn, Nguyễn Cư Trinh, Phạm Khiêm Ích, Bùi Huy Bích, Nguyễn Du, v.v...

          Thứ hai, tác phẩm phản ánh không khí sinh hoạt văn nghệ chủ yếu trong cung đình nhà Nguyễn, trong tư thất của các hoàng thân: những hội thơ, đêm thơ, những cuộc gặp gỡ xướng hoạ, bình thẩm thơ ca, những thú vui tao nhã xung quanh chuyện sáng tác, những giai thoại trong làng thơ,...  mà trong đó hầu hết đều có sự tham gia của chính tác giả. Qua đây, chúng ta thấy được hoạt động sáng tác thơ ca chữ Hán, và đặc biệt là từ khúc phát triển như thế nào vào khoảng giai đoạn giữa triều Nguyễn. Người nào muốn nghiên cứu từ khúc ở Việt Nam không thể không đọc tác phẩm này.

          Thứ ba, qua Thương Sơn thi thoại, ta có thể biết được đôi nét về tiểu sử, tác phẩm của một số tác giả, nhất là những tác giả ở miền Trung và miền Nam như Đỗ Túc Trưng [tờ 43b]; Lê Công Nhuận [46a], Lê Ngưng Phủ [45b], Vương Hữu Quang [39b], Nguyễn Quang Tiền [39b]; Phan Thanh Giản, Phạm Đăng Thuật, Trương Đăng Quế,v.v...  Những thông tin đó góp phần bổ sung vào diện mạo văn học Việt Nam thế kỉ XIX, vốn chưa có điều kiện nghiên cứu kĩ lưỡng.

          Thứ tưThương Sơn thi thoại cũng cho ta nhiều chi tiết thú vị về các hoạt động văn học trước thời Nguyễn. Chẳng hạn, Miên Thẩm đã điểm lại khá chi tiết lịch sử hình thành và phát triển của “thi tuyển” (tuyển tập thơ ca) ở Việt Nam thời trước: “Tuyển tập thơ ở nước Việt ta bắt đầu từ sử thần nhà Lê là Phan Phu Tiên với tập Việt âm [thi] tập, kế đó là Tinh tuyển [chư gia thi] tập của Dương Đức Nhan, Trích diễm [thi] tập của Hoàng Đức Lương, Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Quý Đôn là thầy chân truyền của Bùi Huy Bích, hiệu Tồn Am. Nay tác phẩm truyền lại của Bùi Huy Bích là Hoàng Việt thi tuyển, 6 quyển, chính là cuốn sách tóm lược sách của thầy, lại phụ thêm thơ của chính mình vậy... ” [tờ 49b - 50a]. Hay tác phẩm cho ta biết những thông tin cụ thể về hội Tao đàn thời Lê Thánh Tông: “Năm Hồng Đức thứ hai mươi sáu (1495) triều vua Lê Thánh Tôn, vua làm chùm thơ Quỳnh uyển cửu ca cùng bài tựa, tự cho mình là Tao đàn nguyên suý, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận làm Phó nguyên suý. Đông các hiệu thư Ngô Luân, Ngô Hoán; Hàn lâm viện thị độc, Chưởng viện sự Nguyễn Trọng Ý; Hàn lâm viện thị độc. Tham chưởng viện sự Lưu Hưng Hiếu; Thị thư Nguyễn Quang [51b] Bật, Nguyễn Đức Huấn, Vũ Dương, Ngô Thầm; Đãi chế Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí Khiêm, Lưu Thư Ngạn; Hiệu lí Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Tôn Miệt, Ngô Quyền, Nguyễn Bảo Khuê, Bùi Phổ, Dương Trực Nguyên, Chu Hoãn; Kiểm thảo Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tốn, Đỗ Thuần Nhự, Phạm Nhu Huệ, Lưu Dịch, Đàm Thận Huy, Phạm Đạo Phú, Chu Huân (Huyên), cả thảy 28 người, nối nhau hoạ vần chín bài thơ đó, lấy tên là Tao Đàn nhị thập bát tú (28 ngôi sao trên tao đàn)” [tờ 51a-b]. Danh sách các thành viên của hội Tao Đàn cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận chưa thống nhất[9]. Vì vậy, có thể xem những ghi chép của Miên Thẩm như  một tư liệu tham khảo để tiến tới thống nhất danh sách đó.

Cuối cùngThương Sơn thi thoại là một công trình khảo cứu có giá trị về một số nguồn thi liệu, điển tích, từ ngữ,...  trong sáng tác, đặc biệt là sáng tác thơ ca và từ khúc. Trước Miên Thẩm, có lẽ chỉ có Lê Quý Đôn làm được chút ít trong Vân Đài loại ngữ và Kiến văn tiểu lục. Miên Thẩm đã nối tiếp bước đi đó và bước đầu đạt được một số kết quả. Ông đã đứng ra tranh biện với cả học giả Trung Hoa về một số hiện tượng văn học. Chẳng hạn, ông biện luận về nhân vật có tên Lục Khải trong thơ [tờ 52a-b], biện luận về nguồn gốc của điệu từ Quất chi [tờ 38a-b]khảo luận về sự học tập, ảnh hưởng lẫn nhau trong từng câu thơ, bài thơ của các nhà thơ Trung Hoa và Việt Nam, khảo về hiện tượng họa vần (đồng âm),...  Nhiều đoạn khảo luận khá lí thú và thấu tình đạt lí, chẳng hạn: “Xét Truyện Vương Mậu trong Nam sử, cung phi của Đông Hôn [hầu] tên là Phan Ngọc Nhi, có nhan sắc nổi tiếng cả nước [Tề], [Lương] Vũ Đế sắp giữ lại, bèn hỏi ý kiến Vương Mậu. Mậu đáp rằng: “Cái làm mất nước Tề chính là vật này vậy, giữ nàng ta lại sợ rằng bên ngoài [41a] dị nghị”. Vũ Đế bèn cho Ngọc Nhi ra [khỏi cung]. Quân chủ là Điền An Khải muốn xin làm vợ mình, Ngọc Nhi khóc nói: “Xưa được gặp vị chúa đương thời, nay há lại giáng xuống cùng hạng sất phu vô loài hay sao, chỉ có chết mà thôi, thà làm điều nghĩa chứ quyết không chịu nhục”. Kịp đến khi bị thắt cổ [chết], trông vẫn đẹp đẽ xinh tươi như sống, xe tang ra, bọn quan võ đều làm việc phi lễ. Có người lấy việc đó làm chứng cho hành động lấy cái chết để báo đáp cho Đông Hôn hầu. Ta cho rằng: “Không phải vậy. Tuy có lời nói “làm việc nghĩa chứ quyết không chịu nhục”, nhưng có lẽ việc giáng xuống cùng loại sất phu vô loại cũng có duyên cớ. Nếu không có một lời “nước Tề mất” của Vương Mậu chặt đứt [đường sống của Ngọc Nhi], khiến cho được sánh vai cùng Dư Phi và Ngô Viên, thì vị tất đã không theo ý [sắp đặt của họ]. Kẻ hiểu người mà luận việc đời, Tiêu Lâm là đúng. Nhưng [ta] cũng lấy làm quái lạ cho việc Vương Mậu có thể dung cho Ngô Viên ở bên vua, lại nhận Dư Phi làm vợ mình. Ấy là riêng tàn nhẫn với Ngọc Nhi vậy [Nguyên chú: Dư Phi ban đầu được Lương Vũ Đế thu nạp, sau ban cho Vương Mậu]” [tờ 40b - 41a] v.v...

c. Giá trị tư tưởng thi học

          Giá trị nổi bật của Thương Sơn thi thoại là tư tưởng thi học. Trước Thương Sơn thi thoại, ở nước ta có rất ít công trình chuyên bàn về thơ. Các ý kiến bàn về thơ trước đó chủ yếu được lồng vào các lời bình, các bài tựa, bài khải, các ghi chép tản mạn,...  trong các tập sách, tập thơ. Đến Thương Sơn thi thoại, nhiều vấn đề về thơ ca đã được đề cập dưới nhiều giác độ, từ các giác độ giàu tính lí luận như quan hệ giữa thơ và nhạc, vấn đề âm luật thơ, vấn đề học tập tiền nhân, ý tượng thơ, hiện tượng nhập thần...  đến những giác độ cụ thể thuộc phép làm thơ như sử dụng điển cố, dùng chữ, đặt câu, v.v...  Đáng chú ý ở đây là những vấn đề có tính lí luận.

          Về vấn đề quan hệ giữa thơ và nhạc, âm luật trong thơ, Miên Thẩm đã khẳng định khá nhất quán: “Kẻ không hiểu thơ là [do không hiểu] nhạc vậy. Ngâm thơ mà mắc ở cổ họng, tức [thơ đó] không hợp với nhạc. Vẫn còn đó [ví dụ về] việc trích dẫn cách đề mang tên Nguyễn tì bà, [cách này] vốn có các thanh là “tứ, thượng, công, lục”, nhưng rối rắm vụng về, nông sâu không thích đáng, là do âm luật không điều hoà. Kẻ làm thơ há lại có thể hiểu biết lỗ mỗ về âm luật chăng?” [tờ 37a]. Như vậy, có thể thấy Miên Thẩm rất đề cao “tính nhạc” cũng như âm luật thơ. Đây là hồi quang của không khí đề cao âm nhạc trong thơ thời Nguyễn. Không chỉ có Miên Thẩm, những người cùng thời với ông như Phạm Đình Hổ, Miên Trinh, Cao Bá Quát...[10] cũng có chung tư tưởng. Có thể nói, chưa bao giờ âm nhạc trong thơ lại được đề cao như vậy. Sự đề cao âm nhạc ở Miên Thẩm, Miên Trinh và các tác giả thời Nguyễn còn do sự thịnh hành từ khúc thời bấy giờ. Từ khúc vào Việt Nam từ khá sớm, ngay từ buổi đầu độc lập, nhưng phải đến cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn mới được quan tâm sáng tác nhiều. Thương Sơn thi thoại cũng dành khá nhiều “điều” nói về thể loại này (có thể gọi là những đoạn “từ thoại”). Đây cũng là một điểm độc đáo của Thương Sơn thi thoại.

          Về vấn đề “nhập thần”, Miên Thẩm hết sức chú ý. Bàn về thơ, Nghiêm Vũ (đời Tống) trong Thương Lang thi thoại từng nói: “Thơ có chỗ hay nhất là nhập thần” (thi hữu cực trí giả, nhập thần dã). Miên Thẩm tán thành quan điểm đó. Không ít lần bình điểm thơ cổ kim, ông dùng tiêu chí này để đánh giá độ hay dở. Chẳng hạn, đọc Kinh Thi, ông viết: “Ta mỗi khi đọc bài Xa công, biết quy mô của nó hoàn hảo, xa rộng, khí tượng hùng tráng, khoáng đạt, không gì là không đạt được, trở thành một sự độc đáo riêng biệt vậy. Huống chi, nghe được ở chỗ vô thanh, tạo lời cực kì đơn giản mà đầy đủ” [tờ 49a]. Hay nhận xét về hai câu thơ của mình “Tịch dương minh tế vũ/ Lạc diệp sái cô chu” (ánh chiều tà rọi sáng cơn mưa nhỏ/ Lá rơi nằm phơi trên chiếc thuyền đơn), Miên Thẩm cũng viết: “Ngẫu nhiên mà làm được [câu thơ hay], tự cho là “tả cảnh nhập thần” (đi vào chỗ thần tình khi tả cảnh vật), mà chữ “minh”, chữ “sái” ngờ rằng không phải dùng sức người mà có được vậy” [ tờ 49a-b]...   Nói đến vấn đề “nhập thần” cũng là nói đến vấn đề “tính chân thực” của cảm xúc thơ, “nhập thần” chính là sự thăng hoa của cảm xúc chân thực. Bởi vậy, đối với Miên Thẩm, cái hay của thơ không phụ thuộc vào đề tài mà phụ thuộc vào tính chân thực của cảm xúc. Bình những bài thơ du tiên, ông cho rằng: “Tuy nhất thời hứng hội mà đạt được, không thể câu chấp vào việc du hý chốn thiên tiên mà phương hại đến vật, nhưng thanh tình, khí vận không một chỗ nào là đáng bỏ đi cả, nhất thiết mỗi bài đều tả cái chân. Bọn Chu Phưởng thực không thể trông chờ được một mảy may. Cái gọi là trong tăm tối tả được hết điều cũng có thể biết, là như thế đó” [tờ 39b]. Theo Nguyễn Đình Phức, những ý kiền bàn về vấn đề này của Miên Thẩm có bóng dáng của thuyết “thần vận” và thuyết “cách điệu” phổ biến trong thi học đời Thanh[11]. Dấu ấn ảnh hưởng cụ thể thế nào thì còn phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, nhưng trong Thương Sơn thi thoại, rõ ràng Miên Thẩm đã trích dẫn, bàn bạc không ít về tư tưởng thi học của các học giả đời Thanh (như Viên Mai, Triệu Dực, Thẩm Đức Tiềm,... ). Và như vậy, Thương Sơn thi thoại đã vượt các tư liệu thi học trước đó về độ “cập nhật” các tư tưởng thi học nước ngoài.

Về vấn đề học tập tiền nhân, Miên Thẩm bàn bạc khá kĩ lưỡng. Ông khẳng định kế thừa tiền nhân là một quy luật phổ biến: “[phàm một cái gì đó] chẳng luận hay giở, đều có người trước dẫn đường” [tờ 41a]. Tuy nhiên, đối với Miên Thẩm, kế thừa phải có sáng tạo: “Cái mới của thơ, có khi là do dùng lại lời của cổ nhân có sửa đổi đi một hai chữ mà càng mới” [54a]. Bởi vậy, ông phê phán gay gắt việc kế thừa người xưa một cách sáo mòn, không chân thực. Ông gọi đó là hiện tượng “hư ngôn” (nói suông, nói hão). Bởi vì: “Nhạn và tuyết nước Nam ta không hề có. Mọi người cho rằng đó là hai chữ hay nên phần lớn thường dùng. Không biết rằng “hư ngôn” rốt cuộc cũng nào có ích gì? Ta thường lấy việc đó ra để cảnh báo những người bạn. Có người nghe, có người không nghe. Có lẽ đó là cái thói quen đã làm biến đổi mọi người từ lâu rồi” [tờ 49b]. Quan niệm đó sau này cũng được Phan Khôi thể hiện trong Chương Dân thi thoại: “Nước Nam ta chẳng đời nào có tuyết, vậy mà trong thơ Nôm, thường thấy có những chữ tuyết phủ, tuyết ngậm, thì thật là láo quá! Họ không sợ làm vậy rồi con cháu đời sau nó đọc đến, nó tưởng đời chúng ta đây còn có tuyết mà đến đời chúng  nó không có!”[12]. Trở lại với Thương Sơn thi thoại, Miên Thẩm còn khẳng định: “đại để, người làm thơ chuyên chọn những cảnh trí đẹp đẽ, thích hợp với mình, không nhất thiết phải câu nệ vào chương cú” [tờ 49a]... Những ý kiến đó thực xác đáng. Tuy nhiên, Miên Thẩm cũng không cực đoan. Có những câu thơ tuy dùng “nhạn, tuyết” là “hư ngôn” nhưng có giá trị thì ông không phản đối: “Đã là “hư dụng” (dùng suông) mà có thể khéo léo, ổn thoả, hơn thế còn trong sáng, khoẻ khoắn, lưu loát, mĩ lệ [như bài thơ của Quân Bác] thì lại càng khó đạt được!” [tờ 54a]

Có thể nói, những ý kiến bàn về thơ từ của Miên Thẩm trong Thương Sơn thi thoại tuy không hoàn toàn mới mẻ và phong phú nhưng có tính tập trung, tính tổng kết và cập nhật, góp phần bù đắp những khuyết thiếu về lí luận của nền thi học Việt Nam trung đại vốn không lấy gì làm dày dặn. Đây là giá trị quan trọng nhất của tác phẩm. Và vì thế, Thương Sơn thi thoại có một vị trí quan trọng trong lịch sử tư tưởng thi học Việt Nam, trở thành “thành quả lớn của thi học cổ Việt Nam”[13]

d. Hạn chế của Thương Sơn thi thoại

Bên cạnh những giá trị đã nêu, Thương Sơn thi thoại còn có những hạn chế. Chẳng hạn, về mặt quy mô, độ dài tác phẩm còn khá khiêm tốn (trong tương quan với các thi thoại Trung Hoa và các phần trước tác khác của chính tác giả). Thương Sơn thi thoại chỉ mới dừng ở giai đoạn bản thảo, chưa được biên soạn hoàn chỉnh, nên càng về cuối tác phẩm càng có phần chệch choạc, tuỳ tiện. Về mặt tính chất thể loại, tác phẩm vẫn nặng về ghi chép tản mạn các sự kiện, sinh hoạt chủ yếu là của cá nhân tác giả, ít tính lí luận, khái quát. Xét cho thật chặt chẽ thì tác phẩm này thiên về thể tuỳ bút hơn là “thi thoại”, với ý nghĩa một cuốn sách phê bình thơ. Chính vì thế, trong bài báo Việt Nam cổ đại thi học thuật lược (Lược thuật về thi học cổ Việt Nam)hai tác giả Trung Quốc Vương Tiểu Thuẫn và Hà Thiên Niên đã xếp tác phẩm này vào thể loại bút kí[14]. Nguyễn Lộc cũng cho rằng: “Tập Thương Sơn thi thoại của Miên Thẩm viết vào cuối giai đoạn cũng chỉ là một tùy bút về thưởng thức văn học mà thôi”[15]. Về mặt nội dung tư tưởng, Thương Sơn thi thoại cũng hàm chứa những ý kiến bảo thủ, thiên kiến. Chẳng hạn, ý kiến bàn về thơ Viên Mai, Triệu Dực sau đây: “...Bọn Viên Mai, Triệu Dực không thể biết điều này, [lại] chuyên ưa tìm chọn những chuyện tục mà người ta không thèm nói đến để mà khoe khoang với nhau. Những chuyện này không phải lời cổ nhân chưa đề cập, nhưng [cổ nhân] chán ghét sự thiển cận của nó mà không chịu [giữ] lại. Tuy nhiên, xét thi tập của hai nhà, cũng nào từng ra ngoài lời của cổ nhân. Việc ấy là do kiến văn không rộng rãi mà [cứ tưởng là mới vậy] thôi. Vân Tùng từng có câu rằng: [Nguyên chú: khuyết]. Lời lẽ [câu thơ] thật quê mùa, thiển cận làm sao! Đáng lấy muôn cốc nước thơm mà tẩy rửa đi” [tờ 54a]; hay ý kiến phê bình Lê Thánh Tông và hội Tao đàn: “Vua tôi công kênh nhau, quê mùa không thể nói hết” [tờ 51 b]; hoặc những lời phê bình có phần nặng nề đối với Lê Quý Đôn: “Lê Quý Đôn, hiệu Quế Đường cậy mình thông minh, văn chương nổi tiếng ở đời. Nhưng trong tập thơ của ông ta ít có bài thơ hợp cách. [Ông ta] từng có bài thơ dâng vua Thanh nhân dịp sang sứ Yên Kinh, trong đó có câu rằng: Hán gia hoàng đế hiền (?) thiên tử, Tề quốc bồi thần tiện hữu ti (Hoàng đế nhà Hán vốn là thiên tử hiền minh, Bồi thần nước nhỏ chúng tôi giữ chức tước hèn). Có mấy câu thơ mà cũng khó làm xong!” [51a],v.v...

Tóm lại, dù có những hạn chế nêu trên, Thương Sơn thi thoại là một văn bản quý trong kho sách Hán Nôm. Cùng với những Chương Dân thi thoại (Phan Khôi), Thi tù tùng thoại, Việt Ngâm thi thoại, Tục Việt ngâm thi thoại (Huỳnh Thúc Kháng) sau này, tác phẩm bù đắp phần nào sự vắng bóng của loại hình thi thoại ở Việt Nam, cho nó một lịch sử. Trong lĩnh vực văn học, muốn nghiên cứu tư tưởng thi học Việt Nam nói riêng và tư tưởng văn học Việt Nam trung đại nói chung thì có lẽ không thể không đọc Thương Sơn thi thoại. Xin trân trọng được giới thiệu cùng bạn đọc bản dịch Thương Sơn thi thoại.

N.T.T

Đây là bản thảo sửa đổi của bài viết Vài nét về văn bản và giá trị của Thương Sơn thi thoại, TC Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H, số 3 năm 2007.

 


[1] Lưu Ngọc Quân - Góp ý bàn về Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu (Đinh Văn Minh dịch), Tạp chí Hán Nôm, số 2 năm 2006, trang 76 - 77.

[2] Nguyễn Miên Thẩm - Thương Sơn ngoại tập, VHv. 119/1-8.

[3] Phan Khôi - Chương Dân thi thoại, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1996 (tái bản), trang 143.

[4] Nguyễn Văn Hoàn: Mấy ý kiến nhân đọc Trần Thanh Mại toàn tập, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4 năm 2005.

[5] Ban Hán Nôm - Thư mục Hán Nôm, 9 tập, in rônêô, 1969 - 1973.

[6] Xin xem Cao Xuân Huy - Tư tưởng phương Đông - gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Khoa học xã hội, H, 1995.

[7] Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam bửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H, 1978.

[8] Từ điển văn học, Tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H, 1984, mục từ “Nguyễn Miên Thẩm”.

[9] Xem Mai Xuân Hải, Bùi Duy Tân - Lại bàn về Hội Tao Đàn, Tạp chí Hán Nôm, số 2 năm 1997.

[10] Xem Đỗ Văn Hỉ (biên dịch) - Người xưa bàn về văn chương, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H, 1993; Nguyễn Minh Tấn (chủ biên) Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984.

[11] Nguyễn Đình Phức -  Về bài Tự tự trong Tĩnh Phố thi tập của Miên Trinh, Tạp chí Hán Nôm, số 2 năm 2006, trang 47 - 48.

[12] Phan Khôi - Chương Dân thi thoại, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1996 (tái bản), trang 141.

[13] Vương Tiểu Thuẫn và Hà Thiên Niên, Việt Nam cổ đại thi học đích thạc quả - Thương Sơn thi thoại, in trong sách Trung Quốc thi học (tập 9, Tưởng Dần chủ biên, Nhân Dân văn học xuất bản, 2004)

[14] Vương Tiểu Thuẫn, Hà Thiên Niên, Việt Nam cổ đại thi học thuật lược, Tạp chí Văn học bình luận, số 5 năm 2002, trang 20 - 25 (tiếng Trung).

[15] Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XX, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, trang 30.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020