Nghiên cứu khoa học

Thủ pháp giễu nhại trong phú Nôm


15-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Tú Mai

“Nhại” là sự bắt chước một cách hài hước đối với một nhóm tác phẩm nghệ thuật. Có thể thấy đặc trưng cơ bản và cũng là phương tiện chủ yếu của giễu nhại là sự bắt chước không cân xứng, ở đó đối tượng thấp được trình bày bằng văn phong cao, còn đối tượng cao lại được trình bày bằng văn phong thấp. Mâu thuẫn về sự khập khiễng này là cơ chế làm bật lên tiếng cười.

 

  1. Quan niệm

“Nhại” là sự bắt chước một cách hài hước đối với một nhóm tác phẩm nghệ thuật. Nhại thường được xây dựng trên sự không tương xứng rõ rệt giữa bình diện văn phong và bình diện đề tài của hình thức nghệ thuật”1. Từ điển Văn học cũng định nghĩa nhại là “một thể văn châm biếm dùng sự bắt chước để chế giễu”, là sự “bắt chước, xuyên tạc nguyên mẫu”2… Có thể thấy đặc trưng cơ bản và cũng là phương tiện chủ yếu của giễu nhại là sự bắt chước không cân xứng, ở đó đối tượng thấp được trình bày bằng văn phong cao, còn đối tượng cao lại được trình bày bằng văn phong thấp. Mâu thuẫn về sự khập khiễng này là cơ chế làm bật lên tiếng cười.

Trong phú Nôm, thủ pháp giễu nhại được tập trung ở khu vực phú trào phúng. Thống kê 42 bài trong Phú Nôm của Vũ Khắc Tiệp3, chúng tôi thấy có 57 trường hợp giễu nhại được sử dụng ở 12/32 bài phú có cảm hứng hài hước châm biếm (trong 10 bài không mang cảm hứng này chỉ xuất hiện một trường hợp giễu nhại). So sánh với các thủ pháp sử dụng từ láy và tục ngữ, giễu nhại chiếm một vị trí khiêm tốn, nhưng hiệu quả nghệ thuật của nó lại không nhỏ. Đối tượng hướng vào chủ yếu là các hiện tượng đời sống dung tục như tệ hút thuốc phiện (28 trường hợp), tệ đánh bạc (3 trường hợp), học trò lười dốt (2 trường hợp), thầy đồ dốt (6 trường hợp), thế tục (1 trường hợp), sinh thực khí phụ nữ (2 trường hợp), người dại (4 trường hợp), nhà nho tài tử nghèo (9 trường hợp), thiên nhiên (2 trường hợp). Hình thức giễu nhại đa phần là tập cổ, chất liệu để nhại được lấy từ điển tích, điển cố, thi liệu Trung Hoa, mượn chữ Hán và các quan niệm của Nho gia. Phần còn lại dùng hình thức tập tục ngữ và một số các yếu tố khác.  

2. Giễu nhại bằng tập cổ

Như trên đã nói, đặc trưng cơ bản của giễu nhại là sự bắt chước không cân xứng. Hình thức giễu nhại tập cổ thường trình bày đối tượng thấp bằng văn phong ca, trình bày cái phi chính thống bằng cái chính thống. Chúng tôi thống kê được 46/57 trường hợp dùng chất liệu văn học Trung Hoa để ví với các hiện tượng đời sống dung tục. Trong 46 trường hợp đó có 22 trường hợp tập kinh điển. Việc giễu nhại tập trung bằng kinh điển và chữ Hán có liên quan mật thiết đến hệ tư tưởng Nho giáo và văn chương cử tử. Bản thân là học trò, các tác giả đã có sẵn vốn liếng nhất định về thơ văn chữ Hán và kinh điển Nho gia – lĩnh vực được coi là quan phương chính thống, gắn liền với tầng lớp thống trị phong kiến, mang tính nghiêm túc, trang trọng, cao nhã. Đã là học trò học đạo thánh hiền thì không được phép dùng chữ thánh hiền để nhại. Cái cho phép thi sĩ vượt qua giới hạn đó là quan điểm thực học trong Nho học và sự bung nổ mẫu thuẫn giai cấp ở xã hội Việt Nam thế kỷ VVIII – XIX. Nhà nho nhìn thấy cái đạo mà mình noi theo đã không đảm bảo cho họ một cuộc sống yên ổn cả về tinh thần lẫn vật chất, lại không phù hợp với xã hội mới. Nói cách khác, họ nhìn thấy “tấn hài kịch” trong giai đoạn cuối cùng của ý thức hệ phong kiến. Cơ chế làm bật lên tiếng cười ở đây cũng là kết quả của sự nhận thức đó.   

Kinh sử bao giờ cũng là phần được tập trung giễu nhại. Để phê phán kẻ nghiện thuốc phiện, Ngô Điền 8 lần trích từ Kinh ThiKinh DịchLuận ngữ đến cổ thi, Đường thi … Đây là bài phú có nhiễu giễu nhại nhất (28 trường hợp):

“Rặt những khách dương xuân yên cảnh, rủ nhau bỉnh chúc dạ du; nguyên những người cố quốc tha hương, nghi ngút cũng hóa công đào chú”

Thuốc phiện phú

“Dương xuân yên cảnh” không phải là cảnh đẹp mùa xuân trong thơ Lý Bạch (“Dương xuân triệu ngã dĩ yên cảnh” – mùa xuân mời ta lấy cảnh đẹp) mà là khói thuốc phiện. “Bỉnh chúc dạ du” không được dùng để chỉ nỗi tiếc thời gian qua mau trong cổ thi (“Trú đoản nhược dạ trường, hà tất bỉnh chúc du” – ngày ngắn mà đêm dài, sao không cầm đuốc đi chơi?) mà chỉ dân nghiện chong bàn thâu đêm suốt sáng. Rồi tiếng hút thuốc như tiếng đàn Bá Nha (“xe tới miệng dường như Bá Tử, đưa một cung cho rền rĩ sang sừ”), khói thuốc phiện tựa khói lò rèn của thợ trời (“nghi ngút cũng hóa công đào chú”), khi say thuốc thì “dáng hung hăng như quân tử tự cường”, khi nằm bên cạnh bàn đèn thì “hình dong tựa anh hùng tương ngộ” … Những tư tưởng cao siêu của thánh nhân, quân tử cũng được lấy ra để diễn tả tính cách góp nhóp bòn mót của con nghiện:

“Rơ rác nhặt từng ly từng tý, miệng lâm râm cho biết chữ thánh nhân vô; giàu sang khi dù có dù không, bụng thổn thức cũng bền gan quân tử cố.”

Thuốc phiện phú

Cổ nhân nói “thánh nhân vô khí vật” (thánh nhân không vật gì là bỏ đi) để chỉ bậc thánh nhân thông thái hiểu rõ được cái lý của muôn vật, vật gì cũng có chỗ dùng được. Luận ngữ viết: ”quân tử cố cùng” (người quân tử bền giữ lúc cùng quẫn) để nói dũng khí của người quân tử. Tiếng cười bật ra ở mâu thuẫn của sự đối xứng không tương xứng này: một thứ ở hàng tối cao, một thứ thuộc hạng tận cùng. Cái đích tiếng cười nhằm vào không chỉ là phê phán đối tượng nghiện hút mà còn là giễu nhại giáo lý tư tưởng Nho gia. Người đọc nhận ra trong cái không tương xứng về mặt vị trí có sự tương xứng về mặt giá trị: sách vở thánh hiền chẳng qua cũng vô tích sự như bọn nghiện thuốc phiện mà thôi! Mặt trái của cái quan phương cao cả được mở ra. M.Bakhtin khi nghiên cứu tiếng cười giễu nhại của Rabelais cũng thấy rằng nó được xây dựng từ “phía bên kia của tất cả những gì là chính thống” 4. Thủ pháp giễu nhại đến đây hoàn tất nhiệm vụ của mình.

Các điển tích cũng có vai trò trong giễu nhại. Để cười kẻ ngây, Phan Văn Ái dùng hai điển tích. Chỉ người dại tâm thái luôn ngơ ngẩn thì lấy tích Cơ Tử can vua Trụ không được bèn giả cách ngẩn ngơ. Chỉ người dại hay đi lang thang thì lấy điển Tăng Điểm không màng danh lợi chỉ thích cùng bọn đồng quán tắm sông hóng mát:

“Ý giận kẻ độc phu ngang ngược tiếc cơ đồ mà giả cách ngẩn ngơ; hay quen phường đồng quán vui chơi, mảng phong cảnh mà nên chiều mê mải”

Dại phú

Các điển tích mô tả đối tượng nhà nho tài tử nghèo được tập trung trong Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát và Hàn nho phong vịnh phú của Nguyễn Công Trứ. Cảnh sống hàn nho được cụ Thượng thi vị hóa thế này:

“Ngày ba bữa bụng vỗ rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no; đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.”

Tưởng là hàn nho cũng coi khinh vật chất như sách dạy (Luận ngữ: “quân tử thực vô cầu bão”) ai dè vì không đủ ăn. Tưởng thời đại thái bình như thời vua Thuấn vua Nghiêu, ai ngờ trong nhà chẳng có gì cho kẻ gian nhòm ngó. Dưới con mắt của Cao Bá Quát, cuộc đời tài tử toàn những “áo Trọng Do bạc phếch”, “cơm Phiếu Mẫu hẩm sì”; khổ cực đến “xanh mắt Di”, “bạc đầu Lã”. Sự hạ bậc thánh hiền ở các nhà nho tài tử này chỉ dừng ở mức độ hài hước châm biếm nhẹ nhàng, không nhằm ý phê phán đả kích. Giễu nhại Nho gia và giễu nhại chính mình, đó là nét cơ bản của tiếng cười trong phú tự trào. 

3. Giễu nhại bằng các chất liệu khác

Bên cạnh việc tập cổ, thủ pháp giễu nhại còn dùng chất liệu tục ngữ và lối so sánh ngầm với các hiện tượng khác. Đáng chú ý là những chất liệu dân tộc. Đây là một câu cách cú tả cảnh nhà nhơ nhếch của con nghiện:

“Cơn gió đến ngọn đèn bay phấp phới, trên ơn nhờ thiên tử chở che cho; lúc đông hàn đầu gối dịp dung chơi, dưới bếp sẵn anh hùng dành để đó.”

Thuốc phiện phú

Thấp thoáng trong đó câu ca cười ẩn dụ việc ngủ ổ rơm đắp chiếu của Nguyễn Công Trứ đã được lưu truyền trong dân gian:

“Ba vạn anh hùng đè xuống dưới

Chín lần quân tử đắp lên trên”

“Anh hùng” chỉ rơm rạ (thành ngữ “anh hùng rơm”). “Thiên tử” lấy từ chữ “thiên tử chiếu”, tờ chiếu vua ban lại đồng âm với manh chiếu nhà nghèo! Hay hình ảnh thầy đồ được Nguyễn Tiến Đức ngầm ví với “thần Kiêu Kị”, “bụt Nam Sang”. Những thần những bụt, tưởng là sang trọng, kính cẩn nhưng thực ra là nhà nghèo quá nên phải đến chùa ăn vụng lễ, chẳng từ thứ gì cả (Thầy đồ ngông phú).

Giễu nhại cái tục và bằng yếu tố tục xuất hiện 4 lần ở hai bài Ngã ba Hạc phú của Nguyễn Bá Lân và Xem cờ để mãnh phú của Nguyễn Hổ Trừu. Những trường hợp như thế này không nhiều nhưng đã góp phần tạo cho giễu nhại các sắc thái cười phong phú.

Ở Ngã ba Hạc phú, Nguyễn Bá Lân mượn tích vua Tống vua Nghiêu để ỡm ờ nói chuyện nam nữ:

“Trên lọ phải vén quần vua Tống” …

“Dưới cũng vỗ bụng giời Nghiêu” …

Theo Tống sử, vua Tống Thái Tổ thấy dân đói rét thì xắn xiêm, dấn chân xống nước để cứu lấy (“kiến dân cơ hàn, tắc kiển thường nha túc dĩ cứu chi”); đời vua Nghiêu có ông lão vỗ bụng mà hát, ý chỉ cảnh thái bình.

Các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định bài phú này là “điềm báo” về hiện tượng Hồ Xuân Hương. PGS.TS Trần Nho Thìn còn tìm thấy ở đây khá nhiều môtip cơ bản mà bà chúa thơ Nôm thường sử dụng như môtip tam giác, hang động, bãi cỏ, chày kình, dùi trống, lom khom, ngâm nước… Ý nghĩa của Ngã ba Hạc phú không chỉ bó hẹp trong thể hiện một cảm hứng mới của thể phú mà còn là thể hiện cảm hứng mới với cả nền văn học trung đại Việt Nam.

Nếu như Nguyễn Bá Lân mượn ngã ba sông thì Nguyễn Hổ Trừu thong qua việc chơi cờ nhưng trực tiếp hơn rất nhiều. Xem cờ để mãnh phú kể về một lớp học vắng thầy nên học trò rủ nhau chơi cờ, có cô hàng xóm sang xem, mải mê việc nước” nên “hớ hênh của nhà”:

“Đá sỏi gan gà, nhược phá giao chân chi mã; mộc lừa mai bản, kinh hồi chọc rách chi xa”.

Còn đám học trò thì: “Tướng chực thượng lên, pháo toan lác cạnh”.

Hoạt cảnh này lại được đặt trong môi trường lớp học cho nên càng có tính hài hước. Hài hước bởi giữa nơi chính thống lại xuất hiện cái bị coi là phi chính thống. Văn chương, chữ nghĩa, nhưng khuôn vàng thước ngọc của Nho gia đã bị phá vỡ chỉ bởi một thứ duy nhất thường bị coi là tục tĩu. Không những học trò cứ khúc khích, rúc rich, mặc kệ bài giảng của thầy mà chính thầy đồ, khi nghe học trò kể lại, cũng:

“Tiên sinh nghe rồi, nãi mỉm kì môi

Nãi vỗ kì đùi, nãi quẳng kì roi

Vị nhiên thán viết:

Ối giời ôi! Ối đất ơi! Thế mà hôm qua không có tôi!”

Những mâu thuẫn liên tục được đặt ra bằng thế đối lập giữa đạo đức Nho gia với đối tượng “trần tục” đang được quan tâm của đám người truyền bá và tiếp thu chính đạo đức đó. Bài phú hơn 200 chữ, một nửa mô tả cái “của nhà hớ hênh”, nhưng có lẽ dụng công của Nguyễn Hổ Trừu lại đặt ở hình ảnh cuối cùng trong bài:hình ảnh một ông thầy tiếc hùi hụi bởi không ở nhà để “mục sở thị” cái cảnh có một không hai ấy! Lớp vỏ “tiên sinh đường bệ, đa hữu tể tể” rơi xuống, tiếng cười vang lên, hài hước, vui vẻ và châm biếm. Sự phá vỡ ảo tưởng về khách thể (căng) – ông thầy - ở đây không mang ý ngĩa phủ định mà mang ý nghĩa khẳng định tự do ngôn luận của nhân dân.  

Không giống như “số phận” của thể phú, thủ pháp giễu nhại này sau vẫn tiếp tục phát triển trong văn thơ cận hiện đại. Trong môi trường mới, “sự cười giễu còn có thể được tập trung vào văn phong, hoặc vào đề tài; cả những thủ pháp thi ca khuôn sáo, lạc lõng lẫn những hiện tượng đời sống dung tục”1, nhưng đối tượng cơ bản nhất để giễu nhại thì vẫn là nhân dân, bởi “nhân dân không loại trừ mình khỏi chỉnh thể thế giới lôn luôn chuyển biến. Nhân dân cũng không bao giờ hoàn bị, cũng phải chết đi và sống lại dể đổi mới” 4.

Chú thích

1. Lại Nguyên Ân. 150 thuật ngữ văn học. Nxb ĐHQGHN, H, 1999, tr247.

2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi. Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb ĐHQGHN, H, 2000, tr232.

3. Vũ Khắc Tiệp. Phú Nôm, 2 tập. Vĩnh Hưng Long thư quán xuất bản, H, 1930.

4. Bakhtin.M. Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường Viết văn Nuyễn Du xuất bản, H, 1992, tr148 và 160.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020