Nghiên cứu khoa học

Bối cảnh tri thức và sự hình thành hóa nguyên luận của Lê Văn Ngữ


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Phúc Anh

Lê Văn Ngữ (1860-1934)là một nhà nho Nam Định. Ông để lại nhiều tác phẩm như: Chu Dịch cứu nguyên, Đại học tích nghĩa, Luận ngữ tiết yếu ... Nghiên cứu trường hợp của Lê Văn Ngữ trong Chu Dịch cứu nguyên 周易究原, Nguyễn Phúc Anh hướng đến việc thử nghiệm nghiên cứu bối cảnh tri thức bằng cách nào đã hình thành nên lí thuyết của ông về hóa nguyên.

Nghiên cứu bối cảnh tri thức (study of intellectual context) không chỉ nhằm miêu tả, tái hiện ảnh hưởng của những trào lưu tri thức xã hội đương thời lên đối tượng nghiên cứu. Đấy chỉ là khía cạnh xã hội học của nghiên cứu bối cảnh tri thức. Trong một xu hướng khác, người ta nhận ra: luôn luôn tồn tại sự không tương hợp giữa tri thức của thời đại, xã hội và những tri thức mà chủ thể tiếp nhận tiếp nhận được; bởi vậy, nghiên cứu bối cảnh tri thức, một mặt, vừa phải cố gắng chỉ ra những tri thức thời đại, xã hội đã hình thành nên các thành tố tinh thần của đối tượng nghiên cứu như thế nào (chiều hướng bị động); vừa hướng đến việc chỉ ra đối tượng đã sử dụng những thành tố đó như thế nào để xây dựng hệ thống quan niệm, tư tưởng của mình (chiều hướng chủ động). Trên bình diện này, nghiên cứu bối cảnh tri thức là một phần của nghiên cứu ảnh hưởng - tiếp nhận, song nhấn mạnh đến tác động tổng thể của nhiều yếu tố tri thức ngoại cảnh hay tính phức hợp trong tư duy của chủ thể tiếp nhận hơn là ảnh hưởng - tiếp nhận của một thành tố tri thức cụ thể nào đó. Hướng Thế Lăng 向世陵(1) đã đặt vấn đề nghiên cứu ảnh hưởng của Lí học 理學với Lê Văn Ngữ 黎文敔, song Hướng Thế Lăng lại mới chỉ đề cập đến một thành tố trong tư tưởng Lê Văn Ngữ là Lí học và vì vậy, Lê Văn Ngữ trong mắt ông chỉ là một nhà Lí học. Ngoài Lí học ra, rất nhiều diện hướng khác góp phần quan trọng hình thành Dịch học Lê Văn Ngữ lại chưa được xét đến. Nghiên cứu trường hợp của Lê Văn Ngữ trong Chu Dịch cứu nguyên 周易究原, chúng tôi hướng đến việc thử nghiệm nghiên cứu bối cảnh tri thức bằng cách nào đã hình thành nên lí thuyết của ông về hóa nguyên.

1.Dịch - y học và việc hình thành khái niệm hóa nguyên 化元

Trong tâm cảm của những nhà Nho truyền thống thì học vấn không chỉ
khoanh vùng trong phạm vi của kinh điển Nho học, sử học, từ chương, thi phú,… mà y học cũng là một mảng rất quan trọng. Nhà Nho thường cũng là người có kiến thức nhất định về y học, con đường lựa chọn nghề nghiệp của nhà Nho cũng thường là trở thành thầy thuốc. Sở dĩ nhà Nho trọng y học, một phần là do y học có mối quan hệ mật thiết với kinh điển Nho gia, đặc biệt là với Dịch. Nhiều khi Dịch học và y lí hòa lẫn với nhau đến độ rất khó phân tách. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ta thấy khái niệm hóa nguyên được nhà Nho Lê Văn Ngữ vay mượn từ hệ thống khái niệm Dịch - y học Trung Hoa để khởi đầu cho việc xây dựng hệ thống bản thể luận vũ trụ của ông.

Khái niệm hóa nguyên 化元xuất hiện đầu tiên trong “Thiên nguyên kỉ đại luận thiên” của Hoàng đế nội kinh tố vấn(2). “Quỷ Du Khu viết: ‘Thần tích khảo Thái thủy thiên nguyên sách, văn viết: ‘Thái hư liêu quách, triệu cơ hóa nguyên, vạn vật tư thủy, ngũ vận chung thiên” 鬼臾區曰: 臣積考《太始天元册》, 文曰: 太虚廖廓, 肇基化元, 萬物資始, 五運終天 (Quỷ Du Khu trả lời Hoàng đế rằng: “Thần khảo cứu kĩ Thái thủy thiên nguyên sách, thấy sách đó viết rằng: “Thái hư mênh mông, là cơ sở cho sự hóa nguyên, vạn vật dựa vào đó mà nảy sinh và phát triển, ngũ vận từ đó mà tìm thấy được điểm để quy về”).

Sau này Trương Giới Tân 張介賓(1563 - 1640), một danh y đời Minh, khi dựa trên Hoàng đế nội kinh tố vấn và Hoàng đế nội kinh linh xu 黃帝內經靈樞 để biên soạn Loại kinh 類經(3), ông đồng thời cũng làm chú giải luôn cho đoạn văn tự này. Theo Trương Giới Tân, Thái thủy thiên nguyên sách là tên một quyển sách của thời kì Thái cổ, ghi chép về nguồn gốc của trời. Và khái niệm hóa nguyên ở đây được ông giải thích là: “Hóa nguyên, tạo hóa chi bản nguyên dã” 化元, 造化之本原也 (Hóa nguyên đó chính là căn nguyên của tạo hóa)(4). Cách giải thích này phù hợp với giải thích của Lê Văn Ngữ ở đầu Hóa nguyên khảo luận 化元考論: “Hóa nguyên giả, tạo hóa chi nguyên dã” 化元者, 造化之原也 (Hóa nguyên, đó là gốc của tạo hóa)(5). Điều này cho thấy: hẳn Lê Văn Ngữ đã tham khảo Hoàng đế nội kinh hoặc Loại kinh, những sách được người Trung Quốc coi là kinh điển về y học của họ để viết Chu Dịch cứu nguyên. Điều đó dễ hiểu vì những quyển sách này rất phổ biến ở Việt Nam, hơn nữa, lại được viết dựa trên cơ sở kết hợp Dịch học với y học, hai lãnh vực mà Lê Văn Ngữ yêu thích(6).

Dịch - y học là cơ sở để Lê Văn Ngữ xây dựng khái niệm chỉ tên đối tượng bàn luận chính của ông trong Hóa nguyên khảo luận; và lúc này, Hóa nguyên khảo luận là cách Lê Văn Ngữ gọi tên những khảo cứu và bàn luận của ông về căn nguyên của tạo hóa, hay là về những nguyên lí chi phối quá trình sáng tạo thế giới. Còn khái niệm hóa nguyên luận 化元論chính là khái niệm mà chúng tôi đưa ra để chỉ lí luận về bản chất và nguồn gốc của vũ trụ, hay nói cách khác là một vũ trụ luận, sơ khai về mặt khoa học, của người phương Đông.

2.Hai hệ thống lí thuyết và ngộ giải của Lê Văn Ngữ

Lê Văn Ngữ bắt đầu bài luận của mình từ những câu hỏi nảy sinh từ việc tiếp nhận hai hệ thống lí thuyết về khởi nguyên của thế giới. Một hệ thống lí thuyết là sản phẩm tư tưởng phương Đông và một hệ thống lí thuyết khác là sản phẩm của khoa học có nguồn gốc từ phương Tây. Khi soi chiếu và suy ngẫm về hai hệ thống này, Lê Văn Ngữ tỏ ra băn khoăn vì những điều mà cả hai hệ thống này chưa giải đáp được cho ông một cách thỏa đáng khiến ông phải đi tìm câu trả lời của mình. Việc tiếp nhận hai hệ thống lí thuyết này, với Lê Văn Ngữ mà nói, là ở những mức độ rất khác nhau. Về hệ thống lí thuyết thứ nhất, ông viết: “亞洲學家曰:《太極是理. 太極果理, 何以能生兩儀?》. 是猶疑而遽斷以無疑者也 - Những học giả châu Á nói rằng: Thái cực chính là lí? Nếu như thái cực quả thực là lí thì cơ chế nào đã khiến cho lí sinh thành lưỡng nghi? Đây là điều mà chúng tôi còn nghi hoặc mà bèn phải chấp nhận nó như một điều không có gì phải nghi ngờ cả”(7).

Quan điểm đồng nhất thái cực với lí là quan điểm được thừa nhận bởi truyền thống tư tưởng Trình - Chu(8); câu văn “Thái cực đấy chính là lí” 太極, 理也xuất hiện đi xuất hiện lại trong nhiều trứ tác từ đời Tống trở về sau như Thiên nguyên phát vi 天原發微(9), Dịch nguyên áo nghĩa - Chu Dịch nguyên chỉ 易源奧義 - 周易原旨(10), Dịch tượng ý ngôn 易象意言(11), Văn Công Dịch thuyết 文公易說(12), Chính mông sơ nghĩa正蒙初義(13), Chu Tử ngữ loại 朱子語類(14), Tính lí đại toàn thư 性理大全書(15),… Lúc này, “Thái cực chỉ là một tên gọi khác của lí mà thôi” 太極理之別名耳(16). Trong quan điểm của Tống Nho, “Thái cực đó chính là lí vậy. Bởi vì nó là đạo lí tối cao, không gì có thể trên nó được cho nên người ta mới gọi nó là thái cực” 太極, 理也. 道理最大無以復加, 故曰: 太極(17). Khái niệm lí trong quan điểm của Trình - Chu và đồng thời là khái niệm lí được Lê Văn Ngữ nói đến ở đây chính là “thiên lí” 天理, bản thể tối cao - duy nhất, và là yếu tố chi phối quá trình sinh hóa của vũ trụ. Sự đồng nhất thái cực với lí của những “học giả châu Á” khiến cho Lê Văn Ngữ băn khoăn đi tìm lời giải: nếu như lí là duy nhất và tối cao, là bản thể của vũ trụ thì cơ chế nào để nó sinh ra được lưỡng nghi? Quá trình từ thái cực sinh ra lưỡng nghi cụ thể diễn ra như thế nào? Đây là câu hỏi có tính định hướng cho những tìm tòi của Lê Văn Ngữ về sau.

Mặt khác khi tiếp xúc với hệ thống lí thuyết thứ hai là những quan điểm lí giải về vũ trụ luận (cosmology) phương Tây, Lê Văn Ngữ cũng không tìm được lời giải thỏa đáng. Ông viết: “歐洲學家曰:《渾淪是火》, 但未知兩儀未生, 則熱如火; 鴻荒已判, 又何能冷如冰. 是闕疑而待以質疑者也 - Những học giả châu Âu nói rằng: “Khi còn hỗn độn thì tất cả là lửa (hỏa)”, song họ lại không biết nguyên nhân tại sao: khi lưỡng nghi chưa được sinh ra, thì vũ trụ vốn nóng như lửa; đến lúc hồng hoang đã chia ra đất, trời thì vũ trụ lại có thể trở thành lạnh như băng? Đây là điều vẫn còn khuyết nghi chờ có người nghi vấn mà tìm lời giải đáp”(18).

Theo như Ngô Vĩ Minh (Wai-Ming Ng, 吳偉明) viết trong “Yijing Scholarship in Late Nguyen Vietnam: A Study of Le Van Ngu’s Chu Dich cuu nguyen (A Investigation of the Origins of the Yijing, 1916)” (Thành tựu học thuật về Kinh Dịch ở giai đoạn cuối thời Nguyễn của Việt Nam: Một nghiên cứu về Chu Dịch cứu nguyên (Tìm hiểu về Nguồn gốc của Kinh Dịch) của Lê Văn Ngữ, 1916)(19), thì Lê Văn Ngữ có biết đến “Học thuyết về bốn yếu tố” của Aristotle và Lê Văn Ngữ cho rằng học thuyết về bốn yếu tố này không hay bằng học thuyết về ngũ hành của người phương Đông. Đây là một kết luận không hẳn đã chính xác. Nguyên văn những phân tích của Ngô Vĩ Minh như sau:

“Lê Văn Ngữ đã sử dụng những quan niệm về thái cực và học thuyết âm dương ngũ hành, được gửi gắm trong những đồ hình của Kinh Dịch, để nói về nguồn gốc của vũ trụ và để phê phán lí thuyết về sáng thế của phương Tây cùng Thiên Chúa giáo. Ông nói rằng nếu như người ta đọc Kinh Dịch thì ‘họ nên biết: sự kì diệu của Kinh Dịch còn thú vị hơn gấp vạn lần những nguyên lí về súng đại bác, tàu bè, ô tô hay là điện khí của phương Tây”. Lê Văn Ngữ cho rằng những lí luận về năm nguyên tố của Trung Quốc (ngũ hành) thì tốt hơn lí thuyết của phương Tây về bốn nguyên tố trong việc giải thích những nguyên lí về điện, về vật lí và về địa lí”(20).

“Lí thuyết của người phương Tây về bốn nguyên tố chính là học thuyết vật lí của Aristotle, học thuyết coi đất, nước, lửa và không khí như bốn nguyên tố cơ bản của trái đất”(21).

Thực ra quan điểm của Ngô Vĩ Minh, theo chúng tôi, là do việc diễn dịch chưa thực sự chuẩn xác đoạn văn sau trong Chu Dịch cứu nguyên:

“或曰:《後天電化學不及先天, 可得聞歟 ?》. 曰:《泰西電化學家, 均以地中各項礦質, 製成後天技藝, 而以水火木土四氣運用之, 已奇, 不及先天金火之生化, 更奇》”(22).

Ngô Vĩ Minh dịch thành:

“Một ai đó đã hỏi rằng: ‘Tôi từng nghe rằng những nguyên lí về điện và hóa thuộc thế giới vật chất không thể hay bằng siêu hình của chúng ta. Ông có thể giảng giải kĩ hơn về điều này cho tôi được chăng?’. Tôi mới trả lời rằng: ‘Những chuyên gia về điện và hóa học phương Tây sử dụng vật liệu của trái đất để sáng tạo ra những kiến thức và kĩ nghệ thuộc về thế giới vật chất. Sự vận dụng học thuyết về tác dụng tương hỗ của khí (ether hay là vital force) có ở trong nước, lửa, gỗ và đất của chúng ta kì diệu hơn những gì của phương Tây. Những tư tưởng về tác dụng tương hỗ giữa kim loại và lửa của chúng ta cũng là sâu sắc nhất’ ”(23).

Theo quan điểm của chúng tôi nên dịch đoạn văn của Lê Văn Ngữ như sau:

“Có người nói rằng: ‘Những thứ hậu thiên hóa, điện học không thể bằng những thứ tiên thiên, ông có thể cho biết ý kiến của ông về vấn đề này không?’. Trả lời rằng: ‘Những nhà điện hóa học người phương Tây đều sử dụng các loại khoáng chất có trong đất để chế thành những thứ kĩ nghệ hậu thiên, đồng thời sử dụng các nguyên lí của bốn khí thủy hỏa thổ mộc để vận hành sử dụng chúng, điều đó cũng đã là kì lạ, càng kì lạ hơn là họ không hề nói đến sự sinh hóa của kim hỏa tiên thiên’”.

Theo diễn dịch của chúng tôi thì ở đoạn văn này, Lê Văn Ngữ hình dung và miêu tả những tri thức phương Tây bằng các khái niệm của Dịch học phương Đông. Ông hình dung người phương Tây sử dụng những đồ khoáng chất có trong đất (yếu tố kim trong ngũ hành) để chế thành những thứ hậu thiên, và ứng dụng những nguyên tắc của thủy, hỏa, thổ, mộc để vận hành và sử dụng chúng. Hoàn toàn không có ảnh hưởng của học thuyết Aristotle ở đây. Hơn nữa bốn yếu tố cấu thành nên thế giới mà Aristotle đề cập đến là đất (earth), nước (water), lửa (fire) và không khí (air) chứ không phải là thủy, hỏa, thổ, mộc như những gì Lê Văn Ngữ viết(24). Aristotle và học thuyết của ông được những giáo sĩ truyền giáo giới thiệu ở Trung Quốc, một trong những quyển sách đầu tiên giới thiệu học thuyết về bốn nguyên tố của Aristotle ở Trung Quốc là Càn khôn thể nghĩa 乾坤體義 (viết năm 1607) của giáo sĩ người Ý Matteo Ricci‎ (1552 - 1610)(25). Bốn yếu tố đó đã được Matteo Ricci Hán hóa dưới tên gọi là Tứ hành 四行(26). Ở quãng những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX thì tứ nguyên thuyết của Aristotle đã ít được để ý đến vì triết học Khai sáng tỏ ra có sức hút với những trí thức trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ hơn.

Không có dấu vết gì trong Chu Dịch cứu nguyên cho thấy Lê Văn Ngữ chịu ảnh hưởng của Tứ nguyên thuyết Aristotle, vậy thì vũ trụ luận phương Tây nào đã được Lê Văn Ngữ miêu tả là: “khi còn hỗn độn thì tất cả là lửa (hỏa)” và bị Lê Văn Ngữ phê phán vì nó không thể giải thích được nguyên nhân tại sao khi Lưỡng nghi còn chưa được sinh ra thì vũ trụ vốn nóng như lửa, đến khi hồng hoang đã chia ra đất trời thì vũ trụ lại có thể trở thành lạnh như băng? Vào khoảng thời gian mà Chu Dịch cứu nguyên ra đời(27), có lẽ không còn ai truyền bá quan điểm của Aristotle về vũ trụ như chân lí khoa học nữa; những thuyết về vũ trụ phương Tây ra đời sau này và có ảnh hưởng ở thời kì đó như thuyết của Isaac Newton (1642-1727), Bernhard Riemann (1826-1866), Ernst Mach (1838-1916),… cũng không còn hình dung vũ trụ như được tạo thành từ các yếu tố vật chất cụ thể là nước, lửa, gió hay là gỗ như vũ trụ luận Aristotle nữa, họ đi sâu vào nghiên cứu các nguyên lí vận hành của vũ trụ, giải thích các hiện tượng vũ trụ như lỗ đen, sao chổi, tìm kiếm sự tồn tại của những thiên hà xa xôi...(28) Mặt khác, Lê Văn Ngữ trong thiên “Nhất Thái cực khảo” 一太極考của Phụ tra tiểu thuyết 附槎小說có viết: “泰西博物家所謂淪渾之氣, 未分天地之前, 似雲非雲, 似霧非霧者也”(29) - Cái mà những nhà khoa học phương Tây gọi là cái khí hỗn mang, sinh ra từ lúc trời đất còn chưa được phân tách, có hình dạng giống như những đám mây mà thực ra không phải là mây, tựa như là sương mù mà không phải là sương mù”.

Không thể biết chắc Lê Văn Ngữ miêu tả học thuyết về vũ trụ nào, song chúng tôi ngờ rằng đây là trường hợp ngộ giải (misinterpret) của Lê Văn Ngữ với một thuyết vũ trụ luận hiện đại nào đó mà ông được nghe qua, và lí thuyết này nói về việc trái đất hình thành từ những đám mây bụi vật chất với nhiệt độ cao. Lê Văn Ngữ không hiểu được bản chất của những hiện tượng đó, ông nhìn chúng bằng nhãn quan của học thuyết ngũ hành và lí giải những đám bụi vật chất với nhiệt độ cao đó là lửa (hỏa), một yếu tố của ngũ hành, để rồi triển khai toàn bộ hệ thống lập luận tiếp sau trên sự ngộ giải của mình. Hiện tượng ngộ giải này không phải là hiếm gặp trong Chu Dịch cứu nguyên.

Như vậy Lê Văn Ngữ đã đưa ra hai băn khoăn của mình, mà việc giải quyết những băn khoăn này sẽ định hình hóa nguyên luận của ông. Băn khoăn thứ nhất, thái cực là lí thì làm sao để nó có thể sinh ra được lưỡng nghi? Quá trình từ thái cực sinh ra lưỡng nghi sẽ diễn ra cụ thể thế nào? Băn khoăn thứ hai, khi lưỡng nghi còn chưa được sinh ra, thì vũ trụ vốn nóng như lửa; đến khi hồng hoang đã chia ra thì sao vũ trụ lại có thể trở thành lạnh như băng? Hai băn khoăn đồng thời cũng là gợi ý để Lê Văn Ngữ giải đáp, triển khai những khảo luận của mình về hóa nguyên. Đường hướng giải quyết của ông là sẽ “kết hợp cả hai thuyết của những học giả phương Đông và phương Tây lại để xem xét thì điều khuyết nghi có thể trả lời được” 合二說觀之, 則闕疑可也(30). Đến đây ta có thể nói: tinh thần của “Hóa nguyên khảo luận” được hình thành từ hai truyền thống tư tưởng phương Đông và phương Tây. Trong đó truyền thống tư tưởng phương Đông đóng vai trò thống nhiếp và là căn cơ của Lê Văn Ngữ, truyền thống tư tưởng phương Tây vẫn được Lê Văn Ngữ tiếp nhận một cách rất cởi mở, song với nhiều ngộ giải.

3.Đồ Thư - tượng số, y học, lí thuyết phương Tây và điểm khởi đầu của vũ trụ

Đối diện trước những nghi vấn của mình về hóa nguyên, Lê Văn Ngữ hướng đến việc tìm kiếm câu trả lời trong việc chiêm nghiệm Đồ thư 圖書(Hà đồ 河圖 và Lạc thư 洛書) của Nho giáo. Đồ thư thường gắn chặt với tượng số. Mà tượng số học ở Việt Nam được biết đến, một cách phổ biến, thông qua những chú giải của Chu Hi trong hai bộ sách phổ biến đương thời là Chu Dịch bản nghĩa 周易本義và Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn 周易傳義大全(31). Văn bản của Đồ thư cũng xuất hiện và được phân tích kĩ càng trong hai bộ sách này.

Đồ thư được Lê Văn Ngữ cùng nhiều nhà nho Trung Quốc cũng như Việt Nam coi là những hình vẽ chuyên chở quan điểm về khởi nguyên vũ trụ. Theo Lê Văn Ngữ, Đồ thư có nguồn gốc từ Phục Hi: “伏羲氏作, 仰觀象于天, 俯觀法于地, 中觀萬物於人. 見氣行數從, 遂於氣數中而推出天地生成之理, 圖書象數于是起焉”(32) - Khi Phục Hi xuất hiện, ông ngẩng mặt lên trời quan sát những hình tượng có trên bầu trời, cúi đầu để quan sát trật tự của mặt đất, ở giữa khoảng trời đất ông quan sát vạn vật xung quanh con người, nhận thấy rằng khi khí vận hành thì số cũng vận hành theo, vì thế mà ông rút ra được từ trong sự vận động của khí số cái lí của sự sinh thành trời đất; tượng số của Hà đồ và Lạc thư bắt đầu từ đấy”.

 

Và trên niềm tin rằng Đồ thư là nơi gửi gắm những bí mật về khởi nguồn của tạo hóa, Lê Văn Ngữ đã bắt tay khảo luận những thành tố của Hà đồ và Lạc thư để hình thành lí luận của mình về hóa nguyên. Hai mô hình Hà đồ và Lạc thư được Lê Văn Ngữ sử dụng để tiến hành giải thích là mô hình Hà đồ, Lạc thư dưới đây:

Để đi sâu vào lí giải Đồ thư, Lê Văn Ngữ bắt đầu bằng con số 5 ở vị trí trung tâm của cả Hà đồ lẫn Lạc thư. Con số 5 được mô hình hóa bằng hình vẽ với năm chấm tròn màu trắng:

 

 

 

Trong lịch sử Dịch học, con số 5 thường được hiểu như biểu tượng của Thái cực, quan điểm này thực sự không mới mẻ. Chu Tử đồ thuyết朱子圖說của sách Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn 周易傳義大全cũng viết như vậy: “Con số 5 của Lạc thư cũng là biểu hiện của Thái cực” 其中五則亦太極也(33). Ngọ đình văn biên một trứ tác của Trần Đình Kính 陳廷敬 đời Thanh bàn kĩ hơn về vấn đề này:

“卦始於畫, 畫始於數, 數何自始乎 ? 始於河圖而中五者, 河圖之數所由以始也. 盖中五者, 太極也, 陰陽合而未分而巳. 具陰陽之數矣. 何也 ? 陽數三, 陰數兩, 三兩五也而中五具焉. 故數雖有五而合於一所謂太極也”.

“Các quẻ thì bắt đầu từ những nét vạch, những nét vạch bắt đầu từ những con số, các con số thì bắt đầu từ đâu? Chính là bắt đầu từ Hà đồ và con số 5 nằm ở trung tâm vậy; các số của Hà đồ đều bắt đầu từ đó. Vì vậy con số 5 nằm ở trung tâm đấy chính là thể hiện của Thái cực vậy, đấy là trạng thái âm dương còn gắn kết và chưa được phân tách mà thôi”(34).

Lê Văn Ngữ viết:

“今試以圖書中五觀之, 天一居中, 地四成之, 而火位金鄉, 果見其交會於五土焉. 有中形外, 所以圖書金火交錯於西南, 而天地曰生之大德, 無不安排於對待生克之中”

“Nay thử lấy con số 5 trong Hà đồ và Lạc thư để mà xem xét, số trời là số 1, nằm ở vị trí trung tâm, số đất là số 4 kết hợp với số 1 để hình thành nên con số 5 ấy; và tác động qua lại giữa hành hỏa và hành kim (hỏa vị kim hương), quả thực người ta có thể thấy qua sự giao hội của chúng ở con số 5, con số thuộc về hành thổ. Những gì nằm ẩn sâu bên trong sẽ thể hiện ra ở bên ngoài, cho nên trong Hà đồ và Lạc thư thì hai yếu tố kim và hỏa giao cắt với nhau ở phía Tây Nam và cái đại đức sinh hóa không ngừng của đất trời không gì là không được an bài trong sự sinh khắc lẫn nhau của hai yếu tố đấy”(35).

Trong quan niệm về số của Dịch thì “nếu như trời là số 1 thì đất là số 2, trời là số 3 thì đất là số 4, trời là 5 thì đất là 6, trời là 7 thì đất là 8, trời là 9 thì đất là 10” 天一地二, 天三地四, 天五地六, 天七地八, 天九地十(36). Theo đó: số của trời là các số 1, 3, 5, 7, 9. Số của đất là những số 2, 4, 6, 8, 10. Theo Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn thì “sự kết hợp giữa năm số đầu và năm số cuối này sẽ sinh thành ra công hiệu của âm dương, sự biến hóa của vạn vật và sự phát dụng của quỷ thần” 二五合而成陰陽之功, 萬物變化, 鬼神之用也(37). Những con số này, với nhà Nho mà nói, ẩn chứa trong nó quy luật vận động của đại tự nhiên chứ không chỉ là những con số biểu thị số lượng của những hạt tròn trắng đen trên Hà đồ và Lạc thư.

Theo quan điểm được biết đến và thừa nhận rộng rãi của trường phái tượng số trong Dịch học, những con số của Hà đồ và Lạc thư có mối quan hệ mật thiết với ngũ hành. “Những con số đấy là những con số đã sinh thành ngũ hành. Thiên số là 1 sinh ra thủy, địa số là 2 sinh ra hỏa, thiên số là 3 sinh ra mộc, địa số là 4 sinh ra kim, thiên số là 5 sinh ra thổ” 此乃五行生成之數也. 天一生水, 地二生火, 天三生木, 地四生金, 天五生土. 此其生數也(38). Trong đó, “Con số 1 và 6 ứng với hành thủy, 2 và 7 ứng với hành hỏa, 3 và 8 ứng với hành mộc, 4 và 9 ứng với hành kim, 5 và 10 ứng với hành thổ” 水一六, 火二七, 木三八, 金四九, 土五十(39). Lê Văn Ngữ cũng thừa nhận mối quan hệ giữa ngũ hành và những con số theo quy tắc trên. Điều này thể hiện rất rõ trong những gì ông viết ở “Đồ thư tiền luận” của Chu Dịch cứu nguyên(40).

Khi lí giải về con số 5, “Chu Tử đồ thuyết” đưa ra một khẳng định được thừa nhận rộng rãi rằng con số 5 đó là sự kết hợp giữa số 3 (số trời) và số 2 (số đất): “Cái gọi là ‘Tam thiên lưỡng địa’ là chỉ việc con số 3 và con số 2 kết hợp lại với nhau để thành con số 5 vậy. Đấy chính là lí do mà trong những con số của Hà đồ và Lạc thư, người ta coi con số 5 là con số trung tâm” 所謂參天兩地者也, 三二之合則為五矣. 此河圖洛書之數, 所以皆以五為中也(41). Con số 5 này “thể hiện sự giao hội của hai khí âm dương, là trung tâm của trời đất” 此所謂隂陽之會, 天地之心也(42). Điều khiến chúng tôi băn khoăn là tại sao trong những trình bày trên của Lê Văn Ngữ, con số 5 lại được hiểu là kết quả của sự kết hợp giữa con số 1 (thiên nhất) - theo ông nó được biểu thị bằng chấm trắng nằm ở giữa của Hà đồ, Lạc thư - và con số 4 (địa tứ) - được biểu thị bởi bốn chấm trắng nằm ở xung quanh - mà không phải là sự kết hợp giữa 3 (thiên tam) và 2 (địa nhị)? Truyền thống Dịch học ít khi chấp nhận cặp số thiên nhất - địa tứ bởi cặp số này là cặp số “không thể phối hợp với bất kì quẻ nào trong Bát quái(43) (hay nằm ngoài Bát quái(44)), đồng nghĩa với nó là không có khả năng sinh hóa nếu kết hợp với nhau; cho nên người ta không hay sử dụng cặp số này để nói về đặc tính của con số 5 vốn biểu tượng cho Thái cực với năng lực sinh hóa mạnh mẽ.

Lê Văn Ngữ hẳn biết cách phân chia của ông là không phù hợp với Dịch học truyền thống. Vậy thì thực chất điều gì đã khiến ông theo đuổi cách thức phân chia đó? Việc miêu tả số 5 là sự kết hợp của 1 và 4 chứ không phải là 3 và 2 cho thấy Lê Văn Ngữ hẳn đã nhận ra năng lực sinh hóa trong sự kết hợp giữa 1 và 4, cái mà Dịch học truyền thống không nhận ra.

Dịch học truyền thống thường gắn số 1 với hành thủy(45), vì vậy “thiên nhất sinh thủy” 天一生水và thủy thường được giải thích như yếu tố căn bản nhất, khởi đầu cho ngũ hành. “Thiên nhất” là ứng với thủy. Niềm tin đầy ngộ giải vào vũ trụ luận phương Tây đã khiến Lê Văn Ngữ khẳng định rằng khởi đầu vũ trụ là lửa (hỏa) chứ không phải là nước (thủy) và con số 1 nằm ở vị trí trung tâm của Hà đồ và Lạc thư (thiên nhất cư trung 天一居中) ở đây chính là thể hiện của hỏa. Song nếu khẳng định con số 1 nằm ở vị trí trung tâm là hỏa thì Lê Văn Ngữ sẽ phải lí giải ra sao về đồ hình số 2 và số 7: trong Hà đồ và trong Lạc thư vốn được coi là đồ hình của hỏa? Chỉ cần thay đổi giá trị của một con số, hệ thống tượng số gắn với Đồ thư và ngũ hành có nguy cơ bị đảo lộn. Đây là lúc mà y học cổ truyền đã gợi ý cho Lê Văn Ngữ cách thức để giải quyết tình huống lí thuyết này, ông sử dụng khái niệm chân hỏa để chỉ con số 1 nằm ở vị trí trung tâm của Đồ thư phân biệt với khái niệm hỏa được đồ hình bằng số 2 và số 7.

Lê Văn Ngữ viết:

“先天之空氣者, 太極也. 太極者, 乃圖書中天一之真火也.火本無形, 無所麗是太極, 有所麗則為渾淪- Cái thứ không khí tiên thiên đấy chính là thái cực, thái cực đó chính là cái chân hỏa nằm trong thiên nhất của Hà đồ và Lạc thư. Hỏa vốn không có hình thù, nếu không có chốn để thể hiện thì nó chính là thái cực, nó có chốn để thể hiện ra thì đấy chính là trạng thái hỗn mang nguyên sơ”(46).

Theo như những tài liệu mà chúng tôi có được, khái niệm chân hỏa (hỏa chân thực, hỏa bản thể) được dùng phổ biến trong thư tịch y học và xuất hiện lẻ tẻ trong thư tịch Dịch học và Đạo giáo đời Tống(47) rồi được dùng phổ biến trong thư tịch y học, Dịch học các đời Kim - Nguyên - Minh trở về sau(48). Trong y học thì chân hỏa là để chỉ hỏa mệnh môn (vị trí nằm giữa hai quả thận). Về mặt này thì “Mệnh môn chân hỏa thiên” 命門真火篇 của Hoàng đế ngoại kinh 黃帝外經, một y thư còn nhiều nghi ngờ về nguồn gốc và thời điểm ra đời, đã đưa ra những nhận xét chung nhất có tính tổng kết: “Mệnh môn là hỏa vậy, đó là một khí có thực song vô hình, vị trí nằm ở giữa hai quả thận, có thể sinh ra thủy và nằm ẩn tàng trong thủy” 命門, 火也, 無形有氣, 居兩腎之間, 能生水而藏于水也(49)… “Mệnh môn có liên quan chặt chẽ đến sự sinh tử của con người” 命門之繫人生死甚重(50). Cũng theo như quyển sách này thì những quan điểm về vị trí và vai trò của mệnh môn đã được nhắc đến trong Hoàng đế nội kinh. Lê Văn Ngữ, với tư cách là một y gia, suy luận theo hướng từ y học nhìn ra lí luận về hóa nguyên, từ hình ảnh của con người mà suy ra hình ảnh của vũ trụ: Con người thì dựa vào khí vận của vũ trụ để mà được sinh ra. Vũ trụ có ngũ vận 五運(51), lục khí 六氣(52) thì tương ứng, con người có ngũ tạng 五臟, lục phủ 六腑, con người có chân hỏa - hỏa mệnh môn là căn cơ của quá trình hô hấp, duy trì sự sống thì thì vũ trụ cũng phải có một thứ chân hỏa là căn cơ của tạo hóa(53). Chân hỏa của vũ trụ theo Lê Văn Ngữ là nằm trong “thiên nhất”, là cái được đồ hình hóa bằng dấu chấm tròn màu trắng nằm ở trung tâm của Hà đồ và Lạc thư. Chân hỏa được Lê Văn Ngữ đồng nhất với thái cực của phương Đông và với đám bụi vật chất nhiệt độ cao bị nhầm là hỏa sáng tạo vũ trụ trong ngộ giải của Lê Văn Ngữ về vũ trụ luận phương Tây. Chính chân hỏa là điểm khởi đầu và là bản nguyên của mọi hoạt động sinh hóa trong vũ trụ(54).

Như vậy, những suy nghiệm về Đồ thư - tượng số và ngộ giải lí thuyết phương Tây đã đặt ra những vấn đề mà Lê Văn Ngữ cần phải lí giải về điểm khởi đầu của hóa nguyên. Y học cung cấp cho ông gợi ý để trả lời cho những vấn đề đó. Mục đích của Lê Văn Ngữ là hướng đến tìm kiếm sự tương hợp giữa lí luận phương Đông và những phát kiến của khoa học phương Tây về điểm khởi đầu của quá trình tạo hóa. Ông tự tin với giá trị khoa học trong những phát kiến của mình và đã từng nhiều lần muốn phổ biến chúng như một cuốn sách giáo khoa dành cho các trường học(55).

4.“Kim hỏa đồng công” và diễn trình hình thành vũ trụ.

Như trên đã bàn đến, Lê Văn Ngữ cho rằng “Hỏa vốn không có hình thù, nếu không có chốn để thể hiện thì nó chính là thái cực, nó có chốn để thể hiện ra thì đấy chính là trạng thái hỗn mang nguyên sơ”(56). Là thái cực đồng thời cũng là lí, chân hỏa vừa là yếu tố thứ nhất, vừa là yếu tố chỉ đạo, điều khiển quá trình tạo tác thế giới. Chân hỏa lúc này thuộc về thiên nhất, là yếu tố khởi điểm của vũ trụ như chúng tôi đã phân tích. Theo Lê Văn Ngữ, ở trạng thái hỗn mang nguyên sơ đã tồn tại hai yếu tố hỏa và kim, đây là “hỏa và kim tiên thiên”.

Các khái niệm về tiên thiên, hậu thiên là khái niệm xuất hiện rất thường xuyên trong những nghiên cứu về Chu Dịch với những nội hàm được hiểu rất đa dạng. Trong cách hiểu của bản thân Lê Văn Ngữ thì tiên thiên không đồng nhất với siêu hình (metaphysics), hậu thiên không đồng nhất với những gì thuộc về thế giới vật chất (physical) như dịch thuật của Ngô Vĩ Minh. Theo Lê Văn Ngữ:

“伏羲八卦方位, 蓋本於五運中而推出金火中生成之理, 所謂先天也… 凡文王八卦方位, 蓋本於六氣中而體驗氣數中生化之理, 所謂後天學也”(57)-Bát quái phương vị của Phục Hi đó là căn cứ vào sự vận động của ngũ khí mà rút ra được cái nguyên lí về sự sinh thành thế giới trong hai yếu tố kim và hỏa, bát quái phương vị của Phục Hi đấy chính là cái mà tôi gọi là tiên thiên… Còn bát quái phương vị của Văn Vương là căn cứ vào lục khí mà thể nghiệm cái nguyên lí trong sự sinh hóa của khí số, bátquái phương vị của Văn Vương đấy là cái mà tôi gọi là cái học hậu thiên”.

Về cơ bản quan niệm này đi theo đường hướng thừa nhận học vấn xuất phát từ bát quái và phương vị của Phục Hi là học vấn tiên thiên còn học vấn xuất phát từ bát quái phương vị của Văn Vương là học vấn hậu thiên như Dịch học truyền thống; song nội hàm thì khác: một bên là thể hiện sự tạo tác của yếu tố kim hỏa căn cứ trên những nguyên tắc của ngũ hành (ngũ vận), một bên là thể hiện sự sinh hóa của khí số dựa trên nguyên lí của phong, nhiệt, hỏa, thấp, táo, hàn (lục khí). Đây là một giới định khái niệm rất đặc thù của Lê Văn Ngữ.

Như vậy, khái niệm hỏa tiên thiên là thể hiện của chân hỏa ở thời điểm vũ trụ còn hỗn mang, ngũ hành chưa đầy đủ vànó được đồ hình hóa bằng dấu chấm trắng của con số 5 trong Đồ Thư (vì hỏa tiên thiên chỉ là một trong hai dạng biểu hiện của chân hỏa). Còn kim tiên thiên được đồ hình hóa bằng bốn dấu chấm trắng của số 5 trong Đồ Thư, phân biệt với kim được đồ hình hóa bằng trên Hà đồ và trên Lạc thư (số 4 và số 9 này tức là kim hậu thiên - yếu tố tham gia vào quá trình tạo tác các thành tố khác của thế giới khi thời kì hỗn mang đã chấm dứt, thiên địa đã định vị, ngũ hành đã đầy đủ). Lê Văn Ngữ đưa ra một mệnh đề là “Kim hỏa đồng công” 金火同功 (kim hỏa tương đồng về công dụng và công hiệu) như một mệnh đề trục cho những diễn giải của ông về sự sinh thành của thế giới. Trong đó ông nhấn mạnh vào vai trò ngang xứng, tương đồng của kim tiên thiên và hỏa tiên thiên trong việc tạo tác nên mọi thành tố khác. Theo Lê Văn Ngữ thì khi vũ trụ còn hỗn mang, ba yếu tố thủy, thổ, mộc còn nằm ẩn chứa trong sự sinh khắc của kim và hỏa. Ông miêu tả quá trình hình thành thổ và thủy như là dấu ấn đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn trời đất còn hỗn mang:“夫以無形之火而著有形之金, 互相磨盪不知幾千萬年而火始能藉金以生土, 金又藉火以生水, 然則土固金質而火身, 水亦金身而火質, 金火既分而有形之金始能包無形之火, 陰包陽迫而金火可以同功”- Phàm là những thứ hỏa với đặc tính vô hình, những thứ kim với đặc tính hữu hình thể hiện ra bên ngoài và tiếp xúc lẫn nhau không biết đến mấy ngàn vạn năm mà hỏa mới có thể nhờ vào kim để sinh ra thổ, kim lại nhờ vào hỏa để sinh ra thủy, như vậy thì thổ vốn chất là kim và có thân ngoài là hỏa, thủy cũng có thân ngoài là kim và có hỏa là chất, kim hỏa đã phân ra mà kim - thứ hữu hình mới có thể bao chứa được hỏa - thứ vô hình, âm dương bao chứa phá bỏ lẫn nhau mà nhờ đó kim hỏa có thể tương đồng về công dụng và công hiệu (kim hỏa khả dĩ đồng công)”(58).

Sau khi thủy và thổ được sinh ra, thế giới đã có bốn yếu tố, khi ấy trời đất đã được định vị. Hai yếu tố kim hỏa tiên thiên lại “đồng công” trong việc tiếp tục hình thành các yếu tố khác của thế giới. Đặc biệt được thể hiện trong yếu tố thổ. Hình ảnh của của phương Tây về thế giới một lần nữa lại được thể hiện trong những hiểu biết của Lê Văn Ngữ: “Trong tất cả những gì người ta thấy ở đất: toàn bộ hỏa đó chính là biểu hiện của thái cực ở trong không trung, toàn bộ kim thì đó chính là khoáng chất thuộc về năm loại kim 則地中之所見者, 全火是空中之太極, 全金是五金之礦質”(59). Sự kết hợp giữa hỏa và thủy sẽ tạo ra dầu, trong những đám tro hình thành sau khi đốt một vật gì đó (kiếp hôi 劫灰) sẽ có than, chỉ ở trong đất mới có than, chân hỏa hà hơi vào đám than đó thì trên mặt đất mới sinh ra gió (phong), từ trong những con gió mới có thể sinh ra được những loài thảo mộc, và khi thảo mộc được sinh ra thì không có cái gì trên mặt đất này là không phải được sinh ra từ phong và được nuôi dưỡng bởi mộc và như vậy thì “phong và mộc đó chính là những khí cuối cùng của giai đoạn tiên thiên và là những khí mở đầu cho giai đoạn hậu thiên của thế giới” 而萬物無不由風以生, 由木而養. 然則風乎, 木乎, 其先天之終氣, 後天之始氣乎(60). Thế giới tiên thiên là thế giới đã tồn tại sáu yếu tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ và phong; thế giới tiên thiên đã hàm chứa trong đó năng lực sinh dưỡng những thành phần khác của thế giới hậu thiên. Mọi hiện tượng nóng, lạnh của thế giới hậu thiên “chẳng qua cũng chỉ là sự phân hợp của kim hỏa” 亦不過金火之分合也(61). Ngay cả con người, sản phẩm hậu thiên của thế giới, cũng được tạo nên bởi kim hỏa: nam tinh 男精là bạch kim 白金và nữ huyết女血 là hồng hỏa 紅火(62).

Nếu như lí luận về “chân hỏa” là cơ sở cho những lí giải về điểm khởi đầu của vũ trụ thì “kim hỏa đồng công” thực sự là một mệnh đề trung tâm cho tất cả những lí giải của Lê Văn Ngữ về diễn trình phát triển của vũ trụ. Trên khung xương sống của mệnh đề “kim hỏa đồng công”, những thành tố tri thức khác được sử dụng để biện minh cho sự đúng đắn của mệnh đề trung tâm. Những diễn giải của Lê Văn Ngữ lúc này là sự hòa trộn của rất nhiều quan điểm, song quan điểm nào cũng được tiếp nhận với một sự độc lập nhất định về tư duy, đây mới là điều đáng quý.

Đơn cử một vài trường hợp, ta bắt gặp trong luận giải của Lê Văn Ngữ hình ảnh thuyết “phong sinh mộc” 風生木vốn phổ biến trong y thư và trong Dịch học. Nguồn gốc quan điểm này xuất phát từ Hoàng đế nội kinh tố vấn(63) và được đưa vào trong Dịch học đời Tống với tác phẩm Hán Thượng Dịch truyện của Chu Chấn(64). Song trong những tác phẩm trên thì thuyết “phong sinh mộc” mới chỉ dừng lại ở việc đề cập một hiện tượng là những con gió mang theo sức sống, khiến cho cây cối được sinh phát chứ không nâng lên thành một lí luận về sáng tạo thế giới hậu thiên như Lê Văn Ngữ. Ngọn gió trong “Hóa nguyên khảo luận” là ngọn gió linh thánh mà “vạn vật không có gì là không được sinh ra từ đó” 萬物無不由風以生(65), một dạng thức tương tự Holy Supreme Wind như vẫn hay gặp trong huyền thoại phương Tây. Lê Văn Ngữ mượn đến ngọn gió này, một phần cũng là để tránh phải lí giải về những sự kiện, hiện tượng mà thuyết “kim hỏa đồng công” của ông rất khó áp dụng để lí giải hay không lí giải được.

Ta còn bắt gặp trong đó các khái niệm như “nam tinh” và “nữ huyết” rất phổ biến trong y học phương Đông. Các y gia phương Đông cũng nhận ra đây là nguyên nhân của quá trình thai sản, họ lí giải về nguồn gốc sản sinh tinh huyết là do “sự sinh dưỡng lẫn nhau của ngũ tạng lục phủ” 由五臟六腑之相養(66), do sự lưu thông của máu trong cơ thể(67), đặc biệt nhiều những bàn luận về nguyên nhân vì sao sinh con trai và con gái; song khi bàn đến vấn đề cơ chế nào, quy luật nào khiến tinh huyết lại có thể sinh thành con người thì hoặc họ cho là do biển nguyên khí chi phối(68), hoặc cho là do nữ huyết thành thịt và nam tinh thành xương(69) chứ không cho rằng đó là do hai yếu tố kim hỏa chi phối như Lê Văn Ngữ. Được sự gợi ý từ hai màu trắng đỏ của nam tinh và nữ huyết, trong đó theo quan điểm truyền thống thì màu trắng là thuộc hành kim, màu đỏ thuộc về hành hỏa, Lê Văn Ngữ cho rằng sự sinh thành con người cũng là một ví dụ thuyết phục, chứng minh thuyết “kim hỏa đồng công” trong việc sáng tạo thế giới của ông là có cơ sở.

Cũng trong những diễn giải về quá trình hình thành vũ trụ, Lê Văn Ngữ đã từng cho rằng trong giai đoạn tiên thiên của thế giới thì kim và hỏa đã sáng tạo ra thổ, và vì thế ở giai đoạn hậu thiên, tất cả những gì ta thấy trong đất đai (hiện thân của hành thổ) như than, dầu, nước, muối, diêm tiêu, phèn đều là kết quả của quá trình tác động qua lại giữa hai yếu tố kim và hỏa. Lê Văn Ngữ tìm cách lí giải về hiện tượng gió, ông lí giải những hoạt động nhiệt của trái đất đã sinh thành hơi nóng, và chính hơi nóng này sẽ sinh ra gió. Những lí giải này phải có kiến thức thường thức nhất định về khoa học phương Tây mới có thể đưa ra được. Song hầu hết chúng đều bị ngộ giải bởi bị khúc xạ qua lăng kính “kim hỏa đồng công” của Lê Văn Ngữ, tất cả chúng đều nằm rất thấp dưới nền tảng kiến thức khoa học phương Tây đương thời, những khoảng trống kiến thức mà bản thân không lí giải được thì Lê Văn Ngữ lại viện dẫn đến chức năng linh thánh - sáng tạo của phong và chức năng sinh dưỡng - phát triển của mộc để bù lấp.

5.Sự bảo lưu của một số định đề cơ bản

Hóa nguyên luận của Lê Văn Ngữ chồng chéo, phức tạp và nhiều ngộ giải. Chúng tôi ở những phần trước đã cố gắng đưa ra một số mảng có tính hệ thống và nổi bật. Trong quá trình phân tích, chúng tôi nhận ra những mảng này đều được triển khai trên một số định đề cơ bản xác định. Chúng là định đề chung cho cảm thức của một thế hệ, một lớp người hay thậm chí là một giai tầng xã hội, và là điều kiện để khiến cho thế hệ, lớp người hay giai tầng đó sở dĩ được là chính họ. Bàng bạc khắp những bàn luận về hóa nguyên của Lê Văn Ngữ trong Chu Dịch cứu nguyên, người ta nhận thấy sự tồn tại của hai định đề truyền thống “bất khả tư nghị” là “thiên nhân hợp nhất” 天人合一và “tương sinh tương khắc” 相生相克như nền tảng để triển khai các lập luận khác.

Trước tiên là với định đề về “thiên nhân hợp nhất”. Mang trong mình định đề này, Lê Văn Ngữ tin tưởng mô hình của con người chính là một gợi ý cho việc khám phá mô hình là hiện thân của cơ thể thế giới (từ định đề này những giải thuyết của ông về chân hỏa và sự vận động của ngũ vận, lục khí là có sự gợi ý từ hình ảnh hỏa mệnh môn, ngũ tạng, lục phủ của con người). Và để rồi theo chiều hướng ngược lại, những quy luật vận động của các yếu tố sáng tạo vũ trụ được ông khám phá ra đó lại được sử dụng để giải thích những hiện tượng thuộc về con người (ví dụ như sự kết hợp của nam tinh, nữ huyết). Đây là điều mà logic học không chấp nhận được. Song với định đề về “thiên nhân hợp nhất” thì nó lại hoàn toàn hợp lí. Một phát ngôn của Lê Văn Ngữ có tính khái quát hơn cả, thể hiện sự ăn sâu của định đề này trong tư duy của ông:

“精血必資運氣以生人, 亦如金火必化運氣而成天地. 人也, 天地也, 生成之後, 而人非精血交會之人, 則天地亦必非渾淪磨盪之天地 - Tinh huyết cần phải dựa vào các khí vận động để sản sinh ra con người, việc này cũng tương tự như hai yếu tố kim - hỏa cần phải hóa thành các khí vận động để hình thành trời đất. Người cũng vậy và trời đất cũng vậy, sau khi được sinh thành rồi, nếu như con người không phải là người được sinh ra từ sự giao hội của nam tinh và nữ huyết thì trời đất cũng không phải là trời đất được sinh ra từ sự vận động của cõi hỗn độn”(70).

Định đề thứ hai là định đề về sự “tương sinh tương khắc của các yếu tố là động lực của tiến hóa trong thế giới”. Bằng định đề này thì Lê Văn Ngữ thừa nhận hễ có tác động qua lại giữa các yếu tố vũ trụ thì sẽ có biến chuyển, mọi sự sinh hóa “không gì là không được an bài trong sự tương sinh, tương khắc”. Định đề này nhìn bề ngoài thì có vẻ khoa học, song Lê Văn Ngữ (và thậm chí là nhà Nho nói chung) chỉ cần quan tâm đến xu hướng và kết quả, còn cơ chế biến chuyển của quá trình sinh khắc ra sao thì ông cũng không để tâm tìm câu trả lời bởi định đề kia đã cho ông sự yên tâm về kết quả mà ông tìm được. Ông chỉ cần biết hai yếu tố kim hỏa “tiếp xúc lẫn nhau không biết đến mấy ngàn vạn năm” để có được kết quả là“hỏa mới có thể nhờ vào kim để sinh ra thổ, kim lại nhờ vào hỏa để sinh ra thủy” mà không cần băn khoăn đến cơ chế và vì sao chúng lại thành ra như vậy. Những lập luận tương tự xuất hiện nhiều trong Chu Dịch cứu nguyên.

Đây là hai định đề Lê Văn Ngữ kế thừa từ di sản tri thức quá khứ và thừa nhận như những chân lí mặc nhiên đúng. Hai định đề này là trở ngại lớn nhất về tư duy để Lê Văn Ngữ có thể tiếp tục suy ngẫm sâu hơn về những vấn đề ông đặt ra và có khát vọng tìm hiểu, đồng nghĩa với nó là chuyển hóa học vấn bản thân thành học vấn của một người Tây học. Một mặt, nó khiến cho ông sa vào mạng lưới chằng chịt của những ngộ giải, song mặt khác nó lại là điều kiện khiến ông sở dĩ trở thành một nhà Nho, quyết định hóa nguyên luận của ông là hóa nguyên luận của một nhà Nho.

Chú thích:

(1) Hướng Thế Lăng: Sự tiếp nối và sáng tân Dịch lí - Vai trò và những vấn đề của Dịch học Lí học Lê Ngữ, in trên Học thuật nguyệt san 学术月刊, tháng 8 năm 2008, tr26-30.

(2) [唐]王冰Vương Băng (đời Đường) sắp xếp văn bản và chú giải, Hoàng đế nội kinh tố vấn 黃帝內經素問 (sách 733 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư 影印文淵閣四庫全書), quyển 19, Đài Bắc 臺北: Đài Loan Thương vụ ấn thư quán 臺灣商務印書館, 1983, tr.205-06.

(3) Trương Giới Tân 張介賓, phần Đề yếu 提要 của sách Loại kinh 類經 (sách 776 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư 影印文淵閣四庫全書), sđd, tr.1.

(4) Trương Giới Tân: Loại kinh, quyển 23, sđd, tr.461.

(5)(7)(18)(30)(35)(46)(56)(58)(59)(60)(61)(62)(65)(70) Lê Văn Ngữ: Hóa nguyên khảo luậnChu Dịch cứu nguyên , A.2592/1-2, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(6) Chúng tôi đã sưu tầm được những văn bản của các thư tịch này ở Nam Định, loại sách này đương thời có thể rất phổ biến ở Nam Định, quê hương của Lê Văn Ngữ. Ngoài Hoàng đế nội kinh và Loại kinh ra thì Cảnh nhạc toàn thư 景岳全書 của Trương Giới Tân cũng có đề cập đến khái niệm hóa nguyên (Trương Giới Tân, Cảnh Nhạc toàn thư (sách 777 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 18 và quyển 30, sđd, 1983, tr.386 và tr.623. Cảnh Nhạc toàn thư cũng là một bộ y thư phổ biến ở Việt Nam, Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, 3 tập, Trần Nghĩa và F. Gros đồng chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993 không thấy ghi chép gì về nó). Ở Nam Định chúng tôi cũng sưu tầm được văn bản của bộ sách này.

(8) Tại sao ở đây chúng tôi chỉ gọi là truyền thống tư tưởng Trình - Chu mà không gọi chung là Tống Nho, hay Đạo học, hay Lí học, bởi những giải thuyết của các nhà Nho thuộc Tống học hay Lí học vẫn rất chia rẽ ở nhiều điểm quan trọng dù họ vẫn thừa nhận sự tồn tại của thiên lí tối cao. Truyền thống được xác lập bởi nhị Trình (Trình Di, Trình Hạo) và Chu Hi là truyền thống lí giải được biết đến và thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam vì được coi là chính thống và được sử dụng trong hoạt động khoa cử.

(9) Bào Vân Long đời Tống soạn [宋]鮑雲龍撰, “Thiên mục danh nghĩa” 篇目名義, Thiên nguyên phát vi 天原發微 (sách 806 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.23.

(10) Bảo Ba đời Nguyên soạn [元]保巴撰, Dịch nguyên áo nghĩa - Chu Dịch nguyên chỉ易源奧義 - 周易原旨 (sách 22 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 7, sđd, tr.840.

(11) Sái Uyên đời Tống soạn [宋]蔡淵撰, Dịch tượng ý ngôn 易象意言trong Dịch tượng ý ngôn 易象意言 (sách 18 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.111

(12) Chu Giám đời Tống soạn [宋]朱鑑撰, Văn Công Dịch thuyết 文公易說 (sách 18 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 1, sđd, tr.437.

(13) Vương Thực đời Thanh soạn [清]王植撰, “Ức thuyết” 臆說 trong Chính mông sơ nghĩa正蒙初義 (sách 697 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.418.

(14) Lê Tĩnh Đức đời Tống biên soạn[宋]黎靖德編, Chu Tử ngữ loại 朱子語類 (sách 702 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 94, sđd, tr.10.

(15) Nhóm Hồ Quảng đời Minh biên soạn [明]胡廣等編, Tính lí đại toàn thư 性理大全書 (sách 710 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 26, sđd, tr.565.

(16) Tào Đoan đời Minh soạn [明]曹端撰, Phần Nguyên tự 原序, Thái Cực đồ thuyết thuật giải 太極圖說述解 (sách 697 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, 1983, tr.2.

(17) Hồ Cư Nhân (đời Minh) [明]胡居仁撰, Cư nghiệp lục 居業錄 (sách 714 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 8, sđd, tr.99.

(19) Wai-Ming Ng, “Yijing Scholarship in Late Nguyen Vietnam: A Study of Le Van Ngu’s Chu Dich cuu nguyen (A Investigation of the Origins of the Yijing, 1916)”, Review of Vietnamese Studies, 2003, Volume 3, No.1.

(20) Wai-Ming Ng, sđd, tr.11.

(21)(23) Wai-Ming Ng, sđd, tr.12.

(22) Lê Văn Ngữ: Dịch đạo hợp luận 易道合論, Chu Dịch cứu nguyên, A.2592/1, sđd.

(24) Học thuyết của Aristotle nhấn mạnh vào tác động qua lại giữa bốn yếu tố sẽ sản sinh ra các trạng thái khác nhau của thế giới: lạnh (cold), ẩm (wet), nóng (hot), và khô (dry)…

(25) Một quyển sách hiếm hoi do người phương Tây viết được thu thập vào trong Tứ khố toàn thư. Xem Lợi Mã Đậu 利瑪竇, Càn khôn thể nghĩa 乾坤體義 (sách 787 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 8, sđd.

(26) Lợi Mã Đậu: Tứ nguyên hành luận 四元行論, Càn khôn thể nghĩa, sđd, tr.761.

(27) Theo khảo sát điền dã của Mai Thu Quỳnh, Chu Dịch cứu nguyên - Phong cách kinh học và tư tưởng Lê Văn Ngữ, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, 2008, tr.15 thì quyển sách này được ra đời vào quãng năm 1917. Cũng theo Mai Thu Quỳnh ở trang 29 của luận văn thì Lê Văn Ngữ sinh năm 1860 mất năm 1934.

(27) Matts Roos: Introduction to Cosmology, John Wiley & Sons Ltd, 2003.

(28) Lê Văn Ngữ: “Nhất Thái cực khảo”, Phụ tra tiểu thuyết, VHv.1881, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(31) Tze-Ki Hon, “A Precarius Balance: Divination and Moral Philosophy in Zhouyi Zhuanyi Daquan《周易傳義大全》”, Journal of Chinese Philosophy, Volume 35 Issue 2, (June 2008), 253-71 đã chỉ ra tuy Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn bị phê phán như một tập hợp hỗn loạn và không tập trung những kiến giải về Chu Dịch, song những người biên soạn sách này đã hướng đến việc kết hợp hai khuynh hướng lí giải Chu Dịch thời kì đó của Chu Hi (khuynh hướng chiêm bốc với Chu Dịch bản nghĩa) và Trình Di (khuynh hướng nghĩa lí với Dịch truyện), tô đậm những điểm chung và lờ đi những điểm riêng trong lí giải Chu Dịch của hai khuynh hướng. Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn lại là sách được sử dụng trong khoa cử Việt Nam nên quả thực người Việt không xa lạ lắm với cái học chiêm bốc tượng số, song song với nó là cái học nghĩa lí.

(32) Lê Văn Ngữ: Đồ thư tiền luận 圖書前論, Chu Dịch cứu nguyên, A.2592/1, sđd.

(33) Nhóm Hồ Quảng đời Minh biên soạn [明]胡廣等編, Chu Tử đồ thuyếtChu Dịch truyện nghĩa đại toàn (sách 28 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.19.

(34) Trần Đình Kính (đời Thanh) [清] 陳廷敬: Ngọ đình văn biên (sách 1316 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 21, sđd, tr.313)

(36) Nhóm Hồ Quảng đời Minh biên soạn, Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn, quyển 22, sđd, tr.625-26.

(37) Nhóm Hồ Quảng đời Minh biên soạn, Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn, quyển 22, sđd, tr.626.

(38) Lưu Mục đời Tống [宋]劉牧: Dịch số câu ẩn đồ 易數鉤隱圖 (sách 8 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển trung, sđd, tr.149.

(39) Chu Chấn (đời Tống) [宋] 朱震撰, “Tùng thuyết” 叢説 của Hán Thượng Dịch truyện 漢上易傳 (sách 11 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.366.

(40) Lê Văn Ngữ: Đồ thư tiền luận trong Chu Dịch cứu nguyên, sđd.

(41) Nhóm Hồ Quảng đời Minh biên soạn, “Chu Tử đồ thuyết”, Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn, sđd, tr.17.

(42) Lí Quang Địa (đời Thanh) [清]李光地: Chu Dịch thông luận 周易通論 (sách 42 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 4, sđd, tr.593.

(43) Lí Đỉnh Tộ (đời Đường) [唐]李鼎祚: Chu Dịch tập giải 周易集解 (sách 7 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 17, sđd, 1983, tr.867.

(44) Chu Chấn (đời Tống): Quái đồ卦圖 của Hán Thượng Dịch truyện, sđd, tr.358.

(45) Ngoại trừ Đổng Trọng Thư đời Hán, ông này cho rằng số 1 gắn với mộc, số 2 gắn với hỏa, số 3 gắn với thổ, số 4 gắn với kim, số 5 gắn với thủy và như vậy mộc là yếu tố khởi đầu của ngũ hành, thủy là yếu tố cuối cùng của ngũ hành và thổ là yếu tố nằm trung tâm của ngũ hành. Xem Đổng Trọng Thư 董仲舒, Xuân Thu phồn lộ 春秋繁露 (sách 181 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 11, sđd, tr.766-67.

(47) Nghiêm Dụng Hòa đời Tống biên soạn [宋]嚴用和編, Tế sinh phương 濟生方 (sách 743 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 1, sđd, tr.452; Lí Quang (đời Tống) [宋]李光: Độc Dịch tường thuyết 讀易詳説 (sách 10 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 5, sđd, tr.351; Trương Bá Đoan (đời Tống) [宋]張伯端: Ngộ chân thiên chú sớ 悟真篇註疏 (sách 1061 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển Trung, sđd, tr.463.

(48) Một số sách như: Tố vấn huyền cơ nguyên bệnh thức 素問玄機原病式 do Lưu Hoàn Tố đời Kim soạn [金] 劉完素撰 (sách 744 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.727); Thế y đắc hiệu phương 世醫得效方do Nguy Diệc Lâm đời Nguyên soạn [元] 危亦林撰 (sách 746 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 5, sđd, tr.173); Chu Vương (Chu Tiêu) đời Minh soạn [明] 周王(朱橚) 撰, Phổ tế phương 普濟方 (sách 747 - 761 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 1, sđd, tr.23; Ngụy Tuấn đời Minh soạn [明]魏濬撰, Dịch nghĩa cổ tượng thông 易義古象通 (sách 34 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 7, sđd, tr.328.

(49) Trương Tụ Phong 张岫峰, Hoàng đế ngoại kinh thiển thích 黄帝外经浅释, Đệ nhị quân y đại học xuất bản xã 第二军医大学出版社, năm 2006, tr.149.

(50) Trương Tụ Phong, Hoàng đế ngoại kinh thiển thích, sđd, tr.150.

(51) Chỉ: mộc 木, hỏa 火, thổ 土, kim 金, thủy 水.

(52) Chỉ: phong 風, nhiệt 熱, hỏa 火, thấp 濕, táo 燥, hàn 寒.

(53) Lê Văn Ngữ viết: “Con người thì dựa vào khí vận của vũ trụ để mà được sinh ra. Cho nên con người ta có lục phủ ngũ tạng để ứng với ngũ vận lục khí của vũ trụ và hỏa mệnh môn là căn cơ của quá trình hô hấp của con người quả thực cũng có sự tương thông với cái chân hỏa của vũ trụ 人資運氣以生.故人有五臟六腑以應之, 而命門火呼吸果與真火相通” (Lê Văn Ngữ: Hóa nguyên khảo luậnChu Dịch cứu nguyên, sđd).

(54) Xét về ý tưởng đưa lí luận của y học về mệnh môn và chân hỏa vào trong Dịch học thì Lê Văn Ngữ không phải là người đầu tiên. Chúng tôi cũng bắt gặp những ý tưởng tương tự trong thiên “Thái cực đồ thuyết biện” 太極圖說辯 sách Đồ học biện hoặc 圖學辯惑 của Hoàng Tông Viêm 黃宗炎 (1616-1686) soạn. Trong bài luận này Hoàng Tông Viêm khi bàn luận về Thái cực cũng liên hệ động lực sáng tạo ra thế giới với mệnh môn của con người: “Mệnh môn là để chỉ khoảng giữa của hai quả thận, khí thông qua đó mà được sinh ra, cái khí đó người ta gọi là Tổ khí. Phàm là sự vận dụng và tri giác thuộc về ngũ quan và toàn bộ cơ thể của con người đều có căn gốc từ Tổ khí đó 命門, 兩腎空隙之處, 氣之所由以生, 是為祖氣. 凡人五官百骸之運用知覺皆根于此” (Hoàng Tông Viêm soạn, “Thái cực đồ thuyết biện” trong Chu Dịch tượng từ - Đồ học biện hoặc 周易象辭 - 圖學辯惑 (sách 40 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.751). Song Hoàng Tông Viêm không đẩy cao hơn những lí luận này thành lí luận về chân hỏa sáng tạo vũ trụ như Lê Văn Ngữ, cũng không dựa vào đó để lí giải lại về Đồ thư. Chúng tôi hiện chưa tìm ra được mối liên hệ có thể thực chứng nào giữa học giả sống ở thời kì cuối đời Minh đầu đời Thanh này với Lê Văn Ngữ, khả năng đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

(55) Xem bức thư của Quan Thống sứ gửi Lê Văn Ngữ ở đầu Chu Dịch cứu nguyên, sđd.

(57) Lê Văn Ngữ: Thiên địa nan luận 天地難論, Chu Dịch cứu nguyên, sđd.

(63) Hoàng đế nội kinh tố vấn, Vương Băng sắp xếp văn bản và chú giải, quyển 2, sđd, tr.26.

(64) Chu Chấn: Hán Thượng Dịch truyện, quyển 2, sđd, tr.70.

(66) Vương Lí (đời Nguyên) [元]王履: Y kinh tố hồi tập 醫經溯洄集 (sách 746 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển hạ, tr.975.

(67) Lí Thời Trân (đời Minh) [明]李時珍: Bản thảo cương mục 本草綱目(sách 774 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), tr.545.

(68) Trương Giới Tân: Loại kinh phụ dực 類經附翼 (sách 776 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 3, sđd, tr.993.

(69) Trương Quân Phòng (đời Tống)[宋] 張君房: Vân cấp thất tiêm 雲笈七籖卷 (sách 1060 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), quyển 72, sđd, tr.776./.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020