Nghiên cứu khoa học

Tìm hiểu giá trị và cấu trúc của điển cố trong tác phẩm Nôm


15-10-2020

Cũng như các bút pháp xưng đại, thay thế: xuân thu, nhuộm mây nẩy trăng... điển cố là một trong những biện pháp tu từ cổ được vận dụng rộng rãi trong các trước tác của cha ông ta xưa và tất nhiên là cả trong các tác phẩm chữ Nôm. Tác phẩm chữ Quốc Ngữ cũng có dùng, nhưng không đáng kể. Rốt cục điển cố là gì và vì sao nó trở thành một biện pháp tu từ? Từ xưa đến nay trong các sách giáo khoa văn học hoặc Hán Nôm người ta cũng bàn qua nhưng không giải thích đến mức ít ra cũng tương đối triệt để. Điển cố chỉ được giải thích đơn giản, có khi một từ ngữ khó cũng được coi là điển cố. Ví dụ trong cuốn từ điển Điển cố văn học (Nxb KHXH -1977) có rất nhiều từ đều không phải là điển cố mà chỉ là những từ ngữ khó hiểu, ví dụ các từ Phật học như Thiền, Thiền định, Thích ca, Bể khổ, Ba sinh... các từ khác như Bát âm, Tơ trúc, Tứ đức, Ba quân v.v...

Người ta thường ít chú ý đến nội dung của các hình thức điển cố vì họ chỉ xét hình thức như là một cái gì đã có sẵn, đã hoàn hảo rồi mà không thấy nó là kết quả của một quá trình biến diễn lâu dài, từng trải qua nhiều biến đổi cải tiến. Khi lần đầu tiên những từ ngữ mà ngày nay chúng ta gọi là điển cố xuất hiện trong các tác phẩm cổ thì chúng chưa phải là điển cố. Chúng cũng chỉ có biểu đạt thông thường giống hệt các từ ngữ khác trong sách, tức là biểu đạt những gì hàm ẩn ngay bên trong các từ ngữ, nói cách khác, biểu đạt cái hiện thực nằm trong từ ngữ. Dần dà, một số từ ngữ gắn với các sự tích được coi là tiêu biểu, mẫu mực hay gắn với những câu nói nổi tiếng, những địa danh nổi tiếng được tách ra và dùng đi dùng lại trong các văn cảnh, tình huống khác với văn cảnh, tình huống ban đầu của chúng. Từ lúc này, các từ ngữ đang xét đến được cấp thêm một ý nghĩa mới nằm ngoài bản thân các từ ngữ, được tư duy trừu tượng dẫn xuất ra, tức là ngoài ý nghĩa hiện thực, chúng có thêm một ý nghĩa biểu trưng, ý nghĩa giá trị phong cách. ý nghĩa này nằm ngoài các từ ngữ, được nảy sinh ra do sự đan xen giữa dòng biểu đạt với sự liên tưởng tới một dòng biểu đạt cũ mà từ “từ ngữ mượn - điển cố” này gọi ra. Từ lúc này, từ ngữ mượn trở thành điển cố.

Do xu hướng chuộng cổ, bắt chước người xưa vốn là truyền thống của nghề viết văn xưa, nên điển cố ngày càng được vận dụng rộng rãi đến mức không thuộc điển cố nhiều khi không hiểu được ý tứ của một câu văn thơ cổ. Nguồn khai thác điển cố chủ yếu là các sự tích thời Xuân Thu - Chiến Quốc được ghi chép trong các trước tác thời Tiên Tần và câu văn thơ hay đời Đường - Tống, ngoài ra có thể kể đến các sách sử hay các thư tịch nổi tiếng đời khác.

Khi các từ ngữ này trở thành điển cố và được đưa vào sáng tác với cấp độ nghĩa thứ hai, tức là cấp độ biểu trưng nhằm thay thế cho một sự tích, một câu nói, một tứ thơ thì nó được gọt rũa thêm để trở nên hàm súc hơn, ý tại ngôn ngoại, tức là cố gắng chuyển tải được một nội dung lớn hơn nhiều với sức hàm chứa của bản thân từ ngữ. Đây chính là chỗ mà điển cố khu biệt với các từ ngữ cổ hay từ ngữ khó. Từ ngữ khó không thể có sức biểu hiện lớn hơn hàm nghĩa của nó, ví dụ thiền định, nát bàn, lục tặc, luân hồi... những từ này chỉ có một cấp độ nghĩa.

Điển cố thì ngược lại, bao giờ nó cũng bao hàm hai cấp độ nghĩa. Ví dụ Lam Kiều (hay Cầu Lam) có những cấp độ nghĩa sau:

a). Tính lịch sử cụ thể: Lam Kiều là tên một chiếc cầu thuộc huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là một chiếc cầu đã từng có thật, từng tồn tại trong một không gian và thời gian nhất định trong quá khứ. Đó là mặt hiện thực của từ ngữ Lam Kiều.

b) Tính biểu trưng hay phong cách học: theo sách truyền kỳ, Bùi Hàng đời Đường gặp người con gái đẹp tặng bài thơ có câu như sau: “Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh, huyền sương đảo tận kiến Vân Anh, Lam Kiều tận thị thần tiên quật, hà tất kỳ khu thướng ngọc kinh” (Chén rượu quỳnh tương vừa uống xong sinh ra trăm mối cảm, thuốc huyền sương giã xong thì được gặp Vân Anh, Lam Kiều chính là nơi động tiên đó, hà tất phải lặn lội đến kinh đô làm gì). Sau Bùi Hàng có dịp đến Lam Kiều, khát nước, ghé vào quán lá cạnh đường, bà chủ quán gọi cô gái là Vân Anh rót nước mời, thấy Vân Anh đẹp, Hàng xin trọ lại và xin cầu hôn. Bà quán bảo: “Trước đây thần tiên cho ta thìa linh dược, cần có chày, cối bằng ngọc để giã. Bao giờ người mang các thứ đó lại đây ta sẽ gả Vân Anh cho”. Hàng quyết tâm tìm mua chày cối ngọc mang đến Lam Kiều và lấy được Vân Anh làm vợ. Từ câu chuyện này, Lam Kiều được cấp một hàm nghĩa mới: đó là nơi người đẹp, làm chuyện nhân duyên. Đây không phải là mặt hiện thực mà là mặt biểu trưng, mặt giá trị phong cách của điển cố. Người viết văn dùng Lam Kiều với cấp độ biểu trưng, vì thế mới có các câu:

Cầu Lam hội ấy dành khôn hẹn,
Con tạo trời kia bỗng khéo xây.
(Lâm tuyền kỳ ngộ)

Chày sương chưa nện cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?
(Kim Vân Kiều truyện)

Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
(Kim Vân Kiều truyện)

Trong các ví dụ trên, các tác giả không có ý định nói đến một chiếc cầu cụ thể nọ ở tỉnh Thiểm Tây (mặt hiện thực) mà muốn ám chỉ đến chuyện nhân duyên, chuyện tìm người đẹp (mặt biểu trưng, mặt giá trị). Mặt hiện thực chỉ biết đến như một cái cớ, một môi giới. Điển cố chủ yếu dùng đến mặt sau, mặt giá trị phong cách. Không có mặt sau thì điển cố không bao giờ trở thành một biện pháp tu từ và vì vậy cũng không thể có cái gọi là điển cố.

Do tính biểu trưng đã có sẵn trong điển cố, người ta có thể ép hình thức của điển cố thành dạng ngắn gọn, súc tích nhất, tới mức tách rời từng yếu tố một thì chúng không có khả năng thể hiện được một ý niệm nào đầy đủ. Chúng chỉ nương nhờ vào nhau mới có thể biểu thị một ý nghĩa ước lệ được gán sẵn vào chúng. Ví dụ như: khinh phì, về đông, ba sợ, mỏ chim nanh chuột v.v...

Xét về nguồn gốc, người ta thường chia điển cố thành hai loại: loại dụng điển và loại dẫn kinh. Loại dụng điển dựa vào các câu truyện, sự tích nổi tiếng dễ trở thành biểu trưng. Loại dụng điển được cấu tạo bằng cách rút ra từ cốt lõi câu chuyện theo ba hướng:

1. Sự vật, hay sự việc cốt lõi. Ví dụ: Lá thắm, hơi gươm, giường đông, vơi bình, trộm hương... “Giường đông” (hay Đông sàng) mượn điển trong sách Tấn thư: Thái uý nhà Tần là Khước Giám cho người nhà đến Vương Đạo kén rể. Con cháu nhà Vương ai cũng làm ra vẻ đứng đắn, có một anh nằm khểnh ở giường phía đông ăn bánh. Khước Giám nghe kể bảo: đó chính là chàng rể quý của ta, bèn gả con gái cho. Người đó là Vương Hi Chi, danh sĩ nổi tiếng viết chữ đẹp. Từ tích ấy, “Giường đông” được dùng trỏ chàng rể:

Lẽ đâu dám kẻ giường đông,
Tước bình xin đội thừa long xứng tài.
(Sơ kính tân trang)

2. Nhân vật có tính cách, cốt cách điển hình cho một phẩm chất, một thái độ sống. Ví dụ: Đồng Tân, Đạo Chích, Phiếu Mẫu, Ả Tạo, Bá Nha, Thúc Tề v.v... Ví dụ theo sách Liệt tử: Bá Nha là người đàn giỏi, Chung Tử Kỳ là người sành nghe. Khi Bá Nha đánh đàn để cảm xúc vào núi cao, Kỳ liền khen “Tiếng đàn mới hay làm sao, nghe vòi vọi như Thái Sơn”. Lại khi Bá Nha gảy đàn, để tâm trí vào sông nước, Kỳ liền khen “Tiếng đàn nghe mới hay làm sao, róc rách như nước chảy”. Sau Kỳ chết, Bá Nha treo đàn không đánh nữa, coi như mất bạn tri âm. ở đây Bá Nha, Tử Kỳ tượng trưng cho tình bạn tri âm:

Bá Nha đã gặp Tử Kỳ,
Bảo Sơn ai nỡ trở về tay không.
(Trinh Thử)

3. Tên địa danh, sông, núi... biểu trưng cho một khái niệm phổ biến: Tràng An, non Đào, Mai Dịch, nước Nhược, sông Ngân v.v... Ví dụ “nước Nhược” (hay Nhược thủy) theo sách Sơn hải kinh là tên dòng sông ở vùng cực Tây Trung Quốc, nước dòng sông này rất yếu, dù vật nhẹ như hạt cải cũng không nổi lên được, đây là nơi tiên ở, được dùng biểu trưng cho cõi tiên:

Có phen dạo cảnh Đào Nguyên,
Vui dòng Nhược thủy chơi miền Bồng Lai
(Lưu Nữ tướng)

Cõi người nước Nhược nguồn Đào, Liền mây ngàn dãy, bày sao trăm toà.
(Nhị độ mai)

Loại dẫn kinh thường lấy từ ngữ trong các sách kinh điển, trong các câu nói nổi tiếng của người xưa, có những cấu tạo sau:

1. Lấy trọn một ý, một đoản ngữ trong nguyên văn: nước đục bụi trong, mỏ chim nanh chuột, sát thân thành nhân, tôn trở chiết xung v.v... Kiểu này không nhiều lắm vì dài nên khó đưa vào trong câu văn, câu thơ. “Nước đục bụi trong” là dịch từ “thủy trọc trần thanh” trong sách Tình sử, ý nghĩa biểu trưng là hoàn cảnh éo le, ngang trái:

Lỡ làng nước đục bụi trong,
Trăm năm để một tấm lòng từ đây.
(Kim Vân Kiều truyện)

“Mỏ chim nanh chuột” dịch từ “tước giốc thử nhạ” trong bài thơ Hành Lộ sách Kinh Thi, ý nghĩa biểu trưng chuyện kiện cáo.

Biết rằng hươu chết tay ai,
Mỏ chim nanh chuột tranh hơi còn nhiều.
(Truyện Trê Cóc)

2. Cắt lấy một vài chữ đầu hay chữ cuối của câu văn trong sách: về đông, ngậm vành, hảo cầu, hành môn v.v... “Hảo cầu” mượn chữ trong bài Quan thư sách Kinh Thi, ý nghĩa biểu trưng là vừa đôi phải lứa:

Người đây kén giá hảo cầu,
Thị thành mấy lứa, công hầu mấy ai.
(Sơ Kính tân trang)

“ Hành môn” cũng là chữ trong Kinh Thi (hành môn chi hạ khả dĩ thê trì): dưới cái cửa thô sơ cũng có thể dừng đỗ lại lâu, ý nghĩa biểu trưng chỉ nơi quê mùa thô lậu:

Cùng nhau một giấc hành môn,
Lau nhau ríu rít cò con cũng tình.
(Cung oán ngâm khúc)

3. Lựa chọn một vài từ trong câu nói của kinh truyện cấu tạo lại theo cách riêng: nước trí non nhân, nghiêng nước nghiêng thành, ngựa Hồ chim Việt, lửa thành ao cá v.v... “Nước trí non nhân” trích từ câu sau trong sách Luận ngữ: “bậc nhân giả vui với núi, bậc trí giả vui với nước”, ý nói phải giữ lòng nhân vững vàng như núi, phải có trí tuệ linh hoạt như nước chảy, cả câu biểu trưng cái học chân chính của nhà Nho:

Mảng vui nước trí non nhân,
Đăng lâm trót hạn với xuân một lời.
(Nguyễn Huy Hổ)

“Ngựa Hồ chim Việt” trích từ câu “Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi” (Ngựa hồ hí gió bấc, chim Việt làm tổ cành phương Nam) trong sách Cổ thi, ý nghĩa biểu trưng là lòng nhớ nhung quê cũ:

Người nhìn kẻ lại trông theo,
Ngựa Hồ chim Việt nhiều điều nhớ nhau.
(Hoa Tiên)

Trong các tác phẩm Hán văn, điển cố dù được cấu tạo theo kiểu nào cũng được viết theo trật tự cú pháp tiếng Hán, ví dụ: Lam Kiều, đào yêu, định tỉnh thành hôn, tiện hồng v.v... Còn trong các tác giả muốn cho câu văn mang mầu sắc dân tộc nên thường dịch điển cố sang quốc âm, ví dụ: lá thắm, cành dương, nước trí non nhân, mất dê mất lễ, ném quả, mây Hàng v.v... Trong trường hợp điển cố để nguyên tiếng Hán người đọc dễ nhận diện hơn vì lúc này điển cố không hoà nhập vào mạch diễn của tiếng Việt và mang màu sắc ngoại lai rất rõ. Trong trường hợp điển cố được dịch qua tiếng Việt thì sự nhận diện bên ngoài sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên vẫn có thể thấy giữa mạch văn chung với điển cố có chỗ không ăn nhập, ví dụ:

Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
(Kim Vân Kiều truyện)

Kim Trọng tỏ tình với Thúy Kiều và đây là lời đáp của Kiều, ý muốn nói việc nhân duyên của mình phải do cha mẹ định liệu. ý như thế thì chẳng can hệ gì đến lá và chỉ cả. “Lá thắm” và “chỉ hồng” xét văn lý thông thường không ăn nhập gì với thông điệp. Muốn hiểu rõ phải tìm hiểu giá trị biểu trưng của “lá thắm chỉ hồng”, tức là giá trị phong cách của điển cố. Các từ ngữ trong đoạn văn đều có vẻ dễ hiểu cả nhưng lại không hiểu được cả câu văn, ấy là vì không thấy mặt giá trị của điển cố. Lại như trong câu:

Làng cung kiếm rắp ranh bắn sẻ,
Khách công hầu ngấp nghé mong sao.
(Cung oán ngâm khúc)

Câu này không có từ nào khó hiểu, nhưng thông điệp lại không được thực hiện vì người ta không hiểu tại sao đi tìm vợ lại phải mong sao! Phải tìm giá trị biểu trưng của nó qua một câu trong Kinh lễ “Hôn giả kiến tinh nhi hành” (lễ cưới nhìn sao mà tiến hành) thì mới hiểu được.

Điển cố là một vấn đề khó, lại xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm Nôm, người đọc tác phẩm Nôm không thể không hiểu điển cố. Tiếc thay, hiện nay chúng ta chưa có một cuối từ điển điển cố nào thật tốt. Người ta thường nghĩ rằng một cuốn từ điển điển cố văn học phải do một Viện Văn học biên soạn, nhưng trong thực tế văn chương chữ Nôm của ta, đại bộ phận điển cố đều là điển cố Hán Nôm thì việc biên soạn một cuốn từ điển điển cố phải chăng nên giao cho Viện Hán Nôm biên soạn vì nó phù hợp với khả năng thực tế, nguồn nhân lực cũng như điều kiện in ấn.

GS.TS. Nguyễn Ngọc San

Tạp chí Hán Nôm số 2/1992 

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020