Nghiên cứu khoa học

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM “HÀ THÀNH THI SAO”


15-10-2020

NGUYỄN HOÀNG QUÝ

Thạc sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

     Tác giả của Hà Thành thi sao là cụ Trần Duy Vôn, hiệu là Nhàn Vân Đình; quê ở xã Quần Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cụ sinh ra và lớn lên vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở một miền quê từng là nơi sản sinh ra nhiều nhà Nho nổi tiếng: Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... Nhưng đến thời cụ, thì Nho học đã bước vào thời kỳ suy tàn, chế độ khoa cử cũ đã bị bãi bỏ những năm 1918 – 1919; gây ra không ít những xáo trộn trong hàng ngũ các nhà Nho trí thức Việt Nam thời bấy giờ. Khi tờ Nam Phong tạp chí ra đời trong thời gian 1917 – 1934 tại Hà Nội; đã thu hút khá nhiều người cầm bút, có tinh thần Hán học như: Dương Bá Trạc, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Hữu Tiến, Thân Trọng Huề, Nguyễn Bá Học, Lê Dư... cụ Trần Duy Vôn là người tích cực tham gia viết bài cho phần chữ Hán của tạp chí. Với các bài:

     - Truyện các vị cao tăng ở Việt Nam; Nam Phong tạp chí các số 121 đến 123.

     - Khảo về Phật giáo du nhập vào Việt Nam; Nam Phong tạp chí, 1930 số 143.

     - Nhàn Vân Đình tự ngâm; Nam Phong tạp chí, số 146

     - Nam Anh tùng vịnh; Nam Phong tạp chí, 1930 số 147-149.

     Với bút danh là Nhàn Vân Đình, cụ Trần Duy Vôn còn làm cộng tác viên chữ Hán cho Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp; cộng tác viên thường trú của Ban Hán Nôm và Viện Nghiên cứu Hán Nôm sau này. Cụ đã tham gia biên soạn, hiệu đính nhiều tài liệu chữ Hán. Hiện nay, các tài liệu chữ Hán do cụ biên soạn, biên khảo, biên tập... vẫn còn đang được lưu giữ trong Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong đó có các tác phẩm sau:

     1. Đại Nam cao tăng truyện: 100 tr, chép tay, ký hiệu VHb. 313: sách có 2 phần: 1. Truyện các vị cao tăng Việt Nam. 2. Bài khảo về Phật giáo du nhập vào Việt Nam, và những bài Văn sách thi Đình dành cho các tăng thống thời Minh Mệnh.

     2. Đế vương bảo giám: 174 tr, biên tập năm Bảo Đại 6 (1931), ký hiệu VHb. 314. Gồm sưu tập các câu đối, lời bàn của Khổng Tử, Mạnh Tử, Đường Thái Tông... trong các sách Luận ngữ, Kinh Thi, Lễ ký, Hoài Nam Tử, Đường Quân thư...

     3. Hà Thành thi sao: 178 tr, biên tập năm 1975, ký hiệu VHb. 319. Sưu tập các bài thơ viết về Thăng Long Hà Nội, từ đời Trần đến đời Nguyễn, còn lưu chép trong các sách Hoàng Việt thi tuyển, Truyền kỳ lục, Thăng Long cổ tích khảo... của nhiều nhà thơ nổi tiếng.

     4. Khởi đầu sự lục: 218 tr, biên tập năm Bảo Đại thứ 8 (1933), ký hiệu A. 3093, là tập nguyên cảo của tác giả. Ngoài ra còn một bản được lưu trữ ở Paris. E.F.E.O. MF 1/2/196; MF. 1368. Ghi chép từ các sách cổ kim, đông tây về những vấn đề: chính trị, xã hội, kinh tế, tôn giáo, phong tục, động thực vật...

     5. Nam Chân thập lục vịnh: 32 tr, Nguyễn Hào soạn, Phạm Lập Trai bình điểm, Trần Duy Vôn chép tặng E.F.E.O năm Bảo Đại 14 (1939): gồm 16 bài thơ vịnh phong cảnh huyện Nam Chân (Nam Trực, Nam Định).

     6. Nam thư mục lục: 68 tr, biên tập năm Bảo Đại 13 (1938). Ký hiệu A. 3098. Có lưu trữ tại Paris. MF 1562. Mục lục 512 bộ sách của các tác gia Việt Nam từ đời Lý đến đời Nguyễn, xếp theo thứ tự triều đại và từng tác gia.

     7. Số thứ loại biên: 476 tr, biên soạn năm 1946. Ngô Bộ Doanh đề từ năm 1947, ký hiệu VHv. 2964 – 65. Sách tra cứu các thuật ngữ về Nho, Phật, Gia Tô giáo.

     8. Thiên tiên truyện khảo: 80 tr, biên soạn năm Bảo Đại thứ 10 (1935). Hồ Thúc Trinh đề tựa. Ký hiệu A. 3094. Paris. E.F.E.O. MF II/6/ 994. Khảo về công chúa Liễu Hạnh: quê quán, sự tích; có 41 bài thơ, 6 văn tế, 27 câu đối, 1 bia, 1văn giáng bút.

     9. Trần Vương truyện khảo: 94 tr, biên khảo, bài dẫn viết năm Bảo Đại (1932). Ký hiệu A. 3095. Paris. E.F.E.O. MF II/6/1062. Lịch sử, kệ văn, tế văn, tự đối, bi ký, thi văn về Trần Hưng Đạo...

     10. Việt Nam tước hiệu từ điển: 202 tr, biên tập năm 1967, ký hiệu VHv. 2960. Từ điển xếp theo vần chữ cái La tinh, dùng tra cứu miếu hiệu, thuỵ hiệu, lăng hiệu, niên hiệu, tước hiệu các nhân vật Việt Nam thời cổ...

     Qua những bài viết, chuyên luận, chuyên khảo, tài liệu Hán văn do cụ Trần Duy Vôn biên soạn kể trên, đã góp phần làm phong phú thêm Kho di sản Hán Nôm của dân tộc. Đây là một đóng góp tích cực, hữu ích cho việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam do cụ thực hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX.

     Tác phẩm: Hà Thành thi sao, do cụ Trần Duy Vôn biên tập năm 1975, tại Ban Hán Nôm thuộc UBKHXH Việt Nam. Ký hiệu VHb. 319. Sách gồm 178 trang, 22 x 15cm; bìa phết nhựa cậy đen, viết tay trên giấy dó mịn, màu vàng nhạt; viết bằng chữ Hán nhỏ, đá thảo khó đọc.

     Hà Thành thi sao, là bộ sách sưu tập được hầu hết các bài thơ về Thăng Long Hà Nội từ đời Trần đến đời Nguyễn, trong các sách Hoàng Việt thi tuyểnTruyền kỳ lụcThăng Long cổ tích... của các tác giả nổi tiếng như: Trần Nguyên Đán, Phạm Sư Mạnh, Phùng Khắc Khoan, Phạm Công Trứ, Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Tùng Thiện Vương, Đoàn Nguyễn Tuấn, Cao Bá Quát... Riêng một số tác giả có cả tập thơ riêng, như Vũ Tông Phan có tập Thăng Long hoài cổ (thập tứ thủ), Tiến sĩ Đông Tác Nguyễn Văn Lý bình điểm; tập Long Biên bách nhị vịnh do Bùi Cơ Túc sưu tập 102 bài thơ về Thăng Long, được Tiến sĩ Nguỵ Khắc Tuần hiệu duyệt, Phạm Chi Hương hiệu đính; chùm thơ vịnh Trấn Võ Quán có 15 bài thơ vịnh của nhiều danh sĩ như: Thám hoa Vũ Phạm Hàm, Nhị giáp Tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền, Thượng thư Nguyễn Thượng Ngung, Tổng đốc Cao Xuân Dục...; 23 câu đối của quan lại các tỉnh Thái Bình, Tuyên Quang, Hưng Yên, Ninh Bình... bái đề. Long Biên ái hoa hội, do Hoàng Cao Khải khởi xướng, gồm 18 bài thơ vịnh về Thăng Long của nhiều nhà thơ nổi tiếng...; Ngự chế cung chiêm Văn miếu thi, gồm 15 bài, trong số có 2 bài là của Khải Định, và của các vị Lê Đại, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Siêu,v.v...

     Nhìn chung, Hà Thành thi sao là một sưu tập tương đối đầy đủ những bài thơ, câu đối ở những danh lam thắng cảnh của Thăng Long Hà Nội từ đời Trần đến đời Nguyễn. Qua nội dung tập thơ, có thể cho chúng ta hình dung được cảnh trí những thắng tích xưa, cũng như đời sống xã hội, tình cảm của các nhà thơ văn xưa đối với Thăng Long Hà Nội. Tập Hà Thành thi sao còn là niềm yêu mến tự hào vô bờ của các nhà thơ nhà văn xưa đối với thủ đô. Trong đó họ mong muốn gửi lại cho các thế hệ sau một thông điệp, hãy bảo vệ giữ gìn Thăng Long Hà Nội, niềm tự hào muôn đời của dân tộc Việt Nam.

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.491-495

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020