Nghiên cứu khoa học

Quê của Phùng Hưng và Ngô Quyền thực sự ở đâu?


15-10-2020

Lời dẫn:

Tại Hội thảo khoa học quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập, do Đại học Quốc gia Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 18/3 tại Hà Nội, Báo cáo “Đường Lâm là Đường Lâm nào?” của các tác giả Trần Ngọc Vương,  Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương, nêu các giả thuyết về quê hương của Quốc sư, rộng ra là quê của Hai Vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của những người dự Hội thảo.

          Nhân lời cuối của các tác giả viết trong Báo cáo “Nhân đây, chúng tôi muốn gửi lời cám ơn tới hai ông Lê Hải Nam và Tích Dã … những người mà không có họ, sẽ không có bài viết này” và để thêm thông tin cho bạn đọc về Đường Lâm, chúng tôi xin giới thiệu: 

-         Chủ đề “Quê của Phùng Hưng và Ngô Quyền thực sự ở đâu?” trên Diễn Đàn Viện Việt Học – Việt Sử do ông Lê Hải Nam khởi xướng, bắt đầu từ ngày 31/8/2009. Toàn bộ các ý kiến tranh luận và các thông tin bổ trợ có thể tìm tại đây: http://www.viethoc.org/phorum/read.php?10,43514

-         Bài, tạm gọi là “sơ kết” của tác giả Lê Hải Nam dựa trên tư liệu do tác giả Tích Dã sưu tầm [và biên dịch] mà chúng tôi cho rằng sẽ bổ ích cho bạn đọc trước khi tìm hiểu chi tiết trên Diễn đàn Việt học.

  Mời các bạn cùng xem và tham gia tranh luận. Bài “Quê của Phùng Hưng và Ngô Quyền thực sự ở đâu?” chúng tôi chỉ sửa lỗi chính tả so với bản trên mạng Việt Học. Xin cám ơn.

VHNA

Tổng hợp các tư liệu mà bạn Tích Dã công phu sưu tầm được thì: 

1/. Đường Lâm, tên huyện, tên châu, được thành lập vào đầu thời Đường (trong các năm Vũ Đức, 619-627), sau đó lúc tách, lúc nhập, nhưng vị trí không thay đổi: nó gắn với châu/quận Phúc Lộc, sau thời Đường thì châu, huyện đều bỏ (lý do nói ở dưới).

2/. Đường Lâm nằm gần Ái châu (Thanh Hóa ngày nay), cụ thể là tây nam Ái châu (theo Độc sử phương dư kỷ yếu) vào thời Đường không thuộc Ái châu, nhưng đất đai, phong tục tương tự Ái châu. 

3/. Dân cư Đường Lâm/Phúc Lộc tuyệt đại đa số là người "Sinh Liêu/Lão" (dân trên rừng chưa "được giáo hóa"), do các tù trường nắm giữ, dân người Hán (không nhất thiết là người Tàu, có hộ khẩu, đóng thuế rất ít, theo Tân Đường thư chỉ có 317 hộ, khoảng 1.500 khẩu).

4/.  Quan hệ giữa Đường Lâm và chính quyền đô hộ chủ yếu là quan hệ cống nạp, trong đó thổ cống theo Cựu/Tân Đường thư là bạch lạp (thiếc pha chì, dùng hàn và chế tạo đồ dùng cho nhà vua, sáng và bền) và tử cốc (theo các dịch giả Phương Đình Dư Địa chí là cánh kiến (shellac)). 

5/. Đường Lâm ở gần Trường châu, Trường châu có thổ tục cũng như Ái châu, dân cư phần lớn người Man, nhưng ở gần phủ thành (An Nam đô hộ phủ) hơn.

6/. Đường Lâm và Trường châu sau bị người Man, tức dân bản địa của hai châu này chiếm cứ nên nhà Đường phế bỏ cả, do đó sau này không sách sử nào nhắc tới nữa, vào thời Trần thì đất đai cũ của Trường châu và Đường Lâm thuộc Ái châu, nên Đại Việt sử lựợc khi nói tới quê của Lê Đại Hành thì ghi là Trường châu, còn Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi là Ái châu (bạn nên kiểm tra lại thông tin này trong hai quyển sử trên), còn quê Ngô Quyền thì người Ái châu là Lê Tắc cho biết là Ái châu. 

7/. Đường Lâm, Trường châu ở vị trí huyện Nga Lạc thời Minh. Cố Tổ Vũ (Độc sử phương dư kỷ yếu mà bạn có trích trên) sau đọan nói về Phúc Lộc, rồi Phế Trường châu (Trường châu cũ) thì nói ngay đến huyện Nga Lạc, cùng vị trí với Phúc Lộc và cho biết là huyện Nga Lạc hiện tại (thời Minh-Thanh) là nơi "quan tuần kiểm Nga Lạc là Lê Lợi làm phản". Vậy huyện Nga Lạc này nằm ngay trên vị trí của cả Phúc Lộc và Trường châu, quê của Lê Lợi tức bao gồm huyện Ngọc Lạc và Thọ Xuân hiện nay, vào thời Đường thì Nga Lạc phần bắc thuộc Trường Châu, phần nam thuộc Phúc Lộc.

8/. Chi tiết cho biết đích xác Đường Lâm ở đâu là ở phần thổ cống của châu này; đó là bạch lạp (thiếc trắng). Trong tất cả các châu, quận của An Nam có nộp cống ghi trong Tân Đường thư thì chỉ có hai nơi nộp đặc sản là "thiếc trắng": Phong châu và Đường Lâm. Hiện nay từ Đèo Ngang (ranh giới An Nam đời Đường) trở ra chỉ có hai vùng có mỏ thiếc sa khoáng là Tuyên Quang và Tây nam Thanh Hóa. Chi tiết này hết sức phù hợp Tân Đường Thư: Tuyên Quang đời Đường thuộc Phong châu, còn Đường Lâm thì đã nói ở tây nam Ái châu. 

Kết luận: Đường Lâm và Phúc Lộc thời Đường hiện là đất đai các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân của tỉnh Thanh Hóa, nơi có mỏ thiếc Bù Me (gần núi Bù Chó), một phần ăn sang miền tây Nghệ An (nơi có các mỏ thiếc ở Quỳ Hợp, Quế Phong). Dân cư hiện nay của các huyện này đa số vẫn là người Mường và người Thái.

Điều này lý giải cho chi tiết tại sao Ngô Quyền quê ở Đường Lâm lại lấy vợ là con Dương Đình Nghệ, quê Dương Xá, Đông Sơn, Ái châu và được Dương Đình Nghệ tin tưởng giao luôn binh quyền ở Ái châu. Có gì đâu: quê Ngô Quyền và quê Dương Đình Nghệ chỉ cách nhau có 40 km theo sông Chu (tạm cho lỵ sở của Đường Lâm là thị trấn Lam Sơn trên sông Chu hiện nay) và họ Ngô đời đời là châu mục khống chế cả một miền biên viễn ở ngay sau lưng quê của họ Dương! Vậy Phùng Hưng, Ngô Quyền cùng quê Ái châu cả, cụ thể là huyện Thọ Xuân và Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa hiện nay. 

Nói thêm:

1/. Hiện nay có nhiều người họ Ngô không tin Ngô Quyền quê ở Sơn Tây, xem trích phần giới thiệu về gia phả họ Ngô (có trên internet):

“có thuyết nói rằng Ngô Quyền sinh ở làng Mía - nay là làng Mía, tức Thịnh Mỹ, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa - có thể xuất phát từ địa danh làng Mía Thọ Xuân trùng với làng Mía Đường Lâm) (Gia phả họ Ngô) Theo tộc phả họ Ngô do Hán Quốc công Ngô Lan biên soạn năm Đinh Dậu, triều Lê Thánh Tông (1477), thì Tổ họ Ngô là Ngô Nhật Đại, hào trưởng châu Phúc Lộc (vùng Cửa Sót, xã Thạch Kim, Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Ngài đã tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722), sau thất bại phải rời ra vùng châu Ái (Thanh Hóa). Từ Ngô Nhật Đại đến Ngô Quyền trải qua 5 đời, gần 300 năm không thấy ghi chép rõ ràng. Nếu tính từ Ngô Quyền thì đến nay họ Ngô đã truyền được 36-37 đời, có nơi tính ra đã trên 40 đời, xuất phát từ châu Hoan, châu Ái, qua Đường Lâm (Sơn Tây) mà tỏa đi khắp cả nước, có mặt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Hà Tiên… Qua khảo sát ban đầu, chúng tôi xin trình bày thế thứ của dòng họ một cách khái quát như sau: Cụ Tổ đầu tiên là Ngô Nhật Đại, quê Ái Châu, làm nghề nông” 

2/. Diên cách huyện Thường Xuân theo trang web của tỉnh Thanh Hóa (có trên internet):

“(Huyện Thường Xuân) Thời thuộc Hán là phần đất của huyện Vô Biên và huyện Cư Phong. Từ thời Tam Quốc đến thời Tùy là phần đất thuộc huyện Di Phong. Thời Ðường là phần đất thuộc huyện Trường Lâm (?). Thời Ðinh - Lê - Lý vẫn giữ nguyên như thời Ðường. Thời Trần - Hồ và thuộc Minh gồm hai phần: một phần lớn thuộc huyện Nga Lạc (châu Thanh Hóa); phần còn lại thuộc huyện Nông Cống (châu Cửu Chân). Thời Lê vẫn là miền đất thuộc huyện Nga Lạc và Nông Cống (chưa có châu Thọ Xuân). Thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 18 (năm 1837) mới đặt ra châu Thường Xuân. Quá trình hình thành châu Thường Xuân diễn ra như sau:

- Năm Minh Mệnh thứ 16 (năm 1835), nhập huyện Thọ Xuân cũ (gồm 2 tổng Mậu Lộc và Quân Nhân) vào châu Lang Chánh. Huyện Thọ Xuân cũ (miền núi) mất tên, xóa đơn vị hành chính (huyện Thọ Xuân cũ không phải là huyện Thọ Xuân ngày nay. Huyện Thọ Xuân ngày nay lúc đó là huyện Lôi Dương).

- Năm Minh Mệnh thứ 18 (năm 1837): tách 2 tổng Mậu Lộc và Quân Nhân (của huyện Thọ Xuân cũ), cộng với tổng Luận Ðạm (tức Luận Khê thuộc huyện Lôi Dương), cùng tổng Như Lãng (huyện Nông Cống) để lập thành châu Thường Xuân. 

- Năm Tự Ðức thứ 3, bỏ tri châu, cho phủ Thọ Xuân kiêm lý.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đổi châu Thường Xuân thành huyện Thường Xuân.

Huyện lỵ: trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, châu lỵ Thường Xuân đóng tại Trịnh Vạn, nay là xã Vạn Xuân. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến năm 1965, huyện lỵ Thường Xuân chuyển về phố Cửa Ðặt. Năm 1966, chuyển về Ðồng Mới, nay là thị trấn Thường Xuân.”

Posted by: Lê Hải Nam (125.212.249.---)

Date: September 06, 2009 07:37AM

Nguồn: Văn hóa Nghệ An (vanhoanghean.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020