Nghiên cứu khoa học

Thiên nhiên trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn phê bình sinh thái


13-10-2020
Tác giả: Trần Thị Ánh Nguyệt

Theo Cheryll Glotfelty, phê bình sinh thái, nói một cách đơn giản nhất, là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên. Nó phản biện lại các lí thuyết khoa học nhân văn lấy “con người làm trung tâm” trước đó, để đề xuất cách nhìn nhận, tiếp cận “trái đất làm trung tâm”. Bài viết của chúng tôi muốn từ tư tưởng cốt lõi đó để “đọc” truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.

TÓM TẮT : Theo Cheryll Glotfelty, phê bình sinh thái, nói một cách đơn giản nhất, là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên. Nó phản biện lại các lí thuyết khoa học nhân văn lấy “con người làm trung tâm” trước đó, để đề xuất cách nhìn nhận, tiếp cận “trái đất làm trung tâm”. Bài viết của chúng tôi muốn từ tư tưởng cốt lõi đó để “đọc” truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Từ góc nhìn này, nhà văn đã đặt ra một cách trực diện những vấn đề môi trường và số phận của con người trong thời đại khủng hoảng môi sinh. Đồng thời tác giả cũng đề xuất một cách lắng nghe tiếng nói từ tự nhiên để tìm cho ra câu trả lời cho những khủng hoảng của con người thời hiện đại và đề xuất một thái độ sống gần gũi tự nhiên để được chia sẻ và thanh thản.
Từ khóa: Nguyễn Ngọc Tư, phê bình sinh thái, thiên nhiên
Thế kỉ XXI là thế kỉ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ sinh thái nhất nhưng đồng thời đây cũng là thế kỉ sẽ nảy nở và phát triển các trào lưu sinh thái. Bởi lẽ, càng ngày con người càng nhận ra cần phải duy trì sự hài hòa, ổn định, cân bằng hệ sinh thái thì sẽ khiến cho nhân loại phát triển bền vững, ổn định. Do vậy, phê bình sinh thái sẽ là một lí thuyết đem lại cho thực tế nghiên cứu văn học những cách tân đáng kể, làm thay đổi toàn bộ hệ tư tưởng đã tồn tại một cách cố hữu trong tư tưởng nhân loại – con người là trung tâm để thay thế cách tiếp cận mới – sinh thái là trung tâm. Phê bình sinh thái xuất hiện ở các nước Âu Mĩ nhưng các học giả đang tìm đến phương Đông, nơi có truyền thống gắn bó hài hòa với tự nhiên nhưng hiện tại lại là khu vực có nhiều nguy cơ sinh thái. Gợi ý từ phê bình sinh thái, chúng tôi nhận thấy ở truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư – một tâm hồn mê đắm tự nhiên, đặt lòng mình vào từng dòng sông, ngọn gió, cánh chim để hiểu linh hồn của tạo vật từ đó rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về khủng hoảng sinh thái.
1. Một cái nhìn sơ lược về phê bình sinh thái
Phê bình sinh thái (ecocritisim) còn được gọi bởi những cái tên khác như “phê bình (văn hóa) xanh” (green (cultural) studies), “thi pháp sinh thái” (ecopoetics) hay “phê bình văn học môi trường” (environmental literary criticism). Tên gọi phê bình sinh thái do Wiliam Rueckert sử dụng vào năm 1978 trong khảo luận “Văn học và sinh thái học: một thử nghiệm mới trong phê bình sinh thái” (Literature and Ecology: An Experiment in Ecocritism). Mục đích của ông là ứng dụng sinh thái học và các thuật ngữ sinh thái học vào nghiên cứu văn học.
Các nhà phê bình sinh thái công bố các tác phẩm vào cuối những năm 1960 và 1970 nhưng phê bình sinh thái chưa trở thành một phong trào thống nhất. Mặc dù vậy, trong thời gian này, công trình của Joseph Mecker là “Bi kịch của sự sống sót” (The Comedy of Survial, 1974) đã đưa ra một vấn đề sau này trở thành cốt yếu của phê bình sinh thái và triết học môi trường: cuộc khủng hoảng môi sinh chủ yếu bắt nguồn từ truyền thống văn hóa phương Tây vốn chia tách văn hóa ra khỏi tự nhiên và dành cho văn hóa thế ưu trội. Thuyết loài người là trung tâm (anthropocentrism) đã tồn tại một cách thâm căn cố đế trong văn hóa phương Tây mà bỏ qua lợi ích của môi trường.
Giữa thập kỉ tám mươi của thế kỉ XX, các học giả cộng tác với nhau xây dựng phê bình sinh thái trở thành một phong trào mạnh mẽ. Người có công phát triển phong trào phê bình sinh thái là Cheryll Glotfelty, đã đồng biên tập với Harold Fromm một tuyển tập cốt yếu các bài viết có tính định hướng quan trọng là “Tuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học Văn học” (The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, University of Georgia Press, 1996). Năm 1992 bà cũng là nhà sáng lập ra ASLE (the Association for the Study of Literature and Environment) – Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường. ASLE có một tờ báo riêng là ISLE (Interdisciplinary Studies in Literature and Environment) – Nghiên cứu Liên ngành Văn học và Môi trường, ra đời năm 1993. Nhờ đó phê bình sinh thái đã chính thức trở thành một phong trào nghiên cứu hàn lâm vào đầu thập niên 1980. Cheryll Glotfelty cũng đã đưa ra một định nghĩa giản dị và rõ ràng về phê bình sinh thái “Nói một cách đơn giản, phê bình sinh thái là việc nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên” [8,18]. Thông qua nghiên cứu văn học để nhìn nhận lại toàn bộ văn hóa của con người. Chính thái độ ngạo mạn của con người đối với tự nhiên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Phê bình sinh thái đã thay đổi một cách cơ bản cách nhìn nhận, tiếp cận đối tượng, tất cả các phong trào nghiên cứu văn học từ trước đến nay đều lấy con người làm trung tâm, còn phê bình sinh thái lấy sinh thái làm trung tâm.
Để giải quyết vấn đề sinh thái, đòi hỏi con người phải nhìn nhận lại phương thức sống của mình, xem xét lại văn minh, văn hóa của mình để đề xuất và điều chỉnh, đánh giá lại thái độ của mình đối với tự nhiên. Đây là cuộc cách mạng về thế giới quan của con người. Bởi vậy, khi nghiên cứu con người trong mối quan hệ sinh thái, chúng ta thấy rằng con người – bản thân nó là phép tắc của tự nhiên. Sự sống phát triển khi con người được sống hài hòa, thân mật, hợp với tự nhiên.
2. Sự hủy hoại của môi trường sinh thái
Trước tình trạng môi trường toàn cầu ngày một tồi tệ đi, một trong những vấn đề cấp thiết mà phê bình sinh thái đặt ra là cảnh báo về sự hủy hoại tự nhiên, sự biến đổi của môi trường sinh thái. Ứng xử ngỗ ngược của của con người với bà mẹ Trái đất đã gây ra nhiều tai họa. Con người đang phải trả giá rất đắt cho việc chúng ta trở nên tự phụ đến mức quên cả cảm thông với thiên nhiên. Vấn đề thời sự này đã được nhiều tác giả đề cập như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Sương Nguyệt Minh… nhưng với Nguyễn Ngọc Tư, điều này được đặt ra một cách bức thiết, trực diện và tha thiết. Tác giả đã phát hiện ra một chân lí thật giản dị mà nghiêm trọng: “Con người trừng trị thiên nhiên bằng cách hạ nhục, hủy hoại nó, còn thiên nhiên trả thù bằng cách: Nó biến mất” [7, 153].
Rất khác với Đoàn Giỏi (Đất rừng phương Nam) chọn một cậu bé thành phố lưu lạc về miền sông nước làm nhân vật chính, lấy con mắt chiêm ngưỡng, lạ lùng, tò mò của người thành phố để nhìn vẻ đẹp sông nước mênh mông, giàu có, hầu hết các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sống, lớn lên và vật lộn trên mảnh đất của mình nên đó là cái nhìn của người trong cuộc, đứng trước đổi thay, phai nhạt của quê hương thấy xót xa, đắng đót. Người nông dân hàng ngày đối diện với bờ kênh, con rạch, mảnh ruộng… nên cảm nhận về những tai họa của tự nhiên: đất lở, núi lở, hạn hán, xâm ngập mặn, mùa nước nổi kéo dài… thật cụ thể, chân thực. Nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của “miệt vườn” Nam Bộ nhưng kì thực, đọc truyện, thi thoảng lắm mới thấy hình ảnh cây trái xum xuê còn hầu như là sự phai màu của đất, sự biến mất của tự nhiên tươi đẹp, những thảm họa thiên nhiên trút xuống… Cánh đồng bất tận mở ra bằng một bức tranh khô hạn: “mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này” [5, 155], “trong một mùa hạn nóng bỏng, bất thường” [5, 162], “nắng rất dài” [5, 162], “mùa mưa vẫn còn xa lắm” [5, 162], “nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh” [5, 175], “nắng giữa trưa nóng rát” [5, 178], “nắng như tát lửa” [5, 206]. Hạn hán là thảm họa đối với người nông dân. “13 tháng nắng hạn liên tiếp” [6, 50] tức là “hơn bốn trăm ngày nắng như thiêu như rang” [6, 53] đã xua những đứa trẻ lên thành phố, “hạn hán quá lâu” [6, 44] khiến cho đàn dê của Củi (Sầu trên đỉnh Puvan) chết hết, chỉ còn 1 con. “Nắng quay quắt như vắt như vo con người thành những hòn đá khô khốc có thể lăn cọc cạch” [7, 13], làm cho thậm chí cả nước mắt cũng ráo hoảnh “dường như nước mắt cũng bị cái nắng dai dẳng rút cạn, bay hơi đi” [6, 50].
Là nhà văn của miền sông nước, Nguyễn Ngọc Tư phát hiện ra rằng nước được coi là yếu tố quan trọng nhất cấu thành sự cân bằng sinh thái tự nhiên, thiếu nước là hạn hán nhưng tác giả cũng phát hiện ra nghịch cảnh “dừng chân bên bờ sông lớn mênh mang, mỉa mai, người ở đây lại không có nước để dùng” [5, 162]. Tình cảnh thiếu nước sạch trong Cánh đồng bất tận thật tội nghiệp: “Họ đi mua nước ngọt bằng xuồng chèo, nín thở để nước khỏi sánh ra ngoài… tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, nước rửa rau xong dành rửa cá” [5, 162]. Trong bối cảnh chúng ta đang đặt vấn đề về “an ninh nước”, phát hiện này của Nguyễn Ngọc Tư quả đã chạm vào những điều thiết cốt của sinh thái môi trường.
Kiểu tự sự của Nguyễn Ngọc Tư vừa có sức hút của truyền thống với cốt truyện chính bao giờ cũng có vẻ giật gân lại vừa rất hiện đại, cốt truyện luôn bị chìm đi bởi những yếu tố ngoài cốt truyện. Bằng cách đó tác giả làm cho truyện chồng lên nhiều tầng ý nghĩa mà soi chiếu ở góc độ nào cũng bóc tách ra được các vấn đề. Và đôi khi do sự chìm lấp của cốt truyện, những vấn đề đặt ra ngoài cốt truyện ấy hiện lên thật sắc nét. Nước như nước mắt là câu chuyện về người chồng bị người yêu cũ giết chết, người vợ tìm cách trả thù kẻ đã gây ra cái chết của chồng. Nhưng cốt truyện khá gay cấn đó chỉ như là một cái cớ còn hầu hết nó được dệt nên bởi cảm nhận của nhân vật về mùa nước nổi, về sự xâm thực của biển vào đất liền, đẩy người nông dân ngày một lùi xa vào đất “Ngó nước bắt đầu linh đinh bờ bãi, người ở xóm Rẫy thở dài ứ hự, chắc năm sau ăn tết trên ghe” [7, 11]. Cái cảm giác ngoài cốt truyện đó đã giải thích nguyên nhân về cái chết nghe thật bâng quơ và khó tin “Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai” [7, 8]. Bởi sự thực, sống trong tình cảnh “cứ mỗi năm nước đuổi lại sớm hơn, mùa mỗi năm lại dài hơn (…) nước theo sông ngày càng vào sâu hơn, trên bờ bãi, ngấm vào chân ruộng… đắp tới đâu, nước theo tới đó, cơi nhà tới đâu, nước ngập tới đó” [7, 12], môi trường sống xung quanh ngày một xuống cấp nghiêm trọng: “cây trái tàn rụi, chỉ có cỏ đuôi mèo là sống được” [7, 13], “những con cá nước đục còn sót lại, ốm ròm, trên mình đầy ghẻ lở” [7, 13], cả đôi cá bạc đầu huyền thoại cũng “chạm râu vào nhau khẽ khàng, như âu yếm, như đờ đẫn, như dịu dàng lại như kiệt sức” [7, 9], sức chống chọi với mùa của con người cũng “mệt mỏi và đuối sức như con cá nước đục khắc khoải sống với cái vị mặn mòi xa xót của biển” [7, 14], vì “nước đuổi đã 2 tháng rồi, đến con người cũng phờ phạc đi” [7, 10]. “Khi bị bứng lìa ra khỏi mặt đất” [7, 14], sống trên ghe mọi sinh hoạt bị đảo lộn: chỉ được “tắm khô”, giữa bữa cơm bất chợt thèm ớt, nắng mà không có bóng cây mắc võng nằm, chết cũng phải chờ nước rút thì mới đem âm thổ… thì có lẽ nguyên nhân cái chết vì thèm rau tưởng như vô lí của chồng Sáo cũng trở nên bình thường “nó diễn ra mỗi ngày, người ta chết đuối, chết vì khát, vì thèm tắm, vì nhớ vị của trái ổi chát, vì giành nhau cành củi trôi sông…” [7, 14] và vì một điều nghiêm trọng hơn nhiều như ông bán xôi dạo thốt lên “thời thế loạn rồi, đất không còn thì thứ gì còn” [7, 15]. Đó cũng là cách tự sự quen thuộc của Sầu trên đỉnh Puvan, Khói trời lộng lẫy… Nương theo số phận của nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư đặt ra nhiều vấn đề của môi trường và số phận của cá nhân trong chỉnh thể sinh thái. Thế giới tự nhiên có một sự cân bằng tinh tế của các mối quan hệ phức tạp liên hệ lẫn nhau trong đó sự tồn tại của sinh vật này phụ thuộc và sự tồn tại của sinh vật khác. Con người là một phần của hệ sinh thái, cuộc sống của con người phải tùy thuộc vào thế giới tự nhiên ấy. Vậy nên, khi chỉnh thể sinh thái của tạo hóa bị hủy hoại thì sự sống của bản thân con người tất sẽ bị đe dọa cả thể chất lẫn tinh thần: “Thế giới sinh vật là một “dây chuyền sống” cực kì tế nhị và người ta không thể phá hủy một mắt xích trong dây chuyền này mà không bị trừng phạt” [4, 113].
Nếu như ở các tập truyện ngắn viết thời kì đầu (Ngọn đèn không tắt, Giao thừa) chủ yếu xoay xung quanh đề tài tình cảm: những mối tình đầu, tình cha con, tình mẫu tử… thì về sau, lồng trong câu chuyện là vấn đề thời sự: vấn đề môi trường. Tư tưởng này có lẽ thể hiện ngay ở cách đặt tên các tập truyện bằng những hình ảnh gắn liền tự nhiên: Cánh đồng bất tận – thiên nhiên bao giờ cũng mênh mông, trải dài, bất tận, vĩnh cửu; Gió lẻ – lấy cái đơn độc của thiên nhiên để biểu hiện sự cô đơn của con người, Khói trời lộng lẫy – những gì thuộc về tự nhiên đều khoáng đạt, đẹp đẽ, lộng lẫy. Sự suy giảm của môi trường sống đã được Nguyễn Ngọc Tư đặt ra ở Cánh đồng bất tận qua đôi dòng cảm nhận của Nương: “Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát (…), đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi thu hẹp dần” [5, 208], qua cái lắc đầu ngao ngán của Sương trước dòng nước quánh lại vì phèn thì đến tập Khói trời lộng lẫy những nỗi đau môi trường trở thành tư tưởng chủ đạo. Trong truyện ngắn Khói trời lộng lẫy, người đọc nhận ra một tiếng nói khẩn thiết, mãnh liệt về một tấm lòng tha thiết với thiên nhiên, mê đắm với vẻ đẹp của cành hoa ngọn cỏ, đau đớn trước sự mất dần của thiên nhiên tươi đẹp, chua chát trước sự tàn hại của con người. Lắng nghe tiếng kêu cứu từ tự nhiên, những kẻ mê đắm thiên nhiên trong Viện Di sản thiên nhiên và con người đều có “cảm giác mất mát thật rõ ràng” [7, 140] vì “Những vẻ đẹp được nhốt trong phòng lưu giữ của Viện là những tiếng kêu thét tuyệt vọng, bất lực trước mất mát, sự run rẩy của nỗi buồn, bởi quá nhiều thứ ta không bao giờ thấy lại ngoài đời” [7, 135], bởi ở đó là tiếng gọi khẩn thiết về sự biến mất dần của vẻ đẹp tự nhiên, là “sự níu kéo vô vọng của con người” [7, 155]. Di nhận thấy những vẻ đẹp bị nhốt trong Viện là những vẻ đẹp chết, không có sinh sắc của sự sống. Con người đã biến thiên nhiên thành đại công trường, khu công nghiệp, nhà ở, thành phố… “xua đuổi thiên nhiên đi xa” [7, 132], “hạ nhục tự nhiên” [7, 153], can thiệp thô bạo vào vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Tư tưởng này còn thể hiện một cách đậm đặc và sắc nhọn trong tạp văn, nơi mà nhà báo Nguyễn Ngọc Tư có thể trình bày trực tiếp nỗi nhức nhối. Cả trong tiểu thuyết Sông, viết về một nhân vật đồng tính chán chường, hoang hoải với cuộc sống đô thị thực hiện dự án về kí sự sông Di và coi đó là cuộc ra đi mãi mãi của mình như những con sông lở – đất đai, địa danh, nhà cửa, con người… bị đứt rời, cắt khúc, mất tích vào khoảng không mênh mông của dòng nước. Khắp các trang viết là nỗi ai hoài trước vẻ đẹp tự nhiên ngày một nhạt phai, phập phồng một nỗi âu lo về những hiểm họa thiên nhiên đe dọa cuộc sống vốn mong manh của người dân cực Nam tổ quốc.
Cách viết này thật khác Sơn Nam trong tập Hương rừng Cà Mau với cảm hứng sử thi về khát vọng chinh phục tự nhiên, sự kiêu hùng của con người trước thiên nhiên; khác với Đoàn Giỏi trong Đất rừng phương Nam là tình yêu thiên nhiên hòa lẫn vào tình yêu đất nước, Nguyễn Ngọc Tư mang tâm thế của con người thời hiện đại bị văn minh dồn đuổi, hoàn toàn mất niềm tin vào con người “không con nào tàn phá gây hại như con người, đi tới đâu thiên nhiên lụn bại tới đó” [7,143]. Tư tưởng này gợi nhớ đến lời của J.J.Rousseau “Tất cả đều tốt đẹp trong bàn tay của tạo hoá bước ra, tất cả đều thoái hoá đi trong bàn tay của con người” [Dẫn theo 1, 135]. Đó cũng là điểm cơ bản mà phê bình sinh thái muốn phản tỉnh. Trước sự khai thác quá mức bởi nhịp độ phát triển ngày một tăng, môi trường đứng trước nguy cơ thảm họa. Để giải quyết khủng hoảng sinh thái con người phải nhìn lại phương thức sống, xem xét lại văn minh văn hóa để đề xuất, đánh giá lại thái độ của mình với Trái Đất. Điều này dẫn đến cuộc cách mạng thế giới quan của con người mà văn học phải tham dự vào như một cách đề nghị, như một lời cảnh báo.
3. Lắng nghe tiếng nói từ tự nhiên
Phê bình sinh thái ảnh hưởng từ tư tưởng sinh thái học bề sâu (Deep ecology), một triết lí sinh thái và môi trường hiện đại tôn trọng sự tồn tại bình đẳng của tạo vật, mọi sinh vật trong hệ thống không có loài nào ở thế ưu trội. Tư tưởng này bác bỏ quan niệm “con người là trung tâm” bám rễ sâu trong văn hóa phương Tây. Từ tư tưởng mang tính cách tân này, chúng ta thấy Nguyễn Ngọc Tư đã đặt ra nhiều vấn đề mà con người hiện đại cần suy ngẫm.
Các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư thường rất cô độc, mỗi nhân vật bị đẩy vào cô đơn theo những cách khác nhau của dòng đời đầy bất trắc. Không có ai chia sẻ hoặc từ chối chia sẻ với mọi người, họ tìm đến thiên nhiên như một nơi để vơi bớt nỗi trống trải mênh mông trên cõi đời này. Hạn hán đẩy các bạn lên thành phố, Củi (Sầu trên đỉnh Puvan) đặt tên lũ dê bằng tên những người bạn và chia sẻ buồn vui với chúng, thậm chí cả khi lũ dê chết cậu vẫn giữ cái đầu lâu dê bên mình. Ông già trong Cái nhìn khắc khoải chỉ có con Vịt Cộc chuyện trò, tâm sự, giãi bày để đươc an ủi. Mẹ cha ích kỉ, tàn nhẫn chỉ lo kiếm tiền và xua đuổi ông nội – người bạn duy nhất nên cậu bé (Núi lở) suốt ngày chỉ tha thẩn với con nhồng. Nương và Điền lang thang trên khắp các cánh đồng, không bạn bè người thân, chỉ có người cha đầy thù hận nên làm bạn với với gà vịt, chim muông, nương tựa vào tự nhiên mà sống “tự học cách định hướng bằng mặt trời, sao đêm, bằng gió, bằng ngọn cây” [5, 174]… Muông thú là người bạn thân thiết của con người – chúng ta đã nói câu đó đến sờn mòn, thậm chí không còn cảm giác về lời nữa. Thế nhưng, tình cảm của ông Sáu và con bìm bịp trong Biển người mênh mông vẫn khiến chúng ta cảm động.
Dễ nhận thấy, làm bạn với loài vật, lắng nghe tiếng nói của loài vật trong truyện Nguyễn Ngọc Tư hầu hết là những nhân vật người già hoặc trẻ em – những con người gần tự nhiên hơn cả. Chỉ có tâm hồn bao dung “như nước lớn, như đồng khơi” [5, 51] của người già và tâm hồn nguyên sơ thánh thiện của trẻ nhỏ mới cảm nghe được linh hồn của tạo vật. Khi một lần Nương nghe tiếng mấy con vịt cãi nhau cô cảm động mãi trước lời con vịt mù vì ngoài Điền, đó là con vật duy nhất nghe được trái tim của cô: “một con vịt đui khịt mũi, cười, “Nó chớ ai, giọng có khác, nhưng rõ ràng là tiếng trái tim nó. Quen lắm. Chập chờn, thút thít, đòng đưa như sắp rụng…” [5, 196], đến nỗi khi lũ vịt của gia đình Nương bị thiêu hủy, Nương cảm thấy thật mất mát như mất đi một người thân vậy “Tôi tiếc thôi là tiếc sinh linh nhỏ bé đã thấu được tim mình” [5, 198]. Ở đây, chúng ta bắt gặp triết lí sinh thái của Nguyễn Ngọc Tư trong cái nhìn bình đẳng với tạo vật: Động vật cũng có cảm thụ mĩ cảm của nó, biết lắng nghe và đánh thức tâm hồn con người. Hầu hết nhân vật loài vật của Nguyễn Ngọc Tư đều có tâm hồn và tính cách. Đó là chú vịt Cộc cá tính, con bìm bịp nghĩa tình, con vịt mù tinh tế… Thế giới loài vật không phải chỉ là nền cảnh, là cái cớ để con người bộc lộ tâm trạng mà “chúng có sinh mệnh thật sự” như nhà văn Mạc Ngôn từng phát biểu “Khi đó tôi bỗng cảm thấy cỏ cây quanh ḿnh, và cả ḅ dê nữa, đều có thể trò chuyện với con người, chúng chẳng những có sinh mệnh, mà còn có cả tình cảm nữa” [3]. Ông lão chăn vịt gắn bó với con vịt Cộc đến nỗi bạn bè của ông than phiền “Cha nội này sống thấy rầu quá trời đất, mai mốt con vịt xiêm đó chết rồi, để coi ông sống với ai?” [5, 51]. Và con vịt xiêm đó không chỉ quan trọng với ông lão, nó còn quan trọng với cả truyện ngắn Cái nhìn khắc khoải. Nếu thiếu nó truyện sẽ trở nên rất nhạt. Kì thực, đó là một cốt truyện không hấp dẫn nhưng lối viết duyên dáng nhờ thêm vào chú vịt Cộc khiến cho câu chuyện trở nên có hồn. Đây có lẽ cũng là ngụ ý của tác giả khi xây dựng song song hai hình tượng người – vịt. Ngay khi giới thiệu ông lão chăn vịt đồng khơi hình ảnh con Cộc cũng được hình dung cụ thể với thói quen (buổi sáng ùa ra cùng với bầy vịt rồi nghe ông lão gọi thì cọ đầu vào bắp đùi của ông; buổi tối ngủ vùi dưới mé kinh, ông lão kêu lại lạch bạch đi lên), cảm giác (mùi rạ thơm quá, ngọt quá, ngụp mỏ vào thấy sướng người[5, 50]), tính cách (Nó là con vịt chúa gây chuyện… Nó khá cộc cằn, tư lự [5, 51]). Đó là chú vịt có cá tính, thông minh và khá ý nhị. Từ cái cách chú chào đón cô Út “Con vịt ngoắc ngoắc cái đầu lại, ý nói, vịt xiêm chớ vịt gì, thiệt tình” [5, 52], nhận ra sự bối rối của hai người “bữa nay hai ông bà có chuyện gì mà bắt mình ăn thấy bà cố nội” [5, 59] đến cách chú bình luận về tình cảnh khó khăn “Con Cộc điềm đạm lại cái mẻ lúa, nó ăn chậm rãi. Ý nói sao mà tôi tội nghiệp hai người quá đi, làm người mà khổ vậy, làm vịt sướng hơn” [5, 60], cái cách chia sẻ với ông lão “gác đầu lên đùi ông, cọ cọ an ủi” [5, 60] và cái nhìn thấu hiểu, cảm thông “Con Cộc mổ vô ống quyển của ông, rồi nhóng cần cổ dòm ông lom lom, có phải ông chờ bà đó quay lại không?” [5, 61] thật tinh tế, toát lên một thần thái rất duyên dáng. Quả là, loài vật cũng có cảm nhận đời sống riêng theo cách của nó, có một cảm quan đặc biệt, biết lắng nghe và đánh thức phần tâm linh sâu thẳm của con người. Những hành trình cô độc của một con người cô đơn với con vật yêu thương của mình là motip quen thuộc trong văn học bởi vì trong những khoảnh khắc đặc biệt ấy sự nhạy cảm bản năng của loài vật đã đánh thức phần vô thức chìm sâu của con người. Vĩnh biệt Gunxarư của Aitmatốp là một cuộc đi nhuốm đầy màu sắc huyền thoại của một người già nua trên chiếc xe ngựa già nua. Hành trình ấy khơi dậy trong ký ức đã tàn lụi bóng dáng của những ngày xưa cũ kì diệu, mãnh liệt. Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu) là dòng nội tâm miên man của lão Khúng chập chờn đan xen hai chiều quá khứ, hiện tại lồng cài trên quãng đường dắt con bò ra chợ Giát. Con bò Khoang đã gợi dậy một thế giới hoang vu, âm u, mờ mịt của cuộc đời nhoè nhoà trong muôn vàn đối lập tương tranh giữa tủi cực, vất vả, cực nhọc nhiều mất mát nhưng cũng đầy yêu thương, gắn bó, xen lẫn giữa tối tăm, mịt mùng và ánh sáng của lão Khúng.
Không chỉ có tâm hồn và tính cách, thế giới loài vật của Nguyễn Ngọc Tư tràn đầy yêu thương, trái ngược lại với thế giới đầy bất trắc, xảo trá, lọc lừa của loài người. Đối với Điền và Nương, “Thế giới của loài vịt mở ra – không ghen tuông, hờn giận, chắc tại cái đầu vịt nhỏ quá nên chỉ đủ cho yêu thương” [5, 195]. “Em” (Gió lẻ) phát hiện ra rằng “không biết trên thế gian này có con chim nào tìm tới cái chết vì tiếng nói của con chim khác? Có con chó nào bỗng dưng đâm đầu vào đá vì tiếng sủa của con chó khác? Có con bò nào nhảy xuống sông tự tử vì tiếng kêu của con bò khác?” [6, 147]. So sánh muông thú với con người, thậm chí thấy con người thật tồi tệ. Hành động trả thù của cha khiến Nương và Điền “xấu hổ vì mình là con người xộc lên mũi sặc sụa” [5, 200] khi đối sánh với hành động đạp mái của bầy vịt “tôi phát hiện ra chúng chẳng bao giờ cưỡng đoạt và gạ gẫm nhau. Khoảng thời gian trước khi con trống trèo lên con mái rất thật, mềm mại, êm đềm… Tuyệt không có gì thô tục (…), trong sự hoan lạc (của những con vịt) đầy ắp thứ gọi là tình – yêu” [5, 200]. Đối với bản thân loài vật, hoạt động tính dục được thực hiện đúng với bản năng thiên bẩm, tự nhiên, hài hòa “có mối liên hệ giữa mĩ cảm với hoạt động tính dục ngay ở loài vật (…) chuyện tính dục được bộc lộ đầy thi vị, mang sắc thái thẩm mĩ” [2, 10]. Còn con người, hoạt động ấy mang trong đó sự ích kỉ, thù hằn, giả dối – đều tuyệt nhiên không có ở loài vật. Đối sánh ấy khiến chúng ta giật mình nhận ra, tình dục của con người không còn mang vẻ đẹp của bản chất tự nhiên nữa mà bị khúc xạ qua thói vị kỉ, xấu xa của con người. Điền đã từ chối sự lớn lên bằng cách tự kìm hãm bản thân vì nghĩ là tình dục là xấu nhưng những chú vịt đã dạy cho Điền biết về vẻ đẹp đích thực. Đó không phải là những gì Điền chứng kến ở con người (hành động nông nổi của má, rắp tâm trả thù của ba, sự nhẹ dạ của những người phụ nữ bị lừa dối…) mà thực sự nên thơ, êm đềm; là hành động chia sẻ tình yêu thương. Loài vật đã dạy cho Điền bài học sơ giản về sự hài hòa của tình dục và tình yêu.
Nguyễn Ngọc Tư đã nhiều lần nhắc chúng ta rằng gắn bó với muông thú, cây lá con người ta sẽ thấy bình tâm, tĩnh lặng bởi bản năng của muông thú là yêu thương. Đó là lí do vì sao các nhân vật khi chán chường, cô đơn, mất niềm tin vào thế giới người đều tìm đến tự nhiên thanh sạch, an lành, bao dung. Chính “cái bản năng chân thật hồn nhiên của muông thú” (Kiệt Tuấn) khiến những nhân vật cô đơn, bầm dập, đau khổ cảm thấy được yêu thương san sẻ “Chị em tôi học cách yêu thương đàn vịt (hi vọng là sẽ không bị đau như yêu thương một con người nào đó)… chơi với người thấy buồn nên chuyển qua chơi cùng vịt” [5, 195]. Đặt con người trong thế đối lập với loài vật khiến cho tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư chạm vào nỗi đau sâu thẳm của nhân loại thời hiện đại, khi con người rời bỏ tự nhiên nghĩa là con người đã rời bỏ bản tính thiên nguyên tốt đẹp của mình.
Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta bắt gặp kiểu nhân vật lạc loài, vì những nỗi đau riêng chôn chặt trong lòng không thể chia sẻ. Nỗi đau riêng ấy đánh bật nhân vật ra khỏi đồng loại. Những nhân vật này thường chọn cách giao tiếp với loài vật để vơi bớt đớn đau bởi thế giới muông thú bao dung, không thù hận, ích kỉ và giả dối như thế giới loài người. Nương, Điền (Cánh đồng bất tận), cậu bé (Núi lở) và “Em” (Gió lẻ) tuy có khác nhau ở hoàn cảnh cụ thể nhưng đều giống nhau ở điểm là cảm thấy kinh sợ con người vì sớm chứng kiến sự dối trá trắng trợn của đấng sinh thành. “Em” (Gió lẻ) từ chối tiếng nói con người vì đó là tiếng nói của sự giả dối làm đau nhau: lời của cha gây cái chết kinh hoàng của mẹ, rồi thản nhiên dựng lên một cái chết sai sự thật về mẹ, ông Tám Nhơn Đạo nói dối, chị Băng nói dối và rất nhiều người nữa. Từ chối con người, Em chọn cách làm bạn với loài vật vì “việc nói chuyện với con này con kia làm giấc ngủ trở nên hấp dẫn và dễ chịu” [6, 150], thậm chí, sự giao tiếp với con Cò (tên con chó) còn làm em có cảm giác “ran khắp người” [6, 151] nhưng cảm xúc ấy chết “từ khi nghe lại tiếng người, mùi người” [6, 151] nên lúc bị ông Tám Nhơn Đạo hãm hiếp, em chỉ thấy một nỗi trống rỗng khủng khiếp. Sau này rong ruổi trên chiếc xe tải Landu với Dự và “Gã”, em từ chối tiếng nói của con người “vĩnh viễn nói kiểu của chim” [6, 147], vì “Tiếng nói của con vật không dùng để làm tổn thương nhau” [6, 147]. Bản chất của loài vật là vô tư, hồn nhiên như trẻ nhỏ vì vậy tìm đến loài vật là tìm về với phần bản tính tự nhiên tốt đẹp của con người mà khi lớn lên chúng ta bỏ quên mất: “Khi người ta còn bé, người ta rất hiểu tiếng nói của loài vật: chúng nói cũng rành rọt như cha mẹ nói với ta. Nhưng một khi ta lớn lên thì tính năng đó mất đi” (Nữ thần băng giá – Andersen). Bởi vậy, nói theo tiếng nói của loài vật là cách con người trở về với bản tính thiện của mình, bằng cách đó, thể hiện một thái độ chối từ dứt khoát với sự xảo trá, lọc lừa của thế giới con người. Từ chối nói tiếng người – đó cũng là cách của Nương và Điền: Thằng Điền cười, “ủa, tụi mình hỏng nói tiếng – người” [5, 192]. Thậm chí, đó là kiểu tự vệ của hai đứa trẻ cô độc thiếu tình yêu thương “Đắm đuối với loại ngôn ngữ mới, chúng tôi chấp nhận để cho người ta nhìn mình như kẻ điên (miễn là tạm quên nỗi buồn của cõi – người)” [5, 195] – nỗi buồn của những ước mong rất đỗi giản đơn của một người bình thường – thèm muốn có một ông nội để thương, không dám gắn kết dù với chỉ một cái cây vì dời đi lại thấy lòng đau vì lỡ gắn bó. Ở đây chúng ta bắt gặp triết lí sinh thái trong cách đề xuất của tác giả, không dành cho con người thế ưu trội, Nguyễn Ngọc Tư đã đưa ra một cái nhìn bình đẳng với tự nhiên, chỉ ra cho chúng ta thấy, rằng chúng ta không công bằng với tạo vật. Trong tự nhiên không có gì là xấu, đẹp xấu là do con người áp đặt. Vậy nên phát hiện của các nhân vật thật giản dị, hiển nhiên mà đau đớn vô cùng bởi vì phải từ bỏ thế gới của mình, từ bỏ ngôn ngữ của của đồng loại để đi tìm ngôn ngữ của loài khác thì cô đơn khủng khiếp. Con người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã từ bỏ tư thế kiêu hãnh “kiểu mẫu của muôn loài” để nhận ra sự bất toàn của mình. Tạo hóa sinh ra con người và muôn loài là tốt đẹp và hoàn hảo, chỉ vì con người với những lí trí, dục vọng, ích kỉ… đã làm khuất lấp đi vẻ đẹp tự nhiên ấy. Vì đánh mất bản tính tự nhiên tốt đẹp, con người trở nên khiếm khuyết.
Nếu nhìn bề ngoài có lẽ cách viết của Nguyễn Ngọc Tư không mới, làm bạn với loài vật, lắng nghe tiếng nói từ tự nhiên, nói chuyện với muông thú… là cảm quan từ xưa của người phương Đông, chúng ta cũng gặp các phương thức kể chuyện này đầy rẫy trong truyện cổ dân gian, truyện truyền kì…, xa hơn chính là tư tưởng vạn vật hữu linh nguyên thủy nhưng điểm mới của Nguyễn Ngọc Tư chính là đề xuất ra một cách nhìn. Phê bình sinh thái chỉ ra chính tư tưởng sùng thượng con người một cách thâm căn cố đế trong tư tưởng nhân loại dẫn đến sự khủng hoảng của con người thời hiện đại. Con người phải từ bỏ cái trung tâm luận là chính mình để soi vào vạn vật và nhận ra vẻ đẹp vô tư, không vụ lợi của tự nhiên. Nhận ra bằng con mắt bình đẳng với tạo vật mà bấy lâu nay vì thói tự phụ, con người quên mất: tự nhiên có trước và là chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người.
4. Thiên nhiên cứu rỗi tâm hồn con người
Nhiều truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện kiểu nhân vật mê đắm tự nhiên. Khi lặng ngắm tự nhiên, giao hoà cùng thiên nhiên, con người trở nên thanh thản, bay bổng cùng vẻ đẹp của tạo hóa bởi thiên nhiên đã nuôi dưỡng, gìn giữ phần nhân tính tốt đẹp của con người. Vĩnh (Sầu trên đỉnh PuVan) một mình ngược núi ngắm cánh sầu đông nở hoa bằng một thái độ chiêm bái trước tự nhiên huyền bí. Từ chối trở về cuộc sống hàng ngày dưới kia đầy đau đớn, mệt nhọc, chán chường, lựa chọn cái chết thanh thản giữa tự nhiên. Những cách hoa vô tư, dịu hiền, nhân từ, độ lượng, sáng trong đã cứu rỗi tâm hồn mệt mỏi của chàng trai thành phố với trái tim u sầu. Ở đó, Vĩnh trút bỏ được nỗi ưu phiền, nặng nợ trần gian. Bằng (Thềm nắng sau lưng) khao khát được thả mình giao hòa với thiên nhiên, nghe “bìm bịp kêu thâm u trong bờ dừa nước” [7, 94] quên mất lời hứa với má, “thả xuồng trôi dập dềnh trên chùm gọng, đang nói tiếng chim giữa chơi vơi nước lớn” [7, 95]. Phiên (Khói trời lộng lẫy), cậu bé sáu tuổi, “không nhổ cải bán vì tội nghiệp và kết quả là tôi có một giồng bông cải thắp nắng lộng lẫy giữa mùa mưa (…) những con cá mang bụng no tròn sẽ được chúng tôi trả lại cho sông” [7, 158]. Tư tưởng cơ bản của phê bình sinh thái là coi thiên nhiên như một chỉnh thể thống nhất hữu cơ. Con người là một động vật tồn tại và nâng cao trên cơ sở của tự nhiên đó. Con người cần bảo vệ tự nhiên, phá hoại tự nhiên là phá hoại chính mình. Vậy nên tất cả những người làm việc ở Viện Di sản thiên nhiên và con người là những kẻ mê mải với tự nhiên, những nhân vật dấn thân để gìn giữ vẻ đẹp của tạo hóa. Em – Di lúc nào cũng “ăn gấp, thở gấp, ngủ gấp” [7, 135] vì “đi níu kéo những mong manh” [7, 143], Anh – một “kẻ nghiện rừng” [7, 145], Nhứt – “mê đắm những những xóm làng miên man bên bờ sông Ngó Ý” [7, 136], Trúc – “gắn bó duy nhất với vùng đất Thổ Sầu” [7, 154]… Tất cả đều “lắng nghe thiên nhiên nói” để “cất giữ những hoa lau óng chuốt dưới nắng, có đàn cò trắng bay qua trăng chiều, mớ lục bình rách nát trôi ra trước cửa biển (…) dấu mưa xoi khuyết những viên gạch trần, hoa bìm bìm lợp tím rịm cả một chòm cây, vạt rừng bướm bay như trấu vãi…” [7, 129-133]. Thế giới thiên nhiên là nơi phản chiếu tâm hồn, kẻ biết yêu thương cỏ cây muông thú “che chở cho một sinh linh nhỏ bé, yếu ớt” [5, 187] không bao giờ là người tàn nhẫn, do vậy nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư thường rất tình nghĩa dù cho vẻ ngoài có thể ngạo ngược. “Anh” phải chịu sự ràng buộc của các mối quan hệ xã hội, chịu sức ép về tinh thần, hiện lên trước mắt Di trơ khấc, lạnh lùng, kiêu bạc của nhiều mặt nạ – vai Viện phó Viện Di sản thiên nhiên và con người, vai người chồng người cha cả người tình hoàn hảo thì vẫn có lúc mềm lòng rũ bỏ cái áo khoác ngoài lạnh lẽo đó khi khóc cho những cách rừng bị tàn phá “Anh mướn vai tôi để vùi yếu mềm vào đó, cũng có cánh rừng qua đời” [7, 148]. Trước thiên nhiên, con người đã bộc lộ phần nhân tính tốt đẹp, sáng trong không chút vẩn mà đôi khi bị những hệ lụy của đời phủ kín.
Phê bình sinh thái yêu cầu nghệ thuật không được xa rời cội nguồn tự nhiên. Văn học nghệ thuật phải xây dựng lại mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên thì mới có cái đẹp. Từ góc nhìn này soi rọi vào tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư để đánh giá sự thành công của tác giả chúng ta thấy quả là những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư ám ảnh độc giả phần nhiều có lẽ bởi một không gian lồng lộng gió, mênh mang sông, miên man nắng. Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư thường gắn với cây cỏ sông nước hồn nhiên. Nỗi nhớ quê hương nguồn cội, nỗi nhớ về những người thân yêu bao giờ cũng được bao bọc bởi thiên nhiên. Thiên nhiên gợi nhắc đến cội nguồn, gốc rễ mà mỗi lần nỗi nhớ trồi lên chỉ có nó mới đem lại nguồn an ủi: “lắng nghe tiếng bịp bịp buồn buồn xa vời vợi trong ánh nắng chiều, Phi nhớ triền dừa nước xanh miết ở trước nhà ngoại mình, nhớ đứt ruột” [5, 105]. Đối với chị em Nương Điền, những cánh đồng đã qua chưa bao giờ là vô danh “Chúng tôi gọi tên bằng những kỉ niệm mà chúng tôi có trên những cánh đồng” [5, 195], cả nỗi nhớ xa xôi về mẹ, về mái nhà êm ấm trước kia cũng mang cảm giác của thiên nhiên “Sao gió ở đây giống hệt gió nhà mình” [5, 178], cả mơ ước nhỏ nhoi, mong manh cũng gắn kết với đất đai, cây trái “Nỗi nhớ bao gồm được chạy chơi trên cái vuông sân mọc đầy vú sữa đất, được tự mình trồng cây gì đó, có trái, và trái ăn được, ăn rất ngon” [5, 187]. Cũng vậy, dòng sông gắn với hình ảnh bất hạnh của những người thân yêu nên dù nghèo khổ, vất vả, lênh đênh, các nhân vật không nỡ rời bỏ. Giang (Nhớ sông) mãi mãi không thể quên được khúc sông nơi người mẹ chết đuối. Cho dù đã lên bờ cô vẫn không nguôi ngoai được sợi dây đã gắn kết sông nước bất diệt với ba cha con, với người sống và người chết: “Sau nầy, khi vợ chết, không hoàn toàn vì miếng ăn mà cả nhà ông Chín trôi dạt hết dòng sông này đến con kinh kia. Ở đáy con sông nào đó, còn là nơi gởi gắm xương thịt của người đàn bà xấu số – má Giang” [5, 115]. Người vợ trước của ba (Dòng nhớ) nguyện chọn kiếp sống lênh đênh trên sông vì đứa con vừa biết bò rơi xuống đó “vía tôi trả lời, mẹ sẽ sống trên sông hoài, hoài hoài với con” [5, 130]. Có lẽ khi trôi theo dòng, chỉ sông nước mênh mang là cứu rỗi được nỗi đau của người mẹ mất con. Ngay cả ba, phũ phàng bỏ lại vợ cùng nỗi mất mát khủng khiếp cũng chưa một phút thôi nhớ cái khúc sông đau đớn của cuộc đời mình “Tựa như ông đang ở đây nhưng tâm hồn ông, trái tim ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi” [5, 124]. Có những nỗi đau không cất được thành lời mà chỉ có thiên nhiên câm lặng đã chứng kiến mới có thể thấu biết được. Xuyến (Duyên phận so le) từ chối tình cảm của các chàng trai đến với cô, nguyện ở mãi mũi So Le vì tình yêu duy nhất cô đã dành cho bé Bi, đứa con cô lén để ở gốc cây điệp nhà vợ chồng ông giám đốc hiếm muộn. Lúc đau khổ quá “Những khuya, ngủ không được, Xuyến lọ mọ lại khoảng sân đầy lá trước nhà Bi, rờ rẫm chỗ đất cạnh gốc điệp già” [5, 143], cái cây duy nhất chứng kiến đứa con cô đã bỏ lại vì nghèo khó, đơn độc, bị phụ tình không thể nuôi lớn đủ đầy. Những ngổn ngang, rối bời, đứt ruột của người mẹ chỉ cây điệp già thấu biết. Thiên nhiên đã lưu giữ trong nó những kí ức thân thiết của những người thương yêu. Thiên nhiên làm sống dậy kí ức về người thân, làm dịu đi, giúp nguôi quên về những nỗi đau mà vết thương cứ ngoáy mãi. Thiên nhiên vừa là không gian sống vừa là kỉ niệm, là tâm hồn của mỗi nhân vật mà nếu tách họ ra khỏi ðó, con ngýời không còn được là mình nữa.
Thiên nhiên cũng làm thanh lọc tâm hồn con người. Khi soi vào thiên nhiên, con người nhìn nhận lại, tự vấn lại mình. Vậy nên người cha khi không thể giúp con gái câu trả lời: “chuồn chuồn đạp nước là gì?” trong một chương trình trò chơi trên truyền hình, ông đã rất boăn khoăn. Tự nhiên trong dòng đời đua chen vội vã, ganh ghét tị hiềm ông dừng lại suy tư “cha chạy xe về quê. Cha ngồi trong khoảng vườn đượm nắng chiều, nơi cha vẫn thường về khi mệt mỏi hay căng thẳng, tuyệt vọng, nhìn chuồn chuồn đậu trên đám chà trong ao, cào cào búng trên những bụi cỏ ống, mấy con ong ve vãn bông đậu bắp” [6, 25] và nhà văn nhận ra mình đã quên đi gốc gác, quên đi tuổi thơ mê mải cùng thiên nhiên “tụi chuồn chuồn đã chơi với mình suốt một tuổi thơ sao không đẻ cho mình thấy, hay mình từng thấy nhưng cuộc sống thành thị khiến mình quên đi (…) có quá nhiều chuyện nhân tình thế thái mà cha không quên, có nhiều thằng cha xỏ lá cà khịa đâm sau lưng cha, đáng lẽ nên quên… để đời nhẹ nhõm” [6, 25]. Thiên nhiên khiến ông trở nên boăn khoăn, ray rứt về tâm hồn trong trẻo ấu thơ đã mất mát với thị thành, với nhân thế. Thiên nhiên giúp con người nhìn lại mình, dừng lại lắng nghe tiếng nói từ tự nhiên để hiểu chính mình, tự suy xét để sống thanh thản nếu không sẽ đánh mất bản thân trong những đua chen vội vã của cõi người.
Tự muôn đời, thiên nhiên luôn là nguồn an ủi. Mỗi khi thấy lòng đau, lại tìm về tự nhiên như một bến bờ tĩnh lặng để nguôi quên. Thiên nhiên là người bạn lớn vĩnh hằng của con người mà ở đó, những muộn phiền, day dứt, đau đớn của con người vợi bớt. Thấu biết được nỗi chán chường cuộc sống ồn ào quanh mình, chỉ có tự nhiên vĩnh cửu không lời là vĩnh viễn. Ngày nay, chủ nghĩa nhân văn mới do phê bình sinh thái đề xuất không tách rời thiên nhiên và văn hóa mà nối lại mạch sống ngàn đời của con người với tự nhiên, coi con người là một phần cộng sinh của tạo hóa.
Văn học Việt Nam sau năm 1975 mải mê với hiện thực cõi nhân sinh với những đề tài thời sự: phơi bày những mặt trái của hiện thực, phê phán xã hội, tính dục… khiến cho tinh thần sinh thái văn học có nguy cơ xuống dốc. Dường như “ít có bóng cây cỏ trên đường đi của lũ nhân vật” (Cây Hà Nội – Nguyễn Tuân). Con người đã bỏ rơi thiên nhiên. Sự thiếu vắng tự nhiên khiến cho môi trường văn học trở nên khô khan, ngột ngạt bởi những toan tính, lọc lừa, xảo trá của đời sống cuống quýt, vội vã. Nghệ thuật phải thông qua miêu tả mối quan hệ giữa con người và tự nhiên để tạo nên sức hút, sức sống. Vậy nên, những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đã làm “xanh” một khoảng không gian văn học, từ đó đề xuất cho chúng ta nhiều vấn đề trước Mẹ Trái Đất và giúp chúng ta nhận ra khi loài người càng trưởng thành càng phải nhận ra mình đã phụ phàng với nơi mà con người lớn lên, gắn bó và đặt hi vọng ở đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Nguyên Cẩn, “Cách nhìn nhận thế giới tự nhiên của Lão Tử và J.J. Rousseu”, Đạo gia và văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội (2000).
2. Phương Lựu, “Tản mạn về văn nghệ với tính dục”, tạp chí Văn học, số 3 [10-17] (1996).
3. “Văn học phải làm cho con người tin nhau hơn” (Đối thoại đầu năm giữa Oe Kenzaburo với Mạc Ngôn), Báo Văn nghệ, Số 12 (23/03/2002).
4. Jacques Vernier (2002), Môi trường sinh thái, Trương Thị Chí, Trần Chí Đạo dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội.
5. Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh (2010).
6. Nguyễn Ngọc Tư, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh (2009).
7. Nguyễn Ngọc Tư, Khói trời lộng lẫy, Nxb Thời đại, TP. Hồ Chí Minh (2010).
8. Cheryll Glotfelty, “Introduction: Literary Studies in an Age of Enviromental Crisis”, The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, University of Georgia Press (1996).
9. Nguyên văn định nghĩa là “Simply put, ecocritisim is the study of the relationship between literature and the physical environment”.
Nguồn: Phebinhvanhoc.com.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020