Nghiên cứu khoa học

CHU VĂN SƠN: ĐIỆU HỒN VÀ CẤU TRÚC


13-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Trần Văn Toàn

Là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ phê bình trưởng thành vào những năm 1990 của thế kỷ trước, các công trình nghiên cứu và phê bình của Chu Văn Sơn đã có những đóng góp quan trọng vào đời sống văn học: góp phần thúc đẩy bước chuyển hệ hình trong nghiên cứu văn học từ phê bình xã hội học dung tục sang tiếp cận văn học học như một hiện tượng nghệ thuật. Bên cạnh đó, Chu Văn Sơn cũng còn là một nhà sư phạm với những trăn trở trong đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực; một tác giả viết tuỳ bút tài hoa.

 

 

 

                                                    

Tóm tắt

Là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ phê bình trưởng thành vào những năm 1990 của thế kỷ trước, các công trình nghiên cứu và phê bình của Chu Văn Sơn đã có những đóng góp quan trọng vào đời sống văn học: góp phần thúc đẩy bước chuyển hệ hình trong nghiên cứu văn học từ phê bình xã hội học dung tục sang tiếp cận văn học học như một hiện tượng nghệ thuật.

Bên cạnh đó, Chu Văn Sơn cũng còn là một nhà sư phạm với những trăn trở trong đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực; một tác giả viết tuỳ bút tài hoa.

Abstract

As one of the typical faces of critics who matured in the 1990s of the last century, Chu Van Son’s researches and critiques have made important contributions to literary life: impulsing the paradigm shift in literary criticism from vulgar sociological criticism to approaching literature as an articstic phenomenon. 

In addition, Chu Van Son is also an educator with concerns about teaching innovation in the direction of capacity development; a talented essay writer.

Từ khoá:

Phê bình văn học đương đại, Chu Văn Sơn, thi pháp, dạy học phát triển năng lực, tuỳ bút

 

1.    

Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm những năm 1990 có thể xem là thời điểm vàng của một thế hệ vàng. Những bậc sư biểu vẫn chưa vắng bóng một ai và đang ở thời điểm sung sức nhất. Thời điểm đó, sinh viên của Khoa vẫn còn ở tập trung tại nhà A7. Một trong những sinh hoạt quen thuộc không thể thiếu vào những buổi tối trước khi đi ngủ, hoặc mất điện nằm tán dóc là được nghe các đàn anh kể chuyện về các thầy, cô. Bây giờ nhìn lại, có thể xem đó là một hình thức vinh danh các thầy, cô độc đáo của sinh viên ngày ấy. Thế hệ chúng tôi không được học trực tiếp thầy Nguyễn Khắc Phi, thầy Đỗ Bình Trị nhưng phong cách và thậm chí là cả những lời giảng của các thầy thì đã được truyền tụng trong cộng đồng sinh viên qua những câu chuyện như thế. Cũng nhờ vào những câu chuyện ấy mà chúng tôi đã biết đến thầy Nguyễn Đình Chú, thầy Nguyễn Đăng Mạnh, thầy Nguyễn Hoành Khung, thầy Lương Duy Thứ, cô Đặng Anh Đào, thầy Nguyễn Hoàng Tuyên, thầy Phùng Văn Tửu… và rất nhiều các thầy cô khác trước khi được thụ giáo trực tiếp các thầy cô trên giảng đường. Phần lớn đều là những bậc sư biểu nhưng trong đó cũng có một vài những gương mặt trẻ mà thầy Chu Văn Sơn, thầy Lê Tuấn Anh là những cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả. Tôi cũng không hiểu vì sao lúc đó thầy Sơn hay được nhắc đến với nickname: Chu Sơn tiên sinh. Một vài lần thấy các bạn gái hoặc các chị khoá trước trong những lúc nghỉ giải lao trên giảng đường gọi nhau đi xem mặt thầy Sơn tôi cũng đã được nhìn thầy từ xa. Ấn tượng trong tôi về thầy lúc đó là đôi mắt rất sáng, mái tóc bồng bềnh và cái áo (giả) da màu đen khoác trên vai. Sau này, qua những đêm thơ, qua những lần trò chuyện khi thầy vào ký túc xá chơi (cùng anh Văn Giá, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc), tôi thấy thầy trẻ trung, hóm hỉnh và thân thiện (tuyệt chẳng có gì thích hợp với cái nickname là tiên sinh kia). Có lẽ, “cổ kính hoá” thần tượng là một cách thể hiện sự ngưỡng mộ của sinh viên thời ấy?

Khi là sinh viên năm thứ ba, tôi được thụ giáo thầy Sơn trực tiếp trên giảng đường. Những năm 90 của thế kỷ trước, trong cao trào Đổi Mới, thơ Mới chỉ mới thoát khỏi những định kiến học thuật nhưng, không rõ thầy Sơn đã bén duyên thơ Mới từ buổi nào mà những bài giảng của thầy ngày ấy về Hàn Mặc Tử, về Nguyễn Bính lại đằm sâu và dường như đã được nung nấu từ lâu lắm. Những bài giảng của thầy không chỉ giúp sinh viên hiểu sâu về một tác giả mà quan trọng hơn còn có khả năng truyền cảm hứng đến họ, gieo trồng trong họ tình yêu với vẻ đẹp của thi phẩm, của thi nhân, thúc đẩy họ tìm đọc những trang sách mới. Tôi là người tin và tâm đắc với triết lý dạy học phát triển năng lực. Theo triết lý đó, người thầy không phải là người rung động thay, khám phá thay mà phải là người tổ chức để người học tự mình rung động và khám phá tác phẩm. Nhưng vẫn còn đó nguyên vẹn một câu hỏi: làm thế nào để đánh thức được tình yêu của sinh viên đối với văn chương; để hình thành động lực khám phá, tìm tòi trong các em? Không trả lời được câu hỏi ấy, kì vọng vào năng lực khám phá và rung động của người học sẽ mãi chỉ là kì vọng. Những lúc đối diện với câu hỏi đó, thầy Sơn và những bài giảng của thầy lại hiện diện trước tôi như một nhắc nhở: công nghệ, các kỹ năng là không đủ nếu bản thân người dạy văn không là hiện thân cho sự đam mê và tinh tế trước cái đẹp. Đây là một thử thách thật sự! Và ở thầy Sơn, thật may mắn, sự đam mê và tinh tế trước cái đẹp, dường như là một năng lực thiên bẩm mà cùng với thời gian và những trải nghiệm nó ngày càng trở nên sâu xa hơn, nhiều chiều kích hơn. 

Dạy và học văn ngày này, ngay cả trong môi trường chuyên nghiệp, luôn bị đặt trước một thách thức: sinh viên lười đọc tác phẩm. Để chống đối, họ đọc những bài nghiên cứu của một vài chuyên gia, xào xáo tẩm ướp vào đó một vài những khái niệm thời thượng. Thế là có thể trả bài, thậm chí, nếu khéo chế biến, vẫn có điểm cao như thường. Không đọc tác phẩm, không có những trải nghiệm thực tế, những va đập trực tiếp với văn bản… mỹ cảm của người học trở nên vụng dại, không hiếm khi là nông cạn. Cũng không hẳn là sinh viên thời nay vô cảm, nguội nhạt với văn học. Chỉ có điều, trong thời đại nghe nhìn, văn học nếu chỉ có chữ, chỉ qua kênh chữ dường như không đủ sức để hấp dẫn giới trẻ. Thầy Sơn trăn trở nhiều về thực trạng này. Thầy trao đổi với tôi và bộ môn: phải làm gì đó để nâng cao văn hoá đọc cho sinh viên. Có lẽ phải tổ chức một lễ - hội cho việc đọc. Không gian phải đẹp, sang trọng, tinh tế cho việc trình diễn đọc. Phải có nhiều kênh hiện diện cho chữ. Phải có sự hiện diện của thơ, của nhạc để cộng hưởng. Theo đuổi ý tưởng đó, thầy đã kết nối để đưa chương trình thơ – nhạc của nhà thơ Nguyễn Duy (được dàn dựng bởi nhóm các nghệ sĩ của NSND Xuân Hoạch) về  biểu diễn miễn phí cho sinh viên khoa Ngữ Văn – một chương trình mà ở đó lời thơ của Nguyễn Duy đã thực sự chạm đến trái tim của những người yêu thơ từ những làn điệu xẩm truyền thống. Không dừng ở đó, khi Khoa có ý tưởng tổ chức hoạt động sân khấu hoá tác phẩm (được tổ chức thường niên) cho sinh viên, thầy đã hào hứng nhận lấy trách nhiệm cố vấn và trực tiếp viết những lời bình, những bài viết dành riêng cho chương trình. Và thế là 3 chương trình về Trịnh Công Sơn (Những chuyến mưa qua, 2016), Xuân Quỳnh (Sóng hát, 2017), Nguyễn Bính (Nguyễn Bính – trăm năm một ngày, 2018) đã được tổ chức. Chị Xuân Hương và Đỗ Hà (những người trực tiếp dàn dựng chương trình) đã nói với tôi là họ thật sự ngỡ ngàng khi chứng kiến sự tài hoa và những ý tưởng độc đáo của sinh viên Khoa Văn trong việc dựng kịch bản, phổ nhạc, viết nhạc, viết những lời bình, những bài nghiên cứu về những tác giả, tác phẩm... mà họ yêu thích. Làm việc cùng thầy Sơn, giúp tôi hiểu rằng: để hình thành động lực học tập cho sinh viên, giảng đường phải trở thành không gian của cái Đẹp, của những âm, sắc nghệ thuật. Mà điều đó đâu phải chỉ hiện diện trong những sự kiện ngắn ngủi. Nó phải trở thành hơi thở, trở thành hoạt động dạy và học trong từng tiết học. Làm được điều đó thật khó. Cần đến trí tuệ và năng lượng của cả tập thể nhưng cũng cần đến ngọn lửa từ những cá nhân. Tôi vẫn luôn hình dung về thầy Sơn và những bài giảng của thầy từ điều trăn trở ấy!

2.    

GS Nguyễn Đăng Mạnh – một tượng đài của Khoa Ngữ văn, của bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại có lần nói: ở trường đại học, mỗi bài giảng của giảng viên cần phải là một công trình nghiên cứu đích thực. Thế nào là một công trình nghiên cứu đích thực? Những công trình của Chu Văn Sơn giúp tôi nhận ra: một công trình nghiên cứu đích thực trong lĩnh vực khoa học nhân văn phải đồng thời hàm chứa trong nó hai loại sự kiện: sự kiện học thuật và sự kiện nội tâm. Sự kiện học thuật đòi hỏi công trình nghiên cứu  phải tham dự vào việc mở đường, vào những vấn đề thời sự của đời sống học thuật. Sự kiện nội tâm lại hướng tới những vấn đề tâm thức của cộng đồng, của những giá trị nhân sinh hiện diện thành những thao thức nội tâm của nhà nghiên cứu. Không có sự kiện học thuật, phê bình văn học dễ trở thành những bình tán tản mạn, không hiếm khi trở thành suy diễn và, vì thế, khó có khả năng đọc sâu để nhận biết cơ chế tạo nghĩa trong văn bản cũng như nhưng quy luật vận hành của đời sống văn học. Không có sự kiện nội tâm, người viết cơ hồ bị vùi lấp trong những khái niệm công cụ, phê bình trở thành trò chơi tư biện thuận tuý mà hệ quả là khi đứng trước tác phẩm dễ “trở thành máy móc, cơ giới, thậm chí, biến thành việc mổ xẻ thi thể” [4/tr.7].

Sự kiện học thuật trong những trang viết của Chu Văn Sơn cần phải được hình dung trong bối cảnh những năm 90 của thế kỷ trước khi nghiên cứu văn học Việt Nam bước vào bước chuyển đổi hệ hình: từ nghiên cứu xã hội học (đã xơ cứng và trở thành dung tục) chuyển sang nghiên cứu văn học như một hiện tượng nghệ thuật. Nghiên cứu phong cách của GS Nguyễn Đăng Mạnh với hạt nhân là tư tưởng – nghệ thuật của nhà văn và nghiên cứu thi pháp của GS Trần Đình Sử với những khái niệm về thế giới nghệ thuậtquan niệm nghệ thuật về con ngườicái nhìn nghệ thuật … trở thành những đường hướng chủ đạo của nghiên cứu văn học thời kỳ này. Cả hai hướng nghiên cứu đó, thật vinh dự, đều được khởi lên từ Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm. Hít thở bầu không khí ấy, những công trình nghiên cứu của Chu Văn Sơn đã góp phần quan trọng trong việc mở vào thế giới nghệ thuật của những phong cách nghệ thuật độc đáo. Người ta đã nói nhiều về những đóng góp của Chu Văn Sơn với những công trình về thơ Mới, đặc biệt là chuyên luận Ba đỉnh cao thơ Mới (2003) - nghiên cứu chuyên sâu về Xuân Diệu, Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử. Nhưng đời sống văn học đương đại bộn bề bao gương mặt, bao tiếng nói. Thực tế ấy đòi hỏi một sự phản ứng tức thời, nhạy bén và có ý nghĩa định hướng từ những nhà phê bình chuyên nghiệp. Theo chiều ngược lại, hiệu lực của hệ hình nghiên cứu mới cũng chỉ thực sự được khẳng định khi nó khẳng định được mình trước những hiện tượng của văn học đương đại. Viết phê bình trong bối cảnh đó không hề đơn giản. Khác với việc nghiên cứu những tác giả, tác phẩm đã thành danh trong quá khứ, những sáng tác đương đại luôn là những thử nghiệm và chưa có được độ lùi thời gian cần thiết và vì thế là một thử thách về sự tinh tường, nhạy bén của giác quan thẩm mỹ, của bản lĩnh học thuật của nhà phê bình. Nhưng đây là sự thử thách cần thiết để nhà phê bình thực sự là người đồng hành, thậm chí là người có khả năng  định hướng cho hoạt động sáng tác. Từ góc nhìn này có thể thấy: cùng với những gương mặt tiêu biểu của thế hệ mình như Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá…, Chu Văn Sơn là một trong những cây bút phê bình quan trọng đưa nghiên cứu phong cách và thi pháp từ giảng đường đến với đời sống văn học, từ đó góp phần đổi mới hệ hình nghiên cứu cũng như đồng hành với thực tế sáng tác ở vào thời điểm nhạy cảm nhất của nó. 

Tuy nhiên, so với các cây bút cùng thế hệ, nhà phê bình Chu Văn Sơn dường như có biệt nhãn với thơ. Hầu hết những nhà thơ tiêu biểu của văn học đương đại, từ những nhân duyên khác nhau, đều trở thành đối tượng nghiên cứu của ông: từ Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Trúc Thông, Y Phương đến những cây bút như Vi Thùy Linh, Miên Di, Lữ Thị Mai, Văn Thuỳ… Viết nhiều nhưng đường hướng nghiên cứu thơ của Chu Văn Sơn là khá nhất quán, mang đậm dấu ấn của hướng nghiên cứu thi pháp học: tìm điệu hồn (của nhà thơ) trong sự hóa thân vào cấu trúc (ngôn từ) [4/ tr.6-7], trong sự hóa thân vào thế giới nghệ thuật với mô hình tôi – em và thế giới [3/ tr.6]. Nhưng với những trải nghiêm riêng của mình, Chu Văn Sơn thủy chung vẫn có một tâm niệm riêng khi ông luôn đặc biệt đề cao sự tri âm giữa nhà phê bình và nhà thơ. Điệu hồn thơ (dù có thể được phân tích, tường giải một cách thực chứng) thì vẫn “chỉ được đánh thức khi gặp hồn đồng điệu của kẻ tri âm. Điều này tất dẫn tới một hệ quả: muốn thấu được thơ cần phải biết sống trong thơ, sống cùng thơ” [4/ tr.8-9]. Có thể xem đây là một định nghĩa về nhà phê bình của Chu Văn Sơn. Nhà phê bình trong cách hiểu này đương nhiên là một nhà khoa học nhưng không chỉ thế: vẫn rất cần một sự đồng điệu, một người “biết sống trong thơ, sống cùng thơ” nghĩa là ít nhiều phải mang trong mình phẩm tính của thơ, của cái đẹp. Có lẽ vì thế mà những tác giả mà Chu Văn Sơn chọn làm đối tượng nghiên cứu của mình đều luôn đồng thời sở hữu hai thuộc tính: 1) đó là những người đại diện cho sự tìm tòi, cách tân trong lao động thơ ca 2) là những nhân cách đích thực, luôn can đảm để thành thực với lòng mình, luôn có nghĩa khí và lương tri của một trí thức; những tâm hồn luôn khắc khoải với những trải nghiệm nhân sinh trong cuộc đời nhiều nỗi đa đoan, bất trắc. Với Nguyễn Duy, Chu Văn Sơn đã bắt rất trúng cái mạch lục bát được truyền thừa từ Tản Đàn, Nguyễn Bính, cái điệu ghẹo của ca dao… nhưng sự tâm đắc sâu xa hơn còn ở hồn thơ thảo dân lăn lóc với bụi đời chúng sinh [5]. Với Thanh Thảo, ông nói về sự “gia tăng chất nghĩ”, đến những kiếm tìm một gương mặt mới đa dạng cho thơ qua cấu trúc của khối ru-bích, đến chất giao hưởng… nhưng trước tiên vẫn phải là Thanh Thảo của “nghĩa khí”, của cái vẻ đẹp “lấp lánh chất người” [8]. Với Ý Nhi, xuyên qua cuộn len lăn trầm tư của ngôn từ Chu Văn Sơn nghe thấy tiếng lòng ngổn ngang, sâu thẳm của  người phụ nữ “điểm tĩnh mà chua xót”, “bồn chồn mong mỏi yên bình, đến giữa yên bình lại thấy lòng xao xác” [7]. Với Xuân Quỳnh đấy là “chất thơ từ tổ ấm” của một hồn thơ đầy dự cảm bất trắc, một “cánh chuồn trong giông bão” [2]… Và còn nhiều lắm những tri âm như thế mà Chu Văn Sơn đã để lại trong những bài viết của mình khi ông viết về không chỉ những nhà thơ đã thành danh như Hoàng Cầm, Trúc Thông, Dư Thị Hoàn, Vi Thuỳ Linh... mà còn cả những nhà thơ còn ít nhiều lạ lẫm như Văn Thuỳ, Lữ Thị Mai. Anh Văn Giá, một thân hữu, trong bài viết của mình có chia sẻ một đặc điểm: “Chu Văn Sơn thuộc diện khó tính. Đối với những người mang danh nhà văn, nghệ sĩ mà có những tật xấu, tệ hơn là tính xấu, tính ác, anh tránh xa, không chơi với mà cũng không động bút viết về họ một dòng” [1]. Tôi tin điều anh Văn Giá nói không phải chỉ bởi nó được bảo hiểm bởi sự thấu hiểu của tình bằng hữu mà còn từ chính quan niệm về phê bình thơ của Chu Văn Sơn. Viết phê bình như thế là tri âm với người khác và cũng để tìm tri âm cho mình, cho những tín niệm, những giá trị, những chiều kích nội tâm của chính mình. Cùng lúc vang lên trong văn bản phê bình hai tiếng nói của hai điệu hồn tương đắc! Nhà phê bình không chỉ là cắt nghĩa, giải thích mà tiếng nói của anh ta như quấn quít, chia sẻ, tương đắc với tiếng nói của nhà thơ.

Thực ra, với bất kỳ người viết phê bình có nội lực nào thì viết về người cũng là để hiểu mình. Nói về nhưng cũng là nói cùng người khác để hướng tới sự giao ngộ, đối thoại. Nhưng điểm khác biệt làm nên thương hiệu riêng trong những bài phê bình của Chu Văn Sơn là ở chỗ ông muốn dùng và dùng rất tài hoa ngôn từ của mình để hợp tấu với văn bản thơ nhằm tạo nên một sự cộng hưởng của cảm xúc. Thử dừng lại ở trường hợp Nguyễn Bính và ‘kiếp con chim lìa đàn’. Nói thơ Nguyễn Bính là nói về hồn quê là tấc lòng hồi nhớ cố hương. Nhưng chỉ nhận ra điều đó là không đủ. Với Chu Văn Sơn, điều quan trọng là ngay văn bản của người viết phê bình cũng phải tràn ngập một không gian mang điệu hồn Nguyễn Bính. Lối viết cắt nghĩa, duy lý, vì thế đã phải nhường chỗ cho những trường đoạn ngoại đề ăm ắp cảm xúc. Ngoại đề để phác lên một không – thời gian tâm trạng đóng vai trò như dung môi cho sự gặp gỡ giữa hai chủ thể: “Tôi thường nhớ tới Nguyễn Bính mỗi độ xuân về. Nhất là lúc mưa xuân. Đấy là lúc rời phố xá, tôi trở về quê nhà ăn tết với người thân. Tôi cứ thấy Nguyễn Bính về theo từng chấm mưa rắc bụi lên cỏ cây, hoa lá, lên những võng tơ nhện óng ánh sương giăng mắc vệ đường, vệ đê, bụi hoang nơi đồng nội. Bấy giờ những nẻo đường quê dường như mềm hơn, mịn hơn. Những làn bụi từng bị rang khô dưới nắng hè, từng lầy lụa trong mưa dầm tháng bảy, từng xáo cuộn cùng xác lá trong gió heo may tháng mười thì giờ đã yên nằm trên mặt đường ẩm mát. Lấy ngón tay gợi lên thì xốp tơi như lòng khoai lang bột đồng màu. Những hàng xoan se mình tím ngắt trong suốt mùa đông bỗng tươi da, nhựa đang chuyển mình lên những chồi hẹn nhú. Nước giếng khơi như bỗng trong đầy. Hoa bưởi rắc phấn vàng xuống tóc người dừng bước” [3/ tr.125-126]. Và theo mạch văn, dòng cảm xúc với lớp ngôn từ được thống trị bởi sự trùng điệp cú pháp sẽ ngập tràn, xoá đi mọi sự phân biệt giữa chủ thể - khách thể nghiên cứu: “Nguyễn Bính là làn mưa xuân rắc mình lên chốn hương thôn, là lá dâu xanh dập dờn bướm vàng cuối bãi. Nguyễn Bính là chiếc lá lìa cành đầu ngõ, là chiếc mo cau rụng vội góc vườn. Nguyễn Bính là sắc nắng chiều man mác trên mỗi thân cau, là ngọn mồng tôi ngập ngừng nơi lựng giậu. Nguyễn Bính là tiếng trống chèo động lòng đêm hội, là cỗ tam cúc thắc thỏm giao thừa…” [3/ tr.126]. Cái ấn tượng về sự tài hoa mà đồng nghiệp dành cho những trang viết của Chu Văn Sơn phải chăng chính bởi lối viết này? Với lối viết ấy sự kiện học thuật và sự kiện tâm trạng dường như đã hoà làm một.

3.    

Không ít người giải thích lí do Chu Văn Sơn viết tuỳ bút từ sự ham đi, ham chơi và cơ duyên được đi nhiều của ông. Điều đó đúng. Không có những trải nghiệm đầy kì thú về Ankor và Sơn Đoòng, Istanbul (Thổ Nhĩ Kì) hay Bhutan (trên rặng Hymalaya)… thì sao có được những trang viết sống động, khinh khoái như thế. Nhớ khi chuyện phiếm với nhau, ông có nói với tôi sự thay đổi của triết lí về giàu có. Có thời, vì nghèo nên người ta nghĩ giàu có được đo bằng tài sản (vật chất). Tiến lên một bước, người ta nói đến sự giàu có của tri thức. Còn bây giờ người giàu có đích thực là giàu có trải nghiệm. Du ngoạn, đi, phượt… là sự giàu có trải nghiệm, là sự giàu có đích thực và không thể đưa vào quyền thừa kế được – một thứ tài sản bí mật của mỗi cá thể sống. Tôi là người ngại đi, lười đi, thấy ông nói thế cũng phải nhận là chí lí! Nhưng, hình như người ta, nhiều khi, đi rất xa ra bên ngoài cũng lại chỉ để hiểu về lòng mình. Chu Văn Sơn hình như muốn mượn những sắc màu ngoại cảnh để soi tỏ những tâm sự mà sự thăm thẳm của nó khiến ông luôn phải bận tâm! Điều gì khiến ông, dù choáng ngợp vẻ đẹp thần thánh, siêu phàm của Angkor vẫn không quên trầm tư về hàng vạn những con người vô danh mà “[đ]ời họ đã  chìm vào từng trụ đá, phận họ đã ngấm vào từng thớ đá” [6/ tr.20]. Trong khi say mê trước nét độc đáo của tượng nhà mồ Tây Nguyên vẫn không khiến ông bỏ quên hình ảnh bà già ngồi trong bóng tối của ngôi nhà sàn với “đôi mắt ngó mông lung, bất động. Đôi bàn tay tì gối, bưng lấy khuôn mặt nhăn nheo. Mỗi nếp nhăn như giấu một nếp đời lam lũ” [6/ tr.80]. Ở giữa khách sạn tiện nghi của Đầm Vạc lại nhớ về kỉ niệm của cánh cò, của “cứt cò” một thời tuổi thơ nơi xứ Thanh nghèo đói, lam lũ. Và nếu chọn bài tiêu biểu nhất cho Chu Văn Sơn trong Tự tình cùng cái Đẹpthì tôi không ngần ngại để bỏ phiếu cho Phận hoa bên lề - khúc tự tình trầm buồn về cái Đẹp “bị bỏ rơi. Người ta vẫn trông mà đâu có thấy”. Ám ảnh làm sao là hoa lau trong hoàng hôn: “Khi mặt trời khuất dần sau núi, thu hết nắng đi, trên đầu mỗi bông lau chỉ còn le lói vài tia nán lại, dáng lau mới bồn chồn làm sao. Những ánh bạc cứ tím rực lên rồi thẫm lại. Đầu bông cứ rướn lên rồi lả xuống. Xốn xang mà u uất” [6/ tr.136]. Ngay cả khi hiện lên đầy tráng lệ với “hàng mấy chục cây số núi đồi bạt ngàn lau trắng. Mênh mang đồi này núi khác những bờm lau trắng trùng phùng như bầy bầy đàn đàn những ngựa trắng là ngựa trắng” thì với Chu Văn Sơn, điểm kết của cảm xúc vẫn là một nốt trầm sâu thẳm: “Một nỗi buồn trắng xoá phủ khắp núi đồi hoang. Lau trầm cảm thế kia mà. Bấy giờ, tôi mới thấy lau như một bộ lạc bị hất ra rìa lãnh thổ. Lau như kẻ thất thổ, lưu vong, phải khăn gói theo nhau tìm đến những chốn heo hút này để náu mình, để làm nơi trú xứ” [6/ tr. 136 – 137]. Ở đâu, đi đâu hình như Chu Văn Sơn vẫn rất nhạy cảm với những gì thân phận, côi cút, nhiều thiệt thòi, những gì ở bên lề, những gì mà ở đó nhưng như đã và vẫn bị lãng quên bởi dòng đời hối hả, náo nhiệt với đầy những cám dỗ thời trang mà nông cạn!

4.    

Sinh thời Chu Văn Sơn rất tài hoa trong việc định danh cho đối tượng nghiên cứu của mình bằng một ẩn dụ, một hình ảnh rất giàu sức gợi: Nguyễn Bính và kiếp con chim lìa đànXuân Quỳnh – cánh chuồn trong giông bãoGió thu lay động cành cô trúc (viết về Nguyễn Khuyến), Hoàng Cầm – gã phù du Kinh BắcÝ Nhi – cây trước thềm xao xác giữa ngày yên… Điều ấy xui khiến tôi, khi viết bài này, cũng liều đi tìm một hình ảnh để hình dung về ông dù biết rằng như thế quả đã là đánh trống qua của nhà sấm! Và đâu đó trong tôi, khi mường tượng về ông, cứ thấy chập chờn hiện lên hình ảnh của cánh bướm. Không phải cánh bướm siêu thoát của Trang Chu mà là cánh bướm của người tài tử, luôn nhẹ nhàng lướt qua những câu thúc sự vụ để thả mình theo những ý thú riêng. Mọi deadline công việc, mọi thủ tục ở đời với Chu Văn Sơn như đều trở thành bất định và ông chỉ hoàn tất nó (một cách ngẫu nhiên) nhờ vào cảm hứng bất chợt. Tất cả đều ở trạng thái trì hoãn khi ngọn gió của cảm hứng chưa chịu nổi lên, mà ngọn gió ấy, giống như ông thường rất hay đãng trí một cách nhẩn nha và tự tại!

Cánh bướm tài tử ấy để có thể ung dung đập cánh là bởi sự tài hoa nơi ông và sự liên tài, may thay, vẫn chưa cạn nguồn trong cuộc đời này. Nhưng có lẽ còn bởi bên cạnh ông, giống như người tài tử xưa, luôn có một hiền thê là cô Vân Anh. Bất chấp sự thành công trong sự nghiệp, bất chấp sự hiện đại trong tư duy và một phong thái làm việc chuyên nghiệp, rất tây, nhiều khi rất “ngầu”… tôi vẫn thấy ở người bạn đời của thầy Sơn những ân tình của nếp xưa cũ! Với chồng, luôn yêu, trọng và ở cảnh ngộ nào cũng vẫn bao dung, tảo tần, gánh vác! Lại nữa, là người thông minh, đọc nhiều, giao tiếp rộng và cũng là một người viết giàu sắc cạnh có lẽ cô Vân Anh, với vai trò là người đọc, hẳn đã là một thách thức để thầy Sơn mài sắc hơn những luận điểm, tinh luyện hơn đạo quân ngôn từ của mình. Có một người bạn đời cũng là bạn tri kỷ trên trang viết đấy thực sự là một hạnh ngộ mà thầy Sơn đã may mắn có được!

Trên ngôi mộ thầy Sơn (được cô Vân Anh đặt ở gần gốc cây nơi ông, khi tại thế, vẫn ngồi đàm đạo cũng bằng hữu) là pho sách bằng đá trắng mà hai trang sách mở ra như hai cánh bướm! Con bướm trắng ấy giờ đã vỗ cánh ở cõi khác những đã kịp để lại cho đời thật nhiều những sợi tơ vàng!

                                                                        An Bình, 08.04.20

Tài liệu tham khảo

1.    Văn Giá (2019), Chu Văn Sơn: người luỵ… đẹphttp://vanvn.net/chan-dung-van/chu-van-sonnguoi-luy%E2%80%A6dep/2162

2.    Chu Văn Sơn (1993), Xuân Quỳnh, cánh chuồn trong giông bão, Tạp chí Văn học, tháng 11/1993

3.    Chu Văn Sơn (2003), Ba đỉnh cao Thơ Mới, NXB Giáo dục, Hà Nội

4.    Chu Văn Sơn (2007), Thơ – Điệu hồn và cấu trúc, NXB Giáo dục, Hà Nội.

5.    Chu Văn Sơn (2010), “Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân”, Nguyễn Duy – Thơ, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội

6.    Chu Văn Sơn (2019), Tự tình cùng cái Đẹp, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội.

7.    Chu Văn Sơn (2001), Thơ Ý Nhi: Lời nguyện cho nỗi yên hànhttp://thang-phai.blogspot.com/2017/10/monday-july-14-2014-tho-y-nhi-loi.html

8.    Chu Văn Sơn (2004), Thanh Thảo, nghĩa khí và cách tânhttp://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/VanhocVietNamhiendai/tabid/103/newstab/76/Default.aspx

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020