Nghiên cứu khoa học

TIẾNG CƯỜI GIÀU SẮC THÁI TRONG THƠ HỒ CHÍ MINH


13-10-2020
Tác giả: Đoàn Trọng Huy (*)

Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời là một danh nhân văn hoá kiệt xuất. Trong cốt cách vĩ nhân ấy, có hai phẩm chất nổi bật là ý chí dũng cảm, kiên cường và tinh thần lạc quan mãnh liệt. Người cầm bút vì sự nghiệp cách mạng. Trong văn thơ luôn hiển hiện tiếng cười giàu sắc thái. Bút pháp châm biếm sở trường là nét phong cách độc đáo của nhà văn, nhà báo, nhà thơ lỗi lạc: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

 

Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời là một danh nhân văn hoá kiệt xuất. Trong cốt cách vĩ nhân ấy, có hai phẩm chất nổi bật là ý chí dũng cảm, kiên cường và tinh thần lạc quan mãnh liệt. Người cầm bút vì sự nghiệp cách mạng. Trong văn thơ luôn hiển hiện tiếng cười giàu sắc thái. Bút pháp châm biếm sở trường là nét phong cách độc đáo của nhà văn, nhà báo, nhà thơ lỗi lạc: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Có lời tự bạch chân thành: “Ngâm thơ ta vốn không ham” (Lão phu nguyên bất ái ngâm thi), và nhiều lần chính khách – nghệ sĩ Hồ Chí Minh không nhận mình là nhà thơ.

Nghề cũng như nghiệp chính của Người là làm chính trị, làm cách mạng.

Tuy nhiên, thơ cũng là nghiệp một đời của nhà thơ. Thơ là duyên phận, là sự bức bách phải viết nên lời của người vốn “vô tư” với thơ.

Làm thơ để tự nói với chính mình giữ vững ý chí trong tù (Tự khuyên mình – Tự miễn), Nghe tiếng giã gạo (Văn thung mễ thanh)… Thơ bật ra từ một cảnh ngộ, từ một tâm trạng, từ một cảm hứng. Đủ cả vui, buồn, trớ trêu, nghịch cảnh, bực bội hoặc tức cười,… qua cảnh và tình.

Thơ Hồ Chí Minh, vì vậy, đủ thể, đủ loại với giọng điệu phong phú.

Riêng thơ vui cười hài hước, châm biếm, đả kích cũng đủ sắc thái, cung bậc cảm xúc.

Trước hết, cũng theo mạch văn giàu tính chiến đấu, thơ châm biếm đả kích nhiều mức độ tùy theo các đối tượng và cảnh ngộ.

Tập Nhật ký trong tù thể hiện rõ sức tố cáo và lên án mạnh mẽ của người tù – chiến sĩ cách mạng với chế độ nhà tù vô nhân đạo, và bọn bất lương đày đọa tù nhân vào cuộc sống phi nhân loại. Nhà thơ nêu bật những cái cười ra nước mắt – nước mắt của lòng oán thù, căm giận.

Những bài thơ loại ấy là phần nhiều của tập thơ.

Bốn tháng rồi (Tứ cá nguyệt) sơ kết những ngày sống không còn “ra người”: “Đen gầy như quỷ đói/ Lại lở loét toàn thân”.

Cái bẩn thỉu bệnh hoạn ấy được miêu tả qua một nụ cười “lạ”: Ghẻ lở (Lại sang):

Đầy mình đỏ tím như hoa gấm

Sột soạt luôn tay tựa gảy đàn

Mặc gấm bạn tù đều khách quý

Gảy đàn trong ngục thảy tri âm

Hạn chế (Hạn chế) nói lên một cảnh khổ tức cười: “Bụng không đau, ngục mở hoài/ Đến khi đau bụng ngục cài chặt then”. Vì vậy mới có cảnh lạ đời: “Ngồi trên hố xí, đợi ngày mai” (Khi mới đến nhà lao Thiên Bảo – Sơ đáo Thiên Bảo ngục).

Tập thơ còn có những bài nêu rõ những nghịch lý, nghịch cảnh tức cười.

Ngoài đời đánh bạc bị bắt giam, trong tù đánh bạc lại công khai (Đánh bạc, Đổ); tù nhân tranh nhau được cùm chân, vì được cùm chân mới được ngủ yên: “Không được cùm chân biết ngủ đâu?” (Cái cùm chân, Cước áp)... Lại nữa, chính bọn quan quân coi tù nhân, giữ công lý lại là bọn phạm nhân:

Trưởng lao đánh bạc suốt ngày

Trưởng ban cảnh sát lo xoay tiền tù

Đó là cảnh trái ngược trong bài Lai Tân (Lai Tân).

Rõ ràng là với tư thế “khách tiên” trong tù, người tù cách mạng đã ở thế thượng phong, đứng trên đầu kẻ thù. Tiếng cười khinh miệt, mỉa mai, đả kích như một vũ khí để tấn công, hạ gục kẻ thù, đạp đổ toàn bộ chế độ áp bức, đày đọa con người một cách dã man, tàn ác.

Sau này, trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhà thơ trí tuệ Hồ Chí Minh tiếp tục đánh địch bằng những đòn bút đầy khí thế tiến công.

Chết vì ốm đòn là cái tát đánh vỗ mặt tướng giặc Tát xi nhi: “Tát xi nhi, Tát xi nhi/ Mi đã khôn hồn, mà chết đi/ Còn mi đền tội, còn mi chết/ Đền tội ngày nay, chết đến mi” (Nhân dân, 24/1/1953).

Cảnh báo “Chó dại sẽ cắn càn” là thông điệp sắc sảo qua bài thơ đả kích: Kế hoạch Nava “đầu voi đuôi chó” (Nhân dân16-20/11/1953).

Đặc biệt, trong thơ tiếng Việt, nhà thơ Hồ Chí Minh rât khéo dùng ngôn từ để hỗ trợ cho ngòi bút châm biếm, đả kích.

Tặng thống chế Pêtanh có câu: “Pêtanh lão tướng hóa hôi tanh”. Ngoài ra còn có câu lên án: “Bán nước mà còn khoe cứu nước/ Ô danh mà muốn được thơm danh”.

Tặng Toàn quyền Đờ cu có những chữ rất đắt: “Lợi quyền phó mặc bố thằng cu (…) Chú cứ cu cù mãi được ru” đã vạch mặt thực dân hèn hạ, tàn ác.

Bài thơ đả kích tướng Xa lăng lại dùng từ: “Xa lăng xà lù”. “Xà lù” là tiếng khinh miệt như tiếng chửi của Pháp. Có khi còn nói “Xà lù bệt” hoặc “Mẹc xà lù” (Tiếng Pháp “merde salaud”: merde – cứt, salaud – đểu).

Bài Xa lăng xà lù có những vần thơ điểm xuyết, mở đầu hoặc kết luận cho tiểu phẩm trên báo, tạm gọi đó là những câu “thơ lẻ”. Chơi chữ thông minh, đúng chỗ, đúng cách cả tiếng ta và tiếng Tây như mài  sắc thêm ngòi bút châm biếm, đả kích, mà lại gây thêm hào hứng cho cái cười thú vị.

¯¯¯

Ở bài thơ tự vịnh, thơ giao lưu thân tình bè bạn, hoặc thơ vui vịnh cảnh, vịnh người,… thì sắc thái chủ yếu của tiếng cười là vui tươi, hồn nhiên, hài hước. Loại thơ này thể hiện phong cách sống lạc quan, vui đời pha nét dí dỏm, tế nhị Hồ Chí Minh.

Trước hết, trong thơ có một giọng vui đùa lạc quan đặc biệt. Nhất là trong cảnh ngộ oái oăm, gian khổ, thậm chí đáng tủi thân, đau khổ nếu bi quan, chán nản. Đó là lối “nói ngược” kỳ lạ.

Như khi ở tù, Người đã có những bài thơ Dây trói (Bạng), Đêm ngủ ở Long Tuyền (Dạ túc Long Tuyền), Trào lộng (Giải trảo),…

Người tù bị trói mà thật oai vệ:

Rồng uốn vòng quanh chân với tay

Trông như quan võ quấn tua vai

Tua vai quan võ bằng kim tuyến

Tua của ta là một cuộn gai

                           Dây trói

Bị tù túng, giam hãm, rồi giải đi khắp nơi, nhưng lại như một quan chức cao cấp: “Ăn cơm Nhà nước ở nhà công/ Binh lính thay phiên để hộ tống/ Non nước dạo chơi tùy sở thích/ Làm trai như thế cũng hào hùng” (Trào lộng).

Tự trào là tự làm sang, làm oai. Cái hài hước mang tinh thần khinh khi cả mọi khổ sở, không sợ bất kỳ tai ương, hiểm họa nào của chủ nghĩa lạc quan cách mạng.

Giọng thơ ấy tiếp tục ở một dạng khác.

Nói vui, nói ngược với hoàn cảnh, tình trạng, nhưng lại tự hào, lạc quan là bài thơ Tức cảnh Pác Bó – khi Người về hoạt động cách mạng ở trong nước (1941). Gian khổ thật, nhưng lại tự do, ung dung trong cảnh khó khăn của thời kỳ mở nước:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Câu kết như một chân lý: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Đây là cái sang trọng, đàng hoàng của con người tự do và chiến thắng trong mọi hoàn cảnh còn biết bao thử thách, khổ ải. Cảnh rừng Việt Bắc (1947) cũng có tiếng cười vui hóm hỉnh đầy tự hào của con người ở chiến khu.

Có tiếng cười vui rất trí tuệ Hồ Chí Minh. Đó là những bài thơ tiên đoán thời sự chính xác, với những vần thơ vui “nửa đùa, nửa thật”.

Trong thơ giao lưu, xướng họa với Bộ trưởng Phan Anh, có hai bài đáng ghi nhớ, được kể lại một cách thú vị.

Năm 1950, ta mở chiến dịch Biên giới và giành thắng lợi lớn. Ta bắt sống hai đại tá Sác tông (Sarton) và Lơpagiơ (Lepage). Bác Hồ đã gửi tặng Phan Anh mấy vần thơ:

Đất chuyển trời xoay, bể mịt mù

Thu này kháng chiến đã ba thu

Hoàn toàn thắng lợi ba thu chắc

Một túi thơ tiên, rượu một bù

Thơ cho phép viết “rượu một bầu” – tuy vần hơi ép, nhưng cũng là thông lệ. Nhà thơ hóm hỉnh lại ép “cho sát” – “rượu một bù” cũng là để thêm cười.

Bài thơ được viết vào cuối năm 1950, thì đến tháng 5/1954, ta có chiến thắng lịch sử Điện Biên – “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (Tố Hữu).

Đầu xuân năm 1953, có Hội nghị của Hội đồng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính và Bộ Công thương phải mở Hội nghị bàn kế hoạch bảo đảm quân lực, và quân nhu cho chiến dịch Đông – Xuân trong năm.

Bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phan Anh đọc mấy cây ca dao “cải biên” và lẩy Kiều:

Con cò lặn lội bờ sông

Thóc thuế gánh gồng tiếng hát véo von

Mấy lời Bác dạy sắt son

Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua

Diệt thù giải phóng quê ta

Ấy là nghĩa nặng, ấy là tình sâu

Mọi người vỗ tay nồng nhiệt, nhưng Bác giơ tay ra hiệu im lặng để Người nối thêm mấy câu:

Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy ra thì một năm sau vội gì

Cả hội nghị lại reo hò, hoan hô.

Quả nhiên, vào đúng tháng 5 năm sau (1954), kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi.

Tuy nhiên, tiếng cười trong thơ vui chủ yếu nổi bật là phong thái ung dung, thanh thản yêu đời của “vị tiên ông đạo cốt” Hồ Chí Minh.

Những bài thơ Không đề và “tự mừng tuổi” cảm nhận về sức khỏe, tuổi tác như những lời tự bạch, tự vịnh đã nói rất rõ điều đó.

Năm 1949, có người đề nghị tổ chức chúc thọ Hồ Chủ tịch, Người đã trả lời bằng mấy câu thơ:

Vì nước chia nên nghĩ đến nhà

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già

Chờ cho kháng chiến thành công đã

Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta

                  Không đề

Vào năm sau – 1950, Người viết một bài thơ tứ tuyệt khác:

Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán

So với ông Bành vẫn thiếu niên

Ăn khỏe, ngủ khỏe, làm việc khỏe

Trần mà như thế, kém gì tiên

Cho đến tháng 9 năm 1964, tức 14 năm sau, Người vẫn vui vẻ: Bảy mươi tư tuổi vẫn không già

Bảy mươi tư tuổi vẫn không già

Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta

Bao giờ Nam Bắc một nhà

Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng

Trước khi ra đi về thế giới Người hiền, Người còn làm thơ Không đề (ngày 20/5/1968):

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm

Vẫn vững hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

Tiến bước ta cùng con em ta

Ở cả bốn bài thơ, chủ âm vẫn là “chưa già, không già”, mặc dù thực tế là “đã già”, “rất già”.

Với người cao tuổi: “Mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi”.

Với Người: “Một năm là cả bốn mùa xuân”, mỗi năm là mỗi thêm xuân, thêm tươi, “còn xuân chán”.

Bởi Người “Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi” (Tố Hữu)Người sống vì sức xuân của dân tộc, sức xuân của chiến thắng nhân dân. Cuộc đời của Người được tính đếm bằng những mùa xuân (ý tưởng trong Di chúc).

¯¯¯

Tâm hồn Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa hồn cách mạng và hồn thơ.

Là nhà văn hóa lớn, cũng là nhà thơ lớn, Người dùng văn thơ như một vũ khí sắc bén. Dù ở thể loại nào – tự sự hay trữ tình, chính luận hay cảm hứng.

Tất cả đều thể hiện tính chiến đấu mãnh liệt và tinh thần lạc quan mạnh mẽ, cùng lòng yêu đời, yêu cuộc sống tuyệt vời.

Tiếng cười trong thơ tự sự, chính luận rất giàu tính chiến đấu, châm biếm và đả kích kẻ thù. Tiếng cười trong thơ trữ tình, cảm khái lại vui tươi, hài hước, dí dỏm và tế nhị.

Tiếng cười trong thơ Hồ Chí Minh giàu sắc thái theo những đối tượng thơ, đối tượng thẩm mỹ khác nhau.

Tiếng cười ấy giàu khí thế tiến công trong cuộc chiến giữa ta và địch. Tuy nhiên, nó cũng có ý nghĩa chiến đấu trong quan niệm nhân sinh.

Người sống kiên cường, có tinh thần sảng khoái, cốt cách ung dung và phong thái thanh thản. Vì vậy, Người thân tình phê phán những kẻ chưa bao lâu đã tự cho là già để “lão giả an chi”, “mũ ni che tai”.

Bài thơ Thất cửu – Sáu mươi ba tuổi đã nói lên điều đó:

Chưa năm mươi đã kêu già

Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai

Sống quen thanh đạm nhẹ người

Việc làm tháng rộng, ngày dài ung dung

Phải đấu tranh với cả chính mình, tự kiềm chế, tự chăm sóc sức khỏe là bí quyết trường sinh của chính khách – “tiên ông đạo cốt”. Không đề (3/1958) chính là một tuyên ngôn thơ: “Thuốc kiêng năm cũ đã ba năm/ Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần/ Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa xuân”.

Luôn giữ được phong độ vui, trẻ, khỏe trong đời và cả trong thơ, trong tiếng cười của cuộc sống và vần điệu. Đó là phong độ của nhà hiền triết phương Đông, nhà cách mạng – nhà thơ lỗi lạc Hồ Chí Minh./.

CHÚ THÍCH

(*) PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hà Minh Đức (1979), Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà thơ lớn của dân tộc, Khoa học xã hội.

[2] Đoàn Trọng Huy (2015, 2018), Hồ Chí Minh – Niềm thơ cao cả, Thanh niên (1), Văn hóa – Văn nghệ (2).

[3] Hồ Chí Minh (2000), Thơ Toàn tập, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.

[4] Nhiều tác giả (1978), Tập nghiên cứu bình luận chọn lọc về thơ văn Hồ Chủ tịch, Giáo dục.

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020