Nghiên cứu khoa học

RA VƯỜN NHẶT NẮNG- MỘT ĐIỂM SÁNG CỦA THƠ THIẾU NHI ĐƯƠNG ĐẠI


13-10-2020
Tác giả: PGS. TS. Đặng Thu Thuỷ

Năm 2015, “Ra vườn nhặt nắng” ra đời. Những ai biết nó, thực sự sững sờ và hạnh phúc. Một người như Nguyễn Thế Hoàng Linh (mặc dù viết rất nhiều: hàng nghìn bài thơ trên mạng, chưa kể tiểu thuyết), thật khó tưởng tượng, lại quan tâm đến thiếu nhi, viết thơ cho thiếu nhi, mà lại ấn tượng đến thế, đáng yêu đến thế (có lẽ vì anh đã từng là trẻ con, hơn nữa, là một đứa trẻ hạnh phúc và giờ đây, anh mong muốn những đứa trẻ khác cũng được hạnh phúc). Năm 2016, tập thơ được tái sinh trong một diện mạo mới, một tập thơ- tranh. Một lần nữa, dư luận lại dậy sóng. Năm 2017, lại in tiếp 5000 bản.

  1. Khi “Ra vườn nhặt nắng” ra đời:

Năm 2015, “Ra vườn nhặt nắng” ra đời. Những ai biết nó, thực sự sững sờ và hạnh phúc. Một người như Nguyễn Thế Hoàng Linh (mặc dù viết rất nhiều: hàng nghìn bài thơ trên mạng, chưa kể tiểu thuyết), thật khó tưởng tượng, lại quan tâm đến thiếu nhi, viết thơ cho thiếu nhi, mà lại ấn tượng đến thế, đáng yêu đến thế (có lẽ vì anh đã từng là trẻ con, hơn nữa, là một đứa trẻ hạnh phúc và giờ đây, anh mong muốn những đứa trẻ khác cũng được hạnh phúc). Năm 2016, tập thơ được tái sinh trong một diện mạo mới, một tập thơ- tranh. Một lần nữa, dư luận lại dậy sóng. Năm 2017, lại in tiếp 5000 bản. Quả thực, đây là những con số ấn tượng hiếm có của một tập thơ viết cho trẻ em. Trong tình hình thị phần sách văn học Việt Nam dành cho thiếu nhi khá lép vế như hiện nay, khi những sáng tác mới cho thiếu nhi vô cùng èo uột, khi hứng thú đọc thơ của trẻ ngày càng khó nuôi dưỡng, thì “Ra vườn nhặt nắng” thực sự là một cá biệt, nó thắp sáng lên một niềm vui, một hy vọng… cho cả người lớn và trẻ em.

2. “Ra vườn nhặt nắng”- từ nhãn giới trẻ thơ đến một thế giới trong veo và ấm áp, yêu thương

Nguyễn Thế Hoàng Linh là người rất hiểu trẻ em. Anh không phải là một người lớn viết thơ để dạy trẻ con, cũng không cưa sừng làm nghé, giả giọng trẻ con. Đứa trẻ trong anh gần 30 năm trước đã thức dậy và cất tiếng nói. Lối tư duy trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo; khả năng liên tưởng tưởng tưởng không giới hạn, ý thức vạn vật đều có linh hồn, đều là bạn bè… đã chi phối cả tập thơ. Dưới con mắt ấy, cái nhìn ấy, đương nhiên, thế giới trong mắt bé luôn hiện lên đẹp đẽ, trong trẻo, vui tươi và đẫm yêu thương.

Thế giới của bé là những gì? Là bầu trời, mặt đất, khu vườn, là ông mặt trời, là vầng trăng, mây gió, nắng sương, là ruộng đồng, cây cối; là những người bạn nhỏ đáng yêu: chú chó, con bọ dừa, anh gà trống, chú cá nhỏ, châu chấu, là bạn Lá, bạn Mưa…; là những chiếc xe buýt xanh đỏ vàng, là cảnh tắc đường, cảnh cả nhà say sưa lướt facebook mỗi tối, là những chuyện trường lớp trong những tháng năm đầu đời: những bỡ ngỡ, rụt rè trong lần đầu bước vào lớp học, sự vật lộn, loay hoay với những con số trong phép cộng trừ, là nỗi mong chờ bạn đến trong ngày sinh nhật, sự trêu chọc, bắt nạt của các bạn cùng lớp, là lúc tập thể dục, khi trú mưa dưới tán cây, khi được đạp xe lòng vòng theo sở thích, lúc vầy chậu nước với đủ trò nghịch ngợm, khi tập tọng rửa bát giúp mẹ (chơi, nghịch là chính) mà tưởng tượng ra cả đại dương với đống bát đũa… Bạn nhỏ nào chả thấy mình trong đó. Chỉ trong mắt bé, mới có cả hành tinh trong giọt sương đầu chiếc lá (Con bọ dừa). Vì nhìn vào đâu, vật gì, cái gì cũng liên hệ đến mình, thấy giống mình nên mới có Mùa hè 6 tuổi: “Mùa hè kem thích khóc nhè… Mùa hè cây cối hát bè/ Cây bàng sai nhạc đứng tè buồn thiu”, ông mặt trời ngáp, ông mặt trời bị ốm…

Tập thơ mở ra một thế giới ngập nắng, sáng rỡ, một thế giới của ấm áp, yêu thương. Nhân chi sơ tính bản thiện. Cái thiện chính là cái đẹp. Trẻ thơ là quá khứ đẹp đẽ, trong trẻo nhất của mỗi người. Chúng ta có cơ sở để tin rằng: trẻ thơ sẽ cứu rỗi thế giới. Chúng ta nâng niu trẻ thơ chính là nâng niu cái phần người đẹp nhất của mỗi chúng ta. Bài thơ đầu tiên “Ra vườn nhặt nắng” (cũng là tên tập thơ) đã đong đầy yêu thương. Có đến hơn 1/3 số bài trong tập thơ xuất hiện nắng và những biến thể của nó: ánh sáng, mặt trời, mùa hè. Không có mặt trời thì không có sự sống. Mặt trời luôn tỏa nắng, yêu thương luôn chan phủ thế giới trẻ thơ. Trẻ sinh ra là để yêu và được yêu thương, yêu thương vô điều kiện. Yêu bạn Mưa, bạn Lá, yêu cái chậu đẹp trai, yêu mùa hè với cái nóng tưởng chừng khó chịu, yêu cả cái cảnh tắc đường vì ngồi trước xe của bố, tha hồ, thỏa thuê mà ngắm mây trời, đường phố, yêu cả những người lạ hoắc bé gặp trên xe buýt, ngoài phố phường vì ai cũng dễ thương... Với trẻ, dường như chả có cớ gì để mà không yêu. Ngược lại, cả thế giới này cũng luôn giành tình yêu cho bé: mẹ cha, ông bà, bạn bè, con khủng long, con gõ kiến, con dế, con gián, cái máy tính,…(Thế giới ru, Lời ru, Bài hát ru, Facebook, Lời ru chưa dứt…)

Nguyễn Thế Hoàng Linh đã ra vườn nhặt nắng với tâm thế của tuổi lên sáu. Anh và các cộng sự- những người lớn yêu trẻ con đã chăm chút, nâng giấc, yêu thương, thấu hiểu đến thế để có được ấn phẩm này. Viết cho trẻ, không chỉ đơn thuần là cho vui, có dạy, có dỗ đấy, nhưng cứ nhẹ nhàng, ý nhị, thoải mái như không: dạy chơi, dạy học: học đếm, học từ, dạy tiếng Anh, tiếng Việt, nhắc dậy sớm, dặn đừng bắt nạt bạn, dạy cảm ơn, biết luôn nở nụ cười trong mọi tình huống vì cuộc đời luôn là tươi đẹp… Anh đã làm được điều anh nghĩ:

“Mỗi đứa trẻ là một tính cách, một thế giới nhưng hầu như chúng ta bắt bọn trẻ phải làm mọi việc giống nhau.

Tôi nghĩ, việc giống nhau duy nhất người lớn nên làm cho trẻ con là: Yêu thương.

Muốn được yêu thương là bản năng của tất cả mọi người nhưng biết yêu thương người khác lại không phải, chúng ta phải học.

Tôi cũng không rõ lắm yêu thương là gì nhưng tôi nghĩ kết quả của nó là việc làm người khác cảm thấy hạnh phúc” (Lời đề từ tập thơ).

3. “Ra vườn nhặt nắng”- Một trò chơi

         Ngay cái tên tập thơ đã gợi một trò chơi: Ra vườn nhặt nắng. Trước khi ra vườn nhặt nắng, Nguyễn Thế Hoàng Linh lưu ý độc giả: “Tập thơ này là một sân chơi nho nhỏ, mỗi bài thơ là một trò chơi” (Lời đề từ). Trẻ con, đương nhiên, thích chơi, thậm chí thích chơi hơn thích học. Chẳng phải bao bậc kì tài thuở nhỏ cũng ham chơi, lười học đó sao. Trẻ con mà. Trẻ con ngấm ngầm tự học (một cách bản năng) trong chính cái sự ham chơi của nó mà người lớn cứ cả lo nên không biết (và cũng ít ai ủng hộ) đó thôi. Dẫn dụ như thế, nghĩ như thế, làm như thế, đương nhiên, trẻ thích “Ra vườn nhặt nắng” rồi (cả người lớn cũng thích). Trẻ con đọc “Ra vườn nhặt nắng”, thấy đúng là mình trong đó. Người lớn đọc “Ra vườn nhặt nắng”, thấy mình là trẻ con. Ai muốn có “một vé đi tuổi thơ”, hãy đến đây.

3.1. Những trò chơi con trẻ

Ra vườn nhặt nắng”, trước hết là một trò chơi, tập thơ này là một sân chơi, (như tác giả đã nói). Câu cuối cùng trong lời đề từ tập thơ là một lời dẫn độc giả vào trò chơi: “Giờ tôi sẽ tắt điều hòa và ra ngoài đá bóng đây: “D”. Và thế là trò chơi bắt đầu.. Các bạn nhỏ hãy yên tâm, đừng lo lắng, chúng ta ra sân chơi, không cần ngồi vào bàn ngay ngắn để nghiêm trang ngoan ngoãn, chăm chú lắng nghe những bài giảng, bài học đạo đức, giáo huấn của người lớn. Chơi thường bao giờ cũng vui, cũng thích.

Đọc  tập thơ thấy thật thân thương, quen thuộc vì ta sẽ gặp ở đây toàn những trò chơi con trẻ (con trẻ ở cả nông thôn và thành thị, nông thôn và thành thị của thời @): lang thang ngoài vườn với cây với lá, với nắng với gió; nhảy hip hop, hát hò, trêu chọc nhau trong lớp học, chơi đạp xe, chơi rô bốt, tra google, vầy chậu nước, chơi thả thuyền, thả cá, nghịch với cuộn len, mèo vàng, mở vòi hoa sen nghịch rồi quên tắt… Có những trò chơi công nghệ, có những trò chơi do học người lớn mà thành, nhiều trò là tự tạo, tự phát. Luôn quan sát thế giới và tự tạo ra  một thế giới ở quanh mình, đấy là khả năng tuyệt vời của con trẻ. Bởi khả năng liên tưởng tưởng tượng ở trẻ là vô tận. Con người ta càng trưởng thành thì nguy cơ nghèo nàn tưởng tượng càng cao, nhất là trong thời đại kĩ trị. Trẻ em khi còn giữ được sự hồn nhiên, ngây thơ thì chưa biết sợ. Chúng thường thích cái rộng lớn thênh thang vì nó không trói buộc, nó gợi mở cho những tưởng tượng, những thử nghiệm. Nguyễn Thế Hoàng Linh đã hồi tưởng về tuổi thơ của mình như thế: “Sát rạt nhà tôi là cánh đồng, sự thênh thang ấy đối với một đứa trẻ như một món quà tặng khổng lồ vậy”. Và từ đây, một thế giới bẩy sắc cầu vồng đã mở ra, mênh mang, mênh mang: nào là bắt chước phim chưởng, chạy đuổi đánh nhau, nào là chạy đua với chó, bắt châu chấu, câu cá săn sắt, cá bảy màu… Cho nên mới có chuyện chàng nằm mơ nước ngập lên tầng thượng và có một chú  khủng long ngoi lên nhìn mình, mới có chuyện nhìn một mảnh gạch son trong rãnh nước ở khu vệ sinh của  trường học sau nhà mà ra được con cá kiếm đỏ au. Cũng không lạ khi với đứa bé, chiếc chậu lại là cả một thế giới:

Hàng sáng đổ đầy nước/ chầm chậm nhúng mặt vào/ Thở từng chùm bong bóng/ Không gian thành chiếc ao

Ban đầu hãy nhắm mắt/ Rồi mở mắt từ từ/Bao hình ảnh dưới nước/ Theo làn nước lắc lư

Hôm nào thả vào chậu/ Một chú cá màu cam/ Bé thành người thợ lặn/ Trong đại dương tự làm

Rồi bé có thể nói/ “A”, “B”, “C”, “Xin chào”…/ Nước lắng nghe mọi chuyện/ Và đâu trách câu nào

                                                                                          (Bơi)

Nghịch nước là một trong những trò thú nhất của trẻ con. Nhất là với chậu bát đũa mẹ cho tập rửa, thì… một đại dương được mở ra:

Những chiếc thìa chìm nghỉm/ Những bát đũa dập dềnh/ Đĩa cái bơi cái lặn/ Muôi gỗ thì lênh đênh

Váng mỡ như dầu rỉ/ Thức ăn như tàu chìm/ Dòng nước đang ô nhiễm/ Cọng rau lả cánh chim

Có những trò do người lớn dỗ khéo trẻ mà thành, giúp trẻ vừa học vừa chơi: trò chơi vận động, tập thể dục, trò chơi tập đếm, trò điểm danh, tập hợp, trò chơi đóng vai…. (Ánh sáng tốn pin, Ai đã từng, Cộng trừ, Trẻ em người lớn, Thích…). Biến cả thế giới thành trò chơi, chơi mới vui, chơi mới thích, chơi mà học, học mà chơi. Đọc cả tập thơ, chỉ thấy vui tươi.

3.2. Trò chơi hình thức

Tập thơ này, xét về mặt hình thức, cũng là một trò chơi: chơi với ngôn ngữ, chơi với sắc màu, với hình ảnh, nhạc điệu. Ý tứ, liên tưởng nhảy nhót, đáng yêu.

Ngộ nghĩnh và bất ngờ là kiểu liên tưởng như:

Yêu thương là đốm nắng vàng/ Trên lưng chú chó lang thang chiều hè (Êm)

Mùa hè như chó nhỏ/ Tung tăng ở quanh ta/ Bạn là mùa hè à?/ Quệt mồ hôi chào bạn (Bạn có biết mùa hè)

Khi muốn yên tĩnh để cho bé ngủ thì:

Con khủng long qua phố/ Cũng lót đệm vào chân/ Chim gõ kiến ăn đêm/ Đeo cao su vào mỏ

Cây vặn nhỏ tiếng gió/ Dế ngừng rock nhố nhăng/ Con gián bị sâu răng/ Chạy ra xa rên rỉ (Thế giới ru)

Ngôn ngữ thơ không cầu kì, hoa mĩ mà trong trẻo và giản dị, nhiều khi hóm hỉnh. Nhiều câu thơ như lời nói hàng ngày của trẻ em. Nguyễn Thế Hoàng Linh hành ngôn theo lối nghĩ, cách nói của trẻ em:

Mùa hè cây cối hát bè/ Cây bàng sai nhạc đứng tè buồn thiu/ Mùa hè sướng nhất miu miu/ Nằm sưởi bạn nắng, nói “ui” mùa hè (Mùa hè 6 tuổi)

Mỗi một tháng dậy sớm/ Là vài ngày thừa ra/  Mỗi một năm dậy sớm/ Bạn là quái vật à? (Ai đã từng)

Sáng trên đường mẹ bảo/ “Ông mặt trời ốm rồi”/ Nhìn lên trời em thấyToàn màu đen và mây/Chiều cơn mưa dần ngớt/ “Mặt trời khỏi ốm rồi!”/Em nói với các bạn/ Các bạn bảo: “Dở hơi”/ “Cậu dở hơi thì có!” / “Cậu mới là dở hơi!” / Đó là câu hót nhất/ Ở trong giờ ra chơi/ Ông mặt trời thấy vậy/ Cười vang với đánh rơi/ Bao nhiêu là tia nắng/ Làm nên ông mặt giời. (Ông mặt trời bị ốm)

Có những khi, anh rủ trẻ em chơi đùa cùng với ngôn ngữ qua cách biến thanh, chơi chữ, cách lí giải rất dí dỏm, đáng yêu:

Buổi chiều dài hơn buổi sáng/ Người ta mới gọi “chiều dài”/ Rồi lại nói thêm “chiều rộng”/ Của hình chữ nhật đẹp trai (Buổi chiều)

Viết về trò nghịch nước vô cùng thú vị của trẻ em, anh mách trẻ:

Còn một điều hay lắm/ Bé sẽ thấy nhanh thôi/ Hơi thở mình thanh thoát/ Vì nước cũng là nôi

Và khi bé ngủ, cả thế giới phải lặng im, cả:

Cái tên con nhái bén/ Vẫn đã từng vang xa/ Gọi là “nhài bèn” nha/ Cho âm thanh nhỏ lại/ Đang rơi bông hoa  đại/ Gọi là hoa tiểu ngay/ Để tiếng kêu bớt dày (Thế giới ru)

Tập thơ còn hấp dẫn trẻ vì nó là một tập thơ- tranh, nhìn đã thấy yêu- một tập thơ đẹp. Bởi vậy không nên chỉ đọc, mà còn phải xem, phải ngắm nó. Nếu bé chưa đọc được, thì bé sẽ xem, sẽ ngắm, mẹ sẽ đọc cho bé nghe. Ban đầu, “Ra vườn nhặt nắng” được trình bày bằng font chữ viết tay của người lớn, có kèm theo một số hình minh họa ngộ nghĩnh. Khi được tái bản, tập thơ được chăm chút kĩ lưỡng, tạo hiệu ứng thị giác tốt. Cuốn sách trở nên dễ thương hơn khi tác giả và những người trình bày đã lựa chọn font chữ viết tay của trẻ em với những nét chữ viết tay nguệch ngoạc, non nớt. Cộng hưởng vào đó là những bức tranh với màu sắc tươi tắn, tạo hình hết sức đáng yêu. Tranh  không đơn thuần là minh  họa cho bài thơ mà  còn là những  câu chuyện được kể bằng hình ảnh– song song và độc lập với phần thơ (do Lá vẽ). Không cầu kì, lòe loẹt, giản dị và gần gũi, rất thực, rất đời, như chính các em bé trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí: một chút vụng về, một chút ngô nghê, nhưng kì thực đáng yêu. Những cái miệng, cái má, cái mắt, những cọng tóc, cái đầu- những nét vẽ hồn nhiên, tưởng chừng nguệch ngoạc của trẻ con, như chính chúng đang kể chuyện mình, chuyện hàng ngày, ở lớp, ở nhà, ở ngoài đường phố… Lũ nhóc chạy nhảy, nô đùa bằng màu sắc, đường nét trên các trang sách, vui vẻ, ồn ào như chính chúng ngoài đời.

Thậm chí, tập thơ còn phổ nhạc và làm thành clip ca nhạc cho thiếu nhi với phần hoạt hình ông cùng cháu đùa chơi với nắng thu. Một trong những tác giả của công trình này đã chia sẻ: “Dẫu phim ngắn không phải là sản phẩm chính nhưng chúng tôi làm để cung cấp thêm công cụ nghệ thuật đa đạng cho phụ huynh và bé. Bởi trẻ con có bé thích chơi, có bé thích ngồi im đọc nhưng có bé thích phim ảnh… chúng tôi làm mọi cách để bé đến được với ngôn ngữ trong sáng mà gần nhất là thơ” (1). Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh thì cho rằng: “Trẻ con cần có ấn tượng về vẻ đẹp. Tôi sử dụng câu chữ và hình ảnh sáng, rõ để phục vụ việc đó; còn những món quà khác có thể các em sẽ tìm thấy thêm khi lớn lên. Một cuốn sách có thể đọc lại nhiều lần” (2). Trang đầu tiên của cuốn sách, câu chữ tung tăng như dẫn diệu, rủ rê trẻ đi chơi:

 

Đến trang cuối cùng, khi bao nhiêu trò chơi tạm dừng lại, câu chữ vẫn thung thăng, rập rờn như đứa trẻ đang la cà mãi

  trên đường vì vẫn còn nuối tiếc, vẫn còn thích chơi, chưa muốn về nhà:



 

 

 

“Ra vườn nhặt nắng” là món quà dành cho trẻ con; nhưng nó cũng là món quà dành cho người lớn - cho tất cả những ai đã từng đi qua những năm tháng trong trẻo ấy. Chất trẻ thơ đẫm trong từng trang sách thơm tho. Việc tiêu thụ nhiều nghìn bản “Ra vườn nhặt nắng” trong có dăm ba năm (với một giá thành không thấp) đã cho thấy thiện chí muốn được đọc những tác phẩm có chất lượng của độc giả hôm nay. Không phải trẻ không thích đọc, chỉ là trẻ thiếu sách hay để đọc. Gần đây, sự đón nhận của người đọc đối với những tập thơ khác như: Biển là trẻ con của nhà báo Huỳnh Mai Liên qua phần minh họa của Lê Bình; Cảm ơn thùng rác (Phạm Thị Thanh), Chiếc chổi thần kỳ (Trần Diệu Linh) và Hợp tác xã bé ngoan (Cao Phượng Diễm)- bộ thơ dạy kĩ năng cho trẻ càng cho thấy điều đó.

Chúng ta có quyền hy vọng vào những người viết trẻ, ngay cả ở mảng sáng tác cho thiếu nhi! Cần lắm những “giọt sương thơ” (3) như thế, để lọc lại, để làm trong lại thế giới này!...

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Quỳnh Trang, Ra vườn nhặt nắng, góp thơ cho trẻ, https://plo.vn/xa-hoi

2.    Minh Trang, Thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Ra vườn nhặt nắng, tuoitre.vn

3.    Chu Văn Sơn, Ra vườn nhặt nắng và giọt sương thơ, facebook Sonchu

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020