Nghiên cứu khoa học

"Bên này" của dòng sông (Đọc lại "Bến quê" của Nguyễn Minh Châu)


13-10-2020
Tác giả: Nguyễn Thanh Tâm

Triết lí của Bến quê ôm gọn cả hai bờ, là triết lí của cả dòng sông. Chính vì thế, Bến quê trở thành bến đỗ và dòng sông là dòng đời bồi lở. Ở đó, song trùng hạnh phúc và đớn đau, xa mà gần, gần mà lại hóa xa xôi, âm thầm mà vô cùng dữ dội,… Nhưng, cái cốt lõi cuối cùng, Bến quê trong tư tưởng triết luận của Nguyễn Minh Châu lại chưa phải là “bãi bồi bên kia sông” mà chính là phía bên này với “dải đất lở dốc đứng” chông chênh, đầy âu lo…

Người ta cứ mãi dõi về phía bên kia sông, nơi dải phù sa óng ả, màu mỡ mà lãng quên phía này, nơi đêm đêm “những tảng đất đổ òa vào giấc ngủ” khi con lũ nguồn đổ về xoáy táp vào mạn bờ. Người đọc giật mình thảng thốt theo ánh mắt xa xăm tuyệt vọng của Nhĩ mà khuấy quên những suy tư của Nguyễn Minh Châu gửi lại phía này của bờ sông, toang lở, chông chênh và đau xót…

Nhĩ sẽ không bao giờ có thể đến được phía bên kia sông. Nơi ấy, gần mà diệu vợi. Bãi bồi óng ả, màu mỡ như một ảo ảnh, một ốc đảo giữa cơn kiệt quệ của kẻ bộ hành mỏi mệt, đuối sức. Không bao giờ Nhĩ có thể đến được, cả cậu con trai sức vóc của Nhĩ cũng không đến được.

Thực ra, cái bãi bồi bên kia sông, niềm ao ước đến riết róng tuyệt vọng của Nhĩ chỉ là một bờ trong triết lí của Nguyễn Minh Châu. Người đọc dễ dàng bị thôi miên bởi cách đo lường có vẻ gần gũi “bãi bồi ở bên kia sông” nơi có vòm trời cao với những tia nắng sớm hắt lên từ mặt nước, nơi óng ả “màu vàng thau xen với màu xanh non” như “hơi thở của đất màu mỡ” để lơ đãng phía này của dòng sông. Triết lí của Nguyễn Minh Châu được ẩn cài rất sâu bằng sự gián cách, nghi binh của bờ bên kia, “kẻ cạn lòng” (chữ dùng của Chu Văn Sơn) khó mà nhận ra được. Triết lí ấy chỉ được òa ra khi cơn lũ nguồn đổ về, xoáy riết vào những giấc ngủ âu lo.

Cuộc đời Nhĩ là một dòng sông đã bồi, đã lở đến chân cùng. Bồi đắp càng lớn đồng nghĩa với sự xói lở càng nhiều (ở phía khác). Những niềm mê say của tuổi trẻ, đôi khi làm ta lãng quên những xói lở của đời mình. Sắc bằng lăng cuối mùa đậm hơn, “tím thẫm như bóng tối” là sắc hoa trong tâm tưởng của Nhĩ. Thiên nhiên mang biểu trưng triết lí rất rõ, khi Nhĩ đã đi đến mùa cuối của cuộc đời mình. Phía bên kia sông, nơi Nhĩ dồn tàn lực để “mê say, pha lẫn nỗi ân hận đau đớn” hóa ra lại vẫn là một đam mê, một lí tưởng để Nhĩ quên đi phần ít ỏi, ngắn ngủi còn lại của đời mình. Người đọc phải hai lần “giật mình” mới có thể nhận ra điều này.

Cả đời Nhĩ đã từng đặt chân đến không thiếu một xó xỉnh nào trên thế giới, khi ốm đau, di chuyển được năm mươi phân anh ngỡ là nửa vòng trái đất thì bãi bồi bên kia sông xa xôi biết chừng nào! Nếu cho rằng bãi bồi bên kia sông là điều gần gũi, bình dị mà con người cần phải trân trọng thì bên này sông, nơi đêm đêm những “tảng đất đổ òa vào giấc ngủ” lại chính là những mất mát, những đớn đau thầm lặng đã rơi tan vào dòng sông cuộc đời để lắng tụ về bên kia. Sao lại không phải là thế nhỉ! Một bến sông quê gần gụi thân yêu, nơi có bãi bồi màu mỡ, non mượt, và có cả một bến quê đã thầm lặng gửi những nỗi đau vào dòng sông thăm thẳm của đời. Nếu Nhĩ ân hận, đau đớn vì chính mình chưa đặt chân lên “bãi bồi bên kia sông” thì có lẽ anh phải đau đớn, ân hận hơn nhiều lần khi “lần đầu tiên… thấy Liên mặc tấm áo vá”, cả “tiếng bước chân rón rén… suốt một đời người đàn bà trên những bậc gỗ mòn lõm”. Nhĩ sẽ tan cả lòng mình khi hằng đêm lắng nghe tiếng bờ sông vỡ òa vào lòng con lũ đang về. Và trên chính cuộc đời anh, một tấm thân đã mòn mỏi, kiệt quệ, khó nhọc với “phiến lưng đã có nhiều mảng da thịt vừa chai cứng vừa lở loét”. Nhĩ như một tảng đất bên sông, rồi sẽ òa vỡ vào dòng sông, để lại Liên và các con cùng căn nhà chông chênh đầy những âu lo, mất mát. Hóa ra, phía bên này của dòng sông mới thật dữ dội, thật đau đớn. Liên, người vợ đi ra từ miền cổ tích của Nhĩ, dẫu “tâm hồn vẫn giữ nguyên vẹn những nét tảo tần và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa…” thì đêm đêm người phụ nữ ấy vẫn âm thầm nghiêng lở vào dòng đời khi nghe lũ nguồn đang đổ về và nhìn người chồng đau yếu của mình. Đứa con của Nhĩ, một phiên bản của người cha, rồi cũng sẽ chẳng bao giờ tới được phía bên kia sông. Cậu có thể đi rất xa, nhưng sẽ trở về để nuối tiếc một dải phù sa, một bến quê lở bồi đã trót lãng quên giữa dòng đời miệt mài.

Sẽ là chưa đầy đủ khi ta không chú ý đến phía này của dòng sông. Triết lí của Nguyễn Minh Châu mang tính phổ quát hơn khi cả hai bờ được ý thức – hai bờ của dòng sông đời người. Triết lí ấy được ẩn giấu sâu hơn, kín đáo hơn những gì lâu nay chúng ta bàn luận. Suy đến tận cùng, “bãi bồi bên kia sông” cũng chỉ là một biểu tượng có tính chất gợi dẫn. Nguyễn Minh Châu muốn thức tỉnh chúng ta, phải biết nâng niu, trân trọng những điều bình dị, gần gũi chung quanh. Bãi bồi bên kia sông dẫn chúng ta đến những điều còn gần gụi hơn, bình dị và đáng trân trọng hơn rất nhiều. Đó là manh vá trên áo người vợ tảo tần, khó nhọc, là ngôi nhà đang run lên bên bờ sông lở mùa con lũ đổ về, là sự sống đang từng ngày héo hon, tàn úa,… Vẻ mượt mà, óng ả, non tơ của bãi bờ bên kia càng minh chứng cho những xói lở của phía này. Điều đó đâu phải lúc nào ta cũng nhận ngay ra!

Khi Nguyễn Minh Châu tuyên bố Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ, cũng là khi ông bước chân lên chuyến đò ngang duy nhất trong ngày từ phía “bãi bồi bên kia sông” trở về bên này với bao ngổn ngang của thế sự đời tư. Khoảng cách trần thuật được rút ngắn làm cho cuộc đời hiện lên chân thực hơn. Vẻ non mượt của bãi phù sa bên kia sông đã có thời che lấp những xói lở âm thầm của bờ sông bên này. Nguyễn Minh Châu sử dụng một số hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng (bãi bồi bên kia sông, bờ sông sụt lở dựng đứng, cậu con trai sa vào cuộc chơi phá cờ thế, hoa bằng lăng cuối mùa,…) vừa có tác dụng biểu đạt, vừa gợi dẫn để các vỉa tầng, các mặt sáng tối, bồi lở của cuộc đời được chiếu rọi, được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn.

Triết lí của Bến quê ôm gọn cả hai bờ, là triết lí của cả dòng sông. Chính vì thế, Bến quê trở thành bến đỗ và dòng sông là dòng đời bồi lở. Ở đó, song trùng hạnh phúc và đớn đau, xa mà gần, gần mà lại hóa xa xôi, âm thầm mà vô cùng dữ dội,… Nhưng, cái cốt lõi cuối cùng, Bến quê trong tư tưởng triết luận của Nguyễn Minh Châu lại chưa phải là “bãi bồi bên kia sông” mà chính là phía bên này với “dải đất lở dốc đứng” chông chênh, đầy âu lo…

Nguồn: Văn nghệ Thái Nguyên

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020