Nghiên cứu khoa học

XUÂN QUỲNH – NỮ SĨ CỦA TÌNH YÊU THỜI ĐẠI MỚI


12-10-2020
Tác giả: Đoàn Trọng Huy(*)

Xuân Diệu (1916 – 1985) và Xuân Quỳnh (1942 – 1988) có vẻ gần gũi nhau, vì tuy chênh lệch về tuổi tác đến con số 26 năm, nhưng vẫn sống chung trong một thể chế mới. Tuy nhiên, đó vẫn là cách biệt về thế hệ, và quan trọng là họ có hành trình sáng tác khác hẳn nhau, và những mỹ cảm, phong cách và thi pháp đặc sắc riêng.

 

Chủ đề tình yêu là một chủ đề vĩnh cửu trong văn học, và cả nghệ thuật.

Xưa nay, đã có bao thi sĩ của tình yêu, hoặc những người làm thơ có nói đến tình yêu.

Trong lịch sử văn học cổ kim, có mấy tên tuổi tiêu biểu được nhắc đến: Bà chúa thơ Nôm Xuân Hương, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, và gần đây là nữ sĩ tình yêu Xuân Quỳnh. Dĩ nhiên, họ làm thơ về nhiều đề tài, chủ đề, nhưng tập trung và nổi bật nhất vẫn là tình yêu.

Ba nhà thơ ấy rõ ràng là xuất hiện ở những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng, những quan niệm và nghệ thuật có điểm khá giống nhau.

Xuân Diệu (1916 – 1985) và Xuân Quỳnh (1942 – 1988) có vẻ gần gũi nhau, vì tuy chênh lệch về tuổi tác đến  con số  26 năm, nhưng vẫn sống chung trong một thể chế mới. Tuy nhiên, đó vẫn là cách biệt về thế hệ, và quan trọng là họ có hành trình sáng tác khác hẳn nhau, và những mỹ cảm, phong cách và thi pháp đặc sắc riêng.

Xuân Quỳnh thuộc thế hệ nhà thơ con đẻ của Cách mạng, được coi là nhà thơ trẻ thành danh từ thời chống Mỹ. Được mệnh danh là nữ sĩ của tình yêu, Xuân Quỳnh có thân phận riêng, và hành trình sáng tạo nghệ thuật mang dấu ấn đặc sắc, vượt trội trong thế hệ trẻ đương thời.

- 1 -

CHỦ THỂ TRỮ TÌNH TÌNH YÊU

Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một người phụ nữ thời đại mới, với biết bao cảm nhận về cuộc đời. Đó là một cuộc đời phong phú, bề bộn, ngổn ngang với bao sự kiện thời sự cực kỳ quan trọng, và những suy tư, cảm xúc không kém phức tạp về thế sự.

Xuân Quỳnh là một tâm hồn hồn nhiên, tươi mát, chân thành mà đằm thắm, da diết yêu thương, và lại mãnh liệt với bao khát vọng về tình yêu và hạnh phúc vừa sáng đẹp, cao cả; lại vừa bình dị, đời thường.

Chính vì vậy, nhìn chung, Xuân Quỳnh đã thể hiện một cái tôi trữ tình sôi nổi, thiết tha, chân thành và mạnh dạn. Đặc biệt là, cái tôi ấy luôn mang vẻ đẹp nữ tính – vẻ đẹp mới lạ, tiên tiến, nhưng vẫn giữ nét thuần phác, truyền thống.

Đó là điểm nổi bật.

Tình yêu là sự sống, sự sống sinh sôi, nảy nở, tuần hoàn và vĩnh cửu.

Chính vì vậy, nó tồn tại trong bất kỳ tình thế, trạng huống hoàn cảnh nào, ngay cả trong chiến tranh ác liệt.

Chủ thể trữ tình thơ Xuân Quỳnh, là một chủ thể biết chủ động trong kiếm tìm, gìn giữ,  bảo vệ tình yêu như một vật báu thiêng liêng của con người.

Một tình yêu chân thành, yêu hết mình, là điều cao đẹp tuyệt vời, là tình yêu không có tuổi:

Tay trong tay tôi đến bên người

Tôi chẳng nói điều chi là vĩnh viễn

Vì mỗi sáng, khi mặt trời hiển hiện

Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu

                  Lại bắt đầu

Khát vọng tình yêu, khát vọng khám phá đến cùng cái đẹp mỹ lệ và huyền diệu của tình yêu, nhưng cũng không giấu nổi mặc cảm bất lực: “Lòng thuyền nhiều khát vọng/ Và tình biển bao la/ Thuyền đi hoài không mỏi/ Biển vẫn xa, còn xa” (Thuyền và biển).

Chẳng phải Xuân Diệu xưa từng đòi hỏi vu vơ  trong khao khát tột cùng: “Đố ai cắt nghĩa được tình yêu” đó sao?

Cái tôi trữ tình – tình yêu Xuân Quỳnh, cũng thể hiện là cái tôi bản lĩnh.

Hoa dọc chiến hào là tập thơ thể hiện rõ một cái tôi quả cảm, can trường trong chiến tranh. Chỉ qua nhan đề, đã thấy, bên cạnh chiến hào ngoài trận tuyến, vẫn là một đường hoa cộng sinh, tương sinh, như dắt tay nhau chung sống.Hạnh phúc nở hoa trong chiến đấu là lẽ thường tình.

Đây là một cảm nhận lớn, rất đáng quý so với đời sống thời chiến.

Nhà thơ Chế Lan Viên cũng có ý tưởng, cùng mỹ cảm lớn qua tập thơ Hoa ngày thường – Chim báo bão. Hai hình tượng tưởng chừng đối nghịch nhau, mà lại kết hoà một cách bình thường trong đời sống bất thường. Bom nổ phá hoại căn phòng, mái ấm hạnh phúc, nhưng sự tàn bạo không tài nào tiêu diệt được tình yêu lứa đôi.

Ngoài đời, Xuân Quỳnh là người dám yêu hết mình, yêu say mê đến mức từ bỏ cuộc đời vẫn yêu, đúng như lời Tự hát:

Em trở về đúng nghĩa trái – tim – em

... Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Mặt khác, dám hy sinh tất cả vì tình yêu.

Quỳnh dám xây dựng hôn nhân với Lưu Quang Vũ là cả một sự quả cảm ghê gớm, đã vượt qua được hai định kiến lớn. Một là, sự chênh lệch về tuổi tác: Quỳnh hơn Vũ 6 tuổi. Hai là, sự phản đối ghê gớm của bà mẹ Vũ.Ấy là tình thế lúc ban đầu.

Vậy là, Quỳnh đồng thuận với Vũ về quan niệm tình yêu không kể tuổi tác, và quan trọng hơn là tự do kết hôn.

Qua thơ là một thông điệp minh bạch về quan niệm bình đẳng trong quan hệ nam nữ. Điều này đúng với Luật Hôn nhân và Gia đình, và quyền tự do lựa chọn của con người – con người mới trong xã hội dân chủ.

Tất nhiên, đấy mới chỉ là về lý.

Tuy nhiên, về mặt tình thì, cũng trong đời, Xuân Quỳnh đã cải thiện mối quan hệ gia đình, dần dần chinh phục được cảm tình của tất cả mọi người. Để, chỉ còn lại một sự hoà thuận thật tốt đẹp hiếm có.

Thơ Xuân Hương về tình yêu xưa kia, là một tiếng kêu than lớn cho thân phận người phụ nữ, và đòi hỏi nữ quyền thời đó còn là ảo tưởng.

Xuân Quỳnh, bằng cuộc sống và bằng thơ ca, đã hiện thực hoá nữ quyền trong thời đại mới – một vai trò và công lao đáng trân trọng.

- 2 -

THI ĐỀ, THI ẢNH TÌNH YÊU

Hai bài thơ Thuyền và biển, Sóng rất tài hoa, là tiêu biểu nhất cho thi ảnh, thi đề trong sáng tác thơ của Xuân Quỳnh.

Hình ảnh Thuyền và biển, là ẩn dụ thấp thoáng bóng hình anh và em – hai nhân vật chính của bài thơ. Cũng có thể hiểu là nhà thơ đã nhân cách hoá, đưa hồn người sống động vào thuyền và biển. Đây là một mẩu chuyện tình, nói lên tình cảm ngọt bùi, cay đắng của tình yêu.

Câu chuyện vắn tắt từ lúc tình yêu chớm nở, còn bao hứa hẹn: “Lòng thuyền nhiều khát vọng/ Và tình biển bao la” đến lúc đã yêu nhau, và tình sâu nghĩa nặng: “Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu, về đâu”. Ở đây, ta thấy sự đồng cảm, vả thấu hiểu nhau tinh tường, và cặn kẽ.

Nhưng có mảnh đời thực của tình yêu là sự xa cách: lòng nhớ thương quay quắt vời vợi.

Một giả dụ đặt ra: nếu cuộc tình chia xa, chỉ nếu thôi. Sẽ là một sự đớn đau tột độ, nhất là đối với biển – “em”:

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

Bài thơ Sóng gửi gắm tâm tư sâu kín qua trạng thái tinh vi, phức tạp của một tâm hồn người thiếu nữ trong tình yêu.

Sóng là ẩn dụ của người con gái. Lại có hình tượng Em. Hai mà là một. Một mà tự phân thân ra, để soi chiếu vào nhau.

Sóng mang giá trị thẩm mỹ cao, thể hiện được tâm trạng khát khao yêu đương, với nhiều cung bậc tình cảm ở các sắc thái khác nhau, có khi như đối nghịch: “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sóng không hiểu nổi mình/ Muốn tìm ra tận bể”.

Sóng nước là sóng tình, mà tình yêu là điều không ai, và không bao giờ có thể cắt nghĩa được đầy đủ và minh bạch. Bởi vì, khát vọng tình yêu là muôn đời, vạn thuở:

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Yêu và nhớ, dù là con sóng nào – “dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước”, và đấy là diễn biến của tình yêu và nỗi nhớ: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”. Tình yêu sẽ đem lại sức mạnh. Trăm ngàn con sóng rồi cũng tới bờ: “Dù muôn ngàn cách trở”. Để rồi: “Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ” – như là triết lý của tình yêu.

Trong thơ Xuân Quỳnh còn nhiều phép ẩn dụ tinh tế và sâu sắc khác: Hoa (Hoa cỏ may, Hoa dại trên núi Hoàng Liên, Hoa cúc xanh), Mây, Gió,...

Hầu hết là biểu tượng của không gian và thời gian, thậm chí đôi khi mang màu sắc mộng mị, mông lung như “màu” thời gian. Xuân Quỳnh từng viết Thời gian trắng (6/1988): “Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng”.

Tạo nên những hình ảnh, hình tượng thơ lung linh sắc màu, giàu ý tứ tinh tế quả là một biệt tài của nữ sĩ tình yêu Xuân Quỳnh.

- 3 -

GIỌNG ĐIỆU TÌNH YÊU

Khác với cô gái còn đang mơ mộng trong tình trường, Xuân Quỳnh là người phụ nữ đã trải nghiệm trong tình yêu và hôn nhân.

Là người thông minh và khá “đáo để”, Xuân Quỳnh mạnh dạn bộc lộ mình. Không phải đến Tự hát , mà từ lâu, nhà thơ nữ trẻ tuổi đã tự thể hiện mình qua thơ, nhất là thơ tình yêu.

 Nhà thơ là người trải qua những cuộc tình và hôn nhân, từ cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, đến cuộc xây lại tổ ấm lần thứ hai. Vậy là, Xuân Quỳnh đã trải qua tình yêu và hạnh phúc, kinh qua hầu hết các cung bậc tình cảm, với biết bao tâm trạng, tâm thế, tâm tư.

Thơ tình Xuân Quỳnh hấp dẫn, trước hết, về sự trải lòng qua giọng điệu giãi bày, tâm tình.

Có thể, đó là những lo toan, vun vén nhỏ nhặt thường tình, đến cao nhất là sự hy sinh quên mình cho tình yêu. Từ lo toan nội trợ cho một bữa ăn sum họp, đến chi chút chăm sóc sức khoẻ cho người yêu: “Sao không cài khuy áo lại anh/ Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét” (Trời trở rét).

Là người rất quan tâm đến hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời thường, Xuân Quỳnh cũng không thể từ bỏ niềm say mê làm thơ, một hạnh phúc tâm tình và trí tuệ như lý tưởng:

Và trong em không thể còn anh

Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

Xuân Quỳnh Nói cùng anh, lại có Thơ tình cho bạn trẻ. Rõ ràng, trong tình yêu không chỉ Tự hát, mà phải giãi bày, phải cắt nghĩa, phải trao gửi trải nghiệm yêu và sống.

Tuy nhiên, nổi bật là giọng âu lo, trăn trở, thậm chí có lúc thảng thốt, hoài nghi, đau khổ.

Đó là vì cuộc đời đã có lầm lẫn đến tan vỡ về hôn nhân, cũng vì thời gian vô tình làm tàn phai nhan sắc, và cũng vì cái bí ẩn muôn đời cần giải mã của tình yêu.

Anh là sở hữu trong vòng ôm chặt chẽ của bàn tay, mà vẫn thảng thốt:

Anh con đường xa ngái

Anh bức vẽ không màu

Anh nghìn nỗi lo âu

Anh dòng thơ nổi gió

Hai nhà thơ, hai tâm hồn nghệ sĩ đã thông cảm nhau hết mực trong tình yêu bền chặt, mà vẫn có những giây phút như bất định. Bởi, xét cho cùng, đó là hai chủ thể có thể “ào ạt”, có thể  “nổi gió” theo tâm tính cũng như cá tính sáng tạo với khát khao tìm hiểu khôn cùng về lý tưởng thẩm mỹ.

Có người nghĩ về thân phận Xuân Quỳnh như “bông hoa dại” khi vận vào mình sự mặc cảm về những cái nhỏ nhoi, trơ trọi, dễ bị quên lãng (Cỏ dại, Hoa dại núi Hoàng Liên). Lại có người mường tượng Xuân Quỳnh như “Cánh chuồn trong giông bão” (Chu Văn Sơn) với bao nghịch lý trong đời về tình yêu: “Khắc nghiệt và yên lành”, “Phấp phỏng và lo âu”…

Có những mặc cảm như điều tự nhiên về triết lý nhân sinh. Như nhận ra cái hữu hạn  của đời người:

Cuối trời mây trắng bay

Lá vàng thưa thớt quá

Phải chăng lá về rừng

Mùa thu đi cùng lá

Mùa thu ra biển cả

Theo dòng nước mênh mang

        Thơ tình cuối mùa thu

 

Sắc lá phong rực vàng lên lần cuối

Trái mùa thu chín vội trước khi xa

Không đề

Tuy nhiên, như con sóng ngầm nơi biển cả vẫn tạo ra âm điệu thâm trầm mà mãnh liệt, thơ Xuân Quỳnh vẫn có giọng khát vọng tin tưởng mãnh liệt như chủ âm.

Là người yêu hết mình, Xuân Quỳnh luôn khát vọng một tình yêu lý tưởng.

Thuyền và biển, Sóng là những hình tượng thật đẹp trong khát vọng cháy bỏng của tình yêu.

Nhà thơ đưa ra một định nghĩa bình dị mà sâu sắc về tình yêu hoà hợp tạo nên hạnh phúc bền chặt, thuỷ chung. Biển và thuyền gắn bó với nhau trong môt  tình cảm hữu cơ:

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau – rạn vỡ

Tình yêu lý tưởng là sự hoà nhập vào nhau trong cái vĩnh hằng của vũ trụ nhân sinh: “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ” như ước nguyện của cả sóng và biển.

Lo âu cho bất trắc, thậm chí có thoáng nghi ngờ nào đó. Mùa hoa roi: “Đốt lòng em câu hỏi/  “Yêu em nhiều không anh?”. Và Hoa cỏ may dám can đảm thắc mắc: “Lòng yêu mỏng manh như màn khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?”.

Tuy nhiên, vượt lên tất cả vẫn là niềm tin bền chặt của tình yêu bằng vào sự cảm nhận được đền đáp, che chở thực sự, tôn trọng, chân thành rất mực của một tình yêu trần thế. Đó là chuyện thường nhật như trong cuộc đời, như chính cuộc đời. Tình yêu Lại bắt đầu như “mặt trời hiển hiện” chiếu sáng và toả ấm hạnh phúc!

Mối tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ là của đôi tình nhân, hai vợ chồng lý tưởng, từng được ca ngợi, và sẽ còn là một bài thơ tình tuyệt đẹp gửi lại: Thơ tình cho bạn trẻ. Lưu Quang Vũ đã tìm được “một nửa của mình” ơ nơi bến đỗ mới. Xuân Quỳnh cũng tìm ra được tình yêu chân chính, định mệnh của đời mình:

Trong cơn khát cháy lòng

Bỗng tìm ra nguồn nước

Mùi hương không hẹn trước

Tình yêu đến bất ngờ

         Bao giờ hoa ngâu nở

Ngôn ngữ thơ của Xuân Quỳnh cũng tinh khéo, và thích ứng với giọng điệu như một sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ.

ôôô

Vượt lên các nhà thơ nữ cùng thế hệ, Xuân Quỳnh như một nữ sĩ về tình yêu ở đẳng cấp cao.

Trong địa hạt thơ tình, đó là một ngôi sao.

Mạn phép vong linh người quá cố, xin được tôn vinh trong thế giới thơ tình, nếu Xuân Hương là Bà chúa, Xuân Diệu là Ông hoàng thì Xuân Quỳnh xứng đáng là Ngôi Hậu./.

 

CHÚ THÍCH

(*) PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Quỳnh An (2013), Xuân Quỳnh, nhà thơ của tình yêu, http://thanhnien.vn

[2]   Nguyễn Thị Minh Thái (2016), Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: cõi tình màu hoàng hoa, http://news.zing.vn19/8/2016.

[3]   Nguyễn Thị Minh Thái (2016), Xuân Quỳnh – giọng thơ tình ám ảnh, http://baomoi.com29/8/2016.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020