Nghiên cứu khoa học

THƠ LƯU QUANG VŨ: ĐÔI ĐIỀU VỀ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT


12-10-2020
Tác giả: PGS. TS Đoàn Trọng Huy

Đã có nhiều công trình về thi pháp học xác định khái niệm về quan niệm nghệ thuật của các nhà lý luận văn học, như Trần Đình Sử, Huỳnh Như Phương,… Từ điển thuật ngữ văn học của nhiều tác giả cũng đã định nghĩa khái niệm này.

 

Đã có nhiều công trình về thi pháp học xác định khái niệm về quan niệm nghệ thuật của các nhà lý luận văn học, như Trần Đình Sử, Huỳnh Như Phương,…

Từ điển thuật ngữ văn học của nhiều tác giả cũng đã định nghĩa khái niệm này.

Đây là một khái niệm cơ bản để tìm hiểu và phân tích thế giới nghệ thuật nhà văn, có ý nghĩa như khái niệm công cụ của các thể loại văn học.

I/ VỀ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT

Trần Đình Sử định nghĩa: “… quan niệm nghệ thuật là cách cắt nghĩa, lý giải hiện thực của người nghệ sĩ.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “quan niệm nghệ thuật là hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống, là hệ quy chiếu ẩn chìm trong hình thức nghệ thuật, và gắn liền với các phạm trù phương pháp sáng tác, phong cách nghệ thuật và làm thành thước đo của hình thức văn học và cơ sở của tư duy nghệ thuật”.

Huỳnh Như Phương cho rằng: “quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người thể hiện tầm nhìn của nhà văn và chiều sâu triết lý của tác phẩm”, “thế giới và con người bao giờ cũng là thế giới và con người được quan niệm”.

Trong đó, quan niệm nghệ thuật và con người, theo Nguyễn Văn Nam, là một phạm trù nền tảng của mọi định hướng sáng tạo.

Từ khái niệm cơ bản đó, bài viết này chỉ xin đi vào hai vấn đề cơ bản: quan niệm thơ và quan niệm về con người trong thơ Lưu Quang Vũ.

 

II/ QUAN NIỆM THƠ

Các nhà thơ lớn thời đại cách mạng đã có những danh ngôn về thơ, như Hồ Chí Minh, Sóng Hồng,…

Nhà thơ lớn Chế Lan Viên cũng một đời Nghĩ về thơ, nghĩ về nghề, nghĩ… và qua đó có những phát biểu về quan niệm thơ.

Quan niệm nghệ thuật của Lưu Quang Vũ được thể hiện trong thơ, bằng thơ và về thơ là chủ yếu.

Cái tôi chủ thể trữ tình hiện lên rõ rệt trong thơ với những danh xưng tôi, và rộng ra là lòng tôi, đời thơ. Khá nhiều câu thơ thuộc kiểu này: “Lên ghềnh đá chênh vênh tôi viết”, “Trên bãi bể của thời gian tôi viết”,…

Thực ra, quan niệm thơ của Lưu Quang Vũ nằm trong hành trình thơ, cũng là biểu hiện của tư tưởng nghệ thuật của nhà thơ.

Ở chặng đường còn rất trẻ với niềm say mê lý tưởng cách mạng mãnh liệt, quan niệm thơ còn nhiều mơ mộng, bay bổng, giàu sắc thái lãng mạn, hào hùng. Nhưng với sự thật của chiến tranh, những sự tàn khốc, ác liệt, và đồng thời là những hiện thực đời sống gay cấn, dữ dội với bao dằn vặt, xót xa cũng hiện ra trong đời, trong thơ. Anh dũng và đau thương, vui sướng với đắng cay,… những đối nghịch đồng thời này diễn ra trong phức tạp. Con mắt nhìn đời ngày càng thật hơn, và nhìn thơ cũng có độ chính xác cao hơn.

Quan niệm thơ của Lưu Quang Vũ không hoàn toàn mới lạ. Vẫn là những mục tiêu chân – thiện – mỹ như lý tưởng trong nghệ thuật.

Về đại thể vẫn kế thừa ý hay, lời đẹp của truyền thống và thêm ý tưởng diễn ngôn cách mạng. Chỉ có điều, chúng được phát ngôn một cách độc đáo, và phát huy được những khía cạnh mới, có ý nghĩa sáng tạo. Đây không hẳn thiên về “nghĩ về nghề”, mà là nghĩ về thơ và về nhà thơ.

Nổi bật là mấy ý tưởng lớn như cốt lõi quan niệm.

v “Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa”

Lưu Quang Vũ chẳng khác nào là người thắp lửa sáng tạo cho đời và cho nghệ thuật. Đó là ngọn lửa của ý chí chiến đấu, cũng là ngọn lửa của trái tim yêu đời.

Đặc biệt là lửa tình yêu:

Anh vẫn nhen một ngọn lửa âm thầm

Hình bóng em chập chờn trong lửa ấy

Ngọn lửa tình yêu kỳ diệu đã sưởi ấm tâm hồn cô đơn, buồn tủi, cũng là ngọn lửa tái sinh cuộc đời và thơ.

Lung linh và chói sáng là ngọn lửa sáng tạo của cuộc đời mang tính chiến đấu và xây dựng mãnh liệt.

Thơ phải có ích là châm ngôn phổ biến từ lâu. Thơ phải chiến đấu cũng là khẩu hiệu truyền tải của các thế hệ cách mạng.

Ý tưởng mới sắc sảo của nhà thơ trẻ là ở đoạn thơ rất tỉnh thức sau đây:

Thơ không phải là chứng minh

Không phải hào quang phản chiếu của tấm gương

Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa

Thơ sinh sự với cuộc đời, không cho ai dừng bước cả

Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều

                           Nói với mình và các bạn

Vậy là, thơ tích cực phải  thắp lửa và  sinh sự với cuộc đời”. Có nghĩa là phải đặt vấn đề và  góp phần giải quyết nó, phải phản biện và kiến tạo một xã hội luôn đởi mới. Tất cả vì tiến bộ xã hội.

v Thơ là “ô cửa mở tới tình yêu”

Điều kiện để thắp lửa là những điều đã được lưu truyền từ đại thi hào của dân tộc Nguyễn Du.

“Để thơ anh mang lửa đến cho đời” thì đã có công thức, cũng như phương pháp kinh điển: “Trên chữ tài, chữ tâm là phải lớn”. Đó là bản lĩnh, nhân cách nghệ sĩ biết đau với cái cảm thức nhân quần xã hội, tức “Đau nỗi đau của mỗi trái tim người”.

Thơ gắn kết cả thế giới và nhân loại bằng tình yêu.

Thơ ca chân chính là những nhịp cầu gắn kết, dẫn dắt những tâm hồn đến với tâm hồn, những trái tim đến với trái tim. Tố Hữu quan niệm thơ là một “điệu tâm hồn đi tìm đến những điệu tâm hồn”, có nghĩa là con người chia sẻ với nhau mọi vui, buồn, niềm tin, ước vọng.

Con người có nhu cầu giao tiếp, giao cảm. Tiếng nói cá nhân có ý nghĩa tích cực, có hiệu quả truyền cảm, có thể lay động hồn người: “Lời nói riêng mà thấu triệu tâm hồn”.

Thi sĩ, chứ không phải ai khác, bằng thơ ca sáng tạo, sẽ làm chức năng mở cửa một cách mạnh mẽ: “Mỗi bài thơ của chúng ta phải như một ô cửa mở tới tình yêu” (Liên tưởng tháng hai). Tình yêu ấy chính là lý tưởng nhân văn cao cả và cách mạng của thời đại mới.

v “Thơ để sống với đời thường, và sống cùng giấc mơ phía trước”.

Trong bài thơ vừa đối thoại, vừa độc thoại – Nói với mình và các bạn, Lưu Quang Vũ đã viết như vậy, như một cách tuyên ngôn.

Từ lâu, thơ xưa đã bám sát cuộc sống, và cũng cất cánh bay bổng. Đã có thời, thơ chạy theo chủ nghĩa lãng mạn, hoặc chủ nghĩa hiện thực.

Giờ đây, thơ của chúng ta là thơ hiện thực – lãng mạn, hay hiện thực “có cánh”, tức có sự kết hợp hài hoà cả hai phạm trù đó.

Có điều là, sau thời quen viết những “câu thơ trong trẻo”, thì hiện thực cuộc sống, giờ đây đã bắt ta phải làm những “câu thơ lửa cháy” – những câu thơ từ ngọn lửa cháy bỏng của cuộc sống phồn tạp và dữ dội trong lịch sử.

Hơn nhiều nhà thơ cùng thế hệ, cảm hứng sự thật ở Lưu Quang Vũ xuất hiện rất sớm trong thơ anh. Mặc dù, nhìn chung là viết theo khuynh hướng sử thi, nhưng nhà thơ trẻ đã biết hạn chế cái nhìn lý tưởng hoá, và sớm nhìn đời bằng con mắt hiện thực – hiện thực nghiêm nhặt

Giữa tàn bạo hư vô, giữa đấu tranh khốc liệt

Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật

Nhà thơ tôn cao sự thật tuyệt đối, thơ phải là “nhịp đập của trái tim trung thực”, là “không giấu che sự thật của mình”.

Gần với ý tưởng của nhà thơ lớn Chế Lan Viên, nhà thơ trẻ kêu gọi thơ: “Không hát say mà lay ta thức”, “Trước đau khổ của nhân dân, thơ không gian dối”.

Vậy là, thơ phải bắt rễ sâu vào cuộc sống đau thương, kể cả những xót xa, mất mát thời hậu chiến, dẫu có lúc phải chấp nhận nỗi cô đơn trong sáng tạo – “Trơ trọi trong lạnh lùng bóng tối”. Nhà thơ tự nhủ: “Phải thấy hết mọi điều để thắng nỗi hoài nghi”, và nuôi một niềm tin chắc chắn: “Nước lũ qua sẽ còn lại phù sa”. Tin rằng thơ sẽ “rộng dài cánh lớn”, cất cao, bay xa.

Tương lai nằm trong những khát vọng đẹp.

Lưu Quang Vũ khẳng định: “Thơ đưa tôi đến những bến bờ chưa tới được”. Nhà thơ luôn tạo ra những “giấc mơ phía trước” bằng tưởng tượng, bằng giả tưởng nữa. Ngoài ra, đó còn là niềm khát vọng xa xôi có phần kỳ ảo: “chắc ta không kịp tới”, “không thể nào tới được”. Nhưng chỉ điều ấy đã giúp nhà thơ cùng giục giã mọi người sống tốt nhất với hiện tại để vươn tới tương lai tươi đẹp.

“Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”.

Lưu Quang Vũ có quan niệm đẹp về thơ. Đó là phần lý tưởng hoá bay bổng của tâm hồn, và của cả cuộc đời. Là mây – là “mây trắng”  “như bông” nền trời xanh như ngọc.

Thơ cổ điển cũng từng ca ngợi cái đẹp của thơ.

Có người khen thơ như “gấm vóc” (Hoàng Đức Lương); lại có người coi thơ là châu, là ngọc – “Phun châu, nhả ngọc khoe tinh thần” (Nguyễn Đình Chiểu).

Mây trắng trong thơ Lưu Quang Vũ cũng là mây trắng hiện thực, bắt nguồn từ hiện thực có phần đắng cay trong cuộc sống và cuộc đời riêng: “Mây trắng của một đời cơ cực”. Nhưng, dù sao, “mây trắng” vẫn bay bổng.

Có thể nói, “mây trắng” là cái đẹp thăng hoa. Trong thơ, và nhất là trong đời nhà thơ trẻ. Tựa cho tập thơ cuộc đời chính là một hình ảnh ẩn dụ mỹ lệ như vượt lên tất cả:

Trên mái nhà, cao vút từng cây

Trên rừng cây, những đám mây xô dạt

Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng

Thơ tôi là mây trắng của đời tôi

                  Mây trắng của đời tôi

 

III/ QUAN NIỆM CON NGƯỜI QUA THƠ

Quan niệm nghệ thuật về con người là quan niệm gắn với cách cảm thụ và biểu hiện của chủ thể sáng tạo khi miêu tả con người. Quan niệm ấy thường thể hiện ở sự chọn lựa những loại hình, những dạng con người được miêu tả.

Sự thể hiện quan niệm về con người là khác nhau trong những thời kỳ khác nhau của lịch sử văn học.

Con người chiến sĩ – công dân là hình ảnh con người nổi bật, mà trước hết là trong thơ Lưu Quang Vũ.

Việc cầm súng, đứng vào hàng ngũ quân nhân là một hành động yêu nước, dũng cảm để thực hiện lý tưởng cao quý – “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Một cách tự nhiên, hình ảnh người lính trẻ, hay con người cầm súng hiện lên rõ nét như bức tự hoạ chân dung và phác thảo hình dáng bạn bè, đồng đội.

Trong thơ kháng chiến nói chung, và trong thơ Lưu Quang Vũ nói riêng, người lính bao giờ cũng là nhân vật trung tâm – là hình ảnh đẹp nhất của con người một thời. Lá bưởi lá chanh, Qua sông Thương, Phố huyện, Đêm hành quân, Trưa nay, Chuyện nhỏ bên sông, Chưa bao giờ, Thức với quê hương, Trên cầu Long Biên, Những chuyến bay... là những bài thơ như thế.

Vừa là nhà thơ, vừa là chiến sĩ, nhân vật trữ tình có tự sự thể hiện chân thật hiếm có:

Anh nghĩ gì trong đêm hành quân

Trên những chặng đường ra trận tuyến

Nguỵ trang reo như rừng gió chuyển

Bước chân đi cuồn cuộn đường dài...

Đường nào vui bằng đường ra trận tuyến

Nam Bắc lòng ta chung tiếng gọi mẹ hiền

Ta náo nức như sóng về sông biển

                  Đêm hành quân

Đó là thời của những đoàn quân, của những con đường đi chiến đấu đầy nô nức, mà Chính Hữu, Phạm Tiến Duật đã miêu tả. Con đường đẹp vì hào khí của lý tưởng đẹp.

Trong niềm tự hào mới, có cả khí phách truyền thống hoà quyện tinh thần của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Làm kẻ sinh sau giữa đời rộng mở/ Mang khối căm hờn ngày trước chưa tan/ Hờn căm mới lại chồng thêm nợ cũ/ Lửa cháy bom rơi... ta cầm súng lên đường” (Đêm hành quân).

Vút cao là khí thế thời đại cất cánh. Những chuyến bay đã thâu tóm khí phách tích tụ nghìn đời của các chiến sĩ không quân: “Cưỡi gió xé mây tiêu diệt Mỹ”.

Đường ra trận đẹp vì hồn người đẹp. Vẻ đẹp tinh thần người lính là mỹ cảm cao nhất của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Lòng ta đẹp như là đất nước”, “Người chiến đấu mang nụ cười đẹp nhất”.

Là con em của nhân dân, nhà thơ trẻ rất thấm thía tình cảm cộng đồng. Người lính trong thơ Lưu Quang Vũ chính là thể hiện cốt cách của người chiến sĩ – công dân. Cầm súng đi giữ nước là trách nhiệm công dân cao nhất, là lý tưởng cách mạng hiện thực nhất.

Con người ấy nặng lòng với đất nước, với nhân dân, trong đó có cả mái ấm gia đình.

Trên mỗi nước đường hành quân và chiến trận, bao giờ hình ảnh quê hương, làng xóm, phố thị cũng gắn bó máu thịt trong tâm hồn.

Quê hương là nỗi nhớ day dứt: “Đường quân đi trùng điệp tháng năm dài/ Nhớ quê hương thao thức một vườn xoài” (Mùa xoài chín). Quê hương còn là tình nghĩa: “Ta đi giữ nước yêu thương lắm/ Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình” (Gửi tới các anh).

Tình chung hài hoà trong tình riêng, sáng lên trong lý tưởng cách mạng mới, tạo nên vẻ đẹp tinh thần hoàn chỉnh của người chiến sĩ. Đó cũng chính là vẻ đẹp của con người thời đại.

Con người đời thường quy tụ tư tưởng, tình cảm của nhà thơ trẻ. Đó là một hệ quy chiếu tâm hồn đặc sắc, khi cá nhân đã gắn tập thể, một cá thể đã gắn bó với cộng đồng.

Lưu Quang Vũ có hứng thú quan sát những con người đời thường, bởi bản thân nhà thơ đã từng gắn bó, sẻ chia tình cảm hồn nhiên và sâu sắc.

Con người đời thường hay những con người bình dị đời thường chính là thành viên cụ thể của nhân dân thuộc đủ mọi tầng lớp, ở mọi lứa tuổi, có những nghề nghiệp hay công việc khác nhau. Như bác thợ giầy, chị thợ may, bác đưa thư, người thợ mộc, anh thợ điện, bà giáo về hưu, đội bốc vác,...

Không gian miêu tả thật gần gũi. Đó là những người cư ngụ ở Thôn  Chu Hưng, Phố huyện,... thậm chí tụ lại quanh “máy nước đầu ngõ”. Qua đó, ta cảm nhận cùng tác giả hơi thở cuộc sống chân thực, sinh động và cả những tâm hồn, tính cách với bao nỗi niềm, tình cảnh: “Ai cũng tựa hòn núi cao im lặng/ Giấu trong lòng bao thác cuộn suối trong”.

Mỗi con người là một hoàn cảnh, một số phận. Nhà thơ yêu mến, quý trọng và sẻ chia tâm tình. Đó cũng là một quan niệm thể hiện một triết lý nhân sinh, và qua đó nhất quán về niềm tin yêu cuộc sống và con người.

Với cảm hứng tình yêu mạnh mẽ khác thường trong cuộc đời riêng, hình ảnh con người tình duyên cũng nổi lên thật đặc sắc.

Trong đời, Lưu Quang Vũ đã từng yêu ba người đẹp, đều là các giai nhân – nghệ sĩ cả.

Con người tình duyên ấy hấp dẫn tâm hồn trẻ tức thời vì tố chất nghệ sĩ – đó đồng thời là con người tài năng – tài hoa. Chàng trai tìm thấy qua người con gái mới sự đồng cảm sâu sắc về nghệ thuật. Đó trước hết là sự gặp gỡ của hai tâm hồn giàu cảm hứng nghệ thuật.

Khi tìm được bến đỗ yên ổn trong cuộc đời, con người tình duyên trở thành nơi nương tựa, nơi lao động hạnh phúc.

Con người tình duyên trở thành con người hoà hợp thực sự cả về tâm hồn và tính cách.

Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh yêu nhau thắm thiết, bền chặt. Họ làm thơ về nhau và cho nhau. Thơ tình của cả hai nhà thơ là cuộc đối thoại tâm hồn thơ, Mối tình của họ đẹp như một bài thơ cuộc đời, vì họ đã sống một cuộc sống thơ.

Họ là tri âm, tri kỷ, đồng thời là ân nhân của nhau, đem lại hạnh phúc cho nhau.

Con người tình yêu trở thành con người tình duyên, con người duyên phận trong thơ tình Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Đây chính là một hình tượng đẹp, còn toả sáng mãi trong hồn người./.

 

CHÚ THÍCH

(*) PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Mai Bá Ấn (2018), Lưu Quang Vũ và những quan niệm thơ, Tạp chí Non nước số 247, 8/2018.

[2] Vũ Quần Phương (1988), Đọc thơ Lưu Quang Vũ – Thơ với lời bình, Giáo dục.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020