Nghiên cứu khoa học

NGUYỄN BÍNH – NGƯỜI THƠ, ĐỜI THƠ


12-10-2020
Tác giả: Đoàn Trọng Huy (*)

Nguyễn Bính là nhà thơ hiện đại, nổi tiếng từ thời Thơ mới, cũng là một thi sĩ giang hồ từng dạo khắp đó đây trên cả nước, lập nghiệp văn chương cả ở hai miền Nam – Bắc. Mang số phận long đong, Nguyễn Bính có một đời thơ cũng nhiều gian truân nhưng đã có thắng lợi vẻ vang.

 

Nguyễn Bính là nhà thơ hiện đại, nổi tiếng từ thời Thơ mới, cũng là một thi sĩ giang hồ từng dạo khắp đó đây trên cả nước, lập nghiệp văn chương cả ở hai miền Nam – Bắc. Mang số phận long đong, Nguyễn Bính có một đời thơ cũng nhiều gian truân nhưng đã có thắng lợi vẻ vang.

Cốt cách thi nhân giàu có, sáng tạo, Nguyễn Bính đã để lại cho đời một chân dung nghệ thuật thật sáng đẹp.

Cách đây vừa đã  100 năm, vào ngày 8/2/1918, cậu bé Nguyễn Trọng Bính (tên khai sinh của Nguyễn Bính) đã chào đời tại Thiên Vinh, Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, Nam Định. Thân sinh là ông đồ nho Nguyễn Đạo Bình – bậc hàn nho cuối mùa, lỡ vận. Ông dạy học tại quê nhà. Mới 3 tháng tuổi, Bích đã mồ côi mẹ. Cả ba anh em trai được người bà con nuôi giúp từ tấm bé.

Người anh cả Nguyễn Mạnh Phác được học hết bậc Thành chung, trở thành nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch Trúc Đường khá nổi tiếng đương thời. Ông góp phần chăm lo, dìu dắt người em có khiếu văn thơ để sớm nối gót mình, trở thành nhà thơ Nguyễn Bính danh tiếng cùng thời.

Nguyễn Bính chỉ học ở quê, đạt trình độ Tiểu học, vốn liếng chữ nghĩa thật quá khiêm tốn. Tuy nhiên, là người học trò thông minh, có chí, ham học, cậu tiếp thu được chút vốn Hán học từ người cha – ông đồ.

Ông anh đi dạy học ở Hà Đông đem theo em và bồi dưỡng thêm tiếng Pháp để có thể đọc được sách văn chương. Cũng giống như Tô Hoài, được Nam Cao bồi dưỡng Pháp văn để có thể đọc thẳng tiểu thuyết Pháp. Và tương tự như Chế Lan Viên – học chữ Hán ở bạn văn Quách Tấn để tiếp xúc với thơ Đường và kết cấu thơ theo Đường luật.

Có đầu óc thần đồng, Nguyễn Bính đã biết phát huy cái vốn văn hoá Đông – Tây quý giá đó. Để đến mức, trong cuộc rượu với nhóm bạn văn chương, mọi người đã phục tài người xứng đáng đạt giải nhất về dịch thơ chữ Hán tại chỗ nhanh nhất, hay nhất của Nguyễn Bính. Đó là một bài thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt của Lê Tràng Kiều đưa ra để thi dịch có thưởng:

1/ Hoàng mai thời thiết gia gia vũ/ Phương thảo trì đường cứ cứ oa/                               Hữu ước bất tai hoa dạ bán/ Nhàn sao kỳ tử dạ đăng hoa.

Nguyễn Bính dịch: Ao hồ tiếng ếch gần xa/ Cỏ thơm ngào ngạt ngoài nhà mưa rơi/ Nửa đêm cái hẹn sai rồi/ Quân cờ gỗ nhám làm rơi hoa đèn.

2/Nhất ấp xuân giao vạn lý tình/ Đoạn trường phương thảo đoạn trường oanh/ Nguyễn tương song lệ đồ vi vũ/ Minh nhật lưu quân bất xuất thành.

Nguyễn Bính dịch: Một chén tiễn đưa tình vạn lý/ Oanh buồn ủ rũ, cỏ buồn phai/ Mong đem lệ tướn thành mưa lớn/ Ngăn bước đường anh buổi sớm mai.

Cái chính là tinh thần ham học hỏi, muốn hiểu biết thật mạnh mẽ. Trong giao lưu với thi sĩ Đông Hồ, Mộng Tuyết tại Hà Tiên, Nguyễn Bính để lộ ra sự bất cập về Tam quốc chí diễn nghĩa nên không góp chuyện đượcVậy là, sau đó, nhà thơ tức tốc đi tìm bằng được sách để đọc. Tìm trong Vạn Vạn Quyển Lầu đọc ngấu nghiến mấy đêm liền, hết bộ truyện.

Hầu như Nguyễn Bính khai mở và thâu tóm được rất nhiều từ kho tàng văn học dân gian của cả các vùng miền đất nước. Đúng là nhà thơ đã đi từ ca dao, dân ca để rồi lại trở về với ca dao, dân ca trong sáng tác thơ ca. Thêm vào đó là kho tàng văn học bác học, tức là quán xuyến hai dòng văn học lớn cuả dân tộc trong quá khứ.

Theo đồn đại, Nguyễn Bính biết làm thơ từ 5, 6 tuổi, tức khi võ vẽ tiếng mẹ đẻ. Còn ghi trong sách vở là chuyện 13 tuổi đã đi phụ các liền anh, liền chị trong cuộc thách đố hát trống quân. Được giải nhất, mà là về một chủ đề rất người lớn: ái tình nam nữ, vợ chồng.

Cũng theo ký ức của bạn bè, thì Nguyễn Bính chủ bái phục,  nhất hạng là bậc “tổ sư” Nguyễn Du. Trong thực tế, nhà thơ thuộc làu làu Truyện Kiều với một sự đam mê hiếm có.

Theo Chu Văn, khi chuẩn bị cho số báo Tết 1966, Nguyễn Bính đã trình làng với ban biên tập bài  “tập Kiều” đặc biệt. Đó là bài lắp ghép toàn bộ 18 câu trong văn bản Truyện Kiều:

Kính tặng Nguyễn Du và Truyện Kiều

Cảo thơm lần giở trước đèn

Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa

Trăm năm trong cõi người ta

Một thiên tuyệt bút, gọi là để sau

Khen tài nhả ngọc phun châu

Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình

Mấy lời ký chú đinh ninh

Rằng tài nên trọng mà tình nên thương

Khen rằng, giá  đáng Thịnh Đường

Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai

Gẫm câu người ấy, báu này

Nghĩ ra ngậm đắng nuốt cay thế nào

Nặng vì chút nghĩa xưa sau

Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay

Thương vui bởi tại lòng này

Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời

Lòng thơ lai láng bồi hồi

Tưởng người nên lại thấy người về đây

Cái tài ở đây là góp nhặt từ những câu thơ trong tổng số 1354 câu để lắp ghép, tạo dựng nên một bài thơ hoàn chỉnh, đủ tình ý với một chủ đề tập trung: cuộc đời thơ tài hoa, lận đận của văn hào. Cả hội đồng duyệt bài số Tết cùng lặng đi vì bài thơ vận vào đời thơ Nguyễn Bính sát quá! Nhưng thơ vẫn đăng theo ý đã quyết của Nguyễn Bính như một lời tiên tri định mệnh.

Chu Văn đã nhận xét về tài chữ nghĩa của Nguyễn Bính: nhà thơ đã giàu có với vốn văn học dân gian vẫn như người đãi cát tìm vàng, luôn luôn đi tìm tòi, nhặt nhạnh, thu gom từng con chữ hay và đẹp trong cái biển ngôn ngữ mênh mông của người dân.

Sinh ra ở đất học, đất văn, đất thi thư – cái nôi của nhiều danh nhân xứ Bắc Hà, Nguyễn Bính hẳn có cái tự hào chính đáng để học hỏi, cầu tiến, nhất là có cái chí lập thân như bậc tiền nhân đã truyền lại: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ).

Anh em Nguyễn Bính đều là con nhà nòi văn chương. Anh cả Trúc Đường nổi tiếng trên văn đàn và kịch trường. Anh hai được giải Nhất truyện ngắn Tiểu thuyết thứ năm giữa thập niên 30.

Quan niệm sống và viết của Nguyễn Bính thể hiện qua tuyên ngôn giản dị: “Nhà ta chữ quý hơn vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang trên đời” (Nhà tôi).

Có bộ óc như một radar có dàn antenna cực kỳ nhạy bén, Nguyễn Bính đã thu góp được đủ loại kiến thức như tinh hoa văn hoá để làm nên trí tuệ của bản thân. Sức đọc chưa chắc ghê gớm, nhưng sức hấp thu là tối đa. Điều quan trọng là, học một biết mười, biết biến hoá, sáng tạo. Âm thầm học hỏi, tích luỹ và vận dụng linh hoạt kịp thời. Những cuộc giao đãi ứng khẩu thành thơ đã chứng tỏ một tài năng thực sự dị biệt – đã biến tiềm năng thành khả năng thực tế có hiệu quả.

Hồi ở Nam Bộ, Nguyễn Bính có qua một lớp huấn luyện sáng tác ngắn ngày, nhưng từ lâu đã là một người viết có nghề: viết báo, viết văn, làm thơ. Nghề viết là một loại nghề rất công phu nếu thực sự muốn trở thành một danh tài.

Cái vốn lớn nhất có tính quyết định ở đâu, và bao giờ cũng là vốn sống. Trường đại học cuộc đời đã tạo nên một tài năng Nguyễn Bính như sự tổng hợp tài tình của trải nghiệm và tri thức, của sách vở và thực tiễn.

Sự trải nghiệm của bản thân thật vô giá. Đó là hiện thực cuộc đời qua hai chế độ, là cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng hoà bình buổi đầu. Đó cũng là trường văn trận bút, từng có thời nảy lửa trong tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật – Nghệ thuật vị nhân sinh, và qua cả cuộc đấu tranh tư tưởng lớn trong văn nghệ thời Nhân văn – Giai phẩm.

Cuộc đời cầm bút của Nguyễn Bính có thể tính từ tác phẩm đầu tiên được đăng báo Mưa xuân (1936) đến bài thơ cuối cùng được in vào số Tết Bính Ngọ, 1966 ngay sau khi nhà thơ mất. Như vậy, tổng cộng khoảng ngót nghét 30 năm, cũng là con số đáng kể so với tuổi đời.

Nhìn chung cả đời sống và đời viết đều long đong, lận đận trong một cuộc phiêu du hàng chục năm.

Bắt đầu cầm bút, nhà văn đã từng đi đây đi đó: các tỉnh đồng bằng, trung du, và cả thượng du. Một số bài thơ có ghi rõ địa điểm sáng tác: Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn,...

Nguyễn Bính từng qua Huế. Ở miền Nam, nhà thơ cũng đi được nhiều nơi, nhất là những vùng nổi tiếng như đồng bằng sông Cửu Long, các miệt vườn, cánh rừng miền Đông, các tỉnh thành phố lớn như đô thành Sài Gòn và vùng biển Tây như Rạch Giá, Hà Tiên,...

Sẽ rất thú vị nếu ta lập được một bản đồ in dấu chân nhà thơ. Kể về thú đi và viết thời ấy, Nguyễn Bính còn là hạng “đàn em” so với Nguyễn Tuân “có gen giang hồ” và “mắc bệnh xê dịch”.

Do mời mọc, chèo kéo của Hoàng Tấn (Hồ Tăng Ấn), Nguyễn Bính vào Sài Gòn và đã có bài thơ đầu tiên đăng trên báo năm Sài Gòn 1943. Từ đó, ông ở lại rồi tham gia Việt Minh và Văn hoá Cứu quốc. Nhà thơ đã có mặt cùng nhân dân ngày Tổng khởi nghĩa, sau đó tham gia kháng chiến, hoạt động văn hoá, văn nghệ. Sau 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, tham gia công tác ở Hội Nhà văn, Ty văn hoá Nam Hà và đột ngột ra đi vào tháng 1/1966.

Nguyễn Bính đã sớm được đổi đời, đổi thơ. Từ một thi sĩ lãng tử, ông sớm trở thành nhà văn – nghệ sĩ như một chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hoá.

Nguyễn Bính đã để lại một di sản văn hoá khá đồ sộ so với tuổi đời và thâm niên sáng tác. Gần đây nhất, tác phẩm Nguyễn Bính toàn tập đã được công bố (Hội Nhà văn, 2012).

Từ quan niệm căn cứ vào văn – vì văn là người, ta có thể hình dung được con người Nguyễn Bính. Nhất là trong đó có một số sáng tác có yếu tố tự truyện – Nhà tôi, Gửi người vợ miền Nam, Nhớ lấy tên con nhé,...

Không có hồi ký của nhà thơ, mà chỉ có các mảng ký ức của bạn bè, đồng nghiệp. Từ đó, ta có thể thấy được khá đầy đủ, rõ ràng và chính xác con người cùng với chân dung nghệ thuật của Nguyễn Bính. Rất quý là có những tư liệu của bạn bè tri kỷ (Hoàng Tấn, Phạm Tường Hạnh,...) và tài liệu do chính con gái Nguyễn Bính Hồng Cầu sưu tầm và công bố.

 

Từ bé, Nguyễn Bính đã cùng mấy ông anh họ đi chơi hội là đi lượn lờ bên các cô gái tuổi mơ mộng để  làm thơ trêu chọc. Đó là đám thiếu niên sớm có máu huê tình.

Nguyễn Bính đa sầu, đa cảm và đa tình. Từ đó là con người đa đoan trong tính cách và số phận.

Hầu như tình ái là một cảm xúc chủ đạo trong đời người, đời thơ. Các tập thơ đầu đời đều bắt nguồn từ cảm hứng yêu đương một cô gái nào đó. Tâm hồn tôi là tình trộm nhớ thầm yêu cô Oanh sông Nhuệ. Hương cố nhân là tình yêu với nữ sĩ nổi tiếng Anh Thơ. Em gái Nguyễn Đình Lạp là hình ảnh Người con gái ở lầu hoa. Kỷ niệm đau buồn ở Huế làm nên Oan nghiệt.

Trong cuộc đời lang bạt xa xứ, ông đã nên duyên và qua bốn đời chăn gối, có giá thú hoặc không, để lại bốn người con trong cảnh người cha biệt xứ. Từ đó, cũng là hình ảnh người vợ, người mẹ trong tập thơ nổi tiếng Gửi người vợ miền Nam khi nhà thơ đã tập kết ra Bắc. Vậy mà khi ông mất, thật xót xa là không một ai thân thiết ở bên.

Con gái nhà thơ, Nguyễn Bính Hồng Cầu nói: “Hồi như tôi giận ba tôi lắm. Nhưng lớn lên tìm hiểu, tôi mới vỡ lẽ. Đời ba tôi nhiều bất hạnh. Ông cứ đi tìm cái bóng của hạnh phúc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vào đêm giao thừa năm 1966.

Thực ra, người có thể là tri kỷ là người vợ đầu – bà Hồng Châu. Nhưng cuộc sống hai người là cách chia Nam – Bắc. Các con cũng lớn lên mới biết rõ tấm lòng của người cha biệt xứ”.

Nguyễn Bính kết thân với nhiều bè bạn văn thơ cả trong Nam, ngoài Bắc. Chân dung nhà thơ ngoài đời hiện lên qua những con mắt và cái nhìn gần gũi, chân thực và thân thương.

Trước hết, đó là con người bình dị, thuần phác dáng vẻ “chân quê”.

Tô Hoài kể: “Con người anh trông lôm lam lắm. Tay chân thô nhám quềnh quàng, lúc nào cũng lừ đừ, thủng thỉnh, như “ông từ vào đền”, như người thong thả đi giữa làng. Lại lam lũ như người lướt mướt từ đồng sâu mặn lên, dù anh đương mặc áo chững chạc trên đường phố. Khi nào anh cũng là người của các xứ đồng, của cái diều bay, của dàn hoa lý, của mưa thưa, mưa bụi giữa mọi công việc làm ăn vất vả sương nắng”.

Nhà thơ là con người giàu đam mê hơn nghị lực, tức giàu mơ mộng hơn thực tế, thường lãng mạn đến mức như ảo tưởng.

Nguyễn Bính đã từng làm chuyến đi xuyên Việt do anh trai Trúc Đường trợ giúp ít tiền ăn đường. Đi để tìm đề tài làm thơ. Từ đó, ông được mệnh danh là thi sĩ giang hồ lãng tử, cũng là người phiêu du, phiêu bồng có hạng.

Vào thời ấy – đầu những năm 40, nổi tiếng nhất là Nguyễn Tuân với “máu xê dịch”. Rồi Tô Hoài, Vũ Trọng Can cùng Nguyễn Bính cũng phiêu du Nam tiến đầy mạo hiểm.

Nguyễn Bính vốn đã đi theo anh đi đó đây, giờ như chim sổ lồng, bay nhảy khắp nơi.

Đi đến đâu kết bạn và tá túc ở đó. Với Đông Hồ, Kiên Giang,... và viết Hành phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ độ về đây:

Từ độ về đây sống rất nghèo

Bạn bè chỉ có gió trăng theo

Những thằng bất nghĩa xin đừng đến

                                    Hãy để thềm ta xanh sắc rêu                                         Từ độ về đây, 1943.

Đi để tìm tình, tìm nghĩa với triết lý: “Sống là sống để mà đi/ Chuyến tàu tình nghĩa, chuyến xe nhân tình”. Đi vào nhân sinh để tìm nhân ái!

Có vẻ như Nguyễn Bính là con người sống thiên về tình cảm. Nói đúng ra đó là con người tình nghĩa, và lại là tình sâu nghĩa nặng.

Nguyễn Bính là con người sống vừa “phân thân” với “nhập thân”.

Nhà thơ lãng tử lưu lạc vào Nam, gắn bó máu thịt với miền Nam, từng có gia đình ở miền Nam. Vì vậy, ông tham gia vào kháng chiến một cách tự nhiên với Miền Nam – nửa đất nước như quê hương thân thiết máu thịt của mình. Nhà thơ viết như chính người trong cuộc, như người của địa phương, vùng miền. Chất lượng tác phẩm, vì vậy, có nét đặc sắc khác hẳn những nhà thơ quê Nam, lúc đó hiện ở miền Bắc, chỉ có thể tưởng vọng về Phía mẹ, phía quê nhà như Tố Hữu, hoặc sẻ chia Hai nửa yêu  thương như Tế Hanh.

Khi ra miền Bắc, thực chất là hồi hương, hồi cố hương, cũng vẫn có cái da diết, xót xa chân thành nhớ về miền Nam, nơi quê hương thứ 2 có bao nhiêu người thân thương như vợ con và bè bạn, đồng chí, đồng bào. Tâm trạng đó rất  hiện thực, sinh động qua những cảnh  “ ngày Bắc, đêm Nam”, một sự tưởng vọng cũng rất máu thịt.

Điều đó cắt nghĩa ý thức cách mạng mạnh mẽ thường trực ở nhà thơ – chiến sĩ. Nguyễn Bính thừa nhận cái riêng – chung của hồn thơ cách mạng luôn luôn có sự đan xen, giao hoà hữu cơ trong tâm trí nhà thơ.

Và qua đó, cũng là sự cảm thông sâu sắc, hoà đồng với bạn bè văn nghệ sĩ trong những ngày đất nước tạm thời bị cắt chia. Cảm xúc trong những vần thơ nhớ Bác và lòng kính yêu, ngưỡng vọng lãnh tụ qua Thư gửi cho Cha như có sự đồng điệu kỳ lạ với Gửi lòng con đến cùng Cha của Thu Bồn.

Hai thi sĩ cùng Hành phương Nam tưởng vọng về miền Bắc. Nguyễn Bính viết: “Bác ngoài kia khuya sớm vọng về Nam”. Trong khi Thu Bồn làm thơ: “Bác nằm lòng trải ven đê/ Quả tim khuya sớm đi về miền Nam”.

Một sự đồng cảm từ đáy sâu tâm hồn đã gắn kết Nguyễn Bính với một thế hệ đương thời – từ Đông Hồ, Mộng Tuyết tận Hà Tiên rồi văn nghệ sĩ kháng chiến khắp bưng biền như Huỳnh Văn Nghệ - thi tướng rừng xanh - ở miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng” cũng như văn nhân thi sĩ cùng chí hướng:

Người giam chí lớn vào cơm áo

Ta trí châu vào nợ nước mây

                  Hành phương Nam

Nguyễn Bính là hình ảnh thi nhân, “là một biểu tượng nhà thơ của đất nước thống nhất. Thơ ông, vì vậy, đã làm cháy sáng thiết tha tình cảm ấy trong không chỉ một thế hệ cầm súng” (Ngô Thảo, Nguyễn Bính – Người chân đất đi vào tương lai).

Tình yêu thơ, yêu đời, yêu người bao trùm, tạo nên sức mạnh tâm hồn trong cả một thế hệ văn nhân, thi sĩ cách mạng:

Ở chòi hẹp nhưng hồn trùm vũ trụ

Trái tim đau nhưng thương cả loài người

“Họ là đất họ vui lòng làm đất/ Để đắp xây nền độc lập lâu dài. Họ là ai? Là người của ngày mai!” (Người của Ngày mai).

Nguyễn Bính đã để lại dấu ấn một thời tại miền Nam kháng chiến với những tình cảm đồng bào, đồng chí.

Phạm Tường Hạnh thân thiết như theo sát bước đi từ ngõ ngách thôn xóm đến chiến trường của nhà thơ nêu rõ  cảm tình với con người nhập thân thực sự vào cuộc sống chiến đấu sôi động của quân dân Nam Bộ: “Đặc biệt, tấm lòng đồng bào Nam Bộ mến yêu nhà thơ với một niềm trân trọng. Ai đã nghe đọc thơ Nguyễn Bính, có khi gặp nhà thơ trong chiến khu với đầu trần, chân đất, có khi nằm rừng qua đêm. Có khi gặp nhà thơ ngồi trước mặt đó , sảng khoái đọc thơ, làm thơ, kể chuyện vui và cười ha hả trong một cái chòi giữa đồng trống mênh mông mùa nước nổi thì không bao giờ quên”. Ấy là sự nhập tâm  thơ, nhập hồn thơ thi sĩ : “Người Nam Bộ kháng chiến nhớ thơ Nguyễn Bính trong lời thơ mộc mạc, đậm tình. Mấy mươi năm sau, ngồi kêu ấm trà bốc khói còn nhắc bài trường ca Đồng Tháp Mười, trường ca Những dòng tâm huyết, trường ca Hương,...”.

Trúc Chi trong bài viết trên đây – Phạm Tường Hạnh với những trang văn thấm đẫm hồn thơ Nguyễn Bính (http://sggp.org.vn, 31/3/2013) – kết luận: “Nhà thơ Ca Lê Hiến, nhà thơ Nguyễn Bính với ngòi bút của Phạm Tường Hạnh vẽ thêm sắc đậm một gam màu mới trên bức chân dung – chân dung một thi sĩ cách mạng”.

Nguyễn Bính là một trái tim yêu thương lớn.

Căn cốt tâm hồn là nhân hậu,có tình yêu con người tha thiết.

Tình yêu lớn ấy bắt nguồn từ tình riêng – tình gia đình. Mở rộng ra một chút, là tình yêu làng xóm, quê hương, bản quán. Rồi từ núi Côi, sông Vị mà lan toả khắp mọi vùng miền đất nước – vùng ngược, vùng xuôi, từ đỉnh núi Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau. Đó là lòng yêu nước hồn nhiên, mà sâu đằm theo bước chân, cũng là những nẻo tâm hồn thi sĩ.

Tình riêng đầy éo le, uẩn khúc, nhưng vẫn là máu thịt tâm hồn. Nhà thơ chi chút hạnh phúc trong sự mất mát lớn.

Qua đó cũng là niềm tự hào thầm kín về tình cảm thuỷ chung, và lời dặn dò, nhắn gửi, ước mong chân tình đầy lạc quan.

Tha hương, biệt xứ, nhà thơ luôn khắc khoải tưởng nhớ mẹ cha. Nhà tôi là một niềm tự hào lớn về gia đình, và cả dòng dõi họ tộc. Thư gửi thầy, mẹ; Trở về quê cũ lại là nỗi niềm bùi ngùi đầy xúc động với gia đình, và cả với quê hương.

Lòng nhân ái như bản tính cũng được bồi đắp khi nhà thơ dấn thân vào cuộc sống, đến với nhân dân qua thời kỳ ở cả hai miền.

Người bình dân, người lao động với những số phận, thực tế cuộc đời đập vào mắt, động vào tim nhà thơ. Những vần thơ cảm thương thấm đẫm qua những phận người. Từ con người duyên phận xưa kia, mà điển hình nhất là Lỡ bước sang ngang đến con người số phận ngày hôm nay là cả một cảm nhận mới.

Con người được trân trọng, tin tưởng hơn rất nhiều qua sự nghiệp chiến tranh cách mạng. Tình yêu con người mới phát triển với chủ nghĩa yêu nước anh hùng, toả sáng trên những trang viết trong suốt 20 năm (1946 – 1966) từ dấu mốc Tập thơ yêu nước (1946) đến Bài thơ quê hương (1966) là cả một chặng đường phát triển của tình yêu lớn trong thời đại mới cách mạng.

Điều đó được xác nhận qua dư luận xã hội, qua những tác phẩm đỉnh cao được giải thưởng cao quý: Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long 1950 – 1951, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật năm 2000.

Nhưng, trước hết là được xác định và công nhận ngay trong lòng những người thân thiết nhất qua trả lời phỏng vấn, tự thuật:

Bà Hồng Châu, người vợ tri kỷ tâm sự: “Tôi hiểu anh Bính, anh ấy rất lãng mạn, lãng tử nhưng rất có lòng nhân. Anh ấy là người tốt, thương người và chịu trách nhiệm cho những gì mình làm”.

Nguyễn Bính Hồng Cầu cũng chia sẻ khi đi sâu vào lòng người: “... Tôi lại nghe trong lòng dân là chuyện Nguyễn Bính dạy dân làm người. Ông ra đi vẫn để lại trong lòng bao người những bài học về nhân cách”.

Người qua văn, văn là người ở phần căn cốt nhất. Vậy là từ con người, và trang viết đều nhất quán toả sáng một nhân cách đẹp: Nguyễn Bính – nhà nhân văn chủ nghĩa.

Con người ấy cũng là con người có chí lớn qua thực tiễn hoạt động ở cả hai miền trong thử thách cam go của cuộc chiến tranh cách mạng đã thể hiện một chí khí mạnh mẽ.

Hình như người tráng sĩ tài hoa (cũng là sĩ phu) Bắc Hà khi Hành phương Nam mới thực sự trở thành tráng sĩ nghĩa hiệp qua sự tôi luyện trong máu lửa của cuộc chiến tranh giữ nước.

Tuy nhiên, quán xuyến một đời trước sau vẫn là một nhà thơ cách mạng kiên cường, quả cảm!

Thanh thép ấy đã được tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh, đã tỏ ra vững vàng, rắn chắc trước những va đập của cuộc đời. Mặc dù vẫn mang phong thái như được vinh danh là “nghệ sĩ – chiến binh”. Hay như một phong tặng cũng rất danh giá của bạn văn: Nguyễn Bính – người chân đất đi  tới tương lai.

Nhà văn – chiến sĩ ấy đã hành quân không ngưng nghỉ trong một đời – Qua trận mạc và qua cả trường văn và trận bút. Kể cả từ trước và sau 1945, nhưng rõ nhất là từ sau cái mốc lịch sử Cách mạng Tháng 8 của dân tộc.

Kiên cường, mạnh dạn, táo bạo trong những cuộc dấn thân vào Nam, ra Bắc, đắm mình vào hiện thực cuộc sống ở hai “nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao” của đất nước một thời.

Đặc biệt là thời ở chiến trường miền Nam, theo chân lực lượng vũ trang đi chiến dịch, tham dự các trận đánh và rành rẽ mọi chiến dịch chiến thắng lớn. Rồi hoạt động văn nghệ - văn hoá các vùng miền, kể cả nơi có chiến sự: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Nguyễn Bính đã nếm trải và thể hiện đặc sắc trên nhiều trang viết cuộc thử thách quyết liệt một thời ấy.

Nhà thơ rất quyết liệt với bản thân mình về sinh mệnh chính trị đã được trả giá 1000 bạc Đông Dương nếu thuận chiêu hồi đi theo giặc. Con người nghĩa khí, sống bằng sinh hoạt phí ít ỏi, và cả trợ giúp của bạn bè, nghĩa là sống bằng đồng tiền sạch, tuyệt nhiên không bao giờ phản bội phẩm giá người công dân – chiến sĩ chân chính.

Kiên cường, mạnh dạn, và cũng rất táo bạo trong sự nghiệp cầm bút một đời nữa. Thời xưa, viết về con người oan trái, đau khổ, sau này viết về con người giải phóng, lúc nào ông cũng tự hào về tư thế tự do – tự do sống và tự do sáng tạo nghệ thuật.

 

Nguyễn Bính là một nhân cách đẹp, một hồn thơ đằm thắm. Nhà thơ công chúng ấy đã đi vào lòng người – từ chính khách bậc nhất – Bí thư Xứ uỷ, sau là Tổng Bí thư Đảng Lê Duẩn đến cô lái đò quê hương – Trần Thị Thoa. Và còn bao con người vô danh khác: bà má miền Nam, bác nông dân đồng bằng duyên hải,...

Thơ Nguyễn Bính, vì vậy, cũng sống mãi trong ký ức vĩnh cửu của lịch sử văn chương đất Việt./.

CHÚ THÍCH

(*) PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đặng Nguyệt Anh (2017), Một Nguyễn Bính ngoài Nguyễn Bính chân quê, http://toquoc.vn

[2] Nguyễn Bính (1986), Nguyễn Bính tuyển tập, Văn học.

[3] Hà Minh Đức (1964), Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê, Văn học.

[4] Hà Đình Nguyên – Trần Đình Thu (2011), Nguyễn Bính – thi sĩ giang hồ, Thanh niên.

[5] Phạm Trường Hạnh (1994), Giọt mật cho đời (Hồi ký), Văn hoá – Thông tin.

[6] Tô Hoài (1992), Cát bụi chân ai, Hội Nhà văn.

[7] Thảo Linh (2000), Nguyễn Bính – nhà thơ của chân quê, Văn hoá – Thông tin.

[8] Hoàng Tấn ( ), Nhớ về rừng U Minh.

[9] Nguyễn Thị Minh Thái (2018), Nguyễn Bính và Em, http://antgct.cand.com.vn

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020