Nghiên cứu khoa học

THU BỒN – MỘT NHÀ THƠ “TRÁNG SĨ” TIÊU BIỂU


12-10-2020
Tác giả: Đoàn Trọng Huy (*)

Thu Bồn là một tấm gương sáng của người tự nguyện dấn thân cầm súng và cầm bút, là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của thế hệ các nhà văn chống Mỹ.

Thu Bồn là một tấm gương sáng của người tự nguyện dấn thân cầm súng và cầm bút, là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của thế hệ các nhà văn chống Mỹ.

Một tài năng có đóng góp lớn đặc biệt cho mảng văn học chiến tranh nhân dân vinh dự được Giải thưởng văn học Nhà nước từ năm 2001 như vậy đã đi vào lòng bạn trong nhiều thế hệ. Chính vì lẽ căn bản ấy dư luận của văn đàn và công chúng chân chính đã giúp nhà thơ vượt được sự đắn đo cân nhắc rắc rối để có thể đàng hoàng đón nhận giải thưởng văn học quốc gia cao quý nhất.

Lễ tưởng niệm Thu Bồn nhân dịp được tặng Giải thường Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật được diễn ra vừa mới đây (6/2017) là một sự kiện quan trọng tại Quảng Nam, quê hương nhà văn.

THU BỒN – NÉT PHÁC THẢO CUỘC ĐỜI VÀ THƠ VĂN

Nét nổi bật của Thu Bồn, một nhà văn của nhân dân là sinh sống chiến đấu hoạt động ở cả ba miền đất nước, sinh ra ở miền Trung, lập nghiệp ở miền Bắc, sống cuối đời ở miền Nam.

Xuất thân từ một gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước, cậu bé Hà Đức Trọng ra đời ngày 11/12/1935 tại Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam đã ghi tên vào Thiếu sinh quân làm liên lạc viên từ 1946, lúc chưa đầy 12 tuổi. Đó là hình ảnh tuổi nhỏ chí lớn thiếu niên anh hùng trong thời đoạn lịch sử của đất nước.

Trực tiếp cầm súng từ buổi đầu kháng chiến. Năm 15 tuổi anh được cử làm tiểu đội trưởng công binh bộ đội địa phương huyện. Năm 17 tuổi làm tiểu đội trưởng xung kích Tiểu đoàn 365, Sư đoàn 803 Quân khu V. Năm 19 tuổi sau tập huấn lớp sử dụng vũ khí mới, anh được cử làm khẩu đội trưởng pháo binh Tiểu đoàn 24, Quân khu V.

Sau 1954 anh được tập kết ra Bắc, đi học và trở thành giáo viên văn hóa trường Sỹ quan Lục quân.

Kháng chiến chống Mỹ bùng nổ. Vào năm 1962 Thu Bồn là một trong số văn nghệ sĩ có mặt sớm nhất ở mặt trận B3, từng ở một địa bàn gian khổ ác liệt nhất thời ấy.

Vừa cầm bút vừa cầm súng lại còn cầm dao, cầm cuốc phát nương làm rẫy, trải qua rất nhiều gian nan, khổ cực, hiểm nghèo.

Làm văn, làm báo, làm bất cứ một việc nào theo yêu cầu. Hăm hở sống, hăm hở viết, sống với đồng đội và quần chúng qua nhiều chiến dịch.

Năm 1969, Thu Bồn được điều động ra miền Bắc. Sau thời gian chữa bệnh và điều dưỡng, lại lăn lưng vào viết, thể hiện nhiều tài năng mới trên nhiều lĩnh vực văn chương.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Thu Bồn trở lại Tây Nguyên rồi xông xáo hết chiến dịch biên giới Tây Nam với quân tình nguyện Campuchia  lại đến cuộc chiến đấu biên giới phía Bắc với quân đội bảo vệ  biên cương địa đầu tổ quốc.

Trường ca sử thi Bài ca chim Ch’rao là sản phẩm từ chiến trường đột ngột mở đầu vẻ vang  sự nghiệp văn thơ suốt cuộc đời hơn 40 năm cầm bút chủ yếu phản ánh lịch sử bi tráng của chiến tranh nhân dân.

Năm 1969, tập thơ ngắn trữ tình Tre xanh ra đời thể hiện một khía cạnh khác của tài năng thơ ca.

Ra miền Bắc, từ biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội như một sự liền mạch của tay nghề.

Bắt đầu những thể nghiệm mới thể hiện một thời sáng tác sung sức nhất. Tập thơ Mặt đất không quên (1970) rồi tiếp theo là một loại truyện ngắn và tiểu thuyết sống động về chiến tranh. Gần như mỗi năm một đầu sách hoặc có khi hơn, sức làm việc thẳng, căng  đầy hiệu quả. Những tập tiểu thuyết được chú ý của dư luận Chớp trắng xuất bản năm 1970, Hòn đảo chân ren xuất bản năm 1972. Rồi Dòng sông tuổi thơ ra đời 1973, Những đám mây màu cánh vạc, 2 tập, xuất bản 1975.

Tham gia chiến dịch biên giới Tây nam và biên giới phía Bắc lại có thêm tác phẩm mới.

Sau hơn 40 năm cầm bút, khối lượng khá đồ sộ để lại tới 25 tác phẩm các loại: thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, bút ký văn học. Đó là sự nở rộ tài năng của một cây bút chịu sống, chiến đấu hết mình và say mê, miệt mài viết.

Đặc biệt phát triển là thể loại trường ca. Ngoài Bài ca chim Ch’rao  tác phẩm nổi tiếng , còn có 5 tập thơ, 10 trường ca và 10 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn.

Những tác phẩm tiêu biểu đáng chú ý có Bazan khát, Campuchia hy vọng, Chớp trắng, Dưới đám mây màu cánh vạc, Vòng sóng hỏa châu, Dưới tro, Gởi lòng con đến cùng Cha, Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên…

THU BỒN VỚI TƯ CÁCH NHÀ THƠ TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG HÀNG ĐẦU

Bài ca chim Ch’rao  xuất hiện trên tuần báo Văn nghệ số 84 ngày 4/12/1964  là bản trường ca đầu tiên về kháng chiến chống Mỹ cứu nước của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng và của cả dân tộc ta nói chung. Thơ sáng tác từ trước, được nhà thơ Thanh Hải, thành viên của đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng mang ra khi thăm miền Bắc lần đầuHoàng Trung Thông đã có bài bình luận ngay trên số báo đó: Bài ca chim Ch’rao,  một khúc hát trữ tình cách mạng, một bản trường ca về những con người chiến đấu miền Nam. Nhà thơ Nông Quốc Chấn ở số báo sau tiếp tục giới thiệu khen ngợi: Một bản hùng ca của những con người thép. Đó là câu chuyện bi hùng của những con người kiên cường bất khuất, thắm thiết yêu thương nhau và cũng yêu nước mãnh liệt. Tiếng hát con người hòa với tiếng hát chim Ch’rao núi rừng bạt ngàn như khúc tráng ca trữ tình đầy sức vang động.

Sau thời gian xa quê hương tập kết ra Bắc học tập và công tác khi trở lại vẫn là trong hoàn cảnh khói lửa chiến tranh, nhà thơ viết những dòng xúc động: “Tôi cúi xuống hôn  mảnh đất quê hương/như hôn người yêu sau ngày xa cách/tôi không khóc nhưng vẫn trào nước mắt/con đã về đây với mẹ- Mẹ quê hương” ( Hôn mảnh đất quê hương). Sống ở núi rừng đại ngàn Trường Sơn gian khổ nhưng ý chí kiên cường chiến đấu cách mạng vẫn nung nấu tâm hồn. Và một niềm tin sáng láng vẫn dấy lên: Tôi nối hoàng hôn và bình minh trên hai đầu võng/Dĩ vãng tương lai trên làn môi mỏng…/ Tôi gối đầu về phía tương lai/treo võng qua đêm nhìn thấy ngày mai” (Chiếc võng).

Có một bài thơ lay động triệu triệu lòng người khi nghe tên Bác Hồ mất Gởi lòng con đến cùng Cha. Đó là một trong những bài thơ khóc Bác  hay nhất  thiết tha, chân thành, ân nghĩa hết sức xúc động, đi vào sâu thắm lóng người: “ Có người thợ dựng Thành đồng/Đã yên nghỉ tận sông Hồng, mẹ ơi…/ Con đi dưới một vòm trời/ Đau thương nhưng vẫn sáng ngời lòng tin/ Đã ngừng đập một trái tim/ Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng…/Hành trang Bác chẳng có gì/ Một đôi dép mỏng đã lì chông gai/ Cho con núi rộng sông dài/Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm…”

Những vần kết thúc hiển linh lịch sử với hiện tại

Việt Nam ơi giống Tiên Rồng

Bốn nghìn năm lấy máu hồng làm hoa

Gởi lòng con đến cùng Cha

Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng

Sự nghiệp dựng xây trong bòa bình làm gắn hết với giữ nước và bảo vệ  từng hòn đá tấc đất của Tổ quốc. Những Linh hồn đá (1980 – 1990) những Trường Sa (Trường Sa 1998)… vẫn là những vần thơ xanh thắm trong tâm hồn cháy bỏng nhiệt tình của người lính Thu Bồn.

Mảng trường ca là nổi bật đặc sắc của Thu Bồn. Nhà thơ có thể được coi là người tạo dựng thể loại này trong thơ hiện đại, viết sớm, viết  nhiều và  hay nhất.. Trước sau năm 1975 trường ca mới nở rộ với đội ngũ những nhà thơ trẻ, chủ yếu là những nhà thơ mặc áo lính, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh…Đây là một hiện tượng thơ ca mang tính lịch sử nảy sinh từ cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Thu Bồn đã tuyển trong một tập trường ca đồ sộ cộng thêm những lời tự bạch về bản thân và về nghề  dày 500 trang có lời đề tặng: Kính tặng Tổ Quốc 2.000 năm.

       Bài ca chim Ch’rao mở đầu thực ra vẫn viết theo thơ truyền thống, gồm hàng trăm khổ thơ 7, 8 chữ, có cốt truyện, có nhân vật. Dẫn chuyện theo nhịp thơ và ngôn ngữ tiếp theo là cuộc tự thân bứt phá vượt lên chính mình. Cả trong thể loại, cấu trúc, cách phô diễn, biểu đạt với hệ thống ngôn ngữ thơ tự do, thơ văn xuôi.

Trường ca viết thời chiến tranh và cả sau 1975 như những hồi âm, hồi tưởng, thời chống Mỹ và cả chống chiến tranh hủy diệt ở đất nước Campuchia. Đây là hình ảnh người lính tình nguyện quân Việt Nam.

Qua những năm tháng rừng già thay lá

ve như rang khô khốc những luống cày

tôi bỗng nhớ các anh trong đất ngủ

người tình nguyện quân ngã xuống nơi này.

                  Campuchia hy vọng

 

Có nhiều kiểu khác nhau trong: Quê hương mặt trời vàng, Campuchia hy vọng, Oran 76 ngọn, Chim vàng đất lửa, Người gồng gánh phương Đông, Bazan khát

Thu Bồn có hẳn một quan niệm về trường ca, cho đó là một kiến trúc tổng hợp về thơ ca. Dĩ nhiên đây là trường ca – sử thi hiện đại: “Trong thơ trữ tình, khuynh hướng hiện thực cũng được phản ánh nhưng tính lãng mạn hầu như bao trùm và có những lúc bị quằn  lại trước những hiện thực dữ dội. Thơ trữ tình thường né tránh những đề tài quá ư phức tạp trong đời sống và nếu có thể hiện thì phần nhiều sử dụng phương pháp lãng mạn. Trường ca có thể xông vào hiện thực cuộc sống với tất cả sức mạnh của nó giống như một người công binh đào hầm lại có đủ cả xẻng cuốc, khoan máy, thuốc nổ… trường ca dám xông vào những chỗ hóc búa, những vỉa đá ngầm của cuộc sống”.

Tất nhiên đây là một quan niệm cơ bản. Quan niệm thể loại này được biến hóa sáng tạo với cả thế hệ nhà thơ trẻ trong nền thơ Việt Nam hiện đại.

Chiến tranh rồi hòa bình, xây dựng. Theo khuynh hướng chung Thu Bồn viết về thế sự và có thêm sự chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh.

Năm 1980 có bài Đất viết tại Đà Nẵng: “Chúng ta đều là đất cả thôi/ Những hạt lúa củ khoai đều nhờ vào đất/cái gì gửi vào ta/sẽ lãi gấp mười/sẽ lãi gấp trăm/sẽ lãi gấp ngàn…/và tất cả hạnh phúc khổ đau này đều từ đất mà ra” Quả vậy chúng ta đều từ đất thành người rồi người lại trở về đất. Chỉ còn lại tình người mà thôi.

Nhà thơ tưởng đã ra đi nhưng còn để lại bao ân huệ, tình nghĩa với đời và cho đời.

Như lời bạn văn tâm sự trong cuốn sách tặng hương hồn qua 10 năm: “Thu Bồn sống ào ạt, viết ào ạt, yêu ào ạt…ngay cả trong tình yêu nữa, anh như lúc nào cũng sợ không kịp, không đủ. Anh chung thủy vô cùng, thay đổi vô cùng” Một nhận xét khác. “Thu Bồn làm thơ khi lên rừng xuống biển, về nhà; ở đâu cũng vui bạn, vui bè, hết mình vui chơi, hết mình làm việc với một nguồn cơn” (Thu Bồn: tráng sĩ hề… dâu bể )

Thực ra, chiến tranh còn đậm trong ký ức người lính chiến Thu Bồn. Trong nỗi nhớ về Hà Nội một thời vẫn mang cái thiết tha hào sảng.

Bài thơ viết ở Suối Lồ Ô năm 1996 vẫn mang âm hưởng trữ tình sử thi nhưng đã có nhiều tâm sự nhân thế. Viết về Hà Nội: “tôi viết những gì tôi yêu tôi thương tiếc/và cả những gì đau xót đến chua cay”. Trong căn phòng nhỏ với ngọn đèn dầu, thắp nén hương, nhà thơ gửi về Hà Nội một thời, bài thơ như nén tâm nhang: Hà Nội ngày nào.

 

Thơ bất cứ thời nào vẫn là nặng tình sông nước, suối ngàn quấn quýt quê hương.

Sông Thu Bồn (1987) có hình ảnh lũ trẻ hay tác giả tuổi thơ, hình tượng của “hiệp sĩ”, “tráng sĩ” Thu Bồn thời chiến trận: “ta thích làm mây mang bão giông/rạch chéo đất trời tia kiếm chớp/thác reo làm thức,  ngủ làm sông”. Lại có mẹ: “mẹ ngủ ven trời sao cỏ mật/mây giăng Trà Kiệu chớp Sơn Trà”. Nhất là có em: “trọn đời em muốn làm con sóng/sông lặng mà em lắc mạn thuyền”. Và, chủ thể trữ tình giăng mắc một tình yêu: “ ta cũng là trăng luôn mắc lưới/vớt lên ướt hết nửa cuộc đời”.

Ở quê cũng như ở Huế, tình người, tình yêu cứ đan quyện. Mối tình pha màu huyền sử, vừ thực vừa mộc: “em rất thực mà nắng thì mờ ảo/ xin đừng lầm em với cố đô”.

Tạm biệt Huế (1987) là một trong những bài hay nhất của Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên(1992). Thơ giàu nhạc tính đã được phổ nhạc do nhạc sĩ Xuân An.

Thu Bồn được nổi tiếng với bạn bè nhất là đối với giới nữ vì đa cảm, đa tài và  nhấy là đa tình.

Đừng dỗ đề tặng L.B.H và còn bao bài thơ đề tặng khác…

                     … Nếu không làm sông cũng xin làm suối

                          Trọn đời róc rách giữa hồn em

                      …Ngày mai tôi hát về nguồn

                          Gạn  cho trong hết nỗi buồn của em

Đôi khi thật “ dữ dội”:

                        …Em – con ngựa chứng không cương

                            Anh – tên kỵ mã vết thương đầy người

 

Mảng thơ tình cũng là một  “đặc sản” thơ Thu Bồn. Xưa kia là tình yêu trong chiến đấu hào hùng mà rất lãng mạn. Nhường gối cho em (1970) thật đắm say, dịu ngọt: “Gối đi em những hương rừng/Truông dài, bãi rậm tưng bừng tiếng chim…/Gối đi em gối cho cao/Gối lên xanh những vì sao lưng trời”. Trong khi đó: “Anh nằm gối tạm bài thơ/Nghìn đêm gối súng ước mơ đã từng”. Mười năm sau, 1980, Tạm biệt Huế mà  thắm thiết tình“Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.

Hải Vân ơi xin đừng tắt ngọn sao khuya

tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng

                                     anh trở về hóa đá phía bên kia

KHÉP LẠI MỘT CUỘC ĐỜI THƠ VĂN CÓ SỨC TỎA SÁNG

Nhà văn khoác áo lính, cuối đời mang quân hàm Đại tá, trong đội ngũ những cao thủ của văn nghệ quân đội, cũng là sĩ quan cao cấp của văn chương.

Thu Bồn là trường hợp tiêu biểu của những người vừa cầm súng vừa cầm bút, cầm bút như cầm súng. Nhưng ở đây đặc biệt là cầm súng trước khi cầm bút.

Một nhan đề như vinh danh thật đẹp trong  điếu văn tại lễ tang: Thu Bồn sống để chiến đấu và làm thơ.

Người lính hàng đầu ấy đã nhận nhiều tặng  thưởng cao quý Huân chương Huân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba.

Nhà văn tài năng đã nhận nhiều giải thưởng văn học cao quý nhất của Quốc gia và cả giải thưởng Quốc tế Bông sen cho trường ca Bài ca chim Ch’rao năm 1973. Trong điếu văn tiễn biệt, nhà thơ Hữu Thỉnh khắc họa một hình ảnh rất đẹp: “Nhắc đến Thu Bồn, người ta nhắc đến một tài năng vạm vỡ, một sinh lực tràn đầy, một người triệt để trong ý nghĩ và hành động, một người luôn luôn phát quang để vượt lên phía trước (…) Thu Bồn là nhà thơ tài hoa, một người dồn đúc nhiều tài năng trong một tài năng”.

Là người của cộng đồng, của bè bạn, nhà thơ sống rất hòa đồng, chân thành. Dịp Hội thảo 10 năm ngày mất (2013), bè bạn thân thiết đã chung nhau ra một công trình kỷ niệm dày dặn đầy ý nghĩa: Thu Bồn: tráng sĩ hề… dâu bể. Nhân dịp được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2016, địa phương đã tổ chức một lễ tưởng niệm long trọng vào tháng 6/2017.

Bạn bè tặng  nhà thơ danh xưng “tráng sĩ” không hẳn vì hình ảnh qua bài Hành phương Nam

                           xưa kia tráng sĩ hề da ngựa

                           ta  nay uống cạn mấy rừng mưa

 

                           độc huyền tráng sĩ xưa ca cẩm

                            ta ôm xích đạo gẩy vòng cung

                            môi hôn ngọn gió thơm hoa trái

                            núi cùng chiều ta đứng trập trùng

Mà, còn vì và chủ yếu vì đời người và đời thơ. “ Thu Bồn là một người đa đoan, mẫn cảm. Cái đa đoan , mẫn cảm của một trang hiệp sĩ, một chiến sĩ trung thành, một người con hiếu thảo” (Trung Trung Đỉnh ). Bạn văn còn phát hiện vẻ đẹp văn thơ độc đáo như con người; “Cái vẻ đẹp phong trần nhuốm bụi đời vừa gian nan khúc khuỷu, vừa ngạo nghễ kiêu hùng và lãng mạn, với một lối viết hoành tráng tuôn trào luôn gắn luền với số phận đất nước, non sông bằng một phong cách cuồn cuộn sức sống, cuồn cuộn cảm xúc không ngừng nghỉ”

Số phận đã mĩm cười với nhà thơ.

Tuy nhiên cuộc sống riêng của Thu Bồn không thiếu những giọt nước mắt. Có cuộc hôn nhân tan vỡ và có cuộc sống chung chắp nối. Hai con là nạn nhân của chất độc màu da cam. Người con trai duy nhất  tồn tại đang mắc bệnh tâm thần đến mức mẹ phải bón cơm trong bệnh viện. Thu Bồn đã từng nằm trong bệnh viện, đã từng mắc bệnh trọng qua sống đi chết lại. Nhà thơ cũng từng sống trong cảnh bần hàn khốn khổ một thời.

Nghĩa là, đúng như câu truyền miệng, trời không cho ai tất cả, cũng không lấy  đi hết tất cả.

Cái được của Thu Bồn vẫn là lớn và còn mãi với đời:” Bởi những trang viết của anh đang tiếp tục cuộc đời anh,  mang tình thương và hơi ấm đến với mọi người” (Hữu Thịnh),

Có một câu thơ của R.Tagore thường ứng với kiếp người vào tuổi hoàng hôn của đời có lẽ cũng ứng với Thu Bồn – nhà thơ của hạnh phúc và khổ đau, của tự hào và ân hận, của khát vọng và bất lực:

Tôi đã từng khổ đau, thất vọng/ Đã từng biết chết chóc/ Nhưng tôi rất vui sướng/ Đã ở trong cõi đời này.

Đã ở trong đời với sự tin yêu khâm phục của các thế hệ bạn đọc, đã ở mãi trong đời như niềm vinh dự cho quê hương xứ Quảng và tồn tại trong lịch sử văn học như một tên tuổi sáng đẹp.

Thu Bồn – Chim Ch’rao vẫn cất tiếng ca kiêu hùng và tung cánh chao lượn phiêu bồng khắp vùng đất, vùng trời quê hương đất nước đó đây…. Cùng cả bầy đàn nữa: “Từng đàn chim vỗ cánh bay cao/ Trùng điệp như rừng xanh vô tận/ Con đường thẳng tới những vì sao…”( Bài ca chim Ch’rao)

 

CHÚ THÍCH

(*) PGS.TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020