Huy Cận cùng Xuân Diệu là hai kiện tướng đã từng cắm ngọn cờ trên đỉnh cao của Thơ mới một thời và sau đó vẫn trong đội ngũ hàng đầu của thi đàn cách mạng.
Huy Cận cùng Xuân Diệu là hai kiện tướng đã từng cắm ngọn cờ trên đỉnh cao của Thơ mới một thời và sau đó vẫn trong đội ngũ hàng đầu của thi đàn cách mạng.
Lửa thiêng xuất hiện báo hiệu một tài năng thơ ca đích thực. Một phọng cách nghệ thuật đã sớm hình thành, và được định hình khá rõ từ Vũ trụ ca đến Kinh cầu tự. Thay vì đề cập khái niệm thế giới nghệ thuật, dư luận văn đàn đã nói đến vũ trụ thơ Huy Cận.
Vũ trụ thơ như điểm xuất phát, và kỳ lạ thay, cũng là đích tới của cảm thụ thẩm mỹ thông qua thế giới quan, cũng là vũ trụ quan của nhà thơ.
Nói cách khác, cảm hứng vũ trụ, cảm quan vũ trụ và cùng với nó là cảm quan xã hội – sẽ là đối sánh nâng bổng hồn thơ Huy Cận như đặc điểm nổi bật trong cấu trúc thẩm mỹ nhiều lớp lang, và hình vẻ của một phong cách thơ độc đáo.
YYY
Cảm hứng chủ đạo của Huy Cận hình thành và sớm bộc lộ cùng với sự xuất hiện của hồn thơ, quy tụ thi cảm, thi hứng. Đã từ lâu, người ta nhận ra một cảm hứng vũ trụ lớn lao bao trùm trong các sáng tác thơ. Ngay từ Lửa thiêng (1940) qua Vũ trụ ca, và còn kéo dài triền miên cả một đời thơ, suốt hai thời kỳ trước và sau năm 1945 – cho đến tận những năm cuối đời.
Từ những khắc khoải, da diết và khát vọng đầu đời:
Ta đi mau quá tầm chân người
Ta gặp hồn ta trong vũ trụ
Xuân hành
Đến niềm vui của lương duyên khoa học mới:
Hạnh phúc dẫu chưa trọn trái đất
Người vào vũ trụ mở thêm xuân
Ga đầu vũ trụ - Mạc Tư Khoa
Cho tới cuối đời, trong lòng nhà thơ vẫn là nhiệt hứng về năm châu bốn biển, bầu trời và mặt đất qua những tập thơ song ngữ gửi bạn bè quốc tế.
Năm 1994, Huy Cận cho xuất bản tập Nước triều Đông (Mareés de la Mer Orientale) tại Paris, Pháp. Tiếp theo, năm 1996, nhà thơ cho xuất bản tập thơ Thông điệp từ vừng sao và từ mặt đất (Messages stélaires et Terrestres) tại Canada. Thủy chung cảm hứng một đời sáng tác, nếu tính từ khởi đầu là 57 năm (Lửa thiêng xuất hiện từ năm 1940), vào lúc đã 78 tuổi (nếu tính đến năm 1997 – với tập Ta về với biển), tức xấp xỉ tuổi bát tuần thượng thọ!
Dĩ nhiên, cảm hứng vũ trụ, cùng với cảm quan vũ trụ, là một quá trình tư tưởng, kể cả tư tưởng nghệ thuật, có diễn biến, đổi thay về sắc thái biểu hiện, cũng như nội dung suy cảm.
Y
Cảm nhận vũ trụ của Huy Cận bao gồm nhiều mặt (đa diện), nhiều tầng (đa tầng) từ một hồn thơ đa cảm, đa cực.
Cần phân tích sâu về cái tôi trữ tình trong thơ, để hiểu rõ về những sắc thái biểu cảm nghệ thuật thơ. Có thể nhất trí với ý kiến cho rằng, cấu trúc của hình tượng cái Tôi trữ tình trong thơ tạm xếp vào 2 kiểu loại cơ bản: cấu trúc hạt nhân và cấu trúc phân cực.
Tuy nhiên, cấu trúc nào cũng có những phương diện nổi trội mà sau đó trở thành hạt nhân.
Huy Cận được cho là có cấu trúc phân cực như vũ trụ và nhân gian, sự sống và cái chết, nỗi buồn và niềm vui, trầm tư và hồn nhiên, hiện thực và lãng mạn,… nhưng vẫn nổi bật một mặt đặc sắc. Chính nhà nghiên cứu Những đối cực trong một hồn thơ cũng đã kết luận: “Từ những cực hấp dẫn, và những sắc thái đa dạng của tâm hồn, người đọc vẫn nhận ra hạt nhân của cấu trúc phân cực trong hồn thơ Huy Cận” [2, tr 353].
Hạt nhân đó, nói đầy đủ, chính xác là cảm nhận vũ trụ - tức cảm hứng vũ trụ hòa đồng với cảm quan vũ trụ.
Con người Huy Cận chính là sự kết hợp giữa hai cốt cách của con người tự nhiên và con người xã hội. Chàng học sinh tú tài đã học tới bậc học cao – Cao đẳng Nông lâm, và tốt nghiệp Kỹ sư Canh nông. Nghĩa là, anh đã có hiểu biết khá đầy đủ về thế giới tự nhiên, về phương diện cấu tạo của đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu môi sinh và giới thực vật, kỹ thuật trồng trọt, đồng ruộng, rừng đồi.
Con mắt nhìn thế giới, trước hết, là con mắt khoa học, có nghĩa là rất hiện thực về mặt cấu tạo vật chất. Nhà thơ, dĩ nhiên là nhìn đời bằng con mắt xã hội. “Giàu đôi con mắt” là sự phong phú về cái nhìn toàn vẹn về thế giới vũ trụ và nhân sinh. Có lẽ, khác người và hơn người phần nào cũng chính là ở chỗ này.
Xét về cá tính, từ nhỏ cậu bé chăn trâu, cắt cỏ vùng quê bán sơn địa chân núi Mồng Gà còn nhiều dấu tích cổ sơ, kỳ vĩ, dễ gợi những ấn tượng kỳ ảo như cả quê hương đất nước tiên tổ:
Núi Tản như con gà cổ đại
Khổng lồ màu đỏ thắp bình minh
Mênh mông gọi nắng cho mùa chín
Từ buổi Sơn Tinh thắng Thủy Tinh
Gà gáy trênh cánh đồng Ba Vì được mùa
Cảnh tượng quê hương đồng bãi, núi cao, sông rộng ấy dễ tạo nên nét hồn nhiên, phóng khoáng của tâm hồn tuổi trẻ. Dần dà, đã hình thành nên tính cách đa cảm, đa sầu của một hồn thơ như nét cá tính nổi bật.
Huy Cận là con người có cảm nhận tinh tế, đặc biệt là sự lắng nghe:
Tai nương giọt nước mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe mưa, nghe nắng – nghe thế giới, thiên nhiên, nghe tự lòng mừng. Rồi cả tưởng tượng qua cái nhìn huyền ảo:
Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm
Cột buồm hóa cây buồm chính là sự biến hóa kỳ diệu của trí tưởng tượng.
Cá tính con người, đến lượt nó, đã trở thành nét cá tính sáng tạo trong nghệ thuật. Đó là một trong những yếu tố hình thành phong cách thơ Huy Cận.
Y
Cảm nhận vũ trụ xét về ý nghĩa và hiệu lực nghệ thuật chính là hạt nhân phong cách thơ Huy Cận.
Trong cảm nhận là bao gồm trí tuệ và cảm xúc, lý trí và tình cảm.
Hai cực hấp dẫn nhất của hồn thơ Huy Cận thủy chung vẫn là vũ trụ và cuộc đời.
Từ tuổi ấu thơ, qua một trò chơi hồn nhiên, dân dã tạo ra Cái trống đất với sợi dây rừng vỗ tang trống – cả bề dày cuả đất núi, cậu bé – nhà thơ đã có sự liên tưởng kỳ lạ: “Tiếng trống vang lên điệu cổ sơ/ Vang từ lòng đất – Đến bây giờ/ Tôi còn nghe rõ trong chiều lặn/ Tiếng dội như là Đất thở ra”. Đi vào vũ trụ một cách chủ động, không hẳn là siêu thoát: “Đêm dài vời vợi canh thâu/ Vui chung vũ trụ, nguôi sầu nhân gian” (Triều nhạc).
Cái buồn của Huy Cận là âm bản. Cái dương bản đích thực là lòng yêu đời. Nhà thơ sầu đời nhưng không chán đời là như vậy.
Trong khi đó, Chế Lan Viên có lúc đã muốn đời “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa” là để chia sẻ nỗi cô đơn ghê gớm nhưng vẫn bao lưu luyến với cõi người. Cái cá nhân muốn phát triển mạnh mẽ, dù bị cầm tù nơi “trái đất” nhưng vẫn không muốn, và không thể hòa tan vào vũ trụ là tâm trạng chung của thế hệ các nhà Thơ mới tiến bộ.
Tuy nhiên, cái khác với nhiều nhà thơ, chính là cái cảm hứng về sự tuần hoàn siêu nhiên, và cảm xúc mạnh mẽ về sự giao hòa hiếm có với lòng người của Huy Cận. Vũ trụ vốn là cái nôi của nhân loại, là nguồn gốc phát sinh của mọi thứ tình cảm tinh diệu: “Vũ trụ nghìn năm vẫn mẹ hiền” (Ốm dậy). Với nhà thơ, đó là một nguồn sữa tình cảm nuôi dượng tâm hồn rộng mở tới vô cùng. Tao phùng viết: “Ta lại đặt môi hôn lên trên đất/ Như tìm vú mẹ tuổi sơ sinh”.
Tạo vật cũng như người –mang nỗi niềm vũ trụ. Con người tìm thấy mình, cảm nhận được mình qua một kênh đặc biệt, là vũ trụ, đúng hơn là tín hiệu vũ trụ. Nỗi niềm nhân thế được gửi vào tự nhiên vạn vật. Tình yêu như cuộc sống giao hòa:
Biển lặng em nằm trong gió êm
Anh là bóng thức của hồn em
Ngoài kia sao cũng tương đôi sáng
Từng cặp nhân vàng trong trái đêm
Anh viết cho em
Bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, ta vẫn thấy cháy bỏng một cảm quan vũ trụ. Giờ đây, trong đời mới, điều đó càng đượm nồng hơn bao giờ hết:
Những chân trời bạc, chân trời đen
Tinh khiết như hoa nở trái đêm
Đất sắp tan sương, xòe trọn nụ
Tấm lòng vũ trụ lại nhen lên
Khác với Xuân Diệu, thiên nhiên được nhân hóa, mỹ cảm thiên nhiên được quy vào vẻ đẹp con người để tôn vinh con người, Huy Cận lại thiên hóa vẻ đẹp của con người, cũng là để tôn con người lên tầm vũ trụ.
Đoàn thuyền đánh cá đã tạo dựng được những tượng đài Ngư dân – Dũng sĩ giữa biển trời. Con người trong thơ tình cũng thấm đẫm xúc cảm vũ trụ, từ những ngày xưa.Không – thời gian như vô định (Một buổi trưa không biết ở thời nào), và tình yêu đi vào vĩnh cửu: “Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao”. Đó là đôi lứa tình tự trong Đi giữa đường thơm.
Trong cảm nhận vũ trụ của Huy Cận, có một bình diện song hành, là cảm niệm triết học cùng với xúc cảm thiêng liêng. Nói Huy Cận mang linh hồn tạo vật, hay “Linh hồn của trời đất” (Xuân Diệu, Tựa Lửa thiêng) là phải thấy cả hai mặt đó.
Vũ trụ là nơi gửi gắm cả tình cảm và trí tuệ. Tìm đến vũ trụ, Huy cận đã tìm được nơi để nghiệm suy, triết lý. Đó là lẽ sinh tồn linh diệu của muôn vàn tạo vật, trong đó có cả con người – hạt bụi của vũ trụ.
Suy tưởng về sinh hóa trường cửu cũng tức là nghĩ về sự tồn tại của những sinh thể, vật thể. Vũ trụ quan duy vật biện chứng cùng với thế giới quan duy vật lịch sử sẽ hoàn chỉnh tư duy, hoàn mỹ thế giới tinh thần của nhà thơ.
Xưa kia là cảm quan vũ trụ của nhà thơ lãng mạn, thì nay đã biến hóa thành cảm nhận vũ trụ của nhà thơ cách mạng Huy Cận. Có điều, tư tưởng triết học được biểu hiện dưới dạng cảm xúc hồn nhiên như sinh hóa, nỗi niềm thiên nhiên, tạo vật muôn đời, vạn thuở.
Từ Sơ khai:
Trời xanh ran lá biếc, biển choá ngập buồm vàng
Gió thổi miền bất diệt, mây tạnh đất hồng hoang
Và qua đó, không chỉ là vấn đề của tự nhiên và triết lý tự nhiên, mà quan trọng không kém, nếu không phải là chủ yếu, là sự đề cập triết lý nhân sinh.
Nghe trời nặng và nghe lòng buồn đêm mưa. Thực và mộng đan xen như tỉnh thức, và mơ ước sự đời, tình đời: “Trời sao trên biển, biển nhân sao/ Ngủ trên bờ đời nhân chiêm bao”.
Đó chính là nét phong cách triết luận của Huy Cận: sự đan xen hài hòa vũ trụ và nhân sinh. Nhà thơ Vũ Quần Phương kết luận về Huy Cận: “Địa chỉ của ông là hành tinh. Đề tài của ông là cõi người (…) Huy Cận có lúc siêu hình một cách nhân bản, và nhân bản ngay trong cõi siêu hình” [2, tr 315].
Cần nhấn mạnh nét thi pháp nghệ thuật nằm trong phong cách thơ Huy Cận. Đó là vấn đề tạo dựng không – thời gian.
Đã có bình luận về sự khắc khoải không gian của Huy Cận (Đỗ Lai Thúy) [2]. Cần bổ sung rõ cả sự trăn trở thời gian của nhà thơ. Chính xác hơn, có thể nêu khái niệm không – thời gian.
Hãy đọc lại Buồn đêm mưa: Đêm mưa làm nhớ không gian. Có cả thời gian và không gian. Trong Tình tự cũng có thời gian – “Gặp hôm nay nhưng đã hẹn ngàn xưa”, và không gian – “Đời rộng quá tình không biên giới nữa”. Hoặc như Thu rừng, Chiều xưa.
Chính nhà nghiên cứu cũng đã viết: “Thời gian và không gian trong Lửa thiêng hòa vào nhau chặt chẽ” [2, tr 338]. Sau này, cũng vậy thôi. Không gian bao la vời vợi, thời gian luân hồi vô hạn, cũng là cảm hứng lãng mạn và hiện thực, đan xen trong những hình tượng kỳ vĩ Núi Tản khổng lồ, thuở Sơn Tinh, Thủy Tinh (Tiếng gà gáy trên cách đồng Ba Vì được mùa).
Y
Nổi bật trên tất cả là sự tìm kiếm thẩm mỹ của Huy Cận. Nguyễn Tuân là người đi tìm cái đẹp, và thể hiện cái đẹp cho đời. Một suy nghĩ tương tự: Huy Cận là người đi tìm và thể hiện của Họa điệu cho Bài ca cuộc đời. Nói cách khác, đó là kiếm tìm sự hài hòa hồn vũ trụ và hồn người.
Từ quy luật của tự nhiên, tạo vật, nhà thơ tìm ra sự hài hòa trong phát triển: ngày >< đêm, sáng >< tối, nóng >< lạnh,… “Hết mưa là nắng hửng lên thôi/ Hết khổ là vui vốn lẽ đời” (Hồ Chí Minh). Từ nhận biết quy luật tự nhiên, con người xác định chủ nghĩa lạc quan cách mạng, biến hóa tạo vật thành hồn người là như vậy.
Tuy nhiên, xưa kia, trong xã hội cũ, chủ yếu là mưa, là khổ, là buồn, là đau.
Huy Cận cùng thế hệ Thơ mới không thể tìm được sự “họa điệu” hay hòa điệu thực tế. Khi chưa tìm ra lý tưởng cách mạng, nhà thơ chơi vơi, vô định trong cảm quan thế giới và nhân sinh: “Ta đi về đâu ta chẳng biết/ Chỉ biết trời xanh là ta say”.
Vũ trụ ca buồn nỗi sầu vạn kỷ, Kinh cầu tự đã khởi sắc một niềm vui chông chênh: “Có lẽ tạo vật đau thương, đất trời vắng lặng vì nỗi lòng ta xa cách tạo vật đó thôi. Ta hãy trở về, ta hãy nhập cuộc, có nhịp sống đưa nâng, có dòng đời xô đẩy, cái vui lớn, cái vui trọng đại dâng sóng tràn khắp cõi đời”. Huy Cận đã tìm thấy mối tương quan thực sự, và có hiệu lực giữa Con người và Tạo vật. Và sự sống, cuộc đời, rồi cách mạng đã vào thơ Huy Cận.
Nhà thơ được đổi Đời, đổi Thơ và tìm ra mối quan hệ mật thiết, tương tác mới: Con người – Cuộc đời – Tạo vật. Huy Cận tìm ra triết lý mới về sự hài hòa vũ trụ - nhân sinh.
Cảm nhận vũ trụ trong thơ, giờ đây, là con người chủ thể và thế giới.
Trong thế giới nội tại, là thiên nhiên đất nước, mà tập trung là hình tượng Đất và Biển (trong bộ ba Đất, Biển, Trời). Đây là cái xao động kỳ lạ khi đi dọc bờ biển: “…nửa thấy đời đang tiếp tục nảy sinh, dạt dào vô tận, nửa lại thấy như sự sống đã cổ, đã vững chãi, yên đằm. Ta đi trên biên giới của cái biến đổi và cái định hình. Cảm giác vũ trụ, cảm giác về sự sống, về sự sáng tạo vô hồi, vô hạn của vũ trụ, của vật chất, của đất trời. Cảm giác về sự lớn lao lồng lộng của con người trong vũ trụ sinh hóa vô hạn, vô hồi đó.Cảm giác Biển và cảm giác Đất lẫn trong nhịp thở, nhịp máu của ta” (Văn nghệ, Số 2, 1980).
Sự tìm kiếm lý tưởng hòa điệu, hòa đồng hay hài hòa vũ trụ của con người có cơ sở từ suy nghiệm triết lý của Huy Cận về cảm nhận vũ trụ.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng có luận điểm về vạn vật liên quan và tương tác. Trong xã hội mới, quan hệ giữa người với người là một hiện thực lịch sử trong tồn tại và phát triển.
Quan niệm cộng sinh, cộng hưởng (hay tương sinh, tương giao) của nhà thơ là nằm trong hệ thống tư tưởng triết học đó.
Vũ trụ như say sưa trong men nồng sinh hóa vô cùng, vô tận: “Rượu vào bát ngát sủi tăm/ Ngất ngây vũ trụ ru trầm thời gian”. Tòa nhà vĩ đại ôm ấp con người: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa”. Con người đã sống với đất đai, mùa màng, đất nuôi người, người làm tươi tốt, màu mỡ đất.
Đất ơi đất, máu đời ta đổi mới
Đất đẹp rừng, thắm lại tuổi phù sa
Đất vĩnh viễn trẻ hoài như nhịp thở
Con người vươn lên “Sửa sang vũ trụ lại thêm xuân”
Chính vì vậy, ta tìm ra tư thế con người thời đại qua thơ Huy Cận: “Ta kiêu hãnh làm người trong hoàn vũ”.
Con người phấn đấu, hy sinh để đạt lý tưởng “người với người là bạn”. Và đây là những lời thơ như máu huyết tâm hồn một con người chân chính đã từng trải nghiệm trong đấu tranh:
“Ôi! Trận gió đang dấy lên từ những bến bờ của thế gian. Người là khí hậu của hồn ta, là hương vị của lưỡi ta. Người là mật của mật, là hạt nhân yên lặng sản sinh ra những hòa điệu tân kỳ - Các đồng chí ơi, ta hãy hát lên khúc ca cũ mới của các dân tộc” (Lời chào các dân tộc)
Thực ra, triết lý của Huy Cận chỉ là sự vận dụng những tư tưởng triết học vào nghệ thuật thi ca. Nhà thơ có một trí tuệ uyên bác, biết tiếp biến những tinh hoa, triết lý cổ kim, Đông – Tây, đặc biệt là của phương Đông như nhiều nhà thơ lớn của dân tộc.
Trong lời Tựa tập thơ Nước triều Đông (Mareés de la Mer Orientale – La Différence, Paris, 1994), P. Schneider viết: “Thơ Việt Nam có chịu ảnh hưởng của đạo Phật về lòng nhân ái, về sự thương cảm chúng sinh trong những đau khổ của cuộc đời. Thơ cũng chịu ảnh hưởng của đạo Lão về lòng yêu tạo vật và về sự cảm nhận sự hư ảnh của kiếp người, và đạo Khổng với lý thuyết quan hệ xã hội theo một trật tự hài hòa”. Nhận xét ấy là hết sức chính xác và hầu như hội tụ nhất ở Huy Cận – nhà thơ lớn, như sự ám chỉ của người viết giới thiệu.
Ý nghĩa hiện đại toàn cầu của triết lý Huy Cận được xác nhận qua nhận xét Nhà thơ Huy Cận của C.I trên báo El Moujahid – Algérie, 15/6/1994) khi đồng tình khẳng định: “Và khác với Holderlin là nhà thơ chỉ ca ngợi sự thông cảm sâu sắc giữa người và tạo vật, thì Huy Cận còn nói rõ sự cộng sinh giữa tạo vật và những dân tộc, nhân dân đang làm nên sự tươi mát của trái đất”.
YYY
Huy Cận là một nhà thơ hòa điệu. Hòa điệu trong đời, hòa điệu trong thơ. Hòa điệu giữa Thơ với Đời, giữa Đời với Đạo.
Huy Cận là nhà thơ – chính khách, làm thơ và tham gia cách mạng từ trước năm 1945. Từ năm 1945, ông luôn ở cương vị lãnh đạo trong Chính phủ, trong cơ quan Văn hóa.
Đó là sự kết hợp tuyệt đẹp và hiếm có giữa hai vị thế trong cùng một con người.
Huy Cận là nhà Thơ mới tiên phong, một đời làm mới thơ, bản thân góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát huy một thời đại mới đích thực trong thơ ca với phương châm cách mạng – dân tộc, truyền thống – hiệ đại..
Nhà thơ Huy Cận cũng là nhà văn hóa mang tầm cỡ dân tộc và quốc tế, là biểu hiện rõ rệt của sự giao thoa văn hóa Đông – Tây. Ông là người Đi trên mảnh đất này mà vẫn bơi lội, vùng vẫy ở Nước triều Đông, để gửi Thông điệp từ vừng sao và từ mặt đất đến toàn nhân loại khắp năm châu, bốn biển.
Huy Cận là hiện thân cho Bài thơ cuộc đời, cũng là Bản nhạc cuộc đời. Bản thân nhà thơ như thanh mẫu – nốt LA, kêu gọi sự hòa điệu trong quãng tám âm giai, cũng là chuẩn mực cho nhạc điệu tình người.
Xuân Diệu từng nói tới nỗi-niềm-tinh-vân của Huy Cận.
“Sống ở thời đại du hành vũ trụ này, sao lại không dùng những hình tượng lấy ở thiên văn, khi những liên hệ này là đúng đắn? Huy Cận trong những “ suy nghĩ về nghệ thuật” (Văn nghệ, 1980) tìm cách làm cho người đọc cảm thấu cái nỗi niềm của sự rung động thơ; anh mượn hình tượng vũ trụ. Bắt đầu yêu là một nỗi niềm xao động; bắt đầu một tứ thơ cũng là một nỗi niềm, mà tôi muốn gọi là nỗi-niềm-tinh-vân”.
Trong bài tiểu luận, Xuân Diệu đã dẫn ra khá nhiều:
…Có những ban mai ta với ta
Thoáng từ vũ trụ gió vô nhà
…Sao sáng lưng trời gió thổi nhen
Bếp đêm vũ trụ lửa soi bền
…Mai đây ta vắng, đời không vắng
Vũ trụ điềm nhiên đẹp dửng dưng
Ở Trà Cổ (8/1974), nhìn sóng mà tưởng tượng: “Phải chăng vũ trụ thừa dư sức/ Thỉnh thoảng chồm lên như trẻ chơi”. Cùng ý tưởng vũ trụ non tơ là những vần thơ: “Con đang múa/ Gió nắng ngoài sân reo lá non/ Vũ trụ cũng đùa như trẻ nhỏ/ Mỗi ban mai lại mới tâm hồn” (Thăm trường mẫu giáo cạnh Văn Miếu).
Jacques Gaucheron nhận xét rằng, thơ Huy Cận gắn với truyền thống thẩm mỹ thơ ca dân tộc, đồng thời tiếp nhận của thơ ca phương Tây tạo ra cảm xúc trữ tình về lòng độ lượng, phổ quát qua một số bài thơ mang đậm màu sắc riêng:
…Tôi ca vũ trụ, tôi ca con người
Con người hạt nhân và nỗi lòng của vũ trụ
…Tôi ca cuộc đời, tôi ca vũ trụ
Vũ trụ trong tôi nào phải xa xôi!
(Nước triều Đông, tạp chí Châu Âu số 791, tháng 3/1995) [2, tr 440].
Xin mượn lời bè bạn – Yveline Feray – để làm lời kết:
“Chính bằng nghệ thuật kỳ ảo – vừa thông thái vừa giản dị, vừa vũ trụ vừa ngày thường, mà anh đã đạt tới tính phổ biến của nhân loại. Mỗi bài thơ của anh cũng giống như những loại hòa điệu (trong âm nhạc) (…) gắn bó với thực tế của cuộc đời, và gắn bó hơn nữa với vũ trụ, như là không mệt mỏi, đăm đắm, anh tìm cái nốt “la” để hòa điệu tất cả. Cuộc săn tìm ấy được đánh dấu bằng những hình ảnh sáng ngời hoặc choáng ngợp, và cứ như thể hiện lên một thế giới mang tính hiền triết nghìn đời, mà không có gì có thể làm mất sự hài hòa được” (Lời Tựa tập thơ đã dẫn của P. Schneider)./.
CHÚ THÍCH
(*) PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đoàn Trọng Huy (2007), Huy Cận – in trong Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX, Giáo dục.
[2] Nhiều tác giả (2000), Huy Cận – Về tác gia và tác phẩm, Giáo dục.
[3] Nhiều tác giả (2010), Lịch sử Văn học Việt Nam Tập III (3), Đại học Sư phạm.
Tác giả: Đoàn Trọng Huy