Nghiên cứu khoa học

Ma Văn Kháng - Nhà lao động chữ nghĩa tài năng xuất sắc


12-10-2020
Tác giả: PGS. TS Đoàn Trọng Huy

Dịp kỷ niệm 65 năm vào đầu tháng 10 vừa qua của Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, Ma Văn Kháng không về dự Lễ hội được. Chàng cựu sinh viên học vào một trong những khoá học đầu tiên ngày nào, đầy tình nghĩa với Khoa –“Cái nôi sinh thành của tôi” – chắc hẳn có sự áy náy lắm.

 

Dịp kỷ niệm 65 năm vào đầu tháng 10 vừa qua của Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, Ma Văn Kháng không về dự Lễ hội được. Chàng cựu sinh viên học vào một trong những khoá học đầu tiên ngày nào, đầy tình nghĩa với Khoa –“Cái nôi sinh thành của tôi” – chắc hẳn có sự áy náy lắm.

Đó là vì anh đang phải điều trị bệnh tim mạch, đặt thêm 3 cái stent để nong mạch vành, phải nằm tĩnh tại một chỗ. Cũng chắc chắn là “bệnh nhân” càng thêm xúc động, khi biết trong tập sách Kỷ yếu như tạp chí ảnh hoành tráng – trên 200 trang khổ lớn – 65 năm Sư phạm Văn khoa có bài và ảnh về nhà văn nổi tiếng, góp phần làm nên niềm tự hào và vinh dự lớn của khoa. Đó là bài Nhà văn Ma Văn Kháng: Biết sống đúng tư cách con người.

Chỉ hơn mười ngày sau dịp Lễ hội, từ Sài Gòn tôi đã gọi điện hỏi thăm sức khoẻ, nhân tiện hỏi thêm về tư liệu – những luận văn, luận án viết về Ma Văn Kháng.

Tưởng chỉ nhận được một cú điện thoại trả lời đại khái về số lượng. Thật bất ngờ, ngày 17/10, tôi nhận được mail trả lời ghi danh sách cụ thể của 30 bản trong khoảng 20 năm nay của các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội II, Đại học Tây Nguyên, Viện Văn học với chú thích: chưa đầy đủ, còn thiếu nhiều cơ sở, nhất là Đại học  Huế và thành phố Hồ Chí Minh.

Vậy là, nếu đầy đủ, cũng có thể lên tới 40 – 50, hoặc hơn nữa!

Tôi phục Kháng ở chỗ, qua một cơn “đụng độ dao kéo” về tim mạch lần thứ 2, mới phục hồi ít ngày, mà đã có thể vào bàn và làm việc được ngay. Đáng phục hơn, vì đây là công phu ghi chép, lưu trữ tài liệu tích luỹ đã từ lâu.

Với tôi, từ xưa, Kháng đã xứng danh là một người lao động chân chính, thực sự. Mà, lao động nghệ thuật lại là một thứ lao động đặc thù, đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ, tinh tế. Nổi bật là đức nghiêm cẩn, sáng tạo trong công việc hành nghề.

 Tôi chưa được khảo sát kho tư liệu ghi chép về vốn sống, chắc rằng rất phong phú và hết sức đồ sộ của nhà văn trong đời sáng tác. Hiển nhiên là Kháng có  “bộ nhớ” tuyệt vời như Tô Hoài, ghi vào trí não những cảm thụ, nhận thức từ thời trai trẻ. Để, gần như một đời, nhà văn khai thác mãi như chưa vơi cạn cái kho ấn tượng, ký ức, hồi tưởng như còn tươi nguyên cỏ nội, hoa ngàn, hương rừng, gió núi  ở một Vùng biên ải. Để, khi đã bước vào tuổi xưa nay hiếm – 80 tuổi, Kháng vẫn hồn nhiên kể chuyện xưa như tâm hồn cô gái ở vùng cao: “Em là Lý đây. Em đã được sống trong lòng cuộc sống ở Phong Sa với đủ các cung bậc buồn vui, đau khổ và sung sướng. Em là con đẻ của cuộc đời. Là con của người đời, em đang can đảm bước vào đời đây” (Chuyện của Lý, 2013). Tiếp đó, năm 2015, vẫn chuyện thầy giáo vùng cao trầm luân – Người thợ mộc và tấm ván thiên với bao kỷ niệm tươi ròng.

Tuy nhiên, một người nhớ giỏi, nhớ lâu như bậc trưởng lão Tô Hoài xưa kia cũng không thể tự tin hoàn toàn vào trí nhớ. Ông có rất nhiều sổ tay ghi chép, mà tôi từng được xem, được tặng một đôi cuốn, chẳng khác nào như những mỏ quặng để khai thác luyện nên  những kim loại quý.

Vì thế, Ma Văn Kháng không phải là ngoại lệ. Chỉ riêng Đồng bạc trắng hoa xoè đã là trải nghiệm sống của những tháng năm dấn thân vào cuộc đời các dân tộc, ghi chép tư liệu, khảo cứu lịch sử Lào Cai, và nhất là hàng chục quyển sổ tay được cần mẫn ghi chép ròng rã trong suốt những năm tháng ấy!

Ma Văn Kháng từng kể chuyện “hạ sơn” về vùng xuôi với chi tiết chuyển vận thú vị: “Bản thảo Vùng biên ải và gần một trăm cuốn sổ tay ghi chép cho các sáng tác khác (như tiểu thuyết Trăng non, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn sau đó) cần phải được bọc gói, xếp đặt cẩn thận trong ba lô, túi xách, rương hòm và áp tải an toàn về Hà Nội. Thôi, thế là tốt lắm rồi”.

Ma Văn Kháng có đức tính, cũng là tài năng ghi chép đặc biệt. Hồi còn là sinh viên, còn thiếu giáo trình, anh đã ghi gần như nguyên vẹn lời của các giảng viên, để rồi, sau này, các bạn học hàm thụ còn mượn đọc, coi như... giáo trình chính quy!

Cũng không thể kể hết những ghi chép khi đọc sách cổ kim, đông tây, văn học, lịch sử, văn hoá, xã hội, mà khi cần, người viết dẫn ra rất phù hợp, thích đáng, sát sao với văn cảnh, ý tưởng qua phê bình, tiểu luận phong phú (Sống rồi mới viết; Nhà văn, anh là ai?...).

Chỉ xin đề cập một mảng tư liệu của nhà văn, tạm gọi là Tư liệu về Ma Văn Kháng. Tức là, những bài viết nhận xét, cảm thụ, phê bình, nghiên cứu về tác phẩm và con người Ma Văn Kháng.

Tôi may mắn có trong tay khá nhiều tư liệu loại đó, do tự tìm tòi, do trao đổi, và được nhà văn cung cấp. Đó là những tập tư liệu khá đặc biệt, từ rất xa xưa, trước sau thời bao cấp mở cửa, được đánh số thứ tự Mục lục tập sưu tầm (I, II,...). Đủ loại. Đánh máy chữ, photo, viết tay, và đánh máy vi tính (gần đây).

Có tập phần lớn là photo lại bài báo in (Lao động, Tiền phong, Thể thao văn hoá, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ, Hà Nội mới chủ nhật...) hoặc sách in. Đám cưới không có giấy giá thú rộ lên trong giới giáo chức, bạn đọc qua nhiều bài trên Giáo viên nhân dân. Người viết từ nhiều thành phần: bạn đọc bình thường, nhà báo, nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình, trong đó có nhiều tên tuổi có uy tín.

Có hẳn ý kiến phong phí về cuộc hội thảo trên Văn nghệ số 6 (10/2/1990) về tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú.

Hội thảo trích dẫn ý kiến của Xuân Cang, Nguyên Ngọc, Lê Lựu, Nguyễn Kiên, Xuân Thiều, Huy Phương, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ,... Phía chủ nhà, có Hữu Thỉnh, Ngô Ngọc Bội, Hoàng Minh Tường, Phạm Tiến Duật, Phạm Đình Ân,... Đáng quý là có cả những bài viết tay được đăng, hoặc không được đăng trên các báo của những độc giả cán bộ, cơ quan, nhất là các nhà giáo lâu năm trong nghề.

Tôi có tập Thêm một vài tư liệu ( lưu hồ sơ riêng) của nhà văn, tập hợp một số bài phê bình, tiểu luận trên một số báo chí và ít phần tự bạch, tự kể về quá trình hình thành những tác phẩm những năm gần đây, như Bóng đêm (Công an), Bến bờ (Phụ nữ).

Lại còn các tập hàng trăm trang in ước tính, là tư liệu trực tiếp, gián tiếp từ nhiều nguồn, các trang mạng, các blog cá nhân.

Nhà văn đến với máy tính khá sớm. Làm việc khẩn trương, tốc độ ngay trong quá trình viết lách, sưu tầm, tích luỹ tư liệu. Đó là thuận lợi lớn của một người viết hiện đại so với thời xưa, cách đây cũng không xa.

Kháng lại còn có một người bạn tri âm, tri kỷ (hồng nhan tri kỷ). Trong suốt buổi xế chiều hoàng hôn ngả bóng vẫn hết lòng, hết sức, tận tình giúp đỡ. Sống rồi mới viết (165 trang A4) là tập tư liệu Tiểu luận và phê bình văn học đồ sộ của nhà văn, do Hoàng Tuyên sưu tầm và chỉnh lý, có đến tận bài viết ghi chú rõ: “Hà Nội – 15 giờ chiều thứ bảy 12/5/2012. Chuẩn bị đi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh ngày 19/5/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội”.

Tôi đặc biệt lưu ý danh mục về các luận văn, luận án như đã nêu trên. Trong tập tư liệu chỉ ghi vắn tắt đề cương nghiên cứu, các chương, các mục, tiểu mục theo kết cấu một công trình khoa học.

Chẳng hạn, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn – Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ Đổi mới có 3 chương lớn. Chương 1: Điểm nhìn trần thuật... Chương 2: Không gian và thời gian trần thuật... Chương 3: Giọng điệu và ngôn ngự trần thuật.... Qua đó là các mục và tiểu mục theo lý luận 1.1 (1.1.1, 1.1.2,...); 1.2 (1.2.1, 1.2.2,...) và chi tiết hơn (1.2.2.1, 1.2.2.2, 1.2.2.3,...)...

Đó chính là những luận điểm khoa học lớn, nhỏ.

Rất có thể, nhà văn đã vào các thư viện của trường Đại học, thư viện Quốc gia đọc trực tiếp, và ghi chép về các luận văn, luận án. Hoặc giả như là các học viên Cao học, Nghiên cứu sinh làm việc, trao đổi, học hỏi  và tặng công trình cho nhà văn – tác giả như cha đẻ tinh thần của sản phẩm nghệ thuật.

Thực ra, là nhà văn, ai cũng chú ý đến dư luận tác phẩm của mình. Tuy nhiên, với các thế hệ trước – như các nhà văn thời tiền chiến và 30 năm kháng chiến, nếu muốn cũng không có được đầy đủ các điều kiện, phương tiện như thế hệ đương đại với thế giới phẳng trong  hội nhập toàn cầu  ngày hôm nay.

Rất đáng lưu ý với Ma Văn Kháng là mảng tư liệu về nhà văn. Bởi, đó không chỉ là biểu hiện sự quan tâm, và công phu lớn, mà đó chính là việc tạo dựng một kho tư liệu quý giá về đời sống văn học của bản thân. Đây cũng là vốn sống đặc biệt, vốn sống của / về những trang viết.

Nhà văn được ví như con ong chi chút, cần mẫn hút mật cuộc đời để làm nên hoa trái tinh thần, thì đây là một sự thu hút đặc biệt về những mùa hoa trái. Phần rất lớn, đó là những mùa hoa thơm, quả ngọt, tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có cả những mùa hoa thui, trái lép nữa.

Điều quan trọng là, qua bề bộn tư liệu phong phú về đời sống, tác phẩm, nhà văn tích luỹ thêm được nhiều trải nghiệm sáng tác, những bài học thấm thía về thành công hay thất bại, những thể nghiệm về lý luận và thực tiễn sáng tác.

Trên hết, đó là những suy nghiệm về triết lý văn chương, về tư tưởng sáng tạo nghệ thuật. Để từ đó, họ thêm yêu quý, trân trọng và biết ơn bạn đọc qua thời gian – như người thẩm định viên sáng giá, minh triết nhất với sự nghiệp văn chương của bản thân. Và cũng là để phát huy tài năng, tăng thêm sức sống và sức viết cho ngòi bút.

Chắc Ma Văn Kháng rất tâm đắc với nhận định khá phổ biến trong giới văn chương: “Nguời khen ta là bạn ta, người chê ta là thầy ta”. Nhà văn mở lòng đón nhận tất cả bình luận để phân tích, chọn lọc và biến hoá. Đó là phương châm tâm niệm của nhà văn. Ông đã từng nghĩ, viết văn là một nghề có phần mạo hiểm, và đã một đời dấn thân trong những  thăng trầm.

Mỗi tác phẩm ra đời là một thử thách với dư luận, và sẽ sống chết, nổi chìm với dư luận. Dư luận ở đây chỉ rộng ra cả xã hội, và cả phạm vi hẹp – giới văn chương hàn lâm.

Ma Văn Kháng rất quan tâm tới những công trình tiểu luận, luận văn, luận án và muốn tìm ở đó những tiếng nói khách quan, khoa học, chân chính. Đó là một quan điểm đúng – không chỉ với tư cách của một người phát và thu nhận ngôn ngữ, mà còn của cả một nhà khảo cứu, một nhà khoa học tự làm giàu kiến thức về vốn sống và khoa học văn chương.

Ma Văn Kháng một đời lao động nghệ thuật miệt mài, mê mải. Ông là người lao động toàn diện trên các địa hạt: sáng tác và phê bình tiểu luận của văn chương.

Tuy nhiên, theo một cái nhìn tộng thể, nhân cách lớn bao trùm  được xác định là nhà văn – người lao động mẫn cảm, đam mê, sống hết mình với hoạt động nhân sinh và đời sống văn chương, văn hoá. Đó cũng chính là hình ảnh rất đáng yêu, và đáng khâm phục về một nhà nhân học sống và cộng hưởng với thế giới tâm hồn con người chân chính của thời đại.

Ma Văn Kháng có quan niệm chính xác: nghề văn là một nghề cần học hỏi suốt đời.

Như các bậc tài danh, học tập suốt đời là hành động nghiêm túc bậc nhất của người lao động chân chính, biết sống đúng tư cách của con người. Đặc biệt, nhà văn phải là người mê mải với việc học nghề.

Là lớp đi sau, nên Ma Văn Kháng có cái may mắn hơn các bậc  đàn anh – Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài,  là được đào tạo chính quy qua Khoa Ngữ Văn, rồi lại được bồi dưỡng một cách căn cơ, bài bản qua Trường Nguyễn Du. Tất nhiên, trường Đời – trường đại học của cuộc đời mới chính là cái nôi sinh thành quan trọng nhất, để ông có thể được đào tạo và trở thành một nhà văn thực sự.

Nhiều năm làm Chủ nhiệm tạp chí Văn học nước ngoài thời mở cửa hội nhập đã giúp nhà văn có được một vốn tri thức cao hơn hẳn những người viết cùng trang lứa, thậm chí hơn cả các thế hệ đi trước. Ông đã trở thành nhà văn vào hạng thức thời nhất không những về kinh nghiệm sáng tác, mà còn cả về việc tiếp thu những lý luận sáng tác hiện đại nhất.

Ma Văn Kháng trang bị cho mình thêm phương tiện, vũ khí chiến đấu trên trường văn, trận bút  phạm vi toàn cầu. Chủ yếu là ở thế giới phương Tây – nơi có nhiều giải Nobel về Văn học, mà một thời nước ta tiếp cận khá dè dặt vì nhiều lẽ. Những chuyến đi nước ngoài cũng là dịp giao lưu, học hỏi, biết mình, biết người.

Biết mình là quan trọng nhất. Phải hiểu biết và chọn lọc tinh chất thấu đáo từ nguồn văn học truyền thống.

Trong một bài tham luận tại Hội thảo văn học tại Copenhagen, Đan Mạch – Đất nước của Nàng tiên cá hồi tháng 8/1992, có một bài viết với nhan đề Thuận theo người mà không bỏ mình có chú thích chu đáo: Cao Bá Quát (1806 – 1854), Nguyễn Văn Siêu (1795 – 1872), Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), Nguyễn Đức Đạt (1824 - ?), Ngô Thời Nhiệm (? – 1803), Lê Quý Đôn (1726 – 1784), Nhữ Bá Sĩ (1788 – 1867)... Đối ngoại, nhà văn dẫn ra ảnh hưởng từ xa xưa của văn hoá cổ điển Trung Hoa, những dấu vết của trào lưu văn học thế giới như chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hậu hiện đại, nghệ thuật baroc, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin. Các danh tài được dẫn ra nhiều: M. Proust, F. Kafka, F. M. Hermingway, A. Lamartine, P. Verlaine với Thơ mới 1930 – 1945, I. Erenbourg, K. Pautovski, K. Simonov,... thời kháng chiến.

Tác giả khẳng định một phương hướng mới: “Mở cửa, đón nhận, giao lưu, biết người khác, đó là quy luật tồn tại. Văn học Việt Nam hôm nay rõ ràng là khởi sắc, nhưng đọc văn học Việt Nam hôm nay không thể không nhận ra cái hồn cốt dân tộc, cái hạt nhân bản ngã dân tộc trong sự sáng tạo, sự kích thích của ảnh hưởng từ bên ngoài”. Nhà văn đam mê đọc tác phẩm văn học kinh điển của các nhà văn nước ngoài, cũng như các tác phẩm văn học cổ điển từ cổ chí kim, để tìm ra những giá trị tinh tuý trường tồn mãi với thời gian lịch sử.

Thời trẻ, Ma Văn Kháng đã đảm nhiệm cương vị Phó Tổng biên tập báo Lao Cai, rồi làm Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lao động (1972 – 1990). Sau đó, ông trở thành Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn việt Nam (các khoá V, VI), và trở thành Chủ nhiệm tạp chí Văn học nước ngoài.

Hơn 30 năm làm lãnh đạo, biên tập là một quá trình rất đáng quý để rèn giũa ngòi bút.

Vậy là, một đời vì con chữ – dạy học và làm văn, nhưng chủ yếu là làm chữ đẹp (Văn chương). Nhà văn là người chuyên sản xuất chữ nghĩa, nhưng lại còn kiêm cả sửa chữa, đẽo gọt, đánh bóng và tô màu từng con chữ. Nghĩa là, họ còn có cả tư cách người kỹ sư, kiêm nhà mỹ nghệ chế tác con chữ.

Người viết thực sự thường phải đánh vật với con chữ, đôi lúc hình thành sản phẩm xong rồi còn phải qua chỉnh sửa nhiều. Ma Văn Kháng là một nhà văn như thế: rất cẩn trọng, chỉn chu với những gì đã viết.

Qua tâm sự, ta thấy rất rõ về sự hình thành một tác phẩm là cả một quá trình vất vả, cực nhọc vô cùng. Văn xuôi Ma Văn Kháng đã ra đời trong một cảm thức nghiêm nhặt, và một quá trình đúc luyện cẩn thận, tinh vi.

Hầu như tất cả các nhà văn xuôi đều phải có bản thảo. Qua quá trình sửa chữa, phần sơ thảo này mới chuyển thành tác phẩm chính thức và được công bố. Trong nhiều trường hợp, các sự chỉnh sửa còn tiếp tục sau đó qua các lần xuất bản.

Với Ma Văn Kháng, ta có thể nói quá trình cho ra đời tác phẩm là cả một kỳ công.

Đồng bạc trắng hoa xoè là một thí dụ tiêu biểu.

Theo trả lời phỏng vấn thì tháng 11/1974, kỷ niệm lần thứ 24 giải phóng Lao Cai, nhà văn bắt đầu đặt dấu chấm cuối cùng cho tác phẩm. Đã trải qua quá trình vất vả với 4 lần sửa chữa, viết lại từ chữ đầu tiên đến chữ cuối gần 1000 trang giấy viết tay, sau khi nhận được nhiều góp ý từ biên tập xuất bản. Mãi 5 năm sau, sách mới được in và ra mắt bạn đọc (Nhà xuất bản Văn học, 1979).

Ma Văn Kháng có thói quen là luôn tu sửa kỹ bản thảo, với mong muốn cầu toàn tối đa. Ngay cả khi gửi bản thảo đi, vẫn chưa thật yên tâm. Bởi còn phải tiếp tục ứng phó với những sự xét nét, vạch vòi của ban biên tập.

Gần đây, tháng 1 năm 2012, tác phẩm Võ sĩ lên đài do Nhà xuất bản Trẻ in và phát hành là thêm một minh chứng tiêu biểu .

Năm 1983, bản thảo được gửi đến nhà xuất bản Hà Nội. Chừng 6 tháng, sách đã phát hành. Đó là một bất ngờ lớn, bởi bản thảo gửi đi thường phải chờ đợi hàng năm mới được duyệt.

Thế là, tác giả nửa mừng, nửa lo, mà lo thì nhiều, với tâm sự: “Lo vì mình vẫn giữ nền nếp là còn phải sữa chữa chán chê đã, rồi sách mới ra được, nên bản thảo đầu tiên gửi đi vẫn coi như là bản thảo chưa hoàn thiện... Mang sách về đọc lại cũng thấy tạm hài lòng. Tạm thôi. Vì thật tình còn muốn viết lại nhiều chỗ..Và thế là một quá trình sửa chữa tận lực đã bắt đầu” (Ghi chú về cuốn Võ sĩ lên đài). Rồi bản thảo mới được ra sách, do Nhà xuất bản Kim Đồng in lại bản năm 1998. Bản thảo Võ sĩ lên đài công bố đầu năm 2012, có lai lịch gần  30 năm như vậy, là sản phẩm có mức độ hoàn thiện tối đa với tài lực và ý nguyện, mong mỏi của nhà văn.

Cùng chăm lo con chữ, nhưng cách thức lao động chữ nghĩa có khác nhau. Nhà giáo dạy văn chuyển sang viết văn khá thuận lợi, bởi cùng nghề ngôn ngữ văn học. Cái khác là, khi dạy thì phải dùng nhiều  loại văn khoa học, còn viết thì phải tạo ra văn mỹ thuật. Sở trường, sở đoản cũng nằm ở đó. Cảm xúc dạy văn là cảm xúc thiên về khoa học, gần như khác biệt, viết văn chủ yếu là về cảm quan mỹ học.

Giỏi lý luận văn học, thì viết tự tin, có định hướng, và chọn được con đường chính xác. Tuy nhiên, cần phải xuất phát từ cảm thụ cái đẹp của cuộc sống, và tâm hồn con người. Phải viết từ một sự thôi thúc mỹ cảm.

Viết vì một cảm hứng mãnh liệt, viết để trải lòng lên trang giấy. Nhiều khi, từ một sự ngẫu hứng, một sự thúc đẩy vô thức như xuất thần, như thăng hoa của tâm trí. Không ai viết từ suy tư lý luận chủ nghĩa này, thuyết lý nọ. Lý luận phải thấm vào cảm xúc, để trở thành dòng văn chương.

Lao động chữ nghĩa là lao động nghệ thuật ngôn từ mang tính đặc thù, độc đáo, mang cái cực nhọc, vất vả rất đặc trưng, và cũng có cái hạnh phúc thật đặc biệt. Vinh quang chỉ đạt được khi đã vượt qua bao khổ ải. Nguyên Hồng tạo sự đồng cảm của người viết qua ý tưởng cho rằng mỗi con chữ phải là chắt lọc tinh vi nhất như giọt máu trong tim, tức những gì sống nhất, thật nhất của bản thân.

Ma Văn Kháng từng tâm sự: “Có lúc ngồi nhìn lại mình... tôi phục mình quá, nửa thế kỷ mà cứ cặm cụi với con chữ. Mình tự làm khổ mình, tự giày vò mình, tự làm đau mình, tự đày mình chứ chẳng phải “giời đày” như người ta hay nói... Viết nhọc nhằn, và cô độc thế đấy, nhưng nếu có kiếp sau, có lẽ tôi vẫn chọn để trở thành một người cầm bút” (Bình Nguyên Trang, Ma Văn Kháng tự đày mình vào cõi văn chương).

Đã có nhiều lời ca ngợi: “Ông là một “người chữ” thực sự. Chữ nghĩa đã dệt nên một tấm chân dung Ma Văn Kháng, mà sau nhiều thập kỷ, người ta vẫn tìm đọc. Và ông cũng nguyện cả cuộc đời mình phụng sự chữ!” (Mai Hoàng, Ma Văn Kháng một đời với chữ).

Nhà lao động chữ nghĩa đã trở thành nhà nghệ thuật ngôn từ [2].

Tôi đã từng dẫn lời khen của GS Phong Lê trong một bài viết trên báo: “Đặc biệt là ngôn ngữ, nếu muốn tìm đến sự phong phú của ngôn ngữ - áp cận được vào thời hiện đại, tôi nghĩ cần đọc Ma Văn Kháng, và trước đó là Tô Hoài”.

Có lẽ, đó là bình phẩm khoa học chính đáng  nhất dành tặng cho Ma Văn Kháng – người một đời lao động chữ nghĩa tài năng, đặc sắc hàng đầu hiện nay./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đoàn Trọng Huy (2012) Ma Văn Kháng viết như tiếng gọi khẩn thiết của cuộc sống, Văn nghệ, Số 25.

[2] Đoàn Trọng Huy (2012), Cảm nhận nghệ thuật ngôn từ Ma Văn KhángDiễn đàn văn nghệ Việt Nam, Số 212.

[3] Phong Lê  (2006) Người trong văn,Văn hoá Sài Gòn

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020