Nghiên cứu khoa học

Cảm nhận tâm huyết kính dâng người (Đôi điều tự bạch về cuốn "Hồ Chí Minh - niềm thơ cao cả"


12-10-2020

Cuốn "Hồ Chí Minh – niềm thơ cao cả" được tập trung thực hiện chủ yếu trong vòng 5, 6 năm nay nhưng có thể nói là được viết bằng tất cả những rung động, cảm xúc, nhận thức, lòng biết ơn, thấm thía máu thịt suốt cuộc đời.

Tôi có diễm phúc trong đời là được dự cuộc mít tinh ngày 2/9/1945 ở Hà Nội, và được nghe tiếng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Tôi đã cùng đồng bào đáp “Có” như vỡ lồng ngực khi nghe tiếng Người hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Thế hệ học sinh nhỏ tuổi chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì chưa kịp ngấm sâu cái xấu xa của xã hội cũ, lại được tiếp nhận ngay nguồn sống tươi đẹp và sức mạnh dạt dào của chế độ mới. Và từ đó, chúng tôi được ném vào lò luyện thép của 30 năm lao động và chiến đấu, xây dựng bảo vệ đất nước.

Khi đi dạy học, tôi đã được một số lần nghe Người nói chuyện và huấn thị tại Trường Đại học và các hội nghị Giáo dục thành phố và Toàn quốc. Những ấn tượng về hình ảnh, giọng nói, lời dạy ấy theo mãi và ngấm sâu vào hồn cốt. Tới nay đã hơn 60 năm làm thầy, nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng, văn thơ Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy thấm thía và tự hào vô hạn khi được nói ra những cảm nhận, suy tư sâu sắc nhất  của bản thân và truyền đạt tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh.

Cuốn Hồ Chí Minh – niềm thơ cao cả được tập trung thực hiện chủ yếu trong vòng 5, 6 năm nay nhưng có thể nói là được  viết bằng tất cả những rung động, cảm xúc, nhận thức, lòng biết ơn, thấm thía máu thịt suốt cuộc đời.

Tôi đã viết với tư cách một công dân, một cán bộ, một trí thức cảm nghĩ nghiêm cẩn sâu sắc về lãnh tụ. Hơn thế, với chỗ đứng văn hóa, giáo dục, nhất là vị trí người làm lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học, tôi đã phải mở rộng trường quan sát, chiêm ngưỡng, suy tư về con người, cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh để thu về ống kính cá nhân một hình ảnh – cũng là hình tượng nổi bật, độc đáo, tỏa sáng: Hồ Chí Minh – niềm thơ cao cả.

***

Nhân cách, được hiểu là tư cách và phẩm chất con người. Nhân cách, nói cách khác, là tổng  hoà tất cả những gì  hợp thành một con người, một cá nhân với bản sắc cá tính, đặc điểm về tài năng, đạo đức. Vĩ nhân Hồ Chí Minh là con người có nhiều nhân cách khi xét theo Văn học và cả Tâm lý học (multiple personality, personalité multiple)Đó là một nhân cách vĩ đại, chứa đựng nhiều nhân cách lớn.

Chính vì vậy, Người có nhiều vị thế và do đó có nhiều tư thế khác nhau với những uy danh không giống nhau trong một uy thế chung lớn lao.

Hồ Chí Minh chính là lịch sử. Lịch sử đã chứng minh như vậy. Thế giới đã “định nghĩa” Người bằng nhiều sự vinh danh. Các nhà thơ có những cảm nhận độc đáo:

Vì sao thế giới nặng ân tình

Nhắc  mãi tên người Hồ Chí Minh

Như một niềm tin, như dũng khí

Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh

Theo chân Bác – Tố Hữu

Sự tôn vinh của nhà thơ Chế Lan Viên đến nay vẫn đúng:

Trong thế giới bạo tàn này, Người là những bóng cây xanh

Trong thế giới bạo tàn này, Người cũng là vị tướng Hồ Chí Minh

                Ta nhận vào ta phẩm chất của Người

Tổ chức thế giới UNESCO vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc và coi Người là Danh nhân văn hóa, đề nghị thế giới tổ chức kỷ niệm từ dịp 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa qua, dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn, nhắc lại trước toàn thể đồng bào và nhân dân thế giới: “Trong niềm tự hào và xúc động thiêng liêng, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới...”

Hồ Chí Minh đã sống hàng trăm cuộc sống. Từ Người cùng khổ, dưới đáy xã hội đến vị lãnh tụ cách mạng hàng uy tín cao thế giới, trải nghiệm cảm thông bao phận người, kiếp người. Người đã sống tột cùng với cay đắng, khổ đau, oan trái, buồn tủi cũng như vui mừng, tự hào vui sướng hạnh phúc của con người.

Một định nghĩa thơ đặc sắc về Người: “Một con người, người nhất” (Chế Lan Viên). Nhà thơ Việt Phương nêu rõ hơn: “Hồ Chí Minh – người đi soi sáng chất con người”. Hồ Chí Minh là con người của đời và Người đã nói: Người đời không phải thánh thần”. Người tự xét đã có khuyết điểm, đã từng nhận lỗi trước nhân dân. Chính lãnh tụ tối cao “không sợ khuyết điểm” đã tỏ rõ trước thiên hạ thái độ và hành động rất “thánh thần”.

Thế giới tôn vinh Người là “thánh nhân” từ lâu, như nữ sĩ Amita Pritam - Ấn Độ là người phát ngôn, đại diện cho nhân loại tiến bộ. Điều quan trọng là, Hồ Chí Minh đã “hiển thánh” trong trái tim con người dân tộc. Đó là một thực tế hùng hồn, mà văn thơ, văn hóa, nghệ thuật đương đại, hình như chưa đủ sức tôn thiêng Người xứng đáng.

Có hiểu vị thế lịch sử của lãnh tụ vĩ đại mới hiểu rõ được sự nghiệp cách mạng của Người.

Có hiểu ở trình độ cao siêu – nhà chính khách quốc tế, triết gia vĩ đại mới nắm chắc được hệ tư tưởng Hồ Chí Minh.

Có hiểu được vai trò chiến sĩ quốc tế Hồ Chí Minh mới thấu hiểu được những chân lý được Người  phát kiến cho lịch sử đấu tranh trong thời đại.

Có hiểu được tầm vóc hoạt động xã hội phạm vi thế giới của Người mới hiểu sâu sắc được những đóng góp cho văn hoá, văn minh nhân loại.

Sau đây là điều tâm niệm và ý tưởng phấn đấu để viết công trình này:

- Phải thấu hiểu con người tổng thể, tổng hòa để hiểu rõ con người tư tưởng – văn hóa Hồ Chí Minh.

- Phải hiểu rõ được con người tư tưởng – văn hóa mới để nhận ra con người văn thơ Hồ Chí Minh.

- Phải thâu tóm sự nghiệp lập thân, lập chí, lập ngôn cao cả mới hiểu rõ tư tưởng, tình cảm và tư tưởng nghệ thuật văn thơ Hồ Chí Minh.

Công trình này, vì vậy, xuất phát từ ba nguồn ánh sáng như kết cấu đại thể gồm 3 phần của cuốn sách:

I/ Hồ Chí Minh – con người và sự nghiệp.

II/ Hồ Chí Minh qua văn thơ.

III/ Hồ Chí Minh qua cảm thụ văn học.

Trên đây là toàn bộ thuyết minh cho phần I của cuốn sách.

***

Như ta đã biết, Hồ Chí Minh không có ý định lập thân bằng văn chương. Tuy nhiên, vì yêu cầu của cách mạng, Người mới viết văn và làm thơ.

Văn thơ chỉ là một bộ phận trong sự nghiệp viết, mà sự nghiệp trước tác nói chung cũng nằm trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại. Trước tác về chính trị, xã hội và văn chương chính là vũ khí của “tiếng nói”.

Vậy là, một cách tự nhiên – “Ngâm thơ ta vốn không ham”, Người trở thành một nhà văn, nhà thơ lớn. Khi thấy tác dụng lớn lao của văn thơ, văn hóa, Người đã cầm bút sáng tác một cách tự giác, và tuyên truyền cho một Cách viết hiệu quả, sáng tạo.

Văn thơ chính là tâm hồn, cốt cách con người. Văn thơ của Người là nơi kết tinh rạng ngời chân dung Hồ Chí Minh.

Chính vì vậy, Đọc văn Người (Chế Lan Viên) là một cách đọc chân dung lãnh tụ sâu sắc, thấm thía đầy hứng thú.

Thực ra, phần Con người và sự nghiệp cũng đã được minh họa phần nào bằng văn thơ, văn hóa Hồ Chí Minh. Phần nghiên cứu văn thơ của Người sẽ bổ sung, làm rõ nét thêm hình ảnh Con người lãnh tụ vĩ đại chủ yếu ở góc độ Người chiến sĩ văn hóa tài năng và đức độ cao siêu tuyệt vời..

Hình ảnh, cũng là hình tượng nổi bật bao trùm chính là Thi nhân – chiến sĩ Hồ Chí Minh chủ yếu ở phần thơ ca. Và hình ảnh Văn nhân – chính khách ở phần văn.

Để tiện cho việc theo dõi, xem xét, nghiên cứu, văn thơ Hồ Chí Minh được các chuyên gia sắp xếp theo khu vực văn thơ nghệ thuật và văn thơ nghị luận, tuyên truyền. Do đó, Người có những cách viết và văn phong khác nhau.

Hồ Chí Minh là người viết đa tài. Đầu tiên, Người viết báo, sau đó đến thơ văn. Do hoàn cảnh phải hoạt động ở nước ngoài, Người phải viết bằng tiếng nước ngoài – tiếng Pháp, Anh, chữ Hán và cả tiếng Việt khi ở trong nước. Vì thế, Người có nhiều văn phong khác nhau, tiếng nào ra tiếng nước ấy, nhưng thông thạo nhất và tuyệt vời nhất vẫn là tiếng mẹ đẻ – thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc và phong cách, cá tính sáng tạo Hồ Chí Minh.

Những tác phẩm tiêu biểu được xem xét, tìm hiểu với quan điểm khách quan, khoa học qua đời sống lịch sử.

Người viết đã cố gắng tiếp thu các công trình có giá trị qua các Hội thảo khoa học, đặc biệt là những dịp kỷ niệm lớn – 100 năm, 115 năm, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoặc 70 năm Nhật ký trong tù... Trên cơ sở thu nhận những thông tin cập nhật, phát biểu thêm những cảm nhận cá nhân.

Cách trình bày là cảm thụ văn chương theo góc độ nghiên cứu, bình luận văn học. Khi cần thiết, phải vận dụng cả giảng văn. Tuy nhiên, khác với giảng từng bài văn, người viết bình và giảng cả một nhóm bài, một loạt đề tài, chủ đề. Chẳng hạn: Trăng sáng, hoa thơm trong thơ Hồ Chí Minh; Núi non, sông nước trong thơ Hồ Chí Minh... hoặc Đọc tâm hồn xuân Bác Hồ, Tỏa sáng sắc xuân Hồ Chí Minh...

Qua những bài viết đó, chủ yếu phân tích nổi bật Con người thiên nhiên Hồ Chí Minh, tố chất thi sĩ đích thực của Người. Nhưng, vì khác hẳn thơ ngâm vịnh xưa, nên qua đó cũng bộc lộ rõ chất thép và chất tình quấn quyện trong thơ của Nguời.

Tình yêu tha thiết với non nước, núi sông chính là lòng người yêu nước mãnh liệt. Cảnh “như vẽ”, “chưa ngủ” nhưng cốt yếu là tâm trạng cao đẹp, thiêng liêng: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” (Cảnh khuya). Là thi nhân, Người yêu cái Đẹp của cuộc đời; là chiến sĩ, Người đấu tranh bảo vệ cho cuộc đời Đẹp. Vì thế, Hồ Chí Minh, hồn cách mạng, hồn thơ chính là tổng hợp hai con người trong một con người hay hai tố chất hữu cơ trong một tâm hồn.

Qua một tác phẩm lớn, còn có thể phát hiện Con người tổng hòa của lãnh tụ.

Ánh ngọc từ Nhật ký trong tù phân tích những màu sắc lung linh về phẩm chất, cốt cách  Hồ Chí Minh. Từ đây, ngoài tư cách thi nhân – chiến sĩ, Người còn bộc lộ phẩm cách nhà nhân văn chủ nghĩa lớn có cảm thức nhân loại đối với cái chúng sinh nhỏ bé – nạn nhân của xã hội trong nhà tù, cũng như tình đồng chí, bằng hữu cùng với tình đồng loại.

Từ đây là nhà tư tưởng lớn với tư duy đại đoàn kết mang  ý thức quốc tế cách mạng chân chính. Những lời tự dặn lòng – Tự miễn, Bốn tháng rồi..., Nghe tiếng giã gạo... cũng chính là những bài luân lý cách mạng hiện đại của nhà đạo đức lớn.

Nếu khảo sát kỹ, ta sẽ thấy ngay ở đây, từ đây sự khởi thảo và phát lộ nhân cách của một nhà giáo dục, nhà văn hóa, và cao hơn những tư tưởng chính trị, triết lý của một chính trị gia lỗi lạc, nhà triết học vĩ đại đầy trải nghiệm về nhân sinh và xã hội.

Tóm lại, qua tất cả sự nghiệp văn thơ của mình, Hồ Chí Minh đã hiện thân là một nhân cách vĩ đại trong thời đại mới cách mạng.

***

Cảm thụ văn học về Hồ Chí Minh sẽ là một tiếng nói khách quan có sức hỗ trợ và khẳng định mạnh mẽ những cảm nhận cá nhân.

Người viết chọn lựa những mẫu điển hình, những tác gia tiêu biểu nhất về thơ ca và văn xuôi đương đại. Chế Lan Viên, Tố Hữu là những nhà thơ hàng đầu, nổi tiếng nhất, đã sáng tác nhiều và hay nhất trong suốt đời về hình tương Hồ Chí Minh. Sơn Tùng là nhà văn tương tự, gần như dành cả cuộc đời để nghiên cứu, tìm hiểu, cảm nhận về thần tượng Hồ Chí Minh.

Bằng đặc trưng thể loại riêng, với những phong cách khác nhau, qua những con đường tìm kiếm, sáng tạo không giống nhau, các nhà văn, nhà thơ đã đạt được thành tựu rất đáng khích lệ. Họ đã khắc họa được chân dung toàn vẹn nhất, đẹp đẽ  nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Tất cả đều xây dựng hình tượng theo quan điểm lịch sử cách mạng như một cuốn biên niên sử về hình tượng nghệ thuật.

Tố Hữu viết bài thơ nổi tiếng Hồ Chí Minh từ 26/8/1945 cho đến những thể hiện hình bóng lãnh tụ những năm cuối đời. Trước lúc ra đi mãi mãi, Cảm nghĩ đầu xuân 2002 còn mơ ước: “Mở rộng con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” cho tương lai. Chế Lan Viên viết về Hồ Chí Minh cũng từ rất sớm với bài thơ nổi tiếng Người đi tìm Hình của Nước (1960) cho đến những bài có tính tưởng niệm, suy tư về Người qua Di cảo thơ. Sơn Tùng theo dõi sự hình thành nhân cách ban đầu từ tuổi thiếu niên đến thành niên của Nguyễn Sinh Côn và Nguyễn Tất Thành qua Búp sen xanh (1980) và Bông sen vàng (1990) và nhiều tác phẩm về Bác Hồ sau này (2000, 2005, 2006, 2008).

Về thể loại, đã có quy mô lớn là trường ca (cả Tố Hữu, Chế Lan Viên ) và tác phẩm nhiều tập, một tập hợp công trình  (Sơn Tùng). Tất cả đều có phong vị, tố chất sử thi, anh hùng ca theo khuynh hướng sử thi của một thời.

Bằng những phương tiện biểu hiện phong phú, đa dạng của những ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, nền văn học nghệ thuật Việt Nam cho tới nay hầu như đã dựng thành công tượng đài bất hủ Hồ Chí Minh.

Lao động, sáng tạo nghệ thuật là cả một quá trình. Riêng trong thơ văn, người cầm bút phải không ngừng vươn lên về tầm tư tưởng và trình độ nghệ thuật để đạt được kỳ vọng là thể hiện bức chân dung chân thật nhất và đẹp nhất về vị lãnh tụ.

Tố Hữu từ Hồ Chí Minh đến Sáng tháng năm đã cống hiến một bức chân dung đậm đà tính dân tộc đến một hình ảnh lãnh tụ kiểu mới – thấm đượm tính nhân dân. Từ “Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà” đến “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” đã là hai trình độ thể hiện hình ảnh và hai đặc trưng bút pháp khác nhau. Chế Lan Viên cũng có bước trưởng thành nghệ thuật cùng với cái Tâm và cái Tầm cảm nhận và biểu hiện đối tượng thẩm mỹ đặc biệt - Hồ Chí Minh. Nghệ thuật trong mấy tập thơ dâng Bác cung cấp cho bạn đọc nét so sánh thú vị về hai vẻ đẹp trong phong cách thơ qua tập Bác Hồ và Hoa trước lăng Người.

Các tác phẩm thơ, văn tiêu biểu được đề cập trong cuốn sách này đều là những công trình lớn, nhỏ nhằm tạo dựng đầy đủ, chính xác và đẹp đẽ nhất tượng đài kỳ vỹ Hồ Chí Minh với những góc độ cảm nhận rất phong phú.

Phần này sẽ đóng góp trực tiếp vào các phần trên để làm sáng tỏ thêm bức chân dung như kết tinh mọi vẻ đẹp tinh anh của lãnh tụ. Toàn bộ cuốn sách như sự đúc kết gương mặt cuộc đời một Con Người đã trở thành huyền thoại trong lòng dân tộc và lương tri nhân loại.

***

Đã có rất nhiều bài thơ, khúc ca Dâng Bác. “Thế giới nặng ân tình” (Tố Hữu) còn chiêm ngưỡng mãi một Con Người mà sự nghiệp cuộc đời như một bản Anh hùng ca sáng láng bất hủ. Bởi một lẽ thường tình mà kỳ diệu: HỒ CHÍ MINH – NIỀM THƠ CAO CẢ.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020