Nghiên cứu khoa học

NHÂN CHUYỆN "BÙN" VÀ "ĐẤT CÀY"


12-10-2020

Soi vào chỉnh thể thi phẩm Tiếng Việt, thì thấy Lưu Quang Vũ không chỉ yêu tiếng Việt mà còn thương tiếng Việt. Nó hiện ra thành cả niềm ca ngợi đến đắm đuối, cả nỗi xót xa đến đớn đau. Hai cảm hứng ấy cứ nương nhau, hòa vào nhau trong cùng một hình tượng xuyên suốt : tiếng Việt là thân phận người Việt, nó mang trong mình cả vẻ đẹp Việt lẫn nỗi khổ Việt.

 

Tôi chắc, dù có tài thánh thì cả Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và Phạm Tiến Duật đều không thể lường được rằng : cái việc cỏn con mình tạo ra xung quanh hai chữ “bùn” và “đất cày”, khi in bài Tiếng Việt, mấy chục năm sau lại gây thành cuộc xung đột lớn, với chia rẽ sâu sắc đến vậy. Bị cuốn vào vụ này có dễ đến hàng vạn người. Hàng vạn ấy đã tự phiên chế thành hai phe : “phe bùn” và “phe đất cày”. Bùn ném đi. Đất ném lại. Ai cũng găng. Chả ai chịu núng. Túi bụi. Mù mịt. Hiện, chưa thấy cắm cờ đỏ, cũng chưa thấy ra cờ trắng. Có lẽ, bên cạnh mấy định đề lâu nay về thơ, cần thêm một câu nữa là : “thi trung hữu… bão” chăng ?

Sau khi em gái yêu của Lưu Quang Vũ phát biểu lần thứ 3, thì “phe bùn” có vẻ yên chí nhớn. Số là, lần đầu trả lời báo, nàng khẳng định rằng : chữ gốc của anh trai mình là “đất cày”, còn “bùn” là do bàn tay biên tập của Phạm Tiến Duật sửa. Lần hai, thì tráo lại : “bùn” trao cho Vũ, còn “đất cày” ấn cho Duật. Đến lần ba, thì tái khẳng định như lần hai, phủ định lần đầu, có đưa ra bản chép tay của Vũ làm bằng, chữ rõ mười mươi là “bùn” chứ không phải “đất cày”. Nên, “phe bùn” đắc thắng. Hết lí cớ để bàn cãi nhé. Đúng ư ? Sai ư ? Hay ư ? Dở ư ? Vớ vẩn. Văn bản là văn bản. Mà văn bản là “bùn”. Chấm hết. Chuyện chữ nào chuẩn hơn, văn bản nào đáng tin hơn, xem như đã khép lại (họa chăng, một ngày … xấu giời nào đó, bỗng tòi ra một bản chép tay khác, được xác định đấy mới là gốc của gốc, may ra, câu chuyện văn bản lại mới tái hồi thôi. Mà điều này thì ai dám bảo là không thể ? Văn bản học nước mình nó mới vui thế chứ ! ). Song le, mở Tuyển tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - tự tay nàng làm cho anh với lời tuyên đinh đóng cột rằng : mọi bài công bố đều theo bản gốc, rà đến chữ này, người ta thấy, té ra, lại vẫn là… “đất cày”. Thế là thế nào ? Ừ, sao lại thế nhỉ ? Nên, phe “đất cày” vẫn quyết không chịu. Hiện thì im im, nhưng vẫn âm ỉ một nỗi hồ nghi.

 Thôi thì văn bản là “bùn”.  Nhưng, bảo ví với “bùn” là cách ca ngợi tiếng Việt, thì toàn bộ phái “đất cày” không nghe nổi. Mà thuộc phái này đâu có ít người rành thơ, thậm chí rất nhiều nhà văn nhà thơ. Đã rành, thì mấy ai không thạo cách hiểu ngôn từ thơ : đầu tiên phải đột phá trực diện vào nghĩa chữ với những đen những bóng, rồi xem xét chữ trong văn cảnh, thậm chí đặt chữ vào chỉnh thể văn bản nữa… Làm đủ cả rồi mà lòng vẫn không thấy thông. Xưa đến rày, có lề lối thẩm mỹ nào ca ngợi nhau mà lại ví với bùn chứ ? Cái ông Lưu Quang Vũ này mà lại dùng chữ xậm xịt thế a ? Nên, dù tay không thể cancel với “bùn”, nhưng bụng vẫn bấm like cho “đất cày”.

Phần mình, tuy không trực tiếp tham chiến, nhưng trong vài trao đổi riêng, tôi cũng từng bỏ phiếu cho “đất cày”. Tôi viết đôi dòng này không phải để bênh vực “đất cày” hay chiêu tuyết cho “bùn”, cũng không phải đứng về một bên để chống lại bên thứ ba (như đài vẫn nói). Mà, đơn giản, để trình báo kết quả từ một hướng tìm nghĩa đã giúp tôi nhận thức lại. Ấy là tìm nghĩa bằng xét nghiệm ADN, hay nhận diện nghĩa qua gene chữ. Tù mù nhỉ ? Thực ra là soi chữ bằng phong cách ngôn ngữ của tác giả thôi. Cách này thấy đã có người làm, nhưng hình như quy trình có vấn đề gì chăng, nên vẫn chưa đưa nhau ra khỏi hỏa mù.

Việc cảm nhận, ngay cả khi nghĩa chữ đã vỡ ra bằng những cách thông thường, thì vẫn nên xét nghiệm ADN. Bởi trong bảng từ vựng của một nhà văn tài năng, những chữ thực sự kết đọng tâm huyết tác giả thì chả mấy khi chịu ló mặt chỉ một lần. Trái lại, nó luôn tìm cách trồi ra dưới đầu ngòi bút ở những lần khác nhau, bằng những dạng thức khác nhau. Có sự hiện diện như thế là bởi niềm thiết tha của tư tưởng và xung lực của phong cách. Mỗi chữ ấy vốn là một giọt sáng của tư tưởng và phong cách mà. Cụ thể, chúng tạo nên một vỉa chữ. Từng chữ trong vỉa vừa góp nghĩa tạo thành một vầng nghĩa chung, đồng thời, nghĩa riêng lại bị chi phối bởi vầng nghĩa chung ấy. Nên mỗi chữ vừa là một cá thể có gương mặt riêng vừa mang gene chung của vầng nghĩa đó. Điều này cho phép việc kiểm nghiệm bằng gene (hay xét nghiệm ADN) có thể giúp nhận diện chữ. Để tìm vỉa, không thể không bắt đầu bằng thống kê về số lần xuất hiện. Từ đó xác định biên độ của vầng nghĩa. Cuối cùng, đem vầng sáng ấy soi vào từng cá thể chữ thì gương mặt thực của chữ có thể tỏ rạng lên.

Nếu “đất cày” và “bùn” thực mang tâm huyết tác giả, thì cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Theo thống kê (có thể còn sót ?), trong 135 bài của tuyển tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, thì “bùn” xuất hiện 24 lần [1] (chưa kể lần ta đang nói tới). Còn “đất cày” nguyên dạng hầu như không xuất hiện lần nào (không kể lần ta đang nói tới). Mà chỉ có biến thể [2]. Và cũng chỉ có đôi lần. Rõ ràng, phép thống kê dường như không đứng về “đất cày”. Trong khi “đất cày” chỉ thoáng qua, thì “bùn” trở đi trở lại khá nhiều. Cũng có nghĩa “đất cày” là một hình sắc mờ, còn “bùn” thực sự là một ám ảnh đối với thi cảm của chủ thể. Nó cho phép khẳng định : “bùn” chắc chắn thuộc phong cách ngôn ngữ Lưu Quang Vũ, còn “đất cày” chưa lấy gì làm chắc. Theo đó, ngay cả khi chưa được biết có câu chuyện biên tập, người ta cũng có quyền nghĩ : “đất cày” từ ruộng khác ném vào ruộng Lưu Quang Vũ. Tôi chỉ nói là “có quyền”, chứ không thể xác quyết như đinh đóng cột. Vì không có quy luật nào không có ngoại lệ. Phe “bùn” có mừng lòng thì cũng nên dành chút cho hoài nghi : biết đâu, đây là ngoại lệ thì sao ! [Ừ, giá như việc công bố bản gốc không có những “lôi thôi” thì đâu phải giả thiết thế này ! ].

Đó mới là một phần việc.

Dù thao tác quyết định là phải xem xét chữ trong văn cảnh trực tiếp, nhưng không được soi từ vầng nghĩa của phong cách ngôn ngữ, thì nghĩa thật của chữ cũng dễ trốn chạy. Ví như “đất cày”. Cứ xem như câu chuyện biên tập là khả tín, thì dù không thật ưng, nhưng Vũ cũng đã chấp nhận chữ này. Để chấp nhận, không thể không có căn nguyên từ thi cảm. Trong thi cảm của nhà thơ vốn sở trường phố xá này cũng có đất cày, dù chỉ có dạng biến thể : “Anh đã được vầng trán cao, được cái nhìn trí tuệ / Được rèn đi như luống đất được cày” (Anh đã mất chi anh đã được gì). Nhưng, với Vũ, ý niệm thơ của “đất được cày” đây có thuộc cảm giác thị giác đâu. Mà nghiêng về tri giác đấy chứ. Nghĩa là thi ảnh không vẽ ra luống đất được cày trên mặt ruộng như thế nào (với những màu sắc, hình khối, đường nét thuộc tạo hình thị giác ra sao). Mà gợi ra cái ý niệm về trường đời đã đào luyện, rèn luyện nên một con người (anh ta không còn như loại đất chưa được cày).

Điều đó khiến ta có thể soi vào câu “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Vũ chịu chấp nhận “đất cày”, chắc không vì tiếng Việt được hình dung về phía trực quan, rằng : nó hiện ra lổn nhổn như những luống cày, những miếng đất vừa lật lên với nào mướt, nào tươi, nào mỡ, nào hôi hổi nhựa sống giống ai đó đã suy diễn (nếu như thế thì dù biện bác đến mấy cũng khó làm thông được rằng những nét đất lổn nhổn kia chính là vẻ đẹp trực quan của tiếng mẹ đẻ !). Mà chủ yếu bởi cái ý niệm ẩn trong thi ảnh : tiếng Việt đã được cày vỡ, đào luyện qua những va xiết, bầm dập mới trưởng thành thế trong cuộc tồn sinh dằng dặc của ngôn ngữ thôi. Nét nghĩa ấy chẳng những phù hợp với văn cảnh mà cũng phù hợp với cả vầng nghĩa (dù không thật đậm) của cách chữ Lưu Quang Vũ chăng ?

Cũng như thế về chữ “bùn”. Trong câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”, thì “lụa” là một thi ảnh có nghĩa đã xác định. Nó là vẻ đẹp và đương nhiên thuộc sắc thái ngợi ca. Chỉ có “bùn” là tù mù. Nếu tách riêng câu thơ này, thì nó thường được diễn giải theo hai hướng, tùy vào việc xác định kiểu quan hệ giữa “bùn” và “lụa”. Kiểu quan hệ tương đồng, thì mỗi hình sắc là một phẩm tính của tiếng Việt (mướt và mượt, chẳng hạn – chúng từng được coi là thế). Kiểu quan hệ tương phản, thì mỗi đằng là một đối cực của tiếng Việt (thô và tinh, chẳng hạn). Sắc thái cảm hứng chung thì đằng nào cũng được cho là nghiêng về ngợi ca. Lập luận thế nên, dù phe “bùn” đã được bản chép tay hậu thuẫn, vẫn không thể hạ được phe “đất cày”. “Đất cày” quyết không chịu “bùn” mang nghĩa tích cực. Càng không chịu cách diễn giải rằng : ví với bùn là ca ngợi vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ ! Thái độ không phục ấy đâu phải không có lý. Nếu thống kê những ví von về bùn trong tục ngữ, thành ngữ tiếng Việt hay những liên tưởng tạo nên các so sánh, ẩn dụ, tượng trưng trong văn chương tiếng Việt, thì khó mà tìm được những trường hợp có sắc thái ngợi ca. Nghĩa là bùn ít mang nghĩa tích cực, vẻ trực quan của bùn chả mấy khi thành đối tượng trực tiếp cho cảm hứng ca ngợi. Mà nó thường được đề cập như một tương phản, nhằm ca ngợi một vẻ tích cực nào khác (người tranh luận hay dẫn câu ca dao ca ngợi sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” là vì thế). Dù phe “bùn” có phản pháo rằng : không, bùn vẫn có những vẻ đẹp của nó [3], thì về điểm này, phải nhận rằng, phép thống kê đã không thể bênh vực phe “bùn”.

Có phải do mặc định rằng Lưu Quang Vũ viết bài này chỉ thuần để ngợi ca vẻ đẹp của tiếng Việt mà ta đã bị ám chăng ? Mặc định khiến cả hai phe đều lùng nhùng trong hướng lập luận thế nào đó để cho ra sự ngợi ca. Nhưng đều không thể thuyết phục được nhau. Và, chắc chắn gà còn mắc tóc nếu không thoát ra khỏi mặc định này.

Văn chương, trong nghĩa giản đơn nhất của nó, là sự cất tiếng của yêu thương để bồi đắp yêu thương cho con người thôi. Có phải do điều này quá giản dị mà đôi khi ta bỏ quên. Tất nhiên, nói yêu thương là chỉ nói cái lõi, chứ không phải thế là loại bỏ mặt biện chứng của nó cũng như những cung bậc khác nhau của nó. Yêu thì hướng về cái đẹp (rộng hơn, là giá trị). Thương thì hướng về nỗi khổ. Yêu thì say đắm. Thương thì xót xa. Yêu tỏ mình trong cảm hứng ngợi ca. Thương lại tỏ mình trong niềm cảm thông chia sẻ. Mỗi hình sắc trong nghệ thuật, xét đến cùng, chỉ là hình thức khác nhau của yêu thương mà thôi. Mỗi hồn văn đều có hai tiếng nói này, chúng song hành và chuyển hóa lẫn nhau, nhưng tùy từng người mà tiếng nói nào trội hơn, tùy từng đối tượng mà tiếng nói nào là chủ đạo.

Rọi vào phong cách tác giả, thì thấy Lưu Quang Vũ không chỉ là “hồn thơ đắm đuối” (chữ Vũ Quần Phương) mà còn là hồn thơ luôn xót xa dằn vặt. Cả hai tiếng nói này có lúc tách, lúc nhập, nhưng thường quyện nhau trong các tiếng thơ Lưu Quang Vũ.

Soi vào chỉnh thể thi phẩm Tiếng Việt, thì thấy Lưu Quang Vũ không chỉ yêu tiếng Việt mà còn thương tiếng Việt. Nó hiện ra thành cả niềm ca ngợi đến đắm đuối, cả nỗi xót xa đến đớn đau. Hai cảm hứng ấy cứ nương nhau, hòa vào nhau trong cùng một hình tượng xuyên suốt : tiếng Việt là thân phận người Việt, nó mang trong mình cả vẻ đẹp Việt lẫn nỗi khổ Việt.   Và cùng hóa thân thành hai hệ thống hình sắc là : hình sắc của vẻ đẹp và hình sắc của nỗi khổ, chúng đan dệt nên thế giới thi ảnh của thi phẩm. Điều này thể hiện ngay trong câu chủ đề của toàn bài theo hướng khái quát : “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Trong đó, nếu lụa là hình sắc của niềm yêu, thì bùn là hình sắc của nỗi xót thương. Những nỗi niềm ấy đến cuối bài đã kết lại trong cùng một tiếng kêu sâu : “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”.

Kiểm tra gene chữ, thì ADN của “bùn” trong thơ Lưu Quang Vũ cũng khớp với nghĩa này. Vầng nghĩa của “bùn” trong thơ Vũ ở cả 24 lần xuất hiện dường như không lần nào thực sự là hiện thân của vẻ đẹp. Trái lại, bùn gợi ra nỗi nhọc nhằn và nhục nhằn, nỗi lam lũ và tủi cực, nỗi thăng trầm và đắng cay. Bùn là hình sắc của thương cảm, xót xa : “Thương vệt bùn trên áo gió khô se” (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi), “Cả dân tộc cởi trần đứng trên bùn ướt” (Những đám mây bay sớm), “Đôi giày lấm bùn vết nhăn khóe miệng” (Tháng 5 – 1975), “Những chữ gầy guộc, chữ bùn lầy, cống rãnh” (Những chữ), “Áo nâu non bùn lấm / Mồ hôi đầm tóc mai” (Mắt một mí), “Võng bạt, lán tranh, đất bùn nhầy nhụa” (Cơn bão), “Trên mệt nhọc mặt người, trên vỉa hè bùn rác” (Những đám mây bay sớm)vv…

Vậy là, “bùn” đã được phong cách ngôn ngữ Lưu Quang Vũ lựa chọn.

Song, cần khẳng định dứt khoát, trong câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”, thì “bùn” không phải là một ví von của tình yêu để ngợi ca vẻ đẹp tiếng Việt. Vai trò ấy đã có “lụa” đảm đương. Còn “bùn” chính là hình sắc của niềm thương nhằm gợi lên cái thân phận “tiếng Việt xót xa tình”. Vì thế, trong một mạch thơ, mà các nét tươi đẹp cùng vẻ khổ tủi của tiếng mẹ cứ sóng sánh chen cài, trong cùng một hơi thơ, mà nghẹn ngào cứ chen lẫn đắm say : “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa / Óng tre ngà và mềm mại như tơ”…

Dù tin vào kết quả ADN, nhưng khi định kết bài, tôi chợt nhớ có ai đó đề xuất rằng nên nhờ Phan Thị Bích Hằng gọi hồn Lưu Quang Vũ lên để hỏi thì mới yên chuyện được. Chả biết em gái bác Vũ có chia sẻ đề xuất này không ?

                                                Vân Sơn garden, 7-2016

 

 


[1] Kết quả thống kê về bùn :

1.       Những mảnh bom của xe tăng han gỉ trong bùn (Phủ Lý tháng hai)

2.       Các em bé ngoan / Đừng theo tôi vứt bùn lên áo (Khúc hát)

3.       Những chữ gầy guộc, chữ bùn lầy, cống rãnh (Những chữ)

4.       Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm [theo Lưu Khánh Thơ, câu này Vũ mượn của cha] (Tiếng Việt)

5.       Thương vệt bùn trên áo gió khô se (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)

6.       Áo nâu non bùn lấm / Mồ hôi đầm tóc mai (Mắt một mí)

7.       Xách đôi dép mòn trong khu rừng lạ / Nhiều bùn lầy và đom đóm ma (Nửa đêm nỗi nhớ)

8.       Võng bạt, lán tranh, đất bùn nhầy nhụa (Cơn bão)

9.       Những đôi giày thủng đầy bùn (Cơn bão)

10.    Trên mệt nhọc mặt người, trên vỉa hè bùn rác (Những đám mây bay sớm)

11.    Cả dân tộc cởi trần đứng trên bùn ướt (Những đám mây bay sớm)

12.    Xác gục giữa bùn lầy  (Những đám mây bay sớm)

13.    Đôi giày lấm bùn vết nhăn khóe miệng  (Tháng 5 – 1975)

14.    Ngựa đá bao phen phải lấm bùn [dùng nguyên ý câu thơ đời Trần] (Đất nước đàn bầu)

15.    Cái mặt đất lầy nhầy bùn sốt rét (Mặt trời trong nước lạnh)

16.    Nếu mọi người tốt đều lặng im/ Giữ riêng bàn tay sạch/ Ai là người dọn đi bùn rác (Người con gia đến phòng em chiều thu)

17.    Những ngả đường nhiều mưa tháng Bảy / Bùn lầy/ Bóng tối /Đêm nay (Những đoạn thơ…)

18.    Bùn lầy lội những ngả đường khuya khoắt (Những đêm hoa vàng )

19.    Bậc đá lấm bùn / Lòng tôi như sỏi hoang (Hải Phòng mùa đông)

20.    Xác kẻ giết người và người bị giết / Đều đã tan thành bùn đất (Hải Phòng mùa đông)

21.    Đất gầy đói đất bùn lầy cơ cực (Liên tưởng tháng Hai)

22.    Chuyến xe ca lầm lũi bánh đầy bùn (Em vắng)

23.    Thù hận mênh mông mặt đất bùn lầy (Em ‘1’)

24.    Rửa sạch đất bùn nhơ nhuốc (Tìm về)

[2] Một biến thể của đất cày : “Anh đã được vầng trán cao, được cái nhìn trí tuệ/ Được rèn đi như luống đất được cày” (Anh đã mất chi anh đã được gì)

[3] Trong cuộc tranh luận này cũng có nhiều người hiểu “bùn” là “phù sa”. Nên khi viết bài này, tôi đã xác định có hai phần việc phải tìm hiểu thêm : 1) “bùn” và “phù sa” trong cách hiểu chung thế nào; 2) “bùn” và và “phù sa” trong thơ LQV ra sao. Và thấy : ở khía cạnh 1) “bùn” và “phù sa” có điểm gần gũi về nghĩa địa chất và nông học, nhưng khác xa về nghĩa thẩm mỹ. Về thẩm mỹ, “phù sa” nghiêng về nghĩa tích cực (mỡ màu/ bồi đắp /lặng thầm...), còn “bùn” nghiêng về nghĩa tiêu cực (nhơ bẩn / tủi nhục / cơ cực...). Còn khía cạnh 2) trong thơ LQV, mỗi đối tượng này cũng tạo ra một trường nghĩa riêng : “phù sa” gợi cái đẹp của nguồn sống dồi dào, của đắp bồi, dâng hiến - mang sắc thái biểu cảm là yêu quý, tự hào; còn bùn thuộc về nỗi nhọc nhằn, lam lũ, tủi cực, đoạ đày, cay đắng - mang sắc thái xót thương, đau đớn... Vì thế, nếu ở đây đồng nhất “bùn” với “phù sa” thì không ổn.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020