Nghiên cứu khoa học

TINH THẦN DÂN CHỦ VÀ TƯ DUY ĐỐI THOẠI TRONG TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM SAU 1975


12-10-2020

Tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại có thể nói là một trong rất nhiều nguyên nhân thúc đẩy văn học nghệ thuật nước ta đổi mới và phát triển đồng thời được coi là có vai trò hết sức quan trọng, nếu không muốn nhấn mạnh là quan trọng nhất, dường như không thể thiếu trong lĩnh vực hoạt động tinh thần của nền văn học Việt Nam đương đại.

Nhìn một cách khái lược, văn học Việt Nam trong thế kỷ XX trải qua ba chặng đường lớn.

Chặng thứ nhất, từ đầu thế kỷ XX đến 1945, nền văn học vận động theo hướng hiện đại hóa.

Chặng thứ hai, từ 1945 đến 1975, nền văn học vận động theo hướng đại chúng hóa và chính trị hóa.

Chặng thứ ba, từ sau 1975, đặc biệt là từ sau 1986 cho đến nay, nền văn học vận động theo hướng dân chủ hóa và tinh thần đối thoại.

Tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại có thể nói là một trong rất nhiều nguyên nhân thúc đẩy văn học nghệ thuật nước ta đổi mới và phát triển đồng thời được coi là có vai trò hết sức quan trọng, nếu không muốn nhấn mạnh là quan trọng nhất, dường như không thể thiếu trong lĩnh vực hoạt động tinh thần của nền văn học Việt Nam đương đại.

1.     Tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại, một đặc điểm cơ bản của nền văn học từ sau Đổi Mới...

Cơ sở hình thành và tái xác lập tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại vốn được manh nha từ sau 1975, khi đất nước ta hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối và cuộc sống trở lại hòa bình. Nhưng hai yếu tố trên chỉ thực sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ kể từ sau Đại hội VI ( 1986 ) của Đảng.

Cùng với văn bản của nghị quyết là những lời kêu gọi đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh sự thật và can đảm nói lên sự thật từ diễn đàn của Đại hội được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là những người trí thức, trong đó có những người viết văn.

    Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị BCHTWĐCS Việt Nam, nhan đề : “Đổi mới và nâng cao sự lãnh đạo và quản lý văn hóa văn nghệ lên một bước phát triển cao hơn” có đoạn :

“ Tự do sáng tạo là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa văn nghệ và để phát triển tài năng...Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật (chống lại dân tộc, chống lại CNXH, phá hoại hòa bình và không đồi trụy (truyền bá tội ác, sự sa đọa, phá hoại nhân phẩm) đều có quyền được lưu hành và đặt dưới sự đánh giá, phán xét của công luận và sự phê bình).

Có thể xem đó là cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hóa và tinh thần đối thoại trong văn học từ sau 1986 và giai đoạn mười năm cuối thế kỉ.

Tinh thần dân chủ hóa và tư duy đối thoại có sự tác động và kích thích  mạnh mẽ đời sống văn học và quan trọng hơn làm thay đổi một cách căn bản về tư duy nghệ thuật từ bình diện ý thức, quan niệm cho đến công việc sáng tác và lý giải nghệ thuật.

2.     Tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại với việc tìm tòi và sáng tạo

 

Tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại tác động đến người cầm bút  trên cả hai bình diện : quan niệm và sáng tạo.

Trước hết, từ bình diện ý thức và quan niệm nghệ thuật. Từ đầu thập kỉ 90 đã có những biến đổi quan trọng theo hướng dân chủ hóa và tư duy đối thoại về vai trò, vị trí và chức năng của văn học, nhà văn và quan niệm về hiện thực.

         Về vai trò của văn học, ở giai đoạn trước, do sự chi phối của chiến tranh văn học được nhìn nhận như là vũ khí tư tưởng, tự nguyện coi nhiệm vụ truyên truyền, cổ vũ và khẳng định, ngợi ca cuộc kháng chiến như một sứ mệnh thiêng liêng thì giờ đây, vai trò cơ bản đó vẫn được duy trì, thực hiện nhưng nó được coi trọng hơn ở nhiệm vụ khám phá thực tại, ý thức sâu hơn về sự thật và ngoài ra, trong nền kinh tế thị trường, cái nhìn về văn học cũng thoáng đãng và cởi mở hơn, còn đóng vai trò của một thứ hàng hoá đặc biệt, công việc viết văn, làm thơ xét cho cùng, cũng bình thường như mọi thứ công việc khác, thậm chí là một thứ “ trò chơi” tinh thần vô vụ lợi, để thưởng thức và cũng là để giải trí.  

Quan niệm về kiểu nhà văn vì thế cũng có sự điều chỉnh. Trước đây, do yêu cầu của những nhiệm vụ nặng nề chúng ta đã đề cao các chức năng nhận thức và giáo dục, mỗi nhà văn là một “ chiến sĩ” trên “ mặt trận” văn hóa làm nhiệm vụ diễn đạt tiếng nói chung của dân tộc, thời đại và cộng đồng thì giờ đây ta coi trọng hơn cái khía cạnh văn học như một phát ngôn của người nghệ sĩ và là tiếng nói của cá nhân, là sự can dự của người trí thức vào thời đại mình nhằm làm phong phú và giàu có hơn cho đời sống tinh thần và tư tưởng của xã hội. Không dừng lại ở đó, nếu trước đây hiện thực chiến tranh có thể yêu cầu “ vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”, thậm chí với một sứ mệnh hệ trọng hơn :

Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô, thổi nghìn nến tắt

Ta vì ai? Khẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh…

                                                                       ( Chế Lan Viên )

 thì giờ đây, cuộc sống đòi hỏi mỗi nhà văn cần phải nỗ lực học hỏi và phấn đấu để là một nhà tư tưởng trong công việc sáng tạo. Anh ta đâu còn (mà cũng không thể) đóng vai trò là người “ biết tuốt” để chỉ soi sáng nhận thức, trí tuệ cho công chúng mà còn phải là người tham gia cùng người đọc bàn bạc, đối thoại về mọi vấn đề của thời đại.

 Rõ ràng, một bối cảnh mang tính dân chủ đã mở ra trong đời sống tinh thần và những hoạt động sáng tạo thuộc về lĩnh vực tinh thần của người Việt đương đại.

          Tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại nói trên một khi đã tác động vào ý thức và quan niệm của người cầm bút thì cũng đồng thời cũng tác động mạnh mẽ thậm chí là một yếu tố kích thích mạnh mẽ khiến người cầm bút tự thấy cần thiết phải thay đổi tư duy trên bình diện sáng tác.

Sự thay đổi nói trên nhìn ở bình diện vĩ mô sẽ thấy nền văn học chuyển mạnh từ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn sang khuynh hướng thế sự và đời tư; nhìn ở góc độ vi mô là sự phá vỡ tính đơn giọng cho sự thâm nhập của tính đa giọng, đa thanh; là sự phá vỡ kiểu tư duy độc thoại để nhường chỗ cho kiểu tư duy đối thoại trong ý thức của người sáng tạo.

Có thể minh định điều đó qua các xu hướng sau đây :

2.1.         Từ sự mở rộng phạm vi khám phá hiện thực đến việc đào sâu vào những vùng ẩn mật trong đời sống tâm linh của con người…

 

Sự thay đổi quan niệm về vai trò của văn học lẽ cố nhiên dẫn tới một cái nhìn mới về hiện thực. Đó là ý thức của người cầm bút về sự cần thiết phải mở rộng biên độ phản ánh, hướng tới đời sống hàng ngày với các mối quan hệ thế sự phong phú, đa đoan và phức tạp cùng đời sống cá nhân trong tư cách những số phận, những tính cách cùng chiều sâu bí ẩn và không cùng của thế giới bên trong.

 Sự thay đổi quan niệm về vai trò của văn học lẽ cố nhiên dẫn tới quá trình từng bước phá vỡ dần cái quan niệm trước đây vốn chỉ coi hiện thực chỉ là thực tế đấu tranh cách mạng, là các biến cố lịch sử, là đời sống lớn lao của cộng đồng. Cái nhìn về hiện thực của người cầm bút khi mở ra hướng tiếp cận mới này cũng giảm thiểu một cách đáng kể màu sắc chủ quan và thái độ tự tín. Giờ đây, người cầm bút hiểu rằng, thế giới mà họ đang ra sức khám phá là luôn luôn vận động, không thể biết hết, không thể thấu hiểu tường tận và không thể có một  “ đáp án” duy nhất đúng cho những câu chuyện về thế giới đó.

Trước hết, đó là sự đổi thay trong sự lựa chọn hệ đề tài. Không phải là do sự cạn kiệt về đề tài. Mà cách quan niệm và hướng khai thác đề tài giờ đây đã thay đổi.

Lấy ví dụ đề tài chiến tranh. Lịch sử Việt Nam là một lịch sử gần như triền miên trong chiến tranh và tranh đấu để chống lại sự xâm lược của các lực lượng ngoại bang. Bởi thế, như một lẽ tất yếu, chiến tranh trở thành một chủ đề thường xuyên và bao trùm khắp văn học Việt Nam. Đội ngũ đảm nhận đề tài này là những người lính hoặc đã từng sẻ chia cuộc sống trận mạc cùng người lính. Trong gần ba mươi năm kháng chiến chống ngoại xâm, đề tài chiến tranh đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo văn học Việt Nam. Sau 1975, đề tài này vẫn còn là một hấp lực đối với nhiều người cầm bút tham gia chiến tranh và cả những người trưởng thành trong thời hậu chiến. Tuy nhiên, đối với công chúng, lối viết “ trượt theo quán tính cũ” (chữ dùng của Nguyên Ngọc) không được công chúng hồ hởi đón nhận nữa. Các nhà văn sớm muộn từng người có khác nhau nhưng cuối cùng cũng đã nhận thấy không thể viết như trước được nữa.

Từ đó, để không bị công chúng đối xử với những trang viết đầy tâm huyết của mình bằng một thái độ thờ ơ, các cây bút viết về chiến tranh đều phải nỗ lực đổi mới từ quan niệm đến bút pháp cùng nhiều phương diện khác của công việc sáng tạo.

Hiệu ứng tích cực từ phía công chúng đối với những cuốn tiểu thuyết viết về đề tài này như : Lửa từ những ngôi nhà, Miền cháy, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thuỵ và đặc biệt là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Thời của những tiên tri giả của Nguyễn Viện…tuy chưa phải là căn cứ duy nhất cho việc thẩm định, đánh giá nhưng cũng đã gián tiếp cho thấy ý thức dân chủ hoá thực sự là một nhân tố đặc biệt kích thích những thể nghiệm, những tìm tòi sáng tạo đối với giới cầm bút.

Mặc dù hiện vẫn còn những nhận định chưa thống nhất nhưng trong khác biệt người ta đều thừa nhận điểm khả thủ của những sáng tác kể trên là đã có một sự thay đổi lớn về quan niệm và bút pháp. Đặc biệt, nhờ việc đào sâu vào thế giới bên trong con người, phiêu lưu vào cái thế giới của tiềm thức và vô thức, những vùng ẩn mật nhất của phạm trù tâm linh thuộc về con người, nhiều cây bút đã diễn đạt cái diện mạo khốc liệt, dữ dội và tàn bạo của chiến tranh một cách sâu sắc hơn chính do họ đã biết tiếp cận hiện thực chiến tranh từ một bình diện khác, bình diện số phận con người.

Ở các đề tài khác cũng diễn ra hiện tượng tương tự. Cũng không ngẫu nhiên đề tài thế sự - đời tư lại trở thành điểm nóng thu hút mọi thể loại trong đời sống văn học mười năm cuối thế kỷ. Vì chính ở đề tài này người cầm bút mới thực sự được tự do phát huy những khám phá cá nhân về đời sống, được bộc lộ cái nhìn và cách nhìn riêng của người nghệ sĩ trên những vấn đề mà mình phát hiện và trong nhiều trường hợp, sự đề xuất của cá nhân những nghệ sĩ đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng mà cũng khá thú vị đối với đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Các sáng tác được in và được tái bản của Nguyễn Minh Châu sau khi nhà văn qua đời vì bạo bệnh, tập truyện Trăng soi sân nhỏ của Ma Văn Kháng, Hà Nội trong mắt tôi của Nguyễn Khải, Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ, Biển cứu rỗi của Võ Thị Hảo, Tầng trệt thiên đường của Bùi Hoằng Vị, các cuốn tiểu thuyết Hai nhà của Lê Lựu, Trí nhớ suy tàn của Nguyễn Bình Phương, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà…các tập thơ Khát của Vi Thuỳ Linh, Nằm nghiêng của Phan Huyền Thư…cùng nhiều cây bút khác tuy không gây dư luận sôi nổi như chặng đầu của thời kì Đổi Mới nhưng là những đóng góp không thể phủ nhận ít nhất là nó vẫn đã tạo ra một chuyển động mới trong đời sống văn học, chưa kể, nhìn ở một góc độ nào đó những sáng tác trên góp một phần quan trọng cho việc phát huy và khai thác tiềm năng của các thể loại để nền văn học ta giảm thiểu một cách đáng kể tính chất sơ giản của một nền văn học nặng về định hướng, tuyên truyền, đơn âm để xác lập vị thế của một nền văn học vừa mang tầm cao nhân văn, nhân bản vừa thực sự có những đóng góp riêng về mỹ học nghệ thuật.

2.2. Từ cảm hứng viết như là thực hiện một công tác cách mạng nhằm tuyên truyền những chân lý bất khả hoài nghi của dân tộc và thời đại đến viết như một đề xuất những suy tư và trải nghiệm cá nhân…

          Bối cảnh mới mà trong đó với sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và bầu không khí dân chủ trong mười năm cuối thế kỉ, theo quan sát của chúng tôi, không chỉ kích thích sự tìm tòi, mở rộng không gian khám phá đời sống hiện thực mà còn dẫn đến một sự đổi thay khá quan trọng đó là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa nhà văn với người đọc.

Nếu trước đây, nhà văn vẫn thường đóng vai một “ tiểu thượng đế” giữ tư cách phán truyền và rất thường khi độc quyền chân lý, ban phát lẽ phải, vì lẽ phải mà nhà văn đề xuất cũng chính là những giá trị tư tưởng cao đẹp của cộng đồng, của thời đại thì giờ đây nhà văn chỉ là người đề xuất một cái nhìn riêng, bộc lộ một tư tưởng của riêng mình bình đẳng với nhiều cái nhìn và tín niệm của bao người khác. Điều này khiến cho các sáng tác trước thì thiên về giọng quyền uy, khẳng định mà giờ đây giọng điệu của người viết trở nên khiêm nhường, nhỏ nhẹ, thiên về tâm sự, chia sẻ, giãi bầy. Nói cách khác, cảm hứng chủ đạo trong sáng tác đã có một đổi thay về cơ bản : nếu như trước đây, viết được coi như là một nhiệm vụ cách mạng, một công tác cách mạng, các nhà văn coi mình như một cán bộ, một “ tuyên truyền viên nhãi nhép” theo như cách nói của Nam Cao nhưng là để truyền đi những chân lý bất khả hoài nghi của một chủ nghĩa, một triết học, truyền đi lẽ sống và niềm tin bất khả lay chuyển của một dân tộc, một cộng đồng thì giờ đây, viết có thể vẫn còn là như thế nhưng bên cạnh đó, viết còn có nghĩa là đề xuất những suy tư và trải nghiệm cá nhân và thiết lập một xác tín mới : rằng kinh nghiệm của mỗi cá nhân cũng hết sức quan trọng và bình đẳng về mặt giá trị với kinh nghiệm của cả cộng đồng. Ngoài ra, về thái độ, người cầm bút giờ đây cũng hiểu rằng những đề xuất của một nhà văn sẽ phải tước bỏ và kiên quyết khước từ tính chất giáo huấn, dạy đời thì sáng tác của anh ta mới có thể có ý nghĩa với cuộc đời, ít nhất trong khía cạnh là một sự tham gia vào quá trình bàn bạc, đối thoại để cùng đi tìm và xác định ý nghĩa và những giá trị mới mẻ của sự sống.

Thái độ nói trên của người viết được bộc lộ qua các sáng tác của Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn trước và trong Đổi Mới và được tiếp tục ở Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài cùng nhiều cây bút khác trong chặng từ 1990 trở đi…nhưng có thể nói nó được bộc lộ rõ nhất ở… Nguyễn Khải.

Thật vậy, từ những năm 90 trở đi, Nguyễn Khải bỗng gắn bó với truyện ngắn và đã cho ra đời hàng loạt sáng tác đặc sắc.

Thực ra, về truyện ngắn, Nguyễn Khải đã nổi tiếng từ ba mươi năm trước với Mùa lạcTầm nhìn xa…nhưng sự xuất hiện lần này thật khác. Giọng quyền uy, ban phát chân lý của lối viết đậm chất chính luận trước đây đã nhường chỗ cho giọng tâm tình, tâm sự, chia sẻ, giãi bầy và nghiêng theo hướng triết luận. Chẳng hạn với Nắng chiều, là triết lý mới mang tinh thần dân chủ : nếu được bình đẳng về cơ hội, con người ta, bất kể ai, đều có khả năng toả sáng. Với Một người Hà Nội, là sự thẳng thắn thừa nhận, cái lối sống mà mình vẫn đề cao, rao giảng và tự ngợi ca thực chất là một lối sống xô bồ, tuỳ tiện và phản văn hoá. Lối sống văn hoá và minh triết thực sự chính là lối sống thức thời, đầy chủ động, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn luôn tỉnh táo, biết chia sẻ, chịu đựng cùng với cộng đồng nhưng cũng phải biết không bao giờ được làm mất đi chính bản thân mình của người cô, một người Hà Nội, đại diện đích thực cho đất Kinh kỳ kia. Tinh thần không có chân lý nào duy nhất đúng cũng được thể hiện khá rõ trong Hậu duệ dòng họ Ngô ThờiNgười vợHai ông già ở đồng Tháp Mười

Dừng lại ở sáng tác của Nguyễn Khải chỉ như một đại diện. Thực ra, tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại đã trở thành một đặc điểm bao trùm và được bộc lộ ở hầu khắp các thể loại từ phóng sự, tuỳ bút đến tiểu thuyết và thơ ca. Chẳng hạn, mấy năm trước, người đọc ngỡ ngàng, không ít người bị shock trước lời tuyên bố của Trần Nhuận Minh :

Cái Ác vỗ vai cái Thiện

Cả hai cùng cười, đi về tương lai…

nhưng ở thời điểm sắp giã từ thế kỷ 20, hẳn nhiều người đọc còn bị shock hơn nữa khi nghe Vi Thuỳ Linh thổ lộ :

         Khoả thân trong chăn

         Thèm chồng, thèm chồng, thèm có chồng ở bên…

Thực ra, ý kiến của Trần Nhuận Minh cũng chỉ là một sự phản biện lại cái niềm tin quá đẹp mà nhiều người chúng ta vẫn dành cho khái niệm tương lai nhằm cảnh báo con người : tương lai chưa hẳn là màu hồng, tương lai có thể vẫn là mái nhà chung ở đó, trú ngụ cả cái Thiện lẫn cái Ác. Chưa kể, nhà thơ, với sự nhạy cảm cùng ý thức công dân đã báo động với xã hội cái hiện tượng đáng sợ : sự thoả hiệp và đồng loã giữa cái thiện với cái ác! Điều này thật cay đắng. Nhưng lẽ nào chúng ta né tránh không dám nói lên? Và như thế mới là một thái độ trân trọng, không dối lừa người đọc. Lời thổ lộ của Vi Thuỳ Linh cũng vậy, xét kĩ ra, cũng bình thường. Vì có người phụ nữ bình thường nào đến tuổi yêu đương mà không thầm mong có một người chồng? Chỉ có điều, nhà thơ trẻ này mang tinh thần của một Hồ Xuân Hương hiện đại, dám nói ra những khát khao thầm kín mà do tính cả thẹn đã thành cố hữu, nhiều cây bút nữ không dám bộc lộ mà thôi. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ở chỗ, nếu không có một bầu không khí dân chủ và một môi trường tinh thần để ngỏ cho sự đối thoại, sẽ khó mà có những câu thơ như thế.

2.3. Từ việc vượt qua giới hạn của cái nhìn thiên về phân biệt chiến tuyến đến thái độ cởi mở trong tiếp nhận và vận dụng những kỹ thuật trần thuật hiện đại như sử dụng kỹ thuật dòng ý thức, bút pháp tượng trưng, bút pháp huyền thoại…

Tinh thần dân chủ cũng là yếu tố tháo gỡ dần những chế định khắt khe trong quan niệm của người cầm bút về sáng tạo nghệ thuật. Một cái nhìn mới về hiện thực bao giờ cũng đòi hỏi cần phải có những cách diễn đạt mới. Cũng dễ thấy là trong thập kỉ vừa qua, các cây bút thuộc thế hệ trẻ đã khá cởi mở trong việc tiếp nhận và vận dụng những kỹ thuật trần thuật hiện đại như kỹ thuật dòng ý thức, bút pháp tượng trưng, bút pháp huyền thoại…  

 Tiêu biểu nhất trong số các tác phẩm mang xu hướng đổi mới về cách tiếp cận hiện thực cũng như bút pháp sau 1990 chắc chắn phải là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Hiện thực cuộc chiến trong cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh tương phản gay gắt với những hình ảnh thắng lợi khải hoàn ta thường bắt gặp đẫy rẫy trong văn học Việt Nam. Lối viết theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa trong các tác phẩm viết về chiến tranh trước Bảo Ninh khiến người cầm bút thường nhấn mạnh đến tài thao lược của các nhà lãnh đạo và khí thế nhân dân tham gia cuộc chiến đấu giải phóng Tổ Quốc. Đến lượt mình, Bảo Ninh đã chọn một hướng tiếp cận khác, ông vượt qua các chiến thuật và chiến dịch; ông quan tâm đến con người.

Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh được coi là “ một trong những bản kết toán chiến tranh xúc động nhất được viết bằng tiếng Việt từ trước đến nay” ( Dana Healy ). Trong bản kết toán đó, nhà văn khước từ sự tụng ca chiến tranh và cố gắng chiếu dọi một thứ ánh sáng mới để có thể nhìn sâu vào hiện thực cùng những vết thương không thể lành trong tâm hồn của con người bởi sự tàn phá của chiến tranh. Không ít trang của cuốn tiểu thuyết đã được nhà tiểu thuyết sử dụng kỹ thuật dòng ý thức và một lối miêu tả đời sống bên trong của nhân vật theo hình thức nội soi. Trong tầm mức mới của cái nhìn này, bao góc khuất, bao bí mật của tiềm thức và vô thức trong tâm tư của người lính đã từng đi qua chiến tranh, phải nói chính xác hơn là của người lính sống sót sau cuộc chiến bỗng được phơi bày và làm cho người đọc kinh hoàng. Rõ ràng không có người thắng kẻ bại và cũng chẳng vinh quang gì cái việc giết chóc và đau khổ. Cuốn tiểu thuyết trở thành sách bán chạy. Năm 1991 nó được giải thưởng Hội Nhà Văn và nổi tiếng ở nước ngoài.

Thực tế là trong xu hướng đổi mới bút pháp và tích cực vận dụng kỹ thuật trần thuật hiện đại Bảo Ninh không đơn độc. Tiếp nối Bảo Ninh là Phạm Thị Hoài với bút pháp huyền thoại trong Thiên sứ, là Nguyễn Bình Phương với những thể nghiệm tượng trưng pha lẫn siêu thực trong Trí nhớ suy tàn là Nguyễn Việt Hà với những ám ảnh hiện sinh trong Cơ hội của Chúa hay Tạ Duy Anh với những hoài nghi, tự vấn trong Đi tìm nhân vật, hoặc Bùi Hoằng Vị với lối viết giả tưởng trong Tầng trệt thiên đường

3.       Tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại với việc lý giải nghệ thuật...

Tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại cũng đóng một vai trò quan trọng đối với việc lý giải nghệ thuật.

Biểu hiện rõ rệt nhất của nó trong lĩnh vực lý giải nghệ thuật là ở các khía cạnh sau đây :

1/ Vẫn coi trọng phản ánh luận và mỹ học hiện thực XHCN nhưng đó không còn là thước đo duy nhất những sản phẩm sáng tạo.

2/ Tiếp nhận và vận dụng các thành tựu nghiên cứu lý thuyết của nhân loại trên tinh thần chủ động, sáng tạo song hành với  thái độ chống sùng ngoại, học đòi và dập khuôn, bắt chước.

3/ Bênh vực những tìm tòi táo bạo, mới mẻ, tôn trọng những khác biệt và chống bệnh độc quyền chân lý trong thẩm định.

Ba xu hướng nói trên đã đem lại một khởi sắc mới trong lĩnh vực lý luận và phê bình văn học và trên thực tế đã và đang xóa bỏ dần tính công thức đã trở nên xơ cứng, đơn điệu trong lĩnh vực lý giải nghệ thuật.

Những tranh cãi sôi nổi xung quanh cuốn Lý luận và phê bình nghệ thuật của Lê Ngọc Trà, Ngày văn học lên ngôi của Đỗ Minh Tuấn, sự tán thưởng của giới lý luận và phê bình về cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc, Con mắt thơ của Đỗ Lai Thuý hay cuộc đối thoại của nhiều người viết phê bình, lý luận đương đại với các cuốn Thơ phản thơPhê bình phản phê bình của Trần Mạnh Hảo, Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa…cho thấy, thực chất đời sống phê bình và lý luận khá sôi động chứ không phải “ tẻ nhạt”, “ tiêu điều” như một số người nhận định.

Tuy nhiên, nền học thuật ở ta nhìn chung vẫn còn thấp, thiếu một bệ đỡ chắc chắn của văn hoá và triết học. Những người làm lý luận và phê bình ở ta, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan còn thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, việc lý giải nghệ thuật ở ta tuy có khởi sắc nhưng nhìn một cách khách quan là còn mang tính tiểu nông. Biểu hiện thấy rõ nhất là sự manh mún, thiếu tính đồng bộ, thiếu sự trang bị một cách đầy đủ và sâu sắc về phương diện lý thuyết mà cũng thiếu cả một tinh thần tham khảo, học hỏi kỹ lưỡng các lý thuyết. Nhận xét của ai đó rằng, ngay cả một số nhà lý luận, phê bình nổi danh ở ta, trên thực tế, vẫn chỉ đóng vai trò là đại lý cho những trường phái và chủ nghĩa ở Tây âu nào đó mà thôi không phải là không đáng để suy ngẫm.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020