Nghiên cứu khoa học

TÔ HOÀI – LÃO TƯỚNG MỘT ĐỜI VÌ NGHIỆP VĂN, ĐẠO VIẾT


12-10-2020

Nhà văn lớn Tô Hoài đã ra đi. Với tư cách một người em, một người bạn vong niên, một người học trò, tôi mạnh dạn phong tặng nhà văn danh hiệu TÔ HOÀI – BẬC LÃO TƯỚNG VĂN CHƯƠNG.

Ông là Lão Tướng trên Mặt trận Văn nghệ, cũng là lão tướng trên trường văn, trận bút.

Từ lính chiến – binh nhất, binh nhì, ông thăng tiến lên lon sao, vạch ở cấp hàm cao nhất. Ông là chiến sĩ tham gia chiến đấu từ trận đánh đến chiến dịch, từ mặt trận đến toàn cục cuộc chiến. Ông là tướng tham mưu về đường lối chiến lược hơn là tướng chỉ huy, chỉ đạo chiến đấu ở chiến trường. Ông trở thành Danh tướng với nhiều chiến công, chiến tích, ngực lấp lánh huân chương của đất nước và bè bạn thế giới phong tặng – từ giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam (1956) đến giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1980). Có giải thưởng Hội Nhà văn Á – Phi (Miền tây - 1970), giải thưởng Băngđung, đại hội điện ảnh Á – Phi ở Inđônêxia 1964 (Kịch phim Kim đồng). Nhà văn nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Nhưng tặng thưởng vẻ vang nhất, cao quý nhất là sự vinh danh nằm trong lòng bạn đọc. Riêng Dế mèn phiêu lưu ký dễ đã có đến bốn, năm thế hệ tuổi trẻ say mê.

Ông ra trận với hai vũ khí linh diệu: văn chương báo chí và văn chương nghệ thuật. Có thể ví, một tay là khẩu AK tự động lia đạn cực nhanh với mục tiêu gần, tay kia là khẩu cối nã pháo với sức công phá lớn ở tầm xa. Báo chí nhanh nhạy, mang tính chiến đấu thời sự trực tiếp, văn xuôi lại có tính thời sự - thời đại, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Dĩ nhiên, đó là nói về tính năng chiến đấu, còn hiệu quả - tức giá trị luôn là tiêu chí cao nhất.

Vị tướng tham gia Bộ Tổng tham mưu có thâm niên. Từ 1957, làm Tổng thư ký Hội Nhà văn trong Đại hội Nhà văn lần thứ nhất. Trên 20 năm, ông tiếp tục tham gia Ban Chấp hành, rồi phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Trong 30 năm (1966 – 1996), ông là Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội. Chẳng khác nào từ Bộ Tổng tham mưu được điều về trấn Quân khu Thủ đô. Vậy là, có tham dự chiến đấu ở mặt trận toàn quốc, và cũng làm Tư lệnh ở địa phương.

Tô Hoài còn là một nhà hoạt động xã hội lớn, phạm vi quốc gia (Đại biểu Quốc hội) và cả phạm vi Quốc tế. Có thể ví, tham gia các liên minh có tính toàn cầu: Phó chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Á – Phi, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Ấn, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt – Xô.

Là một Danh Tướng, dĩ nhiên ông có uy tín cao. Tuy nhiên, nói đúng hơn là ông có uy thế lớn. Tô Hoài, cũng như Nguyễn Tuân, là những nhà văn lớn có được cái uy. Nói uy là bao gồm cả uy danh, uy quyền. Nhưng đặc biệt, Tô Hoài có cái thế lớn. Đó là sự trải nghiệm lớn lao đời văn, đời viết. Là bề dày những năm hoạt động Văn hoá Cứu quốc từ thời hoạt động bí mật trước Cách mạng, 30 năm gánh vác hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong đó, có hai năm học chính trị trường Nguyễn Ái Quốc, có năm trên sáu tổng số đợt cải cách ruộng đất trong thời gian dài. Ông lăn lộn mười năm ở miền rừng núi để viết về đề tài miền núi. Riêng để viết Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, ông cắm trụ ở vùng Lạng Sơn và các tỉnh biên giới hàng sáu tháng...

Tóm lại, đây là một Chiến Tướng từng lăn lộn khắp mọi miền đất nước trên mọi lĩnh vực - chiến đấu, sản xuất, đời sống: sống để viết và viết để sống.

Tướng về hưu nhưng không nghỉ. Ông tiếp tục cuộc chiến hàng ngày trên trang giấy đến trọn đời.

* * *

Tô Hoài là người cầm bút suốt đời vì nghiệp văn.

Trước hết, là xác định một quan niệm và định hướng đúng đắn.

Trước đây từng lưu hành quan niệm về ngôi đền nghệ thuật. Văn chương là một địa hạt linh thiêng, kỳ bí. Nhà văn được tôn là bậc siêu phàm, là Người Say, Người Mơ, Người Điên (Chế Lan Viên). Tô Hoài quan niệm đúng đắn: Viết văn phải có năng khiếu, nhưng chủ yếu là sự rèn luyện. Văn chương cao quý, nhưng bắt nguồn từ chuyện đời thường, cái cao siêu vượt lên từ đời thường. Cảm hứng nhân văn đời thường là cảm hứng chủ đạo, định hướng cho cây bút Tô Hoài.

Sau một thời gian mò mẫm, lúng túng, Tô Hoài bước vào dòng hiện thực phê phán. Phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa đem lại thành tựu bước đầu cho nhà văn trẻ. Trong đó nổi bật một số tác phẩm đầu đời: Nhà nghèoGiăng thềQuê ngườiXóm Giếng.

Từ 1943, tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc, tiếp thu Đề cương Văn hoá của Đảng, Tô Hoài đã có một bước ngoặt quyết định trong đời viết. Tô Hoài và Nam Cao có công đầu trong việc đưa chủ nghĩa hiện thực hướng dần vào đại lộ của nghệ thuật cách mạng. Chủ nghĩa hiện thực phê phán trong quá trình suy vong lại được phục hồi với một sinh lực mới. Có thể nói, đó là chủ nghĩa hiện thực mang màu sắc cách mạng, tạm gọi là hiện thực cách mạng.

Tô Hoài bắt đầu tham gia viết báo trên các báo của Đảng và sáng tác bắt đầu có dấu ấn mới.

Trước 1945, Tô Hoài tập trung vào hai mảng đề tài. Một là, cuộc sống xung quanh ở vùng ngoại ô ven thị đang đi vào sự bần cùng túng đói: thất nghiệp, phá sản, ly tán... Mảng khác là thế giới loài vật, thực ra cũng là thế giới loài người, cũng có những tù túng, bức bách, và những khát vọng vượt thoát. Cảm quan nghệ thuật đặc sắc của Tô Hoài là sự phản ánh hiện thực, dù nói về mình (Cỏ dại) hay nói về người (Giăng thề, Quê người, Xóm Giếng). Phong Lê nhận định:“Đó là đặc điểm riêng trong bức tranh hiện thực của Tô Hoài, và cũng là dấu ấn riêng nơi chủ nghĩa hiện thực kiểu Tô Hoài trong văn xuôi Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám” (1). Tuy nhiên, Tô Hoài cũng có giai đoạn chuyển tiếp. Thời kỳ quá độ ấy diễn ra trong vòng 8 năm. Không đi vào con đường suy đồi, bế tắc của chủ nghĩa tự nhiên như văn học hiện thực phê phán Pháp cuối thế kỷ XIX, Tô Hoài, cũng như Nam Cao đã bước vào một đại lộ rất mới, đầy triển vọng của văn học cách mạng. Núi Cứu quốc đánh dấu một chuyển biến hãy còn dang dở, nhưng Truyện Tây Bắc (1953) đã xác nhận một bước ngoặt có tính chất quyết định của Tô Hoài trong chuyển biến tư tưởng nghệ thuật và phương pháp sáng tác: sự từ bỏ chủ nghĩa hiện thực phê phán để chuyển hẳn sang chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên, Tô Hoài đã thể hiện thành công nhiệm vụ điển hình hoá nghệ thuật. Truyện Tây Bắc thể hiện cuộc đấu tranh, nổi bật là chống phong kiến. Miền Tây tiếp tục phản ánh cuộc đấu tranh gay go, phức tạp, nhưng cũng là những trang đầu của hiện thực mới – xây dựng chủ nghĩa xã hội ở vùng núi. Và từ quê hương sáng tác miền núi, Tô Hoài đã tạo ra được những bứt phá mới. Nhà văn tiếp tục phát huy khả năng khám phá hiện thực mới trong nhiều vùng sáng tác mới. Có mấy mảng đề tài tập trung được thâm canh và có thành tựu. Đó là miền núi, vùng quê Hà Nội và thế giới thiếu nhi.

Thành tựu văn xuôi của Tô Hoài có thể hình dung ở bốn “vùng đồi cao”.

Một là, vùng đồi miền núi với các cụm đồi Truyện Tây Bắc, Miền Tây cao nhất rồi đến Kim Đồng, Vừ A Dính, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Vùng đồi lớn thứ hai mà đỉnh cao Quê người, Mười năm, Quê nhà thể hiện sự nghiệp cách mạng của vùng quê hương Hà Nội, cùng với một cụm khác Vỡ tỉnh, Người ven thành, Kẻ cướp bến Bỏi, đặc biệt là Chuyện cũ Hà Nội I và II. Vùng đồi thứ ba là văn học thiếu nhi mà đỉnh cao là Dế mèn phiêu lưu ký và cụm đồi đặc biệt Đảo hoang, Chiếc nỏ thần, Nhà Chử viết về cổ tích, truyền thuyết, thần thoại. Vùng đồi cao thứ tư là hồi ký, tự truyện từ Cỏ dại đến Tự truyện và đặc biệt là cụm sáng tác thời Đổi mới: Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác.

Nhìn chung lại, đó là những nhóm sáng tác đỉnh cao trong đời Tô Hoài. Dễ nhận thấy thành tựu chủ yếu là từ sau Cách mạng và được viết theo phương pháp sáng tác mới. Tô Hoài không làm thơ nhưng thích đọc thơ và truyện của ông thường có chất thơ. Nói cách khác, đó là sự đan xen hài hoà trữ tình và hiện thực của ngòi bút tài hoa. Nhà văn thử bút trên nhiều thể loại văn xuôi. Nhất là ở mảng sáng tác cho thiếu nhi có cả truyện lịch sử, dã sử, truyền thuyết. Cũng ở đây ông viết nhiều kịch và kịch bản phim (Kim Đồng...). Tuy nhiên Tô Hoài biết mình, biết người, nhất là biết cái tạng riêng của mình, không phải là viết được tất cả. Văn xuôi nghệ thuật Tô Hoài nổi bật ở truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài và ký sự (đặc biệt loại du ký) và hồi ký. Ông có phê bình, tiểu luận nhưng không thiên về nghị luận có tính hàn lâm.

Khối lượng tác phẩm một đời là đồ sộ, ít người sánh kịp. Con số thống kê là 160 hoặc 180 nếu tính rộng rãi một chút. Tất nhiên số lượng chưa phải là tất cả nhưng là một con số vào hàng kỷ lục nói lên sự nỗ lực rất cao của một đời viết. Cũng tất nhiên không phải tất cả đều là tuyệt tác nhưng ông có những cụm sáng tác đỉnh cao khá nhiều như đã nêu trên. Điều đó chứng tỏ chất lượng tương thích với số lượng.

Đó cũng là kết quả của một đời miệt mài, tận tuỵ với nghề. Những năm cuối đời, thực ra viết thêm cũng không mang lại nhiều lợi lộc và danh tiếng cho nhà văn. Một đời viết như vậy về cơ bản coi như đã là phần đóng góp cơ bản cho đời.

Tuy nhiên, điều đáng quý nhất ở Tô Hoài là sự cần cù, nhẫn nại và nghiêm cẩn với nghề nghiệp. Khát vọng sáng tạo bao giờ cũng mạnh mẽ. Nhà văn từng tâm sự: tác phẩm ưng ý nhất vẫn là tác phẩm ở phía trước, ở thì tương lai. Có nhà văn đã viết: “Năm 1997 nhà văn Tô Hoài làm việc hết công suất” (Ngô Quân). Lẽ ra còn cần nhiều bài viết tiếp: Năm 1998, Năm 1999, Năm 2000… Nhà văn Tô Hoài làm việc hết công suất, vượt năng suất. Tô Hoài là người như vậy. Ông viết với niềm say mê vô tận. Viết như trách nhiệm và hơn thế như lương tâm của một nhà văn chân chính.“Đã mang lấy nghiệp vào thân” Nguyễn Du từng tâm sự như vậy. Tô Hoài cũng như nhiều nhà văn danh tiếng khác coi văn chương là cái nghiệp, suốt đời nặng nợ và trả nợ như không bao giờ hết: Con tằm rút hết những sợi tơ cuối cùng cho tấm lụa văn chương bao phủ cuộc đời.

Có trách nhiệm và quan tâm tới người viết, Tô Hoài còn viết nhiều tiểu luận về nghề: Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (1959), Người bạn đọc ấy (1963), Sổ tay viết văn (1997), nhất là Nghệ thuật và phương pháp viết văn (1997). Có tâm truyền qua nhiều buổi trò chuyện trao đổi với học sinh, sinh viên nhất là với học viên các trường viết văn, nhưng chủ yếu là truyền đạt bằng chữ nghĩa, văn bản một cách nghiêm túc. Lý luận kết hợp với thực tiễn (“Nói có sách, mách có chứng” ) chủ yếu là sự trải nghiệm lý luận – kinh nghiệm sáng tác. Đó là nỗi niềm tâm sự cũng là thông điệp nhắn gửi tâm huyết cho bạn đọc, chủ yếu cho thế hệ những người viết trẻ.

Tất cả những điều đó góp phần nói lên cái lương tâm cao quý của người cầm bút Tô Hoài.

Nói nhà văn lớn Tô Hoài có uy thế chính là vì ông có chỗ dựa bề thế vững chắc là cuộc đời cách mạng dấn thân và công tích, thành quả đồ sộ, những trải nghiệm quý giá của cả một đời viết. Từ con đường riêng ông đã đi vào con đường chung và rút ra những quy luật chung nhất, phổ biến nhất. Vương Trí Nhàn bình luận về Tô Hoài: “… viết bao nhiêu cũng không thấy ngại, càng viết lại càng muốn viết nữa. Viết là say và viết là tỉnh. Viết để ghi lại những gì đã sống, viết lại chính là sự sống nữa” (2).

* * *

Nói như trên cũng là đề cập tới đạo viết của người cầm bút.

Tô Hoài là một mẫu mực về nhà văn suốt đời vì đạo viết.

Nhà văn, dù muốn hay không cũng phải tôn thờ một ngôi đền nghệ thuật, của riêng mà cũng là của chung, của mình cũng là của thiên hạ. Ngôi đền ấy không kỳ bí, huyền hoặc nhưng là linh thiêng với tâm hồn nghệ sĩ. Người viết có một niềm tin mãnh liệt vào sự linh diệu của ngòi bút. Đó là niềm tin của một tôn giáo – một tôn giáo chân chính cần phải theo. Và cái đó là một thứ đạo: đạo viết.

Đạo viết của Tô Hoài cũng như của bất kỳ người viết nào, nhất là những danh sĩ chính là lý tưởng chânthiệnmỹ. Tuy nhiên, Tô Hoài thực hiện lý tưởng ấy theo cách nghĩ, cách cảm mang dấu ân riêng.

“Đạo sĩ” Tô Hoài coi trọng hàng đầu chữ chân. Ông viết chân thật, rất chân thật trong miêu tả, thể hiện, phản ánh. Không né tránh vì một lý cớ nào đó, không khoanh một vùng cấm vô hình giả tạo, nhà văn xông vào sự thật, đằm mình vào cái ngổn ngang, xô bồ, bề bội, rối rắm của cuộc đời. Và quan trọng nhất là bộc lộ phát hiện chân thật bộ mặt tâm hồn nhiều hình nhiều vẻ phức tạp của con người. Dĩ nhiên “nói thật” dễ “mất lòng”, nhưng “thuốc đắng” mới “dã tật”. Nói chung sự thật bao giờ cũng dễ thuyết phục, đi ngay vào lòng người – những con người có lương tri, tâm huyết. Nhưng lời nói thẳng thường trái tai, đã nhiều khi Tô Hoài gặp sự trở ngại va vấp trong dư luận, ông thản nhiên, bình tĩnh chờ đợi: “nói phải, củ cải cũng nghe”. Mười năm từng bị phê phán vì dám nói xấu người cách mạng. Chị Hai Tâm còn trẻ đã goá chồng, những đòi hỏi phải khát khao về sinh lý, tâm lý ở cô gái là hiện tượng bình thường tất yếu trong hoàn cảnh ấy. Chị sống hồn nhiên, tự nhiên. Do không đủ sức tự kiềm chế, cô gái đã có những lời lẽ lả lơi, ve vãn đám thanh niên cùng hoạt động trong thời kỳ bí mật. Vậy là có nhà phê bình thiên về quan điểm xã hội học dung tục và quan điểm chính trị giáo điều cho rằng nhà văn đã xúc phạm nhân vật: tâm hồn người cách mạng là trong sáng không thể có tì vết.

Ba tác phẩm vào những năm cuối đời vào loại xuất sắc nhưng cũng không tránh khỏi những phản bác, phản biện về sự mạnh dạn, táo bạo của người viết. Cát bụi chân ai có cái nhìn cận cảnh, sát sườn nhân vật. Tô Hoài chỉ viết chân thật về những bạn thân quen, do đó ông không ngại chỉ ra những tính cách, lối sống còn bất cập, thậm chí có nét nhếch nhác của những bạn văn danh tiếng. Qua đó là những phê phán, chỉ trích nghiêm cẩn dưới dạng những nụ cười cảm thông chia sẻ, vui đùa tinh tế mà nhẹ nhõm, bao dung. Nhà văn ai cũng là người, cho dù nổi tiếng sao tránh khỏi những khuyết tật. Nguyễn Tuân quá ham chơi thành lãng tử, Nguyên Hồng dân dã, xuề xoà nhưng lôi thôi, luộm thuộm, lòng thòng… Ấy cũng là điều dễ hiểu trong đời thường. Trong hồi ức Chiều chiều có phần kể những ngày đi học Nguyễn Ái Quốc. Nhiều chuyện vui tai đẹp mắt, nhưng cũng có chuyện “ngang tai, chướng mắt”. Đã xảy ra chuyện mất cắp vặt trong học viên. Có người đã “tăng xin, giảm mua, tranh thủ cầm nhầm”. Chuyện tham vặt ấy lúc đó được coi như chuyện tày trời! Ai đời học viên trường Nguyễn Ái Quốc – trường Đảng danh tiếng lại có đảng viên, cấp uỷ dám làm chuyện xấu xa ấy? Thực ra tội phạm nhỏ thường bị coi là chuyện lớn có khi những tên trùm tội phạm lại bị bỏ qua. Ăn cắp bị la làng nhưng cướp bóc ngang tàng lại không dám nói. Ngày nay có biết bao quan chức, cấp uỷ chóp bu mà chiếm đoạt tham nhũng bạc tỷ, hơn thế nữa hàng chục, hàng trăm tỷ! “Con sâu bỏ rầu nồi canh” mà lại xuất hiện “hàng bầy sâu”- như lời một cán bộ cấp cao từng phàn nàn thẳng thắn với cử tri thì rõ ràng “nồi canh” của xã hội bị vơi cạn bao nhiêu. Đó là nỗi phiền hà trong nhận thức lãnh đạo cũng như tấm lòng người dân. Ba người khác vẫn trong khuynh hướng nói thẳng nói thật của Tô Hoài. Những phần tử tha hoá lãnh đạo đã làm tổn hại thanh danh Đội cải cách cũng là giảm sút uy tín của Đảng.

Bác Hồ đã từng đề cao Đạo đức cách mạngNgười từng nói đại ý: Người ta không ai là thánh thần. Vậy là việc sai phạm lỗi lầm, sa sút nhân cách là hiện tượng có thật. Cán bộ là đầy tớ của dân càng phải nghiêm túc soi xét và tu dưỡng bản thân. Nói thẳng nói thật mạnh dạn thậm chí táo bạo như Tô Hoài là khuynh hướng phản biện chân chính về đạo đức rất đáng được biểu dương.

Viết hồi ký là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng. Tô Hoài nhận thức như vậy cũng như ý kiến của Phạm Văn Đồng – người bạn lớn của giới văn nghệ sĩ. Không nên nhân danh cái tôi để mà thanh minh, bào chữa cho những sai sót, lỗi lầm. Cũng tránh kể công, tự đề cao, tâng bốc. Hồi ký đòi hỏi chân thật cao độ trong cả phần tự giãi bày cũng như khen, chê đánh giá người khác, cá nhân cũng như tổ chức. Nói đúng mức không phê quá đáng, cũng không khen bốc trời.

Tô Hoài đã tâm niệm và đã cố gắng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những chuẩn mực cần có. Từ Cỏ dại đến Tự truyện đều tuân thủ cách viết ấy. Cũng như Nguyên Hồng viết Những ngày thơ ấu, Tô Hoài không ngần ngại phơi bày những cái nhếch nhác trong sinh hoạt và ứng xử trong tuổi thơ của mình. Ở Tự truyện cũng là sự giãi bày rất chân thật cõi lòng riêng, thế giới tâm hồn bản thân với tất cả phần sáng và những khúc mờ tỏ. Người đọc cảm thông, trân trọng Tô Hoài chính vì điều đó.

“Đạo sĩ” Tô Hoài suốt đời chuyên tâm theo Đạo viết. Chủ yếu là tu tâm và tu nghiệp. Trong tu tâm, Tô Hoài kết hợp được phong cách sống và phong cách viết. Sống bình dị, nghiêm túc, chân thành. Luôn thấy mình là con người bình thường trong đời thường. Có danh tiếng, có quyền uy nhưng không cao đạo, lên mặt dạy đời. Khôn ngoan nhưng không khôn lỏi, ăn người. Nghiêm khắc nhưng không nạt nộ, đao to búa lớn. Tô Hoài sống điềm đạm, thanh thản. Gần như ông kết hợp được hai mặt tưởng như đối nghịch: dữ dội quyết liệt nhưng bình tĩnh, kiềm chế trong biểu hiện, khẩn trương gấp gáp tranh thủ thời gian nhưng bề ngoài vẫn ung dung, “thủng thẳng”. Mạnh dạn đổi mới, táo bạo, dũng cảm nhưng lời lẽ biểu thị, diễn đạt ôn hoà, chừng mực, tâm phục gắn với khẩu phục. Sâu sắc mà nhẹ nhõm, phức tạp mà tinh tế. Đó là cách ứng xử trong đời và trong văn của Tô Hoài.

Bao giờ cũng vậy, trước sau như một, Tô Hoài luôn tự vượt mình, cái sau bao giờ cũng tìm ra cái khác trước. Không ra tuyên ngôn ồn ào, nhà văn âm thầm lặng lẽ đổi mới một cách hiệu quả, có sức thuyết phục cao. “Gừng càng già, càng cay” là như vậy. Nói như trên cũng đã là đề cập tới tu nghiệp. Luôn học hỏi lý thuyết mới, phương pháp mới có tính hiện đại nhưng nhà văn vận dụng một cách nhần nhuyễn và đặc biệt giữ vững bản sắc dân tộc cũng như cá tính sáng tạo. Đặc biệt, Tô Hoài rất chú trọng trau dồi ngôn ngữ. Văn xuôi Tô Hoài là tiếng Việt hiện đại nhưng đậm màu sắc dân gian và cổ điển truyền thống. Ông rất chú trọng gom nhặt tiếng nói chuyên dụng, tiếng nói nghề nghiệp. Kho ngôn ngữ thật giàu có nhưng bao giờ cũng thấy mới gom nhặt như người buôn thúng, bán mẹt. Tô Hoài từng tuyên bố: “Góp phần làm giàu làm trong sáng tiếng Việt, đưa tiếng Việt lúc nào cũng sánh đôi với đời sống văn hoá và tư tưởng của thời đại” (Tiếng Hà Nội). Tô Hoài có ước mong chính đáng: mỗi chữ phải là một viên ngọc buông xuống trang viết. Tuy không đến bậc “phù thuỷ ngôn từ” như Nguyễn Tuân nhưng Tô Hoài cũng ngang tầm bậc thầy về ngôn ngữ.

* * *

Nhà văn không bao giờ tự thị, tự mãn, không ngừng vươn tới chân trời của sáng tạo nghệ thuật nhưng ta cảm nhận được ông là người đã đắc đạo trong đời viết. Một đời người gần trọn trăm năm, một đời viết vắt qua hai thế kỷ luôn sống cùng sự nghiệp dân tộc trong thời đại.

Xin phép nhắc lại lời tôn vinh cá nhân chắc rằng được sự đồng thuận của nhiều bạn bè đồng nghiệp và của bạn đọc rộng rãi nhiều thế hệ:

Tô Hoài – bậc Lão Tướng một đời vì Nghiệp Văn và Đạo Viết.

--------------------------------------------

 

 

(*) PGS,TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

 

(1) Phong Lê (2000) – Tô Hoài, sáu mươi năm viết…in trong Tô Hoài về tác gia và tác phẩmGiáo dục.

 

 (2) Vương Trí Nhàn (2000) – Tô Hoài- người sống tận tuỵ với nghề- in trong Tô Hoài về tác gia và tác phẩmGiáo dục.

 

Tài liệu tham khảo:

 

[1]. Đoàn Trọng Huy (2007) – Tô Hoài in trong Tinh hoa văn thơ thế kỷ XXGiáo dục

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020