Nghiên cứu khoa học

NGƯỜI TRÍ THỨC DẤN THÂN VÀ TẦM VÓC CỦA MỘT CÔNG TRÌNH KHOA HỌC (Đọc Văn học khái luận (1944) của Đặng Thai Mai)


12-10-2020

Tóm tắt: Văn học khái luận là một cột mốc trong lịch sử phê bình Việt Nam. Đã có nhiều bài viết nghiên cứu chuyên sâu về công trình này. Bài viết của chúng tôi sẽ phác họa lại sự vận động của Đặng Thai Mai từ người trí thức yêu nước đến nhà phê bình văn học Mac-xit qua đó làm sáng tỏ những nguyên nhân đưa lại vị thế điển phạm của Văn học khái luận trong đời sống học thuật của dân tộc.

1. Với nhiều người, tên tuổi của Đặng Thai Mai trước tiên gắn liền với Văn học khái luận. Là cuốn sách đầu tay của ông, một phần, nhưng quan trọng hơn còn bởi tầm vóc và những ảnh hưởng lâu dài của nó trong đời sống học thuật[1]. Trong mọi biên khảo, miêu tả chuyên nghiệp về lịch sử nghiên cứu và phê bình của văn học Việt Nam thế kỉ XX, Văn học khái luận luôn có một vị trí không thể thay thế. Và mặc dù ra đời năm 1944, với chưa đầy 200 trang, cuốn sách này vẫn có một ảnh hưởng sâu rộng đến những công trình lí luận và phê bình, nghiên cứu văn học sử của Việt Nam suốt nhiều thập kỉ sau đó – một ảnh hưởng, phần nhiều không ở những trích dẫn, những luận điểm cụ thể mà ở khả năng định hướng.

          70 năm là một thử thách thật sự của thời gian, nhất là với một công trình khoa học mang tính dẫn luận như Văn học khái luận. Một tác phẩm nghệ thuật tầm vóc, một “danh văn” (theo cách dùng của chính Đặng Thai Mai trong Văn học khái luận), dù gắn rất chặt với một thời đại, một tình thế xã hội nhất định thì vẫn luôn tìm được tiếng nói của mình ở những thời đại sau đó. Tình hình có khác với những công trình khoa học – những công trình mà định mệnh của nó là cung cấp những tiền đề để những thế hệ mai hậu vượt qua. Dầu thế, một cách khách quan, giữa bao nhiêu những dòng chảy lí thuyết đang được dẫn nhập và giới thiệu trong hoạt động nghiên cứu và phê bình đương đại, Văn học khái luận của Đặng Thai Mai vẫn giữ nguyên vị thế của một điển phạm học thuật.

2. Vị thế điển phạm đó, trước tiên, được khẳng định bởi tính uyên bác của tri thức. Đọc Văn học khái luận, người đọc luôn có nhã thú được tiếp xúc với một trí tuệ quảng bác. Có lẽ, trong lần tái bản sau này, cần có cả một phần chỉ dẫn tên người ở phần cuối sách để người đọc tiện tra cứu với thật nhiều những bậc thầy, những danh sĩ của trí tuệ nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim; từ bậc hiền minh cổ xưa đến những giáo sư lừng danh trong những giảng đường của châu Âu. Cuốn sách của Đặng Thai Mai như một cuộc hội thảo ở đó vang lên thật nhiều những ý tưởng những tranh biện. Và thật thú vị, trong cái không gian học thuật thông thái, sang trọng theo truyền thống hàn lâm của châu Âu ấy vẫn hiện diện những câu ca dao[2], những giai thoại hóm hỉnh của làng Nho mà hẳn là Đặng Thai Mai đã thâu thái được từ tuổi thơ của mình. Không ngừng di chuyển theo những điểm nhìn, những khung tri thức đa dạng  đó, Đặng Thai Mai trình bày những ý tưởng của mình không phải như những chân lí có sẵn mà như một sự gạn lọc, kiếm tìm, tranh biện. Đấy thực sự là vẻ đẹp của một trí tuệ lớn. Từ Văn học khái luận, người ta hiểu được vì sao trong kí ức của tất cả những đồng nghiệp, học trò hoặc những người có dịp được làm việc với ông, hình ảnh Đặng Thai Mai gắn liền với sự thông tuệ, hiền minh.

3. Tuy nhiên, đi tìm cội nguồn sâu xa cho vị thế điển phạm của Văn học khái luận có lẽ phải trở lại với thời điểm mà cuốn sách ra đời, trở lại với không khí học thuật, với những câu hỏi của một thế hệ trí thức trước những ba đào của lịch sử.

3.1 Sinh năm 1902, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1928, Đặng Thai Mai thuộc về thế hệ trí thức Tây học – những người mà ngay từ những lớp tiểu học đã làm quen với quả địa cầu, với một ngôn ngữ từ châu Âu để có một tầm nhìn mới, một hoài bão mới. Trong hồi kí của mình, Đặng Thai Mai nhắc tới những giáo sư người Pháp trên bục giảng trường Cao đẳng với những hàm ân sâu nặng về không chỉ những tri thức hàn lâm cụ thể mà, quan trọng hơn, còn là óc phê phán, tư duy phân tích, sự tôn trọng tinh thần tự do tư duy của học sinh[3]... Chính là từ những bài giảng của giáo sư triết học Houlie đã khiến Đặng Thai Mai sau đó “phải suy nghĩ, và muốn tìm hiểu chủ nghĩa Mác”[4]. Với giáo sư văn học Milon, người ta còn nhận thấy những ảnh hưởng tốt lành, lâu dài của ông đến Đặng Thai Mai không chỉ trong Văn học khái luận mà còn trong những công trình khảo cứu về lịch sử văn học Trung quốc hay Chinh phụ ngâm sau này.

Nhưng bấy nhiêu những ảnh hưởng tốt lành của nhà trường, của học vấn dường như vẫn không đủ sức để lấp đầy thế giới nội tâm của những người trí thức trẻ tuổi. Tồn tại một khoảng trống trong tâm thức mà ngay cả khi chưa hình thành một cách rõ nét vẫn đủ sức khiến những chân trời tri thức của sách vở phương Tây - dù đầy ắp những trường phái, những hương sắc mới lạ - trở thành bất túc và xộc xệch. Đấy là lí do để Đặng Thai Mai phác họa chân dung nội tâm mình trong những đường nét khá u ám: “Tôi bước chân khỏi trường Cao đẳng Pháp – Việt với một mớ tri thức khá lộn xộn... Chủ nghĩa hoài nghi đã để lại trong đầu óc của tôi một tầng váng đặc ngầu. (...) Chủ nghĩa siêu hình, chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa ngụy biện, chủ nghĩa hoài nghi... khi mới gối đầu lên đấy, lúc đầu có cái cảm giác dường như có phần là lạ... hay hay... Nhưng tôi không thể nằm nghỉ hoài trên cái gối ấy được. Nếu tôi không tin thì tôi suy nghĩ, nói năng, làm việc, dạy học, viết lách... làm gì? Cùng với ai? Để cho ai?”[5]. Khoảng trống ấy sau này, vào những năm 1940, sẽ được Vũ Đình Hòe chỉ ra trong những phê phán về nền giáo dục thuần tri thức hàn lâm mà người Pháp gieo trồng ở Việt Nam: “Khoa giáo dục chủ ở lý trí, chuyên việc trau dồi tri thức không rèn luyện tâm hồn, đã gây một nền học vấn hư văn phù phiếm, lý thuyết suông, không liên lạc với thực tế, đưa cá nhân đến tình trạng suy nhược về tinh thần, đưa đoàn thể đến một đời sống uể oải”[6]. Trong lời phê phán đã hàm ngụ câu trả lời: tìm đường dây để nối kết giữa học vấn và thực tế đời sống. Sự tìm tòi này, theo những ngả rẽ khác nhau, tất yếu sẽ đưa người tri thức đến những vấn đề của vận mệnh dân tộc. Và quả thực, cùng với sự ảnh hưởng ngày một sâu xa của giáo dục Pháp Việt thì tinh thần dân tộc cũng ngày một trở nên nồng nàn trong trái tim và khối óc của những người trí thức Việt Nam. Tinh thần ấy có những bước đột khởi với ảnh hưởng ngày một rõ nét của Đảng cộng sản từ sau những năm 1930, với Mặt trận bình dân (1939). Chính Đặng Thai Mai trong Văn học khái luận cũng đã ghi nhận sự kiện này khi điểm lại những bài báo của Bùi Công Trừng, Lan Khai, Lưu Trọng Lư về vấn đề tinh thần dân tộc trong văn học Việt[7].

Với riêng Đặng Thai Mai, ông đã đi một chặng đường dài để tìm thấy sợi dây kết nối giữa học vấn và thực tiễn đời sống. Bắt đầu là những hoạt động tham gia vào phong trào sinh viên đòi ân xá cho Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh của những năm 1925 – 1926. Đi xa hơn là hành động gia nhập đảng Tân Việt và tham gia phong trào Cứu tế đỏ. Người trí thức đã thực sự dấn thân và qua đó vượt qua gánh nặng của chủ nghĩa hoài nghi. Cũng chính sự dấn thân đó đã mở ra những chân trời tri thức mới cho Đặng Thai Mai. Từ những năm 40 trở đi, khi mà thế chiến thứ hai tỏa bóng âm u, người ta thấy không khí cách mạng của phong trào Ngũ Tứ từ Trung quốc trên những trang văn của Đặng Thai Mai, trong những trang dịch thuật về Lỗ Tấn. Và ở chặng cuối của hành trình ấy là sự hạnh ngộ của Đặng Thai Mai với Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng. Và như chính ông thừa nhận: chính ánh sáng của Đề cương văn hóa Việt Nam đã thúc đẩy ông viết Văn học khái luận[8]. Sự hoài nghi, mệt mỏi đã hoàn toàn biến mất thay vào đó là một niềm tin mạnh mẽ khi tìm thấy lẽ sống cho mình và cho cả một tương lai mới của văn nghệ dân tộc. Đặng Thai Mai quả quyết: “Giữa lúc cả một thế giới, một chế độ còn đang đổ nát, nếu ta nhận thấy rằng: trung lập chỉ là một chữ vô nghĩa (TVT nhấn mạnh), và quyền tự do của cá nhân không thể rời khỏi nền sống công cộng, và ý nghĩa nghệ thuật chỉ là có thể thực hiện ở trong đoàn thể, trong xã hội giống người, thì ta cũng phải nhận rằng văn nghệ mới phải nẩy nở ở trong thực tế xã hội, phải là một nền văn nghệ ‘xã hội tả chân’.”[9] Đoạn văn trên có thể xem là linh hồn của Văn học khái luận. Ở đó, người ta nhận thấy hành trình dấn thân của người tri thức (trung lập chỉ là một chữ vô nghĩa) đã được chuyển hóa thành  những mệnh đề  khoa học!

3.2 Không khó để nhận thấy những vang hưởng trực tiếp của Đề cương văn hóa Việt Nam trong Văn học khái luận (từ những định hướng dân tộc – khoa học – đại chúng cho đến sự tinh thần luận chiến học thuật khi phê phán những tông phái văn nghệ tư sản đương thời) nhưng điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: chính định hướng của Đề cương văn hóa Việt Nam, ánh sáng của chủ nghĩa  duy vật lịch sử đã khai phóng tận độ năng lực của nhà lí luận văn học Đặng Thai Mai.

Văn học khái luận phần chính văn có 8 chương[10] đề cập đến một loạt vấn đề sau:

- Chương I, II giải quyết những vấn đề nguyên lí chung: khái niệm văn học, mục đích của văn học, quy luật tiến hóa và tính lịch sử của văn học...

- Chương III, IV đề cập đến vấn đề sáng tác mà thực chất là những vấn đề liên quan đến chủ thể sáng tác.

- Chương V đề cập đến mối quan hệ nội dung và hình thức.

- Chương VI đề cập đến vấn đề điển hình và cá tính mà thực chất là vấn đề xây dựng nhân vật trong tác phẩm văn học.

- Chương VII và chương VIII đi sâu vào hai vấn đề thời sự trung tâm của văn học lúc đó: tự do trong văn nghệ, tinh thần quốc gia và văn học.

Một cái nhìn lướt chỉ qua  tên chương cũng đã cho chúng ta thấy phần nào sự phong phú và tính phức tạp của những vấn đề học thuật đặt ra trong cuốn sách. Cái khó khăn của nhà khoa học khi đứng trước một hệ vấn đề khoa học như thế là phải có được một nhãn quan lí thuyết để thâu tóm, để định vị các vấn đề vào trong một trật tự mang tính hệ thống. Nhãn quan lí thuyết ấy Đặng Thai Mai đã tìm thấy trong nguyên lí về mối quan hệ mật thiết giữa văn học và sinh hoạt xã hội của chủ nghĩa duy vật Mac-xit. Với nhãn quan lí thuyết trên là kim chỉ nam Đặng Thai Mai không bao giờ rối trí và lạc lối trong những luồng tri thức bề bộn Đông – Tây để kiến giải về mọi biểu hiện, mọi bình diện của văn học: về quy luật sáng tác của nhà văn, về sự vận động của văn học trong lịch sử, về mối quan hệ giữa cá tính của người cầm bút với lí tưởng xã hội của anh ta, về mối quan hệ giữa tính dân tộc và nhân loại, về tự do sáng tác.... Chẳng những thế, nhãn quan lí thuyết của chủ nghĩa duy vật đã cấp cho ông một vị thế để có được sự hạnh ngộ, đối thoại với những trí thức hàng đầu thế giới; có được khả năng tiếp nhận - vận dụng linh hoạt những tri thức uyên bác bậc nhất của nhân loại ở thời điểm đó để phục vụ cho những luận điểm khoa học của mình. Xin hãy đọc lại những trang văn ông trích dẫn Andre Gide (người gây men cho tinh thần tự do của người nghệ sĩ trong văn học thế giới) để nói về sự găn bó của văn học với đời sống[11]; đọc lại những trang văn ông giới thiệu về T. Gautier (ông tổ của thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật) để nói về sự phản kháng của văn học nghệ thuật với đời sống nhàm chán của xã hội tư sản chứ không phải là sự quay lưng chối bỏ thực tiễn[12]... Đó không phải là sự đơn giản hóa hay bóp méo những học thuyết của Gide hay Gautier mà thực sự là sự tri kỉ - đối thoại học thuật tự tin, thông tuệ, đầy thuyết phục. Một lần nữa, tôi lại muốn nhấn mạnh ở đây một thực tế: chính sự dấn thân, niềm tin chân thành của người trí thức yêu nước vào chủ nghĩa Mác đã tạo nên sự sáng suốt và minh triết trong những kiến giải học thuật của nhà khoa học. Một cách thế, một vị thế ứng xử như thế với tri thức lí luận của nhân loại để tiếp biến và giải quyết những vấn đề khoa học trong một bối cảnh lịch sử cụ thể như trên đủ để khẳng định vị thế điển phạm vững chắc của Văn học khái luận trong đời sống học thuật dân tộc trước sự thử thách của thời gian.

4. Sự phát triển và hội nhập của khoa học nhân văn Việt Nam, từ nhiều lí do, luôn gắn liền với những nỗ lực tìm kiếm, tiếp biến những tri thức lí thuyết từ Âu Mỹ và thế giới. Đó chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng. Sự gia tăng đến chóng mặt của các lí thuyết khoa học là khó khăn dễ nhìn thấy. Nhưng khó khăn hơn cả vẫn là sự vận dụng. Các lí thuyết khoa học xã hội dù vẫn luôn kì vọng đưa ra những mô hình tổng quát thì về cơ bản vẫn được xây dựng trên những sự kiện xã hội, trên tâm thức của một nền văn hóa nhất định. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, không thể tiếp thu lí thuyết Âu Mỹ theo kiểu chuyển giao công nghệ. Cuộc đời trước tác của Đặng Thai Mai cũng như của những học giả tiền bối đầu thế kỉ XX giúp chúng ta hiểu được một quy luật: nhà nghiên cứu phải sống sâu sắc với tâm thức, với những chuyển động của dân tộc. Chỉ với sự dấn thân ấy mới giúp nhà nghiên cứu có được những câu hỏi và cũng là những chỉ lối để anh ta bước ra thâu nhận tri thức chung của toàn nhân loại để trở về làm sống động, giàu có thêm lên cho hoạt động nghiên cứu, cho văn hóa dân tộc. Con đường để Đặng Thai Mai đến với Văn học khái luận vì thế vẫn còn nguyên giá trị thời sự với chúng ta hôm nay./.

                                                                             Đồng Xa 08.IX.2014

 


[1] Nhân dịp kỉ niệm 90 năm ngày sinh Đặng Thai Mai, GS Hà Minh Đức đã có hẳn một tiểu luận công phu viết riêng về Văn học khái luận, xem: Hà Minh Đức (1994): ‘Văn học khái luận của Đặng Thai Mai’, Đặng Thai Mai và văn học, tr.100-113, Nxb Nghệ An.

[2] Sự gắn bó sâu xa, thắm thiết với cội nguồn văn hóa dân gian là một đặc điểm rất nên lưu ý khi tìm hiểu tư tưởng và con đường học thuật của Đặng Thai Mai. Về vấn đề này, tiểu luận của GS Đỗ Bình Trị là một gợi dẫn đặc biệt có ý nghĩa, xem Đỗ Bình Trị (1994): ‘Đặng Thai Mai với văn học dân gian’, Đặng Thai Mai và văn học, tr.167-184, Nxb Nghệ An.

[3] Đặng Thai Mai (2005), tái bản, Hồi kí, tr. 321 – 326, Nxb Văn học.

[4] Đặng Thai Mai (2005), Tlđd tr. 323.

[5] Đặng Thai Mai (2005), Tlđd tr. 369, 371

[6] Dẫn theo Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, tr.621, Quốc học tùng thư, Sài Gòn.

[7] Đặng Thai Mai (1944), ‘Văn học khái luận’, tr. 167 - 170, Tạp chí Văn mới, Nxb Hàn Thuyên.

[8] Đặng Thai Mai (2005), Tlđd tr.406.

[9] Đặng Thai Mai (1944), Tlđd tr.165

[10] Có sự không thống nhất về số chương giữa phần Mục lục và chính văn. Ở phần Mục lục đầu sách giới thiệu 7 chương nhưng trong phần chính văn thì chương III trong Mục lục : Vấn đề sáng tác được tách thành hai chương : III và IV ; vì thế tổng số chương trong chính văn là 8 chương.

[11] Đặng Thai Mai (1944), Tlđd tr.156-164

[12] Đặng Thai Mai (1944), Tlđd tr.39-40

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020