Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, là chất liệu của văn chương, văn học là nghệ thuật ngôn ngữ. Những điều đó đã được thừa nhận một cách hiển nhiên, dường như không có gì phải bàn cãi. Từ đó, nghiên cứu văn học nhất thiết không thể bỏ qua bình diện ngôn ngữ văn học, không chỉ bởi vì mọi yếu tố, mọi bình diện khác của văn học đều chỉ có thể được biểu đạt qua ngôn ngữ, mà còn vì sáng tạo ngôn ngữ là một trong những mục đích quan trọng, cũng là một phần không nhỏ trong sự đóng góp vào những giá trị độc đáo, riêng biệt của văn chương. Lịch sử văn học, xét về một phương diện cũng chính là lịch sử của ngôn ngữ văn học. Ngôn ngữ văn học vừa là điều kiện, lại vừa là kết quả của quá trình vận động, biến đổi của văn học qua các thời kỳ, giai đoạn. Sự thay đổi hệ hình văn học cũng đi liền với sự thay đổi của hệ hình ngôn ngữ văn học, và qua đó phản ánh sự biến đổi của đời sống xã hội, của tư duy, của môi trường văn hóa tinh thần và các giá trị của quan niệm thẩm mỹ.
1. Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, là chất liệu của văn chương, văn học là nghệ thuật ngôn ngữ. Những điều đó đã được thừa nhận một cách hiển nhiên, dường như không có gì phải bàn cãi. Từ đó, nghiên cứu văn học nhất thiết không thể bỏ qua bình diện ngôn ngữ văn học, không chỉ bởi vì mọi yếu tố, mọi bình diện khác của văn học đều chỉ có thể được biểu đạt qua ngôn ngữ, mà còn vì sáng tạo ngôn ngữ là một trong những mục đích quan trọng, cũng là một phần không nhỏ trong sự đóng góp vào những giá trị độc đáo, riêng biệt của văn chương. Lịch sử văn học, xét về một phương diện cũng chính là lịch sử của ngôn ngữ văn học. Ngôn ngữ văn học vừa là điều kiện, lại vừa là kết quả của quá trình vận động, biến đổi của văn học qua các thời kỳ, giai đoạn. Sự thay đổi hệ hình văn học cũng đi liền với sự thay đổi của hệ hình ngôn ngữ văn học, và qua đó phản ánh sự biến đổi của đời sống xã hội, của tư duy, của môi trường văn hóa tinh thần và các giá trị của quan niệm thẩm mỹ.
Trong thế kỷ XX, trên đất nước ta đã diễn ra nhiều biến động lớn lao trên mọi phương diện, từ chính trị, xã hội, kinh tế đến văn hóa, tư tưởng, lối sống và các giá trị. Nền văn học Việt Nam trong thế kỷ XX cũng diễn ra những biến đổi hết sức sâu sắc, toàn diện và vô cùng mau lẹ, với nhiều giai đoạn khác nhau, theo một lộ trình không đơn giản và bằng phẳng, nhưng nhìn bao quát vẫn là một hành trình theo hướng hiện đại hóa ngày càng sâu rộng và triệt để. Ngôn ngữ văn học Việt Nam thế kỷ XX là một bộ phận của quá trình văn học ấy, cũng vận động theo hướng hiện đại hóa ngày càng sâu sắc, trên mọi bình diện và cấp độ.
Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ trọng điểm “Những vấn đề ngôn ngữ văn học Việt Nam thể kỷ XX” đặt ra những mục tiêu:
- Khảo sát diện mạo, đặc điểm và tiến trình vận động, biến đổi của ngôn ngữ văn học qua các giai đoạn văn học trong thế kỷ XX
- Nghiên cứu thành tựu về lời văn nghệ thuật của một số tác giả tiêu biểu.
2. Để triển khai nghiên cứu ngôn ngữ văn học ở một thời kỳ, cụ thể ở đây là thế kỷ XX, không thể không tìm hiểu, xác định một số vấn đề lý luận cơ bản về ngôn ngữ văn học, trong đó có vấn đề xác định nội hàm của ngôn ngữ văn học, mối quan hệ giữa ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ văn học, những đặc trưng của ngôn ngữ văn học. Xung quanh khái niệm ngôn ngữ văn học cũng tồn tại nhiều cách quan niệm và định nghĩa. Theo ý kiến của nhiều nhà ngôn ngữ, và cũng là quan niệm được thừa nhận rộng rãi, thì quan hệ giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ dân tộc là mối quan hệ giữa loại và chủng, cụ thể hơn “Ngôn ngữ văn học là trình độ phát triển cao nhất, đã được trau dồi, được chuẩn hóa của ngôn ngữ toàn dân hay ngôn ngữ dân tộc”…, “ngôn ngữ văn học là thứ ngôn ngữ được trau dồi nhờ một nền văn học và là kết quả của một quá trình chuẩn hóa công phu” (Nguyễn Đức Tồn: Những vấn đề lý luận về ngôn ngữ văn học…”). Về phạm vi của ngôn ngữ văn học cũng tồn tại ít nhất 2 quan niệm ngôn ngữ của các tác phẩm văn học, và ngôn ngữ văn học là thứ “ngôn ngữ viết trong sách vở, báo chí thuộc mọi lĩnh vực của văn hóa, không phải chỉ bó hẹp vào các tác phẩm văn học”. (Theo Hoàng Thị Châu). Mặc dù thừa nhận rằng quan niệm thứ hai nêu trên là bao quát toàn diện hơn, nhưng ở dề tài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào tìm hiểu ngôn ngữ văn học chủ yếu được hiện diện trong các sáng tác văn học, phần nào có lưu ý đến ngôn ngữ của nghiên cứu phê bình. Còn ngôn ngữ báo chí sẽ được tìm hiểu như là một nhân tố quan trọng tác động đến sự hình thành ngôn ngữ văn học hiện đại ở thời kỳ đầu và sự biến đổi ở các giai đoạn tiếp theo. Hội thảo đã nhận được các báo cáo khoa học công phu của GS. TS. Nguyễn Đức Tồn, GS. TS. Bùi Minh Toán đề cập nhiều vấn đề quan trọng của lý luận về ngôn ngữ văn học, như: quan hệ giữa ngôn ngữ và ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ toàn dân, ngôn ngữ dân tộc, phương ngữ, phương ngữ đô thị, phương ngữ nông thôn, tiếng Hà Nội, tiếng thủ đô (GS. Nguyễn Đức Tồn), Những đặc tính của chất liệu ngôn ngữ chi phối nghệ thuật văn chương (GS. Bùi Minh Toán).
3. Trọng tâm của đề tài, cũng là phần dành được sự quan tâm nhiều nhất của các báo cáo khoa học gửi đến tham dự Hội thảo, là về sự hình thành của ngôn ngữ văn học tiếng Việt hiện đại ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, tiếp đó là đặc điểm của ngôn ngữ văn học các giai đoạn: 1930 – 1945; 1945 – 1975 và đặc biệt là sự biến đổi mạnh mẽ của ngôn ngữ văn học sau 1975, chủ yếu là từ thời kỳ đổi mới.
Nền quốc văn mới hình thành ở cuối thế kỷ XIX và nhất là đầu thế kỷ XX là một sự kiện hết sức quan trọng, 1 cột mốc trong sự hình thành ngôn ngữ văn học hiện đại tiếng Việt có nhiều nhân tố tác động tích cực đến sự hình thành nền quốc văn mới và ngôn ngữ văn học tiếng Việt hiện đại, mà hai nhân tố quan trọng nhất đã được khẳng định, đó là sự ra đời và phát triển báo chí tiếng Việt và hoạt động dịch thuật các tác phẩm văn học, văn hóa, tư tưởng của phương Tây, tân thư của Trung Hoa. Tuy đã được khẳng định, nhưng điều đó vẫn rất cần được phân tích chứng minh một cách thuyết phục bằng việc khảo sát cụ thể những tác động chi phối của báo chí, dịch thuật đến ngôn ngữ văn học ở chặng đường này, gắn liền với hoạt động báo chí và có vai trò to lớn trong sự hình thành ngôn ngữ văn học tiếng Việt hiện đại ở thời kỳ đầu không thể không nói đến các nhà văn kiêm nhà văn hóa thuộc thế hệ Tây học, đầu tiên với các công trình của họ từ dịch thuật, khảo cứu, viết báo đến các sáng tác truyện, ký. Đó là những tên tuổi như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của ở Nam Bộ. Phạm Quỳnh với tờ Nam Phong tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí rồi tiếp đến là Phan Khôi, Phan Kế Bính, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim… Động lực thúc đẩy sự hình thành văn xuôi quốc ngữ ở buổi đầu, theo chúng tôi, chính là ý thức dân tộc và sự tiếp xúc với văn hóa, văn học phương Tây. Khát vọng và chủ đích sáng tạo một thứ văn chương bằng tiếng Việt, kể về những sự việc, con người, cuộc sống ở xứ ta, chứ không phải mô phỏng theo những mẫu hình của văn chương cổ Trung Hoa, đã được các tác giả viết văn quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX bộc lộ trực tiếp. Chẳng hạn như Nguyễn Trọng Quản trong lời tựa truyện Thầy Lazaro Phiền đã bộc bạch: “Tôi có một dụng ý lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt in ra nhiều truyện hay, trước là làm cho trẻ ham vui mà tập đọc, sau là làm cho các dân bản xứ biết rằng: Người An Nam sánh trí sánh tài thì cũng chẳng thua ai”. Quan niệm văn học hướng về cái thực, đưa những truyện hàng ngày ở xứ mình vào tác phẩm đã đòi hỏi phải thay đổi hệ ngôn ngữ văn chương, mở cửa cho lời ăn tiếng nói thường ngày của người dân với từ ngữ sinh hoạt, khẩu ngữ, phương ngữ được tràn vào tác phẩm, chủ yếu là trong văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ. Khi phong trào viết văn quốc ngữ chuyển ra miền Bắc, thì cũng đưa đến những biến đổi nhất định về ngôn ngữ văn học mà chủ yếu là kết hợp thứ tiếng nói thông thường với ngôn ngữ được chắt lọc ít nhiều vẫn giữ tính chất sách vở, nhưng hướng vào khu vực ngôn ngữ thành thị của tầng lớp thị dân và bộ phận trí thức tiểu tư sản mới hình thành. Ngôn ngữ thơ giai đoạn này chưa tạo ra những bước đột phá và biến đổi mạnh mẽ như trong văn xuôi, có lẽ vì thành tựu của thơ trung đại đã tạo nên những giá trị cổ điển vững chắc, vẫn còn được xem như những chuẩn mực khó bề vượt qua. Tuy vậy, quan sát cụ thể cũng sẽ nhận thấy những nét mới trong ngôn ngữ thơ, có hai xu hướng chính: Thứ nhất là đưa ngôn ngữ trong đời sống buổi giao thời cũ – mới, Tây – Ta vào thơ, với nhiều từ ngữ về chính trị, kinh tế, xã hội trong bộ phận thơ cách mạng của Đông Kinh Nghĩa Thục, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…(cuộc doanh hoàn, năm châu, kinh tế, mưa Âu gió Mỹ…), hoặc thứ ngôn ngữ hết sức sống động, rất đặc thù của đời sống đô thị thực dân buổi giao thời trong thơ Tú Xương. Thứ hai nhiều nhà thơ tìm về với nguồn thơ ca dân gian, khai thác kho ngôn từ giàu chất trữ tình, những hình ảnh quen thuộc, giàu ý nghĩa biểu tượng của ca dao, cùng với các thể thơ ca dân gian (tiêu biểu là thơ ca của Tản Đà, Trần Tuấn Khải). Không phải ngẫu nhiên mà nhiều báo cáo gửi đến Hội thảo đã quan tâm đặc biệt đến sự hình thành và giai đoạn phát triển đầu tiên trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ XX của ngôn ngữ văn học tiếng Việt hiện đại. PGS.TS.Lê Dục Tú (Viện văn học) khảo sát kỹ lưỡng với những cứ liệu phong phú về “Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong truyện ngắn quốc ngữ 1900-1932”. Để từ đó khẳng định “những đặc điểm ngôn ngữ trong truyện ngắn quốc ngữ đầu thế kỷ XX cũng là sự phản ánh của ngôn ngữ tiếng Việt giai đoạn này, giai đoạn tiếng Việt đang định hình diện mạo và bản sắc”. “…ngôn ngữ trong truyện ngắn quốc ngữ từ 1900-1932 đã đi từ truyền thống đến hiện đại. Quá trình hiện đại hóa ngôn ngữ này gắn liền với quá trình hiện đại hóa thể loại”.
TS. Nguyễn Văn Tùng (Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ) tìm hiểu “Vấn đề hiện đại hóa câu văn xuôi văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX”. Để lý giải việc vì sao quá trình hiện đại hóa câu văn xuôi tiếng Việt phải trải qua quá trình 30-40năm kể từ truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản năm 1887, tác giả đã dẫn ra và tán thành cách lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi: “Điều quan trọng là tiếng Việt chưa có trình độ trừu tượng và cô đúc chữ nghĩa tối ưu như chữ Hán. Vì thế một cuộc giao thoa giữa cách viết thông tục và cách viết mượn chữ Hán dứt khoát phải xảy ra, để nâng cấp dần sức sống của tiếng Việt văn chương”. Cách cắt nghĩa đó hoàn toàn hợp lý với tình hình chung của văn xuôi quốc ngữ hồi đầu thế kỷ nhưng vẫn chưa thực sự giải đáp cho câu hỏi này: “Câu văn xuôi của Nguyễn Trọng Quản đã cơ bản thoát khỏi biền ngẫu, thậm chí hiện đại hơn câu văn xuôi lên bổng xuống trầm của Hoàng Ngọc Phách viết sau hơn 30 năm. Tại sao các nhà văn sau Nguyễn Trọng Quản lại không tiếp tục đà đổi mới câu văn của ông, mạnh dạn loại bỏ ngay lối văn biền ngầu? Có lẽ phải tìm câu trả lời ở chỗ hiện tượng Nguyễn Trọng Quản mang tính đột xuất, bởi tác giả được đào luyện bằng vốn văn hóa phương Tây và Thiên Chúa giáo khá nhuần nhuyễn. Nhưng truyện Thầy Lazaro Phiền của ông là một hạt giống mới gieo vào mảnh đất chưa được chuẩn bị đầy đủ, nhất là đội ngũ sáng tác để có thể có được một mùa màng giống mới.
Về ngôn ngữ thơ 30 năm đầu thế kỷ, bên cạnh hiện tượng kết tinh đặc sắc là Tản Đà, không thể không chú ý đến thơ ca Á Nam Trần Tuấn Khải. Bài viết của GS.TS. Mã Giang Lân đã khảo sát khá toàn diện những đặc điểm về từ ngữ, cú pháp câu thơ của Trần Tuấn Khải, từ đó nhận ra ở bề sâu là sự đan xen của các ý thức hệ buổi giao thời trong tư tưởng một nhà thơ, điều đó có nghĩa là cái mới xuất hiện, cái cũ còn bảo lưu, dung hòa chung sống”. Bài viết của Đào Tiến Thi (NXB Giáo Dục) lại đề cập một nhân tố quan trọng trong sự hình thành ngôn ngữ văn học hiện đại cũng như quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, đó là việc sử dụng chữ quốc ngữ như một phương tiện chủ yếu, làm báo, viết văn. Tác giả đã lý giải việc chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ ở nước ta đầu thế kỷ XX có động lực chủ yếu từ tư tưởng phong trào Duy Tân cứu nước chứ không phải ở sự áp đặt từ phía chính quyền thuộc địa.
4. Giai đoạn 1932 – 1945 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nền văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hóa để thực sự đạt tới tính chất hiện đại, thì tất yếu ngôn ngữ văn học cũng có bước phát triển hết sức quan trọng, để thực sự là tiếng Việt văn học hiện đại. Đến đây, tiếng Việt văn học đã đạt được những khả năng toàn diện và tinh tế sâu sắc trong cả việc tái hiện, miêu tả các trạng thái của đời sống hiện thực, bức tranh xã hội và cả những trạng thái phức tạp, tế vi của nội tâm con người, nhất là con người cá nhân cá thể, công lao to lớn của các nhà văn Tự Lực văn đoàn trong việc định hình cho câu văn xuôi tiếng Việt đạt đến sự trong sáng, khúc chiết, thoát hẳn lối văn biền ngẫu mà vẫn uyển chuyển, chịu ảnh hưởng của lối văn Pháp nhưng vẫn là câu văn tiếng Việt. Nhưng ngôn ngữ văn xuôi của các tác giả trong văn đoàn này lại vẫn có một khoảng cách đáng kể với đời sống hàng ngày của nhiều tầng lớp dân chúng, nó “sạch sẽ” mà lại nhiều khi bóng bẩy nên không trành khỏi rơi vào khuôn sáo ngoại trừ một số tác phẩm đặc sắc của Thạch Lam. Khuynh hướng hiện thực có những đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học giai đoạn này theo hướng bám sát thực tại đời sống, mở rộng và tăng cường khả năng biểu đạt cả bức tranh xã hội và đời sống bên trong con người. Cuộc cách mạng thi ca của phong trào thơ Mới cũng là cuộc cách tân quan trọng về ngôn ngữ thơ. Hướng tới cách tổ chức câu thơ, lời thơ gần với điệu nói, mở rộng trường từ ngữ, cả miêu tả và biểu hiện cùng với những biến đổi về thể thơ, về cấu trúc bài thơ, tất cả đã tạo nên một diện mạo ngôn ngữ tươi mới, đầy sức biểu cảm và tạo hình của ngôn ngữ thơ Mới. Những đổi mới và thành tựu của ngôn ngữ thơ trong phong trào thơ Mới cũng đã được một số báo cáo gửi đến Hội thảo đề cập tới: “Bước đầu tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ thơ Mới – La Nguyệt Anh (ĐH SP HN2) và Lê Hồng My (ĐHSP – ĐHTN); Sự vận động của ngôn ngữ thơ Mới, từ lãng mạn đến tượng trưng, siêu thực – Nguyễn Thị Minh Thương (ĐHSP HN). Ngôn ngữ nghệ thuật của Nam Cao, một đỉnh cao và là sự kết tinh thành tựu của ngôn ngữ văn xuôi, không chỉ của trào lưu hiện thực, đã được tìm hiểu trong báo cáo của TS. Lê Hải Anh (ĐH SP HN) “Một phương diện nghệ thuật đặc sắc của ngôn ngữ nghệ thuật Nam Cao: Ngôn ngữ độc thoại nội tâm”
5. Cuộc cách mạng T8-1945 là một biến cố trọng đại, mở ra một bước ngoặt quan trọng của lịch sử dân tộc và xã hội Việt Nam, cũng bắt đầu thời kỳ văn học mới, mà giai đoạn đầu là 30 năm từ 1945 – 1975 (còn tiếp diễn đến khoảng 1985), thường được gọi là nền văn học cách mạng theo khuynh hướng sử thi. Nền văn học sử thi hiện đại hình thành và phát triển trong những điều kiện lịch sử, môi trường văn hóa tinh thần đặc thù của 2 cuộc chiến tranh và những biến đổi cách mạng, phục vụ một cách tự giác và tích cực cho những yêu cầu cách mạng. Thích ứng với văn học sử thi và là một phần của nền văn học ấy, ngôn ngữ giai đoạn 1945 – 1975 chịu sự chi phối mạnh mẽ của 2 đặc điểm cũng là những định hướng vận động lớn của nền văn học: cách mạng hóa và đại chúng hóa. Ở đặc điểm thứ nhất, các từ ngữ chính trị, quân sự, sinh hoạt xã hội cộng đồng đã gia nhập một cách khá đông đảo và thường xuyên vào trường từ vựng của tác phẩm. Với đặc điểm thứ hai thì ngôn ngữ đại chúng đã trở thành trường từ vựng và cách diễn đạt, tổ chức lời văn phổ biến và cơ bản của tác phẩm, thậm chí được xem như là một dấu hiệu quan trọng của sự đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật nói riêng và văn học nói chung. Hai đặc điểm nói trên dễ dàng tìm thấy ở mọi thể loại, từ thơ đến truyện ngắn, tiểu thuyết, ký (chẳng hạn có thể nhớ đến những bài thơ nổi tiếng của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, như Phá đường của Tố Hữu, Đồng chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên, truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi). Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ những đặc điểm nói trên vẫn tiếp tục chi phối ngôn ngữ văn học cách mạng, nhưng đã được bổ sung, nâng cao, có tính nghệ thuật hơn. Chẳng hạn như ngôn ngữ chính trị được vận dụng theo hướng suy tưởng, triết lý (trong thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận). Còn ngôn ngữ đại chúng cũng không còn ở dạng hồn nhiên mà được chọn lọc gia tăng ý nghĩa khái quát, điển hình (tiêu biểu là trường hợp thơ Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy và nhiều nhà thơ thế hệ trẻ thời kỳ chống Mỹ).
Nói đến văn học trong 30 năm chiến tranh từ 1945-1975, bên cạnh dòng chủ lưu là văn học cách mạng – kháng chiến, không thể không nói đến bộ phận văn học các đô thị bị tạm chiếm những năm 1946-1954 và nhất là văn học vùng đô thị miền Nam trước 1975. Ở miền Bắc bị khuất lấp phía sau của dòng chủ lưu văn học cách mạng còn có một chi lưu khác vẫn âm thầm chảy, âm thầm tìm tòi sáng tạo, đó là sáng tác của những người từng tham gia nhóm Nhân văn – Giai phẩm. Tác phẩm của họ - những Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng…đã mở một hướng tìm tòi rất khác, đặc biệt là trên phương diện ngôn ngữ nghệ thuật.
Bộ phận văn học đô thị miền Nam trước 1975 gần đây đã bước đầu được nhìn lại theo tinh thần khoa học nhưng vẫn còn cần được tiếp tục tìm hiểu, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, khoa học nhất là đối với những cống hiến của một số tác giả, tác phẩm có tinh thần dân tộc, có những cách tân mang ý nghĩa tiên phong về nghệ thuật. Tác phẩm của các nhà thơ thuộc nhóm Nhân văn – Giai phẩm đã được hiện diện trở lại trong đời sống văn học từ sau đổi mới và đã thu hút được sự chú ý nghiên cứu của không ít người trong giới văn học. Tuy nhiên, ở Hội thảo này chúng tôi chưa nhận được nhiều báo cáo quan tâm tới hai bộ phận nói trên. Ngoại trừ một bài rất đáng chú ý của Đinh Minh Hằng (ĐHSP HN) vận dụng lý thuyết diễn ngôn để đưa ra “Một cách hiểu về diễn ngôn tính dục trong thơ Trần Dần”.
6. Sau 1975, nhất là từ khi công cuộc đổi mới đất nước được phát động, nền văn học dân tộc đã chuyển ngày càng mạnh mẽ sang một giai đoạn mới với những biển đổi sâu sắc trên mọi bình diện của đời sống văn học, từ ý thức nghệ thuật, quan niệm văn chương đến đội ngũ nhà văn, công chúng bạn đọc, các thể loại, các phương thức nghệ thuật…Cố nhiên, ngôn ngữ văn học cũng phải có nhiều biến đổi mạnh mẽ, là một phần quan trọng trong sự đổi mới toàn diện nền văn học. Ngôn ngữ không chỉ được xem như phương tiện biểu đạt mà còn trở thành một mục đích sáng tạo của văn chương. Đến đây, định đề “Văn học là nghệ thuật ngôn ngữ” mới thực sự có điều kiện để hiện thực hóa. Tìm tòi, sáng tạo ngôn từ nghệ thuật trở thành một khát vọng, một chủ đích của nhiều tác giả, đặc biệt là trong thơ. Bây giờ người ta đã không còn lạ lẫm với những quan niệm như của Lê Đạt: “Làm thơ là làm chữ”, “chữ bầu lên nhà thơ”. Hay của Trần Dần: “tôi đơn giản đồng nhất làm thơ với làm tiếng Việt”. Nhiều thành tựu về ngôn ngữ văn học của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu ở giai đoạn này đã được tìm hiểu, khẳng định. Hội thảo đã nhận được một số báo cáo rất công phu, bao quát những nét chính về xu hướng đổi mới ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ thơ thời kỳ đổi mới. Đó là báo cáo của PGS.TS.Nguyễn Thị Bình “Những đổi mới đáng chú ý về ngôn từ trong văn xuôi Việt Nam từ giữa thập kỷ 80 đến nay”, khảo sát trên hai bình diện chính: ở cấp độ ngôn từ nghệ thuật và cấp độ phương thức tổ chức lời văn. Báo cáo của TS. Đặng Thu Thủy: “Cuộc cách mạng ngôn ngữ trong thơ Việt Nam đương đại”, đã khảo sát khá kỹ lưỡng những cách tân ngôn ngữ thơ trên một số hướng chính, như tạo những ý niệm mới bằng cách kết hợp từ độc đáo, sử dụng rộng rãi ngôn ngữ đời thường, thông tục theo hướng dân chủ hóa, dung nạp lớp ngôn ngữ mới của đời sống hiện đại. Th.s Trần Ngọc Hiếu tìm hiểu một hiện tượng ngôn ngữ thơ từng gây ra nhiều tranh luận trong những năm gần đây: Thơ của nhóm Mở Miệng ở Sài Gòn. Thành tựu của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được TS. Nguyễn Thị Thu Thủy thêm một lần nữa khẳng định qua việc tìm hiểu “Những đổi mới về ngôn ngữ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”.
* * *
Trên đây, chúng tôi mới chỉ thử đề xuất một số nội dung nghiên cứu ngôn ngữ văn học Việt Nam thế kỷ XX và điểm qua nội dung các báo cáo khoa học được gửi đến tham gia Hội thảo. 14 bản báo cáo của các nhà khoa học ở cả 2 chuyên ngành ngôn ngữ và văn học, thuộc các cơ quan nghiên cứu như viện Ngôn ngữ học, viện Văn học, các cơ quan xuất bản, báo chí như NXB Giáo Dục, tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, đông đảo nhất là ở các khoa Văn, khoa Ngôn ngữ của các trường Đại học: ĐH KHXH & NV – ĐHQG HN, ĐHSP HN, ĐH SPTN, ĐH SP HN2.
Nghiên cứu ngôn ngữ văn học Việt Nam thế kỷ XX là một công việc khoa học rất to lớn, khó khăn, nhưng cũng hết sức phong phú, hấp dẫn. Hội thảo này cũng như đề tài khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ mà khoa Ngữ văn – ĐHSP HN đang tiến hành cũng chỉ là những bước đầu rất khiêm tốn trên hướng nghiên cứu đó. Mong muốn lớn nhất của Ban tổ chức Hội thảo và những người tham gia đề tài khoa học này là kích thích, mời gọi sự quan tâm nhiều hơn nữa của các nhà khoa học ở cả 2 chuyên ngành ngôn ngữ và văn học đến công việc nghiên cứu khám phá sâu hơn nữa vấn đề ngôn ngữ văn học Việt Nam thế kỷ XX trên các cấp độ và bình diện .
Chúc Hội thảo của chúng ta thành công!
Kính chúc các vị Đại biểu, các nhà khoa học một năm mới dồi dào sức khỏe, có nhiều thành tựu khoa học.