Nghiên cứu khoa học

NGÔN NGỮ THÂN THỂ VÀ HÀNH TRÌNH ĐI TÌM CÁI ĐẸP CỦA NGUYỄN HUY THIỆP


12-10-2020

Đoàn Tiến Dũng

Chuyên ngành: Văn học Việt  Nam hiện đại

I. Đặt vấn đề

1. Với nhà văn có thể anh ta sáng tác rất nhiều, nhưng để có được tác phẩm có lực hút neo bám vào lòng người đọc là điều không dễ, thậm chí rất hiếm hoi. Văn chương như một thứ bập bênh nghệ thuật với những luật chơi ngoắt nghéo nghiệt ngã vô hình đã thách thức tất cả những ai lao vào con đường cầm bút, nó chẳng loại trừ ai, sẵn sàng hê tung nếu như anh ta không đủ bản lĩnh và lượng sức mình trong cuộc đua chen choán đầy ảo tưởng. Trên bước đường gập ghềnh xa dài tít tắp, Nguyễn Huy Thiệp đã lựa cho mình một lối đứng riêng, thăng bằng, đủ chuẩn, đủ để khẳng định tên tuổi mình trong phê bình, văn giới. Trong số rất nhiều sắc thái và bình diện khác nhau của lớp ý nghĩa truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tôi chỉ lựa cho mình một khía cạnh để hạn chế vấn đề: Ngôn ngữ thân thể, sự lựa chọn này khiến tôi không thể không quay về với những lí thuyết thuộc phạm trù lí luận.

Maurice Merleau-Ponty (14/3/1908 – 4/5/1961) - nhà triết học Pháp, học trò của E.Husserl, người thường bị hiểu lầm là nhà tư tưởng hiện sinh vì mối quan hệ cộng tác chặt chẽ với J.P.Sartre. Ponty quan niệm về hữu thể theo kiểu Heidegger nhưng đã đi xa hơn Heidegger- người đã vượt qua Husserl bởi việc hiện sinh hóa cái Tôi tiên nghiệm, khi nhấn mạnh không chỉ bản chất (trần tục) tồn tại của chủ thể người, mà trên tất cả là tính xác thịt của con người. Ở đây thân thể đã trở thành phạm trù quan trọng của triết học về con người, đặc biệt là triết học hiện tượng học. Theo Nguyễn Văn Trung trong cuốn Ca tụng thân xác, tác giả cho rằng: “Thân xác là một thực tại mở thiết yếu hướng ngoại, nhiều cơ quan bộ phận của thân thể được cấu tạo để hướng ra bên ngoài đi tới người khác để tiếp nhận hay dâng hiến” [9; 57]. Ngôn ngữ thân thể (body language) không phải ngày nay mới được đề cập đến trong lĩnh vực văn chương và các ngành nghệ thuật, mà nó vốn như “con dao hai lưỡi”, thách thức cao đối với người sáng tác. Nếu thành công sẽ tạo tác nghệ thuật đến đỉnh cao, ngược lại không khéo sẽ tầm thường, hạ đẳng. Ngay từ thời Phục hưng, hội họa phương Tây đã tập trung bút cọ, trút mực miệt mài ngợi ca chính vẻ đẹp thân thể con người. Minh chứng là những bức tượng, bức tranh khỏa thân về các nữ thần, thiếu nữ như Adam, Eva, nữ thần Tình yêu Aphrodsiet…Đơn cử, Georgia O'Keeffe-nữ danh hoạ hiện đại có tầm thế giới, sinh ở bang Wisconsin (Hoa Kỳ), là người hoạ sĩ suốt đời chỉ vẽ hoa và bà cũng chỉ vẽ về duy nhất một loại hoa đó là hoa phong lan! Lạ thay, với hoa này, nhất là loài Cattleya, người chiêm ngưỡng dễ dàng nhận ra những gợi cảm đầy tính dục có liên quan tới cơ năng sinh dục của người phụ nữ. Không những thế, gần đây, khái niệm Hàn lưu (Hallyu – Korean wave), với hàm nghĩa về sự lan rộng ảnh hưởng văn hóa Hàn Quốc, chủ yếu trên lĩnh vực điện ảnh đã thu hút rất nhiều khán giả, các minh tinh màn bạc với ngôn ngữ thân thể gợi cảm, lãng mạn nhẹ nhàng (cả nam diễn viên, nữ diễn viên) đã làm mê đắm không ít người ngoạn lãm phim Hàn (Kmovie). Do vậy, ở một phương diện nào đó, thứ ngôn ngữ thân thể đã trở thành cảm hứng cho người nghệ sĩ sáng tạo, là “ý thức sâu sắc về những gì tiềm ẩn trong vẻ đẹp thân thể của con người tạo nên cảm xúc thẩm mĩ”(1)

2. Khái niệm ngôn ngữ thân thể (body language), nó bắt đầu từ kịch hình thể (Theatre of images), nghệ thuật hình thể (bodyart), sau đó li tâm khỏi hai ngành nghệ thuật này, và trở thành một trào lưu phổ biến lan sang địa hạt văn học. Ngôn ngữ thân thể  thể hiện đậm nét ở chủ nghĩa Nữ quyền luận (feminism), bên cạnh mục đích bình đẳng giới, nữ quyền luận còn lấy thân thể phụ nữ làm phương tiện chủ âm cho dòng viết, người phụ nữ viết văn tự khám phá, tự nhận thức về ngoại hình cơ thể của chính mình và cũng tin rằng người khác cũng thấy mình như vậy. Cơ sở lí luận hình thành ngôn ngữ thân thể bắt đầu thịnh hành ở cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 nó như là một lí thuyết thể hiện phong trào đấu tranh cho nữ quyền ở các nước phương Tây, đặc biệt sau cuộc Cách mạng tình dục ở Mĩ (1968). Trong bối cảnh văn hóa ấy, họ cho rằng nam giới đồng nghĩa với nhân loại, đồng nhất với lịch sử, còn phụ nữ như một cái khác (other) luôn phụ thuộc dựa dẫm vào nam giới, là những người đàn ông bất hoàn, “chả có gì cả, trừ tử cung, đồng thời cũng là những kẻ không có cu và day dứt bởi mặc cảm thiến”. (2)

Ngôn ngữ thân thể trong văn chương không đồng nghĩa với những gì được coi là tục tĩu bẩn thỉu, dâm thư, nhục nhã. Hay việc “lạm dụng thân thể để giải thích những hành vi trong khuê phòng, những trường đoạn trên giường những trơ trẽn của gái điếm hay tật thủ dâm…ngoài những khía cạnh mang tính “cách mạng” cũng có thể thấy đó là những sai lầm đối với cảm thức về thân thể” (3).. Đồng thời nó cũng không phải thứ nghệ thuật đen, nghệ thuật vô luân trắng trợn (Thanh Tâm Tuyền) chỉ nhăm nhăm tìm kiếm dục tình, thân xác, mà có ý nghĩa như một văn hóa trong nền văn học biểu hiện cho sự nâng niu và trân trọng. Đôi khi, trở thành thứ gia vị, hiệu ứng dư ba, góp phần thăng tỏa hấp dẫn, lẽ vậy, tác phẩm của Thiệp khó ai trộn lẫn. Ngôn ngữ thân thể trong nghĩa ban sơ tự nó đã khẳng định tính nhân và bản tạo ra quyền năng sự sống hứa hẹn sự tái sinh. Vốn thiên về phái âm, nữ tính, ngôn ngữ thân thể gắn liền với sự thanh xuân, trẻ trung đổi mới. “Với văn học thân thể là thân thể sống, nó không giản đơn là thân xác, xác thịt. Xem thân thể chỉ là xác thịt có nghĩa là thu hẹp nó, tầm thường hóa nó. Trong con người sống, thân thể thấm nhuần tâm hồn. Chỉ xác thịt không phải là thân thể người, tính dục cũng không phải thân thể người. Chỉ có cảm xúc tâm hồn mới biến thân thể thành ngôn ngữ” (4).

 II. Giải quyết vấn đề

1. Cuộc Cách mạng tình dục khi đã chạng vạng hoàng hôn ở phương Tây, thì đối với phương Đông nó lại trở thành bình minh và đang bắt đầu… hé rạng. Những cuộc xâm thực ùa ạt trên tất cả các phương diện của Tây phương đối với Đông phương, (trong đó có văn học), đã buộc nhiều cây bút  phải cố rướn ngòi mà vận động. Những vấn đề liên quan đến thân thể, dục tính, trước đây vẫn ít được đề cập vì nó liên quan nhiều đến chuyện phòng the, chăn gối. Hai nữa, một thời gian dài chiến tranh, khổ đau mất mát, người ta không thể ngồi nhâm nhi với những khía cạnh đời tư cuộc sống, ai cũng phải ra sức đấu tranh để giành thắng lợi. Lẽ dĩ nhiên, không phải trước đó văn học trung đại không đề cập đến, nhưng đối với dòng văn chính thống, tải đạo thì nhiều người dường như né tránh. Đến thời Đổi mới, ý thức cái tôi cá nhân phát triển hơn bao giờ hết, việc khai thác ngôn ngữ thân thể và dục tính được nhiều nhà văn đề cập. Thế nhưng, có một hiện tượng là, trong bối cảnh văn hóa đại chúng (popular culture) ngày nay, ngôn ngữ thân thể dường như đã bị lạm dụng. Ta dễ dàng nhận thấy hình ảnh thân xác gợi cảm, ngập tràn các pano, aspphich, các biển quảng cáo. Nó đi vào điện ảnh, sân khấu, hội họa, thời trang...,từ nhiều cấp độ từ sex đến sexy, khiêu dâm, thác loạn. Chưa bao giờ thân thể phụ nữ (có cả nam giới) lại sử dụng triệt để làm cái biểu đạt cho nhiều mục đích khác nhau đến như vậy. Do vậy, thân thể từ chỗ thiêng liêng, tế nhị, đã bị giải thiêng, tầm thường dung tục hóa. Hàng loạt tác phẩm mang đậm ngôn ngữ thân thể và dục tính ra đời như : Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè; ; Nguyễn Bình Phương với Ngồi; Dương Bình Nguyên với Giày đỏ; Đặng Thiều Quang với Đảo cát trắngChờ tuyết rơi; Thủy Anna với Điếm trai; Keng với Dị bản; Thuận với Vân Vy; Phạm Ngọc Lương với các truyện ngắn trong tập Vũ điệu thân gầyTruyện ngắn 8X…Tất cả như đang li tâm dần truyền thống, bứt khỏi bệ đỡ điển phạm lâu nay và đem vào nền văn học một luồng gió lạ, mới, ca ngợi vẻ đẹp hình thể, bộc lộ khát vọng phóng khoáng mơ ước tự do bình đẳng cho người phụ nữ. Trong Bóng đè, có đoạn, người con gái để ngực trần chạy giữa ngôi mộ tổ tông như một sự khoe khoang, kích động, và có cả sự thách thức một luồng thác hủ tục dật dờ thành kiến và trở thành mĩ cảm dục tính hay sex văn hóa.

2. Biên độ ngôn ngữ thân thể giờ đây, càng được mở rộng và được các tác giả đặt trong nhiều tương quan khác nhau, vừa tạo bề nổi của góc độ phản ánh, vừa gửi gắm những bề chìm của thông điệp như là những ẩn ức nghệ thuật. Đối với tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp không ngại, tung vào rất nhiều thứ ngôn ngữ thân thể, ngập tràn tính dục như một sự nhấn nhá, gợi dẫn trí tò mò và cũng không kém phần ẩn chìm, huyền ảo. Nó điểm trúng tâm thức của người hiện đại, phát quang tinh thần cởi mở, là thanh âm phản kháng, va chạm với những truyền thống lâu nay. Có thời kì, tác phẩm của ông đã khuấy động lên trong văn giới những luồng luận tranh mạnh mẽ. Người khen, kẻ chê, lẫn lộn, thậm chí có cả mạt sát, cho ông là kẻ hướng ngòi bám gót triết gia Freund. Người ta quan tâm nhiều đến yếu tố lịch sử giả, yếu tố giải thiêng, giải mã văn hóa hay thiên tính nữ trong những sáng tác của ông. Tuy vậy, chúng ta đều thấy rằng, rất nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp tính dục và ngôn ngữ thân thể không phải thấp thoáng xuất hiện mà được phản ánh một cách trực diện, đậm nét. Tại sao có hiện tượng như vậy? Có lẽ, do bức tranh xã hội hiện đại quá tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, đã đẩy lên đến mức cực đoan, con người đề cao công ăn việc làm, kiếm tiền, thực dụng và cuối cùng…hưởng thụ, đời người không biết bao nhiêu là tiền, chết cũng cần! [7;16]. Trong nhiều tác phẩm, bức tranh xã hội phần nhiều là những hình ảnh ngổn ngang đầy dục tính, đôi khi, Nguyễn Huy Thiệp đã thẳng thừng “giội những gáo nước lạnh”, “quất lằn roi cá đuối” vào những nhân vật giả nhân giả nghĩa đang tiết kiềm dục vọng, nó trở đi trở lại, hiện đầy nhan nhản trong nhiều tác phẩm: Chút thoáng Xuân Hương, Những người thợ xẻ, Không có vua... Những cảm xúc tình dục của con người, các trạng thái ngân nga, rậm rợi khi tiếp xúc thân thể với nhau, được Nguyễn qua đó đặt nền cho ngôn ngữ thân thể dần dà hiển hiện. Sau đây là trạng thái rung động con tim của chàng trai khi thấy thân hình gợi tình, gợi cảm của cô gái: “Tôi thót mình bởi mùi mồ hôi rất gần và cảm giác mềm mại của đôi vú chị Hiên áp vào lưng tôi…Tôi cứng người vì thấy thân hình chị Hiên với cái Khanh đều tuyệt đẹp” [7; 130]. Còn đây, là lời tự thú của một nhân vật: “Tôi đến gần bị kích động bởi thân hình gợi cảm và làn da trắng ngần ở cổ và ở vai cô gái thế là tôi ôm choàng lấy cô một cách liều lĩnh. Dục vọng trong tôi bừng lên như lửa.” [7; 452]. Như một lẽ tự nhiên, thân thể và dục tình, vô hình là một thứ lâm châm có sức hút lạ kì, dẫn dụ, chẳng biết bao giờ loài ngoài mới thôi và không bị thúc ám, háo hức bởi ngôn ngữ thân hình. Có thể nói, đằng sau hiện thực đời thường là cái nhìn triết luận của nhà văn, được lược qui bằng giọng văn đầy độc đáo, đôi khi, ẩn giấu bằng giọng văn đầy ngán ngẩm! Do vậy, “Đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, người đọc phải lao vào một cuộc chơi ở đó tất cả đều ở trong quan hệ bình đẳng, dân chủ. Luật chơi sòng phẳng, cũng là nguyên tắc thẩm mỹ của truyện Nguyễn Huy Thiệp” (5).

3. Thân thể với vẻ đẹp ban sơ, tự nó cũng đã là một phương tiện giao tiếp, cùng với những vật dụng thời trang, trang sức chính là việc mở rộng phạm vi biểu đạt ngôn ngữ giao tiếp của con người. Bên cạnh đó những bộ phận thuộc thân thể như: răng, lưỡi, môi, chân tay, mắt, miệng…cũng có thể là ngôn ngữ, mã tín hiệu của con người. Hai nữa, việc sử dụng biện pháp nhân hóa, ẩn dụ trong khi miêu tả thiên nhiên, đồ vật là cách thể hiện gián tiếp ngôn ngữ thân thể. Ngôn ngữ thân thể trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được chia làm nhiều loại biểu hiện, tôi tạm chia thành những loại như sau:

-Những phần bên ngoài, ngoại hiện như : da, môi, mặt, mắt, tóc, tay, chân, nước mắt,  khóc, cười…;

-Những phần thường che giấu : như ngực, bụng, bộ phận kín đáo…;

-Những phần cảm giác thầm kín, nội cảm như : sung sướng, đau đớn, tức giận, dục tình,..;

-Những phần bí ẩn trong thân thể : chỉ thấy khi nghĩ đến sự sống hay sự thương tổn, cái chết xuất hiện trong đời thực nhân vật, hay cảm giác sợ hãi trong những giấc mơ.

Tất cả các phạm vi biểu hiện phần thân thể trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trở thành ngôn ngữ ca ngợi vẻ đẹp ban sơ, vẻ đẹp thánh thiện vĩnh hằng chứa đầy nhân bản.

Khi đi vào khảo sát 12 tác phẩm trên tổng số 200 trang trong tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tôi nhận thấy, phần nhiều ngôn ngữ thân thể được miêu tả qua những phần ngoại hiện, chúng có tần số xuất hiện nhiều hơn phần miêu tả ngôn ngữ thân thể qua cảm giác nội cảm. Cụ thể là, bộ phận thân thể mặt miêu tả 61 lần, mắt : 51 lần; khóc : 61 lần, cười : 111 lần. Trong khi đó phần miêu tả cảm giác nội cảm, tần số xuất hiện ít hơn : đau đớn : 24 lần; sung sướng : 8 lần; tức giận : 5 lần. Đặc biệt bộ phận thân thể là mặt được miêu tả nhiều, lên tới (61 lần), có 1 lần khuôn mặt được so sánh với phần kín  của bộ phận thân thể : Chúng tôi gặp ông Thuyết ở đầu ngõ. Tôi rùng mình vì trông thấy khuôn mặt ông ta : mặt đen và tái như da ở bìu dái, lông mày rậm, răng vẩu mà vàng như răng chó. [7; 101]

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới“mặt ở đây là ngôn ngữ không lời. Mặt là phần sống động nhất, nhạy cảm nhất trung khu của các giác quan; đó là cái tôi sâu kín đã bóc trần ra một nói lên rất nhiều so với phần còn lại của thân thể”(6)

Ngoài ra, phần kín thân thể được nhắc tới  09 lần :

-Lão Kiền bảo : Tao chả cần, là thằng đàn ông không nên xấu hổ vì có con b...[7;  50]

-Tôi sấn vào chỗ bọng đái, lấy cùi tay chặn ngang cổ Biền khiến hắn không thở được nữa. [7; 106]

-Mày có biết vì sao cái ấy của phụ nữ được gọi là bướm không? Nó là một thứ có cánh phấp pha phấp phới. [7; 114]

-Mẹ Lâm gạt đi : Hỗn nào! Chim bằng quả ớt thế thì làm các cụ ra sao. [7; 121]

-Thế là đến đêm ra thuyền ngồi khóc. Giận đời lại muốn chuộc tội, ông Hai Chép lấy dao cắt phăng hai hòn dái của mình vứt xuống sôngMẹ Lâm bảo, đàn bà thế là bạc. Bà Lâm bảo bạc gì? Có hai hòn dái là của quí mất rồi còn đâu? [7; 121]

-Có mấy tay thanh niên ở bên Duệ Đông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược. [7; 126]

-Nhà vua nổi giận : Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn dê ư? Ta cho cắt dái mày! Ta cho mày ăn cứt! [7; 164]

-Tôi thở dốc nằm lăn lộn trên bãi cát ướt. Hai viên tinh hoàn của tôi nặng trĩu, rất đau. [7; 130]

Bảng 1: Thống kê miêu tả ngôn ngữ thân thể qua phần ngoại hiện

Miêu tả

Ngôn ngữ thân thể qua những phần

ngoại hiện

Bộ phận

Mặt

Mắt

Khóc

Cười

1. Chảy đi sông ơi

3

8

4

2

2. Tướng về hưu

1

0

15

9

3. Cún

4

8

9

12

3. Không có vua

3

7

3

14

4. Muối của rừng

1

0

0

3

5. Con gái thủy thần

15

11

6

14

6. Những người thợ xẻ

11

2

5

28

7. Những bài học nông thôn

8

6

8

9

8. Kiếm sắc

3

1

2

4

9. Vàng lửa

2

1

0

1

10. Phẩm tiết

3

2

1

3

11. Thương nhớ đồng quê

3

3

4

9

12. Mưa Nhã Nam

4

2

4

4

Tổng số:

61 lần / 12 tác phẩm

51lần/12 tác phẩm

61lần/12 tác phẩm

111lần/12 tác phẩm

 

Bảng 2 Thống kê miêu tả ngôn ngữ thân thể qua

cảm  giác nội cảm

Miêu tả

Ngôn ngữ thân thể qua cảm  giác

 nội cảm

Cảm giác

Đau đớn

Sung sướng

Tức giận

1. Chảy đi sông ơi

4

0

0

2. Tướng về hưu

3

1

0

3. Cún

3

3

0

3. Không có vua

2

0

0

4. Muối của rừng

1

0

1

5. Con gái thủy thần

4

3

1

6. Những người thợ xẻ

5

1

3

7. Những bài học nông thôn

2

0

0

8. Kiếm sắc

0

0

0

9. Vàng lửa

0

0

0

10. Phẩm tiết

0

0

0

11. Thương nhớ đồng quê

0

0

0

12. Mưa Nhã Nam

0

0

0

Tổng số:

24 lần /12

tác phẩm

8 lần /12

tác phẩm

5 lần/ 12

tác phẩm

 

 

4. Ngôn ngữ thân thể phụ nữ với vẻ đẹp ban sơ, tạo ra sức hút từ những đường cong dịu dàng của những thiếu nữ đặc biệt là người khác phái mà ở đây tôi gọi là sức chinh phục nam tính. Theo quan niệm xưa, “nữ tính” vốn thuộc phạm trù của “âm tính” trong cặp đôi nguyên lý Âm-Dương :

 

 

Âm

Dương

Nữ

Nam

Già

Trẻ

Phương Đông

Phương Tây

Truyền thống

Hiện đại

Văn hóa

       Văn minh

Bị khuất phục, bị động

Chinh phục, chủ động

Tình cảm (trái tim)

Lý trí (bộ óc)

Hướng nội

Hướng ngoại

Nhẹ nhàng, e ấp

Mạnh mẽ, biểu hiện

  

Vẻ đẹp ban sơ toát ra từ ngôn ngữ thân thể người con gái chính là vẻ đẹp trinh khiết vô ngần: “Quần áo ướt dính chặt vào người chị Hiên với cái Khanh. Tôi cứng người vì thấy thân hình chị Hiên với cái Khanh đều tuyệt đẹp. Những đường cong cân đối gợi cảm lạ lùng. Máu rần rật dồn đầy ngực tôi. Chị Hiên gọi. “Hiếu lại giúp tôi”, ánh mắt chị Hiên gặp mắt tôi. Thoáng nhanh, tôi thấy một nét nanh nọc hớn hở trên khóe mắt ấy. Tôi đi lom khom, tôi định nâng rổ cá lên thì chị Hiên như vô ý xáp lại để đùi chạm vào người tôi. Tôi bủn rủn, hàm cứng lại. Một thoáng, tôi thấy chị Hiên nhìn sâu vào đáy mắt tôi rồi đỏ bừng mặt”. [7; 130].  Ở đây, nhân vật Khanh đang là thiếu nữ, cô gái đồng trinh, ngôn ngữ thân thể gợi ra là vẻ đẹp còn khuyết mỏng, e lệ, và đầy trong sáng ngây thơ dường như đã thôi miên chinh phục khát vọng chàng trai phố. Có thể nhận thấy, “tình yêu chớm nở đồng nghĩa với tình dục, đó là tình trai gái, sự thức tỉnh giới tính đầu tiên ở cậu bé” (7). Nó cũng là thứ ngôn ngữ mang vẻ đẹp khỏe khoắn tràn đầy sức sống: “Bua là người thiếu phụ duyên dáng. Người này cao lớn, đôi hông to khỏe, thân hình chắc khỏe, bộ ngực nở nang, mềm mại, nàng lúc nào cũng tươi cười  tràn trề thứ ánh sáng, lúc nào cũng cuốn hút lòng người” [7; 202)]. Còn Muôn trong Chuyện tình kể trong đêm mưa lại có vẻ đẹp vừa hoang vắng, vừa mê đắm, vừa man rợ. Không có vua kể về một gia đình lộn xộn toàn đàn ông gồm sáu người trong đó Sinh là người phụ nữ duy nhất. Có thể nói cô là điểm sáng duy nhất đối lập với những cái bẩn thỉu, tối tăm của cuộc sống quanh mình. Một xã hội bát nháo thu nhỏ, ở đấy, với đầy đủ mọi thành phần, tầng lớp từ thị dân đến trí thức ai cũng có những dục vọng thấp hèn. Một ông bố leo ghế đẩu nín thở ngới nhìn cô con dâu tắm, một người chồng cộc cằn thô lỗ “thương vợ” bằng cái tát… nảy đom đóm mắt. Trong gia đình bệ rạc, bê tha nhơ nháo ấy, tất cả họ chỉ biết có tiền, tiền, tất cả đều bốp chát bon chen và vụ lợi. Vậy mà, vẻ đẹp từ thân thể Sinh vẫn toát ra như một biểu tượng thánh thiện, hiên ngang thách đố, câu thúc cảm hóa con người. Song, ngôn ngữ thân thể và vẻ đẹp của sự hứa hẹn tái sinh, từ bản tính tự nhiên của con người tạo hóa đã chuyển quyền cho phụ nữ nó nằm ngay ở sự thuần khiết, trinh nguyên. Quy trong Những người thợ xẻ đã thể hiện bản năng nữ tính. Người đàn ông tên Bường đã nói: Với cách cặp đùi của nó, nó hoàn toàn cao cả về mặt tinh thần. [7;115]. Với cách cảm nhận của riêng mình, Nguyễn Huy Thiệp đã cho thấy ngôn ngữ thân thể mang vẻ đẹp thánh thiện, vừa hứa hẹn tái sinh và quyền năng sự sống, vừa pha chút gì đó huyền ảo thiêng liêng, nó nửa hư nửa thực vừa gần gũi xa xôi mang một vẻ đẹp cổ tích kết tinh những nét đẹp của Tạo hóa: Ngày ấy ở Hua Tát có một cô gái tên là Pùa da trắng như trứng gà bóc, tóc mượt và dài, môi như son đỏ [7; 197]. Đôi khi, vẻ đẹp phồn thực đó mang một sức mạnh tự nhiên của những xứ miền gợi cảm có khi là những vị thánh biểu hiện cho đức tin bất diệt và tình yêu khát vọng sống cho những người bất hạnh (Cún). Và như vậy, với lòng vị tha ân tình của mình, những người phụ nữ đã tạo cho mình một sức mạnh thánh thần ngang tầm Thượng đế, làm điểm tựa cho sự phát triển, bất tử những giá trị vĩnh hằng được coi là tốt đẹp.

 

 

III. Kết luận

Với người cầm bút để tạo ra một ma lực ngôn từ ám gợi trong lòng bạn đọc đối với tác phẩm của mình là điều rất quan trọng, nếu không, cùng với thời gian, anh ta sẽ mau chóng trở thành cái rơ-mooc mốc xanh giữa đám ga tàu cũ gỉ. Điều lớn nhất mà Nguyễn Huy Thiệp đã đem lại cho độc giả trong những truyện ngắn của mình là những nhận thức về tư tưởng, nhận thức về cuộc đời cao cả hơn là chân lí. Ngôn ngữ thân thể ở đây không phải là ngôn ngữ “thánh thư” mà đã trở thành một phương diện tất yếu và quan trọng gắn liền với tính cách, tâm hồn con người. Nó đa dạng biểu hiện nhiều sắc điệu khác nhau, tạo nên dấu ấn không thể lẫn lộn giữa con người này với con người khác, từ cử chỉ, ánh mắt, giọng nói, điệu cười, có khi là xúc cảm dục tình êm ái hoặc căm hờn, uất giận. Tất cả đều phản quang qua ngôn ngữ tự nhiên thân thể. Thân thể cơ hồ đã tạo thành một không gian biểu đạt, là điều kiện hình thành thế giới ý nghĩa của con người./.

 

 

(1)  Đỗ Lai Thúy, Bút pháp của ham muốn, Nxb Tri thức, H.,2009. tr. 88 sđd.

(2) Nguyễn Hưng Quốc, “Các lý thuyết phê bình văn học”www.tienve.org

(3)  Nguyễn Văn Nguyên, Nhận diện thân thể sáng tác trong văn học Trung Quốc, Tạp chí nghiên cứu văn học tháng 8, 2009. tr. 100

(4) Trần Đình Sử, Ngôn ngữ thân thể- một phương diện văn hóa Trường hợp thơ Bích Khê, nguồn : [kieumai].

(5)  Xem : http://www.eVan‑ Hình thức đa thanh mới qua truyện Nguyễn Huy Thiệp

(6)  Jean Chevalier Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 2002, tr. 573 sđd.

(7) Đỗ Lai Thúy, Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm trong Bút pháp của ham muốn, Nxb Tri thức, H.,2009. tr. 154

 

Abstract

    Body language begins at performance art and becomes a popular movement in the literary region. Body language is evidently expressed in Feminism. In literature, “body” is not only material body, but also having close ties with the soul. Only the soul can makes body become a language. In many of Nguyen Huy Thiep’s short stories, sexuality and body language don’t appear for a moment, but they were strongly reflected. The body language of women which is attached to a primary beauty conquers masculinity and promise of rebirth. The main purpose of this article is to find out the body language in some short stories which were coverd by his concepts of human and life. This is a new way to approach this sensitive question from language aspect.

 

Tài liệu tham khảo :

[1] Antoine Compagnon, Bản mệnh của lí thuyết văn chương và cảm nghĩ thông thường, người dịch : Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Nxb ĐHSP, 2006, 415 tr.

[2] Nguyễn Thái Hòa, Từ điển tu từ-phong cách thi pháp học, tái bản lần thứ nhất, Nxb GD, 2006, 291 tr.

[3] Lã Nguyên, Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12, 2007.

[4] IU.M.Lotman, Cấu trúc văn bản nghệ thuật, in lần thứ hai, người dịch Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy, Nxb ĐHQG HN 2004, 538 tr.

[5] Phạm Minh Lăng, Hiện tượng luận của E. Husserl và sự tự sáng tạo của chủ thể tư duy, nguồn: Hiện tượng luận của E. Husserl và sự tự sáng tạo của chủ thể tư ...

[6] Trung tâm nghiên cứu quốc học R. Wellek và A. Warren, Lí luận văn học, T.s Nguyễn Tiến Cường dịch, Nxb Văn học, 2009. 599 tr.

[7] Nguyễn Huy Thiệp, Truyện ngắn, Nxb Hội Nhà Văn, 483 tr.

[8] Nguyễn Huy Thiệp, Tuyển tập, nguồn : www. Thuvien-eBook.com - Thư viện Sách  Điện Tử đọc trên Máy tính và ...

[9] Nguyễn Văn Trung, Ca tụng thân xác, Nxb Văn Nghệ, 2006, 210 tr.

[10] Nguyễn Văn Nguyên, Nhận diện thân thể sáng tác trong văn học Trung Quốc, Tạp chí nghiên cứu văn học tháng 8, 2009. tr. 100

[11] Trần Văn Toàn, Về một diễn ngôn tính dục trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam...nguồn :http://www. Tran Van Toan –Khoa Ngu van DHSP HN.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020