Nghiên cứu khoa học

Thơ nữ: Giới là một vấn đề


12-10-2020

Nhan đề bài viết này chắc chắn là để gợi đến cuốn sách: Giới có phải là vấn đề, nxb Mĩ Thuật, 2007, tập hợp những bài viết trong một dự án gần đây của trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội xoay quanh vấn đề giới trong hội họa.  Tôi muốn bắt đầu với thơ ca, nhưng không phải là đặt ra một câu hỏi. Và vấn đề giới trong thơ nữ, có thể bắt đầu với Vi Thùy Linh, dù cô không phải kẻ khởi đầu. Hơn thế, mặc dù đến giờ,  tôi chỉ có thể nhìn Vi Thùy Linh như một nhà thơ đã làm xong một phận sự của mình, phận sự cô đã tuyên ngôn - theo đuổi lý tưởng tình yêu -  qua các tập thơ: “Khát” (1999); “Linh” (2000); “Đồng tử” (2005) và “ViLi in love” (2008). (Khi “xong” một phận sự, thơ trở thành quá khứ. Nghĩa là không còn đủ sức quyến rũ để mời đọc lại. Cũng không khiến người ta nghĩ về sự thay đổi để chờ đợi thêm.) Nhưng từ thơ Vi Thùy Linh, lí do xa hơn của bài viết này là chỗ: có lẽ nên nhìn lại cái gọi là “giải phóng phụ nữ” trong thơ Việt từ sau đổi mới 1986, liệu có những liên lụy nào với lý thuyết nữ quyền như một trào lưu văn hóa - xã hội phương Tây thế kỉ XX?

                                                            ***

Vi Thùy Linh có muốn là một thương hiệu, một biểu tượng giải phóng phụ nữ hay không, tôi không rõ, nhưng không thể phủ nhận ở khía cạnh cốt lõi nhất của thơ cô: tình yêu, Vi Thùy Linh đã cuồng lên như ngựa chiến. Có lẽ phải mượn đến một ẩn dụ hoa mĩ rằng Vi Thùy Linh đã cố công tạo dựng một bầu trời huyền thoại - tình yêu, xưng tụng nó với niềm tin cuồng nhiệt, ở thời mà người ta thấy rõ sự bất an và nhất là sự thiếu vắng niềm tin vào các giá trị, các danh xưng. Xuất hiện với hình ảnh người nữ tự tin khỏa thân xuân trong vũ trụ tình, tất nhiên thơ cô dễ là một cú shock - cảm thụ đọc ở một xứ sở mà chỉ cái áo cài khuy bấm thay cho yếm lụa sồi của người nữ cũng đủ làm người tình khốn khổ. Trong đó, “Khát” và “Linh” là thời kì đẹp hơn cả. Tập thơ “ViLi in love”, từ nhan đề, lập tức mang lại cảm giác về một hài kịch tình ái, và tác phẩm chỉ còn là một sản phẩm gò đúc cằn cỗi mà tôi không muốn nhắc ở đây. (Ngoài ra, việc cố gắng triết lý về những vấn đề to tát như thời thế, tuổi trẻ, tổ quốc, cuộc sống, nỗi đau… hay “phản ánh hiện thực” chỉ bộc lộ thêm nhiều tín điều ngây thơ mà cằn cỗi).

Dù thi sĩ nào cũng có thể nói mình sùng bái tình yêu, nhưng theo cách nói của Vi Thùy Linh, tình yêu là một GIÁ TRỊ (và ắt phải viết hoa). Vi Thùy Linh viết, hay đúng hơn, “nói” về tình yêu như thế nào? Tình yêu nơi đây là thiên đường, là thánh ca, để chiêm bái, sùng tín, hầu như không có bóng tối và hủy diệt, chỉ tràn ánh sáng, khai sinh.

                                    “...Người đàn ông đi qua người đàn bà

                                    Sắp xếp khẽ khàng thế giới”

                                                                        (Rừng yêu)

Ở tập “khát”, người nữ ngỡ ngàng bước vào vòm thờ cao vút vọng trời của ngôi đền tình yêu và tự biến mình thành “một tội đồ nông nổi”.

Tình yêu đến tập “linh” đã thêm nhiều sắc dục. Nhưng nó không gợi nỗi sợ ô uế. Người nữ của Vi Thùy Linh lõa thể một cách nghiêm trang cẩn mật: không có xác thịt, chỉ có thân thể hoàn mĩ, đầy sức mạnh và được xưng tụng. Ở những câu đẹp về hình dung, thân thể không cần hiện diện bằng các tuyên bố mà bằng chính ngôn ngữ phơi mở bản năng ướt mướt. Người nữ hành động tự nguyện cuồng si, riết róng vụng dại:

Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em

Làm Thế giới hóa lỏng

(sinh ngày 4 tháng 4)

 “Tôi nhảy hoang dại trong cái muốn

Và vọt lên túm lấy cái sừng bò treo lơ lửng giữa trời, ngậm chặt và cắn”

(một ngày chưa có trong sự thật)

Đến Đồng tử, người phụ nữ làm mẹ và làm thần thánh. Người đàn ông thì (vẫn) đích thực là thánh thần. Đây là chốn ngây ngất, và là thế giới của sinh sôi. (Mặc dù thiên chức làm mẹ mà Vi Thùy Linh mường tượng và khát vọng đôi khi làm người ta nghĩ đến một đứa bé mơ sở hữu và sản xuất một nhà búp bê). Có thể tìm nơi đây một chủ đề ám ảnh, và theo nó là một hệ từ vựng sinh nở: cuộc yêu, khai mạc, e lệ nở, ùa về đòi chào đời, phóng sinh, tung rợp trời, khai hóa, ôm chặt, ghì lấy, nở tận cùng đến chết, đỉnh yêu độc đạo, huyết di truyền đại ngàn - biển cả, buông thõng chiêm bao thiếu nữ, thụ phấn, những cơn lốc sinh nở, đầu thai, giao hoan, đường cong, ngón tay phóng sóng cuồng hoan, thân nhiệt thành quyền lực, mùa yêu lời ca đồng trinh, thịt da phồn sinh..., mùa động tình, cơn gió động tình, hợp cẩn…; những biểu tượng thân xác - vật chất gắn với cảm quan sinh nở hoặc tính giao: bụng (bụng em, bụng trời...), bầu vú, môi lịm, cặp đùi bơ vơ....; những hình ảnh khỏa thân hoặc gợi sự khỏa thân: bàn tay khỏa thân, bông hoa khỏa thân, trút bỏ, thoát y.... Thân thể người nữ giao hoan, tỏa sức sống vào không gian, bằng gương mặt, bằng ngón tay, bằng ngón chân, bằng mùi hương.... Nhưng Khỏa Thể trong thơ Vi Thùy Linh, không nhục dục mà thanh tân, thậm chí nhiều khi còn Đức Hạnh.

 Có thể nói, tình yêu trong tập Khát, lãng mạn nhưng nghèo nàn, học trò, tình yêu trong Linh đã bứt lên và bung nở, đến Đồng tử, với phần I (Nhật thực) và phần III (Những cặp chân khóa chặt nhau khước từ chân lí) tình yêu mới đến độ mãn khai bằng từ ngữ. Ngôn ngữ thơ vững vàng hơn với những hình ảnh mở rộng, ẩn dụ, liên tưởng và hệ từ vựng đặc trưng.

   Về mặt bút pháp và ngôn ngữ, nỗ lực của Vi Thùy Linh không đi được xa. Sự lôi cuốn của những tự sự bộc trực, thẳng băng, những từ Mãnh liệt, Gợi cảm, Cuồng nhiệt đã cằn theo thời gian. Nỗ lực tạo hình bằng so sánh, liên tưởng, tạo những hình ảnh siêu thực, tượng trưng… gợi cảm rải rắc giữa một hỗn độn từ ngữ sáo mòn mà người đọc phải chắt lọc lấy. (Chẳng hạn: “Một mình cô gái nâng mình lên cao/ Chầm chậm trôi chạm vòm xanh hai hàng cổ thụ dưới mặt trời hực hỡ”; “mặt trời mải miết bò như giọt nước mắt khổng lồ nóng rực”…).  Hơn thế, bởi là một kẻ quá nhiều lời (trong thơ), Vi Thùy Linh sinh ra đầy rẫy những câu tầm thường, phục trang lòa xòa mà trong vai một nhà thống kê lụ mụ, tôi có thể nhặt dễ dàng: lối dùng từ “chết bẹp”, mòn sáo: đau đớn, ngổn ngang, xé lòng…; những cách nói tuyệt đối hóa nhàm chán: linh giác, sự định đoạt của số phận, hạnh phúc an bài, dấu của định mệnh, con người làm nên tất cả, con người là nỗi đau, vắt mình đến giọt sống cuối cùng, đau đớn tột cùng, vòng quay hối hả, đường hò hẹn, đỉnh cao im lặng, giọt đêm, khuông nhạc, mắt sông thao thức, nỗi buồn nằm nghiêng, bóng tối òa vỡ, lời tím…. Như tất cả các diễn đạt mòn sáo, cái “hiệu quả” rõ thấy nhất là chúng góp phần đắc lực cho việc thể hiện cái Giả Tạo của đời sống, đúng hơn, cái tính chất Nhân Tạo, đi kèm với sự đại ngôn và lí tính. Đứt gãy, bất ổn không có trong thơ cô. Vi Thùy Linh là kẻ nhẫn nại đuổi bắt lí tính và tin vào lí tính, một nỗ lực rời rã mệt mỏi. Đó là lí do tại sao Vi Thùy Linh không bộc lộ trong thơ cái “dấu hiệu” của đổi thay, mà người đọc dễ cảm nhận được trong những tác phẩm giàu năng lượng. Ngôn ngữ nhận dạng và lật tẩy con người, ở ý nghĩa đó. Điều rõ ràng: bút pháp thơ Vi Thùy Linh thuộc về một quan niệm thẩm mĩ đã bị vượt qua và nhất là không còn sức khơi gợi. (Còn việc câu chữ Vi Thùy Linh gợi ảnh hưởng người này người khác, như Xuân Hương, Dương Tường, Dư Thị Hoàn v.v... không có gì nghiêm trọng. Cũng như sau đó, không thiếu những cái bóng nhợt nhạt theo cô).

Nhưng không thể phủ nhận sự cuồng nhiệt “lõa thể khát vọng”, những tuyên ngôn, rơi vào một thời điểm thuận… góp phần vào sự hình thành danh tiếng Vi Thùy Linh. Chính ở chỗ "loã thể khát vọng" này, Vi Thùy Linh tìm được niềm đồng cảm của một bộ phận người đọc khi đó, nhất là những người phụ nữ trẻ hay tưởng mình trẻ, vốn bị kiềm tỏa, muốn vùng vẫy xóa bỏ mặc cảm. Nhưng nhìn ở khoảng cách khác, sẽ thấy những lúc sắc dục “ham” hướng đến platon quá, thơ bị khoác áo đạo đức một cách hơi làm dáng quá đà [1]. Một thứ tình yêu rườm lời, hớn hở, duy mĩ nhưng là một thứ chủ nghĩa duy mĩ không trọn vẹn, và do đó trở thành cao giọng. Hơn thế, chính khi tuyên ngôn về việc xóa bỏ mặc cảm, thơ Vi Thùy Linh lại tạo ra một ảo tượng đầy mặc cảm: người nam được tôn vinh như đấng sáng thế, người phụ nữ tự đóng đinh lên cây thánh giá giới tính của chính mình. Vi Thùy Linh đã muốn đánh thức phần lãng mạn trong mỗi chúng ta, kêu gọi lòng tin vào cái đẹp, nhưng bởi gióng chuông quá mạnh, tiếng chuông đã đẩy thơ ra ngoài lĩnh vực của thơ ca. Bởi tham vọng huyền thoại, Vi Thùy Linh lại chiếm đoạt quyền được sống tự nhiên của tác phẩm và sự thưởng thức của người đọc. Vi Thùy Linh phục hưng những giá trị đã/đang mất giá, hay mãi là đứa trẻ mê huyền thoại? Vi Thùy Linh tìm về với nguyên tính của loài người hay từ những bồng bột đẹp của tuổi trẻ, cô ăn bám chính mình và biến thành mannequin kiên trì một phục trang?

Vậy là trong khi xác tín thân phận một cách quyết liệt, Vi Thùy Linh lại ở vào tình thế khó đi đến tận cùng. Như thể cô đã xong vai trò nhà thơ của tình yêu mà cô hướng tới. Kẻ xác tín luôn tự đeo cho mình một chiếc gông của giới hạn. Nhưng ý nghĩa có thể nằm ở chính giới hạn đó.

***

Từ chủ đề tình yêu trong thơ Vi Thùy Linh, cần phải hiểu việc giải phóng phụ nữ trong thơ như thế nào?

Có vẻ như thi sĩ là người luôn bị/được hiểu nhầm. Người nữ vốn bạo liệt trong đời hơn trong thơ. Hơn thế, ngôn ngữ tự nó là một sự ngăn chặn, một quy ước, một định chế; chúng ta hồn nhiên thưởng tranh Renoir nhưng nói ra lại là một sự vi phạm.  Tôi muốn khẳng định: tình yêu trong thơ cô không rốt ráo ở tình dục, để bác lại ý kiến Vi Thùy Linh là kẻ khởi đầu cuộc cách mạng tình dục trong thơ Việt. Nhìn lại, thơ Vi Thùy Linh là biểu hiện trẻ hơn, ở mức độ cuồng nhiệt hơn của “ ý thức tính nữ” cùng những áp lực của lịch sử, thời đại lên nó, trong thơ nữ Việt, giữa một loạt giọng nữ khác nhau xuất hiện trước hoặc cùng thời điểm đó: Đinh Ý Nhi, Lê Thị Mây, Phạm Thị Ngọc Liên, Lâm Thị Mĩ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến, Dư Thị Hoàn… Đây là chân dung một giai đoạn: các nhà thơ đòi người nữ được là người nữ như họ cảm thấy, không phải như xã hội hay người nam áp đặt lên. Họ chấp nhận, hay bất chấp những điều tiếng, những quy tắc, bất chấp cả sự đau khổ, để không chỉ là người nữ với lo toan, bổn phận… mà còn là đòi hỏi, nhu cầu, khát vọng.

Sự quy định giới tính (gender) thực ra là những tiêu chí áp đặt từ một xã hội, một cộng đồng và quan niệm về giới cũng biến đổi theo từng thời kì khác nhau. Bản thân giới tính tạo áp lực riêng trong nghệ thuật ( không riêng gì văn chương ), cả ở sáng tác và người thưởng thức. Hoàn cảnh chiến tranh của Việt Nam đã khiến thơ nữ một giai đoạn gần như phi - giới tính, hay bị “nam hóa”. Do đó, ý thức về tính nữ như một đòi hỏi, nhất là đòi hỏi về thân thể, là một bước chuyển quan trọng. Chính thế nên khi cô gái của Dư Thị Hoàn tự sự “sau giây phút êm đềm trên ghế đá; Anh không cài khuy áo ngực cho em” mới thành chuyện động trời! Dư Thị Hoàn khẳng định niềm kiêu hãnh nữ tính của những người nữ chịu đựng áp lực nặng nhọc của lịch sử và số phận, chịu đựng với sự quả cảm và lòng kiêu hãnh. Nên thơ Dư Thị Hoàn viết về tình yêu, về thân phận người nữ không bay bổng thanh thoát mà dồn nén, sâu xa, xiết chặt, đầy ẩn ức, dằn vặt.

Vi Thùy Linh đẩy bản năng đi xa hơn: khao khát tận hưởng hoan lạc thân thể trong/cùng tình yêu sáng tạo thế giới. Vi Thùy Linh không khiêu khích mà khẳng định: người nữ cần được thụ hưởng những cảm xúc thân thể của/sinh ra trong tình yêu, trong dâng hiến, chứ không phải là độc quyền của người nam. Đây là một điểm nhấn ở thời điểm cô xuất hiện, khi mảng đề tài này còn muốn khép nép trong chiếc áo nữ tu và vẫn bị “nắn gân” bởi những giọng đạo mạo. Rõ ràng, tình yêu trong thơ nữ Việt giai đoạn này đã không chỉ là một chủ đề “thuần túy, vĩnh viễn” của thơ ca, mà nó khăng khít với ý thức về tính nữ, là một chủ đề thích hợp để bộc lộ sự phản kháng về mặt xã hội. Đi kèm với sự cuồng nhiệt và những dịp nổi danh, Vi Thùy Linh khiến người ta phải chú ý đến thơ nữ và thơ nữ trẻ, trước và sau cô, với nhiều tác giả mà tác phẩm có thể ở lại với bạn đọc lâu hơn tác phẩm của cô nữa. Nhìn lại trước đó, năm 1992, nxb Hội Nhà Văn đã giới thiệu tập thơ thứ ba của Phạm Thị Ngọc Liên, một giọng nữ dữ dội, có cái bạo liệt điên cuồng của cay đắng lẫn khát khao: “Em muốn giang tay giữa trời mà hét”. Nhưng Phạm Thị Ngọc Liên là một số phận thơ khác, có thể một phần bởi tập thơ xuất hiện ở thời điểm sinh hoạt văn chương ở Việt Nam - khi chưa thịnh hành internet, như thời điểm của Vi Thùy Linh - khó gây ồn ào hơn với bạn đọc.

Tất nhiên, không phải nép sau chữ sex hay thân thể là giải phóng phụ nữ. Liên hệ một cách không thấu đáo, như một gợi ý chứ không phải như một điểm tựa lý thuyết tham chiếu ( bởi sự liên hệ thấu đáo đòi hỏi phân tích kĩ lưỡng lý thuyết và các vấn đề của nó) tới lý thuyết nữ quyền (feminist theory)[2] trong văn chương ( không phải trong xã hội) sẽ thấy vấn đề này trong thơ nữ Việt cần được phân tích sâu hơn. Có thể nói, ý thức tính nữ trong thơ nữ Việt từ sau đổi mới đến Vi Thùy Linh, là giai đoạn chuyển động đầu tiên: phá dỡ dần định kiến xã hội lên người nữ, đòi hỏi được nói tiếng nói cá nhân, tái hiện kinh nghiệm nữ giới trong văn chương, trong điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội thay đổi. Nhưng ngay cả đến Vi Thùy Linh, sự trở về với tính nữ vẫn bị trói buộc hoặc bí bức trong chiếc áo thít chặt của đạo đức và tổ chức xã hội. Dẫu cuồng nhiệt, Vi Thùy Linh cũng chưa (có ý) phá vỡ áp lực quá nặng nhọc của bối cảnh và truyền thống thơ lên thân xác và tinh thần thơ ca Việt khi đó: Một kiểu tính nữ tự coi mình như nô lệ của đàn ông, chứ không phải là một hưởng thụ tự nhiên... Áp lực này luôn mạnh mẽ ở những nước mà cả trong đời sống lẫn trong thụ hưởng nghệ thuật, cái đuôi ràng ríu của vấn đề giới tính vẫn rất nghiêm trọng; tất yếu, nó sẽ phải to tiếng, cao giọng và nặng nề.

Đó chính là giới hạn của quan niệm, nhưng cũng là điều kiện cho sự bùng vỡ quan niệm mới. Giới tính (gender) và tình dục (sex) ở đây chưa được đặt ra thành một vấn đề văn hóa - xã hội có tính phản biện, như khi Eve Ensler đem lại tự do cho tiếng nói của âm hộ trong “The Vagina Monologues” [3]. Có những dấu hiệu khác khi nhìn rộng hơn ở bối cảnh văn chương hiện nay, với những cây bút Việt hải ngoại như Lê Thị Thẩm Vân, Đỗ Lê Anh Đào, hay ngầm trong sáng tác của Nguyễn Thúy Hằng, Phương Lan… Văn xuôi gần đây cũng đặt ra hàng loạt các vấn đề liên quan: văn chương đồng tính, văn chương viết về tình dục… Nhưng điều quan trọng không phải ở chỗ văn chương Việt Nam đề cập hay không đề cập đến những vấn đề đó, mà ở chỗ: những tác phẩm đó có đem lại những lý giải về văn hóa, xã hội, tâm lý… xung quanh câu chuyện giới và tình dục hay không? Đó là những thông điệp lật tẩy hiện trạng cấm kị của xã hội - đời sống và xã hội - văn chương, nghệ thuật hay là một hứng thú thẩm mĩ đơn thuần? Nếu cứ luẩn quẩn trong chiếc áo đạo đức và tự quấn chặt mình vào những sợi dây thít buộc của xã hội và khuôn phép văn chương, thì cả sáng tác và việc bàn luận xung quanh nó, cũng chỉ mãi luẩn quẩn và tốn nhiều giấy mực.[4]  

Không bao giờ thơ ca và con người trở lại được với những tín ngưỡng bản nguyên mà yoni và linga được thờ phụng thiêng liêng; mọi ý thức và nỗ lực đều là kết quả và biểu hiện của cái đã tha hóa, đã rời bỏ con người, chỉ có thể tìm cách chiếm đoạt lại, bằng hành động và ngôn ngữ. Nhưng cũng từ nhận thức đó, đặt trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam, “giới” rõ ràng là một vấn đề, mà người đọc đợi các tranh luận nghệ thuật xoay quanh vấn đề này đem lại những lý giải cụ thể và không áp chế. Không phải là kêu gọi giải phóng, mà đưa ra những phản tư độc lập gắn với hoàn cảnh xã hội mới giúp người viết nữ (cũng như những người làm ở lĩnh vực nghệ thuật khác) ở Việt Nam thoát khỏi dần ám ảnh về phận nữ để lên tiếng về các vấn đề giới tính một cách thẳng thắn, không nô lệ.

                                                                                                            7/ 2007  - 7/2009

Sửa lần cuối 9.2009

.                                                                                                           Nhã Thuyên

 


[1] Có thể so sánh với thơ Hàn Mặc Tử, thân xác thơm tho, ám ảnh, Đẹp và Dị: “Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc” “Da thịt trời ơi trắng rợn mình”. Bích Khê tuyên ngôn song chiếu Đẹp và Dâm nhưng thơ lại là sự chiêm ngưỡng và không hề khiêu (khích) dâm: “ Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi; Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng; Và lồ lộ một tòa hoa nghiêm động!”

 

[2] Bởi nữ quyền luận (feminism), trong đó có lý thuyết nữ quyền (feminist theory) là một hiện tượng phức tạp, khó bao quát, có thể xem định nghĩa ngắn gọn của Jonathan Culler trong “Literary theory: a very short introduction”, Oxford university press, 1997. Mục từ “feminist theory”.  Lý thuyết nữ quyền đảm trách việc xây dựng lại vị trí của giới nam/ nữ trong bối cảnh lịch sử văn hóa phương Tây, một phiên bản của hậu cấu trúc luận nhưng đây cũng chỉ là một nhánh của  nữ quyền luận – như một chuyển động xã hội chứ không phải như một trường phái thống nhất. Một mặt, lý thuyết nữ quyền khẳng định bản sắc phụ nữ, đòi quyền cho phụ nữ và thúc đẩy văn chương nữ như một cách tái hiện kinh nghiệm nữ giới. Mặt khác, thuyết nữ quyền thực hiện một phê phán có tính lý thuyết về ma trận tình dục khác giới – điều giữ vai trò tổ chức bản sắc và văn hóa – trong sự phân biệt giữa nam và nữ. Tuy nhiên, lại cần phân biệt với chủ nghĩa nữ quyền Pháp (French feminism) mà “phụ nữ” được coi như đại diện cho lực lượng cấp tiến lật đổ các quan niệm, giả định và cấu trúc của diễn ngôn đực tính. Các nhà lý thuyết khác nhau cũng đưa ra các quan niệm và hướng tiếp cận khác nhau.

[3] Bản dịch của Hoàng Ngọc _Tuấn: Độc thoại âm hộ. www.tienve.org

 

[4]Xem thêm một số bài viết: “Thơ nữ trên hành trình cắt đuôi suffix nữ” – Inrasara trên www.tienve.org.  Những họa sĩ như  Đinh Ý Nhi, Đinh Thị Thắm Poong, Lý Trần Quỳnh Giang…cũng đem lại những quan niệm chuyển động về người nữ  trong hội họa. Trường Đại học Mĩ Thuật Hà Nội cũng đã xới lên câu hỏi: “Giới có phải là vấn đề?” trong một dự án gần đây. (Tập hợp trong cuốn: Giới có phải là vấn đề, nxb Mĩ Thuật, 2007)

 

(Source: Khoa Ngữ văn - Đào tạo Cao học )

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020